Thứ Ba, 21 tháng 4, 2020

CHƯƠNG 2




LÒNG TỪ BI TRONG BỐI CẢNH TRUY TÌM NHỮNG NGUỒN GỐC PHẬT GIÁO CỦA CÁC CHƯƠNG TRÌNH LIÊN KẾT DỰA TRÊN THẾ TỤC VÀ QUÁN CHIẾU TỪ BI 

Nguyên tác: Compassion in Context Tracing the Buddhist Roots of Secular, Compassion-Based Contemplative Programs
Tác giả: Brooke D. Lavelle
Chuyển ngữ: Quảng Cơ / Tuệ Uyển nhuận sắc / Thursday, April 16, 2020

MỤC LỤC
01- Tóm tắt
02- Bi mẫn trong tư tưởng và thực hành của Phật giáo
03- Ảnh hưởng của Phật giáo đối với các chương trình quán chiếu hiện đại
04- Các chương trình quán chiếu dựa trên lòng bi mẫn hiện đại
05- Quán chiếu Phật Giáo và những mô hình khoa học hiện đại về lòng bi mẫn
06- Các ý nghĩa và định hướng tương lai

*

LÒNG BI MẪN TRONG BỐI CẢNH TRUY TÌM NHỮNG NGUỒN GỐC PHẬT GIÁO CỦA CÁC CHƯƠNG TRÌNH LIÊN KẾT DỰA TRÊN THẾ TỤC VÀ QUÁN CHIẾU BI MẪN

*

TÓM TẮT

Các quan niệm khác nhau về lòng bi mẫn được khớp nối nhuần nhuyễn trong các truyền thống quán chiếu Phật giáo đa dạng. Những biến thể này một phần là do các mô hình tâm thức và thực tế khác nhau được tìm thấy bên trong và trên các truyền thống này, cũng như cách mà lòng bi mẫn được hiểu là hỗ trợ hoặc cần thiết cho sự phát triển hoặc tỉnh thức tâm linh. Những mô hình Phật giáo đa dạng nói riêng đã ảnh hưởng đến sự phát triển chánh niệm hiện đại, thế tục - và các chương trình quán chiếu dựa trên lòng bi mẫn đã được chọn để nghiên cứu khoa học.

Mặc dù có sự quan tâm ngày càng tăng từ cộng đồng khoa học trong các chương trình quán chiếu dựa trên lòng bi mẫn này, nhưng có rất ít thảo luận về những khác biệt giữa các giải thích khoa học và quán chiếu đa dạng về lòng bi mẫn, và ý nghĩa của những khác biệt này đối với việc nghiên cứu . Do đó, chương này cung cấp một cái nhìn tổng quan về những cách mà lòng bi mẫn được khái niệm hóa khác nhau trong các truyền thống khoa học và Phật giáo đa dạng.

Từ khóa: Bi mẫn, chánh niệm, chánh niệm thế tục, Rèn Luyện Bi Mẫn Bền Vững (SCT), Rèn Luyện Bi Mẫn Dựa Trên Nhận Thức (CBCT), Rèn Luyện Trau Dồi Bi Mẫn (CCT), lý thuyết quán chiếu.

*

Bi mẫn đã được dạy và thực hành từ thời kỳ đầu tiên của Phật giáo, nhưng vai trò của lòng bi mẫn và tính trung tâm của nó trên con đường dẫn đến giác ngộ, cũng như các phương pháp để rèn luyện nó, đã thay đổi qua các truyền thống Phật giáo khác nhau. Các mục đích, động lực và thực hành khác nhau để bi mẫn được nêu rõ trong các truyền thống Phật giáo này đã định hình sự phát triển của các chương trình hiện đại, thế tục, dựa trên lòng bi mẫn – bao gồm –
1.     Rèn Luyện Bi Mẫn Dựa Trên Nhận Thức (CBCT[1]),
2.     Rèn Luyện Trau Dồi Bi Mẫn (CCT[2]) và
3.     Rèn Luyện Bi Mẫn Bền Vững (SCT[3]) –
vốn đã được điều chỉnh cho nhiều môi trường giáo dục và khoa học. Đến lượt, các chương trình bi mẫn hiện đại này cũng đã được định hình và phát sinh để đáp ứng với bối cảnh lịch sử - văn hóa của chính họ. Sự quan tâm đến các chương trình quán chiếu dựa trên lòng bi mẫn đang tăng lên, hứa hẹn sẽ tăng cường sức khỏe, hạnh phúc và xã hội (Condon, Desbordes, Miller, & DeSteno, 2013; Pace et al., 2009, 2010). Tuy nhiên, cho đến nay, rất ít sự chú ý về mặt học thuật đã được thực hiện cho những khác biệt giữa các phương pháp này để nuôi dưỡng lòng bi mẫn, hoặc cho những quan hệ mật thiết mà các khác biệt như vậy có thể có cho sự nghiên cứu và thực hành. Hơn nữa, người ta đã ít chú ý đến sự khác biệt giữa các khái niệm quán chiếu của Phật giáo về lòng bi mẫn và các giải nghĩa khoa học hiện đại.

Do đó, chương này xem xét các phương cách khác nhau mà bi mẫn đã được khái niệm hóa và trau dồi trong cả phạm trù quán chiếu Phật giáo truyền thống và thế tục hiện đại. Mục tiêu không phải là xác định cách trình bày nào về bi mẫn là xác thật nhất, mà là để thu hút sự chú ý đến những cung cách mà các khái niệm khác nhau này hoặc giới hạn hoặc cho phép các khả năng khác nhau để nhận ra lòng bi mẫn. Cách tiếp cận như vậy có thể làm sâu sắc hơn sự hiểu biết của chúng ta về các thực hành này, thông báo các điều chỉnh nhạy cảm theo bối cảnh hơn và tiết lộ các hướng mới cho nghiên cứu.

BI  MẪN TRONG TƯ TƯỞNG VÀ THỰC HÀNH CỦA PHẬT GIÁO

Phật giáo quan tâm đến khả năng tự do hoặc giác ngộ. Sự giác ngộ được chứng minh dựa trên việc nhận ra bản chất của thực tại, nhưng những mô tả về thực tại đó và phương pháp để nhận ra nó đã thay đổi qua ba truyền thống chính của Phật giáo là Nguyên Thủy - Theravāda, Đại Thừa - Mahāyāna và Kim Cương Thừa -Vajrayāna. Trong phần tiếp theo, tôi cung cấp một giải thích ngắn gọn về các mô hình này để đặt ra các lý thuyết và thực hành Phật giáo đa dạng về bi mẫn trong hoàn cảnh. Cần lưu ý rằng đây là những giải thích tổng quát không nắm bắt được sự đa dạng của các sự khác biệt giáo lý được tìm thấy trong các truyền thống này; chúng được xem như một công cụ khám phá đơn giản để giúp làm rõ những khác biệt cơ bản trong cách tiếp cận và thực hành.

Phật giáo Nguyên Thủy – Theravāda

Trong Phật giáo Nguyên Thủy thời kỳ đầu và hiện đại, “đau khổ” được hiểu là nảy sinh từ tâm thức cố gắng bám víu vào vọng tưởng nhầm lẫn của một ý thức cố định, thường hằng và riêng biệt của tự ngã, và những cảm giác chấp trước cùng ác cảm do sự sai lầm vật chất hóa tạo ra. Người ta đạt được niết bàn, hoặc tự do khỏi đau khổ này, bằng cách đạt được tuệ giác nội quán vào bản chất vô ngã, thay đổi hoặc vô thường của kinh nghiệm (Gethin, 1998). Phương pháp để hiện thực hóa tuệ giác này được nêu trong Bát chánh đạo với sự nhấn mạnh vào việc trau dồi chánh mạng (hành vi đúng đắn -lời nói, hành động và sinh kế), chánh định (thiền định - chánh niệm, tập trung và nỗ lực) và chánh kiến (trí tuệ - quan điểm và ý định chính xác). Vì trí tuệ hay sự sáng suốt nhận ra bản chất của sự vật, nên nó được coi là nguyên tắc khai phóng trên con đường giải thoát, thay vì bi mẫn (Makransky, 2012).

Bi mẫn được hiểu là một sự thực hành hổ trợ, nhưng không cần thiết, trên con đường tỉnh thức. Các phương pháp để trau dồi lòng bi mẫn, thường được bao gồm trong các sự thực hành để phát triển apramāṇas hoặc “bốn tâm vô lượng” là từ ái, bi mẫn, hoan hỉ, và hành xả, được dạy chính yếu như một phương tiện của việc trau dồi định lực trong việc phục vụ trí tuệ hay sự hiểu biết sâu sắc (Nyanamoli, 1964). Những thực hành như vậy, được giải thích trong các luận điền như Thanh Tịnh Đạo Luận của ngài Phật Âm, thường liên quan đến việc mở rộng từ ái hoặc lòng yêu thương trước tiên cho chính mình, sau đó đến một người thân yêu, một người trung lập, một người thù ghét, và sau đó cho tất cả chúng sinh ở khắp mọi nơi. Dựa trên sự tu tập từ ái này, người ta sẽ tu tập bi mẫn, hoặc mong muốn chúng sinh thoát khỏi đau khổ. Để làm điều này, người ta bắt đầu bằng cách tập trung vào một người đang trải qua sự đau khổ khủng khiếp, hoặc bằng cách phản chiếu về một kẻ bất lương, như một tên trộm, người sẽ bị bắt và phải chịu đau khổ sau đó.

Sau khi khơi dậy lòng bi mẫn thông qua việc phản chiếu một hoặc cả hai loại người này, người ta sẽ mở rộng lòng bi mẫn cho một người thân yêu, một người trung lập và sau đó là một người thù ghét. Một người sau đó nuôi dưỡng niềm hoan hỉ bằng cách đầu tiên suy ngẫm và vui mừng về sự thành công và hạnh phúc của một người thân yêu, sau đó là một người trung lập, v.v. Cuối cùng, người ta trau dồi sự hành xả hoặc vô tư bằng cách phản ánh một cách có hệ thống tiền đề rằng tất cả chúng sinh đều giống nhau trong mong muốn cho hạnh phúc của họ. Người ta nói rằng những thực hành như vậy đưa một tâm thức vào trạng thái tập trung và hòa tan với cảm giác ổn định cùng hỉ lạc (Nyanamoli, 1964). Những phương pháp như vậy để trau dồi “bốn vô lượng tâm,”  đã ảnh hưởng đến nhiều chương trình Thiền Chánh Niệm Và Thiền Từ Ái (LKM[4]) hiện đại (xem Shonin et al., 2015). Như được phác thảo sau này, các chương trình này thường khác biệt về phạm vi và phong cách với các chương trình Thiền Bi Mẫn (CM[5]) khác.

Phật giáo Đại Thừa – Mahāyāna

Những truyền thống Đại Thừa xuất hiện vào đầu thế kỷ thứ nhất đã nhấn mạnh hơn vào việc tu tập bi mẫn vì như cơ bản cấu thành con đường tỉnh thức và kết quả của nó, là Phật quả. Trong khi các truyền thống Phật giáo sơ khai đã duy trì lý tưởng tâm linh của A La Hán, là người đã đạt được niết bàn hoặc tự do khỏi đau khổ và do đó thoát khỏi các vòng luân hồi bất tận như mô thức chính của nó, thì truyền thống Đại Thừa tán thành lý tưởng của Bồ tát, một người ở lại vòng luân hồi và hành đạo để đạt được giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh là mô thức trung tâm của nó (mặc dù các truyền thống Phật giáo ban đầu thừa nhận con đường của Bồ tát, nhưng nó không được xem là có thể đạt được bởi đại đa số chúng sinh).

Truyền thống Đại Thừa tiếp tục tự phân biệt với các truyền thống Phật giáo trước đó bằng cách đưa ra các mô hình giác ngộ và diễn tả khác nhau về bản chất của thực tại tối hậu. Đặc biệt quan trọng là giáo thuyết về tánh không: trong khi các hành giả của Phật giáo Nguyên Thủy -Theravāda trau dồi sự hiểu biết sâu sắc về bản chất của vô ngã, thì các hành giả Đại Thừa nhằm mục đích nhận ra tánh không - sự trống rỗng hay thiếu thực tại, độc lập, thực tế có thật của mọi hiện tượng (Pettit, 1999).

Để nhận ra tánh không – hay sự trống rỗng của tất cả các hiện tượng là làm sụp đổ các cấu trúc nhị nguyên của bản thân và đối tượng cùng nhận ra tất cả chúng sinh là không phân chia hoặc rốt ráo không tách rời khỏi bản thân. Giáo lý Đại Thừa nhấn mạnh đến việc trau dồi bồ đề tâm, hay “tâm giác ngộ,” và tâm đại bi để hỗ trợ cho việc thực chứng tánh không. Tuệ giác của tánh không, hóa ra, hỗ trợ xa hơn cho lòng bi mẫn vô điều kiện của hành giả cho tất cả chúng sanh bị vướng trong vòng luân hồi đau khổ (Makransky, 2012).

Do đó, cả trí tuệ và bi mẫn đều được duy trì như những nguyên tắc trung tâm của con đường bồ tát và thành quả tối thượng của nó, là Phật quả (Makransky, 2012). Nói cách khác, tuệ giác tánh không giải thoát tự thân khỏi luân hồi; còn lòng bi mẫn tìm ra những phương cách khéo léo để truyền đạt tuệ giác đó cho nhiều người khác để họ có thể tìm thấy tự do.

Hai phương pháp được biết nhiều nhất để trau dồi lòng bi mẫn trong các truyền thống Đại Thừa là “Bảy điểm Nhân – Quả” và sự thực tập “Bình đẳng và hoán đổi tự thân với người khác” (Dalai Lama, 2003, 2011; Wallace & Wallace, 1997). Bảy điểm Nhân – Quả bắt đầu với việc tu tập về bình đẳng để giúp hành giả vượt thắng tính thiên vị và học tập để thấy tất mọi người là đều đáng được coi trọng như nhau. Một khi sự ổn định trong cảm giác bình đẳng đã được phát triển, thì sau đó hành giả tiến qua Bảy điểm Nhân – Quả, liên hệ đến 7 bước sau:

1.     Công nhận tất cả chúng sinh là một người cha hoặc mẹ hay người thân trong một kiếp trước, được cho là để có một trạng thái tâm thức sẽ cho phép hành giả coi tất cả chúng sinh là đối tượng của tình cảm;
2.     Nhớ lại lòng tốt của người khác, trong đó bao gồm việc xem xét các cách mà cha mẹ và người chăm sóc đã hỗ trợ và chăm sóc cho ta một cách vô ngã;
3.     Đặt ra ý định trả ơn lòng tốt của người khác;
4.     Phát sinh lòng từ ái, hoặc mong muốn người khác được hạnh phúc;
5.     Trau dồi lòng bi mẫn; hoặc mong muốn người thoát khổ đau
6.     Tạo ra ý thức trách nhiệm và quyết tâm giúp đỡ người khác giải thoát đau khổ; và
7.     Thực hiện cam kết tu tập để thành tựu giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh (Gyatso, 2003; Hopkins, 2008).

Sự thực hành của “Hoán đổi tự thân với người khác,” bao gồm những quán chiếu về sự giống nhau của bản thân và những người khác trong mong muốn được hạnh phúc và tránh đau khổ, cũng như những lợi thế của việc trân trọng người khác và những bất lợi của việc trân trọng chính mình. Việc thực hành cũng liên quan đến thiền tập tonglen (gửi và nhận), trong đó hành giả tưởng tượng việc gánh chịu sự đau khổ của người khác (nhận) và ban lại hạnh phúc cho họ (gửi). Như được phác thảo tiếp theo, các phương pháp này đã có ảnh hưởng trực tiếp đến hai chương trình thiền tập bi mẫn hiện đại, bao gồm Việc Rèn Luyện Bi Mẫn Dựa Trên Nhận Thức (CBCT), Rèn Luyện Trau Dồi Bi Mẫn (CCT).

Phật Giáo Kim Cang Thừa – Vajrayāna

Truyền thống Kim Cang thừa hay Mật tông Tây Tạng xuất hiện vào đầu thế kỷ thứ tám (Pettit, 1999). Nhiều truyền thống được xây dựng dựa trên và nhấn mạnh hơn nữa những giáo lý về “Phật tánh,” vốn đã có trong một số truyền thống trước đây của Phật giáo Đại Thừa. Một số trong những giáo lý về Phật tánh này khẳng định rằng tâm bản nhiên là thuần khiết và vô điều kiện, và tất cả các phẩm chất của sự giác ngộ đều có mặt trong tâm thức, nhưng bị che khuất, bởi những mô thức sai lầm của những nhận thức sai lầm (Pettit, 1999; Makransky, 2012).

Trong những truyền thống này, lòng bi mẫn được hiểu là một năng lực tỉnh thức bẩm sinh thể hiện khi tâm thức được giải thoát khỏi những nhận thức và tri giác sai lầm theo thói quen, nhị nguyên. Trong khi một số truyền thống Phật giáo và Đại Thừa khác trước đó nhấn mạnh các thực hành để phát sinh lòng bi mẫn chỉ bằng phương pháp trau dồi đơn thuần, thì các truyền thống Kim Cang Thừa cung cấp nhiều phương pháp trực tiếp hơn để giúp các hành giả nhận ra tính bẩm sinh hoặc tính nội tại của giác ngộ (Pettit, 1999). Có nhiều phương pháp Mật tông khác nhau liên quan đến việc giúp tâm thức học cách giải thoát các xu hướng thói quen, không lành mạnh và nắm bắt cái gọi là kinh nghiệm bình thường, liên quan đến sự sai lầm của tâm thức với những khái niệm cụ thể hóa, hẹp hòi của chính nó về thế giới của nó đối với thực tại. Điểm nhấn mạnh chính trong thực hành liên quan đến việc “sử dụng kết quả là con đường” (Pettit, 1999, p. 63), hoặc học cách chuyển đổi nhận thức thông thường thành nhận thức thuần khiết đặc trưng của giác ngộ (Yeshe, 2001).

Một phương pháp thiết yếu liên quan đến việc quán tưởng về “bổn tôn du già,” trong ấy hành giả học để tiêu trừ nhận thức thông thường của tự thân và  người khác, và để sinh khởi từ không gian trống rỗng này như sự biểu hiện của một bổn tôn Giác Ngộ. Càng trở nên quen thuộc và đồng nhất với các phẩm chất của vị bổn tôn, thì những phẩm chất này càng được hiểu là do bẩm sinh hoặc bản chất riêng vốn có của tâm thức chúng ta – được đưa ra và làm thể hiện (Yeshe, 2001). Có nhiều điều kiện tiên quyết để tham gia thực hành Mật tông. Các điều kiện tiên quyết chính liên quan đến việc nuôi dưỡng
·        sự từ bỏ - viễn ly (tức là, khao khát mạnh mẽ nổi lên từ đau khổ),
·        bồ đề tâm và
·        quan điểm về tánh không (Yeshe, 2001).

Các hành giả cũng phải có được sự tự tin trong con đường và phát triển một động lực, nhiệt thành mạnh mẽ để đạt được giác ngộ. Một phương pháp quan trọng để tạo ra sự tự tin và cảm hứng này là thực hành Mật tông về “quy y” và “Đạo sư du già” được tìm thấy trong các truyền thống thực hành khác nhau về ngondro hoặc chuẩn bị. Trong phong cách thực hành này, người ta mời gọi vào tâm thức một loạt các vị thầy tâm linh hoặc những đấng giác ngộ được hiểu là hiện thân của bi mẫn và trí tuệ. Hành giả trải nghiệm bản thân như được nhìn thấy và gia hộ sâu sắc bởi những vị này trong tiềm năng bẩm sinh của chính mình cho sự Giác Ngộ, và học cách giao tiếp và cuối cùng hợp nhất với những vị này để nhận ra cùng tồn tại sâu sắc và ổn định hơn trong những phẩm chất bẩm sinh, bi mẫn của chính tâm thức người ấy (Makransky, 2012; Yeshe, 2001). Phong cách và tinh thần của những sự thực hành Mật tông, đặc biệt là sự nhấn mạnh quan hệ và điều đặc sắc bẩm sinh của chúng, đã ảnh hưởng đến một chương trình thiền tập bi mẫn hiện đại đặc biệt khác gọi là Rèn Luyện Bi Mẫn Bền Vững (SCT[6]).

ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI
CÁC CHƯƠNG TRÌNH QUÁN CHIẾU HIỆN ĐẠI

Ba truyền thống Phật giáo này đã ảnh hưởng đáng kể đến việc thiết lập các chương trình quán chiếu hiện đại. Theo cùng một cách mà các truyền thống Phật giáo đã khái niệm hóa các nguyên nhân đau khổ và do đó đã quy định các phương pháp khác nhau để vượt qua sự đau khổ đó là Rèn Luyện Bi Mẫn Dựa Trên Nhận Thức (CBCT), Rèn Luyện Trau Dồi Bi Mẫn (CCT), Rèn Luyện Bi Mẫn Bền Vững (SCT),
cùng các chương trình thiền chánh niệm và từ ái khác cho thấy rõ ràng các nguyên nhân khác nhau của căng thẳng và phác thảo các phương pháp khác nhau để nhận ra sức khỏe và hạnh phúc trong các thiết định thế tục. Phần sau đây cung cấp một cái nhìn tổng quan ngắn gọn về các mục tiêu và thực tập chính của các chương trình hiện đại này, đặc biệt tập trung vào các chương trình thiền tập bi mẫn nói riêng.

Trước khi phác thảo các chương trình bi mẫn hiện đại này, điều quan trọng là một lần nữa nhấn mạnh và làm rõ cuộc tranh luận trong các truyền thống của cả Phật giáo Đại Thừa và Kim Cang Thừa liên quan đến bản chất của tâm thức và phương tiện để đạt được giác ngộ, vốn đã đóng khung và định hình một cách đáng kể sự biện luận và thực hành của những sự nghiên cứu hiện đại.

Nói ngắn gọn, mấu chốt của cuộc tranh luận xoay quanh việc các phẩm chất của Phật quả hay giác ngộ là bẩm sinh đối với một tâm thức hay liệu chúng có cần được tạo ra thông qua trau dồi hoặc tu tập hay không?

Các mô hình bẩm sinh, có ảnh hưởng từ các truyền thống Đại Thừa và Kim Cang Thừa nhất định, cho rằng các phẩm chất của sự tỉnh thức vốn hiện hữu sẳn, nhưng bị che lấp hoặc ẩn khuất bởi các cấu trúc tri giác và phản ứng sai lầm trong tâm thức. Do đó, mục tiêu của thực hành là loại bỏ hoặc giảm bớt các cấu trúc vọng tưởng này bằng cách gợi lên sức mạnh tiềm tàng của sự tỉnh thức đã có sẵn trong tâm thức. Ngược lại, các mô hình cấu trúc tạo dựng, bị ảnh hưởng bởi các truyền thống Đại Thừa khác và các truyền thống Phật giáo đầu tiên, cho rằng tiềm năng trau dồi phẩm chất tỉnh thức hiện diện trong một tâm thức, nhưng những phẩm chất đó chỉ đơn giản được tạo ra bởi quá trình tu tập.

Trong khi các mô hình bẩm sinh có xu hướng nhấn mạnh các thực hành bất nhị, tận tụy và gây xúc cảm, thì các mô hình kiến tạo có xu hướng nhấn mạnh các quán chiếu phân tích.

Như sẽ trở nên rõ ràng hơn, chúng ta có thể định vị sự Rèn Luyện Bi Mẫn Bền Vững (SCT), ở kết quả bẩm sinh của cuộc tranh luận truyền thống, trong đó SCT, cho rằng lòng bi mẫn là bẩm sinh và nó phát sinh khi người ta loại bỏ hoặc vượt qua những trở ngại hoặc sự ngăn chặn đối với lòng bi mẫn. Điều quan trọng cần lưu ý là thiền tập Rèn Luyện Bi Mẫn Bền Vững (SCT) không chỉ đơn giản là nhằm mục đích làm gián đoạn những gì cản trở lòng bi mẫn, mà các thiền tập rút ra từ giáo dục hoặc gợi lên sức mạnh tiềm tàng của lòng bi mẫn để giúp vượt qua những chướng ngại ngăn trở nó (các chương trình chánh niệm nhất định, như Giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm [MBSR[7]], có xu hướng rơi vào kết quả bẩm sinh của sự phân bố theo tính chất, mặc dù chúng bị ảnh hưởng bởi các truyền thống Phật giáo khác nhau; (Dunne, 2011; Kabat-Zinn, 2011). Chúng ta có thể định vị Rèn Luyện Bi Mẫn Dựa Trên Nhận Thức (CBCT), Rèn Luyện Trau Dồi Bi Mẫn (CCT), và các chương trình từ ái khác ở kết quả của phạm trù thiết lập, vì người ta thường có xu hướng cho rằng, trong khi tiềm năng tỉnh thức tồn tại ở mọi người, thì cần phải tạo ra những phẩm chất thức tỉnh như lòng bi mẫn thông qua tu tập. Để rõ ràng, cả hai mô hình này đều cho rằng lòng bi mẫn cần được trau dồi ở một mức độ nào đó. Sự khác biệt giữa chúng dựa trên việc các phẩm chất tỉnh thức được hiểu một cách chủ yếu là được tạo ra thông qua trau dồi, hay được hiểu là được phép thể hiện thông qua tu tập.

Mô tả ngắn gọn về cuộc tranh luận này được đơn giản hóa quá mức và không nắm bắt được sự khác biệt tinh tế và quan trọng giữa những điều gọi là phân phái này. Mặc dù những khác biệt này có vẻ không đáng kể, nhưng những cách tiếp cận khác nhau này không chỉ đơn thuần là sự khác biệt về ngữ nghĩa. Đối với những người đề xuất các chương trình này, sự khác biệt giữa phương pháp tiếp cận bẩm sinh và thiết lập có liên quan đến các mô hình tâm thức khác nhau. Mặc dù một số người đã cố gắng điều hòa các phương pháp này bằng cách gợi ý rằng chúng đại diện cho các phương tiện khác nhau đến cùng một kết quả (ví dụ: bi mẫn hoặc giác ngộ), nhưng các phương pháp mà họ sử dụng có thể có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển và hiện thực hóa lòng bi mẫn. Ví dụ, các phương pháp tiếp cận bẩm sinh có xu hướng sử dụng các phép ẩn dụ hoạt động liên quan đến việc khám phá, thực hiện hoặc soi sáng bi mẫn.

Kinh nghiệm về lòng bi mẫn có xu hướng được gợi lên qua thơ ca hoặc thông qua việc đánh thức tâm thức một nhân vật hay người cố vấn bi mẫn ân cần cũng như thông qua một lời hùng biện về “sự cởi mở,” “sự tiếp thu,” và “để nó là” một cách say mê, Mặt khác, các phương pháp tiếp cận thiết lập có xu hướng sử dụng các phép ẩn dụ hoạt động liên quan đến việc xây dựng, phát triển hoặc củng cố lòng bi mẫn. Lòng bi mẫn được rèn luyện thông qua thẩm tra, lý luận và quán chiếu. Và mặc dù các cách tiếp cận hoặc thực hành này không loại trừ lẫn nhau – và trên thực tế, tất cả các chương trình hiện đại được mô tả ở đây đều sử dụng các yếu tố của cả hai trường phái trong các quy trình rèn luyện của họ, các khung lý thuyết và chiến lược ẩn dụ khác nhau được cho là cả kinh nghiệm và kết quả chính yếu, cụ thể và đặc thù. Do đó, đáng để khám phá sự khác biệt tiềm năng giữa các phương pháp này một cách chi tiết hơn.

CÁC CHƯƠNG TRÌNH QUÁN CHIẾU DỰA TRÊN LÒNG BI MẪN HIỆN ĐẠI

Chương Trình Từ Ái

Những truyền thống Phật giáo Nguyên thủy sớm sủa và Theravada đã ảnh hưởng đến một số chương trình chánh niệm và từ ái hiện đại (Shonin et al., 2015). Như đã đề cập trước đây, những phong cách thực hành này thường bao gồm những phản chiếu có hệ thống để nuôi dưỡng cảm giác yêu thương và mở rộng chúng về phía người khác, bắt đầu từ chính bản thân. Mặc dù đôi khi “từ ái” và “bi mẫn” được sử dụng thay thế cho nhau, nhưng có những khác biệt quan trọng giữa các phong cách thực hành này.

-         Thiền tập từ ái có xu hướng tập trung vào việc phát sinh mong muốn người khác được hạnh phúc và có nguyên nhân của hạnh phúc.
-         Các thực hành bi mẫn tập trung vào việc tạo ra mong muốn người khác tự do khỏi đau khổ và nhấn mạnh rõ ràng vào việc thúc đẩy người hành giả lãnh trách nhiệm làm giảm bớt đau khổ cho người khác.

Mặc dù một số chương trình và nghiên cứu từ ái cũng có thể bao gồm các thực hành bi mẫn hoặc mong muốn những người khác thoát khỏi đau khổ, thì các chương trình này thường có xu hướng không dạy bi mẫn ở mức độ giống như các chương trình được mô tả ở đây. Do đó, hầu hết sự chú ý của chúng tôi sẽ tập trung vào các chương trình quán chiếu dựa trên lòng bi mẫn.

Rèn Luyện Bi Mẫn Dựa Trên Nhận Thức (CBCT) Và
 Rèn Luyện Trau Dồi Bi Mẫn (CCT)

Rèn Luyện Bi Mẫn Dựa Trên Nhận Thức (CBCT) là một chương trình thế tục để rèn luyện lòng bi mẫn được phát triển bởi Lobsang Tenzin Negi vào năm 2005, lần đầu tiên được phát triển như một phương tiện để giải quyết tỷ lệ trầm cảm gia tăng trong số các sinh viên chưa tốt nghiệp tại Đại học Emory ở Atlanta, Georgia (Negi, 2009). Trong những năm tiếp theo, chương trình được điều chỉnh để sử dụng cho người lớn khỏe mạnh, chuyên gia y tế, học sinh và giáo viên tiểu học , thanh thiếu niên trong những nhà nuôi dưỡng, phụ nữ bị giam giữ, cựu chiến binh và những người sống sót sau chấn thương, như một phương tiện thúc đẩy các kỹ năng xã hội, khả năng phục hồi, sức khỏe và hạnh phúc (Ozawa-deSilva & Dodson-Lavelle, 2011; Reddy et al., 2013; Dodson-Lavelle et al., 2015).

Một chương trình dựa trên lòng bi mẫn khác có liên quan là Chương Trình Rèn Luyện Bi Mẫn, được phát triển bởi Thupten Jinpa và nhóm của ông tại Đại học Stanford ở Stanford, California, vào năm 2007 (Jinpa, 2010). Chương trình Rèn Luyện Trau Dồi Bi Mẫn (CCT) đã được điều chỉnh và giảng dạy cho sinh viên đại học, những người sống sót sau ung thư, cựu chiến binh và các chuyên gia y tế (Jinpa, 2015). CBCT và CCT là hai chương trình tương tự để trau dồi lòng bi mẫn được chuyển thể từ các truyền thống quán chiếu của Phật giáo Tây Tạng đã nêu ở trên.

Trong mô hình Rèn Luyện Bi Mẫn Dựa Trên Nhận Thức (CBCT), căng thẳng và đau khổ được trình bày như phát sinh từ mối quan tâm quá mức, không lành mạnh với bản thân, từ đó ức chế các kết nối chữa lành với người khác. Lòng bi mẫn được trình bày như một liều thuốc đối trị cho căng thẳng và đau khổ. CBCT định nghĩa lòng bi mẫn là sự mong muốn chân thành để xoa dịu nổi đau khổ của những người khác (Ozawa¬deSilva & Negi, 2013). Như được hiểu rằng lòng bi mẫn phát sinh từ ý thức tình cảm sâu sắc với người khác, cùng với việc nhận ra nguyên nhân đau khổ của họ và sự hiểu biết rằng nỗi đau khổ của họ có thể được giảm bớt. Chương trình Rèn Luyện Bi Mẫn Dựa Trên Nhận Thức (CBCT), cho rằng, trong khi người ta có thể dễ dàng đồng cảm và cảm thông với các thành viên trong gia đình mình hoặc trong nhóm, thì một người nói chung cảm thấy khó khăn hơn trong việc thấu cảm và cảm thấy bi mẫn với những người lạ, và đặc biệt là những người đã làm hại hoặc đe dọa làm hại họ theo một cách nào đó. Tuy nhiên, chương trình cho rằng việc tăng cường lòng bi mẫn cho những người khác, kể cả với những người đã gây ra tác hại cho họ, là một kỹ năng có thể huấn luyện được.

Trong mô hình CBCT, lòng bi mẫn được dạy một cách có hệ thống thông qua tám bước được sắp xếp, thường là trong một khóa suốt tám tuần, cùng với một số thực hành hỗ trợ khác (Negi, 2009; Ozawa-deSilva & Negi, 2013). Các bước là:

1. Phát triển sự chú ý và ổn định của tâm thức;
2.
Rèn
luyện cái nhìn nội quán sâu sắc vào bản chất của kinh nghiệm tinh thần;
3.
Rèn
luyện lòng bi mẫn;
4. Phát triển sự vô tư;
5. Phát triển sự đánh giá cao và lòng biết ơn;
6. Phát triển tình cảm và sự
thấu
cảm;
7.
Phát sinh
lòng bi mẫn khát vọng hoặc mong ước; và
8. Nhận ra lòng bi
mẫn
tích cực.

Hai bước đầu tiên của sự rèn luyện chú ý và nội quán được hiểu là một nền tảng cần thiết cho các thực hành phân tích nâng cao hơn. Rèn luyện chú ý cơ bản thường được giới thiệu thông qua thiền tập trung vào hơi thở. Sau khi trau dồi một mức độ chú ý ổn định, các hành giả được dạy để hướng sự tập trung của sự chú ý vào suy nghĩ, cảm giác và cảm xúc để có được tuệ giác sâu sắc về trải nghiệm tinh thần của họ.

Rèn luyện lòng bi mẫn bao gồm:
1.     việc thừa nhận nguồn gốc đau khổ của riêng một người, cùng với
2.     việc hiểu biết rằng người ta có thể thay đổi một thói quen tinh thần, cũng như
3.     chí nguyện thay đổi những thói quen đó.
Trong bước thứ ba này, các học viên được mời khám phá khát vọng hạnh phúc bẩm sinh của họ và suy ngẫm về những thói quen của tâm thức đóng góp cho hạnh phúc của họ hoặc làm trầm trọng thêm căng thẳng và đau khổ của họ. Chương trình tiếp tục khuyến khích các hành giả nhận ra rằng đó là khát vọng của họ muốn mọi thứ trở thành một cách nhất định nào đó và thói quen của họ nhìn sai lầm vào những nguồn gốc bên ngoài của hạnh phúc, điều đó gây ra hoặc làm trầm trọng thêm nỗi đau khổ của họ. Khi hành giả có được tuệ giác hiểu rõ hơn về những nguyên nhân đau khổ này, họ được hướng dẫn để nhận ra rằng những thói quen này có thể bị phá vỡ và sau đó quyết tâm chuyển đổi những thói quen đó.

Bước thứ tư là sự không thiên vị, đề cập đến việc tập luyện phân tích cụ thể nhằm giúp các hành giả vượt qua sự thiên vị và phát triển sự bình đẳng đối với người khác. Các hành giả được hướng dẫn hình dung một người bạn, một người lạ và một người mà họ gặp khó khăn và lưu ý những cảm giác khác nhau nảy sinh khi họ quán tưởng ba cá nhân này trải qua những kinh nghiệm tích cực hoặc tiêu cực. Các hành giả sau đó được hướng dẫn quán chiếu về các phản ứng khác nhau mà họ có đối với ba loại cá nhân này và thẩm tra xem có sự khác biệt cố định hay vốn có nào giữa những người này không. Sau một quá trình quán chiếu và phân tích, những người tham gia được khuyến khích tạo ra ý định liên quan đến ba loại người này với sự bình đẳng hoặc vô tư.

Bước thứ năm và thứ sáu để phát triển sự cảm kích và tình cảm được hiểu là điều cần thiết để thúc đẩy sự quan tâm của ta đối với phúc lợi của người khác. Để tạo ra sự cảm kích, các học viên được khuyến khích suy nghĩ về lòng tốt và sự hào phóng của vô số người khác, bao gồm cả những cách mà sự sống sót của chính họ phụ thuộc vào sự hỗ trợ của nhiều người khác. Những phản ánh như vậy về lòng biết ơn và sự phụ thuộc lẫn nhau được hiểu là làm tăng cảm giác yêu mến và quan tâm đến người khác.

Khi một người phát triển hơn nữa mối quan tâm thấu cảm, người ta sẽ nhận thức sâu sắc hơn về nỗi đau khổ của những người khác. Ngược lại, những hiểu biết này được cho là tự nhiên làm phát sinh mong ước hoặc khát vọng rằng người khác được giải tỏa khỏi sự đau khổ này (bước 7). Trong bước này, hành giả được hướng dẫn hình dung và suy ngẫm về sự đau khổ của ba người – một người thân yêu, một người xa lạ, và một người thù địch hay khó tính. Sau đó, người ta được khuyến khích nhận ra việc khó khăn như thế nào khi chứng kiến nỗi đau khổ của một người khác, và cho phép trái tim của ta cộng hưởng với mong ước người này được thoát khỏi đau khổ. Điều này được hiểu là “lòng bi mẫn nguyện vọng” hay “mong ước.” Trong bước thứ tám và cuối cùng, hành giả được hướng dẫn thực hành một thiền tập được thiết lập để chuyển từ mong ước đơn giản là người khác không còn bất hạnh đến việc chủ động cam kết hỗ trợ trong việc theo đuổi của họ cho hạnh phúc và tự do khỏi đau khổ.

Định dạng và trình tự của mô hình Rèn Luyện Bi Mẫn Dựa Trên Nhận Thức (CBCT), theo sát Phương pháp Bảy Điểm Nhân Quả, ngoại trừ việc, trong sự thích nghi thế tục của nó, nó bỏ qua một số quán chiếu lý thuyết siêu hình và cứu rỗi về tái sinh và chí nguyện trở thành giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sanh. CBCT cũng phối hợp những phương pháp từ việc Bình Đẳng Và Hoán Đổi Tự Thân Với  Người Khác, dù thế nó nhấn mạnh khía cạnh “gửi” của tonglen, hơn là khuyến khích hành giả rõ ràng đón nhận nỗi khổ đau của người khác.

Chương trình Rèn Luyện Trau Dồi Bi Mẫn (CCT)  tương tự lấy cảm hứng từ các phương pháp Phật giáo này để trau dồi lòng bi mẫn, tuy nhiên nó cung cấp một cách tiếp cận hơi khác so với Rèn Luyện Bi Mẫn Dựa Trên Nhận Thức (CBCT),. Trong mô hình CCT, lòng bi mẫn được dạy qua sáu bước sau đây, thường được dạy trong suốt chín tuần. Sáu bước bao gồm:

1.     Tập trung và thiết định tâm thức;
2.     Rèn luyện lòng từ ái và lòng bi mẫn cho một người thân yêu;
3.     Rèn luyện lòng từ ái và lòng bi mẫn cho chính mình;
4.     Rèn luyện lòng bi mẫn cho người khác thông qua sự thừa nhận nhân bản thông thường;
5.     Rèn luyện bi mẫn cho tất cả chúng sanh; và
6.     Phát triển “lòng bi mẫn tích cực” thông qua thực hành tonglen – gửi và nhận (Jinpa, 2010; Jazaieri et al., 2013).

Mặc dù có những khác biệt nhỏ, Rèn Luyện Bi Mẫn Dựa Trên Nhận Thức (CBCT) và Rèn Luyện Trau Dồi Bi Mẫn (CCT)   đều sử dụng thiền phân tích và nhấn mạnh sự cần thiết phải trau dồi hoặc xây dựng lòng bi mẫn và các phẩm chất liên quan của nó thông qua một quá trình thiền tập suy luận và phân tích. Điều này phân biệt các chương trình này với các chương trình quán chiếu dựa trên lòng bi mẫn khác, bao gồm Rèn Luyện Bi Mẫn Bền Vững (SCT).

Rèn Luyện Bi Mẫn Bền Vững (SCT)

Rèn Luyện Bi Mẫn Bền Vững (SCT; được biết trước đây như Rèn  Luyện Bi Mẫn Bẩm Sinh (ICT)) được phát triển bởi John Makransky, giáo sư Phật giáo và thần học so sánh tại Đại học Boston. SCT là một tập hợp các thực hành quán chiếu được thiết lập chủ yếu để giúp các hành giả nhận ra khả năng tự nhiên của họ đối với việc sự ân cần tử tế vô điều kiện, tăng cường lòng bi mẫn mạnh mẽ, tích cực cho người khác (Makransky, 2007; 2011). Chương trình Rèn Luyện Bi Mẫn Bền Vững (SCT) đã được Viện Tâm Thức và Đời sống điều chỉnh như là một chương trình rèn luyện quán chiếu cho giáo viên và học sinh trong sáng kiến Kêu Gọi Ân Cần[8] trong giáo dục, đã được tiếp nhận bởi Liên Minh Can Đảm Ân Cần[9] (xem www.courageofcare.org). SCT cũng đã được điều chỉnh để sử dụng bởi các chuyên gia y tế, nhân viên xã hội, cố vấn và những người khác trong các ngành nghề dịch vụ xã hội. Chương trình cũng đã được điều chỉnh để sử dụng trong nhiều tổ chức thế tục và liên tôn.

Trong mô hình Rèn Luyện Bi Mẫn Bền Vững (SCT), được phỏng theo truyền thống quán chiếu của Phật giáo Đại thừa và Kim cương thừa, lòng bi mẫn được hiểu là một hình thức của thương yêu và sự quan tâm thấu cảm liên quan đến mong ước những người khác không bị căng thẳng và khổ đau. Theo mô hình này, lòng bi mẫn có bốn khía cạnh:

1.     Tình cảm yêu thương, cảm nhận tất cả mọi người là thân yêu và xứng đáng được chăm sóc vô điều kiện;
2.     Quan tâm thấu cảm cho người khác trong đau khổ của họ;
3.     Một mong ước bi mẫn mạnh mẽ để người khác thoát khỏi đau khổ và nguyên nhân của nó, điều này mang đến một ý chí bi mẫn để giảm bớt đau khổ của họ; và
4.     Trí tuệ, bao gồm sự thấu hiểu về nỗi khổ của chính chúng ta; một sự thừa nhận rằng những người khác không chỉ là những ấn tượng giới hạn của chúng ta về họ; và sự đau khổ đó không phải là thực tế duy nhất – mà  nó được chấp nhận trong một thực tế lớn hơn về sự tỉnh thức và cởi mở bi mẫn cho phép đau khổ được chữa lành và chuyển hóa (Makransky, 2007).

Rèn Luyện Bi Mẫn Bền Vững (SCT) nhấn mạnh tính trung tâm của các mối quan hệ trong việc nuôi dưỡng lòng bi mẫn, bằng cách nhấn mạnh sự cần thiết cho các hành giả trải nghiệm bản thân như là đối tượng của sự ân cần và lòng bi mẫn để mở rộng sự ân cần và lòng bi mẫn đến những người khác. Nói cách khác, chương trình cho rằng các học viên cần được trao truyền năng lực để tiếp cận tiềm năng từ bi của họ một cách tương đối, bằng cách trải nghiệm những gì giống như được nhìn thấy và yêu thương trong giá trị vô điều kiện và tiềm năng con người của họ, làm cơ sở để nhìn và yêu thương người khác tương tự. Trong mô hình Rèn Luyện Bi Mẫn Bền Vững (SCT), lòng bi mẫn được phát triển thông qua ba chế độ ân cần hoặc lòng bi mẫn có liên quan với nhau, bao gồm (1) tiếp nhận sự ân cần, (2) ân cần tự thân sâu sắc và (3) ân cần mở rộng.

1)    - Tiếp nhận sự ân cần:  các thực hành tiếp nhận ân cần được thiết lập để giúp các hành giả trải nghiệm lại những khoảnh khắc kết nối, ấm áp, tình cảm và an toàn nội tại. Trải nghiệm bản thân với tư cách là người nhận sự ân cần được cho là cung cấp sự an toàn và điều kiện để họ có thể chào đón và nhìn thấy những người khác trong tiềm năng của họ tốt hơn. Các thực hành trong mô thức này cũng được thiết lập để giải quyết những nỗi sợ hãi, chướng ngại và kháng cự thông thường đối với việc ân cần, chẳng hạn như các giả định về văn hóa hoặc quan niệm sai lầm về việc ân cần là ích kỷ hoặc làm cho người ta yếu đuối, và cả những thách thức tâm lý như trải nghiệm bị bỏ rơi.

2)    - Ân cần tự thân sâu sắc: những thực hành chăm sóc bản thân sâu sắc bao gồm việc giúp các hành giả học cách hiện diện với cảm giác và cảm xúc bằng lòng tốt và lòng bi mẫn, và cũng để học cách đi vào nề nếp các phẩm chất ân cần có sẵn trong nhận thức cơ bản của họ. Điều này được hiểu rằng khi các hành giả học cách trở nên hiện diện hơn với cảm xúc của chính họ, họ cũng có khả năng trở nên hiện diện hơn với người khác và cảm xúc của họ, và nuôi dưỡng một khả năng sâu sắc hơn để kết nối thấu cảm với người khác. Bằng cách học cách chấp nhận cảm xúc của chính họ với lòng tử tế và sự ấm áp, các học viên có thể hướng dẫn những người khác và cảm xúc của họ với cùng sự ấm áp, cởi mở và tử tế.

3)    - Ân cần mở rộng: khả năng mở rộng sự ân cần cho người khác được gợi lên thông qua các thực hành tiếp nhận và ân cần bản thân sâu sắc. Để nuôi dưỡng lòng bi mẫn ổn định hơn, SCT cũng sử dụng các thực hành phân tích hỗ trợ giúp tiết lộ các cách hạn chế suy nghĩ, thành kiến và định kiến về bản thân và những người khác cản trở khả năng tự nhiên của họ cho ân cần.

Mặc dù Rèn Luyện Bi Mẫn Bền Vững (SCT) dựa trên một số phản ánh quán chiếu tương tự như những gì được sử dụng trong Rèn Luyện Bi Mẫn Dựa Trên Nhận Thức (CBCT) và Rèn Luyện Trau Dồi Bi Mẫn (CCT), nhưng nó coi những điều này là hỗ trợ cho các thực hành cơ bản hơn, vốn trực tiếp khai thác tiềm năng bẩm sinh của hành giả cho lòng bi mẫn. Những thực hành cơ bản như vậy bao gồm các thực hành theo kiểu sùng mộ của việc nhớ lại và “được nhìn thấy” bởi các cố vấn và nhân vật ân cần, cũng như các thực hành bất nhị trong chế độ tự ân cần được thiết lập để giúp các hành giả học cách để “để nó là.” SCT dựa nhiều hơn vào các mô hình và thực hành bẩm sinh để nhận ra lòng bi mẫn được rút ra từ nhiều thành phần Mật tông và bất nhị của Phật giáo Kim Cang Thừa (Makransky, 2007; Thondup, 1996; Thondup, 2015).

QUÁN CHIẾU PHẬT GIÁO VÀ NHỮNG MÔ HÌNH KHOA HỌC HIỆN ĐẠI VỀ LÒNG BI MẪN

Sự khác biệt giữa các chương trình dựa trên lòng bi mẫn này được đóng khung chủ yếu trong dạng thức của những sự khác biệt giữa các truyền thống Phật giáo khác nhau và giữa các mô hình tâm thức Phật giáo đa dạng đã tạo ra các phong cách thực hành dường như cạnh tranh (ví dụ, phương pháp tiếp cận bẩm sinh và kiến tạo). Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là trong khi Rèn Luyện Bi Mẫn Dựa Trên Nhận Thức (CBCT), Rèn Luyện Trau Dồi Bi Mẫn (CCT), và Rèn Luyện Bi Mẫn Bền Vững (SCT) từng được định hình bởi các mô hình quán chiếu truyền thống của Phật giáo, thì chúng cũng đã được định hình cho phần lớn các người hâm mộ hiện đại đặc biệt Bắc Mỹ.

Mặc dù một khám phá đầy đủ về những bối cảnh văn hóa hiện đại mà trong đó các chương trình đương đại này đã được phát triển nằm ngoài phạm vi của chương này, nhưng điều quan trọng cần đề cập là những nghiên cứu hiện đại này đã được định hình theo nhiều cách khác nhau bởi các quan niệm hiện đại về chủ nghĩa cá nhân, sức khỏe và hạnh phúc, cũng như theo những quan niệm về không gian “thế tục” của thế giới. Những quan niệm này đã định hình một cách hàm súc và rõ ràng các biện pháp tu từ, mục tiêu và thực hành được bao gồm trong mỗi nghiên cứu hiện đại này. Do đó, cần lưu ý rằng những nghiên cứu hiện đại này không nhất thiết phải lập bản đồ hoặc phản ánh cái gọi là những mô hình quán chiếu truyền thống của Phật giáo.

Rèn Luyện Bi Mẫn Dựa Trên Nhận Thức (CBCT), Rèn Luyện Trau Dồi Bi Mẫn (CCT), và Rèn Luyện Bi Mẫn Bền Vững (SCT) và các nghiên cứu quán chiếu hiện đại khác cũng đã được thiết kế và điều chỉnh cho những thẩm tra khoa học ở các mức độ khác nhau. Mặc dù có sự quan tâm ngày càng tăng về hiệu quả tiềm năng của các chương trình này để tăng cường sức khỏe và hạnh phúc, nhưng người ta đã ít chú ý đến sự khác biệt giữa các quan niệm khoa học và quán chiếu về lòng bi mẫn. Các khuôn khổ khoa học dựa trên tiến hóa, chẳng hạn, đề xuất rằng lòng bi mẫn là một bản năng tự nhiên thường xuất hiện để đáp ứng với sự đau khổ của một phạm vi hạn chế của những người thân cận cũng như những người có khả năng đáp lại. Những quan điểm về lòng bi mẫn như vậy bắt nguồn từ quan niệm rằng hành động bi mẫn là tốn kém cho cá nhân (để đánh giá, xem Goetz et al., 2010).

Tuy nhiên, các truyền thống quán chiếu Phật giáo cho thấy rằng các hành giả có khả năng phát triển lòng bi mẫn không giới hạn hoặc không điều kiện. Không chỉ nhận ra lòng bi mẫn vô điều kiện có thể trong các khuôn khổ này, mà còn cần thiết cho sự tỉnh thức hoặc giác ngộ. Những khuôn khổ khoa học và quán chiếu khác biệt này cho thấy những giả định khác nhau về tiềm năng của con người và vai trò của lòng bi mẫn trong việc hiện thực hóa sức khỏe và hạnh phúc. Những cấu trúc như vậy cũng giới hạn và cho phép các khả năng khác nhau để xác định, khái niệm hóa và trau dồi lòng bi mẫn.

Có thể hữu ích để chỉ ra một khác biệt xa hơn giữa những chương trình truyền thống Phật giáo và quán chiếu hiện đại . Trong khi các mô hình quán chiếu của Phật giáo tập trung rõ ràng vào các mục tiêu về sự cứu độ, thì các lý luận về những thích nghi thế tục đương đại về những mô thức này nhấn mạnh mục tiêu trị liệu để tăng cường sức khỏe và hạnh phúc. Mặc dù các mục tiêu cứu độ và trị liệu này không nhất thiết phải loại trừ lẫn nhau, nhưng các khuôn khổ như vậy, giới hạn và cho phép các khả năng khác nhau cho sức khỏe, chữa bệnh và chuyển hóa. Các trình bày thế tục vừa định hình một cách hàm súc và rõ ràng các mục tiêu của các chương trình, và như vậy, có khả năng ảnh hưởng đến động cơ của những người tham gia để thúc đẩy tham gia vào các hoạt động dựa trên lòng lòng bi mẫn.

CÁC Ý NGHĨA VÀ PHƯƠNG HƯỚNG TƯƠNG LAI

Những trình bày quan trọng. Chúng ảnh hưởng đến những gì dường như cả có thể và được cho phép, và có thể tác động đáng kể đến những cung cách mà lòng bi mẫn được khái niệm hóa và trau dồi. Theo cùng một cách mà các cấu trúc giáo thuyết Phật giáo hình thành và cung cấp cho các truyền thống quán chiếu hiện đại, các cấu trúc văn hóa và khoa học hiện đại khác nhau hình thành và hạn chế nội dung và phong cách thực hành được đưa vào các chương trình đương đại. Giống như khung hình của một bức tranh, các bố cục làm nổi bật những gì cần có mặt và những gì không nên tham dự vào khu vực mà chúng nâng lên hoặc đưa ra những khía cạnh nổi bật của kinh nghiệm hoặc một sự thực hành trong khi làm lu mờ những thứ khác.

Như chúng ta đã thấy, khái niệm về lòng bi mẫn khác nhau giữa các khuôn khổ quán chiếu truyền thống và hiện đại. Tương tự thế, các quan niệm về đau khổ, tự do, sức khỏe và hạnh phúc cũng khác nhau. Có lẽ quan trọng nhất, các mục tiêu thực hành thường khác nhau đáng kể. Do đó, thay vì chỉ đơn giản là đánh giá tính hợp lệ hoặc hiệu quả của các chương trình quán chiếu dựa trên lòng bi mẫn, thì chúng ta có thể bắt đầu xem xét ý nghĩa của các khuôn khổ khác nhau này trong việc phát triển sự xây dựng lòng bi mẫn và các phương pháp để nuôi dưỡng nó.

Do tính chất được bối cảnh hóa cao của việc thực hành, chúng ta không nên cho rằng có một phương cách tiếp cận phổ quát để trau dồi lòng bi mẫn có hiệu quả hoặc phù hợp với mọi cá nhân trong mọi bối cảnh. Cuối cùng, chúng ta nên cẩn thận đừng cho rằng một mô hình nào là “chính xác” hoặc “chánh thống.” Các mô tả quá đơn giản về các khung quán chiếu truyền thống và hiện đại, cũng như các cuộc tranh luận bẩm sinh và kiến tạo, cho phép chúng ta nhận thấy các tác động của các cấu trúc triết học, lý thuyết và lịch sử khác nhau đối với sự thực hành quán chiếu. Nó cũng giúp chúng ta nhanh chóng lập bản đồ các phong cách thực hành khác nhau để so sánh các chủ đề, cách tiếp cận và căng thẳng cụ thể.

Như đã nói trước đây, mục tiêu ở đây không phải là xác định truyền thống hay phong cách thực hành nào là đúng, mà là nhắc chúng ta tìm hiểu xem phong cách thực hành nào có hiệu quả hơn đối với những người khác nhau với các khuynh hướng khác nhau, hoặc ở các giai đoạn khác nhau trên con đường thực hành của họ. Đây là những tuyên bố có thể kiểm chứng bằng thực nghiệm và theo quan điểm của tôi là đáng để nghiên cứu. Nói cách khác, thay vì tìm kiếm phong cách thực hành nào hiệu quả nhất nói chung, hoặc giả sử rằng tất cả các phương pháp trên thực tế đều giống nhau, thì chúng ta có thể tìm hiểu sâu hơn về cách thực hành nào cho ai và trong bối cảnh nào và tại sao.

Ẩn Tâm Lộ, Tuesday, April 21, 2020

                  



[1] Cognitively-Based Compassion Training (CBCT)
[2] Compassion Cultivation Training (CCT)
[3] Sustainable Compassion Training (SCT)
[4] Loving-Kindness Meditation (LKM)
[5] Compassion meditation (CM)
[6] Sustainable Compassion Training (SCT)
[7] Mindfulness-Based Stress Reduction [MBSR]
[8] Call to Care
[9] Courage of Care Coalition

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét