Lúc Mười Sáu Tuổi,
Tôi Trở Thành Lãnh Tụ Thế Quyền Của Tây Tạng
THÁNG MƯỜI NĂM 1950, trong chiến dịch của họ ở miền Đông
Tây Tạng, Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Cộng đã gây ra những thất bại nặng nề
vào quân đội của chúng tôi, vốn rất ít ỏi và vũ khí thô sơ hơn họ rất nhiều.
Khi chúng tôi biết rằng thành phố Chamdo đã rơi vào quân Trung Cộng, sự lo âu của
chúng tôi gia tăng mãnh liệt. Đối diện với hiểm họa lù lù trước mắt, dân chúng
Lhasa được động viên để yêu cầu tôi được lãnh trách nhiệm và được bổ nhiệm vai
trò lãnh đạo thế quyền.
Những tuyên bố được dán trên những bức tường của thành phố,
chỉ trích chính phủ dữ dội và yêu cầu tôi nắm lấy vận mạng của đất nước trong
tay tôi. Tôi nhớ là mình đầy lo lắng khi tin tức đến tai tôi. Tôi chỉ mới mười
sáu tuổi, và chưa hoàn tất việc tu học của tôi. Điều gì nữa, tôi không biết gì
về những sự thay đổi xảy ra ở Trung Hoa và đã dẫn đến việc xâm lược quê hương
tôi. Tôi không được tiếp nhận bất cứ sự huấn luyện nào về chính trị. Cho nên tôi đã chống lại, viện cớ không có
kinh nghiệm và tuổi tác của tôi, vì thông thường một Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ giảm
bớt trách nhiệm của vị nhiếp chính vào tuổi mười tám chứ không phải mười sáu.
Rõ ràng rằng những thời gian dài của nhiếp chính là một
điểm yếu của hiến pháp chúng tôi. Tự tôi đã có vài năm có thể quán sát những
căng thẳng giữa những bè phái khác nhau trong chính quyền và hệ quả tai hại của
họ đối với việc quản lý đất nước. Hoàn cảnh đã trở thành thảm họa dưới sự đe dọa xâm lược của Trung Cộng.
Hơn thế nữa, chúng tôi cần thống nhất, và như một Đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi là
người duy nhất có thể đạt được sự hổ trợ phổ quát của đất nước.
Hộ Pháp Kuten
Nội các của tôi đã quyết định tham khảo ý kiến nhà tiên
tri của quốc gia. Vào cuối buổi lễ, một vị tu sĩ Hộ Pháp Kuten, thường tuyên bố
những điều trong lúc xuất thần, lảo đảo dưới sức nặng của khôi giáp, đã đi đến
tôi là đặt trên đùi tôi một kata, một khăn choàng nghi lễ trắng, mà trên ấy ông
đã viết những chữ "thu la bap - thời của ngài đã đến."
Vị tiên tri đã nói. Tôi phải lãnh trách nhiệm và chuẩn bị
không thể chậm trể để lãnh đạo đất nước tôi, vốn đang đi vào chiến tranh.
***
Vào ngày 17 tháng
Mười Một năm 1950, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chính thức trở thành vị lãnh tụ thế
quyền của Tây Tạng. Vào ngày 1 tháng Mười năm 1949, Mao Trạch Đông với chiến thắng
quân Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch đã tuyên bố thành lập nước Cộng Hòa
Nhân Dân Trung Hoa ở Bắc Kinh. Bắt đầu ngày 1 tháng Giêng năm 1950, Mao cho biết
ý định sẽ "giải phóng" Tây Tạng, mà người Tàu thường gọi một cách
truyền thống là "Ngôi Nhà của Những Kho Tàng Phương Tây" hay Tây Tạng.
Trong ngôn ngữ tuyên truyền, "sự giải phóng" là một vấn đề chấm dứt
"chủ nghĩa đế quốc phương Tây" và "chính phủ phản động" của
chế độ thần quyền cuối cùng trên thế giới. Tuy nhiên, vào lúc ấy chỉ có bảy người
ngoại quốc ở Tây Tạng.
Vào ngày 7 tháng Mười
năm 1950, năm mươi nghìn quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Cộng đã vượt sông Dương
Tử, biên giới phía Đông giữa Tây Tạng và Trung Hoa. Mặc cho sự chống cự mãnh liệt
của 8,500 binh sĩ Tây Tạng và những trở ngại thiên nhiên đáng kể, đội quân
Trung Cộng đã tiến không ngừng. Nó chỉ dừng lại cách thủ đô Lhasa vài trăm cây
số.
Chính quyền Tây Tạng
đã được kêu gọi gửi một phái đoàn đến Bắc Kinh để thương thảo với nhà cầm quyền
Trung Cộng về những điều kiện của cuộc "giải phóng hòa bình."
Chúng Tôi Đã Tin
Tưởng Một Cách Sai Lầm Rằng
Cô Lập Sẽ Bảo Đảm
Cho Sự Hòa Bình Của Chúng Tôi
SỰ ĐE DỌA CHO NỀN tự do của Tây Tạng đã không thoát khỏi
sự chú ý của thế giới. Chính quyền Ấn Độ, được sự hổ trợ của Anh Quốc, chống lại
quyền lực của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa vào tháng Mười Một năm 1950, tuyên bố
rằng sự xâm lược đất nước chúng tôi đe dọa hòa bình. Nhưng tất cả đều là rỗng
tuếch. Chúng tôi sẽ phải trả cho cái giá về sự cô lập của tổ tiên chúng tôi.
Địa lý cắt rời đất nước chúng tôi với thế giới còn lại.
Trước đây ở Tây Tạng, nhằm để đến những biên giới của Ấn Độ hay Nepal, người ta
phải dự định một hành trình dài đăng đẳng, khó khăn, hàng tháng từ Lhasa xuyên
qua những đường đèo cao ngất của Hy Mã Lạp Sơn vốn không thể vượt qua hầu như
suốt cả năm.
Cô lập, thế thì, là một biểu hiện đặc trưng của đất nước
chúng tôi, và chúng tôi cẩn thận củng cố nó bằng việc chỉ cho phép hiện diện một
con số nhỏ những người ngoại quốc. Trong quá khứ, Lhasa thậm chí được gọi là
"Tử Cấm Thành". Thật đúng rằng, theo lịch sử những mối quan hệ của
chúng tôi với những dân tộc láng giềng - Mongolia, Mãn Châu, và Trung Hoa - là
đối nghịch. Trên tất cả, mặc dù, chúng tôi muốn sống trong hòa bình, trong tâm
linh của tôn giáo chúng tôi. Chúng tôi đã nghĩ rằng chúng tôi có thể tiếp tục
cách sống hòa bình này bằng việc duy trì nó tách biệt với thế giới. Đây là một sai
lầm. Và ngày nay, tôi làm cho nó có bổn phận là để cửa rộng mở với tất cả mọi
người.
***
Đức Đạt Lai Lạt Ma
hối tiếc một cách đúng đắn rằng, vì thiếu sự quan tâm trong chính trị ngoại
giao và thiếu kinh nghiệm trong những mối quan hệ quốc tế, Tây Tạng quên lãng
việc làm cho sự độc lập của mình được biết một cách chính thức trong cộng đồng
những quốc gia trên thế giới. Sự kiện Tây Tạng độc lập[1] đã được tuyên bố dưới
thời Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 trong cuộc cách mạng Trung Hoa lần thứ nhất năm
1911 (Tân Hợi), và trục xuất Trú Trát Đại Thần (đại diện của hoàng đế) cùng với
một đội quân trú phòng nhỏ Trung Hoa.
Vào đầu thế kỷ 20,
trong thực tế Tây Tạng đầy đủ tiêu chuẩn của một quốc gia có chủ quyền. Nó sở hữu
một lãnh thổ và những biên giới xác định
và một chính quyền thực hiện thẩm quyền trọn vẹn và duy trì những mối
liên hệ quốc tế. Năm 1947, trong Hội Nghị Quan Hệ Á Châu ở New Delhi, phái đoàn
Tây Tạng đã ngồi cùng với lá cờ của họ, cùng với đại diện của 32 quốc gia.
Nhưng chính sách ngoại giao của Tây Tạng đã chỉ giới hạn sự tiếp xúc với những
quốc gia có cùng biên giới: Anh quốc, và sau này Ấn Độ độc lập, Nepal, Bhutan,
và Trung Hoa. Vị thế độc lập thật sự này không được hợp pháp hóa qua sự nhìn nhận
của quốc tế.
Sự độc lập của Tây
Tạng trong mối quan hệ với Trung Hoa tự nó mâu thuẩn để giải thích do bởi sự phức
tạp và thường bị hiểu sai vì chính trị và tôn giáo vốn bị làm rối rắm trong mỗi
nước. Trong quá khứ vốn từng là một quốc gia chiến đấu ở Mông Cổ, Trung Hoa, và
những thị quốc trong Đường Tơ Lụa, mà Tây Tạng đã bao gồm, vào lúc quân đội đạt
đến tột đỉnh trong thế kỷ thứ 8, những dân tộc Ấn - Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, và Trung
Hoa, và ngay cả chiếm cứ kinh đô Tràng An của Trung Hoa. Mặc dù bị chinh phục bởi
những người Mông Cổ vào thế kỷ thứ 10, nhưng Tây Tạng chưa bao giờ bị sáp nhập
vào trong đế quốc của họ.
Một mối quan hệ thầy
- trò bảo hộ tâm linh được thiết lập giữa những Đức Đạt Lai Lạt Ma và những vị
vua khả hản của Mongolia, và vào thế kỷ 13, khi người Mông Cổ thành lập triều Đại
Nguyên ở Trung Hoa, mối quan hệ như vậy cũng đã được thiết lập giữa Thiên Tử
Hoàng Đế và Đức Đạt Lai Lạt Ma. Hoàng đế Đại Nguyên được các vị Đạt Lai Lạt Ma
xem như hóa thân của Mạn Thù Thất Lợi trên trái đất, vị Bồ tát của Tuệ Trí, và
quyền lực bảo hộ thế tục được giao cho hoàng đế. Đức Đạt Lai Lạt Ma, dòng truyền
thừa hóa thân từ đức Quán Thế Âm, vị Bồ tát của từ bi Giác Ngộ, thi hành thẩm
quyền tâm linh được tôn trọng cả ở Trung Hoa và Mongolia.
Trong phạm vi của mối
quan hệ đặc biệt như vậy, vào thế kỷ 18 quân đội Đại Thanh Trung Hoa đã can thiệp
để tái lập vị trí của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 7, khi Tây Tạng bị phân chia bởi một
cuộc nội chiến. Hai vị Trú trát đại thần ở lại Lhasa, nhưng họ được yêu cầu phải
báo cáo với chính quyền của Đức Đạt Lai Lạt Ma, và họ chưa bao giờ thi hành bất
cứ đặc quyền nào nhân danh Đại Thanh Trung Hoa.
Sau này, trong thế
kỷ 20, Tây Tạng trở thành một chiếc cọc của Trung Á khi nó bị căng thẳng bởi sự
tham lam của cả Nga và Anh. Trước tiên Anh Quốc cố gắng ký kết những thỏa thuận
thương mại với Trung Hoa về Tây Tạng và để vẽ lại một cách đơn phương những
biên giới của vương quốc Hy Mã Lạp Sơn. Nhưng người Tây Tạng chống lại hiệu lực
của những hiệp ước này.
Năm 1904, một đội
quân thám hiểm của Anh cố gắng để áp đặt quyền ưu tiên của Anh Quốc bằng vũ lực,
và Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 phải rời khỏi thủ đô bị chiếm đóng. Anh Quốc và vị
nhiếp chính ký Hiệp Định Lhasa, bồi thường chiến tranh và cho Anh Quốc đặc quyền
thương mại. Hiệp định này thiết lập một
sự thừa nhận thực tế về chủ quyền của Tây Tạng trong mối quan hệ với quốc gia
Trung Hoa. Nó được củng cố vào năm 1906
bằng một văn kiện mà Anh Quốc ký với Trung Hoa, vốn chấp nhận rõ ràng hiệp định
Anh - Tạng.
Tuy thế, năm 1907,
để củng cố quyền lợi của họ, Anh Quốc thương thảo lại với người Trung Hoa và đã
kết thúc bằng hiệp định Bắc Kinh, mà trong ấy họ đồng ý không thương thảo với
Tây Tạng ngoại trừ qua sự trung gian của Trung Hoa. Trong sự mâu thuẩn trắng trợn
với những thỏa ước trước, hiệp định mới rõ ràng nhìn nhận "quyền bá chủ"
của Trung Hoa đối với Tây Tạng. Vì vậy, một sự thật tương phản được hợp thức
hóa, hình thành một căn bản để sau này người Trung Hoa cho rằng Tây Tạng là một
phần của Trung Hoa.
Đức Đạt Lai Lạt Ma
lấy làm tiếc về những mâu thuẩn trong Hiệp Định Bắc Kinh, mà những hậu quả của
nó thành ra rất nghiêm trọng cho đất nước của ngài: "quyền bá chủ là một
thuật ngữ mơ hồ và cũ kỷ. Có lẻ nó là thuật ngữ gần nhất của chính trị phương
Tây để diễn tả những mối quan hệ giữa Tây Tạng và Trung Hoa từ 1720 đến 1890,
tuy thế, nó rất là không chính xác, và việc sử dụng nó đã làm lạc hướng toàn bộ
những thế hệ các chính khách phương Tây. Nó đã không quan tâm đến mối quan hệ
tâm linh qua lại, hay việc nhìn nhận rằng mối quan hệ ấy là một vấn đề cá nhân
của các Đức Đạt Lai Lạt Ma và những hoàng đế Mãn Châu. Có nhiều mối quan hệ
Đông phương cổ xưa như vậy mà vốn không thể diễn tả được trong những thuật ngữ
chính trị có sẳn ở phương Tây. Những cuộc phản kháng của người Tây Tạng sau đó ở
trước Liên Hiệp Quốc đã không thành công trong việc gạt bỏ thẩm quyền của Trung
Hoa và việc thừa nhận chủ quyền của người Tây Tạng.
Tôi Xác Nhận Sự
Kêu Gọi Của Nội Các Tây Tạng Với Liên Hiệp Quốc
NGÀY 7 THÁNG MƯỜI MỘT NĂM 1950, nội các và chính quyền
Tây Tạng đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc, yêu cầu họ can thiệp cho chúng tôi. Tôi đã
chấp nhận những thuật ngữ của lá thư:
Chú ý của thế giới đã được đoàn kết lại nơi mà sự gây hấn
đang bị chống lại bởi lực lượng quốc tế. Tương tự thế những gì đang xảy ra ở một
vùng xa xôi Tây Tạng lại đang trôi qua mà không được đề cập đến. Chính là trong
niềm tin tưởng rằng sự xâm lược sẽ không tiếp diễn mà không được kiểm soát và sự
tự do không được bảo vệ ở bất cứ nơi nào trên thế giới mà chúng tôi có trách
nhiệm báo cáo đến Tổ Chức Liên Hiệp Quốc, qua quý vị, những gì mới xảy ra gần
đây trong vùng biên giới của Tây Tạng.
Như quý vị đã biết, vấn nạn Tây Tạng có tầm vóc trong thời
gian gần đây. Vấn nạn này không phải của do chính Tây Tạng tạo ra nhưng chính
phần lớn là sự hậu quả tham vọng không bị cản trở của Trung Hoa nhằm đưa những
quốc gia yếu kém vùng ngoại biên ở dưới sự thống trị tàn bạo của nó.
***
Chiến lược của Cộng
Hòa Nhân Dân Trung Hoa là nhằm làm cho phương Tây tin rằng họ cam kết chân
thành giải quyết hòa bình vấn đề Tây Tạng. Những quốc gia hàng đầu vốn đang bận
tâm với hiểm họa chiến tranh hạt nhân; với Đại Hàn đang ở trọng điểm sự quan
tâm của họ, và Liên Xô đã tuyên bố ủng hộ Trung Hoa Mao-ít. Quốc gia thành viên
duy nhất đã ra lời kêu gọi chống lại sự xâm lược của lực lượng ngoại nhập vào
Tây Tạng là El Salvador, tháng Mười Một năm 1950. Thủ Tướng Jawaharlal Nehru của
Ấn Độ, người vốn quan tâm đến việc duy trì quan hệ hữu nghị của ông với người
láng giềng khổng lồ ở phía Bắc, đã từ chối can thiệp, Anh Quốc cho thấy sự dửng
dưng của họ, và Hoa Kỳ chọn sự thận trọng vì sợ làm suy sụp những mối quan hệ của
họ với Xô Viết.
Tuy nhiên, trên đất
nước Tây Tạng, quân đội Trung Cộng đang gây ra những hành vi bạo động ở miền
Đông Tây Tạng. Chính phủ Tây Tạng đã gởi một phái đoàn đến Bắc Kinh để đàm
phán. Nhưng những sự thảo luận đã đi đến dừng lại đột ngột, và bị đe dọa với một
cuộc diễn hành quân sự ở Lhasa, vào ngày 23 tháng Ba năm 1951, những phái viên
Tây Tạng đã ký một Thỏa Ước cho sự Giải Phóng Tây Tạng một cách Hòa Bình, cũng
được gọi là Thỏa Ước Mười Bảy Điểm, vốn được sắp xếp sự sáp nhập xứ sở của họ bởi
Trung Hoa.
Theo những Hội Đồng
Luật Gia Quốc Tế, văn kiện này là vô giá trị dưới luật lệ quốc tế bởi vì nó được
ký kết dưới sự đe dọa của vũ khí.
Đất Mẹ Một Sự Dối
Trá Hổ Thẹn
TÔI THƯỜNG NGHE TIN TỨC từ đài phát thanh Bắc Kinh bằng Tạng
ngữ. Một đêm nọ chỉ có mình tôi, đột nhiên nghe một giọng chát chúa tuyên bố rằng
Thỏa Ước Mười Bảy Điểm cho sự Giải Phóng Tây Tạng Hòa Bình mới vừa được ký kết
giữa những đại diện của chính quyền Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và cái gọi là
chính quyền khu vực Tây Tạng.
Tôi đã không thể tin tưởng tai tôi. Tôi muốn nhảy lên và
gọi mọi người, nhưng tôi như bị dán chặc vào chỗ ngồi của tôi. Người tuyên bố
giải thích rằng "trong thế kỷ vừa qua, những lực lượng gây hấn của đế quốc
đã xâm lược Tây Tạng gây ra đủ loại ngược đãi và kích động ở đó. Kết quả của việc
này," ông ta nói là "dân tộc Tây Tạng bị ngập sâu vào những khổ đau
nô lệ tràn trề." Thân thể tôi như bị bệnh khi tôi nghe những dối trá không
thể có và những sáo ngữ tuyên truyền kỳ quái.
Nhưng những điều tồi tệ nhất chưa đến. Đài phát thanh
tuyên bố rằng, theo điều đầu tiên của Thỏa Ước, dân tộc Tây Tạng sẽ trở về
"đất của mẹ họ". Rằng Tây Tạng có thể trở về đất mẹ là một sự dối trá
xấu hổ! Tây Tạng chưa bao giờ là một phần của Trung Hoa. Trái lại, nó có thể
đòi hỏi những phần lãnh thổ rộng lớn của Trung Hoa. Những dân tộc của chúng tôi
là khác biệt chủng tộc, và hoàn toàn triệt để như vậy. Chúng tôi không nói cùng
một ngôn ngữ, và chữ viết của chúng tôi không có gì chung với chữ viết Trung
Hoa.
Điều đáng báo động nhất là phái đoàn Tây Tạng không có
quyền ký kết nhân danh tôi. Nhiệm vụ duy nhất của họ là đàm phán; tôi đã giữ ấn
triện quốc gia với tôi.
***
Takster Rinpoche và
Đức Đạt Lai Lạt Ma
Đức Đạt Lai Lạt Ma bị
đối diện với một tình trạng khó xử. Anh trai của ngài, Takster Rinpoche, đã rời
tu viện Kumbum và tiếp xúc với nhà ngoại giao ở Calcutta. Ông tin chắc rằng người
Mỹ sẽ không dung thứ sự bành trướng của chủ nghĩa Trung Cộng và họ sẽ chiến đấu
cho Tây Tạng. Biết rằng quân đội Hoa Kỳ đang tham dự ở Đại Hàn, Đức Đạt Lai Lạt
Ma nghi ngờ người Mỹ sẽ mở chiến trận thứ hai ở Tây Tạng. Điều gì hơn thế nữa,
nhận biết rằng Trung Hoa là một đất nước nhiều dân số, ngài sợ rằng một cuộc xung đột quân sự, ngay
cả được hổ trợ bởi sức mạnh bên ngoài, sẽ cực kỳ lâu dài và đẫm máu. Để tránh sự
tắm máu với một kết quả không lường được, Đức Đạt Lai Lạt Ma trẻ tuổi quyết định
gặp gở những lãnh tụ Trung Cộng. Nghĩ rằng họ cũng là những con người, ngài hy
vọng có thể thảo luận mọi việc với họ và đạt đến một thỏa thuận.
Cá Tính Của Mao
Gây ấn Tượng Với Tôi
MẶC DÙ PHẠM VI của những mối quan hệ khó khăn với Trung
Hoa, nhưng năm 1954, và 1955 tôi đã đi đến quốc gia ấy. Đó là một cơ hội tốt để
khám phá một thế giới khác biệt. Điều gì hơn nữa, trong cuộc du hành này tôi đã
gặp nhiều người Tây Tạng trong các tỉnh Kham và Amdo, thế nên tôi đã thu thập
nhiều kinh nghiệm và hiểu biết mới. Tôi cũng đã gặp nhiều lãnh tụ, đáng chú ý
là Mao Trạch Đông. Lần đầu tiên tôi gặp ông trong một cuộc biểu tình công cộng.
Khi tôi đi vào phòng của ông, tôi chú ý trước nhất là ánh đèn pin, Mao đang ngồi
giữa ánh sáng ấy, rất tĩnh lặng và thư thái. Ông không giống như một người đàn
ông thông thái đặc thù. Khi tôi bắt tay ông, mặc dù, tôi cảm thấy giống như tôi
đang ở trong một năng lực điện từ mạnh. Thái độ của ông rất thân thiện, cung
cách tự nhiên, mặc dù nghi thức.
Đức Ban Thiền Lạt Ma - Mao - Đức Đạt Lai Lạt Ma
Tất cả, tôi có ít nhất hơn chục lần gặp gở với ông, hầu hết
là trong những buổi hội họp đông đảo, nhưng một vài lần cá nhân. Trong những hoàn cảnh như vậy, cho dù là yến
tiệc hay hội nghị, ông luôn luôn để tôi ngồi bên cạnh ông, và ngay cả một lần sớt
thức ăn cho tôi.
Tôi thấy ông ta thật ấn tượng. Về thể chất mà nói, ông rất
khác thường. Ông có nước da thẩm màu, nhưng làn da dường như lấp lánh, giống
như ông có thoa kem.
Bàn tay ông rất đẹp và có cùng ánh sáng lạ ấy, với những
ngón tay hoàn hảo và những ngón tay cái to sắc xảo. Tôi chú ý rằng ông dường
như hơi khó thở, và thường khò khè. Có lẻ điều ấy tác động đến cung cách nói
năng của ông, là luôn luôn chậm chạp và chính xác. Ông dường như từng phần từng
câu ngắn, chắc chắn là vì cùng lý do ấy. Chuyển động và tư thái của ông cũng rất
chậm chạp. Phải cần vài giây để chuyển đầu ông từ trái sang phải, tạo cho ông
không khí trang nghiêm và tự tin.
Cuộc phỏng vấn cuối cùng của chúng tôi xảy ra vào mùa
xuân năm 1955, trong phòng của ông, một ngày trước khi tôi khởi hành. Tôi đã đi
thăm vài tỉnh của Trung Hoa vào lúc ấy và tôi đã sẳn sàng để nói với ông trong
tất cả sự chân thành rằng tôi bị hấp dẫn một cách mạnh mẽ trong những chương
trình phát triển khác nhau cho Tây Tạng. Nhưng ông ta đến gần tôi và thì thầm,
"Thái độ của ông là đúng đắn vì ông đang học hỏi. Nhưng hãy tin tôi, tôn
giáo là thuốc độc vốn có hai khuyết điểm nghiêm trọng: nó làm giảm thiểu dân số,
vì tăng và ni thệ nguyện độc thân, và nó làm ngăn trở tiến trình. Nó đã sinh ra
hai nạn nhân, Tây Tạng và Mông Cổ."
Với những lời này, tôi bị ngập tràn với một cảm giác cháy
bỏng trên mặt tôi và một sự sợ hãi mãnh liệt.
***
Đức Đạt Lai Lạt Ma
đã rời Trung Hoa mà không có bất cứ ảo tưởng nào. Nhưng ngài quán chiếu một
cách thẳng thắn rằng những người đang gặp khó khăn luôn luôn có xu hướng bám
víu với sự hy vọng mong manh nhất, thế nên ngài lại cố gắng để tìm một nền tảng
chung với kẻ chiếm đóng, mà sự hiện diện của họ đã được củng cố với sự vắng mặt
của ngài.
Sau khi ký Thỏa Ước
Mười Bảy Điểm, Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Cộng đã tiếp tục mở rộng sự chiếm
đóng của họ, chiếm cứ Lhasa và trung tâm Tây Tạng. Đảng Trung Cộng tiếp tục phá
hoại những tỉnh phía Đông Tây Tạng, vốn được chuyển giao dưới thẩm quyền của những
địa phương khác nhau của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, vì trong năm 1955 Mao đã
quyết định bao gồm những tỉnh này trong "dòng thác xã hội chủ nghĩa hóa vĩ
đại."
Giữa những năm 1950
và 1959, phí tổn bồi dưỡng cho quân chiếm đóng và những vùng đất tập thể hóa đầu
tiên gây ra nạn đói, trong khi lao động bị buộc phải xây dựng những đường xá
chiến lược. Khi, bắt đầu "Đại Nhảy Vọt" của năm 1958, cải cách dân chủ
kéo theo việc buộc tố cáo những lãnh tụ Tây Tạng và những lạt ma tôn kính, đưa
đến những cuộc nổi dậy lan tỏa phổ biến. Nhà đương cục Trung Cộng củng cố quân
đội chiếm đóng với những đội quân tăng cường khi lực lượng kháng chiến vũ trang
chống lại kẻ chiếm đóng trở nên cực đoan hơn ở miền Đông Tây Tạng của các tỉnh
Kham và Amdo.
10 Tháng Ba 1959,
Ngày Đồng Khởi ở Lhasa
Dân chúng Lhasa tụ tập tháng Ba năm 1959
SAU BUỔI CẦU NGUYỆN
và điểm tâm [ngày 10 tháng Ba năm 1959], tôi ra ngoài đi vào ánh sáng của
một buổi sáng tĩnh lặng và cất bước dạo quanh khu vườn. Bầu trời trong như pha
lê, và những tia nắng sáng ngời trên những ngọn núi trông xuống tu viện Drepung
từ xa xa. Chẳng bao lâu chúng rọi xuống cung điện và tỏa chiếu trên điện mùa hè
Norbulingka, Công Viên Trân Bảo, nơi tôi đang tản bộ. Đó là một mùa xuân tươi
mát, vui vẻ, với từng cụm cỏ mới và những chồi non đơm đầy trên cây dương và
cây liễu. Những lá sen đang vươn lên trên mặt hồ nước và mở ra dưới ánh nắng. Đột
nhiên tôi nhảy lên khi tôi nghe những tiếng la từ xa.
Tôi cho vài người lính canh ra xem lý do tại sao có những
tiếng kêu gào này. Khi trở lại, họ giải thích với tôi rằng rất nhiều dân chúng
đang tràn ra đường hướng đến Norbulingka để bảo vệ tôi khỏi quân Trung Cộng. Họ
tiếp tục tràn ra đường suốt buổi sáng. Một số tụ họp thành nhóm với nhau tại những
cổng ra vào khác nhau của công viên, trong khi những người khác đang bắt đầu đi
tuần tra chung quanh. Đến giữa trưa khoảng ba chục nghìn người đã tập họp ở đấy.
Tình cảnh phải được xoa dịu.
Tôi e ngại rằng, trong sự bùng nổ của cơn giận dữ, đám đông
có thể đánh nhau với quân trú phòng Trung Cộng. Đồng thời những lãnh đạo dân cử
kêu gọi Trung Cộng hãy trả Tây Tạng lại cho người Tây Tạng. Mọi người đòi hỏi sự
chấm dứt chiếm đóng và tái thiết lập quyền hành của Đạt Lai Lạt Ma. Nghe những
tiếng la ó của họ, tôi nhận ra sự phẩn nộ của những người biểu tình, và tôi biết
rằng tình hình hiện tại đã trở thành không thể kiềm chế.
Tôi cảm thấy như bị kẹt giữa hai ngọn núi lửa. Một phía
là đồng bào tôi đang tự động nổi dậy chống lại nhà đương cục Trung Cộng. Về
phía kia, một lực lượng chiếm đóng hùng hậu và hung bạo đang đứng đấy, sẳn sàng
ra tay. Nếu chiến sự xảy ra, hàng nghìn cư dân Lhasa sẽ bị tàn sát và toàn bộ đất
nước sẽ bị ở dưới chế độ thiết quân luật không thể nguôi ngoai với đàn áp và tội
phạm không thể tránh khỏi.
***
Ngày 10 tháng Ba
năm 1959, khi quân Trung Cộng đóng chốt chung quanh Lhasa, hướng đại bác vào
cung điện mùa hè của Đức Đạt Lai Lạt Ma, hàng nghìn người Tây Tạng tự động tự động
tập họp hình thành một bức tường với thân thể của họ. Đám đông không giải tán
trong những ngày tiếp theo, và vào ngày
17 tháng Ba khi quân Trung Cộng tấn công, đàn ông, đàn bà, người già và trẻ con
đã dâng hiến thân mạng của họ cho Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Trong những mặt trận
đường phố, hai mươi nghìn người Tây Tạng chống lại bốn mươi nghìn quân Trung Cộng,
cuộc Lhasa đồng khởi 1959 tiếp tục trong ba ngày và ba đêm trước khi bị trấn
áp. Ở Lhasa, bị tàn phá bởi súng cối và tiểu liên, những người sống sót nói rằng
thi thể của người, chó, và ngựa chất đầy những đường nhỏ hẹp máu chảy tuôn
tràn. Vào buổi sáng ngày 18 tháng Ba năm 1959, bình minh vươn dậy trên tiếng
kêu của sự chết chóc, tiếng rên xiết của những người bị thương và mùi tanh của
máu chảy lan tràn.
Có khoảng mười
nghìn người bị chết, và bốn nghìn người biểu tình bị bắt. Những vụ bắt bớ và những
vụ xử tử nhanh chóng tiếp tục trong một thời gian dài sau sự kiện này.
Trên đường tị nạn
Trước ngày xảy ra vụ
tàn sát, giả dạng như một người lính, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đào thoát. Dưới sự
bảo vệ của Những Chiến Binh Tự Do - những kháng chiến quân đến từ Kham - ngài
đã lên đường đi tị nạn tại Ấn Độ, với hy vọng rằng sự ra đi của ngài có thể
tránh được sự tàn sát những người trung thành với ngài. Nhưng mong ước của ngài
đã không thành.
Ẩn Tâm Lộ,
Thursday, February 11, 2016
[1]
Sau Cách mạng Tân Hợi (1911–1912)
lật đổ triều Thanh và các binh sĩ Thanh cuối cùng bị áp giải ra khỏi Tây Tạng, Trung Hoa Dân Quốc xin lỗi
về các hành động của triều Thanh và quyết định khôi phục tước hiệu cho Đạt-lai
Lạt-ma.[43] Đạt-lai Lạt-ma từ chối bất
kỳ tước hiệu nào của Trung Quốc, và ông tuyên bố cai trị một Tây Tạng
độc lập.[44]Năm 1913, Tây Tạng và Mông
Cổ ký hiệp định công nhận lẫn nhau.[45]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét