Nguyên tác: The
Big Bang and The Buddhist Beginningless Universe
Tác giả: Đức Đạt
Lai Lạt Ma
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển
Có ai không cảm thấy kinh hải trong khi nhìn vào bầu trời
được chiếu sáng với vô số vì sao trong một đêm trời trong không? Ai không từng tự
hỏi có một trí thông minh nào đằng sau vũ trụ hay không? Ai không từng tự hỏi có phải trái đất là hành tinh duy nhất
nuôi dưỡng sự sống của các tạo vật? Đối với tôi, đây là những sự tò mò tự nhiên
trong tâm thức con người. Suốt lịch sử văn minh của loài người có một sự thôi
thúc thật sự để tìm những câu trả lời cho các câu hỏi này. Một trong những thành
tựu lớn của khoa học hiện đại là dường như nó đã đưa chúng ta đến gần hơn bao
giờ hết một sự thấu hiểu về những điều kiện và những tiến trình phức tạp làm cơ
sở cho những nguồn gốc của vũ trụ.
Giống như nhiều nền văn hóa cổ truyền, Tây Tạng có một hệ
thống chiêm tinh học phức tạp chứa đựng những yếu tố mà văn hóa hiện đại gọi là
thiên văn học, vì thế người Tây Tạng đã đặt tên cho hầu hết những vì sao thấy
được bằng mắt thường. Trong thực tế, người Tây Tạng và Ấn Độ từ lâu đã có thể
tiên đoán được những vụ nhật thực và nguyệt thực với một mức độ chính xác cao
trên căn bản của những quán sát thiên văn của họ. Như một cậu bé ở Tây Tạng,
tôi đã dành nhiều đêm nhìn chăm chú vào bầu trời với kính viễn vọng của tôi,
nghiên cứu những hình dáng và tên của những chòm sao.
Tôi nhớ cho đến ngày nay sự sung sướng mà tôi cảm nhận
khi tôi có thể thăm viếng một đài quan sát thiên văn thật sự ở Delhi tại Cung
Thiên Văn Birla. Năm 1970, trong chuyến viếng thăm lần đầu tiên của tôi đến
phương Tây, tôi được mời bởi Đại học Cambridge ở Anh quốc để nói chuyện tại Thượng
Nghị Viện và Khoa Thần Học. Khi vị hiệu phó của trường hỏi rằng tôi có điều gì
đó đặc biệt muốn làm ở trường Cambridge không, tôi đã trả lời không do dự là
tôi ao ước thăm viếng kính thiên văn quang tuyến nổi tiếng tại Khoa Thiên Văn Học.
Trong một hội nghị Tâm Thức và Đời Sống tại Dharamsala,
nhà vật lý thiên văn Piet Hut, từ Viện Nghiên Cứu Tiên Tiến tại Princeton,
trình bày một mô phỏng bằng máy điện toán vấn đề những nhà thiên văn học hình
dung các sự kiện vũ trụ hiển bày khi các thiên hà va chạm nhau như thế nào. Đó
là một cảnh tượng quyến rũ, một quang cảnh sống động. Những máy vi tính hoạt
hình như vậy giúp chúng ta hình dung cung cách, ở những điều kiện nào đó một
cách lập tức sau vụ bùng nổ vũ trụ, vũ trụ phát triển xuyên qua thời gian theo
những quy luật căn bản của vũ trụ học. Sau sự trình bày của Piet Hut, chúng tôi
có một cuộc thảo luận mở. Hai trong những người tham dự khác tại cuộc gặp gở,
David Finkelstein và George Greenstein, đã cố gắng để chứng minh hiện tượng mở
rộng vũ trụ bằng việc sử dụng những dải đàn hồi với các vành đai trên chúng.
Tôi nhớ điều này một cách rõ ràng vì hai người thông dịch của tôi và tôi đã có
một sự khó khăn nào đó trong việc hình dung sự mở rộng vũ trụ từ sự minh chứng
này. Sau này, tất cả những nhà khoa học tại cuộc gặp gở cùng tham dự vào để đơn
giản hóa sự giải thích, mà dĩ nhiên lại có hậu quả thậm chí làm chúng tôi rối rắm
hơn nữa.
Vũ trụ học hiện đại – giống như nhiều thứ khác trong khoa
học vật lý – được thành lập trên thuyết tương đối của Einstein. Trong vũ trụ học,
những sự quán sát thiên văn đi cùng với thuyết tương đối tổng quát, là thứ định
hình lại trọng lực như đường cong của cả không gian và thời gian, đã cho thấy rằng
vũ trụ của chúng ta không vĩnh cửu và cũng không tĩnh trong hình thể hiện tại của
nó. Nó đang tiến hóa và mở rộng một cách liên tục. Sự khám phá này phù hợp với
trực giác căn bản của những nhà thiên văn học Phật giáo cổ đại, những người nhận
thức rằng bất cứ hệ thống vũ trụ đặc thù nào cũng đi qua những giai đoạn hình
thành, phát triển, và cuối cùng tan hoại. Trong thiên văn học hiện đại, vào những
năm 1920, cả sự tiên đoán lý thuyết (do Alexander Friedmann) và sự quán sát thực
nghiệm chi tiết (do Edwin Hubble) – thí dụ, sự quán sát rằng sự chuyển dịch màu
đỏ được đo lường trong ánh sáng phát ra bởi những thiên hà xa thì lớn hơn , so
với sự phát ra ánh sáng bởi những thiên hà gần hơn – được chứng minh một cách
đáng tin tưởng rằng vũ trụ là cong và đang mở rộng.
Giả định rằng sự mở rộng này sinh khởi từ một vụ nổ vũ trụ
lớn – vụ nổ lớn nổi tiếng, big bang, vốn được được cho là đã từng xảy ra khoảng
12 đến 15 tỉ năm trước. Những nhà vũ trụ học ngày nay tin rằng vài giây sau vụ
nổ này, nhiệt độ giảm xuống tới một điểm mà những phản ứng đã xảy ra bắt đầu
làm hạt nhân của những thành phần nhẹ hơn, mà từ đó đến rất lâuvề sau này tất cả
vật chất trong vũ trụ đi đến hình thành. Vì vậy, tất cả không gian, thời gian,
vật chất, và năng lượng như chúng ta biết và kinh nghiệm chúng đi đến hình
thành từ quả cầu lửa của vật chất và bức xạ này. Trong những năm 1960 bức xạ
sóng vi ba nền đã được phát hiện trong toàn vũ trụ; nó đi đến được nhìn nhận
như một tiếng vang, hay ánh sáng đỏ rực rở còn sót lại từ những sự kiện của big
bang. Sự đo lường chính xác quang phổ, sự phân cực và phân bổ không gian của sự
bức xạ nền này dường như đã được xác nhận, tối thiểu trong những mô hình phác
thảo của lý thuyết hiện tại về nguồn gốc của vũ trụ.
Cho đến khi tình cờ phát hiện tiếng vang của sóng vi ba nền
này, thì đã có một sự tranh luận đang tiếp diễn giữa hai trường phái ảnh hưởng
lớn trong vũ trụ học hiện đại. Một số thiên về việc thấu hiểu sự dản ra của
vũ trụ như một lý thuyết trạng thái ổn định, có nghĩa rằng vũ trụ đang dản ra ở
một tốc độ ổn định, với những quy luật bất biến của vật lý được áp dụng trong mọi
lúc. Về phía khác đó là những người thấy sự tiến hóa trong dạng thức của một vụ
nổ vũ trụ. Tôi nghe nói rằng những người ủng hộ mô hình trạng thái ổn định kể cả
một số nhà tư tưởng lớn nhất của vũ trụ
học hiện đại, chẳng hạn như Fred Hoyle. Trong thực tế, vào một thời điểm trong
trí nhớ, thì lý thuyết này từng là quan điểm khoa học chính thống về nguồn gốc
của vũ trụ. Ngày nay, dường như, hầu hết những nhà vũ trụ học tin chắc rằng tiếng
vang của sóng vi ba nền này chứng minh một cách thuyết phục giá trị của thuyết
big bang. Đây là một thí dụ tuyệt vời về vấn đề trong khoa học, với sự phân
tích sau cùng, chính chứng cứ thực nghiệm đã trình bày sự phán xét cuối cùng
như thế nào. Ít nhất trong nguyên tắc, điều này cũng đúng trong tư tưởng Phật
giáo, như nói rằng thách thức thẩm quyền của chứng cứ thực nghiệm là truất quyền
của chính mình như một kẻ nào đó xứng đáng với sự tham gia bình phẩm trong một
cuộc thảo luận.
Ở Tây Tạng có những huyền thoại khó hiểu về sự tạo hóa bắt
nguồn trong một tôn giáo trước Phật giáo là đạo Bon. Chủ đề trung tâm trong những
huyền thoại này là việc thiết lập trật tự từ trong hổn độn, chiếu sáng bóng tối,
ngày từ đêm, hiện hữu từ không gì cả. Những hành vi này được tác động bởi một đấng
siêu nhiên, đấng tạo ra mọi thứ từ tiềm năng thuần khiết. Một loạt những huyền
thoại khác miêu tả vũ trụ như một tạo vật sống được sinh ra từ một trứng vũ trụ.
Trong những truyền thống tâm linh và triết lý phong phú của Ấn Độ cổ đại, nhiều
quan điểm vũ trụ đối lập được phát triển. Những thứ này kể cả những phát biểu
đa dạng có hệ thống của giáo lý Số Luận ban đầu về tính vật chất nguyên sơ, vốn
diễn tả về nguồn gốc của vũ trụ và sự sống trong nó như sự biểu hiện một thể nền
cơ bản tuyệt đối. Thuyết nguyên tử của phái Thắng Luận (Vaiśeṣika), thay thế một
đa nguyên của những “nguyên tử” không thể phân chia như những đơn vị căn bản của
thực tại cho một thể nền cơ bản độc nhất; những giáo thuyết khác nhau của Brahman (Phạm
Thiên) hay Ishvara (Tự Tại Thiên) như nguồn gốc của sự tạo hóa thần thánh; thuyết
của những nhà duy vật cực đoan Charvaka[1] về
sự tiến hóa của vũ trụ qua một sự phát triển vật chất không mục đích, ngẫu
nhiên; với tất cả những tiến trình tinh thần được xem như khởi nguồn của những
hình thể phức tạp của hiện tượng vật chất. Lập trường cuối cùng này thì không khác
với sự tin tưởng của chủ nghĩa duy vật khoa học rằng tâm thức có thể quy thành
thực tại thần kinh và sinh hóa và những thứ này lần lượt là những sự kiện của vật
lý. Phật giáo trái lại, giải thích sự tiến hóa của vũ trụ trong dạng thức của
nguyên lý nguồn gốc lệ thuộc hay lý duyên khởi, trong đó nguồn gốc và sự tồn tại
của mọi thứ phải được thấu hiểu trong dạng thức của một mạng lưới phức tạp của
những nguyên nhân và điều kiện có liên hệ với nhau. Điều này áp dụng cho tâm thức
cũng như vật chất.
Theo những kinh điển ban sơ,
chính Đức Phật không bao giờ trả lời trực tiếp những câu hỏi đặt ra cho Ngài về
nguồn gốc của vũ trụ. Trong sự so sánh nổi tiếng, Đức Phật liên hệ với người hỏi
những câu hỏi kiều này cũng như một người bị bắn bởi mũi tên độc. Thay vì để được
giải phẩu để rút mũi tên ra, người bị thương lại khăng khăng đòi hỏi trước phải
tìm ra đẳng cấp, tên họ, và dòng tộc của người bắn tên; người ấy da thâm, nâu,
hay trắng trẻo; người ấy sống trong làng xóm, thị trấn, hay thành phố; cây cung
thường hay cây nỏ; dây cung làm bằng sợi, cây sậy, cây gai dầu, sợi xoắn, hay vỏ
cây; mũi tên làm bằng gỗ hoang hay gỗ trồng; và v.v… Những diễn giải về ý nghĩa
sự từ chối trả lời trực tiếp những câu hỏi này của Đức Phật thì bất đồng. Một
quan điểm nói rằng Đức Phật đã từ khước trả lời vì những câu hỏi siêu hình này
không liên quan một cách trực tiếp đến giải thoát. Một quan điểm khác, một cách
chính yếu luận bàn bởi Long Thọ, rằng trong chừng mực nào đó những câu hỏi này bị
đóng khung trên điều giả định trước của thực tại thuộc bản chất (tự tánh thực tại)
của mọi thứ, và không phải trên duyên sanh, thì câu trả lời sẽ dẫn đến việc chấp
thủ sâu hơn trong sự tin tưởng về sự tồn tại cố hữu thật sự (tự tánh).
Những câu hỏi được chia thành từng
nhóm hơi khác nhau trong những truyền thống Phật giáo khác nhau. Kinh tạng Pali
liệt kê mười câu hỏi “không trả lời” như vậy, trong khi truyền thống cổ điển Ấn
Độ được người Tây Tạng kế thừa liệt kê mười bốn câu hỏi sau:
1.
Có phài tự ngã và vũ trụ là vĩnh cửu?
2.
Có phải tự ngã và vũ trụ là tạm thời?
3.
Có phải tự ngã và vũ trụ là cả vĩnh cửu và tạm
thời?
4.
Có phải tự ngã và vũ trụ không vĩnh cửu cũng
không tạm thời?
5.
Có phải tự ngã và vũ trụ có một sự bắt đầu?
6.
Có phải tự ngã và vũ trụ không có sự bắt đầu?
7.
Có phải tự ngã và vũ trụ có cả sự bắt đầu và
không có sự bắt đầu?
8.
Có phải tự ngã và vũ trụ không có sự bắt đầu
cũng không có sự không bắt đầu?
9.
Có phải Đức Thế Tôn tồn tại sau khi chết?
10.
Có phải Đức Thế Tôn không tồn tại sau khi chết?
11.
Có phải Đức Thế Tôn cả tồn tại và không tồn tại
sau khi chết?
12.
Có phải Đức Thế Tôn cả không tồn tại cũng không
phải không tồn tại sau khi chết?
13.
Có phải tâm thức là một với thân thể?
14.
Có phải tâm thức và thân thể là hai thực thể
riêng biệt?
Bất chấp truyền thống kinh điển
của Đức Phật từ khước tham gia vào trình độ luận bàn siêu hình này, nhưng Phật
giáo như một hệ thống triết lý Ấn Độ cổ đại đã phát triển một lịch sử dài lâu về
việc nghiên cứu một cách sâu sắc trong những câu hỏi cơ bản và lâu đời này về sự
tồn tại của chúng ta và thế giới mà chúng ta sống trong ấy. Truyền thống Tây Tạng
của tôi đã thừa kế di sản triết lý này.
Có hai truyền thống chính về vũ
trụ học trong Phật giáo. Một là hệ thống A Tỳ Đạt Ma, được chia sẻ bởi nhiều
trường phái Phật giáo, chằng hạn như Phật giáo Nguyên thỉ (Theravada), vốn là
trường phái chiếm ưu thế cho đến ngày nay ở những nước như Thái Lan, Tích Lan,
Miến Điện, Campuchia, và Lào. Mặc dù trường phái Phật giáo truyền đến Tây Tạng
là Đại thừa Phật giáo, một cách đặc biệt là hình thức của Phật giáo Ấn Độ được
biết như truyền thống Nalanda, nhưng tâm lý học và vũ trụ học A Tỳ Đạt Ma đã trở
thành một bộ phận quan trọng của quang cảnh tri thức Tây Tạng. Tác phẩm chính của
hệ thống A Tỳ Đạt Ma về vũ trụ học được truyền vào Tây Tạng là Kho Tàng Kiến Thức
Cao Cấp (A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận) của Thế Thân. Truyền thống vũ trụ học thứ hai
ở Tây Tạng là hệ thống được thấy trong một tập họp của những văn bản Phật giáo
Kim Cương thừa quan trọng được biết như Kalachakra, có nghĩa là “bánh xe thời
gian” hay “thời luân”. Mặc dù truyền thống quy cho giáo lý chính của chu trình
Thời Luân là Đức Phật, nhưng thật khó để xác định một cách chính xác năm tháng
xuất xứ của những tác phẩm sơ khai nhất trong hệ thống này. Theo sự chuyển dịch
những văn kiện then chốt của Thời Luân từ Sanskrit sang Tạng ngữ vào thế kỷ 11,
Thời Luân đã đi đến chiếm cứ một vị trí quan trọng trong di sản Phật giáo Tây Tạng.
Vào lúc 20 tuổi, khi tôi bắt đầu
sự học tập hệ thống những văn bản thảo luận về vũ trụ học của A Tỳ Đạt Ma, thì
tôi biết rằng thế giới là tròn, đã nhìn vào những hình chụp các miệng núi lửa
trên mặt trăng ở những tạp chí, và có một sự hiểu biết nào đó về vòng quay quỹ
đạo của trái đất và mặt trăng chung quanh mặt trời. Thế nên tôi phải thừa nhận,
khi tôi đang học sự trình bày cổ điển của Thế Thân về hệ thống vũ trụ A Tỳ Đạt
Ma, thì nó đã không hấp dẫn nhiều với tôi.
Vũ trụ A Tỳ Đạt Ma diễn tả một
trái đất bằng phẳng, với các thiên thể như mặt trời và mặt trăng xoay chung
quanh. Theo thuyết này, trái đất của chúng ta là một trong bốn “lục địa” –
trong thực tế, lục địa phía nam – nằm trong bốn hướng chủ yếu của một núi cao
chót vót gọi là núi Tu Di, ở trung tâm của vũ trụ. Mỗi một lục địa này được nằm
bên sườn bởi hai lục địa nhỏ hơn, trong khi khoảng cách giữa chúng được choán đầy
bởi những đại dương rộng lớn. Toàn bộ hệ thống thế giới này được nâng đở bởi một
“mặt đất”, hóa ra được duy trì lơ lững trong không gian trống rỗng. Năng lực của “không khí” giữ cho nền móng nổi
trong không gian trống rỗng. Thế Thân cho một sự diễn tả chi tiết về đường hướng
quỹ đạo của mặt trời và mặt trăng, kích thước của chúng, và khoảng cách của
chúng từ mặt đất.
Kích thước những khoảng cách
này, và v.v… mâu thuẩn một cách dứt khoát bởi chứng cứ thực nghiệm của vũ trụ học
hiện đại. Có một châm ngôn trong triết lý Phật giáo rằng duy trì một giáo thuyết
mâu thuẩn với lý trí là phá hoại uy tín của người [bảo thủ] ấy. Do vậy, thật
khó để theo vũ trụ học của A Tỳ Đạt Ma một cách chữ nghĩa. Thực tế, ngay cả
không có nguồn gốc với khoa học hiện đại, thì cũng có một loạt những mô hình
mâu thuẩn về vũ trụ học trong tư tưởng Phật giáo cho chúng ta đặt nghi vấn về chân lý theo chữ nghĩa của bất
cứ phiên bản nào. Quan điểm của riêng tôi là Phật giáo phải từ bỏ nhiều khía cạnh
của vũ trụ học A Tỳ Đạt Ma.
Phạm vi nào mà chính Thế Thân
tin tưởng trong thế giới quan A Tỳ Đạt Ma thì để ngỏ cho nghi vấn. Ngài đang
trình bày một cách hệ thống những suy đoán vũ trụ quan đa dạng ở Ấn Độ thời đó.
Nói một cách nghiêm túc, sự diễn tả vũ trụ và nguồn gốc của nó – mà những kinh
luận Phật giáo liên hệ đến như “vật chứa” – là thứ yếu đối với tầm quan trọng của
bản chất và nguồn gốc của chúng sanh “được
chứa đựng.” Học giả Tây Tạng Gendun Chophel, người đã du hành một cách rộng rãi
khắp lục địa Ấn Độ trong những năm 1930, nhắc nhở rằng sự diễn tả của A Tỳ Đạt
Ma về “trái đất” như một lục địa phương nam trình bày một bản đồ cổ điển của
trung tâm Ấn Độ. Ông có một tường thuật hấp dẫn những diễn tả về ba “lục địa”
còn lại phù hợp với vị trí địa lý thực tế của Ấn Độ hiện đại như thế nào. Linh
cảm này có đúng không hay có phải những vị trí này trong thực tế được đặt tên sau
khi “những lục địa” được cho là bao quanh núi Tu Di vẫn là một nghi vấn.
Trong một số kinh điển buổi
đầu, những hành tinh được diễn tả như những khối hình cầu lơ lững trong không
gian trống trải, không khác khái niệm những hệ thống hành tinh trong vũ trụ học
hiện đại. Trong vũ trụ quan Thời Luân, một dãy xác định được đề ra cho sự tiến
hóa của những thiên thể trong thiên hà hiện tại. Thứ nhất, những ngôi sao được
hình thành, sau đó hệ thống mặt trời đi đến hình thành, và v.v… Những gì hấp dẫn
trong cả vũ trụ quan A Tỳ Đạt Ma và Thời Luân là khung cảnh lớn mà chúng cung cấp
cho khởi nguyên của vũ trụ. Cả A Tỳ Đạt Ma và Thời Luân cùng cho thuật ngữ kỷ
thuật trichilicosm hay ba nghìn đại
thiên thế giới (tôi tin rằng tương ứng cho khoảng một tỉ hệ thống thế giới) để
chuyên chở cho khái niệm về những hệ thống vũ trụ bao la, và cả hai cho rằng có
vô số những hệ thống như vậy. Cho nên theo nguyên tắc, mặc dù không có “bắt đầu”
hay “kết thúc” với toàn thể vũ trụ, thì vẫn có một tiến trình thời gian xác định
của một sự bắt đầu, đoạn giữa, và kết thúc (sanh, trụ, diệt) trong mối quan hệ
đến bất cứ một hệ thống thế giới cá biệt nào.
Sự tiến triển của một hệ
thống vũ trụ đặc thù được thấu hiểu trong dạng thức của bốn giai đoạn chính, được
biết như bốn thời kỳ của (1) không, (2) thành,
(3) trụ, và cuối cùng (4) hoại. Mỗi giai đoạn này được cho là tồn tại một thời
gian dài không thể tưởng, hai mươi “trung vô số kiếp[2]”,
và chỉ ở trung vô số kiếp cuối cùng của giai đoạn thành mà chúng sanh mới được
nói là tiến hóa. Kiếp hoại của một hệ thống vũ trụ có thể được tạo bởi bất cứ
ba yếu tố khác hơn là đất và không gian – có tên là: nước, lửa, và không khí. Bất
cứ yếu tố nào đưa đến sự hoại của hệ thống thế giới trước sẽ hoạt động như căn
bản cho việc tạo thành một vũ trụ mới.
Do thế, trung tâm của vũ
trụ học Phật giáo không chỉ là ý tưởng rằng có những hệ thống thế giới phức tạp
– nhiều hơn số hạt cát trong sông Hằng, theo một số kinh luận – mà cũng là ý tưởng
rằng chúng ở trong một trạng thái liên tục hình thành và mất đi. Điều này có
nghĩa rằng vũ trụ không có sự bắt đầu tuyệt đối. Những câu hỏi của ý tưởng này đề
ra cho khoa học là căn bản. Chỉ có một big bang hay có nhiều big bang? Có một
vũ trụ hay có nhiều, hay thậm chí có vô số? Vũ trụ giới hạn hay vô hạn, như Phật
giáo khẳng định? Vũ trụ của chúng ta sẽ mở rộng vô hạn, hay sự mở rộng của nó
chậm lại, ngay cả đảo ngược lại, vì thế cuối cùng nó sẽ kết thúc trong một cuộc
khủng hoảng lớn? Có phải vũ trụ của chúng ta là bộ phận của một vũ trụ tái sinh
không ngừng? Các nhà khoa học đang tranh luận những vấn đề này một cách mạnh liệt.
Theo quan điểm của Phật giáo, có câu hỏi xa hơn này. Ngay cả nếu chúng ta cho rằng
chỉ có một vụ nổ vũ trụ, hay một big bang, thì chúng ta vẫn có thể hỏi, Có phải
đây là nguồn gốc của toàn thể vũ trụ hay có phải điều này chỉ chứng tỏ nguồn gốc
hệ thống vũ trụ đặc thù của chúng ta mà thôi? Thế nên câu hỏi then chốt là có
phải big bang – điều theo vũ trụ học hiện
đại, là sự khởi đầu hệ thống thế giới hiện tại của chúng ta – thật sự là khởi đầu
của mọi thứ?
Theo quan điểm Phật giáo,
ý tưởng rằng có một sự bắt đầu xác định là khả nghi cao độ. Nếu có một sự khởi
đầu chắc chắn, nói một cách logic, điều này để lại chỉ hai lựa chọn. Một là hữu
thần, vốn đề xướng rằng vũ trụ được tạo thành bởi một trí thông minh hoàn toàn
siêu việt, và do thế ở ngoài luật nhân quả. Thứ hai là vũ trụ đi đến hình thành
hoàn toàn không có nguyên nhân gì cả. Phật giáo phủ nhận cả hai lựa chọn này. Nếu
vũ trụ được hình thành bởi một trí năng tiên quyết, thì những câu hỏi về vị thế
bản thể học của một trí năng như vậy và loại thực tại nào mà nó là, vẫn tồn tại.
Nhà đại luận lý
và nhận thức luận Pháp Xứng (thế kỷ thứ 7 Dương lịch) đã trình bày sự phê bình
thuyết hữu thần theo tiêu chuẩn Phật giáo một cách thuyết phục. Trong tác phẩm
cổ điển Lượng Quyết Định Luận (Giải Thích
Nhận Thức có Giá Trị[3]) của ngài, Pháp Xứng đã phê bình một số “chứng
minh” ảnh hưởng nhất cho sự tồn tại của đấng Tạo Hóa được hình thành bởi một số
trường phái triết lý hữu thần Ấn Độ. Vắn tắt, những lập luận cho thuyết hữu thần
hoạt động như sau: Những thế giới của cả kinh nghiệm nội tại và vật chất bên
ngoài được tạo ra bởi một trí năng tiên quyết, (a) bởi vì, như những dụng cụ thợ
mộc, chúng vận hành trong một trình tự liên tục, của tính trật tự; (b) giống như những đồ đạc
tạo tác chẳng hạn những chiếc chậu, chúng có hình thể; và (c) giống như những vật
thể sử dụng hàng ngày thì chúng sở hữu hiệu lực nhân quả.
Những lập luận này, tôi
nghĩ, có một sự giống nhau với lập luận hữu thần trong truyền thống triết học
phương Tây được biết như Thiết kế luận (
lập
luận xuất phát từ ý định[4]-Lập luận về sự tồn tại của một đấng tạo hóa
trí năng). Sự lập luận này lấy trật tự ở mức độ cao cấp mà chúng ta nhận thức
trong thiên nhiên như chứng cứ của một trí năng vốn phải mang nó thành hiện hữu.
Giống như chúng ta không thể nhận thức về một đồng hồ đeo tay mà không có người
làm ra đồng hồ, vì thế thật khó khăn để nhận thức về một trật tự vũ trụ mà không
có một trí năng ở phía sau nó.
Những trường phái triết
lý Ấn Độ cổ truyền ủng hộ chủ trương một sự thấu hiểu hữu thần về nguồn gốc của
vũ trụ cũng đa dạng như những đối tác của họ ở phương Tây. Một trong những trường
phái sớm nhất là một nhánh của phái Số Luận, vốn giữ quan điểm rằng vũ trụ đi đến
hình thành qua sự tác động sáng tạo lẫn nhau về những gì họ gọi là “thể chất
nguyên sơ”, tự tánh (prakit), và Tự Tại (Ishvara), hay Thượng Đế. Đây là một
thuyết siêu hình tinh vi đặt nền tảng trên luật nhân quả tự nhiên, giải thích
vai trò của Thần Thánh trong dạng thức của những đặc trưng huyền bí hơn của thực
tại, chẳng hạn như sự tạo hóa, mục tiêu của sự tồn tại, và những vấn đề như vậy.
Điểm then chốt trong sự
phê bình của Pháp Xứng liên hệ đến việc chứng minh một sự mâu thuẩn căn bản mà
ngài cảm thấy trong lập trường hữu thần (có sự tạo hóa). Ngài cho thấy rằng
chính nổ lực giải thích cho nguồn gốc của vũ trụ trong dạng thức hữu thần được
động viên bởi nguyên lý nhân quả, tuy thế - trong sự phân tích sau cùng – thuyết
hữu thần bị buộc phủ nhận nguyên lý này. Bằng việc đặt một sự khởi đầu tuyệt đối
với chuỗi nhân quả, những nhà hữu thần đang hàm ý rằng có thể có điều gì đó, tối
thiểu là một nhân, mà tự nó ở ngoài luật nhân quả. Sự khởi đầu này, vốn có hiệu
quả với nguyên nhân đầu tiên, tự nó sẽ là sẳn có. Nguyên nhân đầu tiên sẽ phải
là một yếu tố căn bản vĩnh cữu và tuyệt đối. Nếu là như vậy, chúng ta giải
thích cho năng lực sản sinh mọi sự vật và sự kiện vốn là tạm thời như thế nào?
Pháp Xứng lập luận rằng không có hiệu ứng nhân quả nào có thể phù hợp với một yếu
tố cơ bản thường hằng như vậy. Về bản chất, ngài đang nói rằng sự thừa nhận một
nguyên nhân đầu tiên sẽ phải là một giả thuyết siêu hình tùy tiện. Nó không thể
chứng minh được.
Vô Trước, sáng tác trong
thế kỷ thứ 4, đã hiểu những nguồn gốc của vũ trụ trong dạng thức của thuyết
duyên khởi. Thuyết này trình bày rõ rằng tất cả mọi thứ sinh khởi và đi đến chấm
dứt trong sự lệ thuộc trên những nguyên nhân và điều kiện (nhân và duyên). Vô
Trước nhận diện ba điều kiện then chốt chi phối nguồn gốc lệ thuộc hay duyên khởi. Thứ nhất là điều kiện của sự vắng mặt một trí năng có trước. Vô
Trước phủ nhận khả năng vũ trụ là sự tạo hóa của một trí năng có trước, lập luận
rằng nếu người ta thừa nhận một trí năng như vậy, thì nó sẽ là hoàn toàn vượt
khỏi nhân và quả. Một sự tồn tại tuyệt đối là vĩnh cửu, siêu việt, và vượt quá
sự phạm vi của luật nhân quả sẽ không có khả năng để tương tác với nhân và quả,
và vì thế không thể bắt đầu thứ gì đó và cũng không thể chấm dứt nó. Thứ hai là
điều kiện vô thường, mà nó quyết định
rằng mỗi nguyên nhân và điều kiện cho phát sinh thế giới duyên khởi tự chính
chúng là vô thường và đối tượng để thay đổi. Thứ ba là điều kiện tiềm năng. Nguyên tắc này liên hệ đến sự
kiện rằng điều gì đó không thể được sản sinh từ chính bất cứ thứ gì khác. Đúng
hơn, một tập họp đặc thù của những nguyên nhân và điều kiện để phát sinh một tập
họp những hệ quả hay các hậu quả đặc thù, phải có một loại quan hệ bản chất giữa
chúng. Vô Trước quả quyết rằng nguồn gốc của vũ trụ phải được hiểu trong dạng
thức của nguyên lý về một chuỗi vô tận của nhân quả mà không có trí năng siêu
việt hay tiên khởi.
Phật giáo và khoa học đều
căn bản không sẳn lòng đưa ra một bản chất siêu việt như nguồn gốc của mọi thứ.
Điều này hầu như không đáng ngạc nhiên cho rằng những truyền thống khảo sát này
căn bản là vô thần (không có đấng tạo hóa) trong xu hướng tư tưởng triết lý của
họ. Tuy nhiên, nếu về một mặt, thuyết big bang được xem như sự khởi đầu tuyệt đối,
vốn hàm ý rằng vũ trụ có một thời điểm bắt đầu xác định, thì ngoại trừ người ta
từ chối xét đoán vượt khỏi vụ nổ vũ trụ này, bằng không thì những nhà vũ trụ học
phải chấp nhận dù muốn dù không một loại nguyên lý siêu việt nào đó như nguyên
nhân của vũ trụ. Điều này có thể không giống như Thượng Đế mà những người hữu
thần (có đấng tạo hóa) đưa ra; tuy vậy, trong vai trò nguyên sơ như sự tạo hóa
của vũ trụ, thì nguyên lý siêu việt này sẽ là một loại thần thánh.
Về mặt khác, nếu (như một
số nhà khoa học đã cho rằng) big bang là một điểm khời đầu kém quan trọng hơn một
điểm dao động nhiệt động lực học, thì có chỗ cho một sự thấu hiểu tế nhị và phức
tạp hơn cho sự kiện vũ trụ này. Tôi nghe nói rằng nhiều nhà khoa học cảm thấy sự
giám định vẫn tiếp tục về vấn đề có phải big bang là sự khởi đầu tuyệt đối của
mọi thứ không. Chứng cứ thực nghiệm kết luận duy nhất, như tôi nghe nói, là môi
trường vũ trụ của chúng ta dường như đã tiến hóa từ một trạng thái nóng, đặc một
cách dữ dội. Cho đến khi một chứng cứ đáng tin cậy hơn có thể được tìm ra cho
những khía cạnh đa dạng của thuyết big bang, và những tuệ giác then chốt của vật
lý lượng tử và thuyết tương đối hoán toàn nhất trí, thì nhiều câu hỏi vũ trụ
phát sinh ở đây sẽ vẫn tồn tại trong thế giới siêu hình, chứ không phải khoa học
thực nghiệm.
Theo vũ trụ quan Phật
giáo, thế giới được cấu thành bởi năm yếu tố: yếu tố hổ trợ là không gian, và bốn
yếu tố căn bản là đất, nước, lửa, và không khí. Không gian cho phép sự tồn tại
và hoạt động của tất cả những yếu tố khác. Hệ thống Thời Luân trình bày không
gian không như hoàn toàn không có gì cả, nhưng như một môi trường của “những hạt
không” hay “những hạt không gian” (vi trần), vốn được nghĩ như những hạt “vật
chất” cực kỳ vi tế. Yếu tố không gian này là căn bản của sự tiến hóa và sự tan
rã của bốn yếu tố, những thứ được sinh ra từ nó và hấp thụ ngược lại vào trong
nó. Tiến trình tan rã xảy ra trong trình tự này: đất, nước, lửa, và không khí.
Tiến trình phát sinh xảy ra theo trình tự này: không khí, lửa, nước, và đất.
Vô Trước xác định rằng những
yếu tố căn bản này, là những thứ được ngài diễn tả như “bốn yếu tố lớn” hay “tứ
đại”, không nên được hiểu trong dạng thức của vật chất theo ý nghĩa tuyệt đối.
Ngài giải thích một sự phân biệt giữa “bốn yếu tố lớn”, vốn giống như tiềm năng
hơn, và bốn yếu tố là những thành phần của vật chất tổng hợp hay hợp chất. Có lẽ
bốn yếu tố trong một đối tượng vật chất có lẽ được hiểu một cách tốt hơn như rắn
chắc (đất), chất lỏng (nước), sức nóng (lửa), và năng lượng động lực (không
khí). Bốn yếu tố được phát sinh từ cấp độ vi tế đến thô phù, từ nhân tiềm ẩn của
những hạt không, và chúng tan rã từ cấp độ thô phù đến vi tế và trở lại vào
trong những hạt không của không gian. Không gian, với những hạt không của nó,
là căn bản cho toàn bộ tiến trình. Thuật ngữ hạt (particle) có lẽ không phù hợp khi liên hệ đến những hiện tượng
này, vì nó đã hàm ý hình thành những thực tế vật chất, Thật đáng tiếc là chỉ có
diễn tả chút ít trong văn bản giúp để miêu tả những hạt không gian này xa hơn.
Vũ trụ học Phật giáo thiết
lập một vòng tuần hoàn của vũ trụ theo cách sau: thứ nhất có một giai đoạn hình
thành (thành), tiếp theo một giai đoạn khi vũ trụ tồn tại (trụ), sau đó một giai
đoạn khi nó bị tàn hoại (hoại), được tiếp theo bởi một giai đoạn trống không (không)
trước khi hình thành một vũ trụ mới. Trải qua bốn thời kỳ, giai đoạn trống
không, những hạt không gian tồn tại, và chính là từ những hạt này mà tất cả vật
chất trong một vũ trụ mới được hình thành. Chính là trong những hạt không gian
này mà chúng ta tìm thấy một nguyên nhân căn bản của toàn bộ thế giới vật chất.
Nếu chúng ta mong muốn diễn tả sự hình thành vũ trụ và những thân thể vật chất
của chúng sanh, thì chúng ta cần phân tích cung cách những yếu tố khác nhau cấu
thành để cho vũ trụ ấy có thể hình thành từ những hạt không gian này.
Chính trên căn bản tiềm
năng đặc thù của những hạt đó mà cấu trúc của vũ trụ và mọi thứ trong nó – những
hành tinh, những vì sao, chúng sanh, chẳng hạn như con người và thú vật – đã
hình thành. Nếu chúng ta đi ngược lại nguyên nhân cơ bản của những đối tượng vật
chất của thế giới, thì cuối cùng chúng ta đến những hạt không gian. Chúng có trước big bang (là thứ để nói cho bất
cứ một sự bắt đầu mới nào) và quả thật là phần còn sót của vũ trụ trước đó vốn
đã bị tan hoại. Tôi nghe nói rằng một số
nhà vũ trụ học ủng hộ ý tưởng rằng vũ trụ của chúng ta đã sinh khởi như một sự
dao động thất thường từ điều được gọi là chân
không lượng tử (quantum vacuum). Đối với tôi ý tưởng này âm hưởng giáo lý
Thời Luân về những hạt không gian (vi trần).
Theo quan điểm của vũ trụ
học hiện đại, việc thấu hiểu nguồn gốc của vũ trụ trong thời gian vài giây đầu
tiên đặt ra một sự thử thách gần như không thể vượt qua. Một phần của vấn đề nằm trong sự kiện mà bốn
năng lực tự nhiên được biết – lực hấp dẫn và điện từ học, và những năng lực mạnh
và yếu của hạt nhân nguyên tử - không hoạt động vào thời điểm này. Chúng tham dự
sau đó, khi mật độ và nhiệt độ của giai đoạn đầu tiên đã giảm sút một cách đáng
kể để cho các hạt căn bản của vật chất, chẳng hạn hydrogen và helium bắt đầu
hình thành. Sự khởi đầu chính xác của big bang là điều được gọi là “tính phi
thường”. Ở đây, tất cả những phương trình toán học và quy luật vật lý bị phá vở.
Những số lượng thông thường đo lường được, chẳng hạn mật độ và nhiệt độ, trở
thành bất định vào thời điểm như thế.
Vì sự nghiên cứu của khoa
học về nguồn gốc của vũ trụ đòi hỏi việc áp dụng những phương trình toán học và
sự thừa nhận giá trị các quy luật vật lý, dường như thế, nếu những phương trình
này và những quy luật bị phá vở, thì chúng ta phải tự hỏi mình là bao giờ chúng
ta có thể có một sự thấu hiểu hoàn toàn về một vài giây đầu tiên của big bang.
Những người bạn khoa học của tôi đã nói với tôi rằng những tâm thức tuyệt vời
nhất đang dấn thân trong việc khám phá câu chuyện về những giai đoạn đầu tiên
trong việc hình thành vũ trụ chúng ta. Tôi nghe nói rằng một số tin tưởng giải
pháp mà với nó đang hiện hữu như một loạt những vấn đề không vượt qua được phải
ở trong việc tìm kiếm một đại lý thuyết hợp nhất, là thứ sẽ giúp để hợp thành một
thể thống nhất tất cả những quy luật được biết của vật lý. Có lẽ nó sẽ mang hai
khuôn mẫu của vật lý hiện đại dường như mâu thuẩn với nhau kết hợp lại – thuyết
tương đối và cơ học lượng tử. Tôi nghe nói rằng những thừa nhận hiển nhiên về
hai lý thuyết này cho đến bây giờ chứng tỏ rằng không thể giải quyết ổn thỏa.
Thuyết tương đối cho rằng sự tính toán chính xác về hoàn cảnh chính xác của vũ
trụ vào bất cứ thời điểm nào là có thể nếu chúng ta có thông tin đầy đủ. Cơ học lượng tử trái lại thừa nhận rằng thế
giới của những hạt cực nhỏ này có thể được hiểu chỉ trong điều kiện xác suất, bởi
vì ở cấp độ cơ bản thế giới bao gồm một số lượng lớn hay số lượng đặc biệt của
vật chất (tên vật lý lượng tử là từ nguồn gốc này), vốn là chủ thể đối với
nguyên lý không chắc chắn. Những lý thuyết với các danh xưng kỳ lạ như thuyết siêu dây (superstring theory – thuyết
siêu huyền[5])hay
thuyết M đang được đề xuất như những ứng
viên cho đại lý thuyết hợp nhất.
Có một thử thách xa hơn với
chính việc làm khó khăn mong có kiến thức trọn vẹn về nguồn gốc rõ ràng của vũ
trụ. Ở cấp độ căn bản, cơ học lượng tử nói với chúng ta rằng thật không thể
đoán trước một cách chính xác vấn đề một hạt hoạt động như thế nào trong một
hoàn cảnh nào đó. Do thế, người ta có thể thực hiện những tiên đoán về sự hoạt
động của những hạt chỉ trên căn bản xác suất. Nếu điều này là như vậy, bất chấp
vấn đề năng lực công thức toán học của chúng ta có thể tài giỏi như thế nào,
nhưng vì kiến thức của chúng ta về những điều kiện ban đầu của một hiện tượng
hay một sự kiện nào đó luôn luôn không hoàn toàn, cho nên chúng ta không thể thấu
hiểu hoàn toàn vấn đề toàn bộ câu chuyện còn lại phơi bày như thế nào. Một cách
tốt nhất, chúng ta có thể thực hiện những sự ước lượng đại khái, nhưng chúng ta
có thể không bao giờ có được một sự diễn tả hoàn toàn ngay cả một hạt nguyên tử
độc nhất, thì nói chi đến toàn bộ vũ trụ.
Trong thế giới quan Phật
giáo, có một sự thừa nhận về thực tế không thể đạt được tri thức hoàn toàn về
nguồn gốc của vũ trụ. Một văn kiện Đại thừa tên là Kinh Hoa Nghiêm chứa đựng một
thảo luận dài về những hệ thống thế giới vô tận và những giới hạn của tri thức
loài người. Một phần được gọi là “Không thể tính đếm” (phẩm A Tăng Kỳ) cung ứng
một chuỗi tính toán của những con số cực kỳ cao, lên đến tột bậc trong dạng thức
chẳng hạn như “không thể tính đếm”, “không đo lường được”, “không bờ bến”, và
“không thể so sánh được”. Con số cao nhất là “bình phương vô kể”, được nói là hàm
số của tự nó nhân lên “không kể xiết”! Một người bạn đã nói với tôi rằng con số
nay có thể được viết là 1059. Hoa Nghiêm tiếp tục với những
con số cực kỳ khó khăn để tưởng tượng với những hệ thống vũ trụ; nó đề xuất rằng
nếu những thế giới “hằng hà sa số” được rút gọn thành những nguyên tử và mỗi
nguyên tử chứa đựng “vô số” thế giới, thì những con số về những hệ thống thế giới
sẽ vẫn không thể đếm hết.
Tương tự thế, trong những
câu thi kệ tuyệt vời, kinh Hoa Nghiêm so sánh thực tại khó hiểu và sự nối kết
tương liên một cách sâu sắc về thế giới đến một mạng lưới vô tận của châu báu
được gọi là “Đế châu hay lưới châu báu của trời Đế Thích”, là thứ có thể vươn
ra đến không gian vô tận. Ở tại mỗi nút thắt trên lưới là một viên pha lê, vốn
nối kết với tất cả những viên pha lê khác và phản chiếu trong chính nó tất cả
những viên pha lê khác. Trên một mạng lưới như vậy, không có viên pha lê nào ở
trung tâm hay ngoại biên. Mỗi một viên pha lê là ở tại trung tâm và trong nó phản
chiếu tất cả những viên pha lê khác trên lưới. Cùng lúc, nó là ở ngoại biên mà
trong đó nó tự phản chiếu trong tất cả những viên pha lê khác. Đưa ra sự nối kết
tương liên sâu sắc của mọi thứ trong vũ trụ, thì thật không thể có một kiến thức
hoàn toàn của ngay cả một nguyên tử đơn lẻ ngoại trừ người ấy là toàn tri toàn
giác (omniscient). Để biết ngay cả một một nguyên tử đơn lẻ trọn vẹn hàm ý sự
hiểu biết về những mối quan hệ của nó với tất cả những hiện tượng khác trong vũ
trụ vô tận.
Luận điển Thời Luân cho rằng,
trước sự hình thành của nó, bất cứ một vũ trụ nào cũng duy trì trong trạng thái
rỗng không, nơi mà tất cả những yếu tố vật chất của nó tồn tại trong hình thức
tiềm năng như “những hạt không gian.” Vào một thời điểm nào đó, khi các xu hướng
nghiệp của chúng sanh, những kẻ có khả năng tiến hóa trong vũ trụ đặc thù này
chín muồi, thì “những hạt không khí” bắt đầu tập họp lại với nhau, tạo thành một
cơn gió vũ trụ. Tiếp theo “những hạt lửa” tập họp cùng cách, tạo thành những sự
tích “nhiệt” mạnh mẽ di chuyển qua không khí. Tiếp theo điều này, “những hạt nước”
tập họp để hình thành những cơn mưa xối xả kèm theo ánh sáng. Cuối cùng, “những
hạt đất” tập họp và cùng với những yếu tố khác, bắt đầu tạo thành hình thể rắn.
Yếu tố thứ 5, “không gian” được cho là lan tràn khắp tất cả những yếu tố khác
như một năng lực nội tại và vì thế không sở hữu một sự tồn tại riêng biệt. Trải
qua một tiến trình thời gian lâu dài, 5 yếu tố này mở rộng để hình thành vũ trụ
vật chất như chúng ta đi đến biết và trải nghiệm nó.
Cho đến giờ chúng ta đã
đang nói về nguồn gốc của vũ trụ mặc dù nó chỉ gồm có một hổn hợp vật chất và
năng lượng vô tri giác – sự sinh thành của những thiên hà, những hố đen, các vì
sao, các hành tinh, và vô số những hạt hạ nguyên tử. Tuy nhiên, theo quan điểm
Phật giáo, có một vấn đề quan trọng về vai trò của [tâm] thức. Thí dụ, vốn có
trong cả vũ trụ quan Thời Luân và A tỳ đạt ma là ý tưởng rằng sự hình thành của
một hệ thống vũ trụ đặc thù nào là được nối kết một cách mật thiết xu hướng
nghiệp của chúng sanh. Trong ngôn ngữ trần tục, những vũ trụ học này của Phật
giáo có thể được thấy như việc đề xuất rằng hành tinh của chúng ta đã tiến triển
trong một cách mà nó có thể hổ trợ sự tiến hóa của chúng sanh trong những hình
thể của vô số chủng loại tồn tại ngày nay trên trái đất.
Bằng việc viện dẫn
nghiệp ở đây, tôi không đang cho rằng theo Phật giáo, mọi thứ là một sự thể hiện
của nghiệp. Chúng ta phải phân biệt giữa quá trình hoạt động của quy luật tự
nhiên về nhân quả, mà qua đó một khi một chuỗi những điều kiện nào đó được đặt trong
sự vận hành thì chúng sẽ có một chuỗi nhưng hiệu quả nào đó, và luật nghiệp
báo, mà qua đó một hành vi có ý sẽ thu hoạch những kết quả nào đó. Vì thế, thí
dụ, nếu lửa trại bị bỏ quên trong rừng và gặp những nhánh lá khô, sẽ đưa đến
cháy rừng, sự kiện là một khi cây cối bị bốc lửa chúng cháy, trở thành than và
khói, đơn giản là sự hoạt động của luật nhân quả, là bản chất của lửa và những
vật chất đang cháy. Không có nghiệp liên hệ với một loạt những kiện này. Nhưng
một con người chọn đốt lửa trại và quên dập tắt nó – làm bắt đầu một chuỗi những
sự kiện - ở đây nghiệp quả có liên hệ.
Quan điểm của
riêng tôi là toàn bộ tiến trình của việc phơi bày một hệ thống vũ trụ là vấn đề
của quy luật tự nhiên về nhân quả. Tôi hình dung nghiệp đi vào trong khung cảnh
ở hai điểm. Khi vũ trụ đã tiến hóa đến một giai đoạn nơi mà nó có thể hổ trợ
cho sự sống của chúng sanh, số phận của nó trở thành bị liên lụy với nghiệp của
chúng sanh, những kẻ sống trong nó. Khó khăn hơn có lẽ là sự xen vào đầu tiên của
nghiệp, là thứ có hiệu quả với sự trưởng thành tiềm năng của nghiệp với chúng
sanh là những kẻ sẽ chiếm cứ vũ trụ ấy, vốn thiết lập trong sự vận hành đi đến
sự hiện hữu của nó.
Năng lực để thấy
rõ một cách chính xác nơi mà nghiệp giao nhau với quy luật nhân quả tự nhiên được
nói một cách truyền thống là chỉ ở trong tâm toàn tri toàn giác của Đức Phật. Vấn
đề là để làm hài hòa hai bộ phận của sự giải thích như thế nào – thứ nhất là bất
cứ hệ thống vũ trụ nào và chúng sanh trong nó là sinh khởi từ nghiệp, và thứ
hai, rằng có một tiến trình tự nhiên của nhân và quả, vốn chỉ là bày ra. Những
kinh luận ban sơ của Đạo Phật cho rằng vật chất về một mặt và [tâm] thức về mặt
kia liên hệ phù hợp với tiến trình nhân và quả của chúng, là thứ làm cho sinh
khởi một loạt những chức năng và đặc tính mới trong cả hai trường hợp. Trên sự
thấu hiểu cơ sở bản chất, những mối quan hệ nhân quả, và các chức năng của
chúng, thế thì người ta có thể tìm thấy những kết luận – cho cả vật chất và
[tâm] thức – làm phát sinh kiến thức. Những giai đoạn này được hệ thống hóa như
“4 nguyên lý”: nguyên lý bản chất, nguyên lý lệ thuộc, nguyên lý chức năng, và
nguyên lý chứng cứ.
Câu hỏi rồi thì
là, Có phải bốn nguyên lý này (vốn cấu thành một cách hiệu quả những quy luật của
tự nhiên theo triết lý Phật giáo) tự chúng là độc lập với nghiệp, hay ngay cả sự
tồn tại của chúng thì cũng liên kết với nghiệp của chúng sanh sống trong vũ trụ
mà trong ấy chúng hoạt động? Vấn đề này tương ứng với những câu hỏi được nêu
lên trong mối quan hệ với vị thế của những quy luật vật lý. Có thể có không một
loạt những quy luật vật lý hoàn toàn khác biệt trong một vũ trụ khác, hay có phải
những quy luật vật lý như chúng ta thấu hiểu chúng cũng đúng trong tất cả những
vũ trụ có thể có? Nếu câu trả lời là trong một loạt những quy luật khác biệt có
thể hoạt động trong một hệ thống vũ trụ khác, thì điều này cho thấy rằng (theo
một quan điểm của Đạo Phật) ngay cả những quy luật vật lý cũng bị vướng mắc với
nghiệp của những chúng sanh sẽ xuất hiện trong vũ trụ ấy.
Những lý thuyết vũ
trụ của Phật giáo hình dung thế nào sự phân biệt mối quan hệ giữa những thiên
hướng nghiệp của chúng sanh và sự tiến hóa của vũ trụ vật chất? Cơ chế nào mà
qua nó nghiệp nối kết với sự tiến hóa của hệ thống vật chất? Trên tổng thể, luận
A Tỳ Đạt Ma của Phật giáo không nói nhiều về những câu hỏi này, ngoại trừ quan
điểm tổng quát rằng môi trường nơi một chúng sanh tồn tại là “một hệ quả môi
trường” của nghiệp tập thể của chúng sanh cùng và chia sẻ với vô số những chúng sanh khác. Tuy
nhiên, trong giáo lý Thời Luân, thì những tương quan gần gũi được xác lập giữa
vũ trụ và thân thể của những chúng sanh sống trong nó, giữa những yếu tố tự
nhiên trong vũ trụ vật chất ngoại tại và những yếu tố bên trong thân thể của những
chúng sanh, và giữa những giai đoạn trong hành trình của những thiên thể và những
thay đổi trong thân thể của các chúng sanh. Giáo lý Thời Luân trình bày một
khung cảnh chi tiết của những tương quan này và những biểu hiện của chúng trong
kinh nghiệm của một tạo vật có tri giác. Thí dụ, Thời Luân nói về vấn đề nhật
thực và nguyệt thực có thể ảnh hưởng thân thể của một chúng sanh qua sự thay đổi
những mô thức trong hơi thở. Thật sẽ rất hấp dẫn để đưa ra một số vấn đề này,
là những thứ thực nghiệm, đến sự thẩm tra của khoa học.
Thậm chí với tất cả
những lý thuyết khoa học sâu sắc này về nguồn gốc của vũ trụ, tôi còn những câu
hỏi này, những câu hỏi nghiêm túc nhất: Điều gì tồn tại trước big bang? Big
bang đến từ chốn nào? Thứ gì tạo ra nó? Tại sao hành tinh của chúng ta tiến triển
để hổ trợ sự sống? Mối quan hệ giữa vũ trụ và những tạo vật đã tiến hóa trong
nó là gì? Các nhà khoa học có thể gạt bỏ những câu hỏi này như vô nghĩa, hay họ
có thể thừa nhận tầm quan trọng của chúng nhưng không chấp nhận chúng thuộc phạm
vi nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, cả hai sự tiếp cận này sẽ có hậu quả về việc
hiểu biết những giới hạn rõ ràng của tri thức khoa học về nguồn gốc vũ trụ của
chúng ta. Tôi không lệ thuộc với những cưỡng ép của chuyên môn hay lý tưởng về
một thế giới quan vật chất triệt để. Và trong Phật giáo, vũ trụ được thấy như
vô tận và vô thỉ, cho nên tôi hoàn toàn vui mừng để mạo hiểm vượt khỏi big bang
và suy xét về những trạng thái có thể về các tình huống trước nó.
Ẩn Tâm Lộ
Dịch xong:
Wednesday, September 6, 2017
Hiệu đính: Tuesday,
September 12, 2017
[1]Charvaka:
Triết học duy vật khoái lạc
[2] A
tăng kỳ kiếp có đại, trung và tiểu a tăng kỳ kiếp; hay đại kiếp, trung kiếp, tiểu
kiếp: Tiểu-kiếp, trung-kiếp, đại-kiếp: Cứ một kiếp-tăng, kiếp-giảm là một tiểu-kiếp.
Như thế, một tiểu-kiếp có 16.678.000 năm. Hai mươi tiểu-kiếp là một trung-kiếp.
Trung-kiếp có 333.560.000 năm. Bốn trung-kiếp hợp thành một đại-kiếp. Đại-kiếp
có 1.334.240.000 năm. Thế thì một đại-kiếp có 80 tiểu-kiếp. Bốn trung-kiếp
trong đại-kiếp là: trung-kiếp-thành, trung-kiếp-trụ, trung-kiếp-hoại và
trung-kiếp-không. Tam-thiên-thế-giới sanh diệt theo tuần tự thành, trụ, hoại,
không của đại-kiếp. Dưới đây, xin kể lược qua bốn giai đoạn ấy.
PHẬT HỌC TINH YẾU ( HT THÍCH THIỀN TÂM)
[3]
Exposition of Valid Cognition: Giải Thích Nhận Thức Có Giá Trị/ Lượng Quyết
Định Luận, theo Làng Đậu
[4]
Argument from design/ intelligent design argument/ Tranh luận về sự tồn tại của
Thượng Đế, hay về một đấng tạo hóa trí năng./ Thiết kế luận, theo Làng Đậu
[5] thuyết siêu dây (superstring theory – thuyết
siêu huyền) lại có thuyết dây (string theory – thuyết huyền)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét