Nguyên bản: Ethics for The New Millennium
Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển
*
Tôi đã đi ngang qua Goa[1]
vài lần vì có một trại định cư của người Tây Tạng gần đấy, nhưng đây là lần đầu
tiên tôi có một cuộc hội ngộ ở đây. Vị Thủ Hiến có thể xếp đặt một cuộc họp mặt
và tôi muốn cảm ơn ông cho vinh dự lớn này.
Tự nhiên, mỗi con người bẩm sinh muốn hạnh phúc và không
muốn khổ đau. Ngay cả thú vật hay côn trùng cũng có cùng khát vọng như thế. Mọi
người có quyền để hướng đến một đời sống hạnh phúc, vượt thắng rắc rối, và theo
đuổi hạnh phúc. Bây giờ, chữ “hạnh phúc” không có nghĩa là chỉ hài lòng mà một
sự hài lòng sâu xa, ở trình độ tinh thần. Thật quan trọng để làm một sự phân biệt
giữa sự hài lòng đến qua cảm nhận giác quan và sự hài lòng sâu xa hơn.
Cảm nhận giác quan có thể đạt được bằng việc nhìn vào điều
gì đó thú vị với đôi mắt hay lắng nghe âm nhạc. Loại hài lòng tinh thần này lệ
thuộc trên những vật chất bên ngoài nhưng tự nhiên không bền lâu. Một khi chúng
biến mất, sự hài lòng tinh thần giảm thiểu và những gì còn lại là ký ức. Trình
độ hài lòng khác – sự hài lòng sâu sắc – chỉ đến qua việc hướng đến một đời sống
đầy đủ ý nghĩa và cứu giúp người khác. Tất cả những người đó có niềm tin trong
Thượng đế và hành thiền có thể đạt được sự hài lòng nội tại và họ không lệ thuộc
vào những nhân tố ngoại tại. Sự hài lòng đạt được qua hành thiền bền hơn. Trong
trường hợp hài lòng giác quan, khi nguồn gốc của sự hài lòng bị lấy mất hay khi
người ta đến tuổi già và những giác quan của họ yếu đi, thế thì sự hài lòng
giác quan trở thành khó khăn để đạt được, một cách đặc biệt nếu họ không có
kinh nghiệm về sự hài lòng sâu sắc của tinh thần.
Không thấu hiểu trình độ hài lòng sâu xa hơn và chỉ lệ
thuộc vào tiền bạc và sự giảu có không bảo đảm hạnh phúc. Nếu một người giàu
làm chủ một chiếc nhẫn đắc tiền, bất chấp người ấy hôn nó nhiều như thế nào,
chiếc nhẫn sẽ không đáp ứng lại. Trái lại, nếu cùng tình cảm ấy được biểu lộ
cho thú vật, chúng sẽ đáp ứng lại trong sự trìu mến và điều đó làm con người
vui mừng. Tình cảm chân thành, khi được biểu lộ, có được một sự đáp ứng tương đồng
và điều đó làm một người và gia đình hạnh phúc. Sự giàu có có thể màng đến sự
nghi ngờ và ganh đua cực đoan. Nó khiến không thể phát triển một mối thân hữu
chân thành giữa sự ngờ vực và tranh đua tiêu cực.
Tiền bạc phải được sử dụng một cách thông tuệ - bằng trái
lại giá trị vật chất làm giảm dần giá trị con người. Tôi đã nói với những người
bạn thương gia của tôi rằng họ lệ thuộc với tiền bạc. Tôi chú ý rằng họ thường
không vui vẻ và đau khổ với nhiều căng thẳng và băn khoăn. Tôi không đối kháng
với việc phát triển, vì chúng ta thật sự có thân thể vật lý và chăm sóc nó là cần
thiết cao độ. Với sự giúp đở của kỷ thuật và khoa học, chúng ta đã đi một bước
dài, nhưng chúng ta không thể lệ thuộc vào chúng cho hòa bình và hạnh phúc của
con người, khi chúng cũng phải trở thành những năng lực tàn phá. Trong thế kỷ
hai mươi, hơn hai trăm triệu người đã bị giết qua bạo động. Khi những năng lực
tàn phá này gia tăng trên thế giới, sự thương cũng gia tăng một cách rõ ràng.
Một người không nên quên lãng những giá trị nội tại, khi
chúng là rất quan trọng. Tôi đánh mất tự do vào tuổi mười sáu, và vào lúc hai
mươi lăm tuổi, tôi đánh mất quê hương. Tất cả những người Tây Tạng đã đặt niềm
tin vào tôi và đó là trách nhiệm đạo đức của tôi, nhưng tình hình là bất lực.
(Cười) Tôi không tiêu thụ bất cứ hình thức
thuốc men an thần nào. Như một Phật tử, tôi không sử dụng chúng. Nhưng mặc dù
thế tôi đau lòng, dù không lâu. Tôi vẫn không sử dụng rượu và ma túy. Tôi có thể
giữ tâm hồn tôi tĩnh lặng và vì thế tôi tương đối hạnh phúc. Tất cả mọi con người
được sanh ra với cùng tiềm năng để thành đạt, nhưng chúng phát triển với tri thức,
một tâm tĩnh lặng và nhiệt tình, với tình cảm của cha mẹ.
Nhằm để phát triển những giá trị nội tại nhân bản, tôi cảm
thấy rằng có ba cách. Trước nhất, tín ngưỡng tôn giáo hay niềm tin trong Thượng
đế giúp một người đạt được lòng bác ái, một cảm giác bao dung và nhẫn nại, và một
nguyên tắc nào đó, vốn thúc đẩy những giá trị bên trong một cách căn bản. Ngay
cả đối với những người tín ngưỡng tôn giáo không thờ ngẫu tượng như Phật giáo
và Kỳ Na giáo, người ta tin tưởng rằng không có đấng tạo hóa nhưng một cách căn
bản là sự tự tạo tác. Họ tin trong những lý thuyết như Darwin, vốn tuyên bố rằng
thế giới được làm từ những nguyên tử và những thành phần tập họp với nhau chúng
tạo nên những con người khác nhau. Những người Ấn Độ, trái lại, tin tưởng trong
nghiệp, vốn có nghĩa là mọi thứ xảy ra trong sự đáp ứng lại với những hành vi của
người ấy. Bất cứ hành vi nào mang đến hạnh phúc với người khác sẽ có kết quả
trong hạnh phúc của chính bạn, và tương tự thế, bất cứ hành vi nào vốn mang lại
sự tổn hại cho người khác – như ám sát, hiếp dâm và lừa dối – sẽ mang đến những
hậu quả tiêu cực. Vì vậy, nhằm để đạt được hạnh phúc, chúng ta phải phục vụ người
khác và không tổn hại người khác.
Thứ đến, một số người bạn Ki Tô giáo và Hồi giáo của tôi
tin tưởng rằng đạo đức dựa trên luân lý (đức tin), nhưng tôi tin căn bản của đạo
đức là lòng từ bi. Ngay cả những con thú cũng có đạo đức. Thí dụ, nếu bạn tử tế
với một con chó, nó sẽ đáp ứng trong sự tử tế với bạn và trung thành với bạn. Một
đứa trẻ, ngay khi sinh ra, lệ thuộc vào mẹ nó với tình cảm. Vì vậy, đạo đức phải
không có bất cứ ảnh hưởng nào từ tôn giáo. Trong trường hợp của Ấn Độ, để tránh
bất cứ sự phức tạp nào, những cha già dân tộc như Thánh Gandhi và Rajendra
Prasad tiếp nhận chủ nghĩa thế tục. Chủ nghĩa thế tục, đối lại với niềm tin phổ
biến, không bất tôn trọng bất cứ tôn giáo nào nhưng tôn trọng tất cả mọi tôn
giáo một cách bình đẳng. Ấn Độ cũng có một số lượng khổng lồ những người không
tín ngưỡng, và hiến pháp Ấn Độ cũng tôn trọng họ.
Những giá trị nhân bản có thể được thúc đẩy trong những
người có tín ngưỡng và không tín ngưỡng bằng việc sử dụng ba kinh nghiệm thông
thường:
i.
Lớn lên với tình cảm của bà mẹ từ lúc ấu thơ thường
giúp một con người ổn định trong đời sống. Thiếu vắng sự chăm sóc của bà mẹ
gieo những hạt giống bất an và đưa đến một cuộc sống không ổn định.
ii.
Cộng đồng và gia đình cũng đóng một vai trò quan
trọng. Nếu cộng đồng hay gia đình sống với lòng thấu cảm trong cuộc sống của họ,
thì họ có thể giải quyết bất cứ vấn nạn nào xảy ra trên đường của họ. Những gia
đình giàu có, có ảnh hưởng – ngay cả những gia đình rất giàu và quyền lực – có
thể rất căng thẳng. Người ta phải nhận tầm quan trọng của thái độ tình cảm, khi
nó đưa đến một tâm tĩnh lặng và một cách căn bản là một con người khỏe mạnh. Bất
cứ người nào sống mà không có tình cảm trong đời sống của họ sẽ có những bất an và băn khoăn sâu sắc.
iii.
Cho đến cuối thế kỷ hai mươi, khoa học không chú
ý nhiều đến tầm quan trọng của thế giới nội tại hay tâm thức. Sau này, với sự
phát triển trong lãnh vực của y khoa hay
khoa học thần kinh, các nhà khoa học nhận ra rằng thế giới nội tại là một nhân
tố quan trọng cho sức khỏe.
Trong ba mươi năm qua, tôi đã gặp và thảo luận với những
nhà khoa học trong vấn đề này. Nhiều người trong họ tiến hành những cuộc thí
nghiệm trong những nhóm người. Trước khi cho họ bắt đầu một chương trình thiết
kế để nghiên cứu về sự hợp tác của sự thấu cảm (từ bi) và tình cảm trong cuộc sống,
các bác sĩ kiểm tra huyết áp của họ, khối lượng căn thẳng, và v.v… Sau hai tuần
trong chương trình, các bác sĩ lại kiểm tra những thứ này và khám phá rằng huyết
áp và căng thẳng đã giảm thiểu đáng kể.
Tôi đã viếng thăm một đại học ở Hoa Kỳ vốn tiến hành những
thí nghiệm tương tự trên những sinh viên trong trường và thấy sự tập trung, sắc
bén, và ứng xử xã hội của họ đã cải thiện, do bởi họ trở thành hạnh phúc hơn.
Các nhà khoa học y tế đã tuyên bố rằng sự sợ hãi ăn mòn hệ thống miễn nhiễm của
chúng ta, và tâm tĩnh lặng ít bệnh tật hơn và cũng hồi phục nhanh chóng hơn. Trong
một trường hợp, một bác sĩ tiến hành một thí nghiệm với hai bọ bị thương (chuột
lang). Một con bọ bị giữ cô lập và một con được để trong bầy. Con sống trong bầy
hồi phục nhanh hơn.
Một nhà khoa học từ trường đại học Columbia tuyên bố rằng
những người thường nói “tôi”, “của tôi”, và “tôi” (I, my, me) thì rất thường có
cơ hội lớn bị đau tim. Từ việc đó tôi đã hiểu rằng những người ích kỷ không có
tâm tĩnh lặng và, vì vậy, họ thậm chí thấy vấn đề nhỏ nhoi là không thể chịu nổi.
Nhưng nếu người nghĩ trong một thái độ toàn diện hơn, thì ngay cả một vấn nạn lớn
cũng có thể đối diện với một tâm tĩnh lặng.
Loài người là những tạo vật xã hội tự nhiên và vì vậy cộng
đồng là căn bản cho một đời sống hạnh phúc. Sự tin tưởng chỉ có thể đạt được nếu
ta sở hữu một cảm nhận chân thành về quan tâm; qua sự tin tưởng đi đến hợp tác,
và hữu nghị đến hợp tác, vốn đưa đến một sự tồn tại hòa bình. Nền tảng cho một
nền hòa bình cuối cùng đến từ hòa bình, và lý trí, chứ không phải tôn giáo.
Chúng tôi đã có một hội nghị ở Delhi với những bậc thầy
tâm linh và các nhà khoa học về tầm quan trọng của nhiệt tình và đã thảo luận
những vấn đề như giới thiệu những học sinh tiểu học với lòng nhiệt tình trong một
cung cách thế tục, nhằm để giảm tiểu sự nhấn mạnh về bề ngoài và biết về thực tại.
Cách đó, thì chúng ta có thể giúp tuổi trẻ khắc sâu những phẩm chất như sự tự
tin và nhiệt tình. Thường thường, như tôi đã giải thích trước đây, chúng ta ích
kỷ một cách tự nhiên và vì thế chúng ta không tìm cách để phát triển lòng thấu
cảm đối với nhau. Nhưng lòng thấu cảm (từ bi) là một sự mở rộng của sự tự yêu mến
và vì vậy chúng ta có thể cực kỳ hạnh phúc nếu chúng ta mang hạnh phúc đến những
người khác. Tình thương hẹp hòi chỉ có thể đưa đến sự tự tàn phá. Đó là những
gì tôi muốn nói về cung cách thấu cảm thế tục, lòng từ bi thế tục.
HỎI VÀ ĐÁP
HỎI: Tôi muốn biết mục tiêu của đời sống là gì và
ngài có tin tưởng vào định mệnh hay không? Nếu có, thế thì vai trò của định mệnh
trong đời sống là gì?
ĐÁP: Theo quan
điểm của Phật giáo (mặc dù quan điểm của riêng tôi thì khác), đôi mắt, tâm thức,
và khát vọng vượt thắng điều gì đó tất cả là một bộ phận của bản chất. Tôi nghĩ
một cách thế tục, đó là câu trả lời. Chính mục tiêu của sự sống, tôi tin, là hạnh
phúc. Không có gì bảo đảm trong cuộc sống, nhưng chúng ta tồn tại do bởi hy vọng.
Nếu chúng ta đánh mất hy vọng thế thì điều đó sẽ làm ngắn lại sự sống của chúng
ta. Sự tồn tại của chúng ta căn cứ trên hy vọng cho một tương lai tốt đẹp,
không phải là một tương lai tệ hại. Từ quan điểm này, hạnh phúc là mục tiêu duy
nhất cho sự sống.
Định mệnh là cố định và chúng ta không có năng lực để
thay đổi, theo những niềm tin khác nhau. Nhưng theo con đường thế tục, không có
định mệnh. Những sự kiện xảy ra qua các nguyên nhân và điều kiện; thí dụ, một
thân thể bệnh hoạn sẽ đưa đến một định mệnh yếu đuối. Nếu thân thể được chăm
sóc, thế thì định mệnh có thể thay đổi. Vì vậy, định mệnh có thể thay đổi nếu
có nổ lực thực hiện.
HỎI: Ngài có thể nói với chúng tôi vấn đề ngài vượt
thắng thù oán và sợ hãi như thế nào? Và ngài có thể đưa ra một ánh sáng của thiền
(zen) nào đó không?
ĐÁP: Có nhiều
mức độ của thù oán và nó có thể được diễn tả như một cảm nhận xấu đối với người
tạo ra rắc rối, kẻ thù, hay bạn bè. Nhưng sân hận là một bộ phận cảm xúc của
chúng ta, vốn mọc lên như một cơ cấu phòng vệ trong một con người khi người ấy
chạm trán với những hoàn cảnh tiêu cực hay nguy hiểm. Nói một cách sinh học,
các cảm xúc như sân hận, khát vọng, và dính mắc là cần thiết cho sự tồn tại.
Thù oán có thể được diễn tả như dư âm của sân hận vốn duy trì và day dứt trong
một thời gian dài.
Tôi không có thù oán, nhưng nếu tôi thấy điều gì đó sai
trái, tôi trở nên sân hận giận hờn. Sau khủng hoảng ở Tây Tạng vào ngày 10
tháng Ba năm 2008, tôi cảm thấy những cảm xúc giống như mà tôi đã cảm nhận vào
ngày 10 tháng Ba năm 1959, khi tôi mất tự do – bất lực, bất lực, và băn khoăn.
Tuy thế, những cảm xúc hiện hữu khác, khi sau khủng hoảng 2008, tôi đã quán tưởng
những cán bộ Trung Cộng và tôi đã hoán đổi sự sợ hãi và sân hận của họ cho sự
nhẫn nhục và từ bi của tôi. Rõ ràng, nó không giải quyết bất cứ vấn nạn nào,
nhưng nó giúp tôi trong việc duy trì sự an bình tinh thần của tôi.
Ta có thể cầu nguyện để tiêu trừ thù oán. Theo tâm lý học
Phật giáo, việc đối phó với các cảm giác tiêu cực là quan trọng. Thù oán vốn sắp
khởi lên phải được đối phó ngay lúc đầu. Sự kích thích hoạt động như một chất
xúc tác cho sân hận phát triển thành thù oán. Vào lúc đó, chúng ta cần nhớ rằng
sân hận không phải là một giải pháp nhưng chỉ giúp làm tàn phá niềm hạnh phúc.
Điều đó giúp cho việc giảm thiểu các tư tưởng khó chịu hình thành trong tâm thức.
Điều kiện của thân thể cũng liên quan, như một thân thể yếu
đuối có thể làm nghiêm trọng sự tiêu cực, nhưng một thân thể khỏe mạnh sẽ đưa đến
kết quả trong một tâm tư mạnh mẽ vốn sẽ không bị quấy rầy một cách dễ dàng. Qua
sự thực hành, chúng ta cần nghiên cứu để tách rời chính ta khỏi sân hận, vốn sẽ
làm cho ta nhìn vào sân hận một cách hợp lý và cuối cùng đánh bại nó một cách
hoàn toàn. Nếu sân hận lan tỏa khắp tâm tư, thì nó trở thành khó khăn để loại
trừ. Tâm lý Phật giáo và tâm lý học Ấn Độ giáo có những yếu tố như thiền chỉ và
thiền quán giải thích những phương pháp để tìm cách giải quyết vấn nạn này của
tâm thức.
Khi tôi đi ngang qua những thị trấn của Ấn Độ, tôi thấy
những đền thờ như Shiva lingam, Ganesh – tôi tự hỏi tại sao không xây dựng những
phòng ốc nơi mà các tín đồ có thể ngồi và thảo luận các kinh điển hơn là những
đền thờ chỉ như một ngôi nhà cho một bức tượng đơn độc của một bổn tôn mà thôi?
Tôi thường nói với những người Tây Tạng đừng tạo dựng thêm các tượng Phật nữa.
Tôi là một Phật tử nhưng tôi biết rằng tượng Phật sẽ không bao giờ nói; nhưng tốt
hơn là in thêm kinh sách vốn có thể chứng tỏ lợi lạc hơn thêm. Những kinh điển
đã tồn tại hơn ba nghìn năm qua, nhưng điều thiếu vắng là sự học hỏi chúng. Nhiều
người Ấn Độ là những tín đồ rất ngoan hiền, nhưng họ không chú ý đến việc học hỏi
các kinh điển.
HỎI: Các bác sĩ phải phát Lời thề Hippocrates trước khi họ có thể bắt đầu việc thực hành
nghề y của họ. Có một lời thề công cộng mà ngài đề nghị cho những chính trị gia
đón nhận một cách phổ thông không?
ĐÁP: Tôi không
phải là một nhà chính trị. Nhiều năm trước, quốc hội ở Delhi xây dựng tượng
Gandhi, tôi được mời trong buổi lễ khánh thành và tôi đã nói các nhà chính trị
hãy nhớ sự chân thành của Gandhi mỗi lần họ đi ngang qua tượng. Trong cuộc đấu
tranh cho tự do của Ấn Độ, tất cả những lãnh tụ là vô ngã vị tha, vô úy, và
trung thực với việc làm của họ. Tôi thường nói với những người bạn Ấn Độ rằng
trong sáu mươi năm qua từ sự tự do của họ, các lãnh đạo cần cùng một tinh thần
như những nhà đấu tranh cho tự do. Họ cũng cần trung thực, chân thành, và vô
ngã vị tha.
Ấn Độ là một đất nước dân chủ và có một nền tư pháp độc lập
làm cho nó là một xứ sở hòa bình. Tại một cuộc hội họp với nhiều vị thẩm phán
và luật sư, tôi đùa họ trong khi ca ngợi họ rằng nếu người hoạt động cho công
lý hơi thiếu trung thực, thế thì nó trở thành một thảm họa thật sự. Ấn Độ là một
quốc gia khổng lồ, vì vậy một vấn đề nhỏ thỉnh thoảng xảy ra là có thể hiểu được.
Nhưng nó thì ổn định hơn các lân bang nhiều.
Truyền thông Ấn Độ có một vai trò thật sự quan trọng.
Trong một quốc gia dân chủ, vai trò của họ đạt tầm quan trọng hơn khi có trách
nhiệm để hướng dẫn người dân về những sự kiện xảy ra chung quanh họ. Vì vậy, họ
cần duy trì những giá trị nhân văn căn bản, đạo đức thế tục, và sự hòa hiệp tôn
giáo. Cùng với điều đó, họ cần bảo đảm rằng họ giao tiếp với những sự thật về
các nhà chính trị, các nhà hoạt động xã hội, truyền thông, và thương gia, nhưng
phải bảo đảm rằng họ không đang trình bày bất cứ sự thật phũ phàng nào với người
dân. Ở Trung Hoa, vì không có một ngành truyền thông độc lập, hệ thống trải qua
nhiều sự nhũng lạm, mà người giàu có và quyền lực tự do bốc lột. Ngành truyền
thông nên khảo sát thế giới một cách toàn diện và để người dân biết những sự thật
trong một thái độ không thành kiến.
HỎI: Ngài nói rằng tiền bạc không ban cho hạnh
phúc – Tôi đồng ý. Nhưng tôi tin rằng tiền bạc có thể mua những thứ để làm cho
đời sống của ta thoải mái. Cho nên, theo tâm lý học Phật giáo, ngài có thể đề
nghị một phương cách đưa đến sự cân bằng giữa việc có được sự giàu có và làm
cho ta hạnh phúc không?
ĐÁP: Chúng ta
có thân thể này và để làm cho nó thoải mái, chúng ta cần thực phẩm và nơi cư
trú. Tôi đi ngang qua những xóm làng với những con người rất nghèo khổ, những
người chưa bao giờ trải nghiệm sự thoải mái này. Trong toàn thế giới, khoảng
cách giữa người giàu và nghèo là khổng lồ. Sự chú ý nên được hướng đến việc khắc
phục khoảng cách trên cấp độ toàn cầu và quốc gia. Nền kinh tế Ấn Độ tăng trường khá tốt, và nó là một xã hội
tự do khai phóng, không giống như Trung
Hoa. Vì vậy, nó là một xã hội lành mạnh. Một sự chuyển hóa thật sự nên xảy ra
trong những xa xôi hẻo lánh với nhiều sự chú ý hơn cho sự phát triển vùng sâu
vùng xa.
Tôi thật sự đồng ý rằng tiền bạc là quan trọng. Những sự
gia hộ thôi thì không đủ. Làm việc cần mẫn cũng quan trọng. Sự chuyển hóa thật
sự đến từ việc lao động chăm chỉ chứ không đến chỉ từ việc cầu nguyện. Người
giàu nên ban cho người nghèo sự học vấn và những kỷ năng công nghệ. Một vài
ngày trước tôi đã ở một thị trấn mà tôi đã từng được mời đến hai thập niên trước,
khi những người địa phương trình bày quyết định phát triển của họ. Tôi đã hứa hẹn
hiến tặng mười triệu rupee và tiểu bang cũng hứa đóng góp. Khi tôi đến đó mới
đây, người dân ở đó đã phát triển một số kỷ năng và đang sống rất yên bình.
Bây giờ, có người nào có kinh nghiệm đưa qua đưa lại tâm
trạng hạnh phúc và tâm trạng đau buồn? Khi ta đau buồn và có tiền trong túi,
thì ta có thể đi tới một cửa hàng lớn và đòi hỏi một tâm thức yên bình được
không? Hay ta có thể đi tới một nhà thương lớn chích một mũi thuốc bình an tâm
hồn không, hay yêu cầu một kỷ thuật cho sự bình an nội tại từ một nhà máy
không? Chỉ nếu người ta giữ não bộ một bên và thay thế nó với cơ cấu máy móc
nào đó thì chúng ta sẽ dững dưng và không trải nghiệm bất cứ cảm giác gì. Chúng
ta có thật sự muốn như vậy không?
Do vậy, rõ ràng rằng tiền bạc là cần thiết chỉ cho nhu cầu
thân thể, chứ không cho sự bình an của tinh thần. Vì vậy, hãy mua những tiện
nghi vật chất nhưng không tôn sùng tiền bạc. Hãy nhận ra rằng có một sự giới hạn
về giá trị kinh tế và tập trung năng lượng của ta để đạt được sự hòa bình nội tại.
HỎI: Dường như trong vài tháng gần đây có những dấu
hiệu lo lắng trong truyền thông đối với vị lạt ma có tiền bạc gì đó. Dường như
rằng sự hiện diện của ngài và sự hiện diện của cộng đồng Tây Tạng đông đảo ở Ấn
Độ đang bắt đầu không thuận tiện trong con mắt người Ấn Độ trong sự phát triển
toàn cầu. Ngài có những quan tâm nào đó không về tương lai của cộng đồng Tây Tạng
và sự ổn định trong mối quan hệ của ngài với Ấn Độ vốn tồn tại rất lâu?
ĐÁP: Mối quan
hệ giữa Tây Tạng và Ấn Độ không phải chỉ tồn tại trong vài thập niên mà hàng
nghìn năm. Tôi luôn luôn duy trì mối quan hệ của chúng tôi như mối quan hệ giữa
đạo sư và học trò - Ấn Độ là đạo sư và chúng tôi là học trò. Thí dụ, trong thế
kỷ thứ bảy hay thứ tám, Phật giáo vào Tây Tạng và phát triển và thay đổi lối sống.
Bây giờ nền văn minh Ấn Độ và văn minh Tây Tạng – như Moraji Desai nói dựa vào
lời chúc mừng mà tôi đã viết cho ông khi ông trở thành Thủ tướng của Ấn Độ - là
giống như những nhánh cây của một cây bồ đề. Thân cây ấy lớn lên ở Ấn Độ và
vươn đến Tây Tạng. Chúng tôi có một mối quan hệ rất mạnh mẽ.
Tây Tạng bị khống chế bởi Trung Cộng, nhưng trong tâm tư
họ họ đang nhìn về đất nước này. Năm 1956, chính phủ Ấn Độ đã mời tôi và tôi đã
đến đây vô vàn khó khăn. Từ lúc ấy tôi đã phát triển một mối quan hệ rất đặc biệt
với Nehru và Rajendra Prasad. Năm 1959, Ấn Độ cho tôi và người dân tôi tị nạn
chính trị. Họ đã giúp tôi xây dựng những
trường học và những khu định cư, đặc biệt trong những bang Himachal Pradesh và
Karnataka. Sau năm mươi mốt năm, cộng đồng
của tôi đã định cư rất tốt đẹp tại những nơi đây. Đó là mối quan hệ mà chúng
tôi chia sẻ trên đất nước này.
Một cách địa lý, Ấn Độ chia sẻ biên giới với Tây Tạng.
Không có một chiến binh Ấn Độ nào đã từng được thấy xuyên qua hàng nghìn dặm
biên giới này. Sau 1959, và đặc biệt sau 1962, những trạm quân sự được xây dựng.
Vấn đề Tây Tạng cũng là một vấn đề của Ấn Độ. Những sự hiểu lầm nhỏ luôn luôn xảy
ra ở đấy. Những sự hiểu lầm nào đó ló lên qua sự bất cẩn của một người công
nhân, nhưng trái lại không có gì nghiêm trọng về vấn đề lạt ma.
HỎI: Có phải ngớ ngẩn để nghĩ rằng tôn giáo có thể
trở thành một nguyên nhân cho một cuộc chiến tranh không? Trong trường hợp ấy,
tôn giáo trở thành một người bạn của chiến tranh hay hòa bình? Sẽ có hòa bình
hơn nếu nó bị bãi bỏ?
ĐÁP: Chiến
tranh vì tôn giáo là một phần của lịch sử nhân loại. Những người nào đó tin rằng
sẽ tốt hơn nếu không có tôn giáo, nhưng thế thì Thế Chiến thứ nhất, Thế chiến
thứ hai hay Chiến tranh Triều Tiên không phải xảy ra vì các vấn đề của những
tôn giáo. Một sự xung đột nào đó luôn luôn ở đấy. Trong quá khứ, một số xung đột
đã xảy ra vì tôn giáo. Nhưng, tôi tin rằng cái tên tôn giáo bị lạm dụng cho quyền
lực.
Tôn giáo được sử dụng để lôi kéo con người. Những người
tôn giáo cũng bị dính mắc với tôn giáo của họ. Ở Argentina, tôi đã gặp gở những
nhà khoa học và các lãnh tụ tôn giáo, một nhà khoa học Chi lê đã nói với tôi rằng
ông nghĩ ông không nên quá dính mắc ngay cả với lãnh vực khoa học của ông ta.
Ngay cả tôi không nên phát triển sự dính mắc với Phật giáo, vì một tâm thành kiến
không thể thấy thực tại. Bất cứ tín đồ tôn giáo nào dính mắc quá nhiều với tôn
giáo của họ thì trở thành một người cuồng tín, vốn là một sai lầm.
Nhiều người Ấn giáo tin Krishna và Shiva, nhưng khi tôi
yêu cầu họ định nghĩa
Ấn giáo thì họ không có câu trả lời. Tôi đùa với những
người bạn của tôi, khi họ tán tụng những câu thần chú Sanskrist vào buổi sáng
nhưng không biết ý nghĩa của chúng. Họ đặt bong hoa dưới chân của thần Ganesha
hay bất cứ biểu tượng nào khác, nhưng không có bất cứ ý tưởng nào tại sao họ cần
làm như thế. Tôi nghĩ nhiều người Hồi giáo nêu tên Allah nhưng không biết ý
nghĩa là gì. Người bạn của tôi nói rằng nếu bất cứ người Hồi giáo nào làm đổ
máu một người khác, thế thì người ấy không còn là một người Hồi giáo nữa. Người
ta nên có lòng từ ái và bi mẫn cho những người khác, chỉ như thế thì người ấy mới
có thể được gọi là một hành giả chân thành của Hồi giáo. Ý nghĩa của thánh chiến
(jihad) được định nghĩa bởi những người Hồi giáo từ những phần tử khủng bố, vốn
không biết giáo huấn thật sự của kinh Koran. Họ biểu lộ một sự dính mắc với tôn
giáo của họ và trở thành người cuồng tín.
Ngay cả trong những người Phật giáo, cũng có những người
cuồng tín. Họ không thích cách giáo huấn của tôi và chống lại tôi bởi vì sự tiếp
cận của tôi không thoải mái với những giáo lý Đạo Phật truyền thống. Tình trạng
tốt đẹp nhất sẽ là nếu sáu tỉ người nên biến mất và rồi thì sự hòa bình chân thật
của thế giới đạt được. Chúng ta nên cầu nguyện để Thượng đế làm cho toàn bộ nền
văn minh của con người biến mất. Nói đùa thôi, chúng ta nên tồn tại và trau dồi
lòng từ bi vô giới hạn. Loài người cần phát triển xa hơn và nên biết thực tại cùng
năng lực của con người.
*
Ẩn Tâm Lộ, Tuesday, July 30, 2019
[1] Goa
là một tiểu bang của Ấn Độ nằm ở vùng duyên hải tên Konkan tại miền Tây Ấn Độ.
Nó tiếp giáp với Maharashtra về phía bắc và Karnataka về phía đông và nam, với
biển Ả Rập về phía tây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét