Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2024

Chương 1: Giới Thiệu



S HP NHT CA ĐI LC VÀ TÁNH KHÔNG
Giáo  Huấn Về Sự Thực Hành Đạo Sư Yoga

Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma
Anh dịch: Thupten Jinpa
Việt dịch: Tuệ Uyển
***
Nguyên khởi của những hướng dẫn trong sự thực hành Lama Chopa (Nghi Thức Cúng Dường Đạo Sư) này bắt nguồn từ mật điển gọi là Kim Cang Thực Thiên (Vajramala), mà trong ấy quán tưởng những bổn tôn của mandala trên thân thể của đạo sư được giải thích theo mật điển Guhyasamaja (Bí Mật Tập Hội) vì sự thực tập toàn bộ ba bổn tôn Yamataka, Guhyasamaja, Heruka có công đức và thuận lợi lớn, thế nên Lama Chopa giải thích làm việc ấy như thế nào trên căn bản của việc thực hành đạo sư yoga này. Việc thực hành thật sự được giải thích trên căn bản của Guhyasamaja, những sự thực tập sơ bộ như tự tạo được giải thích trên căn bản của Yamataka, và việc tiến hành những cúng dường và v.v... được giải thích theo Heruka. Đạo sư yoga này được lan rộng trong hệ thống Gelug – rất nhiều đến nổi hầu như mọi người thông hiểu nó từ tâm khảm – và cung cách mà trong đó nó được thực hiện là thống nhất. Trong những truyền thống khác, có những cung cách khác để thực hành đạo sư yoga, chẳng hạn như hệ thống Ngor của truyền thống Sakya, và những truyền thống khác.

Đã được thân người quý giá và đã nhận được quán đảnh, thì chúng ta nên tuân theo các lời nguyện và lời hứa một cách thích đáng và dấn thân trong con đường mật tông nhằm để hiện thực những thể trạng thành tựu được phú cho với bảy đặc trưng của bổn tôn và phối ngẫu của ngài đối diện với nhau(1). Phương pháp để thành tựu việc này được giải thích bởi
Panchen Lama Lozang Chokyi Gyaltsen(2) được giải thích trong thi kệ cuối của Lama Chopa.

Đã khẩn cầu như vậy, hãy cầu nguyện ban cho thỉnh cầu này,
Ôi những đạo sư tối thượng:
Vì thế các ngài có thể gia hộ cho con, hạnh phúc bừng lên trên đỉnh đầu của con
Và một lần nữa đặt đôi bàn chân rực sáng vững chắc của ngài
Tại vòng hoa của hoa sen trái tim của con.


Chúng ta phải cầu nguyện một cách nhiệt thành đến đạo sư bằng việc tiếp nhận sự thực hành đạo sư yoga như sinh mệnh của con đường, qua việc thực hành này và con đường chúng ta có thể hiện thực thân thể huyền ảo thuần khiết(3) và linh quang đầy ý nghĩa(4), là những nhân tố đưa các hành giả đến Phật Quả thành tựu. Do thế những môn đồ của Lama Tsongkhapa theo truyền thống tiếp nhận sự thực hành đạo sư yoga như sinh mệnh của con đường và thực hiện một sự thực tập vốn hợp thành một thể thống nhất ba bổn tôn Yamataka, Guhyasamaja, Heruka.

Bổn tôn thiền quán Yamataka là phương diện phẫn nộ của Văn Thù Sư Lợi. Thông thường, được xem như là cha, mẹ và cũng là con của chư Phật. Văn Thù Sư Lợi đã phát khởi thành một phương diện phẫn nộ gọi là Yamataka, bởi vì qua giai đoạn khởi đầu của sự thực tập, những nhân tố như tính năng tinh thần, tích lũy công đức, sức mạnh nỗ lực, sự thuận lợi của các điều kiện, những hoàn cảnh bất lợi. Trong những cấp độ này ngay cả một chướng ngại sơ sài cũng tạo ra một sự tổn hại lớn đến hành giả. Điều đáng chú ý của sự thực tập Yamataka là trên căn bản của sự tăng trưởng của tuệ trí nhận thức tánh không hành giả sẽ được bảo vệ khỏi những chướng ngại bên trong và bên ngoài. Do vậy sự thực hành Yamataka là quan trọng.

Sự thực tập Guhyasamaja được xem như con đường thật sự. Có hai hệ thống hay hai trường phái được biết như trường phái Arya và trường phái Janapata tiến triển ở Ấn Độ. Trong hệ thống Arya có nhiều phân chia tùy theo bổn tôn trung tâm đặc thù của mandala. Bổn tôn chính là Guhyasamaja Akshobhya; Long Thọ đã viết nhiều luận bản về điều này, kể cả một văn bản rất thậm thâm trong giai đoạn phát sinh Pindikrita Sadhana (Cốt Tủy Của Những Phương Tiện Thành Tựu) trình bày sự thực hành tiếp nhận ba thân(5) đi vào con đường. Nó trình bày chủ đề chính của mật điển Guhyasamaja gốc căn cứ trên việc diễn dịch mật điển Giảng Giải Vajramala. Thí dụ, tiến trình rút khỏi “những bổn tôn quán tưởng đặc thù” trong giai đoạn tiếp nhận sự chết vào trong con đường như thân thể chân thật được giảng giải rất tốt trong tiến trình tan rả của hai mươi lăm hiện tượng thô(6). Sự thực tập này đã được sự thuận lợi bổ sung khi hành giả phát khởi vào trong thân thể hưởng thụ, chúng sanh nguyên sơ, qua trình tự của năm sự sáng tỏ, adhishambodhi(7). Có nhiều sự hướng dẫn khác nhau về việc thiền quán ba thân, như được trình bày trong nhiều nghi thức khác nhau và mặc dù tất cả chứa đựng những đặc trưng khác nhau trong dạng thức hoàn thiện và phục vụ cùng mục đích chúng cũng có những đặc điểm cá biệt.

Vì Guhyasamaja nhấn mạnh sự thực tập thân huyển ảo, nên nó có một sự thực tập rất đặc biệt của thể trạng trung ấm vào trong con đường như thân hưởng thụ. được giải thích. Bằng việc so sánh, trong những thực tập như Heruka, mặc dù sự thực tập của việc tiếp nhận thể trạng trung ấm vào con đường được giải thích, nó được hoàn tất hoàn toàn tuyệt đối trên căn bản của việc quán tưởng những tự mẫu âm tiết và những biểu tượng của bàn tay trong những kinh mạch. Trong sự thực tập Yamantaka, khi hành giả mang thể trạng trung ấm vào con đường như thân hưởng thụ, sự thực hành của những gì được gọi là bậc thủ trì kim cang nhân được giải thích, từ nơi hành giả phát khởi như Văn Thù Sư Lợi. Nhưng khi chúng ta thật sự sinh khởi vào trong thân huyển ảo trong giai đoạn hoàn thành giống như ngài được nhắc lại trong giai đoạn phát sinh. Trong Heruka, mặc dù hành giả phát sinh như một nadi (kinh mạch) trong giai đoạn phát sinh, vốn phục vụ cho mục tiêu là một nhân tố chín muồi cho giai đoạn hoàn thành, thì hành giả thật sự sinh khởi trong hình tướng của chủ tể Heruka và phối ngẫu ở giai đoạn hoàn thành.

Cho nên, mặc dù trong những mật điển như Heruka và Yamantaka những kỷ năng cho việc hiện thực thân huyển ảo được giải thích, ớ đó chúng được quan tâm hơn như những nhân tố chín muồi. Sự thực hành thật sự được hoàn tất trong căn bản của việc quán tưởng những kinh mạch, tuyến năng lực trong cơ thể, và v.v... Nhưng trong Guhyasamaja được Long Thọ giải thích trong Pindikrita Sadhana của ngài. Việc đem thể trạng trung ấm vào con đường như thân hưởng thụ được hoàn tất của tự thân sinh khởi vào trong  Đức Phật Nguyên Sơ. Đây là một nhân tố chín muồi vốn tương tự trong đặc trưng đối với thân huyển ảo thật sự của giai đoạn hoàn thành, sự khác biệt chỉ là có sự hiện diện hay vắng mặt của phối ngẫu. Điều tương tự này sẽ là thuận lợi lớn trong những giai đoạn của ba sự cách ly(8) và của chính tự thân huyển ảo bởi vì hành giả sinh khởi vào trong hình thể của chính bổn tôn mà hành giả đã trau dồi một cách quen thuộc vô cùng trong giai đoạn phát sinh. Ngay cả trong giai đoạn phát sinh thì có một sự quan trọng đặc biệt, bởi vì phần quan trong nhất của giai đoạn phát sinh là sự thực tập về ba thân. Điều này cho thấy rằng sự thực tập Guhyasamaja là nền tảng.

Nhằm để có một sự thực tập thích đáng, hay cao độ, đầy đủ nhất về ba thân – đó là sự thực chứng giai đoạn hoàn thành – thì nhất thiết phải có kinh nghiệm của linh quang, và nó được sinh ra bởi sự phát sinh đại lạc trong sự tương tục của hành giả. Những kỷ năng cho việc phát sinh đại lạc được nói trong mật điển Heruka gốc. Tiến trình của việc tan chảy tâm bồ đề vào đỉnh đầu và trải nghiệm bốn hoan hỉ ở những bộ phận đặc thù của thân thể được giải thích trong Heruka và vô song. Khi tâm bồ đề, cội nguồn của đại lạc, tan chảy, và chảy xuống những điểm quan trọng của thân thể nơi những mantra đặc thù đánh dấu đã được quán tưởng, và nấn ná lại trong một lúc. Vì vậy hành giả đạt được một năng lực đặc biệt để tăng trưởng kinh nghiệm của đại lạc và mang đến một kinh nghiệm ổn định về linh quang. Năng lực của yoga nội tại này cũng có tác động trong quá trình gặp gỡ một phối ngẫu thích hợp và đủ phẩm chất. Cho nên hành giả làm phong phú sự thực tập của mình về ba thân qua Heruka và vì thế làm cho sự thực tập của hành giả hoàn thiện hơn; nó cũng làm nhanh hơn những thực chứng của hành giả. Do thế, sự thực tập Heruka được tiếp nhận như một nhân tố hỗ trợ cho sự thực tập Guhyasamaja. Guhyasamaja như con đường thật sự, Heruka là nhân tố hỗ trợ, và Yamantaka là sự chuẩn bị sơ bộ, năng lực vượt thắng những chướng ngại. Cho nên, nếu ba sự thực hành này được tiến hành như một thể thống nhất với những hiểu biết về những đặc trưng cá biệt duy nhất của chúng là rất tuyệt vời. Nhưng ý nghĩa thật sự của việc thực hành ba bổn tôn bất khả phân này diễn ra trong giai đoạn hoàn tất.

Thêm nữa, tất cả ba sự thực hành này phải được thực hiện trên căn bản của việc tiếp nhận đạo sư yoga như sinh mệnh của con đường. Vì đạo sư là lãnh vực tối thượng của công đức, cho nên có một đạo sư yoga vào lúc khởi đầu của hầu hết tất cả những nghi thức của những đạo sư Ấn Độ. Điều này cho thấy tầm quan trọng của sự thực hành đạo sư yoga. Trong một ý nghĩa sâu xa hơn, ngay cả sự thực hành ba thân cũng thiết yếu là một sự thực hành đạo sư yoga bởi vì trong toàn bộ sự thiền tập hành giả xem bổn tôn thiền quán như bất khả phân với đạo sư. Tuy thế, khi hành giả tiến hành thực tập tích lũy công đức và tịnh hóa những tiêu cực đặc biệt trên căn bản của đạo sư yoga thì phải có một năng lực rất đặc biệt; vì thế những nghi thức có những sự thực hành đạo sư yoga riêng biệt vào lúc khởi đầu.

Mặc dù trường hợp là như vậy, nhưng trong sự thực hành đạo sự yoga Tây Tạng rất phổ biến và nhấn mạnh rất nhiều rằng có những cẩm nang dành riêng cho từng thứ. Đây là trường hợp cho mỗi trường phái trong bốn truyền thống chính của Phật Giáo Tây Tạng. Có nhiều cẩm nang khác nhau, chẳng hạn như văn bản này Lama Chopa, mỗi thứ trình bày một sự thực hành đạo sư yoga khác nhau. Sự nổi bật hay cần thiết của nó, là một hành giả phải được rèn luyện trong một con đường như vậy nhằm để làm thấm đẫm tâm thức khô khan của một người và thuần hóa nó qua sự gia hộ của đạo sư. Nhưng tôi nghĩ rằng chỉ đơn thuần đọc tụng những từ ngữ của một văn bản thôi thì không thể thuần  hóa tâm thức chúng ta, điều này đòi hỏi sự truyền cảm hứng phải đến qua một năng lực sống động trong hình thể của một đạo sư. Mặc dù bổn tôn thiền quán có năng lực lớn, và cũng thế chư Phật có những phẩm chất cao siêu, nhưng chúng ta không có khả năng để thấy và các ngài không có thể trực tiếp đến gần chúng ta được. Nhưng sự trao truyền hoàn toàn của cả những sự thực hành thậm thâm và phổ quát đã cho chúng ta ở trong một dòng truyền thừa không gián đoạn, bắt đầu từ chính  Đức Phật, bởi những đạo sư gốc của chúng ta. Trong những đạo sư gốc mà chúng ta có thể là những người bình thường, Bồ tát, và v.v... nhưng bất kể các ngài là gì (thánh nhân hay phàm nhân), thì về phần chúng ta chúng ta phải xem các ngài như thật sự là những Vajradhara (Kim Cang Trì), và là cội nguồn của sự cảm hứng. Chúng ta sẽ tiếp nhận những sự gia hộ và cảm hứng phù hợp với vấn đề chúng ta có thể đặt nền tảng cho sự thực tập của chúng ta tốt đẹp như thế nào trên một quan điểm như vậy. Do vậy, sự thực đạo sư yoga là cực kỳ quan trọng. Khi những môn đồ Gelug thực hành đạo sư yoga thì rất lợi lạc và đặc biệt quan trọng là nó được đặt trên căn bản của việc thấy đạo sư gốc của chính mình như bất khả phân với Lama Tsongkhapa.

Tôi nghĩ rằng ở Ấn Độ không có một văn bản riêng biệt dành cho sự thực hành đạo sư yoga, mặc dù bạn sẽ thấy trong nhiều nghi thức Ấn Độ một đạo sư yoga vào lúc khởi đầu, vì mục tiêu tích lũy công đức. Tuy nhiên, có nhiều sự thực hành đạo sư yoga. Trong hệ thống Gelug, có một tài liệu gọi là Khedup Chikyu (Dòng Truyền Thừa Đơn Độc Qua Khedup Chikyu Rinpche) vốn liên hệ rất nhiều đến những văn bản về thiền quán tánh không, và một văn bản khác qua Jetsun Sherab Senge gọi là Gaden Lhagyama (Một Trăm Bổn Tôn Của Hoan Hỉ Địa) từ dòng truyền thừa Segyu. Đây là những sự thực hành đạo sư yoga hợp thành một thể rất thống nhất nhưng không đòi hỏi sự tiếp nhận quán đảnh vào trong Tantra Yoga tối thượng (Vô Thượng Du Già). Cũng có một văn bản qua Togden Jampel Gyatso và Baso Chokyi Gyaltsen được biết như Sự Trao Truyền Thì Thầm Qua Tai (Ear-Whispered Transmission). Dòng sau là dòng truyền thừa Lama Chopa. Những thứ phổ biến rộng rãi nhất được biết như những đạo sư yoga liên hệ với Lama Tsongkhapa là Lama Chopa và Gaden Lhagyama. Có thể cũng có những đạo sư yoga của những dòng truyền thừa khác, nhưng ba dòng ở trên được biết một cách rộng rãi nhất. Trong những dòng truyền thừa đạo sư yoga đa dạng này thì Lama Chopa là rất thậm thâm và toàn diện, sự thực hành này đòi hỏi sự quán đảnh vào trong Tantra Yoga tối thượng.

Đối với những hành giả như chính chúng tôi, những người chưa đạt được sự thực chứng hoàn toàn của con đường thông thường, nhưng qua sự ân cần của đạo sư đã đủ may mắn để tiếp nhận sự quán đảnh cao cấp để tiếp cận sự thực hành đạo sư yoga liên hệ với mật tông, thật rất tuyệt vời những sự thực tập Lamrim (tu tập thứ lớp), Lojong (chuyển hóa tâm), và đạo sư yoga và cũng là những sự thực tập của giai đoạn phát sinh và hoàn thành trong tất cả trong sự liên hệ với sự thực hành Lama Chopa. Trong sự thực hành này, hành giả trước tiên phát khởi mình hướng về bổn tôn và vì vậy đối ngược với những nhận thức và hiện tướng thông thường, sau đó quán tưởng những lãnh vực công đức tiếp theo với những bổn tôn mandala trên thân thể của đạo sư. Như đã được nêu lên ở trên, khuôn thức chung của văn bản này là đạo sư yoga được giải thích trong các mật điển: sự thực tập này bao hàm những đặc trưng đặc biệt của con đường mật tông chẳng hạn như sự thiền quán về bốn tịnh hóa hoàn toàn (9). Những điểm thiết yếu của giai đoạn phát sinh, chẳng hạn như ba thân, được giải thích, như những điểm thiết yếu của giai đoạn hoàn thành. Văn bản cũng thảo luận những khía cạnh của con đường thông thường, chẳng hạn như những thực tập về ba phạm vi, và những điểm thiết yếu của sự thực hành chuyển hóa tâm. Vì vậy đó là sự thực hành rất rộng rãi và thống nhất. Lama Chopa có một sự trao truyền cảm hứng không gián đoạn, tuy thế lại rất dễ dàng thực hành. Đó là một sự thực tập chính của nhiều bậc đại sư trong quá khứ. Trong tất cả những sự thực hành đạo sư yoga, thì chứa đựng tất cả những điểm thiết yếu của cả kinh điển hiển giáo và mật tông là văn bản này.

Nói một cách tổng quát, nếu chúng ta có một sự thấu hiểu đúng đắn thì ngay cả một nghi thức đạo sư yoga ngắn nhất cũng cho ta một sự thông suốt hoàn toàn về những con đường. Nhưng nếu ta không có một sự thấu hiểu đúng đắn thì cho dù ta có đọc toàn bộ tám nghìn thi kệ Bát Nhã Ba La Mật Đa (Prajnaparamita), thí dụ thế, chúng ta cũng không thấu hiểu nó. Trong đạo sư yoga phổ biến này, được biết như Lama Chopa, những thi kệ rõ ràng đối diện với các điểm quan yếu nhất của những sự thực tập Lamrim và mật tông.

Như Lama Tsongkhapa nói trong Yonten Shigyurma (Nền Tảng Của Tất Cả Những Tuyệt Vời):

Nền tảng của tất cả mọi hoàn thiện là đạo sư ân cần
Đã thấy sự nương tựa đúng đắn ở ngài
Là gốc rễ và căn bản của mọi con đường
Hãy truyền cảm hứng cho tôi để liên hệ đến ngài với mọi nỗ lực


Và,

Hãy gia hộ cho tôi để tôi thực chứng những chủ đề chính
Của hai giai đoạn(10), tinh yếu của con đường mật tông
Và không bao giờ dao động khỏi yoga của bốn kỳ (tu tập)
Thành tựu những thực chứng như đã được dạy bởi những bậc hiền nhân.


Nhằm để đạt được giác ngộ hay niết bàn, hành giải phải lệ thuộc vào một bậc thầy đầy đủ kinh nghiệm và phẩm chất, người có thể chỉ ra con đường một cách đúng đắn và chính xác cho việc thành tựu một thể trạng kết quả như vậy. Phương thức thật sự cho việc thực tập con đường đã được giải thích trong nhiều kinh điển và mật điển sử dụng nhiều phương pháp thiện xảo khác nhau. Nếu ta có thể đặt mình dưới sự chăm sóc của một vị thầy tâm linh như vậy, thì có một thuận lợi lớn – hành giả sẽ thực hiện hầu hết tiến trình trên con đường và vượt thắng tất cả mọi chướng ngại. Do thế, để phát triển một sự thực tập đúng đắn chúng ta phải phụ thuộc vào một vị thầy phẩm chất và tuân theo những sự hướng dẫn của ngài bằng lời nói. Nhằm để cho hành giả đạt được sự Giác Ngộ tối thượng, thì đạo sư là một nhân tố không thể thiếu; do vậy  Đức Phật đã giải thích về những phẩm chất mà một vị thầy phải có, bắt đầu với những điều này được trình bày qua luật tạng. Hành giả giao phó mình cho sự chăm sóc của một vị thầy tâm linh, và tiếp nhận những thệ nguyện, v.v... từ vị ấy, nên một người như vậy phải được xem như một  Đức Phật. Điều này cũng đã được tuyên bố trong những luận bản của những vị Bồ tát. Tương tự thế, nó cũng đã được giải thích trong những bộ tantra thấp và đặc biệt trong tantra yoga tối thượng rằng hành giả phải xem đạo sư như hiện thân thật sự của tất cả chư Phật, những bổn tôn thiền quán, và tất cả những sự quy y, bởi vì đạo sư là cội nguồn, hay cánh cửa vĩ đại mà qua đó ta có thể trải nghiệm những sự gia hộ và cảm hứng của Tam Bảo. Do đó, thực hành đạo sư yoga là sinh mệnh của mọi sự thực hành. Nó đặc biệt quan trọng trong kinh thừa hiển giáo và đặc biệt trong những sự thực hành mật tông. Chúng ta phải hiểu rằng sự thực hành đạo sư yoga đặt nền tảng cho việc thực hành tatra yoga tối thượng. Nó cũng là sự thực hành chính cho việc tích lũy công đức và vượt thắng chướng ngại. Mặc dù chính đạo đức tạo ra rất nhiều công đức qua việc thiền quán với nhiều bổn tôn khác nhau, nhưng hành giả đạt nhiều công đức hơn bằng việc thiền tập trên bổn tôn thiền quán như bất khả phân với đạo sư. Nhằm để tiến hành một sự thực tập như vậy, hành giả phải được rèn luyện trong một con đường thông thường và đã được chín muồi qua những lễ quán đảnh thích đáng và đã tích lũy tất cả những điều cần thiết cho việc thực hành.

Đạo sư có thể được quán tưởng trong nhiều cách, nhưng theo đạo sư yoga của Lama Chopa, thì trước nhất chúng ta phải quán tưởng ngài ở trước mặt chúng ta, sau đó trên đỉnh đầu của hành giả và cuối cùng đi xuống trái tim của mình. Vì vậy sự thực tập này chứa đựng những điểm thiết yếu của mỗi một trong ba cách quán tưởng đạo sư.

Sự thực tập đạo sư yoga đặt trên nền tảng của một con đường và sự thực hành thích đáng. Cũng thế trong Jhangchub Lamrim Chenmo (Đại Luận Về Những Giai Đoạn Của Con Đường) Lama Tsongkhapa nói rằng sự tin cậy đúng đắn vào đạo sự là “gốc rễ của tất cả mọi con đường”. Sự tin tưởng vào đạo sư được phân ra làm hai: tin tưởng qua tâm thức và tin tưởng qua hành động. “Tin tưởng qua tâm thức” liên hệ một cách chính yếu vào việc thiết lập những căn bản: trau dồi niềm tin mạnh mẽ vào đạo sư và trau dồi việc tôn trọng ngài bằng việc quán chiếu trên sự ân cần to lớn của ngài. Những điều này phải được phát triển qua lý trí, bằng việc thấy tính không thể thiếu được cho việc đạt được sự Giác Ngộ cao nhất. “Tin tưởng qua hành động” có nghĩa là sống đời sống của chúng ta phù hợp với những lời khuyên của ngài. Nó cũng bao gồm việc cúng dường và phụng sự ngài.

Nếu chúng ta có thể phát triển một niềm tin chân thành và vững chắc vào đạo sư của ta bằng việc quán chiếu trên những phẩm chất lý tưởng của ngài như một  Đức Phật chân thật, thì điều này sẽ là một thuận lợi lớn việc trau dồi một tâm thức dễ tiếp thu, phong phú cho tiến trình tâm linh trên con đường. Càng tin tưởng chân thành, chúng ta càng tiến triền hơn trong việc thực hành. Đối với những người bình thường, thì càng tôn trọng và cảm thấy gần gũi với ai đấy thì chúng ta sẽ càng sẵn sàng làm theo những đề xuất của người ấy; cho nên cũng giống như vậy, nếu ta càng tin tưởng vào đạo sư của ta, thì chúng ta sẽ càng tiến triển hơn trong sự thực hành của mình.

Những bộ luận của hiển giáo và mật tông là sự thẳng thắn mà qua đó việc trực tiếp đến con đường được quyết định, và những người đệ tử phải được hướng dẫn một cách phù hợp bởi vị đạo sư. Nếu không có những phẩm chất thích đáng về phần của đạo sư, và cũng nếu môn nhân luôn đầy dẫy những nghi ngờ, do dự, và v.v... và không liên kết với đạo sư trong một cung cách thích đáng thì thật khó khăn để có bất cứ khả năng nào cho sự tiến triển trên con đường.

Bản chất thông thường tự nhiên của tâm thức con người thời này là khi chúng ta nghĩ về những việc không lành thì tâm thức ta rất sắc bén, lanh lợi, tinh ranh, và sáng tạo; nhưng khi chúng ta tập trung về giáo pháp thì nó không thủ đắc năng lực và phẩm chất như vậy. Không kể tình trạng ý thức hay sự tỉnh giác của xã hội chúng ta nói chung, ở chừng mức mà những cá nhân chúng ta được quan tâm đến, thì chúng ta có thể đánh giá năng lực của chính chúng ta để vượt thắng khổ đau bằng bản chất nghèo nàn của chúng ta hiện tại. Do thế, thật quan trọng là chúng ta nên hy vọng, và trên căn bản của một phương pháp mới, mà chúng ta không từng cố gắng cho đến nay, và với điều mà chúng ta không từng quen thuộc trong những kiếp sống quá khứ, thì chúng ta nên tìm kiếm những phương pháp mà qua đó chúng ta có thể giải thoát chính mình cũng như những chúng sanh khác khỏi vòng luân hồi này. Mặc dù chúng ta có nhiều thân nhân và bè bạn, những người chúng ta tin tưởng và với những người chúng ta rất gần gũi, như cha mẹ chúng ta, thì không ai trong họ có khả năng để hướng dẫn chúng ta trên con đường thích đáng để cuối cùng thành tựu Giác Ngộ. Chỉ có đạo sư là người có thể chỉ cho ta con đường đúng đắn.

Chúng ta phải nhớ lại sự kiện rằng trong quá khứ ban đầu đã trau dồi tâm bồ đề vì lợi ích của những chúng sanh khác, sau đó dấn thân vào việc thực hành con đường thật sự và đến giai đoạn xãy ra như một kết quả đã thành tựu Giác Ngộ tối thượng, vì lợi ích cho tất cả những chúng sanh khác. Chúng ta sẽ thấy rằng chính đạo sư của ta là người chỉ cho ta những phương tiện thiện xảo khác nhau cho việc đem đến thể trạng thành tựu toàn giác toàn tri trong sự tương tục tinh thần của ta. Nếu chư Phật đã dấn thân trong việc giúp ích chúng sanh, kể cả tự thân ta, thì tất nhiên chỉ qua đạo sư mà chư Phật thực hiện những hành vi này. Do thế, đạo sư là cánh cửa duy nhất mà chúng ta được lợi lạc những hành vi của chư Phật. Sẽ khá kỳ lạ nếu vấn đề là một Đức Phật, bậc đã thành tựu tất cả chứng ngộ khi thật sự giúp ích chúng sanh lại phải tùy thuộc trên một con người bình thường. Do thế, bạn phải xem đạo sư như hiện thân của Đức Phật, bất chấp vị ấy có phải là một  Đức Phật thật sự hay không. Đối với ta, thì vị đạo sư gốc của ta là ân cần nhất, là có ích nhất. Mặc dù  Đức Phật là thiêng liêng và là một đấng cao siêu nhất, nhưng đối với ta thì chúng ta không có cơ hội để tận mắt thấy ngài; giống như với Long Thọ, mặc dù ngài có tuệ trí bao la, chúng ta đã không thấy ngài.

Khi chúng ta nương tựa một vị đạo sư phẩm chất thì nhất thiết chúng ta phải có sự tín nhiệm thích đáng. Tầm quan trọng của điều này đã được trình bày trong cả các văn bản hiển giáo và mật tông. Do bởi tầm quan trọng cực độ của nó, nên nó đã được nhấn mạnh nhắc đi nhắc lại. Đặc biệt trong tantra yoga tối thượng, tính quan trọng của việc thấy đạo sư của ta và bổn tôn là riêng biệt đã được đề cập nhiều lần. Trong những luận điển của mật tông đã nói rằng bất cứ khi nào chúng ta dấn thân trong việc thực tập nó, thì chúng ta phải vượt thắng hiện tướng và nhận thức thông thường; do thế khi ta liên hệ với đạo sư thì ta phải ngăn ngừa sự phát sinh những hiện tướng và lãnh hội thông thường của đạo sư. Vì vậy, rất quan trọng để tiếp nhận sự thực hành đạo sư yoga với niềm tự hào siêu phàm và hiện tướng thuần khiết siêu phàm.

Lama Tsongkhapa là một học giả lớn và cũng thực chứng rất cao độ; trong rất nhiều nhân vật nổi tiếng của Tây Tạng, thì cương vị của ngài như một học giả và thiền giả vĩ đại là vô song. Như Gungtang Rinpoche đã nói Geden Tenpa Gyepai Monlam (Lời Cầu Nguyện Cho Sự Hưng Thịnh Của Giáo Lý Đạo Đức):

Ngài là học giả vĩ đại giàu có trong tri thức rộng lớn,
Một hành giả hòa hợp những gì ngài đã học trong dòng suối tinh thần của ngài,
Một bậc tôn quý, dâng hiến tất cả công đức cho giáo pháp và chúng sanh,
Nguyện cho truyền thống của Lozang Chiến thắng luôn luôn thịnh vượng.


Ngài đã tiếp nhận nhiều giáo huấn và thực hành rất nhiều, và cũng đã hồi hướng tất cả công đức của ngài cho việc hưng thịnh giáo pháp. Không cần thiết cho tôi ở đây liên hệ đến sự uyên bác vĩ đại của ngài và sự cống hiến mà ngài đã làm cho Phật Giáo Tây Tạng. Tác phẩm của Lama Tsongkhapa phân thành mười tám bộ. Tất cả là rất phổ biến và sừng sửng như một minh chứng cho sự vĩ đại của ngài. Trong mười tám bộ, thì có những tác phẩm nào đó liên hệ đến những nghi thức chẳng hạn như làm mưa và v.v... nhưng về mặt khác tất cả những tác phẩm này trình bày những khía cạnh rất thâm sâu của giáo lý. Tất cả có nguồn gốc trong những tác phẩm Ấn Độ đáng tin cậy, và những phương diện thậm thâm của giáo lý nhà Phật, đặc biệt những chủ đề khó khăn nhất đã được phân tích mà trong chúng sử dụng nhiều phương pháp luận lý. Đây là một sự kiện mà chúng ta có thể tự mình thấy.

Lama Tsongkhapa đến từ Amdo, và khi còn rất trẻ ngài đến Trung Tâm Tây Tạng, ngài đã không như một  Đức Phật khi ngài còn bé. Bất kể ngài có biểu lộ là Văn Thù Sư Lợi hay không, thì tốt hơn là xem ngài đã được sanh ra như một người bình thường, đã trở thành như Văn Thù Sư Lợi qua rất nhiều nổ lực và thực tập, thì điều này đã cho chúng ta một sự khích lệ hơn. Nó cho chúng ta thấy rằng chúng ta có thể thấu hiểu điều gì đó mà chúng ta không biết trước đây, và thành tựu điều gì đó mà chúng ta chưa đạt được trước đây. Đối với một số người nào đó, thì điều này khác: đối với họ thì sẽ hứng thú hơn khi người nào đó được nói là hiện thân của Long Thọ hay Văn Thù Sư Lợi ngay từ lúc mới sanh ra – nhưng tôi cảm thấy hào hứng hơn khi người nào đó là bình thường lúc sanh ra. Do vậy, mặc dù Lama Tsongkhapa có thể là hiện thân của Văn Thù Sư Lợi, nhưng vì ngài đã có một hình thức thông thường cho nên tốt hơn chúng ta nên xem ngài là một người bình thường từ lúc mới sanh ra. Ngài đã làm mọi thứ cần thiết để là một tu sĩ bình thường. Ngài đã trở thành một học giả vĩ đại và thực chứng cao độ. Và môn đệ của ngài, thông thường được biết như Tân Phái Kadam, đã có những đóng góp to lớn cho giáo lý của  Đức Phật ở Tây Tạng.

Phẩm chất độc nhất vô nhị của những người Gelugpa đó là họ là những môn nhân của Lama Tsongkhapa và có một hệ thống cho một công trình rất tỉ mỉ và chi tiết không chỉ cho hiển giáo mà cả mật thừa, ngay từ khởi đầu. Và sau khi đã dấn thân trong những học học hỏi chi tiết và tỉ mỉ, học phải đưa tất cả vào trong thực hành. Đã thâm nhập vào con đường thứ nhất, con đường tích lũy, vào lúc khởi đầu là chung cho tất cả bốn trường phái của Tây Tạng. Tuy nhiên, vì truyền thống Gelugpa có một hệ thống độc nhất của việc tiếp nhận sự học vấn bao gồm toàn bộ hạng loại của triết lý, cho nên tôi nghĩ rằng nó có những thuận lợi hơn qua việc cung cấp cho ta những con đường lý trí hơn khi ta ngồi xuống để hành thiền. Sự học hỏi của ta càng rộng rãi hơn, thì nhận thức của ta càng rộng rãi hơn; vì vậy việc hành thiền sẽ mạnh mẽ hơn trong việc mang đến sự chuyển hóa tâm thức.

Như Lama Tsongkhapa nói vào lúc cuối trong Yonten Shigyurma (Nền Tảng Của Tất Cả Những Tuyệt Vời):

Trong tất cả những kiếp sống tôi nguyện không bao giờ tách biệt
Khỏi những đạo sư hoàn hão, và luôn luôn hưởng được sự vinh quang của giáo pháp;
Và đã thực chứng những con đường và nền tảng,
Nguyện cho tôi mau chóng đạt được thể trạng Kim Cang Trì
.

Chúng ta đã được thân người quý giá và đã gặp gỡ giáo pháp và cũng ở trong sự chăm sóc của một vị thầy tâm linh của truyền thống Đại thừa. Ở sự gặp gỡ này, khi chúng ta có cơ hội lớn lao này và những điều kiện tốt lành, thì chúng ta phải thực hiện một nỗ lực để sử dụng chúng một cách đầy đủ ý nghĩa. Trên căn bản đó, chúng ta phải cố gắng tuyệt hảo nhất để thành tựu Giác Ngộ tối thượng; nếu không thể, thì ta phải cố gắng để đạt được Giác Ngộ trong thể trạng trung ấm thân trong việc dựa vào con đường của tantra yoga tối thượng; bằng khác đi thì chúng ta phải cố gắng để thành tựu Giác Ngộ qua vài kiếp sống tương lai. Nền tảng của tất cả những điều này là sự nương tựa thích đáng vào đạo sư, cả tinh thần và qua hành động. Điều này là thật sự, nền tảng thật sự của con đường. Đối với chúng ta, những hành giả của tantra yoga tối thượng, thì vị đạo sư gốc, người ân cần trong ba cách(11), phải được thấy như bất khả phân với bổn tôn thiền quán. Điều này sẽ cho một năng lực đặc biệt với sự thực tập của chúng ta.

Tiếp theo là một giảng luận “dựa theo kinh nghiệm” rất súc tích về đạo sư yoga Lama Chopa. Bạn nên trau dồi động cơ: tôi nên phải hiểu là giảng luận đạo sư yoga này không phải chỉ lợi ích cho riêng tôi mà vì lợi ích của tất cả chúng sanh. Động cơ của ta ít  nhất phải được tác động của một tâm bồ đề mẫu mực. Khát vọng vị tha để đạt đến Giác Ngộ hoàn toàn vì lợi ích của tất cả chúng sanh.

Phát thảo rộng là:
I. Giải thích sự trao truyền nhằm để chứng tỏ tính xác thật của những hướng dẫn này.
II. Giải thích những phẩm chất phi thường của giáo huấn này nhằm để phát sinh niềm tin vững chắc vào nó.
III. Giải thích thật sự việc thực hành.

***

I. GIẢI THÍCH SỰ TRAO TRUYỀN NHẰM ĐỂ CHỨNG TỎ TÍNH XÁC THẬT CỦA NHỮNG HƯỚNG DẪN NÀY.

Tôi nghĩ không nhất thiết phải truy nguyên những hướng dẫn trong chi tiết, và trong thực tế tôi không nhớ hết những sự kiện lịch sử liên hệ đến dòng truyền thừa. Thật sự nguồn gốc của nó bắt nguồn từ  Đức Phật, bậc thầy của giáo lý.  Đức Phật từ bi và phương tiện đã dạy nhiều giáo lý khác nhau để thích hợp nhiều khuynh hướng và sự quan tâm khác nhau của người thực tập. Sự thực tập đạo sư yoga này kết hợp của hiển giáo và mật tông, cho nên nó giải thích chủ đề chính của những kinh Bát Nhã Ba La Mật (vốn là đứng đầu trong các kinh điển). Những kinh điển này có hai khía cạnh: ý nghĩa ẩn tàng, những giai đoạn của con đường, và ý nghĩa rõ ràng, là tánh không. Hai dòng truyền thừa được biết là quan điểm thậm thâm và sự thực hành rộng lớn, phát xuất từ Văn Thù Sư Lợi và Di Lặc một cách tương ứng, tiến triển trên hai khía cạnh này. Những dòng truyền thừa thực hành mật tông thuộc vào dòng truyền thừa của cảm hứng kinh nghiệm và dòng truyền thừa lojong (luyện tâm) thuộc về những hành vi rộng lớn. Đây là hai dòng truyền thừa chính phát xuất từ Ấn Độ.

Lama Tsongkhapa đã tiếp nhận tất cả những sự trao truyền vốn đến từ Ấn Độ những sự thực hành cả thậm thâm và rộng lớn. Có một truyền thống khác thường từ Lama Tsongkhapa một sự trao truyền thì thầm qua tai vốn có hai dòng truyền thừa, một được biết như dòng truyền thừa Ensa và dòng khác là Segyu. Như một vài học giả giải thích, là một dòng truyền thừa không kể ra trong ba dòng truyền thừa chính: Segyu, Ensa, và Shungpa. Dòng truyền thừa Segyu đến từ tỉnh Tsang, xuất phát từ Jetsun Sherab Senge, và Shungpa đến từ miền Trung Tây Tạng, cũng xuất phát Jetsun Sherab Senge. Dòng truyền thừa Ensa đến từ những huynh đệ Khedup- je.

Đây là một giải thích vắn tắt của sự trao truyền của dòng truyền thừa ngắn. Như được viết bởi Jamyang Choje Tashi Pelden trong bí mật tiểu sử của Lama Tsongkhapa, đức lạt ma vĩ đại có nhiều viễn kiến xuất thần về các bổn tôn ngay khi là một đứa bé, và sau khi ngài vào miền Trung Tây Tạng, đã tiếp nhận nhiều hướng dẫn và điều minh bạch một cách trực tiếp từ chính Văn Thù Sư Lợi trong cung cách của một mối quan hệ thầy – trò. Sau đó sự trao truyền này được truyền xuống đến Togden Jampel Gyatso, là một bậc vĩ đại vô song trong việc nắm giữ dòng truyền thừa về sự cảm hứng kinh nghiệm giáo lý của Tsongkhapa. Rồi thì nó truyền đến Baso Chokyi Gyaltsen, người có nhiều đệ tử, những người được biết rộng rãi nhất trong số đó là ba huynh đệ Kim Cang: Rinchen Dorje, người đến từ miền đông Tây Tạng gọi là Pelden Dorje, và Chokyi Dorje từ Amdo. Mỗi người đạt được sự chứng ngộ cao độ trong cuộc đời của các ngài, thành tựu những gì được biết như thân cầu vồng.

Đại thành tựu giả Chokyi Dorje được sanh ra trong khi cha mẹ của ngài trên đường hành hương từ Amdo. Baso Chokyi Gyaltsen thấy rằng cậu bé này là một chúng sanh rất may mắn với những khả năng khác thường, vì thế ngài đã chăm sóc và trao cho cậu bé tất cả những hướng dẫn thậm thâm và sự truyền thừa. Chokyi Dorje đạt được những thực chứng cao cấp và cuối cùng là sự Giác Ngộ tối thượng trong kiếp sống của ngài. Ngài đã có tất cả những truyền thừa đến từ Lama Tsongkhapa và như được nói rằng ngài đã có một sự xuất thần trực tiếp của ngài và đã tiếp nhận nhiều sự trao truyền khác nhau, đặc biệt những hướng dẫn về sự thực hành đạo sư yoga của huynh đệ Kim Cang. Đệ tử của ngài là Ensapa, người đã được Giác Ngộ trong kiếp sống của ngài, và đệ tử của ngài là Khedup Senge Yeshe, mà đệ tử của ngài hóa ra là tác giả của văn bản này, Panchen Lama Lozang Chokyi Gyaltsen (Đệ Nhất Ban Thiền Lạt Ma). Ngài có một đời sống rất trường thọ và có một ảnh hưởng lớn đến giáo lý; ngài là một nhân vật vĩ đại và không phân phái, và sự ân cần của ngài đến toàn bộ Tây Tạng là vĩ đại.

Panchen Lama Lozang Chokyi Gyaltsen đã viết tác phẩm đạo sư yoga này, và sau đó sự truyền thừa của nó đã đến miền Trung Tây Tạng và Amdo. Công dụng của nó trở thành rất phổ biến trong đời của Panchen Pelden Yeshe, Puchog Ngawang Jhampa, Konchog Jigme Wangpo, cũng như Changkya Rolpai Dorje. Vì vậy nó cũng rất phổ biến ở tỉnh Amdo. Khi việc trao truyền về sự thực tập đạo sư yoga này và tác phẩm đại thủ ấn của Panchen Lama Lozang Chokyi Gyaltsen lần đầu tiên đến Amdo, thì có một sự e sợ nào đó, và tác phẩm được nghiên cứu cẩn thận. Tôi đã chú ý điều này trong một trong những tác phẩm của Changkya Rolpai Dorje.

Tôi đã tiếp nhận sự truyền thừa đạo sư yoga từ vị đạo sư gốc của tôi là cố Kyabje Trijang Rinpoche. Giảng luận mà tôi tiếp nhận căn cứ trên luận giải mở rộng của Kachen Yeshe Gyaltsen, và tôi cũng đã tiếp nhận luận giải kinh nghiệm trên căn bản của chính tác phẩm gốc. Có một giảng luận mà tôi gìn giữ rất thân thiết gọi là Kachem Lung Kurma (Đưa Theo Gió Di Sản Truyền Miệng) vốn có một sự truyền thừa uyên bác mà tôi cũng đã tiếp nhận.

Nói tóm lại, dòng truyền thừa của những hướng dẫn này truy nguyên từ chính  Đức Phật; ở Tây Tạng đã bắt đầu từ Lama Tsongkhapa, và qua Panchen Lama Lozang Chokyi Gyaltsen nó đi đến đạo sư gốc của tôi trong một dòng truyền thừa không gián đoạn.

II. GIẢI THÍCH NHỮNG PHẨM CHẤT PHI THƯỜNG CỦA GIÁO HUẤN NÀY NHẰM ĐỂ PHÁT SINH NIỀM TIN VỮNG CHẮC VÀO NÓ.

Bây giờ tôi sẽ giải thích tính trọng đại của tác phẩm này. Như tôi đã giải thích ở trên, nguồn gốc của nó được truy nguyên từ những mật điển gốc và  giảng giải về Bí Mật Tập Hội (Guhyasamaja). Do thế, có những phẩm chất lớn của Bí Mật Tập Hội cũng có qua hướng dẫn này. Cũng thế, bởi vì tất cả những hướng dẫn về những sự thực tập thậm thâm và rộng lớn là hoàn toàn trong đạo sư yoga này, nó có những phẩm chất của lamrim (tiệm tiến). Mặc dù tất cả những giáo huấn của hiển giáo và mật tông trình bày những kỷ năng cho việc chuyển hóa thể trạng tâm thức của ta, nhưng có một bộ những giáo huấn, gọi là lojong, hay chuyển hóa tâm, đặt tầm quan trọng trên những kỷ năng cho việc vượt thắng những thái độ tự bám chấp và tự yêu mến của ta. Nó bao gồm những văn bản chẳng hạn Lojong Tsigyema (
Tám Thi Kệ Chuyển Hóa Tâm). Phẩm chất lớn của những hướng dẫn như vậy cũng đầy đủ trong sự thực tập đạo sư yoga này.

Tựa đề của tác phẩm này là Nghi Lễ Đạo Sư (Gura Puja), phương pháp để cúng dường đến đạo sư. Mặc dù không nhất thiết đưa tác phẩm này bằng một tên Sanskit, khi nó là một tác phẩm Tây Tạng bản địa, nhưng nó được nêu lên nhằm để biểu thị tính đáng tin cậy trong việc căn cứ trên những tác phẩm Ấn Độ. 

Thi kệ mở đầu như sau:

Đến bàn chân của bậc tôn quý, trong sự tùy thuộc vào sự ân cần của ngài
Thể trạng đại lạc, ba thân,
Và cũng là những thành tựu mạnh mẽ thông thường
Có thể đạt được trong khoảnh khắc, tôi lạy xuống.


Sau đó là hứa nguyện để viết nên tác phẩm:

Đã lạy phủ phục như vậy, tôi sẽ soạn nên tác phẩm này mà những nguồn gốc của nó có thể được tìm thấy trong những mật điển gốc và giải  thích và cũng là các giảng luận bởi những học giả Ấn Độ, và điều này sẽ được làm cho đầy đủ bởi tất cả những hướng dẫn của các đạo sư.

Sau đó nó viết:

Những phương pháp như vậy, cho những người may mắn tìm cầu sự giải thoát.

Những hướng dẫn của hiển giáo và mật tông được so sánh với một vườn hoa: Mặc dù vườn hoa này chứa đựng nhiều bông hoa khác nhau, ta hái những bông hoa tốt đẹp nhất và kết thành một tràng hoa xinh đẹp – “một tràng hoa được sắp xếp tuyệt hảo có thể đeo vào với niềm vui sướng.” Điều này cho thấy rằng tất cả những điểm tinh yếu của hiển giáo và mật tông được xếp lại trong một hình thức cô đọng trong sự hướng dẫn này.

Rồi thì tác phẩm tiếp tục và nói rằng việc thành tựu tất cả những điều tuyệt vời kể cả hai thành tựu mạnh mẽ, tùy thuộc vào việc nương tựa thích đáng vào một đạo sư, như được giải thích Bhebum Ngonpo (Thanh Điển) của dòng Kadam, và Lamrim Nyamgurma (Kinh Nghiệm Tâm Linh Ca) của Lama Tsongkhapa. Cũng thế, như nó được nói trong thi kệ sau từ Guru Panchasika (Năm Mươi Thi Kệ Thành Tâm Với Đạo Sư):

Đã biết Kim Cang Trì nói:
“Những thành tựu hùng mạnh tùy thuộc vào đạo sư,”
Hãy làm vui lòng đạo sư, người hướng dẫn tâm linh của ta,
Với mọi thứ trong sở hữu của ta.


Cho nên, như được tuyên bố ở đây, khi người tìm cầu Giác Ngộ cần dấn thân trong một con đường mà người ấy không biết, thì nhất thiết là lệ thuộc vào sự hướng dẫn thích đáng của một người có kinh nghiệm và những phẩm chất sâu rộng. Đó là sự kiện rằng ngay cả một việc làm bình thường có thể được học hỏi qua sự quán chiếu đòi hỏi sự hướng dẫn từ một người dày dặn kinh nghiệm; nhằm để cất bước trên đường đến sự giải thoát và toàn tri toàn giác thì thiết yếu  phải nương tựa trên một vị thầy kinh nghiệm và phẩm chất. Đặc biệt khi một người thực hành trên con đường mật tông, thì cần thiết phải tiếp nhận sự thực tập đạo sư yoga như sinh mệnh của con đường và trau dồi niềm tin kiên quyết vào đạo sư của ta. Vì những lý do này, sự thành công của đạo sư yoga cấu thành việc làm nên đời sống con người đầy đủ ý nghĩa. Thế nên, thật quan trọng để dấn thân trong một sự thực hành như vậy.

III. GIẢI THÍCH THẬT SỰ VIỆC THỰC HÀNH

Sự giải thích về tác phẩm thật sự bao gồm:
a) Những việc làm sơ bộ
b) Những việc làm trong những lúc công phu thật sự
c) Những việc làm kết thúc.

Những điều này phải được thảo luận trong chi tiết sau này.

Những Phẩm Chất Cần Thiết Của Hành Giả

Căn bản cho việc có thể tiếp nhận sự thực hành đạo sư yoga này là hành giả phải tiếp nhận sự quán đảnh vào tantra yoga tối thượng. Việc tiếp nhận sự quán đảnh không phải là vấn đề đơn giản. Nó đã trở thành một thời thượng ngày nay để tham dự bất cứ khi nào vị nào đó ban cho quán đảnh. Người ta nghĩ rằng chỉ tham dự, ngay cả với một tâm thức sao lãng, ngay cả buồn ngủ, là không đầy đủ. Như vậy thì không tạo thành việc tiếp nhận quán đảnh. Để tiếp nhận quán đảnh để có một việc tu tập thích đáng vào những con đường thông thường, thì tối thiểu nhất thiết phải có một sự thấu hiểu về con đường tổng quát như toàn thể. Mặc dù có nhiều yếu tố khác biệt của con đường, thì điều quan trọng nhất là phải
Ba Phương Diện Chính Yếu Của Con Đường – viễn ly, tâm bồ đề, và quan điểm đúng đắn về tánh không. Nói một cách tổng quát, thì nhất thiết phải có một nhận thức chân thành về ba khía cạnh này. Điều này có thể là khó khăn; nhưng ta tối thiểu phải có một sự thấu hiểu, hay sự ngưỡng mộ nhiệt thành về chúng. Cũng nhất thiết phải có sự tiếp nhận sự luận giải về hướng dẫn này.

Môi Trường

Đối với một ẩn sĩ thì đó là một vấn đề khác, nhưng đối với chúng ta thì “môi trường” liên hệ đến chỗ ở, nhà cửa, chùa viện, phòng xá, hay bất cứ thứ gì. Chúng ta phải giữ nguyên nhà cửa chúng ta cho dù chúng ồn ào hay yên tĩnh và v.v... Khi chúng ta đã quen với sự thực tập và tâm thức chúng ta đã được kiểm soát, thì những nhân tố bên ngoài sẽ không quấy rầy chúng ta nhiều, nhưng ở cấp độ của những người mới bắt đầu, thì những nhân tố ngoại tại thật sự gây trở ngại. Đối với một người mới bắt đầu, thì khuyên ta nên tiếp nhận sự thực tập của mình trong một nơi thích hợp như được giải thích trong những văn bản khác – một nơi tốt lành, cô lập, yên tĩnh, vốn được khai quang gia hộ bởi những bậc tôn quý. Quan trọng nhất, nó không nên là một cảnh tượng của chiến trường hay một vị trí  nơi mà một sự ly khai tôn giáo trong một cộng đồng tăng già đã xảy ra. Cho nên, tóm lại, chúng ta nên cố gắng tốt nhất để làm cho vị trí nơi mà chúng ta đang ở là môi trường lý tưởng nhất như có thể.

Kiểu  Mẫu Thật Sự Cho Việc Thực Tập

Có nhiều kiểu mẫu của cho việc thực tập của mỗi người. Đã chọn được một nơi lý tưởng, chúng ta phải tập hợp chủ đề cần thiết cho việc thực tập. Nếu chúng ta có một sự biểu thị của không gian công đức, như một thangka hay một tấm hình, thì rất tốt. Hay, cũng rất tốt nếu ta có một bức tượng hay tấm ảnh của  Đức Phật hay Lama Tsongkhapa hay của vị đạo sư gốc của ta. Nếu bạn không có những thứ như vậy thì không có vấn đề gì nhiều; chúng ta không nên quá nhấn mạnh vào những chủ đề bên ngoài như những bức tượng và v.v... thay vì thế nên đặt nhấn mạnh nhiều hơn vào nhận thức nội tại của chính ta. Những bức tượng không giúp để giải thích cho những người mới bắt đầu như rằng như vậy và như vậy là  Đức Phật, và như vậy là ông Quán Thế Âm, và v.v... đặc biệt trong những xứ sở như Tây Tạng, nơi những khía cạnh thậm thâm của giáo pháp không thể giới thiệu được như ngày nay, thì tốt hơn là có những bức tượng của những bậc nào mà trong họ mà hành giả có niềm tin mạnh mẽ. Rồi thì tối thiểu chúng ta có thể chỉ những bức hình cho con cháu và nói, thí dụ “Đây là đạo sư,  Đức Phật; đây là Văn Thù Sư Lợi – nếu con cầu nguyện ngài thì trí thông minh của con sẽ phát triển.” Nhưng đối với một hành giả thật sự, thì không nhất thiết lệ thuộc trên những nhân tố ngoại tại này, bởi vì toàn bộ ý nghĩa hay mục tiêu của việc thực hành giáo pháp là để hoàn thiện sự chuyển hóa tâm thức của chúng ta. Nếu hành giả đi đường khác, đặt quá nhiều sự nhấn mạnh vào những nhân tố bên ngoài như những bức tượng vật chất, thì người ấy cuối cùng bắt đầu xem chúng như những vật sở hữu.

Nếu ta có những bức tượng, thì không nên phân biệt giữa những bức tượng qua chất liệu làm nên, và chúng ta phải xếp đặt theo một trật tự thích đáng. Ngay cả nếu tượng Phật làm bằng đất sét, thì phải đặt ở vị trí bên trên tất cả, và thậm chí nếu những tượng của hộ pháp như Mahakala được làm bằng đồng, thau hay ngay cả bằng vàng ròng cũng phải đặt phía dưới. Trật tự thích đáng phải được duy trì. Một cách đặc biệt, ta không nên có thái độ là sự tồn tại của họ như sở hữu của ta. Mặc dù có những bức tượng có một lần là thuộc về những bậc tôn quý và v.v... có thể có năng lực hay thiêng liêng đặc biệt, thì bất chấp về tuổi tác hay linh thiêng vốn có thì tất cả phải được đặt ở vị trí thích đáng. Toàn bộ mục đích về việc xem những thứ ấy như thiêng liêng là những thứ ấy để  nhắc nhở chúng ta về bổn tôn hay đấng nào đó hiện diện. Không phải là những bức tượng hay tấm ảnh mà chúng ta bày tỏ sự trân quý hay tôn kính, đúng hơn đó là những gì chúng đại diện. Khi chúng ta mua những hình tượng của  Đức Phật, là phải phát sinh niềm tin, vì khi chúng ta thấy hình tượng ấy thì chúng ta nhớ lại sự ân cần và những phẩm chất vĩ đại của ngài. Do vậy, ta không nên phân biệt giữa những bức tượng tùy theo giá trị vật chất tạo nên. Cũng không phải một bức tượng kém giá trị hơn vì nơi sản xuất chúng!

Cần thiết phải có một văn bản. Nếu bạn là một hành giả lamrim, thì bắt buộc phải có một luận bản Lamrim dài hay ngắn của Lama Tsongkhapa. Cũng sẽ là rất tốt nếu có thể bổ sung với những tác phẩm như Ratnavali (
Bảo Hành Vương Chính Luận) của Long Thọ, cũng như Nhập Bồ Tát Hạnh (Hướng Dẫn Lối Sống Bồ Tát). Đối với những hành giả Gelug, Lamrim Chenmo, Đại Luận Về Giai Trình Của đạo Giác Ngộ, như sự tác thành! Cũng có những luận bản quan trọng như Drange Namje Lekshe Nyingpo (Phân Biệt Những Ngôn Ngữ Liễu Nghĩa Và Bất Liễu Nghĩa Của  Đức Phật) và những luận giải được Lama Tsongkhapa sáng tác về Mūlamādhyamaka-Kārikā (Căn Bản Trung Quán Luận Tụng), Madhyamakatavara (Nhập Trung Quán Luận - Bổ Sung Của Nguyệt Xứng). Cũng tốt nếu có văn bản về Chod của Panchen Lozang Chokyi Gyaltsen, cắt đứt thái độ tự bám chấp. Sau đó, chúng ta cũng có thể có sắp đặt những luận bản về lojong (chuyển hóa tâm) và những thực hành khác một cách thích hợp.

Cũng thế, như một biểu thị về tâm toàn tri toàn giác của  Đức Phật, thì cũng tốt nếu có một stupa (tháp). Vì chúng ta là một hành giả của tantra yoga tối thượng, thì rất tốt để có những vật phẩm như chày kim cang và linh và v.v... ; nhưng nếu bạn không thực hành một cách thích đáng nhưng cứ rung linh ồn ào, dữ dội thì cũng không giúp ích gì nhiều! Nếu chúng ta giữ những vật phẩm tôn giáo này trong căn bản của sự thực hành nghiêm túc thì rất tốt. Một cách tổng quát thì thái độ của chúng ta là đặt nhấn mạnh hơn vào những thứ quan trọng và ít hơn vào những thứ kém quan trọng. Nếu chúng ta bị bắt buộc phải chọn, thì sự chọn lựa chắc chắn phải là những thứ quan trọng. Thí dụ, những người Gelugpa phải xem những tác phẩm của Lama Tsongkhapa như hàng đầu như vậy những sách vở của những trường đại học tu viện của chính họ là thứ yếu. Thật quan trọng để giữ gìn gốc rễ của chính nó hơn là những cành lá.

Nói một cách tổng quát như được nói rằng khi ta tiến hành thiền tập giáo pháp, thì ta phải hướng mặt về phương đông, nhưng điều này không quá quan trọng. Điều tốt đẹp là có một chỗ ngồi phía sau hơi cao hơn. Đối với người phương tây có thể là khó khăn để ngồi tư thế xếp bằng. Nếu bạn khăng khăng như vậy và tự cưởng ép làm thế ấy, thì bạn có thể dùng hết năng lượng vào việc ngồi tréo chân, và có một hiểm họa là tất cả những năng lượng tinh thần sẽ đi vào đầu gối bạn! Do thế, ta có thể ngồi trên một chiếc ghế.

Vì việc tích lũy công đức qua việc cúng dường mandala là rất quan trọng, cho nên rất tốt nếu bạn có một mandala. Nếu ta có thể có, thì tốt nhất là làm bằng vàng hay bạc, nhưng những thứ như vậy không nên xem như những sở hữu. Nếu vật chất làm nên những vật phẩm như vậy là quan trọng, thế thì những đại thành tựu giả (mahasiddha) và Milarepa sẽ không thành đạt bất cứ thực chứng nào vì họ rất nghèo, giống như những người hành khất. Như được giải thích trong Bốn Trăm Thi Kệ Trung Đạo (Chatu Shataka Shastra) của Aryadeva thì sự thực hành Phật Pháp phải thực hành trên căn bản của tâm thức đó mới là quan trọng./.

Ẩn Tâm Lộ/ 4/2024
***
Phụ giải:
(1) Bảy đặc trưng của bổn tôn và phối ngẫu đối diện với nhau là :1-hoàn toàn thích thú, 2- hợp nhất, 3- đại lạc, 4- không tồn tại cố hữu, 5- từ bi lớn, 6- tương tục không gián đoạn, và 7- không chấm dứt.
(2) Panchen Lozang Chokyi Gyaltsen (1570-1662) là Đệ Nhất Ban Thiền Lạt Ma và một nhân vật rất ảnh hưởng trong truyền thông Gelug. Tác động lớn nhất của ngài là về khía cạnh thực tiển của giáo lý, và nhiều văn bản ngài để lại như di sản của ngài vẫn cho thấy sự trong sáng và toàn diện. Ngài cũng phụng sự như vị giáo thọ chính của Đức Đệ Ngũ Đức Đạt Lai Lạt Ma.
(3) Khi hành giả đã rút lui khỏi tất cả những cấp độ thô của những gió năng lượng vào trong những kinh mạch trung tâm và vì vậy đã chấm dứt những nhận thức mà chúng thúc đẩy, người ấy nhận vào mình một thân rất vi tế có những đặc tính đặc biệt. Chẳng hạn một thân gọi là thân huyển ảo (gyu lu) và cũng là thân hưởng thụ của con đường. Đó là nhân tố tịnh hóa thể trạng trung ấm (bardo).
(4) Linh quang hay tịnh quang (clear light) là cấp độ vi tế nhất của tâm, vốn trở thành biểu hiện chỉ khi tất cả những tâm thức thô đã ngừng dứt những biểu hiện chức năng của chúng. Thể trạng này được trải nghiệm bởi những chúng sanh thông thường ở thời điểm lâm chung nhưng cũng có thể phát sinh một cách có chủ tâm qua những kỷ năng thiền tập. Sự liên hệ ở đây là chủ tâm cố ý.
(5) Thân chân thật hay pháp thân (dharmakaya), thân hưởng thụ hay thọ dụng thân, báo thân (sambhogakaya), và thân biểu hiện hay hóa thân (nirmanakaya).
(6) Hai mươi lăm hiện tượng thô là 5 uẩn, 4 đại, 6 giác quan, 5 đối tượng của giác quan trong sự tương tục của một người, và 5 tuệ trí căn bản.
(7) Adhishambodhi - Điều này liên hệ đến một tiến trình phát sinh dần dần trong một bổn tôn bởi hành giả.
(8) Những sự cách ly, hay cô lập của thân, khẩu và tâm ý. Được thêm vào bởi nhận thức của mỗi hiện tướng đơn thuần như sự hoạt động “bất khả phân của đại lạc và tánh không”.
(9) Bốn sự tịnh hóa hoàn toàn là những đặc trưng phân biệt con đường mật tông và con đường hiển giáo. Bốn sự tịnh hóa hoàn toàn là: 1- môi trường, 2- thân thể, 3- nguồn cội, 4- những hành vi. 
(10) giai đoạn phát sinh (kye-rim) và giai đoạn hoàn thành (dzog-rim)
(11) thi kệ số 10 chương 3: Quán Tưởng Không Gian Công Đức

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét