Nguyên bản: Extending Help
Tác giả:
Đức Đạt Lai Lạt Ma
Anh dịch:
Jeffrey Hopkins, Ph. D.
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển / Monday, February 25, 2019
-*-
Với sự thực hành về việc không làm tổn hại như nền tảng của
chúng ta, bây giờ chúng ta trau dồi việc quan tâm cho những người khác. Trước
nhất, qua đạo đức của giải thoát cá nhân, chúng ta học cách kiểm soát sân hận
và những thứ như vậy, và bây giờ chúng ta có thể học hỏi vấn đề an ủi và phục vụ
người khác. Những sự thực hành trong chương Hai qua Bốn điều – từ bỏ mười điều
bất thiện, xác định phạm vi và tiến trình của khổ đau và phương cách vượt khỏi
nó qua Bốn Chân Lý Cao Quý, và việc tiếp nhận sự lìa xa những thú vui thoáng
qua của đời sống cư sĩ – tất cả tạo nên một nền tảng cần thiết cho giai tầng thứ
hai, những gì chúng ta gọ là đạo đức của Đại thừa. Bây giờ, không chỉ ta không
làm tổn hại người khác, mà chúng ta mang thêm trách nhiệm để giúp đở họ. Không
làm tổn hại người khác là một sự thực hành phòng thủ - thụ động, trái lại hoạt
động để giúp đở người khác là chủ động.
Đức Phật dạy ba giai tầng của đạo đức: đạo đức của giải
thoát cá nhân, đạo đức quan tâm cho người khác, và đạo đức Mật tông – Tantra.
Việc giúp đở người khác là giáo huấn Đại thừa, trọng tâm của giai tầng thứ hai,
hay đạo đức của Bồ tát. Nó cũng được tập trung trong chương này.
GIÁ TRỊ CỦA NHỮNG HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN
Chúng ta có thể trau dồi thái độ quan tâm khác này thế
nào? Sự tiếp cận chính cho việc định hướng chính mình đối với việc đảm đương là
lưu tâm mối liên hệ quan trọng của ta đối với người khác. Một sự thực hành vốn
trải dài từ Ấn Độ đến Tây Tạng liên hệ trước nhất là việc thấy nền tảng chung với
những người khác (bình đẳng) và rồi thì thay thế tự tâm mình với người khác. Học
giả du già Ấn Độ Shantideva giải thích sự thực hành này của việc bình đẳng và
hoán đổi tự thân với người khác tường tận trong Hướng Dẫn Lối Sống của Bồ tát (Bồ Tát Hạnh), và nhiều vị Tây Tạng đã luận giải về tác phẩm
này.
Lòng từ bi mở rộng đến mỗi một chúng sanh, không chỉ bè bạn,
hay người thân hay những ai trong những hoàn cảnh kinh khủng. Để phát triển một
sự thực hành từ bi đến sự mở rộng tròn vẹn nhất, thì chúng ta phải thực hành nhẫn
nhục. Shantideva nói với chúng ta rằng nếu sự thực hành nhẫn nhục thật sự kích
thích tâm ta và đem đến một sự thay đổi, thì ta bắt đầu thấy các kẻ thù ta như
một người bạn thân, ngay cả là những người hướng dẫn tâm linh.
Những người thù địch cung cấp cho ta một cơ hội tuyệt vời
nào đó để thực hành nhẫn nhục, bao dung và từ bi. Shantideva cho chúng ta nhiều
thí dụ tuyệt vời về điều này trong hình thức của những sự đối thoại giữa khía cạnh
tích cực và tiêu cực của chính tâm thức ngài. Sự quán chiếu của ngài về lòng từ
bi và nhẫn nhục rất hữu dụng trong sự thực hành của chính tôi. Hãy đọc chúng và
trọn tâm hồn của bạn có thể được chuyển hóa. Đây là một thí dụ:
Đối với một hành giả của từ ái và bi mẫn, kẻ thù là một trong những vị
thầy quan trọng nhất. Không có kẻ thù thì ta không thể thực hành bao dung, và
không có sự bao dung thì ta không thể xây dựng một căn bản mạnh mẽ của lòng bi
mẫn. Do thế, nhằm để thực hành bi mẫn, chúng ta phải có một kẻ thù.
Khi chúng ta đối diện kẻ thù của ta, người sẽ tổn thương ta, đó thật sự
là thời gian để thực tập bao dung. Vì vậy, một kẻ thù là nhân để thực tập bao
dung; bao dung là hệ quả hay kết quả của một kẻ thù. Thế nên, đây là nguyên
nhân và hệ quả. Như được nói, “Một khi điều gì đó đã có mối quan hệ nhân duyên
từ việc ấy, ta không thể xem việc phát sinh ấy như một tác hại; đúng hơn nó hổ
trợ cho việc phát sinh hệ quả.”
Quán chiếu trên loại lý
luận này có thể giúp để phát triển lòng nhẫn nhục sâu rộng, là thứ, vốn
hóa ra phát triển một lòng bi mẫn đầy năng lực. Lòng bi mẫn thật sự được căn cứ
trên lý trí. Lòng bi mẫn thông thường hay yêu thương bị giới hạn bằng khao khát
hay dính mắc.
Nếu đời sống của ta là dễ dàng và mọi thứ đang diễn tiến
êm thấm, thì ta có thể duy trì lòng tự phụ. Tuy nhiên, khi ta đối diện với những
hoàn cảnh thật sự tuyệt vọng, thì không có thời gian để giả vờ; ta phải đối diện
với thực tại. Những thời gian khó khăn xây dựng lòng quyết tâm và sức mạnh nội
tại. Qua chúng, chúng ta cũng có thể biết rõ sự vô ích của sân hận. Thay vì nổi
giận, hãy nuôi dưỡng một sự ân cần và tôn trọng sâu sắc đối với những người gây
rắc rối vì bằng việc tạo nên những hoàn cảnh khó khăn như vậy, thì họ cung cấp
cho ta những cơ hội vô giá để thực tập lòng bao dung và nhẫn nhục.
Đời sống của tôi không phải là thời gian hạnh phúc; tôi
đã phải trải qua nhiều kinh nghiệm khó khăn, kể cả đánh mất quê hương vì sự xâm
lược của Trung Cộng và cố gắng để tái lập nền văn hóa của chúng tôi trong những
xứ sở lân bang. Tuy vậy, tôi xem những thời điểm khó khăn này trong số những thời
gian quan trọng nhất trong cuộc sống của tôi. Qua chúng, tôi đã đạt được nhiều
kinh nghiệm mới và học hỏi được nhiều ý tưởng mới – chúng làm cho tôi thực tế
hơn. Khi tôi còn trẻ và sống phía trên cao của
thủ đô Lhasa trong cung điện Potala, tôi thường nhìn vào cuộc sống của
thành phố qua một kính viễn vọng. Tôi cũng đã học được nhiều qua tán gẫu với những
phu quét dọn trong cung. Họ giống như tờ báo của tôi, liên hệ đến những gì ngài
Nhiếp chính đang làm và những việc tham nhũng cùng tai tiếng đang diễn ra. Tôi
luôn luôn vui vẻ để lắng nghe, và họ tự hào để nói với Đức Đạt Lai Lạt Ma về những
gì đang xảy ra trên đường phố. Những sự kiện khắc nghiệt đã bày ra sau sự xâm
lăng năm 1959 buộc tôi trở thành liên hệ trực tiếp trong những vấn đề mà trái lại
sẽ được giữ khoảng cách với tôi. Như một kết quả, tôi đi đến phải chọn một đời
sống của chí nguyện hành động xã hội trong thế giới khổ đau này.
Thời gian khó khăn nhất cho tôi là sau khi Trung Cộng xâm
lược. Tôi đã cố gắng để làm hài lòng những
kẻ xâm lăng để không làm tình hình tệ hại tồi tệ hơn. Khi một phái đoàn viên chức
nhỏ Tây Tạng ký vào bản thỏa thuận mười bảy điểm mà không có sự đồng ý của tôi
và chính phủ, chúng tôi đã để như vậy mà không có sửa đổi nhưng cố gắng để làm
việc với bản thỏa thuận. Nhiều người Tây Tạng phẩn uất nó, nhưng khi họ biểu lộ
sự đối kháng thì Trung Cộng phản ứng thậm chí khắc nghiệt hơn. Tôi bị kẹt ở giữa, cố gắng để làm nguôi
tình hình. Hai vị quyền thủ tướng phàn nàn về các điều kiện với chính phủ Trung
Cộng, vốn họ muốn tôi cách chức họ. Đây là loại vấn đề mà tôi phải đối diện
hàng ngày khi nào chúng tôi vẫn còn ở Tây Tạng. Chúng tôi không thể tập trung
trong vấn đề cải thiện hoàn cảnh của chúng tôi, nhưng tôi đã thiết lập một hội
đồng cải cách giảm phí nợ quá mức và v.v…
Trái với sự mong đợi của Trung Cộng, tôi lần đầu tiên viếng
thăm Ấn Độ năm 1956 để kỷ niệm Phật Đản sanh lần thứ 2500. Trong khi ở Ấn Độ
tôi phải có quyết định khó khăn là có nên trở lại Tây Tạng không. Tôi đã nhận
nhiều thông tin về cuộc nổi dậy ở miền Đông Tây Tạng, và nhiều viên chức ở Tây
Tạng khuyên tôi không nên trở về. Cũng thế, từ kinh nghiệm quá khứ, tôi biết rằng
khi Trung Cộng phát triển thêm sức mạnh quân đội, thì thái độ của họ sẽ trở nên
khắc nghiệt hơn. Chúng tôi có thể thấy rằng không có hy vọng gì nhiều, nhưng
vào lúc ấy chúng tôi không biết rõ rằng chúng tôi có được sự bảo đảm hoàn toàn
về sự hổ trợ hiệu quả từ chính phủ Ấn Độ hay từ những chính phủ khác hay không.
Cuối cùng chúng tôi đã chọn trở lại Tây Tạng. Nhưng năm
1959, khi có một sự đào thoát hàng loạt đến Ấn Độ, thì hoàn cảnh dễ dàng hơn vì
tình trạng khó xử đã biến mất. Chúng tôi có thể đặt tất cả mọi năng lượng và thời
gian trong việc xây dựng một cộng đồng vững mạnh với nền giáo dục hiện đại cho
giới trẻ và cùng lúc cố gắng để bảo tồn những cung cách truyền thống của chúng
tôi về giáo dục và thực hành Đạo Phật. Chúng tôi bây giờ đang làm việc trong một
không khí của tự do mà không có sợ hãi.
Sự thực hành của chính tôi đã được lợi lạc từ một cuộc sống
với vô vàn nhiễu loạn và vấn nạn. Quý vị cũng có thể đi đến thấy những thử
thách gay go mà quý vị phải chịu đựng
trong khi làm sâu sắc sự thực tập của quý vị.
BÌNH ĐẲNG VÀ HOÁN ĐỔI TỰ THÂN VỚI NGƯỜI KHÁC
Như Shantideva giải thích sự thực hành này, trước tiên
chúng ta nhận ra rằng mỗi một chúng sanh khác muốn hạnh phúc và không muốn khổ
đau, giống như ta, trong cung cách nền tảng này ta và họ bình đẳng. Sau đó, khi
ta xét rằng ta chỉ là một con người đơn lẻ so lường với vô số các chúng sanh
khác, ta nhận ra rằng sẽ là hoàn toàn vô lý hoặc là quên lãng quyền lợi của những
người khác hay lợi dụng họ vì lợi ích của riêng ta. Sẽ là hợp lý vô cùng để cống
hiến hết mình cho việc làm của họ.
Khi ta xem xét hoàn cảnh trong cách này, nó trở thành rất
rõ ràng. Bất chấp ta quan trọng như thế nào, thì ta chỉ là một con người đơn lẻ.
Ta có cùng quyền để hạnh phúc như mọi người khác, nhưng sự khác biệt là ta chỉ
là một, và họ là rất nhiều. Để đánh mất hạnh phúc của một cá nhân là rất quan
trọng, nhưng không quan trọng như việc làm mất hạnh phúc của nhiều người khác.
Từ quan điểm này, ta có thể trau dồi lòng bi mẫn, từ ái, và tôn trọng những người
khác.
Trong một ý nghĩa, toàn bộ loài người cùng thuộc về một
gia đình duy nhất. Chúng ta cần ôm ấp sự đồng nhất của nhân loại và biểu lộ sự
quan tâm cho mọi người – không chỉ gia đình tôi hay xứ sở tôi hay lục địa tôi.
Chúng ta phải biểu lộ sự quan tâm cho tất cả mọi người, không chỉ một ít người
giống với chúng ta. Những khác biệt về tôn giáo lý tưởng, chủng tộc, hệ thống
kinh tế, hệ thống xã hội, và chính quyền tất cả là thứ yếu.
Sự Vị
Kỷ Thông Tuệ
Đặt người khác lên hàng ưu tiên, tự ta tiếp theo. Việc
làm này thậm chí là từ một quan điểm vị kỷ. Hãy để tôi giải thích vấn đề việc
này khả dĩ như thế nào. Ta muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau, và nếu ta biểu
lộ với người khác sự ân cần, từ ái, và tôn trọng, thì họ sẽ đáp lại trong tử tế;
cách này thì sự hạnh phúc của ta sẽ gia tăng. Nếu ta biểu lộ với người khác sự
sân hận và thù oán, họ sẽ biểu lộ lại giống như vậy, và ta sẽ đánh mất sự hạnh
phúc của chính ta. Cho nên tôi nói, nếu ta vị kỷ, ta nên vị kỷ một cách thông
tuệ. Sự vị kỷ thông thường chỉ tập trung vào nhu cầu của chính ta, nhưng nếu vị
kỷ một cách thông tuệ, ta sẽ đối xử với người khác cũng tốt đẹp giống như những
người thân của ta. Cuối cùng, sách lược này sẽ phát sinh sự hài lòng hơn, hạnh
phúc hơn. Do vậy, thậm chí từ một quan điểm vị kỷ, ta nhận được những kết quả tốt
đẹp hơn bằng việc tôn trọng những người khác, phục vụ người khác, và làm giảm
thiểu tự ngã.
Khi chúng ta quan tâm về những người khác, lợi lạc của chính ta cũng tự động
đầy đủ. Hãy quan tâm những điều không đạo đức của hành động và lời nói, vốn là
những thứ làm con người phải sanh ra trong một hoàn cảnh xấu. Một người nào đó
với một quan điểm nho nhỏ tránh giết hại, thí dụ, vì một động cơ không tích tập
một nghiệp xấu in dấu trong tâm thức của người ấy. Một người nào đó với một tầm
nhìn hơi rộng rãi hơn tránh giết hại là việc thực tập nhằm để xa rời hoàn toàn
cõi sanh tử luân hồi có thể bị tiếp tục, bằng việc suy nghĩ rằng sát sanh sẽ
ngăn ngừa việc tái sanh trong một kiếp sống tốt đẹp . Tuy nhiên, những người vị tha xem mạng sống của những người
khác cũng quan trọng như của họ và tránh giết người vì muốn bảo vệ sự sống của
người khác. Sự yêu mến người khác này làm nên một sự khác biệt lớn lao trong sức
mạnh của động cơ để tránh việc giết hại. Những người mà động cơ của họ là vị kỷ
có thể nghĩ rằng ngay cả nếu họ phạm một hành vi không lành, thì họ có thể xưng
tội và tìm kiếm sự cải thiện nghiệp nhân, trái lại người nào đó vốn coi trọng sự
sống của người khác quan tâm về khổ đau của người khác và biết rằng không có lợi
ích gì với việc thú tội giết người. Cũng đúng với việc trộm cắp, tà dâm, nói dối,
nói lời chia rẻ, nói lời độc ác, và tôi nghĩ, ngay cả, nói lời vô ích.
Một cung cách khác mà mối quan tâm khác cũng rất quý giá
là đặt hoàn cảnh của chính ta vào trong nhận thức. Về một mặt tôi đặc biệt đau
buồn về tình trạng của Tây Tạng, nhưng rồi thì tôi nhớ rằng tôi đã tiếp nhận giới
nguyện Bồ tát và mỗi ngày thường quán chiếu lời cầu nguyện của Shantideva:
Khi thế gian vẫn
còn tồn tại
Khi chúng sanh vẫn
còn hiện hữu
Nguyện tôi vẫn hiện
diện để hổ trợ
Xoa dịu tất cả khổ
đau của họ
Ngay khi tôi nhớ điều này, tất cả cảm giác gánh nặng lập
tức tiêu tan, giống như áo quần nặng nề được trút khỏi tôi.
Chí nguyện vị tha xoa dịu những nguyên nhân đặc biệt của
thất vọng bằng việc đặt chúng trong một quan điểm rộng rãi hơn; những nguyên
nhân này không được làm ta chán nản. Hầu hết những rắc rối, lo lắng, và buồn
phiền của riêng ta trong kiếp sống này đều đến từ sự tự yêu mến. Như tôi đã đề
cập ở trên, vị kỷ một cách thông tuệ không là tiêu cực, nhưng tính vị kỷ thiển
cận, chỉ quan tâm với sự hài lòng với sự hài lòng tức thời, là phản tác dụng,
là chướng ngại ẩn tàng. Một quan điểm hẹp hòi làm cho một rắc rối thậm chí là
nhỏ đến không thể chịu đựng được. Việc quan tâm đến tất cả chúng sanh làm rộng
lớn quan điểm của ta, làm ta thực tế hơn. Trong cách này, thì một thái độ vị
tha giúp làm giảm thiểu khổ đau của ta ngay lập tức.
Lời đề nghị nghiêm túc của tôi là bạn hãy thực hành từ ái
và ân cần cho dù bạn có tin trong một tôn giáo hay không. Qua sự thực tập này,
thì ta đi đến nhận ra giá trị của bi mẫn và ân cần vì sự hòa bình tâm hồn của
chính ta. Cuối cùng, mặc dù ta có thể không quan tâm đến người khác, nhưng ta rất
quan tâm đến chính ta – không cần hỏi về điều đó – cho nên ta phải muốn thành tựu
một tâm thức an bình và một đời sống hàng ngày hạnh phúc hơn. Nếu ta thực hành
ân cần hơn và bao dung hơn, thì ta sẽ thấy nhiều hòa bình hơn. Không cần phải
thay đổi bàn ghế trong nhà, hay chuyển đến một ngôi nhà mới. Hàng xóm của ta có
thể rất ồn ào và rất khó chịu, nhưng khi nào tâm tư chính ta là tĩnh lặng và
bình an, thì hàng xóm sẽ không quấy rầy ta nhiều. Tuy nhiên, nếu ta nói chung
là cáu kỉnh, ngay cả khi bạn thân nhất của ta thăm viếng, thì ta cũng không thể
trở nên vui mừng thật sự. Nếu ta tĩnh lặng, thậm chí kẻ thù của ta cũng không
thể quấy rầy ta.
Đó là tại sao tôi nói rằng nếu ta thật sự vị kỷ, thì tốt hơn
là hãy vị kỷ một cách thông tuệ. Cách này ta có thể làm tròn động cơ vị kỷ của
ta để hạnh phúc. Như thế tốt hơn là ích kỷ, hay vị kỷ một cách ngu ngơ, vốn sẽ
không thành công.
Quán
tưởng
Những kỷ năng quán
tưởng sau đây là rất hữu ích trong sự thực hành hàng ngày:
1-
Ta duy
trì sự tĩnh lặng và có lý trí.
2-
Trước
mặt ta bên phải, hãy tưởng tượng một phiên bản khác của chính ta, một người vô
cùng tự cao tự đại ích kỷ, một loại người sẽ làm mọi thứ để làm hài lòng một sự
thôi thúc.
3-
Trước
mặt ta bên trái, hãy tưởng tượng một nhóm người nghèo không thân thuộc với ta,
kể cả một số người túng thiếu, cơ cực, khổ đau.
4-
Hãy
tĩnh lặng và không thành kiến khi ta quán sát hai phía này. Bây giờ hãy nghĩ,
“Cả hai bên đều muốn hạnh phúc. Cả hai bên đều muốn trút bỏ đau khổ. Cả hai bên
đều có quyền để hoàn thành những mục tiêu này.”
5-
Hãy
quan tâm điều này: Chúng ta thường làm việc lâu dài và cần mẫn vì lương bổng tốt
hơn, hay chúng ta dành một số tiền lớn trong hy vọng gặt hái nhiều hơn nữa
chúng ta sẳn sàng để thực hiện những hy sinh tạm thời vì lợi ích dài lâu. Cùng
luận lý ấy, đó là một ý nghĩ đúng đắn cho một cá nhân thực hiện những hy sinh
nhằm để hổ trợ một điều tốt đẹp hơn. Tự nhiên tâm hồn ta sẽ chiếu cố phía nhiều
người khổ đau.
Như một người quán sát không thành kiến, hãy quan tâm sự tự cao tự đại
của tự ngã chính ta ở đấy phía bên phải ta, việc quên lãng lợi ích của rất nhiều
người, bất chấp họ khổ đau khủng khiếp thế nào. Đơn giản là không tốt như thế ấy.
Mặc dù cả hai phía mà ta đang quán tưởng có một quyền bình đẳng để hạnh phúc,
thì không có cách nào để tránh nhu cầu áp đảo của số người đông đảo kia. Vấn đề
là tự chính ta phải phục vụ và giúp đở những người khác.
Thể trạng này của tâm thức là khó khăn không thể phủ nhận,
nhưng nếu ta thực hành nó với một quyết tâm rộng lớn, thế thì năm này qua năm
khác tâm hồn ta sẽ thay đổi, sẽ cải thiện. Giữa những năm sáu mươi tôi đã giảng
dạy một giáo huấn của Tông Khách Ba về Những
Giai Đoạn Của Con Đường Giác Ngộ, trong lúc tôi đề cập rằng nếu tôi thành tựu
trình độ thứ nhất của sự diệt độ chân thật các cảm xúc phiền não, tôi sẽ nghĩ
ngơi lâu dài, tôi thật sự suy nghĩ như thế. Mặc dù tôi ngưỡng mộ lòng vị tha, nhưng tôi nghĩ thật
quá khó khăn để phát triển. Thế rồi khoảng năm 1967, tôi đã tiếp nhận giáo huấn
Hướng Dẫn Lối Sống của Bồ tát (Nhập Bồ Tát Hạnh) của
Shantideva từ một Lạt Ma Kagyu Kunu Tenzin Gyeltsen và đã bắt đầu quán chiếu
nhiều hơn về ý nghĩa của nó, cùng với Tràng
Hoa Quý Báo (Bảo
Hành Vương Chính Luận) của Long Thọ. Cuối cùng tôi đã đạt được một sự tự
tin nào đó rằng có đủ thời gian tôi có thể phát triển trình độ cao siêu của
lòng bi mẫn này. Bây giờ, bắt đầu khoảng 1970, mỗi buổi sáng khi quán chiếu về
lòng vị tha, tôi đã khóc. Đây là vấn đề sự chuyển hóa đã xảy ra như thế nào.
Tôi không cho rằng tôi đã phát triển một trình độ cao siêu của lòng vị tha,
nhưng tôi tự tin rằng tôi có thể làm việc ấy.
Ngay cả nếu kinh nghiệm của ta về động cơ vị tha là khiêm
tốn, thì chắc chắn nó sẽ cho bạn một mức độ an bình [nào đó] của tâm hồn. Sự
phát triển việc quan tâm cho người khác có một năng lực rộng lớn để chuyển hóa tâm thức ta. Nếu ta thực hành lòng bi mẫn
vì lợi ích của tất cả chúng sanh – kể cả thú vật – rồi thì sự phước đức vô hạn ấy
sẽ tích lũy cho ta.
NHẬN RA TRÁCH NHIỆM CỦA CHÚNG TA
Nếu ta không thể, trong thời gian này, vươn lên trình độ
yêu mến người khác hơn chính mình, thì tối thiểu ta có thể bắt đầu để thấy rằng
quên lãng người khác là không đúng. Chúng ta có thân thể con người và năng lực
phán đoán của loài người, nhưng nếu chúng ta chỉ sử dụng chúng vì kết quả vị kỷ
của riêng mình chứ không phải vì lợi ích của người khác, thì chúng ta không hơn
thú vật. Trong thực tế những con kiến, trích dẫn chỉ một thí dụ, làm việc không
vị kỷ vì cộng đồng; thì con người chúng ta đôi khi nhìn không đẹp nếu so sánh.
Chúng ta được cho là những tạo vật cao cấp hơn, cho nên chúng ta phải hành động
phù hợp với bản chất cao cấp của chúng ta.
Nếu chúng ta nhìn vào lịch sử thế giới, hầu hết những thảm
họa liên hệ đến sự chết chóc kinh khiếp của vô số mạng sống đều do con người
làm ra. Con người đã làm ra tình trạng hổn độn. Ngày nay hàng triệu con người sống
liên tục trong sợ hãi về xung đột chủng tộc, dân tộc và kinh tế. Ai chịu trách
nhiệm cho sự sợ hãi này? Không phải thú vật. Những hậu quả của chiến tranh kể cả
những chết chóc của nhiều thú vật, nhưng điều này không làm chúng ta phiền muộn,
chúng ta chỉ đơn giản quan tâm với chính chúng ta mà thôi. Người ta nói nhiều về
việc chấm dứt chiến tranh, nhưng chúng ta phải vượt khỏi những suy nghĩ ước
mong. Giá trị của loài người chúng ta là gì khi chúng ta sống mà không biểu lộ
lòng thương cảm, không biểu lộ sự quan tâm, chỉ giết hại và ăn thú vật, và đánh
nhau và giết hại hàng nghìn người? Trách nhiệm của chúng ta là dọn dẹp những hổn
độn ấy.
Ngày nay, một trong những cung cách tốt đẹp nhất để đối thoại
là qua truyền hình. Những người làm việc ở đài truyền hình và mong ước thực
hành lý tưởng cao quý quan tâm đến người khác có thể làm nên một sự đóng góp
đáng kể. Mặc dù những câu chuyện về tham muốn và giết người cung ứng sự giải
trí thú vị, nhưng chúng có những tác động tiêu cực sâu trong tâm thức. Chúng ta
không cần sự giải trí loại này trong mọi lúc – mặc dù đây chắc chắn không phải
là trách nhiệm của tôi!
Chúng ta phải giáo dục giới trẻ của chúng ta trong sự thực
hành về bi mẫn thương cảm. Giáo viên và cha mẹ làm thấm nhuần trong trẻ con về
những giá trị thật sự, ấm áp tình người đến những lợi ích vô hạn. Tôi đã chú ý
trong một tờ báo rằng một hảng đồ chơi thường chế tạo súng trường đồ chơi và
v.v… đã chấm dứt một cách cố ý việc sản xuất những đồ chơi bạo động vào dịp
Giáng sinh. Một ý tưởng tuyệt vời biết bao! Hành động trọng tâm khác nữa là gì!
QUYẾT ĐỊNH THÀNH TỰU GIÁC NGỘ
Một khi chúng ta đã thâm nhập vào trọng điểm mong muốn
sâu sắc để làm bất cứ điều gì có thể để xoa dịu khổ đau và nhổ gốc rể của nó,
và để hổ trợ tất cả chúng sanh đạt đến hạnh phúc và nguyên nhân của nó, hãy
quán chiếu vấn đề việc này có thể thành đạt như thế nào. Nó chỉ có thể xảy ra nếu
mọi người cũng đi đến thấu hiểu việc này hoạt động như thế nào, và rồi thì triển
khai thực hiện những sự thực hành đó. Do vậy, chí nguyện của chúng ta vì lợi
ích cao đẹp nhất của người khác có thể được hổ trợ tốt đẹp nhất bằng việc giải
thích cho họ vấn đề thực hành như thế nào và thái độ nào phải từ bỏ, vì thế
chính họ có thể có năng lực để đạt đến hạnh phúc và xa lìa khổ đau. Không có
cách nào khác. Để cho việc này xảy ra, tự chính ta phải biết những thiên hướng
và quan tâm của họ cũng như những gì cần giảng giải cho họ.
Do thế, vì lợi ích của việc giúp đở người khác, chúng ta
phải được chuẩn bị đầy đủ. Sự chuẩn bị đó là gì? Chúng ta phải tiêu trừ tất cả
những chướng ngại trong tâm thức của chính chúng ta để biết mọi thứ có thể biết
được. Những hành giả từ bi – được gọi là Bồ tát – thật sự muốn là không chỉ chiến thắng những chướng ngại vốn
chỉ ngăn trở sự giải thoát của chính họ, mà họ muốn dọn đường đến toàn tri toàn
giác vì thế họ mới có thể đạt được sự thâm nhập vào những thiên hướng và nhận
thức của người khác vốn là những kỷ năng sẽ hổ trợ họ. Nếu đó chỉ là một vấn đề
của sự lựa chọn, các vị Bồ tát sẽ chọn việc tiêu trừ những chướng ngại để đạt
toàn tri toàn giác trước. Tuy nhiên, những cảm xúc phiền não (giam giữ chúng ta
trong vòng sanh tử luân hồi) xây đắp những chướng ngại đến toàn tri toàn giác,
vốn là những khuynh hướng trong tâm thức làm các hiện tượng xuất hiện giống như
chúng tồn tại một cách cố hữu. Không vượt thắng trước cảm xúc phiền não chính yếu
– thì ta không thể chiến thắng những khuynh hướng lắng đọng trong tâm thức bởi
sự si mê ấy. Qua việc tịnh hóa những chướng ngại phiền não cững như những
khuynh hướng bị thiết lập bởi chúng, thì chúng ta có thể chuyển hóa tâm thức
chính chúng ta thành tâm thức toàn tri toàn giác của một Đức Phật, sự Giác Ngộ
tròn vẹn.
Tóm lại, để đem đến một sự hạnh phúc hoàn toàn cho người
khác thì nhất thiết chính mình phải Giác Ngộ. Khi chúng ta thông hiểu điều này
và quyết tâm tầm cầu sự Giác Ngộ vì lợi ích của chúng sanh, thì điều này khuynh
hướng vị tha đến Giác Ngộ, hay tâm bồ đề. Bằng việc theo sự thực hành của
Shantideva của việc xem tự thân và người khác là bình đẳng trong việc phấn đấu
vì hạnh phúc và rồi thì chuyển sự nhấn mạnh trong những mục tiêu của chính ta qua những người khác số
nhiều vô lượng, thì ta có thể phát sinh năng lực của tâm bồ đề trong ta.
Có ba loại thái độ vị tha khác nhau trong ba loại người:
-
Loại thứ nhất giống như quân vương, khao khát
thành tựu Quả Phật trước, như cách hiệu quả nhất để hổ trợ người khác.
-
Loại thứ hai như người chèo thuyền, mong muốn đến
bờ giác với sự Giác Ngộ cùng với tất cả những người khác.
-
Loại thứ ba giống như người chăn cừu, khao khát
rằng tất cả mọi người khác nên thành tựu Quả Phật trước, trước khi người ấy
Giác Ngộ.
Hai thứ sau chỉ biểu lộ thái độ từ bi của những loại hành
giả nào đó; trong thực tế không có trường hợp như người chèo thuyền, của việc mọi
người thành tựu Giác Ngộ đồng thời, cũng không có trường hợp như người chăn cừu,
mọi người thành tựu trước tự thân. Đúng hơn, sự Giác Ngộ luôn luôn đến trong
cách thứ nhất, như một vị quân vương, vì các vị Bồ tát cuối cùng quyết định thành
tựu Giác ngộ nhanh nhất như có thể vì thế họ có thể hổ trợ người khác một cách
hiệu quả hơn trên một quy mô rộng lớn. Như một hiền nhân Tây Tạng Sakya Pandita
nói trong Sự Khác Biệt Của Ba Thệ Nguyện,
các vị Bồ tát có hai loại nguyện cầu, những thứ có thể hoàn thành và những thứ
không thể. Trong Hướng Dẫn Lối Sống của Bồ
tát (Nhập Bồ tát
hạnh) của Shantideva có nhiều thí dụ về những nguyện ước vốn không thể đạt
được nhưng chúng hiện hữu vì lợi ích của việc phát triển một ý chí và quyết tâm
mạnh mẽ. Thí dụ, việc cho đi hạnh phúc của chính ta và đón nhận khổ đau của người
khác trên chính ta thực tế là không thể, có lẻ ngoại trừ những hình thức nho nhỏ
của khổ đau. Giống như sự thực tập này, mặc dù không thực tế, nhưng có ý làm
gia tăng tín quả cảm của lòng bi mẫn, những suy tư về người chèo thuyền và người
chăn cừu phục vụ như để biểu lộ nguyện ước đầy năng lực của chư vị Bồ tát để
giúp đở người khác.
Để tôi cho một thí dụ về sự dâng hiến này vốn đã được đưa
đến trình độ của kinh nghiệm thâm sâu. Có một hành giả bác học từ tu viện
Drashikyil ở tỉnh Amdo vùng Đông Bắc Tây Tạng. Năm 1950 khi Trung Cộng xâm lăng
và bắt một nghìn người trong số ba nghìn tu sĩ của tu viện, một trăm người
trong số đó được ghi nhận là bị giết chết. Vị ấy là một trong số đó. Bị đưa đến
nơi xử tử, và ngay trước khi bị bắn, vị ấy đã cầu nguyện:
Nguyện cho tất cả những hành vi xấu ác, các chướng ngại, và khổ đau của
chúng sanh
Được chuyển đến tôi, không ngoại trừ ai, vào lúc này,
Và niềm hạnh phúc cùng phước đức của tôi được gửi đến những người khác.
Nguyện cho tất cả mọi tạo vật được thấm nhuần với hạnh phúc!
Chỉ trước một vài thời khắc trước khi bị giết, vị ấy có sự
hiện diện tâm linh để nhớ lại sự thực hành tâm linh tiếp nhận khổ đau của người
khác và ban cho niềm hạnh phúc của chính vị ấy! Thật rất dễ dàng để nói về sự
thực tập như vậy khi mọi thứ diễn ra tốt đẹp, nhưng vị ấy có thể thực hiện nó
vào thời điểm khắc nghiệt nhất. Đây là một biểu hiện rõ ràng của thành tựu tâm
linh đạt được từ sự thực hành lâu dài.
-*-
Như Hướng Dẫn Lối Sống
Bồ tát của Shantideva nói, nếu một người mù tìm được châu báu trong một đống
rác, người ấy sẽ trân trọng nó. Nếu giữa đống rác của tham muốn, thù oán, và si
mê – các cảm xúc làm khổ sở tâm thức chúng ta và thế giới của chúng ta – chúng ta phát sinh một
thái độ bi mẫn, thì chúng ta nên trân trọng nó như châu báu. Sự khám phá quý
giá này có thể cho chúng ta hạnh phúc và sự tĩnh lặng thật sự. Những phương
cách chẳng hạn như đi nghĩ mát hay dùng thuốc phiện chỉ mang đến sự khuây khỏa
tạm thời. Một thái độ tu tập quan tâm chân thành đến người khác, mà trong đó ta
trân trọng người khác hơn chính mình, là hữu ích cho cả ta và người khác. Nó
không làm tổn hại ai cả, tạm thời hay lâu dài về sau. Bi mẫn là một châu báu vô
giá.
Hãy quan tâm đến người khác trong mọi lúc. Nếu không thể
giúp đở người khác, thì đừng làm tổn hại. Đây là ý nghĩa trọng tâm của việc thực
hành đạo đức.
TOÁT YẾU THỰC HÀNH HÀNG NGÀY
1- Hãy
duy trì sự tĩnh lặng và phù hợp lý trí.
2- Trước
mặt ta phía bên phải, hãy tưởng tượng một phiên bản khác của chính ta, tự cao tự
đại và ích kỷ.
3- Trước
mặt ta phía bên trái, hãy tưởng tượng một nhóm người nghèo nàn, những chúng
sanh đau khổ không thân thuộc với ta, không phải bè bạn hay kẻ thù.
4- Hãy
quán sát hai phía từ quan điểm tĩnh lặng
thuận lợi của ta. Bây giờ hãy nghĩ, “Cả hai đều muốn hạnh phúc. Cả hai đều muốn
xa lìa khổ đau. Cả hai đều có quyền để hoàn thành những mục tiêu này của họ.”
5- Hãy
quan tâm điều này: Giống như thông thường chúng ta sẵn sàng để thực hiện những
hy sinh tạm thời cho sự tốt đẹp lớn hơn về sau, cũng vậy lợi ích của số lượng lớn
hơn chúng sanh khổ đau về phía trái của ta là quan trọng hơn cá nhân con người
vị kỷ phía bên phải ta. Hãy chú ý tâm ta tự nhiên chuyển sang phía của số lượng
người nhiều hơn.
-*-
Ẩn Tâm Lộ, Monday, March 4, 2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét