Nguyên bản: The
Middle Way
Tác giả: Đức Đạt
Lai Lạt Ma
Anh dịch: Jeffrey
Hopkins, Ph. D.
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển
*
NHU CẦU CHO CẢ ĐỊNH
VÀ TUỆ
Kinh luận của Phật giáo nói với chúng ta rằng trên việc
thực chứng tánh không, vọng tưởng về sự tồn tại cố hữu yếu đi, nhưng điều này không phải như sau
một sự thực chứng đơn lẻ, ngắn gọn. Nếu ta chưa đạt được nhất tâm (Định lực của
tâm thức), thì ta không thể sử dụng chỉ sự thấu hiểu về tánh không để nhổ gốc rể
của vọng tưởng về sự tồn tại cố hữu. Đúng hơn, chúng ta cần dấn thân trong việc
phân tích hết lần này đến lần khác; qua thiền chỉ, thì tâm thức chúng ta sẽ trở
thành mạnh mẽ, sâu sắc, ổn định, và có thể tập trung nhất tâm vào tánh không – vốn
dần dần hoạt động để loại bỏ những trình độ thô của nhận thức sai lầm về thực tại.
Đây là lý do tại sao kinh điển của Đức Phật cũng như ba bộ
Tantra thấp nói rằng định lực (thiền
tập trung – chỉ) là một điều kiện tiên quyết cho tuệ giác (sự hiểu biết sâu sắc - quán). Thiền chỉ được sử dụng
trong định và thiền quán được sử dụng
trong tuệ không bị phân biệt bởi các
đối tượng của việc hành thiền; cả hai có thể có hoặc là tánh không hay các hiện
tượng quy ước như sự tập trung của chúng. Khác biệt là sự quán sát tánh không từ
một thể trạng định đòi hỏi thân thể
và tinh thần uyển chuyển sinh ra qua thiền chỉ, trái lại tuệ quán sát tánh không liên hệ thân thể và tinh thần uyển chuyển
sinh ra bởi thiền quán với bổ sung liên hệ với tánh không. Mức độ đó của sự uyển
chuyển chỉ có thể đạt được sau khi thành tựu trình độ dễ hơn của uyển chuyển được
phát sinh từ thiền chỉ. Do vậy, chúng ta cần thành tựu thiền chỉ (Định lực) trước
tuệ giác (thiền quán)
Mặc dù định lực có thể đạt được qua việc lấy tánh không
như đối tượng của nó, nhưng điều này chỉ dành cho những hành giả đã thấu hiểu về
tánh không. Tuy nhiên, thông thường những hành giả trước đã đạt được nhất tâm
thiền và sau đó có được quan điểm về tánh không thông qua sự phân tích lý luận.
NHU CẦU VỀ LÝ LUẬN
Tất cả những trường phái của Phật giáo đều đồng ý rằng tiến
trình phân tích lý luận vốn dẫn tới một sự kết luận (một sự thực chứng khái niệm
nhận thức) phát sinh từ nhận thức căn bản, chia sẻ, trực tiếp. Như một thí dụ để
chúng ta xem xét lý luận sau đây:
Một cây cỏ không có sự tồn tại cố hữu do bởi nó là một thứ duyên sanh.
Chúng ta bắt đầu bởi việc quán chiếu trên sự kiện rằng một
cây cỏ là một phép duyên sanh bởi vì sự sản sinh của nó lệ thuộc vào những
nguyên nhân và điều kiện nào đó (chẳng hạn như hạt giống, đất phân, ánh sáng mặt
trời, và nước), nhưng cuối cùng tiến trình lý luận phải được hổ trợ bằng một nhận
thức trực tiếp, hay nó không thể đứng vững. Chúng ta có thể thấy với đôi mắt
chúng ta rằng cây cỏ thay đổi; chúng lớn lên, trưởng thành, và cuối cùng khô
héo. Trong cảm nhận này, sự suy luận là mù quáng, vì cuối cùng nó phải dựa vào
một nhận thức trực tiếp. Sự kết luận tùy thuộc vào lý trí, là thứ vốn hóa ra dựa
vào kinh nghiệm căn bản, chia sẻ, không thể chối cải thông qua nhận thức trực
tiếp.
Những đối tượng có thể biết được có thể được chia thành
thứ rõ ràng, hơi mơ hồ, và rất mơ hồ. Nhằm để thấu hiểu một chủ đề rất mơ hồ
thì nhất thiết phải dựa trên kinh điển, nhưng ngay cả cho loại liên hệ này thì
cũng không đầy đủ khi chỉ trích dẫn một kinh điển như giá trị cho một vấn đề.
Chúng ta phải phân tích hoặc là:
1- Có
bất cứ mâu thuẩn nội tại nào không trong kinh điển cho chủ đề ấy.
2- Có
bất cứ sự mâu thuẩn nào giữa những gì kinh điển nói về chủ đề ấy và những gì là
chứng cứ trong nhận thức trực tiếp.
3- Có
bất cứ mâu thuẩn nào giữa những gì kinh điển nói về chủ đề ấy và những gì có thể
thấu hiểu qua suy luận cơ bản, xuất phát từ lý trí.
Cho nên ngay cả trong những trường hợp rất mơ hồ này được
căn cứ trên kinh điển, phân tích thì cần thiết.
Đức Phật đã đặt ra bốn bước cho việc thiết lập sự tin cậy:
1- Không
dựa vào con người mà chỉ dựa vào giáo điển (y pháp bất y nhân).
2- Với
việc liên hệ giáo điển, không chỉ dựa vào mặt chữ mà phải dựa vào ý nghĩa (y
nghĩa bất y ngữ).
3- Với
việc liên hệ ý nghĩa, không chỉ dựa vào ý nghĩa diễn giải tùy cơ mà phải dựa
vào ý nghĩa rốt ráo (y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa).
4- Với
việc liên hệ với ý nghĩa rốt ráo, không chỉ liên hệ vào sự thấu hiểu nhị nguyên
mà phải dựa vào tuệ trí nhận thức trực tiếp lẽ thật (y trí bất y thức).
Đức Phật cũng đã nói:
Giống như vàng, được thử qua việc nung, cắt, và nghiền,
Lời của ta phải được tiếp nhận bởi những hành giả và học giả
Qua việc phân tích nó một cách trọn vẹn,
Chứ không phải vì sự tôn kính [đối với ta].
Trong tiến trình của lý luận, thật rất hiệu quả để tuyên
bố những hậu quả vô lý của những quan điểm sai lầm nhằm để vượt thắng hiệu lực
của ý tưởng sai lầm ấy, và rồi thực hiện một xác nhận chứng cứ. Khi tôi đang học
về luận lý học (logic) như một người trẻ tuổi, một học giả một lần đã nói với
tôi rằng, cả trong tranh luận (với một Phật tử thừa nhận sự tồn tại cố hữu) và trong việc hành thiền phân tích của
chính ngài, thì nên sử dụng hệ thống tam đoạn luận một cách uyển chuyển chẳng hạn
như “Thân thể tôi không tồn tại cố hữu vì nó là một sự duyên sanh.” Tuy nhiên,
sẽ tác động hơn để sử dụng một hệ quả vô lý chẳng hạn như “Vì như thân thể tôi
không là một sự duyên sanh bởi vì nó tồn tại cố hữu,” vì nó là nền tảng của Phật
giáo rằng tất cả mọi hiện tượng là duyên sanh.
TÍNH TƯƠNG HỢP CỦA DUYÊN SANH
Chính tự Đức Phật, trong việc thiết lập kinh điển, và
Long Thọ cùng với những đứa con tinh thần của ngài – Thánh Thiên, Phật Hộ, và
Nguyệt Xứng – trong việc luận giải về ý nghĩa của những kinh điển này, đã sử dụng
sự kiện rằng các hiện tượng là duyên sanh như một kết luận cuối cùng cho việc
thiết lập tánh không. Điều này cho thấy rằng các hiện tượng trong tổng quát không phải không tồn
tại và các hiện tượng vô thường là thích hợp cho việc thể hiện các chức năng.
Khi Đức Phật giảng về Bốn Chân Lý Cao Quý, thứ nhất là
xác định sự thật về khổ đau, các nguồn gốc, những sự chấm dứt, và các con đường
tu tập, và rồi nói:
Khổ được nhận ra, nhưng không có gì bị nhận ra. Tập, các cội nguồn của
khổ đau bị từ bỏ, nhưng không có gì bị từ bỏ. Diệt, sự chấm dứt được hiện thực,
nhưng không có gì được hiện thực. Đạo, con đường tu tập được hành thiền, nhưng
không có gì để hành thiền.
Ý nghĩa của điều này là mặc dù có những nhân tố trong Bốn
Chân Lý Cao Quý là lẽ thật quy ước (và có căn cứ của thế đế) được nhận ra, từ bỏ,
hiện thực, và tu tập, nhưng không có gì được nhận ra, từ bỏ, hiện thực, và tu tập
một cách rốt ráo. Theo quan điểm của chân lý rốt ráo (chân đế), tất cả những thứ
này là vượt khỏi tạo tác; mọi thứ có cùng hương vị trong tánh không của sự tồn
tại cố hữu. Trong cách này, Đức Phật đã thiết lập các quan điểm về hai sự thật
(nhị đế) – quy ước (thế đế) và rốt ráo (chân đế).
Tất cả mọi hiện tượng – các nguyên nhân và hệ quả, hành động
và người hành động, tốt và xấu, và v.v… - chỉ đơn thuần tồn tại một cách quy ước,
chỉ là sự tồn tại trên danh nghĩa; chúng là duyên sanh. Bởi vì các hiện tượng lệ
thuộc trên những nhân tố khác cho sự tồn tại của chúng, cho nên chúng không độc
lập. Đây là sự vắng mặt của độc lập – hay tánh không của sự tồn tại cố hữu – là
chân lý tối hậu của chính chúng. Chúng ta sẽ đi đến thấu hiểu tánh không chân
thật này của sự tồn tại cố hữu khi chúng ta trở thành không hài lòng với những
hiện tướng đơn thuần và chúng ta sẽ sử dụng sự phân tích để thăm dò bên dưới [bề
mặt của hiện tượng].
Khi chúng ta hoàn toàn thấu hiểu hiện tướng và tánh
không, thì ta cũng sẽ thấu hiểu rằng chúng ở trong sự hòa hiệp với nhau. Hiện
tướng không phá vở tánh không, và tánh không không phá vở hiện tướng. Không
thông hiểu điều này thì ta có thể tin tưởng trong đạo đức, không đạo đức, nhân
và quả, và v.v…, nhưng sau đó không thể tin tưởng tánh không. Tương tự thế,
chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta thông hiểu tánh không, nhưng rồi thì không
thể tin tưởng trong những sự kiện của nhân và quả - hổ trợ hay tổn hại, vui sướng
và đau khổ - vốn sinh khởi lệ thuộc trên những điều kiện. Không có sự thấu hiểu
thích đáng, thì tánh không và hiện tướng dường như ngăn trở nhau.
Tuy nhiên, các hiện tượng thì trống rỗng sự tồn tại cố hữu
bởi vì chúng lệ thuộc cho sự tồn tại
của chúng trên những điều kiện khác. Ngược lại, các hiện tượng có thể biểu hiện
chức năng bởi vì sự tồn tại cố hữu của
chúng thì trống rỗng tính vững chắc. Nếu các hiện tượng không trống rỗng sự tồn
tại cố hữu, nếu chúng thật tồn tại bởi năng lực của chính chúng, thế thì chúng
không thể bị tác động bởi những nguyên nhân và điều kiện khác – chúng không thể
thay đổi. Trong trường hợp ấy, chúng sẽ không thể tạo ra sung sướng hay đau khổ,
giúp đở hay làm tổn hại. Tốt và xấu sẽ là không thể.
Sự thực chứng hoàn toàn duyên sanh sẽ đem theo nó sự
thông hiểu gấp đôi về hiện tướng và tánh không của sự tồn tại cố hữu. Những cực
đoan của sự hoàn toàn không hiện hữu và tồn tại cố hữu đồng thời bị tan biến mất
bởi sự thấu hiểu cặp đôi này. Việc thông hiểu các hiện tượng sinh khởi ngăn ngừa
sự tin tưởng trong cực đoan hư vô bằng
việc cho phép các đối tượng và chúng
sanh thể hiện chức năng trong thế giới này – cho phép nguyên nhân và hệ quả của
nghiệp. Việc biết rằng các hiện tượng là phụ thuộc cũng ngăn ngừa việc tin tưởng
trong cực đoan của sự tồn tại cố hữu bằng sự loại trừ việc cho rằng các hiện tượng
tồn tại trong bản chất của chính chúng. Qua việc thông hiểu hai chân lý này,
chúng ta đi đến trung đạo.
Bát
Nhã Tâm Kinh
Mối liên hệ giữa các đối tượng và tánh không của chúng là
gì? Chủ đề thậm thâm này được diễn tả trong tuệ trí hoàn thiện (Bát Nhã), được
gọi là Tâm Kinh, vốn được trì tụng và quán chiếu hàng ngày khắp các nước Đại thừa
Phật giáo, chẳng hạn như Trung Hoa, Nhật Bổn, Đại Hàn, Mông Cổ, và Việt Nam.
Đây là một trình bày ngắn gọn và súc tích của Đức Phật về việc tuệ trí được đòi
hỏi để chiến thắng các vấn nạn và gốc rễ của chúng và – trong sự kết hợp với một
động cơ trực tiếp khác và những hành động từ bi – để thành tựu sự toàn tri toàn
giác của một Đức Phật. Đây là toàn bộ Tâm Kinh:
Kính lễ sự chiến thắng
hoàn thiện siêu việt của tuệ trí.
Đây là những điều
tôi đã nghe: Vào một thời, Đấng Chiến Thắng Siêu Việt đang cư ngụ cùng với đại
chúng tu sĩ và đại chúng Bồ tát trên núi Linh Thứu ở thành Vương Xá. Vào lúc ấy
Đấng Chiến Thắng Siêu Việt đang nhập đại định làm minh bạch các hiện tượng được
gọi là “trực giác thậm thâm”. Cùng lúc ấy, Đại sĩ Bồ tát, Quán Tự Tại Thượng
nhân, cũng đang quán sát sự thực hành tuệ trí hoàn thiện thậm thâm và đang quán
chiếu những tập hợp này (sắc, thọ, tưởng, hành, thức[1])
như trống rỗng sự tồn tại cố hữu, không hơn không kém.
Sau đó, qua năng lực
của Đức Phật, tôn giả Xá Lợi Phất nói với Đại sĩ Bồ tát, Quán Tự Tại Thượng
nhân:
Một người con của
dòng dõi hoàn hảo – người mong ước thực hành tuệ trí thậm thâm – phải tu tập
như thế nào?
Đại sĩ Bồ tát, Quán
Tự Tại Thượng nhân, trả lời với Xá Lợi Phất:
Này Xá Lợi Phất, những
người con trai và con gái của dòng dõi hoàn hảo, những người mong muốn thực
hành tuệ trí thậm thâm hoàn thiện nên quán chiếu [những hiện tượng] như sau. Họ
nên quán chiếu một cách đúng đắn và triệt để năm tập họp uẩn này như trống rỗng
sự tồn tại cố hữu, không hơn không kém. Sắc là tánh không, tánh không là sắc.
Tánh không không khác sắc; sắc không khác tánh không. Tương tự thế, thọ, tưởng,
hành, thức, cũng đều trống rỗng.
Này Xá Lợi Phất,
trong cách ấy tất cả mọi hiện tượng là trống rỗng – không đặc trưng, không
sanh, không diệt, không nhiễm ô, không tách rời khỏi nhiễm ô, không giảm, không
tăng. Do thế, này Xá Lợi Phất, trong tánh không không sắc, không thọ, không tưởng,
không hành, không thức, không mắt, không tai, không mũi, không lưỡi, không
thân, không tâm, không sắc, không thanh, không hương, không vị, không đối tượng
có thể chạm, không những hiện tượng [khác]. Trong tánh không không có thành phần
của mắt hoàn toàn đến không thành phần của tinh thần và hoàn toàn đến không thành
phần của ý thức. Trong tánh không không có vô minh và không sự diệt tận của vô
minh hoàn toàn đến không sự diệt tận của già và chết. Tương tự thế, trong tánh
không không khổ, tập, diệt, đạo; không tuệ trí cao thượng, không thành tựu và
cũng không có không thành tựu.
Do vậy, này Xá Lợi
Phất, vì chư vị Bồ tát, những bậc đại nhân, không có thành tựu, họ nương tựa và
an trú trong tuệ trí hoàn thiện thậm thâm này. Tâm các ngài không chướng ngại,
và không sợ hãi; đã hoàn toàn vượt qua tri kiến sai lầm, các ngài đi đến niết
bàn rốt ráo. Ngay cả tất cả chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai trở
thành tỉnh thức một cách hiển nhiên, hoàn toàn trong sự Giác Ngộ vô thượng,
hoàn toàn, hoàn thiện cũng dựa vào tuệ trí thậm thâm hoàn thiện này.
Do thế, chân ngôn của
tuệ trí hoàn thiện là chân ngôn của đại tri thức, chân ngôn vô thượng, chân
ngôn vô song, chân ngôn tận diệt mọi đau khổ. Chân ngôn được biết rằng vì nó
không sai, nó là đúng đắn. Tuyên thuyết chân ngôn của tuệ trí hoàn thiện:
Thật sự là như vậy:
tiến tới, tiến tới, tiến vượt lên, tiến vượt lên triệt để, thành tựu Giác Ngộ.
Tadyata gate gate
paragate parasamgate bodhi svaha.
Trong cách ấy, này
Xá Lợi Phất, Bồ tát đại nhân nên tu tập trong tuệ trí hoàn thiện thậm thâm.
Sau đó, Đấng Chiến
Thắng Siêu Việt xuất định và nói với đại sĩ Bồ tát, Quán Tự Tại thượng nhân:
Tốt lắm, tốt lắm, tốt
lắm. Những người con của dòng dõi hoàn hão, là như vậy, là như vậy. Đúng như lời
ông trình bày, tuệ trí hoàn thiện thậm thâm nên được thực hành. Ngay cả những Đức
Thế Tôn cũng ca ngợi việc này.
Đấng Chiến Thắng
Siêu Việt đã tuyên bố điều này, tôn giả Xá Lợi Phất, đại sĩ Bồ tát Quán Tự Tại,
tất cả chúng hội chung quanh, và các chúng sanh – kể cả các hàng trời, người, a
tu la, và chúng hương thực – cũng ngưỡng mộ và ca ngợi về điều Đấng Chiến Thắng
Siêu Việt đã nói.
Sắc
Và Tánh Không
Rút ra từ một truyền thống lâu dài của những luận giải Ấn
Độ và Tây Tạng về Bát Nhã Tâm Kinh tôi sẽ đưa ra một vấn đề để suy nghĩ về đoạn
văn trung tâm của nó: “Sắc là tánh không; tánh không là sắc. Sắc không khác
tánh không; tánh không không khác sắc.” Sự trình bày súc tích, mạnh mẽ này chứa
đựng nhiều ý nghĩa:
1- Tất
cả mọi người và mọi vật lệ thuộc trên các nguyên nhân của chúng và trên những bộ
phận của chúng và không thể tồn tại một cách độc lập khỏi chúng. Chúng là duyên
sanh; do vậy chúng thì trống rỗng sự tồn tại cố hữu. Vì tất cả mọi hiện tượng
là duyên sanh lệ thuộc, cho nên chúng có một bản chất tánh không.
2- Ngược
lại, khi chúng sanh và mọi vật không có sự độc lập hay bản chất cố hữu, thì
chúng phải dựa vào những nhân tố khác. Chúng phải là duyên sanh lệ thuộc.
3- Tánh
không của các sắc tướng không tách rời khỏi sắc tướng. Tự chính các sắc tướng,
vốn được sanh xuất và hoại diệt qua sự hiện diện của những điều kiện, thì bản
chất của chúng là trống rỗng sự tồn tại cố hữu.
4- Việc
vắng mặt sự tồn tại cố hữu này là thực tại rốt ráo của chúng, mô thức không
thay đổi của chúng, mô thức tồn tại tối hậu của chúng.
5- Tóm
lại, sự hình thành và hoại diệt, tăng và giảm, và v.v… của các sắc tướng là có
thể vì các sắc tướng là trống rỗng sự hiện hữu tự lực. Các hiện tượng chẳng hạn
như các sắc tướng được nói là hé nở từ trong phạm vi tự nhiên của tánh không.
Kết quả, Bát Nhã Tâm Kinh nói, “Sắc là tánh không, tánh
không là sắc; sắc không khác tánh không, tánh không không khác sắc.” Trong cách
này, tánh không và duyên sanh tương khởi được cho thấy là hòa hiệp.
Tóm lại, các sắc tướng không phải trống rỗng do bởi tánh
không, chính tự các sắc tướng là trống rỗng. Tánh không không có nghĩa là một
hiện tượng là trống rỗng khi là một đối tượng nào khác nhưng rằng tự chính nó
là trống rỗng sự tồn tại cố hữu. Rằng một sắc tướng là tánh không nghĩa là bản
chất rốt cùng của một sắc tướng là vắng mặt tự nhiên của sự tồn tại cố hữu của
chính nó, bởi vì các sắc tướng là duyên sanh tương khởi, cho nên chúng là trống
rỗng một thực thể độc lập tự lực. Tánh không ấy là sắc tướng nghĩa là sự thiếu
vắng bản chất của sự tồn tại cố hữu – vốn là sự vắng mặt của một nguyên tắc tự
lực – làm cho các sắc tướng có thể là các sắc tướng vốn là biến dị của nó hay vốn
được thiết lập từ nó trong sự lệ thuộc trên những điều kiện. Vì các sắc tướng
là những cơ sở của tánh không, cho nên tánh không là sắc; các sắc tướng xuất hiện
như những sự phản chiếu của tánh không.
Trong kinh nghiệm của tôi thì thật dễ dàng để thấu hiểu rằng
vì mọi thứ là duyên sanh cho nên chúng trống rỗng sự tồn tại cố hữu hơn là thấu
hiểu rằng vì mọi thứ là trống rỗng, cho nên chúng phải là duyên sanh. Mặc dù, một
cách trí tuệ, tôi biết điều sau rất rõ, nhưng kinh nghiệm về trình độ của cảm
nhận là khó khăn hơn. Ngày nay, tôi thường phản chiếu về một thông điệp của
Long Thọ trong Tràng Hoa Quý Báu (Bảo
Hành Vương Chính Luận):
Một con người không phải đất, không phải nước,
Không phải lửa, không phải gió, không phải không gian.
Không phải thức, không phải các thứ ấy,
Người nào ở đấy khác hơn những thứ này?
Trước nhất ngài xem những yếu tố vật lý của thân thể - đất (những thứ cứng), nước (chất lõng), lửa (hơi nóng), gió
(không khí), và không gian (khoảng
không chẳng hạn như cổ họng) – có thể là tự ngã. Tiếp theo ngài thẩm tra thức. Sau đó ngài xem tập họp của tất cả
những thứ này có phải là tự ngã không. Cuối cùng, ngài hỏi một cách hùng biện rằng
tự ngã có phải khác hơn những thứ này không. Không có cách nào trong đây mà có
thể tìm ra tự ngã.
Rồi thì Long Thọ không lập tức đưa ra kết luận là tự ngã
không thật. Đúng hơn, ngay sau thi kệ ấy, ngài nói rằng tự ngã không phải không
tồn tại nhưng là duyên sanh vốn là được thiết lập trên sáu thành phần được nói ở
trên (đất, nước, gió, lửa, không, và thức). Sau đó, trên căn cứ trên sự kiện lệ
thuộc này, ngài đưa ra kết luận rằng tự ngã là không thật:
Qua hiện hữu [được thiết lập lệ thuộc trên] một hợp chất của sáu thành
phần.
Một con người là không thật.
Ở đây, “không thật” không chỉ có nghĩa là tự ngã không thể
tìm thấy được khi tìm kiếm trong hay riêng rẻ từ sáu thành phần. Long Thọ đang
đưa ra vấn đề rằng mặc dù tâm thức nhận ra tánh không của sự tồn tại cố hữu thấy
chỉ là sự vắng mặt đơn thuần, nhưng tâm thức ấy thúc đẩy một sự thấu hiểu rằng
tự ngã là một thứ duyên sanh. Tôi cảm thấy rằng cung cách ngài trình bày điều
này là tác động trọn vẹn, tránh cả cực đoan chấp rằng tự ngã tồn tại một cách cố
hữu và cực đoan chấp rằng tự ngã hoàn toàn không tồn tại.
Giống hai mặt của một bàn tay, khi nhìn vào một cách bằng
việc thẩm tra bản chất sâu thẩm của nó, có tánh không của sự tồn tại cố hữu,
nhưng khi nhìn từ mặt kia, có hiện tướng của chính một hiện tượng. Chúng là một
thực thể. Do vậy, sắc là tánh không, và tánh không là sắc.
Chúng ta phải có thể thấu hiểu rằng giá trị của tánh
không cũng là ý nghĩa của duyên sanh. Chúng liên hệ một cách sâu sắc. Khi tuệ
quán vào tánh không của ta lớn mạnh rõ ràng hơn, thì ta sẽ càng ngày càng thấy
rằng các đối tượng lệ thuộc vào những nguyên nhân và điều kiện và trên những
thành phần của nó hơn, và chúng mang đến vui sướng và khổ đau vì chúng không tồn
tại một cách cố hữu. Nếu chúng ta đi đến cảm nhận rằng mọi thứ là vô dụng bởi
vì chúng là trống rỗng, thì ta đang lầm lỗi tánh không với chủ nghĩa hư vô. Một
sự thấu hiểu đúng đắn tánh không có nghĩa là việc nhận ra vấn đề chúng ta phải
dựa trên nguyên nhân và hệ quả như thế nào. Sự thấu hiểu tất nhiên và trọn vẹn
tánh không có nghĩa là một sự thấu hiểu thậm thâm về sự liên kết của hiện tướng
và tánh không.
*
Sự thấu hiểu tánh không là vô cùng to lớn, có phải không?
Nó có thể phục vụ như một sự đối trị với nhận thức sai lầm về sự tồn tại cố hữu
và tuy thế trong chính nó nó cũng hổ trợ trong một sự thấu hiểu rộng lớn hơn về
nguyên nhân và hệ quả. Đó là một sự thấu hiểu thật sự về tánh không. Thật không
thể giải thích giá trị của sự thực chứng về tánh không trong phạm vi của việc
chỉ nghe và đọc một giải thích. Nó là điều gì đó mà ta phải làm việc trải qua một
thời gian dài cùng với việc thực tập đạo đức – tránh việc làm tổn hại và mở rộng
từ bi – và qua việc thỉnh cầu chư Phật, chư Bồ tát, và những bậc thầy khác hổ
trợ trong việc vượt thắng các chướng ngại. Chúng ta cần nhiều nguyên nhân tích
cực.
*
TOÁT YẾU THỰC HÀNH HÀNG NGÀY
Thường xuyên phản chiếu trên vấn đề các hiện tượng sinh
khởi trong việc lệ thuộc các nguyên nhân và điều kiện như thế nào, và hãy cố gắng
để thấy vấn đề điều này tương phản với cung cách mà con người và sự vật xuất hiện
là thật thuần nhất như thế nào, để tồn tại trong bản chất của chính chúng, để tồn
tại một cách cố hữu. Nếu ta thiên về chủ
nghĩa hư vô, thì hãy phản chiếu hơn về duyên sanh. Nếu, bằng việc tập trung vào
các nguyên nhân và điều kiện, ta nghiêng về việc củng cố sự tồn tại cố hữu của các hiện tượng, thế thì
hãy đặt nhấn mạnh hơn về vấn đề sự lệ thuộc tương phản với hiện tướng thật thuần
nhất này. Chúng ta chắc chắn sẽ được kéo ra khỏi một phía đến phía kia; trung đạo
chân thật phải cần thời gian để thấy.
*
Ẩn Tâm Lộ, Thursday, April 25, 2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét