Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017

THUYẾT TIẾN HÓA, NGHIỆP, VÀ THẾ GIỚI TRI GIÁC



Nguyên tác: Evolution, Karma, and the World of Sentience
Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển


Câu hỏi Đời sống là gì? Bất chấp vấn đề nó có thể được hư cấu như thế nào, thì nó cũng đưa ra một thử thách cho bất cứ một sự cố gắng thông thái nào muốn thuyết minh một cách chi tiết một thế giới quan mạch lạc. Giống như khoa học hiện đại, Phật giáo giữ vững tiền đề căn bản là, ở cấp độ căn bản nhất, không có định tính khác biệt giữa căn bản vật chất của thân thể chúng sanh tri giácchẳng hạn như con người, và như tương ứng với, một viên đá. Giống như một hòn đá được cấu thành bởi một tập họp của những hạt vật chất, thì thân thể con người cũng được bao gồm những hạt vật chất tương tự. Quả vậy, toàn thể vũ trụ và tất cả vật chất trong nó được làm từ cùng chất liệu, là thứ được tái tạo không ngừng nghỉ - theo khoa học, các nguyên tử trong thân thể chúng ta đã từng một lần thuộc về những vì sao ở rất xa trong thời gian và không gian.

Câu hỏi rồi thì là, Điều gì làm thân thể một con người quá khác biệt với một viên đá mà nó có thể nuôi dưỡng sự sống và [tâm] thức? Khoa sinh học hiện đại trả lời câu hỏi này tùy thuộc vào khái niệm của sự nổi lên những cấp độ cao hơn của các đặc tính  tương ứng với những cấp độ cao hơn của sự phức tạp trong tập họp của các thành phần vật chất. Nói cách khác, sinh học hiện đại cho biết câu chuyện qua một tập họp ngày càng phức tạp của các nguyên tử trong những cấu trúc của phân tử và gien; cơ thể phức tạp của sự sống xuất hiện đơn giản trên căn bản của những yếu tố vật chất.

Thuyết tiến hóa của Darwin là nền móng nhận thức của sinh học hiện đại. Thuyết tiến hóa, và trong khái niệm đặc biệt về sự chọn lọc tự nhiên, cung ứng một khung cảnh rộng lớn về nguồn gốc của những hình thức sống đa dạng. Như tôi hiểu nó, các lý thuyết của sự tiến hóa và sự chọn lọc tự nhiên là những cố gắng để giải thích cho sự đa dạng kỳ lạ của những sinh vật sống (động, thực, vi sinh vật). Sự phong phú kỳ vĩ của đời sống và các khác biệt kinh khủng giữa nhiều chủng loại được giải thích bởi ý kiến khoa học rằng những hình thể mới được tạo thành bởi sự biến đổi của những hình thể hiện tại, với ý kiến bổ sung rằng những đặc trưng đó thích hợp tuyệt vời nhất với một môi trường nào đó sẽ được truyền lại những thế hệ sau đó, trong khi những đặc tính không cần thiết để tồn tại sẽ biến mất.

Tôi từng nghe nói, những lý thuyết này diễn tả, điều mà chính Darwin gọi là một “sự trao truyền” vào trong sự đa dạng và phức tạp của tất cả mọi hình thể của sự sống từ một sự đơn giản ban đầu. Vì tất cả những sinh vật sống thuộc vào những dòng dõi tiến hóa mở rộng ngược lại đến một tổ tiên chung, nên lý thuyết nhấn mạnh đến sự nối kết tương liên ban sơ của những sinh vật sống trên thế giới.

Tôi nghe về thuyết tiến hóa khi tôi có chuyến du hành lần đầu tiên đến Ấn Độ năm 1956, và chính ở đó mà tôi được nghe đến một vài khía cạnh lý thuyết của sinh học hiện đại. Nhưng chỉ tận lâu sau này tôi mới có thể nói nhiều đến một khoa học gia thật sự về thuyết tiến hóa của Darwin. Trớ trêu thay, người đầu tiên giúp tôi thấu hiểu lý thuyết trọn vẹn hơn không phải là một nhà khoa học mà là một học giả tôn giáo. Huston Smith đã đến để gặp tôi ở Dharamsala vào những năm 1960. Chúng tôi đã nói về những tôn giáo thế giới, nhu cầu cho chủ nghĩa đa nguyên lớn hơn trong những tín đồ của tôn giáo, và vai trò của tâm linh trong một thế giới vật chất ngày càng tăng, cũng như một số phản chiếu huyền bí hơn trên các lãnh vực có thể gặp nhau giữa huyền học Phật giáo và Ki tô giáo. Tuy nhiên, chủ đề làm tôi chú ý nhất là sinh học hiện đại, đặc biệt sự thảo luận của chúng tôi về DNA[1] và sự kiện rằng có quá nhiều bí mật của đời sống hiện hữu nằm trong bí ẩn của chuỗi sinh học xinh đẹp này. Khi tôi đếm những vị thầy của tôi về khoa học, tôi bao gồm cả Huston Smith cùng với họ, mặc dù tôi không chắc chính ông có chấp nhận điều này hay không.

Tốc độ số mũ của tiến bộ trong sinh học, đặc biệt sự tiến triển trong khoa học gien, đã làm sâu sắc triệt để tận gốc rể sự thấu hiểu của chúng ta về vai trò của DNA trong việc tiết lộ những bí mật của sự sống. Sự thấu hiểu của tôi về sinh học hiện đại hàm ơn nhiều đến sự chỉ bảo của những vị thầy lớn như cố giáo sư Robert Livingston từ Đại học California ở San Diego. Ông là vị thầy rất nhẫn nại, người nhìn chăm chú một cách mãnh liệt qua đôi mắt kính của ông khi ông giải thích về một vấn đề và là một người chu đáo nhiệt tình với một chí nguyện sâu sắc đến việc giải trừ vũ khí hạt nhân thế giới. Một trong số những tặng phẩm của ông cho tôi là một bộ não bằng plastic với các thành phần gắn nhãn có thể tháo rời, hiện nay ở trên bàn làm việc của tôi ở Dharamsala, và một bảng toát yếu viết tay về những điểm chính của thần kinh học.

Thuyết Darwin là một phạm vi để giảng nghĩa vốn giải thích về sự phong phú của hệ thực vật và động vật, sự dồi dào của điều mà Phật giáo gọi là chúng sanh tri giác và cây cỏ vốn cấu thành một cách hiệu quả thế giới sinh học có giá trị cho chúng ta. Cho đến bây giờ lý thuyết này đã tránh khỏi sự phản bác và đã cống hiến một sự thấu hiểu khoa học mạch lạc nhất về sự tiến hóa đa dạng của sự sống trên trái đất. Thuyết này áp dụng nhiều ở cấp độ phân tử - đó là, sự thích nghi và chọn lọc những gien cá thể - với cấp độ thế giới vĩ mô của những sinh vật lớn. Mặc cho khả năng thích nghi phi thường của nó đến tất cả mọi cấp độ mà trên nó chúng ta có thể nói sự sống phát triển, nhưng thuyết Darwin không tuyên bố dứt khoát vấn đề nhận thức luận, đời sống là gì. Điều này nói rằng, có một số đặc tính then chốt mà sinh học thấu hiểu là thiết yếu cho đời sống, chẳng hạn những sinh vật là những hệ thống tự duy trì, và sở hữu một cách tự nhiên một số cơ chế tái sinh sản. Thêm nữa, những định nghĩa then chốt về sự sống kể cả năng lực tiến triển rời xa khỏi sự hổn loạn và tiến tới trật tự, là thứ được gọi là “nội chuyển lực phủ định[2]”.

Truyền thống Phật giáo A Tỳ Đạt Ma, trái lại, định nghĩa sok, tiếng Tây Tạng tương đương với thuật ngữ tiếng Anh là life, sự sống, vốn hổ trợ “sức nóng” và “[tâm] thức.  Với một phạm vi nào đó, những khác biệt là có ý nghĩa (màu sắc sinh học), vì điều những nhà tư tưởng Phật giáo muốn nói sự sống (life) và sự sinh tồn (living) liên hệ một cách hoàn toàn đến chúng sanh có tri giác chứ không phải cây cỏ, trong khi sinh học hiện đại có một nhận thức rộng rãi hơn nhiều về sự sống, đem nó xuống tận cấp độ tế bào. Sự định nghĩa của A Tỳ Đạt Ma không tương ứng với sự giải thích sinh học chủ yếu là vì động lực tiềm tàng của giáo lý Đạo Phật là để trả lời những câu hỏi về đạo đức có thể được xem như chỉ trong mối liên hệ với những hình thức sống cao cấp.

Theo tôi hiểu, trọng tâm của thuyết tiến hóa Darwin, đó là sự chọn lọc tự nhiên. Nhưng điều này có nghĩa là gì? Mô thức sinh học hiện đại cho sự chọn lọc tự nhiên như sự biến đổi gien ngẫu nhiên và sự cạnh tranh đến sau giữa những sinh vật đưa đến “sự sinh tồn xứng đáng nhất” hay, một cách đúng đắn hơn, sự thành công tái sinh sản dị biệt của một số sinh vật đối với một số khác. Mỗi nét tiêu biểu trong một sinh vật lệ thuộc với sự cưỡng chế của môi trường. Những sinh vật nào phát triển mạnh nhất trong những sự cưỡng chế này và trong sự cạnh tranh với những sinh vật khác, và có con cái nhiều nhất, thấy rằng thích nghi tốt hơn và vì vậy được trang bị tốt hơn để tồn tại. Khi những chức năng nào thích nghi nhất được tiếp tục chọn lựa trong một môi trường nào đó từ trong số những sự biến đổi được sản sinh bởi sự thay đổi ngẫu nhiên, thì chủng loại sinh vật đó chuyển hóa.

Sự chọn lọc tự nhiên có thể được thấy như sự giải thích loại ruồi hay khỉ nào có thể tồn tại tốt nhất trong những môi trường kén chọn của chúng, và vấn đề những tạo vật như con người hiện đại được tiến hóa từ những tổ tiên giống như khỉ như thế nào. Mặc cho những khác biệt rõ ràng, nhưng con người và con vượn (chimpanzee) cùng chia sẻ 98 phần trăm DNA của nhau; một sự khác biệt chỉ 2 phần trăm giải thích cho sự phân biệt giữa hai chủng loại (sự khác biệt giữa con người và khỉ đột (gorilla) là 3 phần trăm). Giống như thế, ở cấp độ gien, sự chọn lọc tự nhiên dường như giải thich vấn đề những sự biến đổi trong gien, vốn là ngẫu nhiên nhưng phát khởi một cách tự nhiên, có thể được chọn lọc ra và vì thế tạo nên những trạng thái khác nhau trong những sinh vật sống. Sự biến đổi gien cũng được nghĩ là dụng cụ cho sự tiến hóa ở cấp độ phân tử. Và sự chọn lọc tự nhiên được thấy như cơ chế mà nó làm dễ dàng cho sự phát triển những nhóm thần kinh (phía truyền, phía nhận, và v.v…), vốn làm sinh khởi cá tính và tính biến thiên của mỗi bộ não và trên cấp độ của chủng loại, đến những phẩm chất đặc biệt của [tâm] thức con người, thí dụ thế.

Ngay cả trong mối quan hệ với những nguồn gốc của sự sống, thì sự chọn lọc tự nhiên cũng được xem như một tiến trình mà nhờ đó những phân tử đặc thù có thể tự tái tạo đã sinh khởi (có lẽ tình cờ vào lúc đầu) trong tình trạng “hổn độn” hữu cơ nguyên sơ hay có thể là sự tự sao chép của các tinh thể vô cơ. Tôi biết được từ nhà vật lý Stanford, Stephen Chu,  rằng đội ngũ của ông hiện tại đang phát triển những mô thức cho việc thấu hiểu sự sống theo quan điểm của những quy luật vật lý. Theo lịch sử hiện tại về những nguồn gốc hữu cơ của sự sống, chẳng bao lâu sau khi trái đất hình thành, những phân tử của RNA (axit ribonucleic) tự chúng rất không ổn định, đi đến hình thành và tự tái tạo mà không cần sự hổ trợ. Bằng cách chọn lọc tự nhiên, các phân tử kiên cố và bền vững hơn – những phân tử DNA (deoxyribonucleic axit, kho chứa căn bản của thông tin di truyền học) – xuất hiện từ RNA. Sự sống đi đến hình thành trong hình thức của một tạo vật phức tạp hơn chứa đựng công thức gien cho cấu trúc của nó trong DNA và tạo hình thể của nó từ chất đạm (protein). RNA đã trở thành mối liên kết giữa DNA và chất đạm, vì nó đọc tin tức chứa trong DNA và hướng dẫn sự sản xuất những chất đạm.

Tạo vật đầu tiên cấu thành từ DNA, RNA, và chất đạm được biết như Luca, tổ tiên chung phổ quát trể nhất, vốn có thể từng giống điều gì đó như một vi khuẩn sống sâu trong trái đất hay trong nước ấm. Xét cho cùng, qua sự tái tạo và bằng sự chọn lọc tự nhiên, Luca dần dần tiến hóa thành tất cả mọi loài. Tôi luôn luôn mĩm cười khi tôi nghe về cái tên này, vì Luca là tên của phiên dịch viên lâu năm người Ý Đại Lợi của tôi.

Mô thức này bao hàm một kiểu mẫu của những sự thay đổi nhỏ và dần dần vốn đưa đến nhữ ng biến thể nhiều vô số trong những tạo vật sống. Những biến thể này là những gì được sàng lọc bởi sự chọn lọc tự nhiên. Có những chọn lựa đa dạng với khung cảnh này – thí dụ, tiềm năng của những sự thay đổi lớn và bất ngờ, và vì thế một quan điểm về sự tiến hóa phát triển  qua những sự biến đổi bất ngờ mà trong ấy những sự chuyển hóa các sinh vật không phải từ từ mà đột ngột. Giống như thế, có một sự tranh luận về việc có phải sự chọn lọc tự nhiên là cơ cấu duy nhất của sự thay đổi hay có phải những nhân tố khác cũng liên hệ đến.

Sự bùng nổ trong khoa di truyền học những thời gian gần đây đã cho thấy sự phức tạp và nét riêng biệt rộng lớn một cách vô song đối với sự thấu hiểu của chúng ta về sự tiến hóa ở cấp độ phân tử và gien. Với sự phối hợp thời gian tinh vi, chỉ trước khi kỷ niệm lần thứ 50 của việc khám phá cấu trúc của DNA bởi James Watson và Francis Crick năm 1953, thì sự sự sắp xếp chuỗi gien của con người đã được hoàn chỉnh. Kỳ công vĩ đại này đã mang theo sự hứa hẹn về tiềm năng vô kể của kỷ thuật và y tế.

Tôi đã nghe nói về sự sắp xếp chuỗi gien trong một cung cách bất thường. Vào ngày tổng thống Mỹ Bill Clinton và thủ tướng Anh Tony Blair cùng nhau tuyên bố, thì tôi đang ở Hoa Kỳ và có thời biểu xuất hiện trên chương trình Larry King Show. Vì tôi chỉ nghe tin tức vào buổi sáng sớm hay vào cuối ngày, cho nên tôi đã không nghe được lời tuyên bố vào buổi trưa. Thế nên khi Larry King hỏi tôi nghĩ gì về điều ấy, tôi đã ngớ ra không biết ông ta đang nói gì. Thế nào đấy, tôi đã không thể liên kết lời tuyên bố về tính chất trọng đại của sự đột phá khoa học này mà hai chính trị gia đã tuyên bố cho giới truyền thông. Sự thật là buổi phỏng vấn của tôi được thực hiện qua vệ tin viễn thông không làm cho buổi tiếp xúc dễ hơn chút nào. Do vậy chính Larry King trên buổi truyền hình đã cho tôi biết tin tức ấy.

Những liên hệ rộng rãi hơn về kỳ công đáng kinh ngạc của khoa học được cảm nhận ngày càng gia tăng. Tôi đã có cơ hội để nói chuyện với những nhà khoa học hoạt động trong lãnh vực này, đặc biệt nhà di truyền học Eric Lander tại MIT (Massachusetts Institute of Technology). Ông đã hướng dẫn tôi xem phòng thí nghiệm của ông tại Broad Insitute của MIT và Harvard, nơi mà  nhiều máy móc đầy năng lực đã được sử dụng cho việc sắp xếp thứ tự bộ gien con người hoạt động, và được chứng minh/giải thích một số giai đoạn liên hệ đến sự sắp xếp một bộ gien.

Tại một hội nghị Tâm Thức và Đời Sống, Eric đã giải thích bộ gien con người bằng việc so sánh nó với tạng kinh Kangyur, tập họp những kinh điển thuộc về Đức Phật và được chuyển dịch sang Tạng ngữ, vốn chỉ hơn một trăm bộ của khoảng ba trăm tờ mỗi bộ. Quyển sách đồ sộ của bộ gien có hai mươi ba chương, hai mươi ba nhiễm sắc thể con người, và mỗi bộ của bộ gien (một bộ từ mỗi phụ huynh) chứa khoảng ba mươi đến tám mươi nghìn gien. Mỗi chương này được viết trên một chuỗi dài của DNA trong ba mẫu tự, là thứ bao gồm bốn mẫu tự A, C, G, và T - adenine, cytosine, guanine, thymine - trình tự trong tất cả các kết hợp.

Hãy tưởng tượng, Eric đề nghị, rằng trong hàng triệu năm của việc sao chép lại quyển sách này, mỗi lần bây giờ và sau này có một số lỗi lầm nho nhỏ len vào, giống như thế - trong hàng trăm năm sao chép nó bằng tay – những sai sót thư ký nho nhỏ, những lỗi chính tả, và những thay thế của mẫu tự đi vào trong văn bản của Kangyur. Những lỗi lầm này có thể thành vĩnh viễn sau đó của việc sao chép, rồi nó lại giới thiệu những biến thể sao chép mới, và v.v… Một số những biến thể chính tả này có thể không có một tác động căn bản trên việc đọc văn bản; tuy nhiên, đôi khi xảy ra một lỗi chính tả quan trọng mà nó có thể có những hậu quả sâu rộng. Tương tự đối với một văn kiện hợp tiêu chuẩn chính thống, mặc dù sự thay đổi có thể là một lỗi chính tả đơn thuần, nếu điều này, nói là, từ một chữ tích cực thành một chữ tiêu cực, thì có thể có một hệ quả căn bản trong ý nghĩa của một câu hay việc thấu hiểu toàn bộ văn kiện. Chính những biến thể ngẫu nhiên này trong chính tả, tôi nghe nói, vốn là những thay đổi xảy ra một cách tự nhiên trong tiến trình tiến hóa.

Theo một số nhà sinh học mà tôi đã nói chuyện với họ, có một sự nhất trí cao rằng sự đột biến của những sự thay đổi gien, bất chấp vấn đề chúng tự nhiên như thế nào, vẫn tồn tại hoàn toàn ngẫu nhiên. Tuy nhiên, một khi những sự thay đổi như vậy xảy ra, thì nguyên tắc chọn lọc tự nhiên bảo đảm rằng, nhìn chung, những sự thay đổi hay biến thể đó vốn thúc đẩy cơ hội tốt nhất cho việc sinh tồn được chọn lọc. Như nhà sinh học Hoa Kỳ Ursula Goodenough đã diễn tả nó tại Hội nghị Tâm Thức và Đời Sống năm 2002, “Sự thay đổi tuyệt đối là ngẫu nhiên, nhưng sự chọn lọc thì cực kỳ khó khăn!” Theo quan điểm triết học, ý tưởng rằng những sự thay đổi này, vốn có những liên can sâu rộng như vậy, xảy ra một cách tự nhiên là không có vấn đề gì, nhưng cho rằng chúng thuần ngẫu nhiên lại làm tôi có ấn tượng như không hài lòng. Nó để mở câu hỏi về vấn đề sự ngẫu nhiên này được thấu hiểu một cách tốt nhất như một tính năng khách quan của thực tại hay được thấu hiểu tốt hơn như biểu hiện của một loại nhân quả tiềm ẩn nào đó.

Đối nghịch với khoa học, trong Phật giáo không có sự thảo luận triết lý trọng yếu về vấn đề những sinh vật sống xuất hiện từ vật chất vô tri giác như thế nào. Trong thực tế, không có sự hiện hữu thậm chí là một sự thừa nhận cho đây là một vấn đề triết lý quan trọng. Cùng lắm thì có một sự công nhận tiềm tàng rằng sự xuất hiện của những sinh vật sống từ vật chất vô tri giác đơn giản là hậu quả từ nhân và quả trải qua thời gian, với một loạt những điều kiện ban đầu và những quy luật tự nhiên chi phối tất cả những lãnh vực của sự tồn tại. Tuy nhiên, trong Phật giáo có một nhận thức lớn hơn về thử thách trong việc giải thích cho sự xuất hiện của chúng sanh có tri giác từ điều vốn có một thực chất căn bản không tri giác.

Sự quan tâm khác biệt này nêu lên một sự mâu thuẩn hấp dẫn giữa Phật giáo và khoa học hiện đại, vốn có thể phần nào thích hợp với những khác biệt phức tạp về lịch sử, xã hội, và văn hóa làm nền tảng cho sự phát triển cả hai truyền thống khảo sát này. Với khoa học hiện đại, tối thiểu từ quan điểm triết học, sự phân chia quan trọng dường như là giữa vật chất vô tri và nguồn gốc của những sinh vật sống – (động, thực, vi sinh vật) trong khi với Phật giáo sự phân chia quan trọng là giữa vật chất vô tri giác và sự xuất hiện của chúng sanh có tri giác – chúng sanh hữu tình (động vật).

Chúng ta thậm chí có thể hỏi tại sao có một sự khác biệt căn bản giữa hai truyền thống này như vậy. Một lý do có thể xảy ra, khoa học hiện đại nhận thức sự phân chia quan trọng giữa vật chất vô tri và những sinh vật sống có thể phải thích hợp với phương pháp luận căn bản của khoa học. Qua cách này tôi đang liên hệ đến giản hóa luận, không quá nhiều như một lập trường siêu hình nhưng như một sự tiếp cận phương pháp học. Sự tiếp cận căn bản trong khoa học là để giải thích hiện tượng trong dạng thức của những thành phần cấu thành đơn giản hơn của chúng. Làm thế nào điều gì đó như sự sống lại xuất hiện từ sự không có sự sống? Tại một hội nghị Tâm Thức và Đời Sống ở Dharamsala, nhà sinh học Ý Đại Lợi Luigi Luisi, cơ sở ở Zurich, đã nói với tôi về đội ngũ nghiên cứu của ông chuyển sang khả năng của việc tạo ra sự sống trong một phòng thí nghiệm. Vì nếu lý thuyết của khoa học hiện tại về nguồn gốc của sự sống từ việc định hình phức tạp của vật chất vô tri là đúng đắn, thì không có gì ngăn cản chúng ta với việc tạo ra sự sống trong một phòng thí nghiệm một khi tất cả các điều kiện gặp nhau.

Phật giáo vạch ra sự phân chia quan trọng một cách khác biệt – tức là, giữa có tri giác và không tri giác – vì Đạo Phật quan tâm chính yếu trong việc làm vơi nổi khổ đau và sự tìm kiếm hạnh phúc. Trong Phật giáo, sự tiến hóa của vũ trụ và sự xuất hiện của chúng sanh hữu tình trong nó – thật vậy, mọi thứ có hiệu quả trong phạm vi hoạt động của khoa học vật chất và đời sống – thuộc phạm trù của chân lý thứ nhất của Bốn Chân Lý Cao Quý đã được Đức Phật dạy trong bài pháp đầu tiên. Bốn Chân Lý Cao Quý tuyên bố rằng trong thế giới của hiện tượng vô thường có khổ đau (1),  khổ đau có một nguồn gốc (2), sự chấm dứt của khổ đau là có thể (3), và có một con đường đến sự chấm dứt khổ đau (4). Như tôi thấy nó, khoa học thuộc về phạm vi của chân lý thứ nhất trong đó nó thẩm tra những căn bản vật chất của khổ đau, vì nó bao trùm toàn bộ phạm vi của môi trường vật chất – “vật chứa” [thai tạng giới[3]] – cũng như chúng sanh hữu tình – “thứ được chứa” [chúng sinh giới]. Chính trong lãnh vực tinh thần – lãnh vực của tâm lý, ý thức, các phiền não, và nghiệp – mà chúng ta thấy chân lý thứ hai, nguồn gốc của khổ đau. Chân lý thứ ba và thứ tư, sự chấm dứt và con đường, thực tế ở bên ngoài phạm trù phân tích của khoa học mà trong ấy nói một cách chính yếu đến những gì có thể gọi là triết học hay tôn giáo.

Sự khác biệt nền tảng này giữa Phật giáo và khoa học – cho dù lằn ranh được vẽ giữa có tri giác và không tri giác hay giữa sinh vật sống và vật chất vô tri – có những sự phân nhánh quan trọng, giữa chúng có một sự khác biệt trong vấn đề hai truyền thống thẩm tra có thể chú ý đến [tâm] thức như thế nào. Đối với sinh học, [tâm] thức là một vấn đề thứ yếu, vì nó là một đặc trưng của một bộ phận đặc biệt của những sinh vật sống thay vì toàn bộ sự sống. Trong Phật giáo, vì định nghĩa “sự sống” liên hệ đến chúng sanh hữu tình, cho nên [tâm] thức là đặc trưng nguyên sơ của “sự sống”.

Một sự thừa nhận ngầm mà tôi thấy trong tư tưởng phương Tây, là trong câu chuyện tiến hóa, con người hưởng một vị thế hiện hữu độc nhất. Sự vô song này thường được hiểu trong dạng thức của một loại “linh hồn” hay “tự ngã” là thứ mà chỉ có con người được nghĩ là sở hữu. Nhiều người rõ ràng thừa nhận một cách không nghi ngờ gì ba giai đoạn lớn lên trong sự phát triển sự sống: vật chất vô tri, sinh vật sống, và con người. Đàng sau quan điểm này có thể là lời giải đáp rằng con người chiếm cứ một đặc trưng khác biệt rõ ràng với thú vật và cây cỏ. Nói một cách nghiêm túc, đây không phải là một khái niệm khoa học.

Trái lại, nếu người ta thẩm tra lịch sử tư trưởng triết lý Phật giáo, thì có một sự thấu hiểu rằng thú vật là gần gũi với con người (trong đó cả hai là chúng sanh có tri giác) hơn là chúng với cây cỏ. Sự thấu hiểu này căn cứ trên khái niệm rằng, trong phạm vi cảm giác của chúng được quan tâm, thì không có sự khác biệt giữa con người và thú vật. Giống như con người chúng ta mong ước thoát khỏi khổ đau và tìm cầu hạnh phúc, thì thú vật cũng vậy. Tương tự thế, giống như con người chúng ta có khả năng để trải nghiệm đau đớn và sướng vui, thì thú vật cũng vậy. Nói một cách triết lý, theo quan điểm Phật giáo, cả con người và thú vật cùng sở hữu điều mà người Tây Tạng gọi là shepa, có thể tạm dịch như “[tâm] thức”, mặc dù với những mức độ phức tạp khác nhau. Trong Phật giáo, không có việc công nhận sự hiện diện của điều gì đó như “linh hồn” là duy nhất cho con người. Theo quan điểm của [tâm] thức, thì sự khác biệt giữa con người và thú vật là vấn đề trình độ chứ không phải bản tính.

Trong những kinh điển ban sơ của Phật giáo, có sự ám chỉ đến một câu chuyện về sự tiến hóa của con người, vốn được kể lại chi tiết trong những văn kiện A Tỳ Đạt Ma sau này. Câu chuyện trình bày theo cung cách sau. Vũ trụ quan Phật giáo bao gồm sự tồn tại của ba cõi giới – dục giới, sắc giới, và vô sắc giới – thì vô sắc giới là những thể trạng dần dần vi tế hơn của  sự tồn tại.

-         Dục giới được đặc trưng bởi kinh nghiệm của những tham muốn và cảm giác đau đớn, đây là thế giới của con người và thú vật sinh sống.
-         Sắc giới, trái lại, thoát khỏi bất cứ kinh nghiệm nào của biểu lộ đớn đau và được thấm đẩm một cách chính yếu bởi kinh nghiệm hạnh phúc hoàn toàn. Chúng sanh trong cõi này sở hữu những thân thể được cấu thành bởi ánh sáng.  
-         Vô sắc giới, cuối cùng, hoàn toàn vượt lên hẳn tất cả những cảm giác thân thể. Sự tồn tại trong cõi này tràn ngập bởi một thể trạng trụ định của sự thanh thản an nhàn, và chúng sanh trong cõi này hoàn toàn thoát khỏi sự hiện thân vật chất. Họ chỉ tồn tại trên bình diện tinh thần phi vật chất.

Những chúng sanh ở những thể trạng cao hơn của dục giới và cả ở cõi sắc giới và vô sắc giới được diễn tả như chúng sanh ở cõi trời hay chư thiên.  Cũng nên chú ý rằng ba cõi giới này cũng thuộc vào chân lý thứ nhất (của Bốn Chân Lý Cao Quý). Chúng không là những thể trạng thiên đàng thường còn mà chúng ta nên khao khát. Chúng hình thành với sự khổ đau của vô thường.

Sự tiến hóa của đời sống con người trên trái đất được thấu hiểu trong dạng thức của sự “đọa xuống” của một số chúng sanh cõi trời này, những kẻ đã cạn kiệt nghiệp tích cực của họ, là thứ vốn cung cấp cho họ nguyên nhân và điều kiện để duy trì trong những cõi giới cao cấp này. Không có tội nguyên thỉ (tội tổ tông) xô đẩy xuống; chỉ đơn giản là bản chất của sự tồn tại vô thường, nhân và quả, vốn đã tạo ra một chúng sanh thay đổi những thể trạng, “để chết”. Khi những chúng sanh này trải nghiệm lần đầu tiên sự “đọa xuống” của họ và được sanh trên trái đất, họ vẫn còn sở hữu những vết tích của những vẻ huy hoàng trước đây của họ. Những con người này của kỷ nguyên đầu tiên được nghĩ là có những phẩm chất như chư thiên. Họ được nói là hình thành sự hiện hữu qua “sự sinh tự nhiên”. Họ được nói là có những vóc người hấp dẫn, thân thể của họ có hòa quang, họ có những năng lực lạ thường, như bay được, và họ tiếp tục sống trên sự nuôi dưỡng của quán chiếu nội tại (thiền quán). Họ cũng được nghĩ là thoát khỏi nhiều chức năng góp phần như căn bản cho đặc tính phân biệt, chẳng hạn như giới tính, chủng tộc, và đẳng cấp.

Trải qua thời gian, như được nói, con người đã bắt đầu mất dần những phẩm chất này. Khi họ được nuôi dưỡng từ những thực phẩm vật chất, thì thân thể họ mang lấy những thực thể vật chất thô phù hơn và vì thế làm sinh ra một tính đa dạng lớn của các sự hiện hữu vật chất. Tính đa dạng này lại lần lượt đưa đến những cảm giác phân biệt, đặc biệt tình trạng thù địch đối với những ai có hiện tướng khác biệt và dính mắc đối với những người tương tự như họ, đưa đến kết quả trong hiện hữu của toàn bộ một loạt những cảm xúc tiêu cực lộ liễu. Xa hơn nữa, việc lệ thuộc vào thực phẩm vật chất đưa đến nhu cầu cho việc đào thải những vật thừa từ thân thể, và – tôi không hoàn toàn chắc chắn về vấn đề những hoạt động lập luận ở đây như thế nào – điều này đòi hỏi đưa đến việc xuất hiện của những bộ phận sinh dục nam và nữ trên thân thể con người. Câu chuyện tiếp tục với một giải thích chi tiết về căn nguyên của toàn bộ lãnh vực về những hành vi tiêu cực của con người, chẳng hạn như giết hại, trộm cắp, và tà dâm.

Trọng tâm của việc giải thích về sự tiến hóa của con người trong giáo thuyết A Tỳ Đạt Ma là về bốn loại sanh sản. Theo quan điểm này, chúng sanh hữu tình có thể hình thành sự hiện hữu như:

(1) Thai sanh, sanh từ bào thai, chẳng hạn như con người;
(2) Noãn sanh, sanh từ trứng, như chim, và nhiều loại bò sát;
(3) Thấp sanh, sanh từ nơi ẩm nóng, chẳng hạn như vô số loại côn trùng; và
(4) Hóa sanh, sanh do tự động biến hóa, chẳng hạn như chư thiên trong cõi sắc và vô sắc.

Với câu hỏi về sự đa dạng của sự sống, Nguyệt Xứng đã diễn tả một quan điểm chung của Phật giáo khi ngài viết, “Chính là từ tâm mà thế giới của cảm giác phát sinh. Do thế cũng từ tâm mà môi trường sống đa dạng của chúng sanh sinh khởi.”

Trong những kinh điển sơ khai nhất được cho là của Đức Phật, chúng ta thấy những tuyên bố tương tự về vấn đề, một cách căn bản, tâm là nguồn tạo hóa của của toàn thể vũ trụ như thế nào. Có những trường phái Phật giáo đã lấy những tuyên bố như vậy một cách chữ nghĩa và chấp nhận cùng thực hiện một hình thức cơ bản lý tưởng hóa [của duy tâm] bởi đó thực tại của thế giới vật chất ngoại tại bị phủ nhận. Nhưng trên tổng thể hầu hết những nhà tư tưởng Phật giáo có khuynh hướng diễn giải những tuyên bố đó như ý nghĩa là chúng ta phải thấu hiểu nguồn gốc của thế giới, tối thiểu là thế giới của những tạo vật có tri giác, qua hoạt động của nghiệp.

Giáo thuyết nghiệp là dấu hiệu quan trọng trong tư tưởng Phật giáo nhưng bị diễn giải sai lầm một cách dễ dàng. Theo nghĩa đen, nghiệp, karma, có nghĩa là “hành động” và liên hệ đến những hành động có xu hướng của chúng sanh hữu tình. Những hành động chẳng hạn như là nói năng, thân thể hay tâm ý – thậm chí ngay cả chỉ là những suy nghĩ hay cảm giác – tất cả những thứ đó vốn có thể tác động lên tâm thần con người, bất chấp thời gian [xảy ra] ngắn như thế nào. Những thiên hướng đưa đến kết quả trong các hành động, là những thứ vốn làm thành các hệ quả cho tình trạng của tâm đối với những nét tiêu biểu và thiên hướng nào đó, rồi tất cả những thứ ấy có thể làm cho sinh khởi những xu hướng và hành động xa hơn. Toàn bộ tiến trình được thấy như một động lực tự kéo dài bất tận. Chuỗi phản ứng của các nguyên nhân và hiệu quả nối kết hoạt động không chỉ trong những cá nhân mà cũng cho các nhóm và xã hội, không chỉ trong một kiếp sống mà xuyên qua nhiều kiếp sống.

Khi chúng ta sử dụng thuật ngữ karma, nghiệp, chúng ta có thể liên hệ đến cả những hành vi đặc thù cùng cá nhân và đến toàn bộ nguyên lý của chẳng hạn như nhân quả. Trong Đạo Phật, nhân quả nghiệp báo này được thấy như tiến trình căn bản tự nhiên và không phải như bất cứ một loại cơ cấu thần thánh hay sự hiện thực của một thiết kế định trước. Để qua một bên nghiệp của những chúng sanh hữu tình cá thể, cho dù nó là của tập thể (cộng nghiệp[4]) hay cá nhân (biệt nghiệp), thì toàn bộ sự sai lầm chính là khi nghĩ về nghiệp như một thực thể đơn nhất siêu việt nào đó vốn hành động như một thượng đế của một hệ thống hữu thần (có đấng tạo hóa) hoặc luật quyết định hay số mệnh mà bởi đó đời sống của một người bị quyết định trước. Theo quan điểm khoa học, giáo thuyết nghiệp có thể là một giả thiết siêu hình – nhưng nó không quá hơn giả định rằng tât cả mọi sự sống là vật chất và được phát sinh hoàn toàn tình cờ.

Như điều gì có thể là cơ chế mà qua đó nghiệp nào hoạt động như vai trò nguyên nhân trong sự tiến hóa của cảm giác, thì tôi thấy lợi ích từ một số giải thích được trình bày trong những truyền thống Kim Cương Thừa, thường được liên hệ với những bút giả hiện đại như Phật giáo Mật tông, theo mật điển Bí Mật Tập Hội (Guhyasamaja tantra), một truyền thống quan trọng trong Kim Cương Thừa Phật giáo, ở trình độ cơ bản nhất, không có sự phân chia tuyệt đối nào có thể hiện hữu giữa tâm và vật chất. Vật chất trong hình thể vi tế nhất của nó là prana, sinh khí, một năng lượng sinh động vốn không thể tách rời khỏi [tâm] thức. Đây là hai khía cạnh khác biệt của một thực tại không thể phân chia. Sinh khí prana là khía cạnh của tính chuyển động, tính năng động, và lực cố kết, trong khi [tâm] thức là khía cạnh của nhận thức và khả năng cho việc tư duy phản chiếu. Cho nên theo mật điển Bí Mật Tập Hội, khi một hệ thống thế giới đi đến hình thành, thì chúng ta đang chứng kiến sự hoạt động của thực tại năng lượng và [tâm] thức này.

Do bởi sự không thể phân chia của [tâm] thức và năng lượng này, cho nên có một thể tương liên bản chất một cách sâu xa giữa những yếu tố trong thân thể chúng ta và những yếu tố tự nhiên của thế giới bên ngoài. Sự nối kết vi tế này có thể được thấy rõ bởi những con người đã đạt được một trình độ thực chứng tâm linh nào đó hay những ai có một trình độ nhận thức cao độ một cách tự nhiên. Thí dụ, tư tưởng gia Tây Tạng Taktsang Lotsawa vào thế kỷ 15 đã tiến hành một thí nghiệm trên chính ông và đã thấy một sự phù hợp hoàn toàn giữa kinh nghiệm cá nhân của ông về những thay đổi vốn xảy ra một cách tự nhiên trong mô thức hơi thở của một người và những ai được diễn tả trong mật điển Thời Luân trong một sự kiện của bầu trời như nhật thực và nguyệt thực. Trong thực tế, theo tư tưởng Kim Cương Thừa, có một sự thấu hiểu rằng thân thể chúng ta tượng trưng cho những hình ảnh vi mô của thế giới vĩ mô rộng lớn hơn. Do bởi quan điểm này, mật điển Thời Luân đặt sự chú ý tối đa để nghiên cứu các thiên thể và những sự chuyển động của chúng; trong thực tế, có một hệ thống tinh vi về thiên văn học trong những văn kiện này.

Giống như tôi chưa từng thấy tính thuyết phục của vũ trụ quan A Tỳ Đạt Ma, nên tôi cũng chưa từng thật sự được thuyết phục bởi sự giải thích về sự tiến hóa con người như một “tình trạng thoái hóa” tiến triển không ngừng. Một trong những huyền thoại về đấng tạo hóa của Tây Tạng nói về vấn đề dân tộc Tây Tạng đã tiến hóa từ việc kết hôn của một con khỉ và một mụ dạ xoa hung dữ như thế nào, và dĩ nhiên tôi cũng không tin việc đó!

Tổng quát, tôi nghĩ thuyết tiến hóa của Darwin, tối thiểu với tuệ giác bổ sung của di truyền học hiện đại, cho chúng ta một sự giải thích mạch lạc thật sự về sự tiến hóa đời sống con người trên trái đất. Cùng lúc, tôi cũng tin rằng nghiệp có thể có một vai trò trung tâm trong sự thấu hiểu nguồn gốc của điều Phật giáo gọi là “tri giác”, qua môi trường của năng lượng và [tâm] thức.

Mặc cho sự thành công trong tường thuật của Darwin, nhưng tôi không tin rằng tất cả những yếu tố của câu chuyện đã hiện diện. Để bắt đầu, mặc dù thuyết Darwin đưa ra một giải thích mạch lạc về sự phát triển của sự sống trên hành tinh này và những nguyên lý đa dạng làm nền tảng cho nó, chẳng hạn như sự chọn lọc tự nhiên, nhưng tôi không tin rằng nó trả lời câu hỏi căn bản về nguồn gốc của sự sống. Chính Darwin, tôi hiểu được, không thấy điều này như một vấn đề. Xa hơn thế, ở đó hiện hữu của một vòng lẩn quẩn nào đó trong khái niệm “sự sống còn của sự thích nghi nhất”. Thuyết chọn lọc tự nhiên chủ trương rằng, sự biến đổi ngẫu nhiên xảy ra trong gien của một chủng loại nào đó, nếu những chủng loại đó đẩy mạnh cơ hội lớn nhất cho sự sống còn thì có vẻ có năng lực nhất để thành công. Tuy nhiên, cách duy nhất mà giả thuyết này có thể được xác minh là quán sát những đặc tính của những sự thay đổi còn truyền lại. Do thế trong một ý nghĩa, chúng ta tuyên bố một cách đơn giản điều này: “Vì những sự thay đổi di truyền này đã tồn tại, cho nên chúng là những sinh vật có cơ hội lớn nhất cho sự sống còn.”

Theo quan điểm của Đạo Phật, ý tưởng rằng những sự biến đổi này thuần là các sự kiện ngẫu nhiên, thì một cách sâu xa không thỏa mãn cho một lý thuyết dường như có ý giải thích nguồn gốc của sự sống. Karl Popper, một lần nọ, đã bình luận rằng, với tâm ý của ông, thuyết tiến hóa của Darwin không và không thể giải thích nguồn gốc của sự sống trên trái đất. Đối với ông, thuyết tiến hóa không là một lý thuyết khoa học có thể kiểm nghiệm, đúng hơn đó là một thuyết siêu hình mà vốn lợi lạc cao độ cho việc hướng dẫn một sự nghiên cứu khoa học xa hơn. Hơn thế nữa, thuyết Darwin, trong khi công nhận sự khác biệt quan trọng giữa vật chất vô tri và sinh vật sống, thì lại quên thừa nhận những phẩm chất khác biệt tương xứng giữa sinh vật sống chẳng hạn như cây cỏ về một mặt và những tạo vật có tri giác về mặt kia.

Một vấn nạn thực nghiệm trong sự tập trung của Darwin về sự đấu tranh sinh tồn của những cá thể, vốn được định nghĩa theo quan điểm của một cuộc chiến đấu của một sinh vật sống cho sự sinh sôi nẩy nở thành công cá biệt của một nòi giống, một cách nhất quán để giải thich lòng vị tha như thế nào, cho dù trong ý nghĩa của thái độ cộng tác, chẳng hạn như sự chia sẻ thực phẩm hay sự giải quyết xung đột giữa những thú vật như vượn (chimpanzee) hay những hành động hy sinh. Có nhiều thí dụ, không chỉ giữa những con người mà cũng ở giữa những chủng loại khác, về những cá thể những kẻ tự đặt mình trong hiểm nguy để cứu mạng những kẻ khác. Thí dụ, một con ong mật sẽ chích để bảo vệ tổ của nó khỏi những kẻ xâm nhập, mặc dù hành động chích đốt sẽ làm nó chết; hay con chim hét[5] Ả Rập, một loại chim, sẽ mạo hiểm chính sự an toàn của nó để cảnh báo toàn bộ đàn của nó về một sự tấn công.

Lý thuyết hậu Darwin đã cố gắng để giải thích những hiện tượng như vậy bằng việc lập luận rằng có những hoàn cảnh mà trong đó thái độ vị tha; kể cả sự hy sinh, sẽ nâng cao những cơ hội của một cá thể trong việc trao truyền những gien của nó đến những thế hệ tương lai. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng sự tranh luận này áp dụng cho những thí dụ khi mà tôi được nghe rằng, lòng vị tha có thể được quán sát qua những chủng loại. Thí dụ, người ta có thể nghĩ về những con chim chủ nuôi nấng những con chim cúc cu non bị bỏ lại trong tổ của chúng; mặc dù một số người đã giải thích riêng điều này trong ngôn ngữ của lợi ích cơ hội mà những con chim cúc cu có được. Hơn thế nữa, đưa ra loại vị tha này không phải luôn luôn hiện hữu là sự tự nguyện – một số sinh vật sống dường như được lập trình để hành động trong cung cách hy sinh - sinh học hiện đại sẽ thấy một cách căn bản lòng vị tha như bẩm sinh và bị sai khiến bởi gien. Vấn nạn trở thành phức tạp hơn bao giờ hết nếu chúng ta đưa ra câu hỏi về cảm xúc của con người, đặc biệt là vô số thí dụ về lòng vị tha trong xã hội con người.

Một số nhà Darwin giáo điều hơn đã cho rằng sự chọn lọc tự nhiên và sự sinh tồn của sự thích nghi nhất được thấu hiểu một cách tốt nhất ở trình độ của những gien cá thể. Ở đây, chúng ta thấy sự giảm thiểu của niềm tin siêu hình mạnh mẽ trong nguyên lý tư lợi để hàm ý rằng thế nào đấy những gien cá thể đã xử sự trong một cung cách ích kỷ như thế nào. Tôi không biết vấn đề có bao nhiêu nhà khoa học ngày nay còn giữ những quan điểm căn bản như vậy. Như nó hiện hữu, mô thức sinh học hiện tại không cho phép tiềm năng của lòng vị tha thật sự.

Trong một hội nghị Tâm Thức và Đời Sống ở Dharamsala, sử gia Harvard về khoa học là Anne Harrington đã thực hiện một trình bày đáng nhớ về vấn đề, và đến một sự mở rộng nào đó, là tại sao sự thẩm tra của khoa học về thái độ của con người cho đến bây giờ vẫn thất bại để phát triển bất cứ một sự thấu hiểu có hệ thống về cảm xúc đầy năng lực của lòng từ bi. Tối thiểu, trong tâm lý học hiện đại, so sánh với sự chú ý vô vàn dành cho những cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như hung hăng, giận dữ, và sợ hãi, thì sự thẩm tra tương đối nhỏ đã được thực hiện cho những cảm xúc tích cực hơn, chẳng hạn như từ bi và vị tha. Sự nhấn mạnh này có thể đã sinh khởi bởi vì động lực chính trong tâm lý học hiện đại đã là để thấu hiểu những bệnh lý của con người cho những mục tiêu chửa bệnh. Tuy nhiên, tôi thật sự cảm thấy rằng thật không thể chấp nhận việc phủ nhận lòng vị tha trên căn bản rằng những hành vi vị tha không thích hợp trong sự thấu hiểu sinh học hiện tại về sự sống hay đơn giản là có thể định nghĩa lại được như những biểu lộ tư lợi của các chủng loại. Lập trường này thì mâu thuẩn với chính tinh thần của sự thẩm tra khoa học. Như tôi hiểu nó, sự tiếp cận khoa học không điều chỉnh những sự kiện thực nghiệm để thích nghi với lý thuyết của một ai đó; đúng hơn lý thuyết phải được tiếp nhận để thích nghi với những kết quả của thẩm tra thực nghiệm. Bằng khác đi, thì giống như đang cố gắng để định hình lại chân cho vừa giày.

Tôi cảm thấy rằng sự bất lực hay hoàn toàn không thiện ý để tâm vào vấn đề lòng vị tha có lẽ là mặt hạn chế quan trọng nhất của thuyết tiến hóa Darwin, tối thiểu trong phiên bản phổ biến nhất của nó. Trong thế giới tự nhiên, vốn ngụ ý là nguồn gốc của thuyết tiến hóa, giống như chúng ta quán sát sự tranh đua giữa và trong những chủng loại cho sự sinh tồn, chúng ta quán sát những cấp độ Tương tự thế, giống như chúng ta quán sát những hành vi hung hăng trong thú vật và con người, thì chúng ta cũng quán sát những hành động của vị tha và từ bi. Tại sao sinh học hiện đại chỉ chấp nhận sự tranh đấu là nguyên lý hoạt động căn bản và chỉ sự hung hăng là nét tiêu biểu của những tạo vật sống? Tại sao nó phủ nhận sự hợp tác như một nguyên lý hoạt động, và tại sao nó cũng không thấy vị tha và từ bi như những nét tiêu có thể xảy ra cho việc phát triển những tạo vật sống?

Đến phạm vi nào mà chúng ta nên đặt nền tảng cho toàn bộ nhận thức của chúng ta về bản chất con người và sự tồn tại của chúng ta lệ thuộc trong khoa học, tôi giả sử, trên quan niệm nào của khoa học mà chúng ta chủ trương. Đối với tôi, đây không là một vấn đề khoa học; đúng hơn nó là môt vấn đề của sự xác tín triết lý. Một người duy vật cấp tiến có thể mong ước hổ trợ luận điểm cho rằng thuyết tiến hóa giải thích cho mọi khía cạnh đời sống con người, kể cả đạo đức và kinh nghiệm tôn giáo, trong khi những người khác có thể nhận thức khoa học như việc chiếm cứ một phạm vi giới hạn hơn trong việc thấu hiểu bản chất tồn tại của con người. Khoa học có thể không bao giờ nói với chúng ta toàn bộ câu chuyện về sự tồn tại của con người hay ngay cả, vì vấn đề đó, để trả lời câu hỏi về nguồn gốc của sự sống. Điều này không phải để phủ nhận những gì khoa học làm, và sẽ tiếp tục, nhưng có nhiều điều để nói về nguồn gốc đa dạng vô vàn của các hình thức sống. Tuy nhiên, tôi thật tin rằng, như một xã hội, chúng ta phải chấp nhận một mức độ khiêm tốn đối với những giới hạn của tri thức khoa học của chúng ta và thế giới mà chúng ta đang sống.

Nếu lịch sử của thế kỷ 20 – với niềm tin trong lý tưởng xã hội Darwin lan rộng và nhiều hệ quả kinh khủng của việc cố gắng áp dụng thuyết ưu sinh có kết quả từ nó – có bất cứ điều gì dạy cho chúng ta, đó là con người chúng ta có một xu hướng nguy hiểm hướng những ước mơ mà chúng ta xây dựng về chính chúng ta vào trong những tiên đoán tự hoàn thành ước nguyện của chính mình. Ý tưởng của “sự sống còn của sự thích nghi nhất” đã bị dùng sai để tha thứ, và trong một số trường hợp để biện hộ cho sự bạo hành của lòng tham con người cùng chủ nghĩa cá nhân và quên lãng những mô thức đạo đức cho việc liên hệ đến những đồng loại của chúng ta trong một tinh thần từ bi hơn. Vì vậy, bất luận nhận thức của chúng ta về khoa học, cho rằng khoa học ngày nay chiếm cứ một vị trí thẩm quyền quan trọng trong xã hội loài người, thì thật cực kỳ quan trọng cho những ai trong tuyên bố là nhận thức thấy năng lực của họ và đánh giá đúng trách nhiệm của họ. Khoa học phải hành động như sự sửa chửa của chính nó đến những sự hiểu biết sai lầm và đánh giá sai lầm về những ý tưởng mà chúng có thể có những liên hệ thảm khốc cho thế giới và loài người nói chung.

Bất chấp sự giải thích của Darwin về nguồn gốc của sự sống có thể có sức thuyết phục như thế nào đi nữa thì như một Phật tử, tôi thấy nó để lại một lãnh vực quan yếu chưa thẩm tra. Đó là nguồn gốc của tri giác – sự tiến hóa của chúng sanh có tri giác, những kẻ có năng lực để kinh nghiệm khổ đau và vui sướng. Xét cho cùng, từ nhận thức Phật giáo, sự tìm kiếm của con người cho tri thức và sự hiểu biết về sự tồn tại của con người xuất phát từ một nguyện vọng sâu xa của việc tìm cầu hạnh phúc và vượt thắng khổ đau. Cho đến khi có một sự thấu hiểu có thể tin cậy được về bản chất và nguồn gốc của [tâm] thức, bằng không thì câu chuyện của khoa học về những nguồn gốc của sự sống và vũ trụ sẽ không hoàn toàn.

Ẩn Tâm Lộ,
Dịch xong: Monday, September 18, 2017
Hiệu đính: Sunday, September 24, 2017




[1] DNA (viết tắt từ thuật ngữ tiếng Anh Deoxyribonucleic acid), trong tiếng Việt gọi là Axit deoxyribonucleic
[2] Negative entropy: nổi chuyển lực phủ định/ entropy âm, theo Làng Đậu
[3] Thai tạng giới, và chúng sanh giới, theo Làng Đậu
[4] Cộng nghiệp và biệt nghiệp theo Làng Đậu
[5] Babbler: chim họa mi, theo Làng Đậu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét