Nguyên tác: Peace Through Inner Peace
Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma, Minneapolis 2011
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển
Trân trọng ông chủ tịch (hỏi người thông dịch) của trường đại học Minnesota nổi tiếng và to
lớn này – (thính chúng cười) tôi phải
chắc chắn những tên tuổi này, những thứ này – tâm trí tôi không quá đáng tin cậy
hay tốt lắm với những chi tiết. Quý vị đã tặng tôi bằng cấp danh dự này, nên
tôi cảm ơn rất nhiều. Tôi thường nói, khi tôi nhận loại bằng cấp danh dự loại
này, rằng tôi đã có một học vị cao cấp đặc biệt rồi, có được mà không qua học tập.
Tôi chắc rằng những người bình thường, nhằm để có được một bằng cấp loại này,
thì cần nổ lực rất nhiều. Và rồi, đặc biệt cảm ơn cho chiếc mũ này. Đôi khi tôi
chú ý rằng những người đầu hói yêu thích những chiếc nón. Tôi không muốn che dấu
chiếc đầu trọc của tôi. (Cười) Vậy
thì, sau mười năm, một lần nữa, tôi lại ở đây. Và mỗi lần mọi người thật sự biểu
lộ cảm nhận chân thành, nhân bản, ấm áp. Tôi rất cảm kích điều đó.
Từ phía tôi cũng thế, bất cứ khi nào gặp gở mọi người, bất
chấp văn hóa của họ là gì, bất chấp tín ngưỡng, hay màu da của họ là gì, thì
tôi luôn luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của cấp độ nền tảng mà trên ấy chúng ta
cùng là những con người giống nhau – tinh thần, cảm xúc, thân thể chúng ta là
giống nhau. Và, quan trọng hơn, mọi người – kể cả thú vật và côn trùng – muốn một
đời sống hòa bình, không muốn những quấy rầy, và mỗi người có quyền để có một đời
sống hạnh phúc thành công. Và rồi thì, dĩ nhiên, một học viện giáo dục như vậy
là rất, rất quan trọng, vì não bộ của con người chúng ta có tiềm năng vĩ đại
cho kiến thức tăng trưởng.
Vậy nên, những học viện giáo dục như trường đại học này,
tôi nghĩ, cống hiến sự hổ trợ tuyệt diệu để phát triển tiềm năng này. Hệ thống
giáo dục hiện đại, mức độ mà tôi biết, đã bắt đầu khoảng một nghìn năm trước ở
lục địa châu Âu, như những học viện giáo dục riêng biệt. Vào lúc ấy, những học
viện tôn giáo chăm sóc những khía cạnh đạo đức, tâm linh, và luân lý của tâm thức.
Những học viện tôn giáo chịu hoàn toàn trách nhiệm cho khía cạnh tâm linh này.
Và cũng thế, tôi nghĩ có sự nhấn mạnh rất nhiều về những giá trị gia đình. Vì vậy,
vào lúc ấy, những học viện giáo dục được phát triển một cách mới mẻ, được thành
lập một cách mới mẻ chỉ quan tâm về sự
phát triền và giáo dục não bộ. Thời gian trôi qua và sự ảnh hưởng của Nhà thờ
cũng suy thoái một ít, cũng như các giá trị gia đình. Do vậy, học viện giáo dục
tự nó bây giờ nên chăm sóc của những khía cạnh này – về kiến thức và lòng nhiệt
tình. Vì thế ở đây, dường như rằng chúng ta không chú ý tương xứng để phát triển
và duy trì tâm bi mẫn thương cảm của con người.
Chúng ta đang bắt đầu thế kỷ 21. Nói một cách tổng quát,
tôi nghĩ cả điều kiện vật chất hiện đại và nền giáo dục hiện đại và phát triển
rất cao. Tuy nhiên, điều đó không nhất thiết giảm thiểu vấn nạn của nhân loại.
Thí dụ, trong lịch sử loài người, tôi nghĩ thế kỷ 20 là quan trọng nhất. Trong
thế kỷ ấy, một cách chính yếu nhiều phát minh và cải cách xảy ra trong lãnh vực
của khoa học và kỷ thuật; cũng vậy trong kinh tế và trong giáo dục, đã phát triển
nhiều.
Tuy nhiên, theo một số nhà sử học, trong thế kỷ 20, số lượng
con người bị giết qua bạo động, qua chiến tranh – ngay cả qua nội chiến – là
khoảng 200 triệu. Tôi nghĩ về tất cả những thế kỷ đã qua, con số lớn nhất của
các tai họa qua bạo động là trong thế kỷ 20. Và cũng thế, như một kết quả của
sáng chế trong kỷ thuật và khoa học, vũ khí nguyên tử được phát triển... Vũ khí
tàn phá vô cùng này đã đem đến nhiều sợ hãi và lo lắng hơn cho hành tinh này –
những thành tựu thật sự phi thường này của não bộ con người mang đến nhiều sợ
hãi hơn cho thế giới. Vậy thì, điều gì sai lầm – não bộ? Ô, tri thức là kỳ diệu.
Nhưng rồi thì, tôi sợ các nguyên lý đạo đức đang thiếu vắng. Vì thế, do bởi những
kinh nghiệm quá khứ, tôi nghĩ rằng bây giờ đã đến lúc cho chúng ta nghĩ về vấn
đề chúng ta cần trau dồi và duy trì một hệ thống nhạy cảm của đạo đức luân lý.
Đạo đức luân lý là gì? Tôi nghĩ chính chữ “đạo đức” là
liên hệ với tâm thức và cảm xúc, mà không phải với vật chất. Chúng ta không thể
nói, trên căn bản của vật chất đạo đức là khó khăn. Đạo đức liên hệ đến phẩm chất
tinh thần. Vậy nên, chắc chắn, những tâm thức hay cảm xúc hay động cơ ấy những
thứ mang đến sự thoải mái, hạnh phúc, và vui sướng, thì đó là đạo đức. Động cơ
hay cảm xúc, mang đến sợ hãi, đau khổ, mất lòng tin, thì những thứ này là phi đạo
đức. Do thế, chúng ta những con người, là những tạo vật xã hội, và để tồn tại
thì chúng ta cần những cộng đồng loài người. Đó là tự nhiên của con người. Tự nhiên
đã tạo chúng ta như những tạo vật xã hội, cho nên hợp tác chân thành là rất cần
thiết. Ngay cả những côn trùng nhỏ hay chim chóc hay thú vật không tôn giáo,
không hiến pháp, không chính phủ, nhưng tự nhiên, chúng hoạt động với nhau, và
hợp tác.
Một cách căn bản, chúng ta cũng là những tạo vật xã hội
và thật sự cần hợp tác. Nhưng sự hợp tác chân thành không thể được phát triển bằng
sức mạnh, bằng tiền bạc, bằng năng lực – nó hoàn toàn căn cứ trên tình thân hữu.
Tính hữu nghị là hoàn toàn căn cứ trên sự tin tưởng và sự tin tưởng căn cứ trên
sự cởi mở. Nếu quý vị nhìn vào sự cởi mở và trung thực khác, nói năng và hành động
một cách trung thực và chân thật, vốn mang đến sự tin tưởng. Tin tưởng mang đến
tình bạn; và tình bạn mang đến sự hòa hiệp và hợp tác chân thành. Vậy nên, tôi
nghĩ, yếu tố căn bản cho sự cởi mở hay tin tưởng là nhiệt tình.
Nếu ta xem những người khác, cũng giống như chúng ta, muốn
hạnh phúc và không muốn khổ đau thì ta sẽ thấy rằng thật không hợp lý để làm tổn
hại, lừa gạt, và dối trá với người khác. Nếu ta bị lừa gạt bởi một người nào
đó, ta cảm thấy không thoải mái. Do vậy, phù hợp với kinh nghiệm của chính ta,
chúng ta phải tránh bất cứ hành vi thân thể, lời nói, và tâm ý vốn mang đến sợ
hãi, tổn hại, hay làm người khác không thoải mái. Những thứ này là phi đạo đức.
Những hành vi của thân thể, tâm ý và lời nói mang đến hạnh phúc và vui vẻ -
không chỉ tạm thời mà cũng là về lâu về dài – thì đây là những thứ đạo đức.
Vậy thì bây giờ vấn đề là, theo tự nhiên, tất cả chúng ta
có tiềm năng cho nhiệt tình, vì tất cả chúng ta đến từ của các bà mẹ của chúng
ta, và chúng ta đã lớn lên dưới tình cảm vô biên của những bà mẹ. Tất cả chúng
ta có cùng kinh nghiệm. Điều đó là rất, rất quan trọng. Tình cảm vô biên vào
lúc ấu thơ thật sự làm nên một sự khác biệt cho toàn bộ đời sống của chúng ta.
Bây giờ là kinh nghiệm của riêng tôi – tôi đến từ một vùng rất xa xôi, hẻo
lánh, vùng đông bắc của Tây Tạng. Đặc biệt, ngôi làng của tôi, và rất xa xôi và
nhà tôi là một nông trại. Cả cha mẹ tôi đều mù chữ; tuy nhiên, mẹ tôi thì rất
nhân từ và một bà mẹ rất tốt. Do thế, chúng tôi, những đứa con của bà, lớn lên
trong không khí ấy. điều đó tôi nghĩ thật sự có một tác động vô biên.
Đôi khi, tôi nói đùa với các bạn của tôi, mẹ tôi yêu
thương tôi hơn. Tôi là đứa con nhỏ nhất của bà. Thông thường bà mẹ trải rộng niềm
yêu thương cho tất cả, nhưng đặc biệt cho đứa con bé nhất của bà. Do thế điều
đó tôi hơi bị hư hỏng đôi chút, tôi nghĩ thế. Trong một ngôi làng, bà mẹ thường
mang đứa bé trên vai – mẹ tôi cũng thế, thường mang tôi. Bà yêu thương tôi lắm
vì thế mà tôi hơi hung hăng. Cho nên trong khi tôi ngồi trên vai bà, tôi nắm
hai lỗ tai của bà – khi tôi muốn đi hướng này, tôi làm thế này, và cho hướng nọ
tôi làm thế nọ. (Diễn kéo lỗ tai) Nếu
mẹ tôi không đi hướng ấy, thế thì tôi khóc và đôi chân tôi làm thế ấy. (Diễn đá chân) Vì vậy, trong bất cứ cách
nào đi nữa, tôi cũng cảm thấy một niềm ấm ấp tự nhiên xuất phát từ mẹ tôi.
Và rồi, rõ ràng, nếu chúng ta thẩm tra mỗi cá nhân một
cách toàn diện, những ai bề ngoài có vẻ hiểu biết là thông minh. Nhưng, ở một
trình độ sâu xa, những ai đã tiếp nhận tình cảm tối đa từ những bà mẹ của họ
vào lứa tuổi ấu thơ là trầm tĩnh hơn và ít sợ hãi – họ có một cảm giác an toàn.
Một số người có thể là rất thông tuệ, học vấn cao hay nổi tiếng, nhưng nếu họ vốn
tiếp nhận ít tình cảm hay đã từng bị ngược đãi, thì sâu thẩm bên trong có một cảm
giác gì đó không an toàn. Những người như vậy thấy khó biểu lộ tình cảm thật sự
cho những người khác. Cho nên cả đời của họ, sâu bên trong, họ mang một cảm
giác cô đơn nào đó – họ bất lực. Đó là kinh nghiệm chung của chúng ta.
Cho nên tất cả chúng ta có tiềm năng của lòng nhiệt tình,
vốn chúng ta tiếp nhận từ những bà mẹ và những người bạn của chúng ta. Thế thì,
rõ ràng, chúng ta nhìn mọi người hay các gia đình của chúng ta. Các gia đình đầy
những tình thân và tình bạn là hạnh phúc trọn vẹn ngay cả nếu họ có thể không
giàu có gì. Rồi thì, có những gia đình vốn giàu có và đầy quyền lực, nhưng có một
sự nghi ngờ, ganh đua, và thiếu tình cảm chân thật hay sự tin tưởng trong những
thành viên của gia đình. Như một trình độ thật sự của con người về hạnh phúc
hay hài lòng chân thật, họ khiếm khuyết nhiều. Điều đó là rõ ràng.
Và đôi khi, tôi diễn tả nó như cánh cửa bên trong của
chúng ta vốn mở rộng và qua con đường ấy, thì chúng ta có thể dễ dàng giao tiếp
với những người khác và tạo nên tình bạn. Trái lại, một thái độ cực kỳ vị kỷ
làm cho chúng ta đóng cánh cửa bên trong lại. Thật khó mà giao tiếp với những
người khác. Cũng thế, khi chúng ta chỉ nghĩ về mình, cái nhìn tinh thần toàn diện
của chúng ta trở thành rất hạn hẹp. Và với quan kiến hẹp hòi ấy, ngay cả những
rắc rối nhỏ nhoi xuất hiện như không thể chịu nổi với ta. Khi chúng ta nghĩ nhiều
về sự cát tường của những người khác thì tâm tư chúng ta có được một nhận thức
rộng rãi hơn, ngay cả một vấn đề thật sự nghiêm trọng cũng hiện hữu như không
sao, okay. Nó có thể vẫn là không may và xấu, nhưng nó okay, bởi vì thái độ của
ta mở rộng. Quá nhiều suy nghĩ vị kỷ, sẽ đưa chúng ta đến sự nguy hiểm hơn của
phiền muộn và đau tim.
Đến một sự mở rộng nào đó, tôi cũng có thể nói với quý vị
là điều này đến từ kinh nghiệm của riêng tôi. Tôi nghĩ thể trạng tinh thần của
tôi tương đối khá yên bình. Ngay cả khi trải qua những thời điểm khó khăn nào
đó, tâm tư của tôi hoàn toàn điềm tĩnh. Không bởi vì nó mờ tối – tôi nghĩ tôi
có một tâm thức hoàn toàn sắc bén – nhưng sâu bên trong, có cảm nhận của tình cảm
và quan tâm cho sự cát tường của người khác. Cũng thế, tôi thật sự xem những
người khác như anh chị em của tôi. Họ có thể có những nhận thức và quan tâm
khác biệt, nhưng họ vẫn là những con người. Thái độ đó thật sự hổ trợ vô vàn để
giữ sự hòa bình của tâm hồn, vốn rất hữu ích để giữ một thân thể khỏe mạnh. Cho
nên đôi khi chúng tôi gọi nó là tâm-khỏe-thân-khỏe. Chúng ta không được chỉ
chăm sóc sức khỏe của thân thể. Tiền tài, những tiện nghi vật chất, và cũng thế,
học vấn chính yếu biểu lộ cho quan tâm về sự thịnh vượng vật chất, vốn không đầy
đủ. Phải có một chương trình nào đó để học hỏi về tâm thức chúng ta và vấn đề
giải quyết những cảm xúc tàn phá như thế nào.
Bây giờ ở đây, tôi thường cảm thấy rằng có ba cách để
thúc đẩy những giá trị nội tại này. Một là tôn giáo hữu thần – khái niệm về Thượng
đế, vốn là rất năng lực để gia tăng từ ái và bi mẫn. Trong một trường hợp ở Jerusalem,
tôi đã thảo luận với những giáo viên nào đó. Một người giáo viên Do Thái giáo
đã nói với hội nghị của chúng tôi rằng ông thường nói với học trò của ông, “Khi
các em gặp những người kích động các em, thì hãy nghĩ rằng người ấy là được làm
từ hình ảnh của Thượng đế. Như vậy sẽ rất hữu ích.” Thế nên, trong những học
sinh của ông ấy, có một số người Palestine và một số là Do Thái. Sau này một số
học sinh người Palestine đã nói ông, “Sau khi nghe lời khuyến tấn và dạy dỗ của
thầy, chúng em thực tập mỗi khi chúng em đến gần những trạm kiểm soát Israel.”
Một trong những người bạn Hồi giáo của tôi đã nói với tôi rằng, như những người
thực hành chân thành của Hồi giáo, bạn phải mở rộng tình thương của bạn đến tất
cả mọi tạo vật. Vì bạn tôn kính và mến yêu Allah, thì bạn phải mở rộng tình
thương của bạn đối với toàn thể tạo vật của ngài. Đây là một sự tiếp cận hữu thần
rất hợp lý.
Rồi thì, có những truyền thống tôn giáo vô thần, như Phật
giáo và Kỳ na giáo. Họ tuân theo quy luật nhân quả, cho nên không có Thượng đế
- không có khái niệm Thượng đế hay đấng tạo hóa. Phù hợp với điều đó, nếu bạn
giúp đở hay làm những việc tốt đẹp cho những người khác, thì bạn sẽ được những
lợi lạc. Nếu bạn làm tổn hại một người khác, thì bạn sẽ có những hậu quả tiêu cực.
Sự tiếp cận đó cũng rất lợi ích để làm gia tăng một cảm giác quan tâm cho sự
cát tường của những người khác.
Rồi thì phải có một cách thứ ba, vì những giá trị này
chúng ta không nói về sự quan tâm đến thiên đàng, địa ngục hay kiếp sống tương
lai. Chúng ta đơn giản chỉ nói về sự cát tường trong kiếp sống này - ở những
trình độ của gia đình và cộng đồng. Như tôi đã đề cập trước đây, đầu tiên chúng
ta học hỏi từ những bà mẹ của chúng ta – cho dù chúng ta là những người tín ngưỡng
hay không tín ngưỡng. Cho nên bản năng để nhận và cho tình yêu và nguyên tắc đạo
đức này tự nó là thế tục, và không phải căn cứ trên đức tin tôn giáo. Tất
nhiên, tất cả những tôn giáo quan trọng nhấn mạnh tầm quan trọng của những thứ
này và có một phương pháp để làm mạnh sự thực hành này và những giá trị này.
Nhưng những giá trị này tự chúng đúng là bản chất nhân tính – một bộ phận của
tâm thức con người và cảm xúc con người. Do vậy, vì đối tượng tự nó, nói một
cách nghiêm chỉnh, là thế tục, không có gì với tôn giáo. Ngay cả những con vật
cũng ưa thích tình cảm. Các con vật cũng có khả năng để trông nom những con cái
của chúng. Đây là những nhân tố sinh học, không phải là điều gì đó có được từ
giáo lý tôn giáo. Vậy nên, nó là điều gì
đó thế tục. Do thế, cũng phải nên có một cung cách để thúc đẩy điều này trong một
cung cách thế tục.
Như tôi đã đề cập trước đây, do sự kiện là chúng ta cùng
đến từ những bà mẹ của chúng ta, và việc sử dụng cảm nhận chung, thì chúng ta
thấy rằng tình cảm gia đình là hạnh phúc hơn nhiều hơn cả. Những nghiên cứu khoa
học cũng hổ trợ sự quán sát này. Cho nên, hãy sử dụng những sự kiện này và phát
triển sự tỉnh thức về tầm quan trọng của những thứ này, và chúng ta có thể phát
triển lòng tin. Nhiệt tình là quan trọng cho sự cát tường của chính chúng ta,
do vậy đó là cung cách thế tục để giáo dục. Thế nên, khi chúng ta sử dụng thuật
ngữ “chủ nghĩa thế tục” hay “thế tục”, nó không có nghĩa là không tôn trọng tôn
giáo mà đúng hơn là tôn trọng tất cả mọi tôn giáo, kể cả những người không tín
ngưỡng.
Điều này không phải là mới, các bạn biết, ở Ấn Độ. Ngoài
ba nền văn minh tôn giáo thế giới cổ xưa nhất – Ai Cập, Trung Hoa, và thung
lũng Sông Ấn – thì dường như nền văn minh phát triển phức tạp hơn nhiều về những
quan điểm triết lý. Cho nên cả nghìn năm ở Ấn Độ, một quan điểm triết lý khác
biệt gọi là chủ nghĩa hư vô đã tồn tại. Nó không tin tưởng trong một Thượng đế,
không kiếp sống sau, không cứu độ - không có gì ngoài cuộc sống hằng ngày. Đó
là những gì họ gọi là trường phái tư tưởng hư vô. Những trường phái tư tưởng Ấn
Độ khác chỉ trích quan điểm hư vô; nhưng người tin tưởng trong trường phái tư
tưởng ấy được xem như một “rishi,” rishi có nghĩa là “hiền nhân” (sage).
Đó là truyền thống nghìn năm tuổi của Ấn Độ. Chúng ta có
thể có những quan điểm khác nhau, và chúng ta có thể phê phán và tranh luận,
nhưng như một con người thì ta phải tôn trọng những người khác. Do vậy, một người
bạn Ấn Độ của tôi – một cựu phó thủ tướng Ấn Độ - đã nói với tôi rằng một trong
những lý do mà Ấn Độ là một nền dân chủ rất thành công là do bởi truyền thống
đó. Sự thông hiểu của Ấn Độ về chủ nghĩa thế tục tôn trọng ngay cả những người
không tín ngưỡng. Điều đó tôi nghĩ, là rất liên hệ với thế giới ngày nay của
chúng ta. Thế nên, khi chúng ta sử dụng thuật ngữ “chủ nghĩa thế tục”, thì vui
lòng đừng nghĩ rằng đó là một thái độ tiêu cực với tôn giáo; mà đúng hơn, nó biểu
lộ sự tôn kính.
Ấn Độ là một cộng đồng nghìn năm tuổi đa tôn giáo, kể cả
vài vương quốc, bên cạnh những truyền thống tôn giáo bản địa khác. Tất cả những
truyền thống tôn giáo quan trọng cuối cùng tìm thấy ngôi nhà của họ và định cư ở
đấy; kể cả Bái Hỏa giáo (Zoroastrianism) – mà những người theo tôn giáo ấy được
gọi là Parsi – nguyên thỉ vốn đến từ Ba Tư. Ngày nay ở Ấn Độ trong một thành phố
lớn, Bombay, toàn bộ dân số của họ ít hơn 100,000 người thậm chí nhỏ hơn dân số
người tị nạn Tây Tạng. Nhưng họ đã giữ tôn giáo của họ. Họ luôn luôn giữ sự thờ
cúng lửa mà không có hiểm họa hay sợ hãi.
Vừa mới đây tôi đã gặp một người Âu châu đến từ Romania.
Bà đã tiến hành một nghiên cứu nào đó về hòa hiệp trong những truyền thống tôn
giáo khác nhau ở Ấn Độ. Bà đã nói với tôi rằng bà thật ngạc nhiên khi thấy rằng
trong một ngôi làng, nơi cộng đồng Hồi giáo là đa số và chỉ có ba gia đình Ấn
giáo, những gia đình Ấn giáo không phải sợ hãi hay bị đe dọa gì cả. Mọi người sống
rất hạnh phúc và trong mối quan hệ thân hữu gần gũi. Bà đã ngạc nhiên. Đó là
truyền thống Ấn Độ - hàng nghìn năm hòa hiệp giữa những truyền thống tôn giáo
khác nhau. Và tự chính hiến pháp Ấn Độ, do bởi thực tế ấy, được căn cứ trên chủ
nghĩa thế tục.
Cho nên, vấn nạn là một số người tin rằng những nguyên tắc
đạo đức phải được căn cứ trên niềm tin tôn giáo, và những phiền phức sinh khởi
do bởi đấy. Ở Ấn Độ, do bởi thực tế của nó là một xã hội đa tôn giáo, nếu luân
lý đạo đức được căn cứ trên đức tin tôn giáo – thì chúng ta nên chọn tôn giáo
nào? Sẽ có nhiều phiền phức. Một số nói rằng có Thượng đế; một số nói không có
Thượng đế. Đơn giản là căn cứ trên luân lý đạo đức thế tục, nó sẽ dễ dàng và tốt
đẹp hơn nhiều. Điều đó sẽ là phổ thông. Đức tin tôn giáo không thể là phổ quát.
Ở đây tôi muốn chia sẻ một điều. Theo những truyền thống
tôn giáo, khái niệm một- chân lý - một - tôn giáo là rất quan trọng. Ở mức độ
cá nhân, điều đó rất liên hệ nhằm để tăng trưởng đức tin tôn giáo của chính ta.
Nhưng trong những hình thức của cộng đồng, bây giờ, khái niệm một- chân lý - một
- tôn giáo là không thực tiển. Trong những dạng thức của cộng đồng, những người
khác nhau có những niềm tin khác nhau, kể cả những người không tín ngưỡng. Thế
thì làm sao chúng ta có thể nói rằng tôn giáo có một người nào đó là chân lý
duy nhất và tôn giáo duy nhất? Làm thế nào để ép buộc người khác? Rằng họ phải
nên chấp nhận tôn giáo của ta là không thể. Do đó cho nên, nói một cách thực tế,
trong những hình thức của cộng đồng, khái niệm vài-chân lý-vài- tôn giáo là
thích hợp.
Bất cứ khi nào tôi có cơ hội để nói về những thứ này, tôi
cảm kích nó rất nhiều. Bây giờ, trường đại học này đã tiến thêm một bước trong
việc nói về tâm linh và trị liệu. Tôi nghĩ rằng rất tốt. Do vậy, Tôi đang mong
đợi nhiều tiến bộ và hoạt động trong lãnh vực ấy. Trong vài năm tới đây, tôi sẽ
trở lại nhằm để xem việc phát triển đã được thực hiện bao nhiêu.
Trong bất cứ trường hợp nào, tôi thật sự đánh giá cao mọi
nổ lực. Một vài trường đại học khác – như Wincosin, Stanford, và Emory, như tôi
biết – là đã tiến hành một số chương trình về việc rèn luyện tâm thức và tác động
của nó như thế nào trên thân thể, trên tâm thức. Bây giờ, tôi đã thấy bốn trường
đại học – trường đại học Minesota. Nên trong tương lai, tôi sẽ đề cập bốn trường
đại học thật sự đang tiến hành một cách nghiêm chỉnh những hoạt động nghiên cứu
trong sự quan tâm đó. Thế nên tôi cảm kích cơ hội này rất nhiều. Cảm ơn. Đó là
tất cả, cảm ơn.
HỎI VÀ ĐÁP
HỎI: Ngẫu nhiên, nghệ sĩ Ngãi Vị Vị (Ai Weiwei) dự
tính hiện diện ở đây hôm nay, nhưng không được. Ngài có khuyên bảo gì đối với
ông ấy và những người đang hoạt động để làm cho Trung Hoa là một nơi tốt đẹp
hơn?
ĐÁP: Bất hạnh
thay, trong những năm gần đây và đặc biệt trong những tháng gần đây, chính quyền
Trung Cộng, qua suy nghĩ cứng nhắc của họ, đã kiểm soát chặc chẽ những nhà trí
thức và nghệ sĩ. Tôi nghĩ những người này nên nhìn về quá khứ, trong và ngay cả
trước khi Cách Mạng Văn Hóa. Trong nhiều
trường hợp, có nhiều hạn chế và đàn áp trí thức. Nhưng trí thức, tôi nghĩ, nó
là kho tàng của não bộ con người, cho nên nó không thể bị kiểm soát. Trong nhiều
năm, một số những người này bị bỏ tù hay giam lỏng tại gia, nhưng rồi thì lại
có những nhà trí thức mới, và ngay cả những người này sẽ có tự do. Cho nên ở
Trung Hoa, đất nước đông dân nhất trên thế giới, với chiều dài lịch sử và văn
hóa, những người làm việc cần cù, thì thảm kịch này đôi khi đến và biến mất. Điều
quan trọng là những người – đặc biệt là những người trí thức – không có lý do
gì để cảm thấy tuyệt vọng hay mất tinh thần; cho phải giữ tinh thần của họ và
nhiệt tình của họ.
HỎI: Đâu là sự cân bằng giữa chấp thủ vào nhà cửa
của một người và sự buông xả được Phật giáo giảng dạy? Xin hãy trình bày câu hỏi
này trên cả trình độ cá nhân – chấp thủ với trẻ em – và trên trình độ xã hội –
chấp thủ với USA.
ĐÁP: Có hai
trình độ đối với việc quan tâm đến những người khác. Một trình độ, như tôi đã đề
cập trước đây, là nhân tố sinh học. Những gì quý vị gọi là lòng trắc ẩn, hay
thái độ tình cảm, cho nên vì vậy, trình độ ấy của lòng trắc ẩn có thể được phát
triển đối với bạn bè của quý vị, chứ không với kẻ thù quý vị, vì một thái độ của
kẻ thù là tiêu cực đối với quý vị. Với truyền thống tôn giáo, kể cả Phật giáo,
khi chúng ta nói về lòng trắc ẩn, hay lòng từ bi, thì nó không hướng về tình cảm
của họ, nhưng là, tự sáng tạo. Thí dụ, một số nuôi dưỡng bản thân không phải vì
quý vị tử tế với chính quý vị mà bởi vì, một cách tự động, quý vị muốn hạnh
phúc, quý vị không muốn đau khổ.
Do vậy, những người khác cũng thế, kể cả kẻ thù của quý vị,
có cùng khát vọng và quyền vượt thắng khổ đau, để đạt được hạnh phúc. Trên căn
bản đó, chúng ta có thể mở rộng lòng từ bi của chúng ta, vì thế lòng từ bi là
không thành kiến. Lòng trắc ẩn trước là thành kiến và liên hệ rất nhiều với
dính mắc, chấp thủ. Lòng từ bi nói sau là không có dính mắc, và chấp thủ.
Cho nên một lần nọ, nhà cơ học lượng tử này đã đề cập với
tôi rằng ông không nên phát triển sự chấp trước vào lãnh vực khoa học của chính
ông. Điều đó thật tuyệt vời. Trong trường hợp của riêng tôi, tôi là một Phật tử,
nhưng tôi không nên phát triển một sự chấp trước đối với Phật giáo. Nếu tôi
phát triển một sự dính mắc đối với Phật giáo, thì tôi sẽ không thấy giá trị của
người khác một cách khách quan. Phật giáo không bao giờ khuyến khích việc phát
triển dính mắc. Chấp trước và từ bi là hai vấn đề riêng biệt.
Do vậy, nhằm để phát triển một lòng từ bi không thành kiến,
lòng từ ái và bi mẫn vô giới hạn, trước tiên ta phải tự tách riêng ra. Ta phải
có lòng bình đẳng cho tất cả - cả những kẻ thù và những người bạn. Sau đó phát
triển lòng từ bi không thành kiến. Và rồi thì cũng thường rằng người ta lẫn lộn
Phật giáo với những tôn giáo khác nào đó, và xem khát vọng như điều gì đó tiêu
cực. Khát vọng với dính mắc là tiêu cực. Chúng ta phải phát triển khát vọng với
lý trí, thí dụ, khát vọng cho sự cát tường của người khác, hay khát vọng để vượt
thắng sự khổ đau của chính ta. Điều đó là đúng. Khát vọng không có cơ sở thích
đáng là rất liên hệ với dính mắc. Loại khát vọng đó phải được giảm thiểu. Và rồi,
có sân hận. Có những loại sân hận đa dạng khác nhau – sân hận với cảm giác xấu
ác thì khác với sân hận vì lòng từ bi hay một cảm giác quan tâm. Sân hận cũng
có thể đến từ một thái độ vị kỷ, vốn có thể đưa đến bắt nạt và bóc lột người
khác. Loại thái độ vị kỷ đó là tiêu cực. Nhưng một cảm giác vị kỷ khác - cảm
giác của một tự ngã mạnh mẽ - là cần thiết. Chúng ta cần cảm giác của một tự
ngã mạnh mẽ để phát triển lòng can đảm và ý chí. Thế nên, trong thế giới tinh
thần và cảm giác, có rất nhiều loại đa dạng.
Tự nuôi dưỡng ta không phải qua việc ta thể hiện tử tế với
chính mình; đó là vì, tự nhiên, ta muốn hạnh phúc, ta không muốn khổ đau, cho
nên cảm giác chăm sóc này hiện hữu. Điều này tích cực hơn. Ngay cả niềm tin
cũng là một điều tốt, nhưng niềm tin trong một điều sai lầm – niềm tin mù quáng
– là nguy hiểm. Do vậy, niềm tin hành động với trí tuệ và thông minh là rất tốt.
Niềm tin chỉ hành động với dính mắc là tiêu cực. Thế nên, có nhiều loại đa dạng.
HỎI: Câu hỏi này đến từ một đứa bé chín tuổi – Nếu
ngài có thể giải quyết hoàn toàn một vấn nạn trên thế giới, đó sẽ là gì?
ĐÁP: Tôi không
biết. Tôi nghĩ, trong thực tế, có rất nhiều vấn nạn cùng loại mà chỉ một con
người không thể giải quyết bất cứ điều nào trong chúng. Mọi người – trên sáu tỉ
con người – phải có trách nhiệm để giải quyết những vấn nạn này.
HỎI: Ngài thấy internet có vai trò gì trong việc
hổ trợ con người trải nghiệm và khám phá một trái tim, một tâm hồn, và một vũ
trụ? Chúng ta có thể làm gì xa hơn với vai trò này?
ĐÁP: Tôi nghĩ
internet là một trong những phương cách giao tiếp rất tiến bộ. Và tôi nghĩ rằng,
một cách căn bản, nhằm để phát triển tâm thức con người trong dạng thức phức tạp
hơn, chúng ta cần nhiều thông tin. Chỉ một cảnh báo – tin tức một chiều rất tai
hại, cho nên chúng ta cần thông tin đa chiều. Nếu một nhận thức gọi là điều gì
đó tốt và một điều khác gọi là xấu, thì chúng ta cần cả hai nhận thức ấy. Điều
đó cho chúng ta cơ hội để khảo sát bởi chính chúng ta. Do vậy, ngày nay, trong
lãnh vực thông tin, Internet là tuyệt vời. Tôi nghĩ, do bởi đó, nhiều thay đổi
tích cực đang xảy ra trên hành tinh này. Không như đầu hay giữa thế kỷ hai
mươi, khi thiếu thốn thông tin rất nhiều và thế nên thật dễ dàng hơn để phát
triển những cảm xúc tiêu cực không cần thiết.
Vì vậy thông tin, vốn xây dựng một bức ảnh rõ ràng về
toàn bộ thế giới, là vô cùng lợi lạc. Tôi luôn luôn nói khi tôi gặp giới truyền
thông rằng người ta nên có những chiếc mũi dài – giống như mũi của con voi – và
nên ngữi cả những gì trước mặt chúng và, quan trọng nhất là những gì ở phía
sau, những gì đang xảy ra. Điều đó rất rất quan trọng. Họ phải thực hiện một sự
điều tra xuyên suốt những gì đang xảy ra và rồi thông báo cho công chúng, cho
thấy rằng họ đã làm việc đó một cách trung thực, chân thật, không thành kiến,
và khách quan. Điều đó rất quan trọng, đặc biệt trong xã hội dân chủ. Tôi đang
muốn nói rằng thế giới thuộc về sáu tỉ con người – không phải là những chính phủ,
và không phải bất cứ một tôn giáo đặc thù nào. Thí dụ, USA thuộc về người dân của
USA, chứ không phải thuộc về Đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa.
Dĩ nhiên, không thể cho tất cả ba trăm triệu người của một
đất nước chi phối một quốc gia cùng một lúc, cho nên tốt nhất là chọn một số
người qua bầu cử. Một chính quyền qua bầu cử dân chủ thật sự bởi dân, do dân và
vì dân. Cung cách tốt nhất để quản trị xứ sở của quý vị là qua một hệ thống dân
chủ. Và nhằm để tạo một hệ thống dân chủ hoạt động một cách hiệu quả theo những
nguyên tắc đạo đức, đôi khi một hiến pháp là rất tốt. Mọi người bình đẳng dưới
luật pháp; vâng, xứ sở này thật sự thực hành điều đó. Tuy nhiên, đôi khi não bộ
con người là rất năng động mà ngay cả trong một hệ thống rất tốt đẹp, những rủi
ro được biết xảy ra. Do thế, những người truyền thông là quan trọng. Họ cần làm
rõ ràng những gì sai, những gì là tâm tư sai sót, những gì hư hỏng đang xảy ra
và ở đâu. Đó là những gì mà người làm truyền thông – chứ không phải chính quyền
mà những tổ chức công cộng như truyền thông – phải khảo sát và làm rõ ràng.
Trong những lãnh vực này, Internet tôi nghĩ có một vai
trò rất quan trọng. Và như tôi luôn luôn nói, người làm truyền thông cũng có một
vai trò rất quan trọng để tạo nên những quan điểm nào đó tỉnh thức hơn mà vốn
chúng ta thường quên lãng. Đạo đức luân lý là một trong những điều đó. Tôi nghĩ
kỷ thuật mới và sự lan truyền thông tin là rất tuyệt vời. Dĩ nhiên, nếu quý vị
sử dụng nó trong một cách sai lầm, thì đôi khi nó cũng tạo thêm rắc rối; nhưng
tôi nghĩ cho đến khi mà quý vị sử dụng nó một cách trung thực, chân thật, và
trong sáng, càng nhiều tin tức, càng tốt đẹp hơn. Nếu quý vị có điều gì đó để
che dấu, điều này làm nó khó khăn hơn. Nếu quý vị đạo đức giả trong những cung
cách của quý vị, thế thì quý vị phải rất, rất cẩn trọng.
HỎI: Ngài nghĩ thế giới đang trở nên tốt đẹp hơn
hay tệ hại hơn và tại sao?
ĐÁP: Tốt đẹp
hơn. Lý do là không chỉ sự quan sát của tôi. Trong năm 1996 – khoảng cuối thế kỷ
hai mươi – tôi có cơ hội tiếp xúc với cố Hoàng Thái Hậu của Anh quốc. Tuổi của
bà là chín mươi sáu. Bà đã được sanh ra vào đầu thế kỷ hai mươi, cho nên trong
một cách bà quan sát hầu như cả toàn bộ thế kỷ. Cùng lúc đó, tôi hỏi bà, “Vì
ngài đã quán sát hầu như cả toàn bộ thế kỷ, ngài nghĩ thế giới đang trở nên tốt
đẹp hơn hay tệ hại hơn, hay cũng giống như vậy?” Không do dự, bà đã nói với tôi
rằng nó đang trở nên tốt đẹp hơn. Khi bà trẻ, không có những khái niệm về nhân
quyền hay những quyền tự quyết. Bây giờ chúng trở thành phổ quát. Bà đã đưa ra
hai điều này như những thí dụ chứng minh rằng thế giới đang trở nên tốt đẹp
hơn.
Với kinh nghiệm của riêng tôi, tôi nghĩ rằng vào đầu thế
kỷ hai mươi, không ai nói về tầm quan trọng của sinh quyển. Bây giờ nhiều người
biểu lộ một cách chân thành việc quan tâm cho môi trường. Điều đó là tuyệt vời.
Có ngay cả những đảng phái chính trị là những đảng xanh lục. Một lần nọ tôi gặp
gở những người từ những đảng xanh này ở New Zealand hay một quốc gia nào đó,
tôi đã nói đùa với những người ấy rằng nếu tôi vẫn ở xứ sở ấy, tôi sẽ tham gia
vào đảng xanh của họ.
Trong bất cứ trường hợp nào đi nữa, tôi nghĩ, những dấu
hiệu trưởng thành hơn. Tôi nghĩ các nhà khoa học bây giờ cũng đang nghiên cứu một
cách nghiêm chỉnh hơn trong tâm thức. Trước đây, các nhà khoa học chỉ nghiên cứu
về khoa học thô cứng – chỉ những thứ mà chúng ta có thể cân đong hay đo đếm.
Tâm thức và những cảm giác là những thứ gì đó khác biệt. Bây giờ khoa học hiện
đại đang tiến triển một cách chậm chạp, các nhà khoa học đang cho thấy một sự
quan tâm trong tâm ý – mối quan hệ nào đó giữa não bộ và tâm thức. Và cũng thế,
tôi nghĩ có một mối hòa hiệp hơn giữa những tôn giáo. Thí dụ, Đức Giáo Hoàng
John Paul II triệu tập hội nghị Assisi, nơi ngài mời những lãnh tụ của những giáo
phái Ki Tô khác nhau cũng như vài tông phái Phật giáo và Ấn giáo. Ý tưởng về một-chân
lý-một-tôn giáo dần dần chuyển thành vài-chân lý-vài-tôn giáo. Cho nên đây là những
dấu hiệu mà tôi nghĩ là rõ ràng cho một sự tiến triển và văn minh rộng lớn hơn.
Tôi cũng nghĩ kinh nghiệm về giáo dục thật sự đã thực hiện
một sự đóng góp vô vàn để khai triển và mở rộng tâm thức chúng ta, dạy chúng ta
thấy một cách toàn diện hơn. Quý vị nghĩ gì? Và rồi chữ “từ bi”. Trước đây, trong
những tuyên bố của một nhà chính trị, tôi nghĩ không có chỗ cho từ bi. Về sau này
của thế kỷ hai mươi, tôi nhớ một trong những tuyên bố của cố nữ Thủ tướng Anh Thatcher,
bà đã đề cập từ bi và rồi bất bạo động.
Và trong đầu thế kỷ hai mươi, các nhà khoa học, viên chức,
và chính quyền hoàn toàn hăng hái để chế tạo bom hạt nhân. Bây giờ, người ta đang
nói về vấn đề giảm thiểu và đi đến việc từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân như thế
nào. Đây là những dấu hiệu của sự tiến bộ.
Trích từ quyển the Big Book of Happiness
Ẩn Tâm Lộ, Friday, June 28, 2019