Nguyên bản: Examining How Being and Things Exist
Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma
Anh dịch: Jeffrey Hopkins, Ph. D.
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển/ Sunday, March 31, 2019
TỔNG QUAN VỀ TUỆ TRÍ TRONG SỰ THỰC HÀNH TÂM LINH
Để phát sinh loại từ ái và bi mẫn đã động viên ta tìm cầu
Quả Phật, không phải cho chính ta mà vì lợi ích của người khác, trước tiên ta
phải đối diện với đau khổ bằng việc xác định chủng loại của nó. Đây là sự thật
cao quý đầu tiên. Từ lúc chúng ta mới sanh ra đến lúc chúng ta lìa đời, chúng
ta khổ vì nổi đau tinh thần và thân thể (khổ khổ), khổ vì thay đổi (hoại khổ), và khổ
cùng khắp của những điều kiện không thể kiểm soát (hành khổ). Sự thật cao quý
thứ hai và thứ ba đưa chúng ta đến việc thấu hiểu những nguyên nhân của khổ đau
và những nguyên nhân ấy có thể loại trừ được không. Nguyên nhân căn bản của khổ
đau là si mê – sự lãnh hội sai lầm chúng sanh và sự vật là tồn tại cố hữu.
Chương này sẽ cho thấy rằng chúng sanh và đối tượng, trong thực tế, không tồn tại
trong cách ấy.
Tất cả chúng ta đều có một cảm nhận hợp lý, thích đáng về
tự ngã, hay “cái tôi”, nhưng rồi thì chúng ta cũng có một quan niệm sai lầm về
“cái tôi” ấy như tồn tại cố hữu. Dưới sự quay cuồng của vọng tưởng này, chúng
ta xem tự ngã như tồn tại dưới năng lực của chính nó, được thiết lập bằng bản
chất của chính nó, có thể tự nó hình thành. Cảm nhận tồn tại cố hữu này thậm
chí có thể rất mạnh đến nổi tự ngã cảm thấy nó độc lập với tâm thức và thân thể.
Thí dụ, nếu chúng ta yếu đuối vì bệnh hoạn, thì chúng ta có thể cảm thấy rằng
ta có thể chuyển đổi thân thể với ai đó mạnh khỏe hơn. Tương tự thế, khi tâm thức
mờ tối, thì ta có thể cảm thấy rằng ta có thể chuyển đổi tâm thức ta với ai đó
có tâm thức sắc bén hơn.
Tuy nhiên, nếu có có một cái tôi tách rời như thế - tự
thiết lập và tồn tại theo đúng nghĩa của nó – thì nó phải trở nên rõ ràng và rõ
ràng hơn dưới ánh sáng của sự phân tích thành thạo như là nó tồn tại hoặc là
tâm thức hay thân thể, hay sự kết hợp của tâm thức và thân thể, hay khác biệt với
tâm thức và thân thể. Trong thực tế, càng quán sát gần gũi hơn, thì càng không
thể thấy được. Điều này hóa ra lại là trường hợp của mọi thứ, cho tất cả mọi hiện
tượng. Sự kiện rằng chúng ta không thể thấy chúng, có nghĩa rằng những hiện tượng
ấy không tồn tại dưới năng lực của chính chúng; chúng không tự hình thành.
Lúc nào đó vào khoảng đầu những năm sáu mươi tuổi, khi
tôi đang quán chiếu về một đoạn văn của Tông Khách Ba về không có khả năng tìm
thấy và sự thật rằng các hiện tượng lệ thuộc vào nhận thức, nó giống như tia chớp
trong ngực tôi. Đây là đoạn văn ấy:
Một sợi dây màu sắc lốm đốm và cuộn lại giống như một con rắn, và khi
cuộn dây ấy được thấy trong một vùng mờ ảo, tư tưởng sinh khởi, “Đây là một con
rắn”. Đối với cuộn dây vào lúc khi nó được xem là con rắn, thì cả tập hợp và
các bộ phận của cuộn dây thậm chí trong cung cách đơn giản nhất không có gì là [của
con] rắn. Do vậy, con rắn ấy chỉ đơn thuần là sự thiết lập của nhận thức khái
niệm. Trong cùng cách ấy, khi tư tưởng “cái tôi” sinh khởi trong sự lệ thuộc
trên tâm thức và thân thể, không có gì trong tâm thức và thân thể là “cái tôi”
thậm chí trong một cung cách đơn giản nhất - cũng không có trong tập hợp vốn là
một sự tương tục của những thời khắc trước đó và sau này, cũng không phải là tập
hợp của những bộ phận tại một thời điểm, cũng không phải là những bộ phận riêng
lẻ với nhau, cũng không phải là sự tương tục của bất cứ những bộ phận riêng lẻ
nào – không ngay cả trong một cung cách đơn giản nhất là “cái tôi”. Cũng thế thậm
chí không có điều gì đơn giản nhất mà vốn là một thực thể khác biệt với tâm thức
và thân thể mà có thể nhận thức được như “cái tôi.” Kết quả, “cái tôi” chỉ đơn
thuần là sự thiết lập bởi khái niệm nhận thức tùy thuộc trên tâm thức và thân
thể; nó không được hình thành bằng thực thể của riêng nó.
Tác động kéo dài trong một lúc, và trong vài tuần tiếp
theo, bất cứ khi nào tôi thấy người, thì họ dường như một ảo ảnh của nhà huyển
thuật trong ấy họ đã xuất hiện để tồn tại cố hữu nhưng tôi biết rằng thật sự
thì không. Kinh nghiệm ấy, như tia chớp trong tâm tôi, có lẻ gần như ở một
trình độ dưới sự thực chứng hoàn toàn hợp lý và không thể chối cải được. Đấy là
tại sao khi sự thấu hiểu của tôi về sự ngừng dứt các cảm xúc phiền não như một
khả năng chân thật trở thành thật sự. Ngày nay, tôi luôn luôn thiền quán về
tánh không vào buổi sáng và đem kinh nghiệm ấy vào những hoạt động hàng ngày.
Chỉ nghĩ hay nói “tôi” như trong “tôi sẽ làm như vậy như vậy” thường kích thích
cảm giác. Tuy nhiên tôi vẫn không thể tự cho là mình đã có một sự thấu hiểu
hoàn toàn về tánh không.
Một tâm thức nhận thức về sự tồn tại cố hữu không có một
nền tảng có hiệu lực. Một tâm thức thông tuệ, đặt nền tảng trên thực tại, thì
thấu hiểu chúng sanh hữu tình và những hiện tượng khác – tâm thức, thân thể,
nhà cửa, và v.v… không tồn tại một cách cố hữu. Đây là tuệ trí của tánh không.
Sự thấu hiểu về thực tại đúng là hoàn toàn đối lập với khái niệm sai lầm về sự
tồn tại cố hữu, tuệ trí dần dần vượt thắng si mê.
Xóa bỏ si mê vốn hiểu lầm các hiện tượng tồn tại cố hữu
và ta ngăn ngừa sự phát sanh những cảm xúc phiền não như tham muốn và thù hận.
Vì vậy, hóa ra, đau khổ là có thể xóa bỏ được. Thêm nữa, tuệ trí về tánh không
phải được đồng hành với một động cơ quan tâm sâu xa cho người khác (và bởi những
hành vi từ bi mà nó truyền cảm hứng) trước khi nó có thể loại trừ những chướng
ngại đối với toàn tri toàn giác, vốn là những khuynh hướng cho sự xuất hiện sai
lầm của các hiện tượng – ngay cả đối những thức cảm giác – giống như chúng tồn
tại một cách cố hữu. Do vậy, sự thực hành tâm linh trọn vẹn yêu cầu việc trau dồi
tuệ trí trong sự kết hợp với lòng từ bi lớn và mục tiêu đạt được Giác Ngộ mà
trong ấy người khác được coi trọng hơn là chính ta. Chỉ như thế thì tâm thức
chúng ta mới được chuyển hóa thành toàn tri toàn giác của một Đức Phật.
VÔ NGÃ VỊ THA
Việc hành thiền của cả Phật tử và không Phật tử để đạt được
an lạc và tiêu trừ đau khổ, và cả trong các hệ thống của Phật giáo và không Phật
giáo thì tự ngã là một đối tượng trung tâm của việc quán chiếu kỷ lưỡng. Những
người không Phật tử nào đó chấp nhận tái sanh chấp nhận bản chất tạm thời của
tâm thức và thân thể nhưng họ tin một tự ngã thường hằng, không thay đổi, không
phân chia. Mặc dù những trường phái Phật giáo chấp nhận tái sanh, nhưng không
thừa nhận có một tự ngã bất biến như vậy. Đối với người Phật tử, chủ đề chính của
việc rèn luyện trong tuệ trí là tánh không hay vô ngã, vốn có nghĩa là sự vắng
mặt của một tự ngã thường hằng, không phân chia, và độc lập, hay vi tế hơn, sự
vắng mặt của sự tồn tại cố hữu hoặc là ở trong chúng sanh hữu tình hay trong những
hiện tượng khác.
Hai
Chân Lý
Để thấu hiểu vô ngã, thì chúng ta cần thấu hiểu rằng mọi
thứ vốn tồn tại được chứa trong hai nhóm được gọi là hai chân lý, quy ước (thế
đế), căn bản (chân đế). Mọi hiện tượng mà chúng ta thấy và quán sát chung quanh
chúng ta có thể đi từ tốt đến xấu, hay xấu đến tốt, lệ thuộc vào những nguyên
nhân và điều kiện đa dạng. Nhiều hiện tượng không thể được nói là tốt hay xấu một
cách cố hữu; chúng là tốt hơn hay tệ hơn, cao hay thấp, xinh đẹp hay xấu xí, chỉ
bằng sự so sánh, chứ không phải qua bản chất của chính chúng. Bản chất của
chúng là tương đối. Từ điều này chúng ta có thể thấy rằng có một sự tương phản
giữa cung cách mọi vật hiện hữu và vấn đề chúng thật sự như thế nào. Thí dụ, điều
gì đó có thể - trong hình thức của vấn đề nó xuất hiện như thế nào – trông tốt
đẹp, nhưng, qua bản chất nội tại của nó là khác nhau, nó có thể biến thành xấu
một khi nó bị tác động bởi những điều kiện. Thực phẩm trông rất ngon và đẹp
trong một nhà hàng có thể không tiêu hóa tốt trong bao tử của bạn. Đây là một dấu
hiệu rõ ràng của một sự khác biệt giữa hiện tướng và thực tại.
Những hiện tượng này tự nó được gọi là chân lý quy ước;
chúng được biết bởi ý thức không đi xa hơn các hiện tướng. Nhưng cùng những đối
tượng có một chế độ bên trong của bản thể, được gọi là một chân lý căn bản, vốn
cho phép những sự thay đổi hình thành bởi những điều kiện. Một ý thức thông tuệ,
không hài lòng với những hiện tướng đơn thuần, phân tích để tìm thấy những đối
tượng có tồn tại cố hữu như chúng dường như thế hay không mà khám phá việc vắng
mặt của sự tồn tại cố hữu; nó thấy một tánh không của sự tồn tại cố hữu vượt khỏi
những hiện tướng.
Trống
Rỗng Thứ Gì?
Tánh không, hay vô ngã, chỉ có thể được hiểu nếu chúng ta
trước nhất xác định rằng những hiện tượng nào là trống rỗng. Không có sự thấu
hiểu điều gì bị phủ định, thì chúng ta không thể thấu hiểu sự vắng mặt của nó,
tánh không. Chúng ta có thể nghĩ rằng tánh không có nghĩa là không có gì cả,
nhưng không phải thế. Chỉ đơn thuần đọc tụng thì thật khó khăn để xác định và
thấu hiểu đối tượng của phủ định, điều mà kinh luận nhà Phật nói như sự thiết lập
chân thật hay sự tồn tại cố hữu. Nhưng qua một thời gian nào đó, khi chúng ta bổ
sung sự khám phá của chính ta với sự đọc tụng, thì lỗi lầm của cung cách thông thường
của chúng ta trong việc nhìn thấy mọi thứ sẽ trở thành rõ ràng và rõ ràng hơn.
Đức Phật đã nói nhiều lần rằng bởi vì mọi hiện tượng là
duyên khởi tương sanh, cho nên chúng là tương đối – sự tồn tại của chúng lệ thuộc
vào những nguyên nhân và điều kiện khác và tùy thuộc vào chính những thành phần
của chúng. Một bàn gỗ, thí dụ thế, không tồn tại độc lập, đúng hơn nó tùy tuộc
rất lớn vào nhiều những nguyên nhân khác chẳng hạn như cây cối, thợ mộc người
làm ra nó, và v.v…; nó cũng lệ thuộc vào những bộ phận của nó. Nếu một bàn bằng
gỗ hay bất cứ hiện tượng nào khác thật sự không lệ thuộc – nếu nó được thiết lập
trong bản chất của nó – thế thì khi ta phân tích nó, sự tồn tại của nó từ trong
bản chất của nó phải trở thành rõ ràng hơn, nhưng không phải như thế. Lý luận của
nhà Phật được sự hổ trợ của khoa học. Những nhà vật lý học ngày nay tiếp tục
khám phá những thành phần tinh tế và vi tế hơn của vật chất, nhưng họ vẫn không
thể thấu hiểu bản chất tận cùng của nó. Việc thấu hiểu tánh không thậm chí còn
sâu xa hơn nữa.
Càng nhìn vào vấn đề một tâm thức si mê nhận thức các hiện
tượng tồn tại như thế nào, thì chúng ta càng thấy rằng các hiện tượng không tồn
tại trong cách ấy. Tuy nhiên, càng nhìn vào việc một tâm thức thông tuệ thấu hiểu,
thì chúng ta càng đạt được tính quả quyết trong sự vắng mặt của sự tồn tại cố hữu.
Tham muốn và sân hận bị thống trị bởi si mê, vì vậy không thể được phát sinh vô
hạn.
Các Đối
Tượng Có Tồn Tại Không?
Vì như chúng ta đã xác minh, bất cứ hiện tượng nào khi được
tìm kiếm qua phân tích, thì không thể tìm thấy được nó, ta tự hỏi những hiện tượng
này có tồn tại chút nào hay không? Tuy nhiên, chúng ta biết từ kinh nghiệm trực
tiếp rằng con người và mọi vật làm ra hạnh phúc và khổ đau, và họ có thể giúp đở
và gây hại. Do vậy, các hiện tượng thật tồn tại một cách nào đó; câu hỏi là như thế nào. Chúng không tồn tại trong bản
chất của chính chúng, nhưng chỉ có một sự tồn tại tùy thuộc trên nhiều nhân tố,
kể cả một tâm thức khái niệm hóa chúng.
Một khi chúng hiện hữu nhưng không tồn tại trên chính
chúng, thì chúng nhất thiết phải tồn tại trong sự lệ thuộc trên sự khái niệm
hóa. Tuy nhiên, khi các hiện tượng xuất hiện tới chúng ta, chúng hoàn toàn
không xuất hiện giống như chúng tồn tại trong cách này. Đúng hơn, chúng dường
như được thiết lập trong bản chất của chính chúng, từ phía của đối tượng, không
lệ thuộc trên một tâm thức khái niệm hóa.
Khi việc rèn luyện để phát triển tuệ trí, thì chúng ta
đang tìm kiếm qua sự phân tích để thấy sự tồn tại cố hữu của bất cứ đối tượng
nào mà chúng ta đang quán sát – tự ta, một người khác, thân thể ta, tâm thức
ta, hay bất cứ điều gì khác. Chúng ta đang phân tích không chỉ đơn thuần trên
hiện tướng mà là bản chất cố hữu của đối tượng. Vì vậy không phải là chúng ta
đi đến thấu hiểu rằng đối tượng không tồn tại, đúng hơn, chúng ta thấy rằng sự
tồn tại cố hữu của nó là không thể tìm thấy. Sự phân tích không mâu thuẩn với sự
tồn tại đơn thuần của đối tượng. Các hiện tượng thật tồn tại, nhưng không phải
cách mà chúng ta nghĩ chúng như vậy.
Điều còn lại sau sự phân tích là một hiện tượng tồn tại lệ
thuộc. Thí dụ, khi chúng ta thẩm tra thân thể chính ta, thì sự tồn tại cố hữu của
nó bị phủ định, nhưng điều còn lại là một thân thể lệ thuộc vào đầu, mình, tay,
chân.
Nếu Mọi
Hiện Tượng Là Trống Rỗng. Chúng Có Thể Biểu Hiện Chức Năng Không?
Bất cứ khi nào chúng ta nghĩ về các đối tượng, chúng ta
có tin tưởng sai lầm rằng chúng tồn tại trong bản chất của chính chúng không?
Không. Chúng ta có thể nhận thức về các đối tượng trong ba phương cách khác
nhau. Chúng ta hãy quán sát một cây cối, không có sự phủ định rằng chúng xuất
hiện để tồn tại một cách cố hữu, nhưng:
1- Chúng
ta có thể nhận thức về cây cối như tồn tại một cách cố hữu trong chính bản chất
của chúng.
2- Chúng
ta có thể nhận thức về cây cối như vắng mặt sự tồn tại cố hữu.
3- Chúng
ta có thể nhận thức về cây cối mà không có nghĩ rằng nó tồn tại cố hữu hay
không.
Chỉ có điều thứ nhất trong ba thứ này là sai lầm. Hai mô
thức lãnh hội kia là đúng, thậm chí mô thức của hiện tướng là sai lầm trong thứ
hai và thứ ba là sai, trong đó cây cối xuất hiện giống như tồn tại một cách cố
hữu.
Nếu các đối tượng không tồn tại một cách cố hữu, có nghĩa
là chúng không thể biểu hiện chức năng chứ? Chấp nhận vội vàng vào sự kết luận
rằng bởi vì bản chất chân thật của các đối tượng là tánh không, do thế chúng
không thể biểu hiện các chức năng chẳng hạn như làm sung sướng hay đau khổ,
giúp đở hay làm tổn hại, là một sự thấu hiểu sai lầm tệ hại nhất, một quan điểm
hư vô. Như học giả du già Ấn Độ Long Thọ trong Tràng Hoa Quý Báu (Bảo Hành Vương Chính Luận) đã nói rằng,
một kẻ hư vô chắc chắn sẽ có một sự luân hồi tái sanh tệ hại, trái lại một người
tin tưởng, mặc dù sai lầm, trong sự tồn tại cố hữu sẽ đi đến một sự luân hồi tốt
đẹp.
Cho phép tôi giải thích. Chúng ta cần một sự tin tưởng
trong các hậu quả của các hành động để chọn đạo đức trong đời sống của chúng ta
và loại bỏ phi đạo đức. Trong thời gian này, một quan điểm vi tế về tánh không
của sự tồn tại cố hữu có thể quá khó để chúng ta thấu hiểu mà không bị rơi vào
cái bẩy của hư vô chủ nghĩa, chỗ chúng ta có thể thấu hiểu rằng các hiện tượng
sinh khởi là lệ thuộc vào các nguyên nhân và điều kiện (nhân duyên sanh). Vì lợi
ích của tiến trình tâm linh của chúng ta, tốt hơn là để sang một bên sự cố gắng
thâm nhập vào tánh không. Ngay cả nếu chúng ta tin tưởng sai lầm rằng các hiện
tượng là tồn tại cố hữu, thì ta vẫn có thể phát triển một sự thấu hiểu về nhân
duyên sanh và áp dụng nó vào trong sự thực hành. Đây là tại sao ngay cả Đức Phật,
đôi khi, đã dạy rằng chúng sanh hữu tình và những hiện tượng khác tồn tại cố hữu.
Những giáo huấn như vậy là tư tưởng của Đức Phật trong kinh điển, nhưng chúng
không phải là tư tưởng rốt ráo của ngài (bất liễu nghĩa kinh). Vì những mục tiêu
đặc biệt nào đó, đôi khi ngài đã nó trong những cung cách bất liễu nghĩa.
Tâm
Thức Sai Lầm Trong Cung Cách Nào?
Vì tất cả mọi hiện tượng xuất hiện để tồn tại trong bản
chất của chính chúng, cho nên tất cả những nhận thức thông thường của chúng ta
đều sai lầm. Chỉ khi tánh không được thực chứng một cách trực tiếp hoàn toàn
qua thiền tập trung (chỉ) thì mới không có hiện tướng sai lầm. Vào lúc ấy, tính
nhị nguyên của chủ thể và đối tượng đã biến mất. Sau khi ta xuất thiền ấy, một
lần nữa chúng sanh và các đối tượng xuất hiện để tồn tại một cách sai lầm trong
và tự chính chúng nhưng qua năng lực đã thực chứng về tánh không, thì ta sẽ
không nhận ra sự khác biệt giữa hiện tướng và thực tại. Qua việc hành thiền
chúng ta khám phá ra cả mô thức sai lầm của hiện tướng và mô thức sai lầm của
việc lãnh hội.
*
Chúng ta hãy trở lại điểm trung tâm. Tất cả chúng ta có một
cảm giác về “cái tôi” nhưng chúng ta cần nhận ra rằng nó chỉ được mệnh danh
trong sự tùy thuộc vào tâm thức và thân thể. Tính vô ngã mà Phật giáo nói đến
liên hệ đến sự vắng mặt của một tự ngã vốn thường hằng, không có phần tử, và độc
lập, hay, một cách vi tế hơn thì nó có thể liên hệ đến sự vắng mặt của sự tồn tại
cố hữu của bất cứ hiện tượng nào. Tuy nhiên, người Phật tử thật coi trọng sự tồn
tại của một tự ngã thay đổi từ thời khắc này đến thời khắc khác được gọi tên
trong sự phụ thuộc vào việc tương tục của tâm thức và thân thể. Tất cả chúng ta
chắc chắn có một cảm nhận về “cái tôi”, khi nhà Phật nói về giáo lý vô ngã, chúng
ta không liên hệ đến sự không tồn tại của tự ngã này. Với “cái tôi” này, tất cả
chúng ta đúng là muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau. Khi chúng ta thổi phồng cảm
nhận của chúng ta về chính chúng ta và những hiện tượng khác có nghĩa là điều gì
đó tồn tại cố hữu thì chúng ta bị lôi kéo vào nhiều nhiều rắc rối.
*
TOÁT YẾU THỰC HÀNH
HẰNG NGÀY
Như một thực hành trong việc xác định vấn đề chủ thể và đối
tượng xuất hiện một cách sai lầm như thế nào, hãy cố gắng theo những điều sau đây:
1- Hãy
quán sát vấn đề một món chẳng hạn như một đồng hồ đeo tay xuất hiện trong một cửa
hàng khi ta chú ý lần đầu tiên, rồi thì hiện tướng của nó thay đổi như thế nào và
trở thành thậm chí cụ thể hơn khi ta trở thành thích thú hơn trong nó, và cuối cùng
nó xuất hiện thế nào sau khi ta đã mua nó và xem nó là của ta.
2- Quán
chiếu vấn đề chính ta xuất hiện thế nào trong tâm thức ta giống như nó tồn tại cố
hữu. Sau đó quán chiếu vấn đề người khác và thân thể của họ xuất hiện thế nào trong
tâm thức ta.
*
Ẩn Tâm Lộ, Wednesday, April 10, 2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét