Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

TÔI TỐ CÁO SỰ HÁN HÓA TÂY TẠNG



Tôi Thỉnh Cầu Thế Giới Đừng Quên Rằng
Hàng Nghìn Người Tây Tạng Đã Bị Tàn Sát

NGÀY 10 THÁNG BA NĂM 1959, dân tộc Tây Tạng tuyên cáo sự độc lập của Tây Tạng, sau gần chín năm dưới sự chiếm đóng. Bất hạnh thay, một chính quyền ngoại bang vẫn hiện diện ở Tây Tạng, nhưng tôi tự hào rằng tinh thần của người Tây Tạng không bị nghiền nát và vẫn không dao động trong giải pháp của nó để chiến đấu cho đến khi chúng tôi giành lại nền độc lập. Tôi biết rằng cuộc tranh đấu vốn đã bắt đầu vài năm trước chống lại những kẻ chiếm đóng vẫn đang tiếp diễn chống lại những kẻ xâm lược và áp chế, những kẻ núp dưới cái tên và hình ảnh của "kẻ giải phóng." Tôi tuyên bố một cách chắc chắn rằng thế giới văn minh đang hiểu hơn ngày qua ngày vấn đề những kẻ cho rằng họ hành động nhân danh tự do đã nghiền nát sự tự do của những láng giềng yếu thế như thế  nào.

Thế giới đã trở nên thức tỉnh hơn về những sự kiện khủng khiếp đã xảy ra ở Tây Tạng, cảm ơn hai báo cáo minh bạch của Ủy Ban Công Lý Quốc Tế. Những tài liệu này chỉ ra rằng nhà đương cục Trung Cộng cực kỳ coi thường những quyền con người căn bản của dân tộc chúng tôi, những người đã bị tàn sát hàng nghìn nhân mạng đơn thuần chỉ bởi vì họ muốn xác nhận sự tự do của họ để sống và giữ gìn di sản văn hóa và tôn giáo của họ. Tài liệu cũng nhấn mạnh rằng Trung Cộng đã tạo tội diệt chủng vì đã giết hại nhiều người Tây Tạng với mục đích tiêu diệt tôn giáo Tây Tạng và đã trục xuất hàng nghìn trẻ em sang Trung Hoa.

Sự thông cảm đối với những sự kiện này khuấy động toàn thế giới được thấy bởi nghị quyết của Liên Hiệp Quốc trong năm 1959 kêu gọi chấm dứt những yêu sách quá đáng đang cướp mất của người dân Tây Tạng những quyền con người căn bản và quyền tự trị lịch sử của họ. Tôi xác nhận rằng chúng tôi bị tước quyền sở  hữu, không phải quyền tự trị, mà là độc lập. Đối với người Trung Cộng, lời kêu gọi này đã rơi vào những lỗ tai điếc. Mọi thứ chỉ trở nên tồi tệ hơn, được thấy bằng dòng người tị nạn liên tục tràn vào như thác lũ không ngớt từ Tây Tạng.

Vấn đề được thảo luận tại buổi họp toàn thể của đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Tôi đã kêu gọi tất cả những ai ủng hộ chúng tôi và đến chính đại hội đồng là Trung Hoa [được khuyến nghị] chấm dứt sự xâm lược của nó bằng việc tái lập nền độc lập của Tây Tạng. Biện pháp nửa vời sẽ không giúp ích gì nhiều. Chúng tôi biết ơn đến những quốc gia liên đoàn những nước đã ủng hộ vấn đề của chúng tôi - Malaysia, Thái Lan và El Salvador. Tôi kêu gọi Ấn Độ, cường quốc láng giềng của chúng tôi, tiếp tục đón tiếp hàng nghìn người tị nạn Tây Tạng, sử dụng anh hưởng của họ để hổ trợ cho vấn đề của chúng tôi.

Tôi nhận biết rằng người Tây Tạng ở quê hương Tuyết Sơn đang chịu thống khổ bởi sự thống trị của ngoại bang. Tôi kêu gọi họ hãy giữ lòng can đảm và quyết tâm để giành lại nền độc lập  nguyên vẹn của họ. Về phần tôi, tôi muốn chỉ ra rằng tôi vẫn vui lòng dù ở rất xa quê hương và những đồng bào yêu dấu dũng cảm của tôi. Tôi muốn nói rằng tôi chia sẻ niềm hy vọng và nổi khổ đau của họ.

Với hàng nghìn người đồng hương của tôi ở Ấn Độ, Nepal, Bhutan, và Sikkim, tôi muốn nói rằng tất cả chúng ta cùng mang một trách nhiệm nặng nề trong việc chuẩn bị cho ngày chúng ta có thể trở về quê hương và xây dựng lại một Tây Tạng độc lập, hạnh phúc hơn và to đẹp hơn. Tây Tạng mới sẽ cần hàng nghìn người nam nữ có học vấn, lành nghề, có thể dân chủ hóa đất nước mà không phản bội lại di sản văn hóa và tôn giáo của chúng tôi hay phủ nhận tâm hồn của chúng tôi.

Trong thời gian Trung Cộng chiếm đóng, trước khi tôi phải rời Tây Tạng, Nội các chính phủ và tôi đã cố gắng để giới thiệu cải cách ruộng đất và những thay đổi khác đến Tây Tạng, nhưng như mọi người đã biết, những nổ lực của chúng tôi đã bị Trung Cộng cắt ngang. Những người Trung Cộng ngày nay đang áp đặt cái gọi là cải cách vốn như một thòng lọng xiết cổ dân tộc chúng tôi. Tôi đã nghiên cứu chúng rất kỷ lưỡng và đi đến kết luận rằng, như chúng được áp dụng, dân tộc Tây Tạng, sẽ bị khiến phải chịu một tình trạng thần phục tinh thần và kinh tế.

Những sự cải cách như vậy không phù hợp với Hiến Chương Liên Hiệp Quốc cũng như Tuyên Ngôn Nhân Quyền Quốc Tế. Những cải cách tôi vạch ra phải giới thiệu một sự phân chia công bằng lợi ích quốc gia trong khi bảo tồn sự tự do của tri thức, đạo đức và tôn giáo. Về chủ đề này, tôi sẽ lập lại những gì tôi tuyên bố trước đây và bây giờ ở Dalhousie: "Để làm Tây Tạng trở thành một quốc gia thịnh vượng, mạnh mẽ, và cường tráng, những ưu đãi đặc biệt và những vùng rộng lớn phong phú, cho dù chúng thuộc quyền sở hữu của những tu viện hay những gia đình quý tộc, phải được sinh lợi, và mọi người nên học hỏi để sống với những người giản dị và giúp đở họ." Tôi cũng tuyên bố rằng: "Những việc thay đổi là cần thiết trong từng khu vực. Cấu trúc của chính quyền cũng phải cải cách một cách sâu rộng, để mọi người có thể liên kết một cách gần gũi với những chính sách của chính phủ và chính quyền các cấp của đất nước. Bổn phận và trách vụ của việc thi hành cải cách chính trị và thể chế tôn giáo tùy thuộc vào tất cả chúng ta."

Thế giới quan tâm một cách đúng đắn về những vụ sát hại xảy ra ở Congo. Tôi cũng lên án những vụ tấn công này, cho dù họ gây ra ở Congo, Algeria, hay bất cứ nơi đâu. Tuy thế, tôi vẫn muốn yêu cầu thế giới đừng quên hàng nghìn người dân Tây Tạng đã bị tàn sát, và đang bị tàn sát, đơn giản chỉ bởi vì họ từ chối chấp nhận sự thống trị của ngoại bang. Đại nghĩa của sự thật và công lý phải được phổ biến, và vào cuối của màn đêm khủng khiếp và khổ đau này, bình minh của một ngày trong sáng sẽ trổi dậy cho Tây Tạng và dân tộc chúng tôi.

Tôi tiếp tục biểu lộ sự biết ơn sâu xa của tôi với Ấn Độ, Bhutan, Sikkim, và Nepal cho lòng mến khách và ân cần mà những láng giềng này đã chào đón chúng tôi. Tôi cũng muốn cảm ơn nhiều nhiều tổ chức quốc tế và Ấn Độ cũng như những cá nhân đã rộng lòng hổ trợ và giúp đở chúng tôi. Vì một số lượng lớn người tị nạn tiếp tục đổ đến, tôi kêu gọi mọi người hãy tiếp tục ủng hộ chúng tôi một cách hào phóng như từ trước đến nay.

***

Ngày 10 tháng Ba năm 1961, Đức Đạt Lai Lạt Ma quyết định kỷ niệm cuộc đồng khởi ở Lhasa, để vinh danh sự hy sinh của hàng nghìn người Tây Tạng vốn đã bảo vệ ngài chống lại sự đe dọa của Trung Cộng. Vì vậy, phong tục tụ họp trang nghiêm vào ngày 19 tháng Ba mỗi năm được thiết lập, được đánh dấu bằng một bài nói chuyện tóm tắt những sự kiện của năm trước.

Đức Đạt Lai Lạt Ma biết rằng lời nói của ngài, thốt ra từ đại bản doanh của chính quyền lưu vong Tây Tạng ở Dharamsala sẽ được tiếp nhận và lắng nghe vượt khỏi Hy Mã Lạp Sơn và được đọc và đọc lại một cách hào hứng trên Quê Hương Tuyết Sơn bởi những người đặt trọn niềm hy vọng vào ngài. Ngài cũng biết rằng mỗi lời ngài nói ra sẽ được chính quyền Trung Cộng phân tích, và như những năm đã qua ngài đã nghe ngày càng nhiều tiếng vang về những lời tuyên bố của ngài ở phương Tây, nơi mà công luận đã động viên cho Tây Tạng.

Samdhong Rinpoche liên hệ vấn đề những tài liệu những bài nói chuyện về ngày 19 tháng Ba hoạt động như thế nào và sau đó Đức Đạt Lai Lạt Ma bàn luận, như được chứng thực bằng những bài viết nháp, vốn đầy những tẩy xóa và tu chỉnh.

Từ lúc bắt đầu lưu vong, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã kêu gọi lương tâm thế giới; năm 1963 ngài đã lấy làm ân hận rằng "cộng đồng các quốc gia đang biến thành một lỗ tai điếc ." Ngày 9 tháng Chín năm 1959, từ lưu vong, ngài đã đệ trình vấn đề Tây Tạng đến Liên Hiệp Quốc, tố cáo việc xâm phạm nền độc lập của xứ sở ngài trên cấp độ chính trị và vi phạm những quyền con người, cưỡng bức lao động, tàn sát, những vụ xử tử nhanh chóng, và đàn áp tôn giáo trên cấp độ con người. Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã chấp nhận nghị quyết tóm tắt vào ngày 21 tháng Mười năm 1959, cảm ơn Ái Nhĩ Lan, Malaysia, và Thái Lan, với đại đa số cường quốc cho thấy không ủng hộ cho Tây Tạng trong phạm vi của cuộc Chiến Tranh Lạnh.

 Ủy ban Luật gia Quốc tế của Liên Hiệp Quốc đã có thể chứng minh rằng Tây Tạng đã là một quốc gia độc lập thật sự trước năm 1950. Trích dẫn từ Công Ước Về Việc Ngăn Ngừa Và Trừng Phạt Tội Diệt Chủng được Liên Hiệp Quốc chấp nhận năm 1948, Ủy Ban đã viết một bản báo cáo chứng minh rằng Trung Cộng phạm tội diệt chủng được tố cáo bởi Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Năm 1960, Đức Đạt Lai Lạt Ma đưa ra một lời kêu gọi mới đến Liên Hiệp Quốc. Lần thứ hai, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu và chấp nhận một nghị quyết đề cập đến sự vi phạm quyền con người ở Tây Tạng. Sau đó, năm 1965, một nghị quyết thứ ba được chấp nhận tố cáo sự vi phạm tiếp tục những quyền căn bản ở Tây Tạng bởi Trung Cộng. Ấn Độ, cho đến lúc này vốn tiết chế về vấn đề Tây Tạng, đã bỏ phiếu cho nghị quyết nhằm đòi hỏi Trung Cộng tôn trọng luật lệ quốc tế.  Nhưng nghị quyết này vẫn không có kết quả vì không có tính chất bắt buộc về phần những quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc.

Cuộc tranh luận sau đó được đưa từ Đại hội đồng đến Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, mà vào năm 1991 đã chấp nhận một nghị quyết tố cáo sự vi phạm dai dẳng nhân quyền và tự do ở Tây Tạng. Tuy thế, sau ngày đó, vấn đề nhân quyền ở Tây Tạng không còn được thêm vào nghị trình của những buổi họp toàn thể.

Một ý kiến nào đó về sự khó khăn của vấn đề được bảo vệ bởi Đức Đạt Lai Lạt Ma có thể đạt được khi chúng tôi xét thấy rằng cho đến bây giờ không có quốc gia nào nhìn nhận chính quyền Tây Tạng lưu vong, mặc dù một vài xứ đã nói rằng họ ủng hộ quyền thành viên của Quốc Hội Tây Tạng Lưu vong trong Liên Minh Nghị Viện Thế Giới.

Nhân Danh Loài Người, Tôi Kêu Gọi Tất Cả Mọi Người Trên Thế Giới

VÀO NGÀY 10 THÁNG BA, chúng tôi trang nghiêm kỷ niệm ngày người dân Tây Tạng, vô tội và không vũ khí, đồng thời đứng lên chống lại sự xâm chiếm của chủ nghĩa đế quốc Trung Cộng. Bao năm đã trôi qua từ ngày kỷ niệm ấy, nhưng cảnh tượng ghê gớm của thảm kịch khủng khiếp ấy vẫn bao trùm mãnh đất thiêng liêng của chúng tôi. Sự chuyên chế và áp bức tiếp tục, và lời nói không thể diễn tả hết nổi khổ đau của chúng tôi.

Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã hai lần kêu gọi chấm dứt thái độ vô nhân đạo chống lại người Tây Tạng. Về phần tôi, nhiều lần tôi đã đưa ra lời kêu gọi cho một giải pháp công bằng không thiên vị cho thảm kịch này. Nhưng như Ủy Ban Luật Gia Quốc Tế mới đây đề cập, "không một nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc hay bất cứ lời kêu gọi nào đến lương tâm con người có bất cứ ảnh hưởng nào đối với những chính sách của Trung Cộng."

Ủy Ban, được thành lập bởi những luật gia xuất sắc danh tiếng quốc tế cũng tuyên bố rằng "hầu hết những tự do được đề cập trong Tuyên Ngôn Nhân Quyền Quốc Tế kể cả những quyền căn bản, dân sự, tôn giáo, xã hội và kinh tế được bảo đảm bởi luật lệ, đều không được nhìn nhận bởi nhà đương cục Trung Cộng tại Tây Tạng." Nhưng không chỉ từ vụ vi phạm hiển nhiên nhân quyền ở Tây Tạng và những quyền tự do căn bản mà vốn người Tây Tạng đang chịu khổ đau nhất ngày hôm nay. Nó thậm chí tệ hại hơn thế nữa. Nhà đương cục Trung Cộng đã phủ nhận trong thi hành thực tế sự kiện rằng người Tây Tạng là những con người vốn sở hữu những giác quan và cảm nhận của con người. Vì vậy, người Tây Tạng đã bị trục xuất ra khỏi đất đai của họ nhằm dành chỗ cho những di dân Trung Hoa. Chúng xuất phát một cách có hệ thống từ một nguồn gốc duy nhất là lợi nhuận. Trong tâm trí người Trung Cộng, cuộc sống của người Tây Tạng không có giá trị gì. Đúng là nhà cầm quyền Trung Cộng đã phủ nhận một cách kịch liệt những thực tế này. Nhưng những chứng cớ đáng ngạc nhiên về điều này đã hiện hữu. Hàng nghìn người Tây Tạng bất chấp hiểm nguy và giá rét của một hình trình dài đăng đẳng và hiềm nghèo để tìm nơi ẩn náo trong những quốc gia lân cận. Chắc chắn rằng nếu đời sống của họ nếu ngay cả có hơi chịu đựng được thì họ sẽ không từ bỏ tổ ấm và nhà cửa của họ cho một tương lai không chắc chắn.

Trong tình cảnh hiện tại, người Tây Tạng và những người yêu chuộng hòa bình khác nên kêu gọi lương tâm thế giới và chống đối mãnh liệt việc đối xử tàn bạo và vô nhân đạo đối với người Tây Tạng của những kẻ xâm lược Trung Cộng.

Tôi muốn kêu gọi tất cả những người Tây Tạng  hãy củng cố niềm tin của họ và một lần nữa, làm mọi thứ có thể trong năng lực của họ để tái lập hòa bình và tự do trên mãnh đất quê hương thân thương của họ.

Nhân danh loài người, tôi yêu cầu tất cả mọi người trên thế giới hãy đến để giúp đở những người không may và bất hạnh ở Tây Tạng.

Tôi cũng nhấn mạnh sự cực kỳ nguy hiểm của tình trạng hiện tại. Tất cả chúng ta đều biết rằng quân đội Trung Cộng đã vi phạm một cách thô bạo sự toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ, mặc dù những nổ lực của chính quyền Ấn Độ là để duy trì mối liên hệ hữu nghị với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Sự tấn công này chứng tỏ rằng, nếu cần có một sự minh chứng nào, thì cho đến khi nào Trung Cộng vẫn còn chiếm cứ Tây Tạng, thì một sự đe dọa cho hòa bình và tiến bộ vẫn bao phủ đối với những quốc gia Á châu và Đông Nam Á châu. Tình hình nghiêm trọng hơn đối với sự thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Trung Cộng. Cho đến lúc này, những cường quốc nguyên tử đã kiềm chế rất nhiều bởi họ hoàn toàn nhận ra rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ là một thảm họa cho toàn nhân loại. Nhà cầm quyền Trung Cộng cũng tiếp nhận một sự tiết chế như vậy chứ một khi họ đã sở hữu những trái bom hoàn toàn sẳn sàng để cho nổ? Tôi sợ rằng chúng ta không thể mong đợi một sự điều chỉnh hợp lý như vậy về phần của một chính quyền mà mục tiêu điên rồ của họ biết không có thượng đế và hoàn toàn không có chỗ cho tôn trọng. Đó là tại sao tôi chân thành hy vọng và cầu nguyện rằng các dân tộc trên thế giới biết trước một hiểm họa đe dọa toàn thể chúng ta.

***
                                                                          Tendzin Choegyal

Trong bài nói chuyện ngày 10 tháng Ba năm 1965, Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu trước đồng bào ngày và cả thế giới. Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Cộng đã chiếm cứ Tây Tạng cho là do bởi tập quán và xã hội tiềm tàng của họ. Chế độ phong kiến thần quyền bị Mao chê bai để biện minh cho việc làm của ông về sự khai hóa, và tuyên truyền một cách chính thức về những người Tây Tạng hiện tại như nguyên sơ, vô văn hóa, và dã man. Mới đây, với tính hiện thực trong sáng pha lẫn buồn thảm, Tendzin Choegyal, em trai của Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố rằng đối với người Trung Cộng, "giết một người Tây Tạng ít quan trọng hơn giết một con chuột cống."

Đúng là Trung Cộng đã thiết lập những chương trình văn minh hiện đại ở Tây Tạng, nhưng những nổ lực này độc quyền cho những di dân người Hán, họ tập trung ở thành thị, nơi họ là đa số, với cái giá của những người Tây Tạng là ở những vùng thôn quê và du mục, những người khó để kiểm soát do bởi cách sống của họ gắn bó với sự tự trị của họ.

Đe dọa hạt nhân được Đức Đạt Lai Lạt Ma cảnh báo ngày 10 tháng Ba năm 1965, đã chỉ lớn thêm mà thôi, nó phô ra một nguy hiểm thật sự - cả chiến lược và sinh quyển - cho Á châu và thế giới. Trong những năm 1990, với việc thiết lập ở vùng Đông Bắc Học Viện Thứ Chín, một trung tâm nghiên cứu nguyên tử năng kỷ thuật cao, thì Tây Tạng đã trở thành một căn cứ quân sự của Trung Hoa, vốn chứa một phần tư hỏa tiển liên lục địa với những đầu đạn hạt nhân đủ loại ở cao nguyên Tây Tạng.

Nóc Nhà của Thế Giới cũng phục vụ như một nơi chất chứa chất thải nguyên tử. Tân Hoa Xã thừa nhận rằng trong năm 1995 những chất ô nhiễm phóng xạ được chôn bên cạnh bờ Hồ Kokonor và một đầm lầy mà nước của nó đổ vào sông Tsang Chu, chảy dần xuống hạ lưu thành Sông Hoàng Hà chảy xuyên Trung Hoa. Hậu quả, một số lớn của những trường hợp ung thư đã được chú ý trong những người du mục, cùng với một tỉ lệ bất thường của dị tật bẩm sinh trong thú vật trong vùng, nơi những vùng đất chăn thả súc vật truyền thống đã bị phong tỏa.

Vận Động Tiến Trình Hán Hóa ở Tây Tạng

NHỮNG NĂM CHIẾM ĐÓNG của quân Trung Cộng tương ứng với một danh sách dài những bất hạnh và khổ đau thầm lặng. Những nông dân và chủ những đàn thú bị cướp đoạt thành quả lao động của họ. Với một đồng lương rẻ mạt, những đám đông người Tây Tạng bị cưỡng bức xây dựng những con đường quân sự và công sự cho Trung Cộng. Một con số không thể đếm những đồng bào chúng tôi là nạn nhân của những tòa án và thanh trừng công cộng, nơi mà tất cả những loại xỉ nhục và tàn bạo đã giáng xuống cho họ. Những tài sản phong phú, được tích lũy qua nhiều thế kỷ, đã bị tước đoạt đem về Trung Hoa. Một cuộc vận động dai dẳng Hán hóa dân số Tây Tạng tiếp tục diễn ra, bằng sức mạnh thay thế ngôn ngữ Tây Tạng bằng tiếng Hán và thay đổi tên tuổi Tây Tạng với những chữ và âm thanh Hán. Quá nhiều kiểu mẫu Trung Hoa cho "khu tự trị Tây Tạng."

Sự ngược đãi Phật Giáo và văn hóa Tây Tạng đạt đến một mức độ mới của sự mãnh liệt với sự đến của cái gọi là Cách Mạng Văn Hóa và phụ phẩm của nó, Hồng Vệ Binh. Những tu viện, chùa đền, và ngay cả những nhà cửa tư nhân bị lục soát, cướp phá, và tất cả những mục tiêu tôn giáo bị phá hủy. Trong vô số những đồ vật đã bị phá hủy, tôi sẽ kể ra một thí dụ về bức tượng Quán Thế Âm từ thế kỷ thứ bảy. Hai đầu của bức tượng bị cắt ra và làm cho biến dạng, được bí mật đem ra khỏi Tây Tạng và mới đây được trình bày với truyền thông ở Delhi. Không chỉ bức tượng ấy vốn là một biểu tượng tôn kính qua hàng thế kỷ, nhưng cũng cấu thành một vật thể lịch sử, quan trọng, và không thể thay thế thân thiết của người dân Tây Tạng. Sự phá hoại đó là một mất mát lớn lao và là một nguồn buồn thương sâu xa đối với chúng tôi. Nguồn gốc của những phương pháp hoang dã như vậy bởi những đám đông thanh thiếu niên học sinh cuồng nhiệt gây ra một hành động rồ dại bôi bẩn vô nghĩa được Mao Trạch Đông xúi giục nhân danh cái gọi là Đại Cách Mạng Văn Hóa Vô Sản. Nó là một bằng chứng hùng hồn cho những biện pháp cực đoan mà trong ấy những lãnh tụ Trung Cộng đã thất bại trong việc xóa sổ những vết tích văn hóa của chúng tôi. Nhân loại và lịch sử chắc chắn sẽ lên án những cuộc tàn sát dã man người Tây Tạng và di sản văn hóa thân thiết với con tim của họ mà Trung Cộng đã gây ra.

Quán sát với nổi buồn thương sâu sắc sự nghèo khốn và khổ đau kinh khủng của đồng bào tôi ở Tây Tạng, chúng tôi làm mới quyết tâm vững chắc của chúng tôi để dành lại sự tự do của chúng tôi. Trong thời gian lưu vong, chúng tôi đã làm mọi nổ lực để chuẩn bị ngày chúng tôi trở lại cho một Tây Tạng Tự Do. Với mục tiêu này, chúng tôi đã vạch rõ và ban hành một hiến pháp tạm thời cho Tây Tạng, căn cứ trên những nguyên tắc của công lý, bình đẳng và dân chủ liên đới với những giáo huấn của Đức Phật Thế Tôn. Nó được tất cả mọi người Tây Tạng tiếp nhận một cách nồng nhiệt, đặc biệt là những đại biểu dân cử Tây Tạng lưu vong. Chúng tôi cũng đã phát động những chương trình đa dạng cho sự tái hòa nhập và giáo dục, cảm ơn sự đồng cảm và hổ trợ chân thành của chính phủ Ấn Độ. Một cách trung thực, đồng bào chúng tôi và tôi biết ơn sâu sắc sự giúp đở của chính phủ Ấn Độ, vốn thậm chí được mở rộng đến việc bảo vệ cho những chương trình văn hóa và tôn giáo của chúng tôi. Chúng tôi cũng cảm ơn những người Ấn Độ và những tổ chức quốc tế khác đã hổ trợ chúng tôi một cách không mệt mõi. Chúng tôi tiếp tục cần sự giúp đở của họ, và chúng tôi hy vọng vững chắc rằng chúng tôi sẽ được chu toàn như trước đây. Chúng tôi cũng biết ơn chính phủ Ấn Độ và các nước khác đã bảo vệ cho vấn đề Tây Tạng tại Liên Hiệp Quốc. Tuy thế, với sự kiện rằng thậm chí những quyền căn bản nhất của đồng bào chúng tôi bị Trung Cộng coi thường, một chính quyền vốn Liên Hiệp Quốc đã hơn một lần kêu gọi điều chỉnh, thì chúng tôi tin rằng hòa bình sẽ không thể thực hiện được ngoại trừ Tây Tạng dành lại được tự do và được chuyển hóa thành một vùng phi quân sự."

***
Tháng Sáu năm 1966, Mao phát động Hồng Vệ Binh, với sứ mệnh đập tan "Bốn Thứ Cũ": tư tưởng cũ, truyền thống cũ, văn hóa cũ, và phong tục cũ. Cách Mạng Văn Hóa được công bố tại Tây Tạng ngày 25 tháng Tám năm 1966, và mệnh lệnh được ban cho để phá hủy văn hóa Tây Tạng trong tất cả mọi hình thức.

Hai mươi nghìn Hồng Vệ Binh, được tổ chức thành nhóm thi đua, lục soát và cướp phá Lhasa. Các tu viện bị làm xúc phạm và sở hữu bị cướp đoạt. Để chế nhạo niềm tin và lòng sùng kính, kinh điển tôn giáo được dùng để nhét vào giày hay giấy vệ sinh, những bản gỗ in kinh được dùng lót sàn nhà, và những đối tượng nghi lễ làm bằng kim loại quý bị nung chảy. Những kho tàng nghệ thuật tôn giáo Tây Tạng bị đem về Trung Hoa được đem bán đấu giá trên thị trường cổ vật quốc tế.

Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã tuyên bố không nhập nhằng rằng: "Tư tưởng Cộng Sản và tôn giáo là hai năng lực không thể cùng tồn tại. Những khác biệt giữa hai thứ là như ngày và đêm." Tất cả sự thực hành tôn giáo bị cấm đoán, và sự tàn phá có hệ thống các tu viện bắt đầu. Trong tất cả những tu sĩ nam và nữ, đại diện gần một phần tư dân số, hơn mười một nghìn người bị tra tấn đến chết, và phân nữa bị buộc phải hoàn tục hay bị ép phải giao hợp nơi công cộng.

Dân chúng Tây Tạng phải khổ nhục tự phê và tập họp học tập cải tạo, nơi những công nhân phải đối diện với chủ nhân của họ, nông dân với chủ đất của họ, học sinh với giáo viên của họ, và tu sĩ với trụ trì của họ. Việc thú tội bị giằng xé với họ bằng những phương pháp cự kỳ bạo động, đôi khi kết quả tóm lược bằng những vụ xử tử.

Những năm từ 1966 đến 1979, đối với người Tây Tạng, tiêu biểu cho thời kỳ khốc liệt trong sự chiếm đóng của Trung Cộng. Như Đức Đạt Lai Lạt Ma xót xa, đặc tính Tây Tạng bị tấn công thậm chí đến ngôn ngữ của nó. Những nhà chuyên môn tạo ra một "ngôn ngữ Hoa-Tạng hữu nghị" vốn bóp méo Tạng ngữ với những sự từ ngữ Trung Hoa.

Năm Trăm Người Tây Tạng Đã Bỏ Mình Trong Khi Đào Thoát Khỏi Quê Hương Bị Chiếm Đóng Của Họ

KỶ NIỆM NGÀY 10 THÁNG BA đã trở thành thiêng liêng với tất cả những người Tây Tạng, và đó là một ngày quan trọng trong lịch sử đấu tranh của dân tộc chúng tôi, những người muốn giải phóng họ khỏi những kẻ áp bức. Chính ngày này, những người Tây Tạng dũng cảm đã cố gắng giải thoát họ khỏi gông xiềng của những lãnh đạo Trung Cộng. Trong năm 1950, Trung Cộng đã chiếm đóng xứ sở chúng tôi bằng vũ lực, thực hiện một tuyên bố mơ hồ đã lỗi thời về quyền bá chủ. So sánh tính hơn hẳn của lực lượng Trung Cộng, sự phản kháng của chúng tôi bị lên án trước, và nó đưa đến một sự tàn sát ở  mức độ lớn của hàng nghìn công dân chúng tôi. Nhưng tinh thần của một dân tộc vốn tin tưởng trong phẩm giá con người và trong sự tự do của tất cả mọi xứ sở, lớn cũng như nhỏ, không thể bị gục ngã bởi một kẻ xâm lược vô cùng hùng mạnh. Vào ngày nguy kịch ấy, cả nước chúng tôi sát cánh bên nhau coi thường quân Trung Cộng, và chúng tôi đã tái xác nhận lại đặc tính của của đất nước tôi trong một hình thức rõ ràng cho thế giới bên ngoài. Sự đấu tranh của dân tộc chúng tôi đang tiếp tục đến ngày hôm nay cả bên trong lẫn bên ngoài Tây Tạng.

Đối với những đồng bào vẫn còn ở bên trong Tây Tạng, chiến trận là cả hình thức vật thể lẫn đạo đức. Trung Cộng đã sử dụng mọi thủ đoạn có thể, cùng với sức mạnh, để phá vở sự đề kháng của người Tây Tạng. Sự thật là họ đã không thành công được Trung Công thừa nhận và được chứng minh bởi nhiều người Tây Tạng đã đào thoát đến Ấn Độ và những xứ sở láng giềng mỗi năm, mặc dù sự kiểm soát nghiêm nhặt được quân Trung Cộng áp đặt ở biên giới.

Năm 1968, gần năm trăm người Tây Tạng đã bỏ mình khi họ đang cố gắng để đào thoát sang Ấn Độ. Họ biết rằng cơ hội cho sự thành công của họ hầu như không có, nhưng họ muốn đối đầu với hiểm nguy này. Có thể hiểu được không một dân tộc có thể tiến tới những cực đoan tự sát như vậy khi đáng lẻ họ phải hài lòng với chế độ mà họ đang sống, theo những người Cộng Sản Trung Hoa?

Trong mỗi năm đi qua, Trung Cộng đã cố gắng một cách thành công trong việc nhồi sọ hàng nghìn trẻ em Tây Tạng, buộc chúng phải rời khỏi cha mẹ và đưa chúng sang Trung Hoa. Ở xứ sở ấy, chúng bị tách rời hoàn toàn khỏi nền văn hóa Tây Tạng, được dạy những lý thuyết của Mao, và buộc phải đả kích và nhạo báng lối sống Tây Tạng. Nhưng trái với mong đợi của Trung Cộng, đại đa số những trẻ em ấy bây giờ phản kháng chế độ đã đặt ách thống trị lên Tây Tạng. Cho nên đến khi nào con người còn có khả năng để suy nghĩ, và đến khi nào người ta còn tìm kiếm sự thật, thì người Trung Cộng sẽ không thể thành công trong việc tẩy não thiếu nhi Tây Tạng. Không nghi ngờ gì số phận dành trước cho những dân tộc thiểu số bị sáp nhập sẽ chứng minh với những người Hán yêu nước. Tuy nhiên, xa vời với việc giải quyết để đạt đến những mục đích của họ, người Trung Cộng chỉ đang nuôi dưỡng ngọn lửa quốc gia. Đó là tại sao mà ngay cả những người cộng sản Tây Tạng trẻ tuổi đã gia nhập với toàn bộ đất nước chống lại người Trung Cộng.

Văn hóa và niềm tin tôn giáo của đất nước chúng tôi đã là những mục tiêu chính cho sự đàn áp của Trung Cộng. Việc tàn phá những trường đại học tu viện, những trung tâm văn hóa, và những học viện tương tự khác đã bắt đầu vào lúc khởi đầu của việc Trung Cộng xâm lược mới đây được làm mãnh liệt với Cách Mạng Văn Hóa và việc thành lập Hồng Vệ Binh. Tăng, ni, và những học giả đã bị đuổi khỏi tu viện và những tổ chức văn hóa. Số lớn dân chúng địa phương đang bị bắt buộc để xây dựng những mạng lưới đường xá chiến lược ở Tây Tạng, vốn đã trở thành một căn cứ quân sự khổng lồ với biên giới của những nước láng giềng. Việc này tạo thành một sự gia tăng hiểm họa đến hòa bình của những khu vực này.

Đối với chúng tôi những người may mắn đào thoát khỏi được Trung Cộng đã lãnh lấy trách nhiệm cao quý cho vấn đề mà rất nhiều đồng bào chúng tôi đã hy sinh mạng sống của họ. Dân tộc chúng tôi trong lưu vong đang cố gắng một cách tận tâm để chuẩn bị cho một ngày về của một Tây Tạng Tự Do. Vì vậy, thiếu nhi Tây Tạng, những người tôi xem như ngưỡng cửa của một Tây Tạng tự do, độc lập trong tương lai, đang tiếp nhận những cơ hội tốt nhất để phát triển và làm lớn mạnh một cách tinh thần và đạo đức để trở thành những người đàn ông và đàn bà có gốc rể sâu sắc trong nền văn hóa, niềm tin và lối sống của họ, trong khi vẫn duy trì sự gần gũi với nền văn minh hiện đại và được làm phong phú bởi những thành tựu vĩ đại của văn hóa thế giới. Vì vậy, họ sẽ là những công dân lành mạnh, sáng tạo, có thể phục vụ đất nước chúng tôi và nhân loại. Mong ước của chúng tôi không chỉ có thể cống hiến cho sự phồn thịnh của đất nước đã đùm bọc chúng tôi mà cũng để hành động trong một cách mà nền văn hóa Tây Tạng đáng tin cậy có thể bén rể và rộ nở bên ngoài Tây Tạng, cho đến khi chúng tôi có thể trở lại nơi ấy. Ngày trở lại là một hy vọng sẽ luôn luôn đồng hành với chúng tôi, và là một mục tiêu mà đối với nó chúng tôi phải làm việc không mệt mõi.

***

Năng lực của người Tây Tạng để thoát khỏi hoàn cảnh của họ, như được đề cập bởi Đức Đạt Lai Lạt Ma vào ngày 10 tháng Ba năm 1968, ngày nay đã thay đổi. Những sự kiện của tháng Chín năm 2006 là một thảm họa nhắc nhở điều này: lính biên phòng Trung Cộng đã tấn công một nhóm bảy mươi lăm người Tây Tạng đang cố gắng vượt biên đến Nepal qua ngọn đèo Nangpa La Pass, cao 5,700 bộ, tại chân núi Cho Oyu.

Đội kiểm soát đã nhắm và bắn ngay khi thấy trên một cánh đồng tuyết, Kelsang Namtso, một sư cô Tây Tạng mười bảy tuổi, ngã gục, mình ghim đầy đạn. Những người đồng hành đã không thể mang xác sư cô đi, vì sợ bị bắt. Ngày hôm sau một vài lính biên phòng Trung Cộng đã trở lại và vất xác sư cô vào kẻ nứt của những tảng băng tuyết, dưới sự chứng kiến của những người leo núi Đan Mạch.

Trong loạt súng bắn, Kunsang Namgyal, một thanh niên hai mươi tuổi, đã bị thương và bị bắt bỏ tù cùng với ba mươi người Tây Tạng khác  nữa, kể cả mười bốn trẻ em mất mạng.

Sự kiện có chứng nhân: từ trại của họ, những người leo núi thuộc những quốc tịch khác nhau đã quay phim cảnh những người lính nổ súng, rượt đuổi và bắt  những người chạy trốn. Những hình ảnh ấy nhanh chóng được đưa lên Internet và màn ảnh truyền hình, kích động cho những cuộc phản đối ở vài quốc gia.

Xa cách với những máy ảnh, bên dưới sự im lìm được nhà đương cục Trung Cộng bao phủ, những  người Tây Tạng đã và đang trải nghiệm những thảm kịch như vậy trong nửa thế kỷ với quê hương bị chiếm đóng của họ. Để cho con em họ có một nền giáo dục Tây Tạng và cho phép chúng thoát khỏi áp lực Hán hóa, những người cha mẹ đã đặt những đứa con nhỏ trong vòng tay của những đứa lớn hơn vốn được phó thác cho những người buôn lậu. Họ đã làm một sự hy sinh trong việc chia ly với chúng để con cái họ có thể lớn lên và tự hào là một người Tây Tạng.

Những đứa trẻ chạy trốn phải leo lên những ngọn núi cao nhất của thế giới, xuyên qua những hàng rào của băng và tuyết gần bảy đến tám nghìn mét. Để băng qua những đường đèo, chúng phải lội trong thời tiết mà nhiệt độ có thể xuống đến hai mươi độ dưới không, mà không có sự bảo hộ của những áo quần thích hợp, không có sự dinh dưỡng tương xứng, và trong hiểm họa có thể bất thình lình bị phát giác bởi những binh lính Trung Cộng. Một số bị chết vì lạnh, một số bị chết vì đói. Trong sự vắng vẻ băng giá ấy, chúng ngả xuống và không thể đứng dậy được. Những đứa khác đến  nơi mà không ai biết đến những nổ lực của chúng.

Tenzin Tsendu, một thi sĩ và chiến sĩ tự do, là tác giả của Đường Biên Giới, một tác phẩm gợi lên thử thách của một bà mẹ Tây Tạng đồng hành cùng với con cái bà đến tự do trong lưu đày:

Chúng tôi len lõi trên đường trong đêm và lẫn tránh ban ngày,
Trong hai mươi ngày chúng tôi đến những ngọn núi tuyết phủ đầy.
Biên giới vẫn còn nhiều ngày phía trước với bước chân,
Đường sỏi đá cào rách thân thể chúng tôi, nặng quằn với nổ lực và đớn đau.
Trên đầu chúng tôi một quả bom rơi xuống
Những đứa con tôi la lên trong kinh hoàng
Và rút tựa vào ngực tôi.
Tôi cũng quá kiệt lực rơi xuống như chẳng có chân tay,
Nhưng tâm hồn tôi thì vẫn đề phòng ….
Chúng tôi phải tiến lên phía trước hay chúng tôi sẽ chết ở nơi này.
Đứa con gái đây, đứa con trai kia.
Đứa cỏng trên lưng,
Chúng tôi đến những cánh đồng tuyết.
Chúng tôi leo lên những triền núi như quỷ dữ
Mà những bờ tuyết phủ đã chôn vùi thân thể của những khách qua đường dám mạo hiểm đến đây.
Giữa những cánh đồng tuyết trắng của chết chóc này,
Một đống xác chết đông lạnh
Đã đánh thức làn sóng can đảm của chúng tôi.
những giọt máu vung vải trên tuyết.
Những chiến sĩ phải băng qua con đường của họ,
Trên quê hương của chính chúng tôi họ đã ngã vào vòng tay của loài quỷ đỏ.
Chúng tôi cầu nguyện đến Trân Bảo Toại Nguyện (ngọc ước như ý).
Hy vọng trong tim chúng tôi, lời cầu nguyện trên môi chúng tôi,
Chúng tôi hầu như không còn gì để ăn
Và chỉ còn băng tuyết để thấm môi,
Chúng tôi leo núi với nhau, đêm qua đêm.
Nhưng một đêm, con gái tôi than rằng bàn chân nó đang cháy bỏng.
Nó đã ngã xuống và đã đứng lên trên chân tê cóng.
Da nó rách bươm và với những vết cắt sâu rướm máu,
Nó cuộn tròn và run rẩy vì đau.
Ngày kế tiếp, nó đã mất cả đôi chân.
Bị tấn công bởi thần chết khắp mọi phía,
Tôi là bà mẹ bất lực;
"Amala, hãy cứu anh em tôi,
Tôi sẽ nghỉ ngơi trong chốc lát."
Cho đến khi tôi không còn nghe tiếng rên rỉ của nó mất từ xa,
Tôi nhìn lại phía sau tôi, qua làn nước mắt và sự tra tấn của nổi đau này.
Đôi chân mang tôi đi, nhưng tim tôi vẫn ở với nó, đứa con gái tôi.
Trong một thời gian dài sau đó, trong lưu vong, tôi tiếp tục thấy nó
Vẩy tay băng giá với tôi.
Đứa con lớn nhất của tôi, nhưng chỉ mới là thanh thiếu niên,
Lìa quê hương là một thử thách.
Mỗi đêm tôi thắp một ngọn đèn bơ cho nó,
Và anh em nó cùng cầu  nguyện với tôi.

Ẩn Tâm Lộ, Tuesday, April 05, 2016


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét