Nguyên bản: Aspiring to Enlightenment
Tác giả:
Đức Đạt Lai Lạt Ma
Anh dịch:
Jeffrey Hopkins, Ph. D.
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển
-*-
TẠI SAO CẦU GIÁC NGỘ
Bi mẫn là chìa khóa để thành tựu một trình độ sâu xa hơn
của đạo đức, tuy thế chúng ta có giúp đở người thế nào khi chính chúng ta bị
bao vây bởi những thái độ sai lầm? Nếu chính chúng ta không ở trong một vị trí
tốt đẹp hơn, thì thật khó khăn để giúp đở người khác ở một phạm vi rộng lớn như
chúng ta đang thảo luận. Thí dụ, nếu chúng ta sắp giúp đở những người mù chữ,
thì chúng ta phải có học vấn. Tương tự thế, để giúp đở vô số chúng sanh thì
chúng ta phải đạt được Quả Phật, vì một Đức Phật có tất cả những phẩm chất cần
thiết để hổ trợ họ - thông hiểu tất cả những kỷ năng cho việc phát triển tâm
linh và thần thông biết rõ ràng các cảm xúc, những mối quan tâm, các khuynh hướng
của họ, v.v… Khi chúng ta bị kích thích qua sự thực hành bi mẫn để cảm thấy
quan tâm cho người khác, thì đó là lúc những giá trị mới đang bén rễ. Chúng ta
chuẩn bị nền tảng tâm thức chúng ta cho những giá trị mới này bằng việc dấn
thân trong những nghi thức ngưỡng mộ Giác Ngộ.
Chúng ta đã được trang bị với những phẩm chất căn bản để
đạt đến Giác Ngộ - bản chất rực sáng và tri nhận của tâm thức chúng ta. Do vậy,
hãy tập trung trong tư tưởng, “Tôi sẽ thành tựu đạo quả Giác Ngộ vô thượng vì lợi
ích của chúng sanh trong vô lượng thế giới.” Hãy nuôi dưỡng xu hướng này cho đến
khi nó mạnh mẽ. Nghi thức cho việc ngưỡng mộ đến sự Giác ngộ vị tha là rất hữu
ích trong tiến trình này.
BẢY SỰ THỰC HÀNH CÔNG ĐỨC
Nghi thức này, nên trở thành một bộ phận trong sự thiền tập
hàng ngày của chúng ta, bắt đầu với bảy bước theo sau một sự cúng dường đặc biệt.
Những sự thực tập này làm gia tăng năng lực của công đức, lần lượt hướng ta một
sự chuyển hóa chắc chắn hơn. Qua những hình thức dâng hiến này ta sẽ tăng cường
chí nguyện đối với từ bi; như chúng ta thấy tiếp theo đây, tất cả những thứ này
liên hệ đến việc tận tâm đối với những bậc hiền thánh đặc biệt đã giảng dạy
lòng từ bi:
1- Tôn
kính: Hãy tưởng tượng Đức Phật Thích Ca được vây quanh bởi vô số Bồ
tát, đầy trên bầu trời trước mặt ta, và tỏ lòng tôn kính với thân thể, lời nói,
và tâm ý của chúng ta. Hãy chấp tay lại, và cảm nhận một cách mãnh liệt rằng
chúng ta đang trân trọng quy y trong chư Phật và chư Bồ tát. Hãy nói lớn rằng,
“Thành kính đảnh lễ Đức Phật Thích Ca và chư Bồ tát.”
2- Cúng
dường: Hãy dâng lên những sự cúng dường, chẳng hạn như trái cây hay nhang
đèn. Hãy tưởng tượng mọi thứ có thể thích hợp cho việc cúng dường – cho dù ta
có nó hay không – kể cả thân thể ta, tài sản ta, và đạo đức của chính ta. Rồi
thì hãy tưởng tượng việc cúng dường toàn bộ những thứ này đến chư Phật và chư Bồ
tát.
3- Sám hối:
Tất cả chúng ta chịu trách nhiệm cho vô số hành vi xấu ác của thân thể, lời
nói, và tâm ý vì động cơ của tham muốn để làm tổn hại. Trong tâm linh của sám hối,
hãy phát triển một cảm nhận hối lỗi vì đã làm những việc không lành, giống như
qua những hành động ấy ta đã ăn thuốc độc. Cũng hãy phát sinh một ý định kiêng
ngăn những hành vi ấy trong tương lai giống như khác đi thì có thể làm ta mất mạng.
Hãy nghĩ, “Từ đáy lòng của tôi, tôi xin sám hối với chư Phật và chư Bồ tát những
hành vi xấu ác mà tôi đã làm.” Cung cách chính yếu để tịnh hóa những hành vi
không lành là qua việc hối lỗi. Sự hối lỗi của ta càng lớn, thì chủ tâm của ta
càng mạnh hơn để không lập lại chúng trong tương lai.
4- Ngưỡng
mộ: (tùy hỉ công đức) Từ trong chiều sâu của tâm thức hãy ngưỡng mộ những
hành vi đạo đức của chính ta và của những người khác. Hãy hoan hỉ với những thứ
tốt đẹp mà ta đã làm trong kiếp sống này. Hãy tập trung vào những việc làm tốt
đẹp đặc biệt chẳng hạn như bố thí, làm từ thiện. Sự kiện rằng ta có một thân
người trong kiếp sống này và cơ hội để thực hành lòng vị tha là chứng cớ của những
hành động đạo đức trong những kiếp sống quá khứ. Do vậy, hãy hoan hỉ với những
đạo đức này, và cũng hãy nghĩ về chính mình, “Tôi thật sự đã làm đươc những điều
gì đó tốt đẹp.” Cũng hãy tùy hỉ trong những đức hạnh của những người khác, cho
dù ta thấy chúng tận mắt hay không. Hãy hoan hỉ trong vô biên công đức của chư
Phật và chư Bồ tát trong vô lượng kiếp. Bằng việc hoan hỉ trong những đạo đức của
chính mình và của những người khác, ta sẽ giữ cho ta khỏi việc hối hận những việc
làm tốt lành của ta (mong không cho từ thiện vì nó làm tài khoản ngân hàng của
ta suy giảm, thí dụ thế) và ta cũng tránh trở thành ganh tỵ với những việc làm
thiện lương của những người khác, hay ganh đua với họ.
5- Khuyến
thỉnh: (thình chuyển Pháp luân) Hãy thỉnh cầu chư Phật những bậc đã
Giác Ngộ tròn vẹn nhưng chưa dấn thân trong việc giảng dạy giáo lý tâm linh,
làm như thế nhân danh của tất cả chúng sanh đau khổ.
6- Cầu
xin: (thỉnh Phật trụ thế) Hãy nguyện cầu chư Phật không nhập niết bàn.
Đây là một thỉnh nguyện đặc biệt đến chư Phật vốn đã giảng dạy và gần đến lúc
nhập niết bàn.
7- Hồi
hướng: Thay vì hướng sự thực hành những bước sơ bộ đến hạnh phúc và thoải
mái tạm thời trong kiếp sống này hay kiếp sống tới, hay chỉ đơn thuần được giải
thoát khỏi sanh tử luân hồi, hãy hồi hướng nó đến việc Giác Ngộ vô thượng. Hãy
nghĩ, “Nguyện cho những hành động này giúp tôi thành tựu Giác Ngộ tròn vẹn và
hoàn hảo vì lợi ích của tất cả chúng sanh.”
Sau đó hãy tưởng tượng toàn bộ hệ thống thế giới đã được
tịnh hóa và cúng dường nó với tất cả những kỳ công có thể nghĩ được đến chư Phật
và chư Bồ tát. Sự cúng dường đặc biệt
này nuôi dưỡng lòng từ bi bằng việc dâng cúng tất cả mọi thứ có thể mong muốn
được đến những bậc đã giảng dạy nó.
CHÍ NGUYỆN GIÚP ĐỞ
Bây giờ chúng ta đã sẳn sàng cho nghi thức thật sự của việc
ngưỡng mộ Giác Ngộ vì sự quan tâm cho kẻ khác. Nó có hai phần, thứ nhất là việc
trì tụng sự quy y ngắn gọn: “Cho đến khi đạt đến Giảc Ngộ tôi nguyện quy y
trong Phật bảo, giáo lý, và cộng đồng tâm linh siêu việt.” Trong hình thức từ
bi nhất, quy y là sự phối hợp ba thái độ:
1- Hãy
quan tâm cho tình trạng khổ đau của tất cả chúng sanh, không phải chỉ cho tự
thân. Cũng hãy quan tâm rằng tất cả không chỉ cầu sự cứu độ đơn thuần khỏi khổ
đau mà cũng ngưỡng mộ đến sự Giác Ngộ vị tha của Quả Phật.
2- Tin
tưởng vào Đức Phật, những thể trạng chứng ngộ, và cộng đồng tâm linh, duy trì
niềm tin rằng qua ba ngôi tôn quý tất cả chúng sanh sẽ tìm sự tự do khỏi tất cả
khổ đau.
3- Lòng
từ bi, có nghĩa là không thể chịu đựng trước sự nô lệ của người khác với khổ
đau mà không làm điều gì đó.
Hãy biết rằng Đức Phật là vị Thầy
của quy y, rằng những con đường chân thật (đạo đế) và những sự chấm dứt chân thật
(diệt đế) là sự quy y thật sự, và rằng những vị Bồ tát là những bậc đã thực chứng
trực tiếp bản chất chân thật của mọi hiện tượng là cộng đồng tâm linh của chúng
ta hướng dẫn tất cả mọi chúng sanh đến sự quy y.
Với tri thức ấy, hãy ngưỡng mộ
sự Giác Ngộ vô thượng bằng việc trì tụng: “Qua sự tích tập công đức của việc bố
thí, đạo đức, nhẫn nhục, nổ lực, tập trung, và tuệ trí, nguyện tôi đạt được Quả
Phật để giúp đở tất cả chúng sanh.” Khi làm việc đó, hãy tự nghĩ, “Qua năng lực
của những việc này nguyện tôi đạt được Quả Phật không để giúp đở chính tôi mà để
phụng sự tất cả chúng sanh nhằm để giúp họ thành tựu Quả Phật.” Điều này được gọi
là việc phát sinh một xu hướng từ bi để trở thành Giác Ngộ trong hình thức của
một nguyện ước.
Điều này đưa chúng ta đến phần
trung tâm của nghi thức. Với một nguyện ước mạnh mẽ để đạt đến Quả Phật, nhằm để
phụng sự các chúng sanh khác, hãy tưởng tượng trước mặt ta một Đức Phật hay vị
thầy tâm linh của chính ta tượng trưng cho ngài.
1-
Trì tụng những lời sau đây giống như ta đang lập
lại nó sau Đức Phật:
Cho đến khi đạt đến Giác Ngộ, tôi sẽ quy y
trong Đức Phật, giáo lý, và cộng đồng tâm linh siêu việt.
Qua sự tích tập công đức của việc bố thí, đạo
đức, nhẫn nhục, nổ lực, tập trung, và tuệ trí, nguyện tôi đạt được Quả Phật để
giúp đở tất cả chúng sanh.
Bằng việc nói
điều này, chúng ta đang hướng những hành vi đức hạnh của ta không đến một mục
tiêu nhỏ bé nào đó trong kiếp sống này, hay kiếp sống tới, nhưng đến mục tiêu
to lớn nhất của tất cả - sự thành tựu giải thoát hoàn toàn cho tất cả chúng
sanh. Hãy phát sinh thái độ này với sự quyết tâm to lớn.
2-
Hãy thực hiện sự trì tụng thứ hai với sự quả quyết
thậm chí mãnh liệt hơn để làm cho mục tiêu vị tha này liên tục trong đời sống
hàng ngày của ta:
Cho đến khi đạt đến Giác Ngộ tôi nguyện quy
y trong Phật bảo, giáo lý, và cộng đồng tâm linh siêu việt.
Qua sự tích tập của công đức của sự bố thí,
đạo đức, nhẫn nhục, nổ lực, tập trung, và tuệ trí, nguyện tôi thành tựu Quả Phật
nhằm để giúp đở tất cả chúng sanh.
Điều này bao gồm
trong nghi thức. Qua nó ta gieo trồng và nuôi dưỡng những hạt giống từ bi mạnh
mẽ và không dao động.
DUY
TRÌ CHÍ NGUYỆN TRONG KIẾP SỐNG NÀY
Có bốn sự thực hành nhằm mục
tiêu giữ gìn lòng vị tha này khỏi suy giảm trong kiếp sống này:
1-
Trước tiên, hãy tăng cường lòng quả cảm cho việc
trở thành Giác Ngộ vì lợi ích của những người khác bằng việc nhắc nhở thường
xuyên những lợi ích của việc làm như vậy.
2-
Sau đó, hãy gia tăng sự quan tâm của ta vì người
khác bằng việc phân chia ngày và đêm thành ba thời điểm, và trong những thời điểm
đó trong ngày, hãy dành một ít thời gian, hay tỉnh giấc, để thực hành 5 bước
quán tưởng được nói đến trong Chương Mở Rộng Giúp Đở, ngay cả chỉ 5 phút. Sự thực
hành này rất hiệu quả; nó trở thành một thói quen thường ngày, giống như ăn uống
vào một thời điểm nào đó. Nếu không thể làm thường xuyên, thì hãy quán tưởng những
bước ấy 3 lần trong buổi thực hành buổi sáng kéo dài khoảng 15 phút, và làm giống
như vậy vào ban đêm. Hãy suy nghĩ về mục tiêu của ta: “Nguyện cho tôi đạt đến
Giác Ngộ vô thượng vì những người khác!”
3-
Sự thực hành tiếp theo đòi hỏi sự thận trọng:
Trong việc cầu đạt đến Giác Ngộ vô thượng vì lợi ích của tất cả chúng sanh, hãy
chắc chắn không lãng quên tinh thần về lợi ích ngay cả chỉ một người.
4-
Hãy cố gắng tích tập hai năng lực của phước đức
và tuệ trí tối đa như có thể. Để gia tăng phước đức, hãy dấn thân một cách nhiệt
tình vào những hành vi đức hạnh như bố thí và trì giới. Để tích lũy tuệ trí, ta
phải đi đến thấu hiểu cung cách tồn tại chân thật của mọi hiện tượng. Vì đây là
một chủ đề phức tạp, chúng ta sẽ khám phá sâu dài trong những chương Thẩm Tra Chúng Sanh Và Sự Vật Tồn Tại
Như Thế Nào và chương Trung Đạo. Nói cho đầy đủ ở đây là thật là hữu ích để
phản chiếu về vấn đề các hiện tượng sinh khởi và tồn tại tùy thuộc vào các
nguyên nhân và điều kiện như thế nào.
DUY
TRÌ CHÍ NGUYỆN TRONG NHỮNG KIẾP SỐNG TƯƠNG
LAI
Trong những kiếp sống tương lai
mục tiêu từ bi để trở thành Giác Ngộ có thể bị yếu đi. Chúng ta có thể ngăn ngừa
điều này khỏi xảy ra bằng việc từ bỏ bốn việc làm bất thiện kể dưới đây, và bằng
việc rèn luyện thực hành trong bốn điều thiện tiếp theo sau:
Bốn
Điều Bất Thiện
1-
Lừa dối một cao nhân chẳng hạn như một vị trụ
trì, thầy truyền giới, bổn sư, hay một bạn tu về những việc tiêu cực mà ta đã
làm.
2-
Làm cho những người khác dấn thân trong đạo đức
hối hận với những gì họ đang làm.
3-
Chỉ trích và xem thường những người biểu lộ lòng
từ bi cho những người khác.
4-
Lừa dối và trình bày sai lạc để được những người
khác cung phụng.
Bốn
Điều Thiện
1-
Hoàn toàn không lừa dối bất cứ ai. Có những ngoại
lệ, khi việc lừa dối có thể đem lại những lợi ích lớn lao cho những người khác,
nhưng rất là hiếm hoi.
2-
Hãy giúp đở những người khác hướng đến sự Giác
Ngộ vị tha của Quả Phật, một cách trực tiếp hay gián tiếp.
3-
Quan tâm và đối xử với các vị Bồ tát giống như sự
tôn kính Phật. Vì chúng ta không biết ai là Bồ tát hay không là Bồ tát, cho nên
chúng ta phải đối xử với tất cả mọi người với sự tôn trọng. Như một quy tắc
chung, hãy đặt người khác trên ta.
4-
Không bao giờ lường gạt bất cứ ai và luôn luôn
trung thực.
Nếu ta có quyết định rèn luyện
trong những sự thực hành này để phát sinh một sự quyết tâm đạt Quả Phật vì những
người khác, thế thì thực hiện sự hứa nguyện này: “Tôi sẽ duy trì sự quyết tâm của
tôi và không bao giờ từ bỏ.” Những người nào không thể duy trì trình độ rèn luyện
này có thể từ bỏ lời hứa nguyện thay vì thế hãy nghĩ, “Nguyện cho tôi đạt quả
Giác Ngộ vô thượng vì lợi ích của tất cả chúng sanh!” Những người không phải Phật
tử - Ki tô hữu, Do Thái, Hồi giáo, và v.v… - có thể phát sinh một thái độ quan
tâm khác giá trị tương đương bằng việc nghĩ, “Tôi sẽ đem sự giúp đở và hạnh
phúc cho tất cả chúng sanh.
MỤC TIÊU THỰC TIỂN ĐỂ TRỞ THÀNH
GIÁC NGỘ
Khi sự ngưỡng mộ để được Giác
Ngộ vững chắc, chúng ta nên thực hiện nó trong những hành động. Những điều này được gọi là những hành vi chánh yếu của Bồ
tát cùng với chúng là sáu hoàn thiện (ba la mật):
1-
Bố thí: kể cả (1) ban cho những thứ
vật chất như tiền bạc, áo quần, và thực phẩm; (2) ban cho tình thương; (3) ban
cho giáo lý và những sự thực hành tâm linh; và (4) ban cho sự giải thoát khỏi
những hoàn cảnh sợ hãi với tất cả chúng sanh – kể cả thú vật; giúp đở kể cả một
con kiến ra khỏi vũng nước.
2-
Đạo đức (trì giới): vốn liên hệ
chính yếu đến thái độ vị tha và hành vi của những vị Bồ tát.
3-
Nhẫn nhục: vốn biểu lộ trong những
hoàn cảnh căng thẳng, hay được sử dụng để duy trì những cố gắng khó khăn, chẳng
hạn như học hỏi giáo lý và thực hành trong một thời gian dài.
4-
Nỗ lực (tinh tấn): duy trì lòng nhiệt
tình cho đức hạnh, và hổ trợ tất cả những hoàn thiện khác.
5-
Thiền định: vốn là sự hành thiền về ổn định và mãnh liệt được
giải thích trong chương tiếp theo.
6-
Tuệ trí: cần thiết cho sự thông hiểu
bản chất của vòng sanh tử luân hồi và vô thường, cũng như duyên sanh và tánh
không.
Sáu hoàn thiện, lần lượt, có thể
cô đọng lại trong ba sự tu tập của Bồ tát – tu tập trong đạo đức hoàn thiện (kể
cả những hoàn thiện của bố thí và nhẫn nhục), tu tập trong thiền định hoàn thiện,
và tu tập trong tuệ trí hoàn thiện. Nổ lực hoàn thiện được đòi hỏi cho tất cả
ba sự tu tập. Đây là vấn đề sáu hoàn thiện được bao hàm trong sự thực hành tam
vô lậu học về đạo đức, thiền định, và tuệ trí như thế nào vốn được tập trung
trong quyển sách này.
Khi chúng ta đi đến cảm nhận
trong chiều sâu trái tim của chúng ta rằng chúng ta phải dấn thân trong những
hành vi của Bồ tát – sáu hoàn thiện hay được thấy trong một cách khác là tam vô
lậu học – thì đây chính là lúc để tiếp nhận giới nguyện Bồ tát của mục tiêu thực
tiển để trở thành Giác Ngộ.
-*-
Trong căn bản, tất cả chúng
sanh là giống nhau trong khát vọng mưu cầu hạnh phúc và xa tránh khổ đau. Chúng
ta cũng giống nhau trong vấn đề có thể loại trừ khổ đau và đạt đến hạnh phúc là
việc mà tất cả chúng ta có quyền bình đẳng. Rồi thì, những gì là sự khác biệt
giữa ta và tất cả những người khác? Ta chỉ là thiểu số của một. Thật có thể dễ
dàng để thấy rằng vô số chúng sanh hy vọng cho hạnh phúc và mong cầu cho một sự
chấm dứt khổ đau là quan trọng hơn bất cứ một cá nhân nào. Do vậy, đó là một sự
hợp lý tuyệt vời cho ta cam kết tự mình với phúc lợi của vô số những người
khác, để sử dụng thân thể, lời nói, và tâm ý cho sự tốt lành của họ, và để từ bỏ
một thái độ chỉ chăm sóc cho tự thân ta.
-*-
TOÁT YẾU THỰC HÀNH HÀNG NGÀY
Trước tiên thực hiện bảy bước
sơ bộ:
1-
Tôn kính Đức Phật Thích Ca được vây
quanh với vô số Bồ tát, mà chúng ta đã quán tưởng đầy khắp bầu trời trước mặt
ta.
2-
Cúng dường tất cả mọi thứ diệu kỳ -
cho dù ta có hay không – kể cả thân thể, tài sản, và đức hạnh của chính ta, đến
chư Phật và chư Bồ tát.
3-
Sám hối vô số hành vi tiêu cực của
thân thể, lời nói và tâm ý mà ta đã phạm phải với ý định làm tổn hại người
khác. Hãy hối hận vì đã làm những việc ấy, và quyết tâm không tái phạm trong
tương lai.
4-
Ngưỡng mộ (tùy hỉ công đức) từ trong
chiều sâu của trái tim đức hạnh của chính ta và của những người khác. Hãy hoan
hỉ với những việc làm tốt đẹp mà ta đã làm trong kiếp này và những kiếp trước,
hãy nghĩ, “Tôi đã làm điều gì đó tốt đẹp.” Hãy hoan hỉ trong đạo đức của những
người khác, kể cả những điều của chư Phật và chư Bồ tát.
5-
Khuyến thỉnh chư Phật, những vị đã
chứng toàn giác nhưng chưa hóa độ, hãy giảng dạy vì lợi ích của những chúng
sanh đau khổ.
6-
Cầu xin chư Phật đừng nhập niết bàn
7-
Hồi hướng sáu sự thực tập này để đạt
đến Giác Ngộ vô thượng.
Sau đó tiến hành phần trung tâm
của nghi lễ cho việc ngưỡng mộ Giác Ngộ:
1-
Với một quyết tâm mạnh mẽ đạt đến Quả Phật nhằm
để phụng sự những chúng sanh khác, hãy tưởng tượng một đức Phật trước mặt ta,
hay một vị thầy tâm linh như một đại diện của đức Phật.
2-
Trì tụng ba lần giống như ta đang lập lại sau vị
thầy:
Cho đến khi thành tựu Giác Ngộ, tôi quy y
trong đức Phật, giáo lý, và cộng đồng tâm linh cao thượng.
Qua những tích lũy công đức của việc bố thí,
đạo đức, nhẫn nhục, nổ lực, thiền định, và tuệ trí, nguyện tôi thành tựu Quả Phật
để giúp đở tất cả mọi chúng sanh.
Để duy trì và làm mạnh lòng vị
tha thậm thâm này trong kiếp sống này tiến hành tiếp theo:
1-
Hãy luôn luôn nhắc lại những lợi ích của việc phát
triển một mục tiêu trở thành Giác Ngộ vì lợi ích của những người khác.
2-
Hãy phân chia ngày thành ba thời và đêm thành ba
thời, và trong mỗi thời đó hãy dành một ít thời gian hay tỉnh dậy từ giấc ngủ và
thực hành năm bước quán tưởng có trong chương trước. Cũng đầy đủ để quán tưởng năm
bước ba lần vào buổi sang và kéo dài khoảng 15 phút, và ba lần vào ban đêm trong
15 phút.
3-
Tránh việc quên lãng lợi ích thậm chí của một chúng
sanh.
4-
Hãy dẫn thân tối đa trong những hành vi đạo đức với
một thái độ tốt lành, và phát triển một sự hiểu biết sơ bộ về bản chất của thực
tại, hay duy trì một nguyện ước làm như vậy và hoạt động về việc này.
Để duy trì và
làm mạnh mẽ lòng vị tha thậm thâm này trong những kiếp sống tương lai:
1-
Hoàn toàn không nói dối bất cứ ai, ngoại trừ ta có
thể giúp đở những người khác một cách sâu rộng qua việc nói láo.
2-
Một cách trực tiếp hay gián tiếp giúp đở mọi người
tiến triển trên con đường Giác Ngộ.
3-
Hãy đối xử với tất cả mọi chúng sanh với sự tôn trọng.
4-
Không bao giờ lừa bịp bất cứ người nào, và luôn luôn
duy trì sự trung thực.
Tóm lại, hãy luôn luôn suy nghĩ,
“Nguyện cho tôi trở thành có thể giúp đở tất cả mọi chúng sanh.”
-*-
Ẩn Tâm Lộ, Thursday, March 21,
2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét