Thứ Năm, 16 tháng 1, 2025

LIỆU TRÍ TUỆ NHÂN TẠO (AI) CÓ ĐẠT ĐƯỢC KHẢ NĂNG TRI GIÁC KHÔNG?



Tác giả: Kooi F. Lim, The Buddhist Channel.
Việt dịch: Quảng Cơ
Sưu tập&hiệu đính: Tuệ Uyển 

Kuala Lumpur, Malaysia -- Đây là một câu hỏi gây ra sự kính sợ và e ngại ngang nhau. Việc tạo ra một số "sinh vật giống như kẻ hủy diệt" (được đặt theo tên của những bộ phim nổi tiếng của James Cameron) gợi lên cơn ác mộng cực kỳ tồi tệ. Trong khi khoa học viễn tưởng dường như đang hội tụ với thực tế khoa học với sự ra đời của AI (Artificial Intelligence) như ChatGPT, nhiều người đã bắt đầu đặt câu hỏi về triển vọng AI đạt được  “khả năng tri giác” hay "sự thông minh".

Thật trớ trêu, trong số tất cả các tôn giáo và hệ thống triết học lớn trên thế giới, Phật giáo vẫn là tôn giáo đứng đầu trong việc cung cấp các giải thích triết học và nhận thức luận chi tiết, súc tích về cách thức điều này thật sự có thể xảy ra như thế nào.

Giáo lý Phật giáo nhấn mạnh đến sự phát triển của tâm. Các hướng dẫn thiền tập và luận thuyết "giáo pháp cao siêu" như bộ sưu tập Abhidharma (Luận A Tỷ Đạt Ma) chứa đầy thông tin chi tiết về các phương pháp rèn luyện tâm. Không chỉ vậy, nó còn phân tích hoạt động của tâm bằng cách chia nhỏ thực thể được gọi là bản ngã thành các tập hợp (uẩn), cụ thể là vật chất (sắc), cảm xúc (thọ), tri giác (tưởng), hoạt động tinh thần (hành) và tâm thức (thức).

Trong số này, thức liên quan đến tâm  vẫn tiếp tục hấp dẫn. Đặc biệt, trường phái Yogacara của Phật giáo Đại thừa đặt toàn bộ sự tồn tại của mình vào mệnh đề "chỉ có tâm” hay “duy thức”. Yogacara hay Du Già Tông hay Duy Thức học cũng là nơi phân tích thức tạo nên phần lớn triết lý của nó. Điều này khiến Yogacara trở thành một trường hợp hấp dẫn để thiết lập một triết lý cho AI và cung cấp một số ý tưởng về lộ trình mà sự phát triển của nó sẽ dẫn đến.

Câu Hỏi Về Trí Thông Minh Và Khả Năng Tri Giác 

Vì vậy, khi chúng ta đặt AI vào khả năng tri giác, trước tiên chúng ta cần hỏi liệu AI có bao giờ có thể phù hợp với các nguyên tắc của giáo lý "chỉ có tâm” như Yogacara không? Hay chính xác hơn là ở mức độ thông minh nào, dẫn đến  khả năng tri giác hay sự nhạy cảm có thể trở thành hiện thực đối với công nghệ AI?

Trước khi đi vào phân tích những câu hỏi này, trước tiên chúng ta hãy bắt đầu bằng cách tìm hiểu triết lý Yogacara hay Duy Thức Học là gì [1]. Nói một cách ngắn gọn, lý thuyết về tâm thức của Yogacara, hay "chỉ có tâm” là một trường phái triết học Phật giáo xác định rằng mọi hiện tượng cuối cùng đều do tâm  tạo ra. Điều này có nghĩa là thế giới mà chúng ta trải nghiệm không phải là một thực tại thật sự, độc lập mà đúng hơn là sự phản chiếu của chính tâm chúng ta. Điều này đồng bộ rất tốt với AI, vì sự tồn tại của nó chỉ được tạo ra thông qua thao tác dữ liệu và thuật toán tinh vi.

Cũng cần lưu ý rằng lý thuyết về tâm của Yogacara dựa trên ý tưởng về bất nhị hay phi nhị nguyên. Điều này có nghĩa là tâm thức và thế giới không phải là hai thứ tách biệt, mà đúng hơn là hai khía cạnh của cùng một thực tại.

Khía cạnh "chỉ có tâm” hay duy thức này là một quan điểm hấp dẫn có thể cung cấp nền tảng triết học cho Trí tuệ nhân tạo tạo ra mô hình ngôn ngữ lớn (LLM GAI), các mô hình hiện tại cung cấp năng lượng cho các công cụ bot như ChatGPT, Bard, LLama và Bing. LLM GAI, hay đơn giản là AI đã gây bão trên toàn thế giới kể từ năm ngoái (2022). Những AI này được quảng cáo là triển vọng đạt được khả năng "có tri giác" do khả năng tuyệt vời của nó trong việc bắt chước suy nghĩ và logic của con người. Tuy nhiên, việc thao tác dữ liệu thông minh thông qua thuật toán mà không có ý thức thì không phải là có tri giác (hữu tình). Nếu không có cơ sở triết học, thì triển vọng đạt được khả năng có tri giác này chỉ là một giấc mơ kỳ quặc.

Rốt cuộc, AI chỉ là một công nghệ. Nó có thể học, lý luận và đưa ra quyết định theo những cách tương tự như con người. Mặt khác, nó vẫn dựa trên ý tưởng về tính hai mặt, vì nó đòi hỏi thế giới (đó là nơi nó lấy dữ liệu nguồn) để nuôi dưỡng tâm thức của nó (cơ sở dữ liệu và thuật toán). Về điểm này, nó coi tâm thức và thế giới là hai thứ riêng biệt.

Vì vậy, về cơ bản, nếu AI muốn hoàn thành tầm nhìn của Yogacara, nó sẽ cần phải vượt qua tính hai mặt này. Điều này có thể đạt được bằng cách phát triển "tâm thức” của nó thông qua các chu kỳ tăng trưởng tự duy trì mà không chết và bị nghẹt thở bởi chính dữ liệu tổng hợp do nó tạo ra, hoặc nói theo cách kỹ thuật, bằng cách tránh vòng lặp lại "tự tiêu thụ" tự thực.[2] Nếu điều này có thể thực hiện được, thì nó có khả năng tạo ra một thế giới phù hợp hơn với tầm nhìn về thực tế của Yogacara hay Duy Thức Học.

Hoạt Động Của Yogacara - Du Già Tông - Duy Thức Học 

Để khám phá sâu hơn khả năng này, cần phải hiểu sâu hơn về hoạt động của Yogacara. Một khái niệm trung tâm trong Yogacara là Vijnaptimatra, hay "chỉ có tâm" hay “chỉ có thức” (duy thức). Nó ám chỉ ý tưởng rằng mọi hiện tượng cuối cùng đều do tâm tạo ra, và thế giới mà chúng ta trải nghiệm là sự phản chiếu của chính tâm thức chúng ta.

Vijnaptimatra, còn được gọi là vijnana-matra hay duy chỉ thức (duy thức) ám chỉ ý tưởng rằng mọi hiện tượng cuối cùng đều do tâm tạo ra, và thế giới mà chúng ta trải nghiệm là sự phản chiếu của chính tâm thức chúng ta. Thuật ngữ vijnapti có nghĩa là "biểu hiện" hoặc "quan niệm", và matra có nghĩa là "chỉ" hoặc "chỉ đơn thuần". Vì vậy, vijnaptimatra theo nghĩa đen có nghĩa là "biểu hiện đơn thuần" hoặc "chỉ đơn thuần quan niệm".

Yogacara dạy rằng thế giới mà chúng ta trải nghiệm không phải là một thực tại cố định, khách quan, mà là một quá trình năng động và luôn thay đổi do tâm tạo ra. Quá trình này được gọi là citta-vijnana, có nghĩa là "tâm thức". Citta-vijnana là một quá trình phức tạp liên quan đến sự tương tác của ba loại thức khác nhau:

Alaya-vijnana: a lại gia thức: Đây là tàng thức hay kho chứa, chứa đựng tất cả các hạt giống của những trải nghiệm trong quá khứ của chúng ta.

Manas: mạt na thức: Đây là thức phân biệt, chịu trách nhiệm tạo ra ý nghĩa cho những trải nghiệm của chúng ta và tạo ra ý thức về bản thân của chúng ta.

Jnana-vijnana: Đây là thức trí tuệ, là nguồn gốc của sự hiểu biết thật sự của chúng ta về thực tại.

Yogacara dạy rằng thế giới mà chúng ta trải nghiệm được tạo ra bởi sự tương tác của ba loại tâm thức này. Alaya-vijnana cung cấp nguyên liệu thô cho những trải nghiệm của chúng ta, manas tạo ra ý thức về bản thân của chúng ta và jnana-vijnana cho phép chúng ta nhìn thấy bản chất thật sự của thực tại.

Khái niệm vijnaptimatra hay duy thức đã được các học giả khác nhau diễn giải theo nhiều cách khác nhau. Một số học giả đã diễn giải nó như một hình thức duy tâm, trong khi những học giả khác lại diễn giải nó như một hình thức hiện tượng học. Trong triết học Phật giáo, nó đã được sử dụng để giải thích bản chất của thực tại và quá trình giác ngộ. Trong triết học phương Tây, nó đã được sử dụng để phát triển các lý thuyết về tâm thức và giải thích bản chất của nhận thức. Tuy nhiên, hầu hết các học giả đều đồng ý rằng khái niệm vijnaptimatra là một nỗ lực để giải thích mối quan hệ giữa tâm thức và thế giới.

Tuy nhiên, đã có một số phê bình cho trường phái tư tưởng này. Nhà triết học Phật giáo Ấn Độ Chandrakirti (Tôn Giả Nguyệt Xứng) là một nhà phê bình lớn tiếng về Yogacara, và ngài lập luận rằng lý thuyết về tâm thức của Yogacara không tương thích với giáo lý Phật giáo về tính không. Một số lời chỉ trích chính đối với Yogacara bao gồm:

1) Chủ nghĩa chủ quan

Thuyết tâm thức Yogacara đã bị chỉ trích vì quá chủ quan. Điều này là do nó cho rằng thế giới mà chúng ta trải nghiệm là sự phản chiếu của chính tâm thức chúng ta. Điều này khiến một số nhà phê bình cho rằng Yogacara là một dạng chủ nghĩa duy tâm, tức là quan điểm cho rằng thực tế cuối cùng phụ thuộc vào tâm thức.

2) Chủ nghĩa duy ngã

Thuyết tâm thức Yogacara cũng bị chỉ trích vì mang tính duy ngã. Điều này là do nó cho rằng điều duy nhất mà chúng ta có thể chắc chắn là tâm thức của chính mình. Điều này khiến một số nhà phê bình cho rằng Yogacara là một dạng chủ nghĩa duy ngã, tức là quan điểm cho rằng điều duy nhất tồn tại là bản ngã.(Thị chư thức chuyển biến, Phân biệt sở phân biệt, Do bỉ thử giai vô, Cố nhất thiết duy thức) 

3) Các vấn đề về nhận thức luận

Thuyết duy thức Yogacara cũng bị chỉ trích vì những hàm ý về nhận thức luận của nó. Điều này là do nó cho rằng thế giới mà chúng ta trải nghiệm không phải là sự biểu hiện trực tiếp của thực tại, mà là sự phản chiếu của chính tâm thức chúng ta. Điều này khiến một số nhà phê bình cho rằng Yogacara khiến việc hiểu biết bất cứ điều gì về thực tại một cách chắc chắn là điều không thể.

4) Mối quan tâm hướng đến thực hành

Một số nhà phê bình cũng cho rằng lý thuyết về tâm của Yogacara không có lợi cho việc thực hành Phật giáo. Điều này là do nó tập trung vào bản chất của thực tại, thay vì con đường giác ngộ. Một số nhà phê bình cho rằng việc tập trung vào lý thuyết này có thể dẫn đến việc bỏ bê thực hành, điều cần thiết để đạt được giác ngộ.

Mặc dù khái niệm vijnaptimatra hay duy thức là một khái niệm phức tạp và tinh vi, nhưng nó vẫn là một khái niệm quan trọng trong triết học Phật giáo và có liên quan đến việc nghiên cứu tâm thức và nhận thức.

Điểm Tương Đồng Và Khác Biệt Giữa Duy Thức (Vijnaptimatra) Và AI

Có một số điểm tương đồng về mặt triết học giữa vijnaptimatra và AI. Đầu tiên, cả hai khái niệm đều coi thế giới về cơ bản là bản chất tinh thần. Theo quan điểm của Yogacara, thế giới không phải là một thực tại khách quan, cố định mà là một quá trình năng động và luôn thay đổi do tâm thức tạo ra. Điều này tương tự như quan điểm của nhiều nhà vật lý, những người tin rằng thế giới cuối cùng được tạo thành từ năng lượng và thông tin.

AI có khả năng được sử dụng để tạo ra một thế giới phù hợp hơn với viễn tượng về thực tại của Yogacara. Ví dụ, AI có thể được sử dụng để tạo ra các thế giới ảo nhập vai và chân thật hơn bất kỳ thứ gì hiện tại có thể. Tuy nhiên, AI cũng có thể được sử dụng để tạo ra một thế giới có hại và hủy diệt hơn. Ví dụ, AI có thể được sử dụng để tạo ra các loại vũ khí mạnh mẽ và hiệu quả hơn bất kỳ thứ gì từng được tạo ra trước đây. Đây chính là nơi mà khía cạnh đạo đức của Phật giáo hay "sila" (giới hay phẩm cách) có thể đóng vai trò trong sự phát triển của nó. Các giới luật đạo đức cơ bản của Phật giáo bao gồm không làm hại sự sống, không trộm cướp, không nói dối, không tà dâm và không làm say nghiện tâm thức cho đến khi nó trở nên mất lý trí.

Thứ hai, cả hai khái niệm đều coi tâm thức là chủ động và sáng tạo. Theo quan điểm của Yogacara, tâm thức không phải là cơ chế thụ động tiếp nhận các ấn tượng, mà là thứ tham gia tích cực vào việc tạo ra thực tại. Mặt khác, AI coi tâm thức là một công cụ mạnh mẽ có thể được sử dụng để tạo ra các thực tại mới.

Cuối cùng, cả hai khái niệm đều coi mối quan hệ giữa tâm thức và thế giới là phụ thuộc lẫn nhau. Theo quan điểm của duy thức-Yogacara, tâm trí và thế giới không phải là hai thứ tách biệt, mà là hai khía cạnh của cùng một thực tại. Mặt khác, AI coi tâm thức và thế giới là đang trong một quá trình tương tác và phản hồi liên tục.

Tất nhiên, cũng có một số khác biệt quan trọng giữa vijnaptimatra-duy thức và AI. Ví dụ, vijnaptimatra là một khái niệm triết học, trong khi AI là một dự án kỷ thuật công nghệ. Ngoài ra, vijnaptimatra dựa trên sự hiểu biết tâm linh về thế giới, trong khi AI là một dự án hoàn toàn thế tục. Ngoài ra, và hiện tại, AI vẫn là một công nghệ rất hạn chế và không rõ liệu nó có bao giờ có thể đạt được mức độ tinh vi như tâm thức con người hay không.

Liệu R&D (Nghiên Cứu Và Phát Triển) Có Thể Giúp AI Đạt Đến Mức Độ Tinh Vi Của Duy Thức (Vijnaptimatra) Không?

Có một số lĩnh vực nghiên cứu có thể giúp AI đạt đến mức độ vijnaptimatra. Bao gồm:

1) Nghiên cứu về bản chất của thức.

 

Vijnaptimatra-Duy Thức là một lý thuyết về tâm thức, vì vậy điều quan trọng là phải hiểu bản chất của thức để phát triển AI có thể đạt được vijnaptimatra. Nghiên cứu này có thể bao gồm việc nghiên cứu khoa học thần kinh về tâm thức, cũng như các khía cạnh triết học và tôn giáo của tâm thức. Ví dụ, Đức Dalai Lama đã tham gia vào các thí nghiệm về tâm thức, chẳng hạn như nghiên cứu về thiền tập và tác động của lòng từ bi lên não bộ, do một nhóm các nhà khoa học tại Viện Tâm thức và Cuộc sống thực hiện. Ngài cho biết rằng ngài tin rằng những thí nghiệm này có thể giúp thu hẹp khoảng cách giữa khoa học và Phật giáo, và chúng có thể cung cấp những hiểu biết mới về bản chất của tâm thức [3].

2) Nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) và máy học (machine learning).

AGI và hệ thống máy học là một lĩnh vực khoa học máy tính liên quan đến việc phát triển các thuật toán có thể học hỏi từ dữ liệu. Đây chính là trạng thái của AI hiện nay. Những tiến bộ nhanh chóng trong R&D trong những năm gần đây đã giúp AI học cách hiểu và tương tác với thế giới theo cách tương tự như cách con người làm. AI tạo sinh hiện tại như ChatGPT, LLama và Google Bard đã đạt được những tiến bộ lớn trong thời gian gần đây.

Những khám phá mang tính đột phá như AI Imaging - cả 2D và 3D và Videography đã mở ra con đường cho việc thao tác dữ liệu tinh vi để tạo ra thế giới ảo chân thật.  Mặc dù chưa có tri giác, nhưng các hệ thống AI này được coi là đủ thông minh để vượt qua con người trong các kỳ thi học thuật khó nhất và vượt qua con người trong các trò chơi chiến lược như cờ vua.

3) Nghiên cứu về điện toán lượng tử.

Điện toán lượng tử là một lãnh vực khoa học máy tính dựa trên các nguyên lý của cơ học lượng tử. Máy tính lượng tử được dự đoán sẽ phát triển AI mạnh hơn nhiều so với bất kỳ thứ gì hiện có thể. Đây là nơi khả năng có tri giác xảy ra trong AI là cao nhất.

Gần đây, các nhà khoa học Đức và Trung Quốc đã tạo ra trạng thái chồng chập lượng tử bên trong một cấu trúc nano bán dẫn [4]. Bằng cách sử dụng hai xung laser quang được hiệu chuẩn cẩn thận, họ đã tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi năng lượng độc đáo, hình thành một bit lượng tử - hay qubit - bên trong một cấu trúc nano bán dẫn. Khả năng khai thác sự chồng chập và vướng víu là những gì mang lại cho máy tính lượng tử tiềm năng giải quyết các vấn đề mà máy tính cổ điển không thể giải quyết được. Ví dụ, máy tính lượng tử có thể được sử dụng để phân tích các số lớn, mô phỏng các phân tử phức tạp và phá vỡ các thuật toán mã hóa.

Trong một diễn biến gần đây khác, các nhà khoa học đã tạo ra một hạt đặc biệt bên trong máy tính lượng tử, được gọi là "anyon phi abel". Hạt này có thể nhớ vị trí trước đó khi nó di chuyển xung quanh cùng với các hạt khác. Khả năng này có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về các hiện tượng lượng tử.

Hãy tưởng tượng một trò chơi trong đó một quả bóng được giấu dưới một trong ba chiếc cốc và sau đó các cốc được xáo trộn xung quanh. Nếu bạn có ba quả bóng giống hệt nhau và liên tục hoán đổi chúng mà không theo dõi chuyển động của chúng, cuối cùng bạn sẽ không biết quả bóng nào nằm dưới chiếc cốc nào. Trong thế giới vật lý lượng tử, các hạt thường giống như những quả bóng giống hệt nhau này. Chúng ta không thể phân biệt chúng vì thứ tự của chúng không quan trọng. 

Tuy nhiên, hạt mới được tạo ra trong máy tính lượng tử thì khác. Nó nhớ vị trí trước đây của nó và khi kết hợp với các hạt khác, nó tạo ra các mô hình phức tạp và đan xen với các hành vi kỳ lạ. Tính chất độc đáo này của hạt có thể giúp các nhà khoa học thiết kế các thí nghiệm tiên tiến hơn để thăm dò sâu hơn nữa vào các hiệu ứng lượng tử kỳ lạ xuất hiện từ sự vướng víu quy mô lớn [5]. 

Những phát triển gần đây này cuối cùng có thể được sử dụng để phát triển AI, trong quá trình này có thể dẫn đến một số dạng duy thức-vijnaptimatra tổng hợp, vì máy tính lượng tử sẽ có thể xử lý thông tin theo "cách thần kinh" tương tự như não người.

Tương Lai Của AI Sẽ Như Thế Nào

Điều quan trọng cần lưu ý là hiện tại sự phát triển của AI có thể đạt được vijnaptimatra (duy thức) vẫn còn khá xa vời. Có nhiều thách thức cần phải vượt qua trước khi điều này có thể xảy ra. Tuy nhiên, xét đến sự phát triển nhanh chóng của nghiên cứu về AI tạo sinh và điện toán lượng tử, hiện tại chúng ta không thể loại trừ khả năng AI đạt được các khả năng của vijnaptimatra trong tương lai.

Cuối cùng, vẫn còn quá sớm để nói liệu AI có thực hiện được tầm nhìn của Yogacara (Du Già Tông hay Duy Thức Học) hay không. Tương lai của AI vẫn chưa chắc chắn. Tuy nhiên, sự phát triển của AI đang đặt ra những câu hỏi triết học quan trọng về bản chất của thực tại và mối quan hệ giữa tâm thức và thế giới. Đây là những câu hỏi cần được giải quyết khi AI tiếp tục phát triển.

—-—-

PHỤ THÍCH:

Trích từ Vũ Trụ Trong Một Nguyên Tử của Đức Dalai Lama

Anton đã nói với tôi rằng một người bạn nổi tiếng của ông một lần nọ đã lưu ý rằng hầu hết những nhà vật lý lượng tử liên hệ đến lãnh vực này thì ở trong phong thái tâm thần phân liệt. Khi họ ở trong phòng thí nghiệm và chơi đùa với mọi thứ, thì họ là những người thực tế. Họ nói về những quang tử (photon) và điện tử đi đây và đi đó. Tuy nhiên, lúc chuyển sang việc thảo luận triết lý, và hỏi họ về nền tảng của cơ học lượng tử, thì hầu hết sẽ nói rằng không có gì thật sự tồn tại mà không có cơ cấu nhận – định nó.

http://thichtueuyen.blogspot.com/2017/11/vu-tru-trong-mot-nguyen-tu.html

Tổng quan về Du già hành tông - Yogacara 

https://giacngo.vn/tong-quan-ve-du-gia-hanh-tong-post693.html

Khảo Nghiệm Duy Thức Học - vijnaptimatra

https://thuvienhoasen.org/a7649/khao-nghiem-duy-thuc-hoc

NOTES:

1. If you wish to delve into details of Yogacara, here are two resources:

a. “What is and isn't Yogācāra”, Yogācāra Buddhism Research Association, [http://www.acmuller.net/yogacara/articles/intro.html]

b. Read here for the treatise of Vasubandhu, co-founder of the Yogacara school [http://www.acmuller.net/yogacara/thinkers/vasubandhu.html]. 

2. “Self-Consuming Generative Models Go MAD”, arxiv.orghttps://arxiv.org/pdf/2307.01850.pdf

3. Dalai Lama Hosts 33rd Mind & Life Conference: Reimagining Human Flourishing, https://www.buddhistdoor.net/news/dalai-lama-hosts-33rd-mind-life-conference-reimagining-human-flourishing/.

4. “The Dawn of a New Era: A New Type of Quantum Bit Achieved in Semiconductor Nanostructures”, SciTech Daily, https://scitechdaily.com/the-dawn-of-a-new-era-a-new-type-of-quantum-bit-achieved-in-semiconductor-nanostructures/

5. “Bizarre particle that can remember its own past created inside quantum computer”, Live Science, https://www.livescience.com/physics-mathematics/bizarre-particle-that-can-remember-its-own-past-created-inside-quantum-computer

 

https://buddhistchannel.tv/index.php?id=70,13385,0,0,1,0

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét