Nguyên tác: Ancient Wisdom and Modern Thought
Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma, Mumbai 2011
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển
Tôi thật sự cảm thấy vinh dự lớn để nói chuyện với quý vị.
Đặc biệt tại trường đại học, vì đây là trường Đại học Bombay rất nổi tiếng. Tôi
luôn cảm thấy vui mừng khi gặp gở với các sinh viên. Tôi tin rằng thế hệ trẻ
hơn – những người tuổi dưới 30 hay là 20 – là thế hệ thật sự của thế kỷ này, thế
hệ có thể tạo nên một tình trạng mới cho thế giới này một lần nữa. Thời gian
luôn luôn chuyển dịch – không một năng lực nào có thể làm nó dừng lại. Nhưng rồi
thì, những gì chúng ta có thể làm là sử dụng thời gian một cách thích đáng. Tôi
nghĩ rằng, ở cấp độ toàn cầu, thế hệ thuộc thế kỷ 21 là thế hệ chính có trách
nhiệm để tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn.
Trong thế kỷ 20, dĩ nhiên, những thành tựu vĩ đại đã được
tạo ra trong lãnh vực kỷ thuật và trong khoa học. Tuy thế, thế kỷ ấy cũng trở
thành thế kỷ của máu đổ và bạo động. Và từ Thế Chiến Thứ 2, có sự sợ hãi liên tục,
đặc biệt trong những quốc gia Âu châu. Mặc dù có hòa bình rõ ràng ở đấy, nhưng
bên dưới có sự sợ hãi liên tục, điều gì đó tôi đã chú ý thấy trong một chuyến
viếng thăm vùng biên giới Tây Đức.
Tất cả những thứ này là của cùng thế giới loài người,
nhưng do bởi kỷ thuật, một số trong chúng ta đạt được năng lực tàn phá kinh khiếp.
Đôi khi tôi thật sự cảm thấy rằng trí thông minh kỳ diệu của con người đôi khi
bị sử dụng cho những mục đích sai lạc. Thế nào đi nữa, vì chúng ta đã học hỏi từ
những hoàn cảnh bất hạnh như vậy trong thế kỷ trước, bây giờ thế hệ trẻ phải có
tầm nhìn xa để tạo ra một thế giới khác. Hòa bình thế giới có nghĩa là một thế
giới của hòa bình, và hòa bình không đến từ bầu trời, hay qua giấy mực; hòa
bình phải đến qua hòa bình bên trong. Như tôi đã đề cập trước đây, đôi khi những
vũ khí nguyên tử này hành động như một trở ngại. Chúng có thể đem đến một sự
hòa bình bề ngoài, nhưng chỉ bởi vì sợ hãi. Đó không phải là một nền hòa bình
chân thành. Bây giờ câu hỏi là chúng ta phát triển niềm hòa bình nội tại như thế
nào?
Hòa bình nội tại bằng thuốc men? Không. Thuốc giảm đau,
có thể, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn. Hay ma túy? Không. Rồi thì, sự giảng
huấn có thể mang đến hòa bình nội tại chứ? Xét cho cùng, không chắc lắm. Một số
những người tạo ra rắc rối thật sự - như não bộ của họ được quan tâm đến – là rất
thông minh, rất trí thức. Nhưng họ sử dụng não bộ của họ trong một cung cách tiêu
cực. Thế nên tôi rất nhiệt tình gặp gở với thế hệ trẻ hơn trong những khu vực
khác nhau của thế giới. Khi tôi gặp những người Ấn Độ trẻ, công cộng Ấn Độ, tôi
có một cảm giác xúc động nào đó. Thật sự, từ khi Phật giáo đến Tây Tạng, sau đó
toàn bộ nền văn minh Tây Tạng đã được phong phú và phát triển hơn nhiều lắm. Do
vậy, lúc ngài Morarji Desai lãnh chức thủ tướng, như thông thường, tôi đã viết
thư chúc mừng. Và rồi trong thư trả lời, Morarji Desai đề cập rằng nền văn minh
Tây Tạng và Ấn Độ là hai nhánh của một cây bồ đề - cùng gốc rễ. Thế nên, tôi
thường diễn tả Ấn Độ như đạo sư của chúng tôi. Tây Tạng là học trò của đạo sư Ấn
Độ. Vì vậy, khi tôi tương tác với những người Ấn Độ, đôi khi tôi cảm thấy như
đang nói chuyện với các bạn về những sự kiện rằng đặc biệt chúng tôi đã học hỏi
từ quý vị, tôi cảm thấy vinh dự lớn. Và rồi thì, Bombay là trái tim của nền
kinh tế Ấn Độ, cho nên rất quan trọng. Do thế tôi rất vui mừng vì cơ hội này.
Như tôi đã đề cập trước đây, thời gian luôn luôn chuyển động.
Và rồi thì, thế giới – do bởi sự hâm nóng địa cầu, do bởi dân số gia tăng và
cũng như một số hệ thống chính trị - đôi khi cũng làm nên một số rắc rối. Và
trong kinh tế, khoảng cách giữa giàu và nghèo cũng là một vấn đề rất nghiêm trọng.
Kém may mắn thay, ở Ấn Độ khoảng cách giữa giàu và nghèo vẫn tồn tại. Cho nên
không ai cho rằng tương lai của chúng ta là điều gì đấy dễ dàng một cách đương
nhiên, điều gì đó không có nhiều rắc rối
– không. Các vấn nạn bắt buộc phải xảy ra. Thế thì, ở đây, nhằm để đối diện với
thế giới phức tạp, tôi tin chúng ta cần hai thứ.
Trước tiên nhất, giáo dục. Sự tiếp cận của chúng ta phải
nên thực tế, đến bất cứ vấn nạn nào. Chúng ta nên có một kiến thức toàn vẹn hơn
về thực tại. Chỉ như thế, thì chúng ta mới có thể đón nhận những kết quả hài lòng.
Bất chấp mục tiêu của chúng ta là cao quý thế nào đi nữa, nhưng nếu phương pháp được sử dụng là
không thực tế, thì quý vị sẽ không đến được mục tiêu một cách toại nguyện. Do vậy,
nhằm để thực hiện một sự tiếp cận thực tiển, nhằm để biết thực tế một cách hoàn
toàn, thì giáo dục có một vai trò rất quan trọng, vì tôi tin mục tiêu chính của
giáo dục là để giảm thiểu khoảng cách giữa hiện tướng và thực tại.
Và rồi thì, có một nhân tố khác. Tôi thường nhấn mạnh rằng
nhằm để thấy thực tại, chúng ta phải nhìn vào nó một cách vô tư. Ngay cả nếu nó
là điều gì đó tích cực, đáng mong ước, những gì chúng ta muốn, nhưng nếu chúng
ta nhìn vào mục tiêu đó với sự dính mắc, thì chúng ta không thể nói đó là thực
tại. Ở đây tôi muôn chia sẻ một câu chuyện. Nhiều năm trước ở Argentina, tôi có
một cuộc gặp gở với một số nhà lãnh đạo tôn giáo, và ít nhất là một khoa học
gia – một nhà vật lý học – được biết là người Chi Lê. Tại cuộc gặp gở, ông đề cập
rằng, ông là một nhà khoa học, nhưng ông tin rằng ông không nên để sự vướng bận
với lãnh vực khoa học của ông phát triển. Điều đó tôi nghĩ là rất quan trọng.
Bây giờ, thí dụ, tôi là một Phật tử, tôi có đức tin với Phật giáo. Nhưng tôi
không nên bị dính mắc với Phật Pháp. Nếu tôi phát triển sự chấp trước với Phật
giáo, thế thì tâm tư tôi trở thành định kiến. Qua cách đó, tôi không thể thấy
giá trị của những tôn giáo khác. Cho nên các bạn phải thật vô tư, không thành
kiến.
Do vậy, nhằm để giữ tâm tư chúng ta trung tính khi chúng
ta tiến hành công việc nghiên cứu, thì phải nên không có những cảm xúc như dính
mắc, thù oán, sân hận – những cảm xúc này là một chướng ngại cho việc phát triển
một tâm tư tĩnh lặng. Vì thế, chúng ta phải chú ý nhiều hơn với thế giới cảm
xúc. Thông thường chúng ta không chú ý nhiều, và điều đó tạo ra rắc rối. Các
truyền thống tôn giáo khác nhau cố gắng để giảm thiểu tối đa những cảm xúc tàn
phá chẳng hạn như sân hận và thù oán. Tất cả mọi tôn giáo thực hiện sự giảng dạy
về từ ái, bi mẫn, tha thứ và bao dung.
Cho nên chúng ta nên, qua việc sử dụng cảm nhận thông thường,
cố gắng để giảm thiểu những cảm xúc khu biệt này. Điều đó cũng rất có thể. Tôi
muốn chia sẻ một kiến thức với quý vị. Theo truyền thống cổ xưa Ấn Độ, thông
minh là trình độ thứ nhất của tri thức. Tri thức qua học hỏi, qua sách vở, qua
diễn thuyết và những tác phẩm khác là một trình độ của tri thức. Như vậy đó là
không quá vững chắc. Quý vị học hỏi điều gì đó và quý vị phát triển những khái
niệm hoàn toàn trên căn bản của những kiểu mẫu khác. Rồi thì, nếu một người
khác nói, “Không, như vậy đó là sai,” quan điểm của bạn cũng lập tức thay đổi.
Vì thế, trình độ thứ nhất của tri thức là không thật vững chắc. Tuy nhiên, nó
hoạt động trên một căn bản. Sau đó, chúng ta cần sự quán chiếu xa hơn.
Hãy phân tích bởi chính quý vị về những gì quý vị học hỏi
từ những người khác, hay từ sách vở. Khi một vấn đề nào đó được đề cập bởi một
người khác hay một quyển sách, hãy bảo đảm bạn phân tích và thẩm tra nó. Rồi
thì quý vị phát triển trình độ thứ hai của tri thức qua sự phân tích của chính
bạn. Tri thức đó bây giờ mạnh mẽ hơn nhiều. Bây giờ nếu một người khác nói,
“Cái đó sai,” bạn sẽ trả lời, “Không, tôi đã khảo sát một cách hoàn toàn, tôi
đã nghiên cứu nó một cách hoàn hảo – nó đúng.” Vậy thì đó là một loại niềm tin
mãnh liệt và thành thật. Sau đó, trình độ thứ ba của tri thức là không duy trì
trên trình độ trí thức của sự thông hiểu, nhưng làm quen thuộc chính bạn với những
gì bạn học, cho nên cuối cùng bạn đạt được một kinh nghiệm nào đó. Tri thức qua
kinh nghiệm – bây giờ nó thật sự đáng tin cậy.
Rồi thì đến tâm thức tĩnh lặng. Ở đây, tôi cảm thấy có
hai phương pháp để thực hiện. Một phương pháp là, bất cứ khi nào chúng ta nhìn
vào một việc gì đó, chúng ta phải nhìn trong một cung cách toàn diện hơn. Đó có
nghĩa là quý vị không thể nhìn thấy toàn bộ hoàn cảnh trong một chiều kích. Bạn
phải nhìn từ những khía cạnh khác nhau hay tất cả sáu chiều kích, chỉ như vậy bạn
mới có được một tính trạng rõ ràng hơn về thực tại. Và cũng thế, rồi thì các cấp
độ tinh thần của chúng ta thường hiện hữu lên và xuống khi chúng ta thấy một số
thứ tích cực và tiêu cực. Nếu những thứ tiêu cực là hầu như chắc chắn, thế thì
sẽ có quá nhiều lên và xuống. Và nếu những thứ tích cực là luôn luôn hầu như chắc
chắn, xét cho cùng cũng lại có nhiều rối rắm. Trong thực tế, thật không thể một
thứ duy nhất lại hoàn toàn tích cực hay trọn phần tiêu cực. Bất cứ sự kiện nào
cũng là tương đối. Cho nên hãy so sánh những nhân tố nào đó – so sánh tích cực
này và so sánh tiêu cực nọ. So sánh mọi thứ như thế đó. Vì một quan điểm toàn
diện, thì chúng ta phải có thể thấy những khía cạnh khác nhau của thực tại – đó
là vấn đề tâm thức chúng ta có thể trở thành cân bằng hơn như thế nào.
Điều thứ đến cần cho một tâm thức tĩnh lặng là lòng nhiệt
tình và bi mẫn thương cảm. Như tôi đã đề cập trước đây, tất cả những tôn giáo
truyền thống đều mang cùng thông điệp, nhưng tình cảm một cách căn bản là một
nhân tố sinh học mang thông điệp giống nhau và không đến qua đức tin tôn giáo.
Hãy nhìn những con thú – động vật có vú hay ngay cả chim chóc – những con sơ
sinh sống còn hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc của con mẹ. Tình cảm này hiện
hữu như một nhân tố sinh học. Có một tình cảm vô biên từ phía bà mẹ, vốn cho bà
mẹ năng lượng để chăm sóc, ngay cả ý chí để hy sinh chính cuộc sống vì sự sống
còn của con cái bà ta. Không có loại cảm xúc mạnh mẽ ấy tồn tại, thì năng lượng
ấy sẽ không hiện hữu. Loại cảm xúc ấy đến từ nguồn gốc sinh học – nó là cần thiết.
Theo nhận thức của con trẻ, ngay từ lúc sinh ra – không cần
lý trí, không cần kiến thức – một cách sinh học nó hoàn toàn lệ thuộc vào mẹ của
nó. Miễn là bà mẹ ôm ấp nó và ẩm bồng nó, đứa trẻ cảm thấy hạnh phúc và an
toàn. Ngay khi bị tách rời, nó cảm thấy không an ổn. Thế nên chúng ta có thể
nói một cách chắc chắn rằng tình cảm đến từ nhân tố sinh học – lấy điều đó như
một hạt giống. Rồi thì, với sự giúp đở của trí thông minh con người, tình cảm
đó có thể nẩy nở và làm mạnh đứa bé. Bây giờ, ở đây là những sự khác biệt. Cấp
độ thứ nhất của tình cảm hay yêu thương là định kiến. Chúng ta không thể mở rộng
tình cảm đến điều mà chúng ta gọi là kẻ thù, mà thái độ vốn có của họ đối với
chúng ta là tiêu cực và làm tổn hại chúng ta. Trên cấp độ ấy, vì tình cảm sinh
học định kiến là hành động-bồng bột, do vậy chúng ta không thể mở rộng cảm giác
từ ái và bi mẫn đến hành động vốn là tiêu cực đối với chúng ta.
Rồi thì, qua rèn luyện và với sự giúp đở của trí thông
minh con người, chúng ta có thể phân tích những thuận lợi và bất lợi của tình cảm,
thù oán và ganh tỵ. Một khi chúng ta làm như vậy, chúng ta có thể phát triển sự
tự tin và nhiệt tình. Một thái độ vị tha lợi lạc vô biên cho tự thân, gia đình,
cộng đồng và ngay cả sức khỏe của ta. Qua phân tích và với sự giúp đở của trí
thông minh con người, chúng ta có thể mở rộng lòng yêu thương định kiến, giới hạn
cho đến khi nó cất cao thành lòng bi mẫn thương cảm không thành kiến – không
còn hành động-bồng bột mà thích ứng thể hiện tự nó … hay trong trường hợp của
con người, thích ứng đối với chính tự con người. Hôm nay kẻ thù của ta, như
hành động hay thái độ được xét đến, là tiêu cực đối với ta – nhưng kẻ ấy vẫn là
một con người. Kẻ ấy là một bộ phận của cộng đồng rộng lớn hơn, cho nên ta phải
duy trì lòng bi mẫn thương cảm chân thành. Một cảm giác chân thành của sự quan
tâm cho sự cát tường của chính kẻ thù của ta – bất chấp thái độ của họ là gì –
là lòng bi mẫn thương cảm không thành kiến.
Tất cả những truyền thống tôn giáo quan trọng truyền dạy
cho chúng ta điều này, nhưng bằng việc sử dụng cảm nhận, kinh nghiệm thông thường,
và những khám phá khoa học mới nhất, thì chúng ta có thể phát triển sự tự tin.
Chúng ta có thể phát triển loại thái độ vị tha vô hạn đối với người khác. Một số
người không tín ngưỡng tự nguyện hy sinh sự sống của họ vì lợi ích của người
khác. Điều đó không phải qua đức tin tôn giáo mà qua cảm nhận thông thường. Tôi
nghĩ chúng ta có thể khuyến khích việc đó qua giáo dục, không phải qua giáo lý
tôn giáo mà qua tỉnh thức. Hệ thống giáo dục mà chúng ta đang sử dụng trong xứ
sở này vốn căn bản được giới thiệu bởi người Anh quốc. Ở phương Tây, khi chúng
ta phân tách những thế chế đã khởi xướng, về phía đạo đức luân lý, tôn giáo
lãnh trách nhiệm; và con người cũng được hướng dẫn bởi những giá trị gia đình đến
một phạm vi nào đó. Nhưng bây giờ, ở thời hiện đại, sự ảnh hưởng của tôn giáo
đã giảm thiểu. Các giá trị gia đình cũng đi đến lỏng lẻo. Ngày trước, các thể
chế giáo dục đảm trách sự phát triển não bộ mà thôi; các thứ khác đảm trách đạo
đức luân lý.
Ngày nay, ảnh hưởng của những thứ khác đã giảm thiểu, chỉ
riêng cơ chế giáo dục lãnh nhiệm vụ cả đảm trách sự phát triển não bộ và sự tăng
trưởng lòng nhiệt tình. Cho nên bây giờ, ở Âu châu và cũng như ở Hoa Kỳ và
Canada, trong những đại học khác nhau người ta đang cho thấy sự quan tâm chân
thành về sự kiện rằng trong hệ thống giáo dục hiện đại, người ta không chú ý
tương xứng với lòng nhiệt tình. Trong một số quốc gia với nền tảng Do Thái – Ki
tô giáo, người ta tin rằng đạo đức luân lý phải được căn cứ trên đức tin tôn
giáo; trái lại trong quốc gia này, có nền đạo đức thế tục – trong thực tế,
chính hiến pháp Ấn độ được căn cứ trên chủ nghĩa thế tục. Do bởi những hoàn cảnh
của quốc gia này, vì có quá nhiều truyền thống tôn giáo khác nhau. Cho nên nếu
đạo đức luân lý bị căn cứ trên đức tin tôn giáo, thì câu hỏi tiếp theo là tôn
giáo nào hay đức tin nào họ phải tuân theo? Phức tạp hơn. Do vậy, quý vị thấy, ở
Ấn Độ phải có một nền luân lý không phải theo một đức tin tôn giáo đặc thù nào.
Tôi nghĩ đó là một khái niệm thật sự hữu ích.
Trái lại, khi tôi nói ở những nơi khác của thế giới về đạo
đức thế tục, một số người bạn của tôi tỏ ra hơi dè dặt về chính chữ “chủ nghĩa
thế tục”. Do thế, tôi thường giải thích, theo Ấn Độ, chủ nghĩa thế tục không có
nghĩa là thiếu sự tôn trọng đối với tôn giáo mà đúng hơn là một sự tôn trọng đối
với tất cả mọi tôn giáo, có phải không? Tôi nghĩ đây là một tiến bộ cho Ấn Độ -
vì vậy bây giờ chúng ta nên thúc đẩy nền giáo dục đạo đức phù hợp với một căn bản
thế tục. Tôi muốn chia sẻ với quý vị rằng tôi luôn luôn nói với thế giới bên
ngoài rằng, “Ấn Độ có tuệ trí cổ xưa, và tôi không đang nói về những thứ huyền
bí. Tôi đơn giản đang nói về bất bạo động – ahimsa. Đó là một truyền thống
nghìn năm, và rất nhiều trong dòng máu Ấn Độ.” Và với điều đó, hòa hợp tôn giáo
cũng ở đó trong hàng nghìn năm ở xứ sở này. Thế nên, bây giờ ngày hôm nay, tất
cả mọi truyền thống tôn giáo quan trọng của thế giới được thiết lập trên xứ sở
này sống một cách hòa hợp. Thỉnh thoảng có một số rắc rối nào đó giữa Ấn giáo
và Hồi giáo, nhưng điều đó có thể hoàn toàn hiểu được. Trong một tỉ con người,
thì một số người xấu ác nào đó luôn luôn hiện diện ở đó. Điều này có thể hiểu
được, nhưng một cách căn bản, không khí là rất hòa bình. Tất cả mọi truyền thống
tôn giáo sống một cách hòa bình.
Một ngày nọ, ở Jodhpur, tôi đã gặp một người đàn ông
Romania vừa đi ngang khách sạn. Ông nói với tôi rằng ông đang tiến hành một
nghiên cứu về sự hòa hợp tôn giáo nào đó trong xứ sở này. Ông đã ở một thời
gian trong một ngôi làng nơi cư dân toàn người Hồi giáo, ngoại trừ ba gia đình Ấn
giáo. Ông đã ngạc nhiên với những mối quan hệ thật êm ấm. Không có đe dọa với
ba gia đình Ấn giáo này từ đa số cộng đồng Hồi giáo. Do vậy, tôi đã nói với
ông, ở Ấn Độ, toàn thể - Nam Ấn, bắc, đông, tây Ấn – tất cả đều là dân dã – những
gia đình Ấn giáo, gia đình Hồi giáo, gia đình Ki tô giáo, và một số Kỳ na giáo,
và trong một số trường hợp bạn thấy một ít người Phật giáo. Đây thật sự là kho
báu của Ấn Độ. Đó không phải là phát minh mới mẻ, mà nó đã được giữ gìn qua
hàng nghìn năm qua. Cho nên, bất bạo động – ahimsa – và hòa hợp tôn giáo – đây
là hai thứ mà tôi xem như những báu vật cổ xưa của Ấn Độ. Bất cứ đi đâu, tôi
luôn luôn nói về hai thứ này, và tự xem mình là sứ giả của tư tưởng Ấn Độ cổ
truyền.
Cùng lúc đó, tôi cũng nói về người thủ hộ Ấn Độ của tôi –
có nghĩa là những người Ấn Độ mà tôi xem như đạo sư của tôi, và chúng tôi là học
trò của họ. Đôi khi tôi đề cập rằng chúng tôi không chỉ là những học trò của đạo
sư Ấn Độ mà cũng là những học trò hoàn toàn đáng tin cậy. Lý do? Từ hàng nghìn
năm trước, truyền thống Na Lan Đà đã thăng trầm biết bao lần ở ngay trên quê
hương của nó. Trong những thời điểm đó, chúng tôi – những học trò của quý vị -
vẫn giữ truyền thống này nguyên vẹn. Thế nên, điều đó cho thấy rằng chúng tôi
hoàn toàn đáng tin cậy, như những học trò. Vì vậy trong cách nào đi nữa, ở
trình độ của học trò và sứ giả, tôi hoàn toàn năng động trong việc thúc đẩy những
thứ này. Bây giờ đạo sư của tôi – vị thủ hộ của tôi – phải tiến bộ, và nên năng
động hơn đối với việc thúc đẩy bất bạo động và hòa hợp tôn giáo. Một cách đặc
biệt trong các trường đại học, mỗi sinh viên nên có một cảnh tượng rõ ràng về
những thứ này, một nhận thức rõ ràng về báu vật hàng nghìn năm của chính quý vị.
Rồi thì Ấn Độ sẽ trở thành một xứ sở dân chủ - dân số - thông tuệ vĩ đại nhất,
và cũng do bởi sự ổn định của nó.
Tôi nghĩ trong những thời kỳ ban đầu, Thánh Gandhi và những
chiến sĩ đấu tranh tự do cuối cùng đã phổ biến từ ngữ về bất bạo động đến thế
giới bên ngoài. Martin Luther King đã đi theo con đường của Thánh Gandhi, đã
chiến đấu và đạt được những quyền lợi dân sự ở Hoa Kỳ. Ngày nay, ngay cả tổng
thống của quốc gia ấy cũng là người da đen. Đây là những thay đổi lớn thật sự.
Vợ của Luther King một lần đã nói với tôi rằng Martin Luther King bị hấp dẫn với
lối sống của Thánh Gandhi rất nhiều đến nổi ông muốn ăn mặc như Thánh Gandhi.
Như vậy là hơi quá xa, tôi nghĩ. (Cười) Và như quý vị có thể thấy, Nelson
Mandela vị tổng thống đầu tiên của Nam Phi sau khi đạt được dân chủ - cũng bị
thu hút với những nguyên lý bất bạo động của Thánh Gandhi.
Với bất bạo động và hòa hợp tôn giáo, tôi nghĩ, những người
Ấn Độ nên cho cả thế giới thấy rằng những
truyền thống tôn giáo khác nhau có thể chung sống một cách hòa bình, học hỏi lẫn
nhau, với sự tôn trọng hổ tương và trau đổi tuệ trí. Tôi nghĩ Ấn Độ có thể biểu
lộ điều này đến toàn thế giới. Tuy nhiên, ở Ấn Độ, đôi khi những khác biệt và rắc
rối cũng đã bị tạo ra nhân danh tôn giáo, cả trong lịch sử và trong thời đại
ngày nay. Do vậy, quý vị - như vị thủ hộ của tôi, đạo sư của tôi – nên đảm nhận
một vai trò năng động hơn trong những lãnh vực này.
Cùng lúc đó, trong xứ sở này, sự đối xử phân biệt cũng được
tạo ra bởi hệ thống đẳng cấp và hệ thống hồi môn. Sự đối xử phân biệt giữa đàn
ông và đàn bà và sự phân biệt đẳng cấp cũng là một bộ phận của truyền thống quý
vị, nhưng những thứ này là lỗi thời. Quý vị phải thay đổi những thứ này. Cho
nên mọi người – lớp trẻ - của xứ sở này, bây giờ quý vị phải sáng tạo hơn. Hãy
thay đổi những thứ lạc hậu này. Quý vị phải năng động – điều đó tôi nghĩ là rất,
rất quan trọng. Cuối cùng, đôi khi hãy tiếp nhận một sự phê bình xây dựng nho
nhỏ từ học trò của quý vị. Đôi khi quý vị hơi lười biếng. Vì thế quý vị nên cần
mẫn hơn – quý vị phải hoàn toàn tự tin và siêng năng hơn. Đó là tất cả những gì
tôi muốn nói với quý vị. Cho nên, cảm ơn. Bây giờ tôi sẽ trả lời một vài câu hỏi.
HỎI VÀ ĐÁP
HỎI: Ngài nghĩ mục tiêu thật sự của đời sống là
gì, và đó là khi một người đi theo con đường tâm linh và hoạt động xã hội thành
tựu hạnh phúc lớn nhất?
ĐÁP: Mục tiêu
của đời sống? Tôi nghĩ đó là một câu hỏi huyền bí thì thích hợp hơn. Tôi nghĩ
có những câu trả lời khác nhau phù hợp với những khái niệm triết lý khác nhau.
Nếu quý vị tin tưởng tôn giáo có khái niệm về Thượng Đế hay đấng tạo hóa, thế
thì tôi nghĩ quý vị nên hỏi Thượng Đế về mục tiêu của đời sống chúng ta là gì.
Và theo những tôn giáo vô thần như Phật giáo, Kỳ Na giáo,
cũng như một bộ phận của phái Số Luận, vốn không có khái niệm về đấng tạo hóa nhưng
là sự tự sáng tạo, có luật nhân quả, rất giống với thuyết Darwin. Ba tôn giáo
vô thần này phát triển chỉ ở xứ sở này – không ở nơi khác. Do vậy, tôi tin tưởng
mục tiêu của đời sống là hạnh phúc. Lý do đơn giản – không có gì bảo đảm cho một
tương lai tốt đẹp, nhưng chúng ta sống trong hy vọng, chúng ta hy vọng cho những
gì tốt lành. Nếu một người nào đó hoàn toàn mất hy vọng, thế thì chính thái độ ấy
làm ngắn lại tuổi thọ của chúng ta, và trong trường hợp tệ hại nhất, quý vị có
thể đi đến tự sát. Do vậy, chúng ta sống còn trên căn bản của hy vọng – điều gì
đó tốt lành. Cho nên tôi có thể nói mục tiêu của đời sống chúng ta là để sống một
đời sống hạnh phúc.
Tính chất tinh thần – đời sống tâm linh – như tôi đề cập
trước đây, có thể sống trong hai trình độ. Một là trình độ thế tục, không có đức
tin tôn giáo. Trong phạm vi thế nhất của đạo đức luân lý, không đụng chạm gì đến
tôn giáo, đời sống tinh thần có nghĩa là săn sóc niềm hòa bình tinh thần của
chúng ta. Đó là một trình độ tâm linh. Thế nên một cách tự nhiên, tài sản, tiền
bạc hay nhẫn kim cương sẽ không mang đến niềm hòa bình nội tại của chúng ta, chỉ
là ảo tưởng mà chúng ta cảm nhận, “Tôi giàu sang, tôi hạnh phúc.” Nhưng nếu
chúng ta hôn chiếc nhẫn của ta, chiếc nhẫn ấy không có khả năng trả lời tình cảm
của chúng ta. Những con chó, con mèo, nếu chúng ta biểu lộ sự ân cần, tình cảm
– chúng thậm chí có khả năng để đáp lại tình cảm của chúng ta. Cho nên đời sống
căn cứ trên giá trị vật chất, vốn không có năng lực để cho chúng ta tình cảm,
chỉ là ảo tưởng.
Chúng ta là những sinh thể sống. Chúng ta phải tiếp nhận tình
cảm liên tục, chỉ như thế thì đời sống mới trở thành đầy đủ ý nghĩa nhiều hơn,
nhiều hạnh phúc sâu xa bên trong hơn. Vì vậy, nói về những giá trị nội tại này
là tính chất tinh thần - tâm linh. Không nói về kiếp sống tới, không nói về niết
bàn, giải thoát, thiên đàng, Thượng đế, đấng tạo hóa, không. Một cách đơn giản,
sống một đời sống hạnh phúc với niềm hòa bình nội như thế nào – đó là lối sống
tinh thần – tâm linh. Tôi thích thế đó.
HỎI: Theo ngài, những giá trị
quan trọng nhất là gì có thể gây ấn tượng sâu đậm đến bất cứ người nào, và làm
thế nào chúng ta đạt được? Chúng ta đã nói về giáo dục. Những giá trị quan trọng
khác nào chúng ta có thể tác động trong chính chúng ta?
ĐÁP: Một cách
căn bản chúng ta là những tạo vật xã hội. Mỗi thành viên, tương lai và sự tồn tại
của họ phụ thuộc vào cộng đồng. Chúng ta như những con ong, hay kiến, vốn không
có tôn giáo, không hiến pháp, không tổ chức chính quyền, không lực lượng cảnh
sát, nhưng chúng làm việc với nhau, đơn giản do bởi sự thúc đẩy sinh học để sống
còn. Vậy thì chúng ta cũng là những tạo vật xã hội. Bất chấp nếu một con người
đơn độc là rất năng lực, nhưng đời sống của người ấy, sự tồn tại căn bản, lệ
thuộc vào toàn thể cộng đồng. Đây là một sự thật.
Và chúng ta phải có một nối kết gần gũi với cộng đồng như
căn bản của tương lai chính ta. Vì một đời sống hạnh phúc, chúng ta cần có một
sự quan tâm cho sự cát tường của người khác. Cảm nhận quan tâm ấy vốn thật sự
mang lại kết hợp mà tôi thường gọi là thái độ tình cảm. Vậy nên, quý vị thấy,
chúng ta cần một cảm nhận cộng đồng hay thuộc về nhau. Đó là nguồn gốc căn bản
của tình cảm chúng ta. Và đó là một nhân tố then chốt cho việc là một tạo vật
xã hội, cho nên tôi thường nói về nó.
Dĩ nhiên niềm tin tôn giáo là chuyện cá nhân. Nhưng toàn
thể loài người cần loại cảm nhận cát tường ấy của cộng đồng. Tôi nghĩ, thời
xưa, mỗi xứ sở hay cộng đồng không ít thì nhiều là độc lập. Ngày nay, tương xứng
với những vấn đề kinh tế và môi trường và nhiều nhân tố khác, toàn thể gần 7 tỉ
người trở thành chỉ một gia đình nhân loại, một cộng đồng. Ngày nay, không chỉ
những quốc gia nhưng thậm chí các lục địa là liên hệ hổ tương một cách sâu đậm.
Theo thực tế ấy, chúng ta phải có khái niệm của “toàn thể
thế giới là một bộ phận của tôi.” Khái niệm của thế kỷ-cũ là “chúng ta và họ.”
Nhưng khái niệm ấy đã phân biệt “chúng ta” với “họ”, và trên căn bản ấy, có bóc
lột, tổn hại, ngay cả chiến tranh. Trong thực tế ngày nay, mỗi người là một bộ
phận của bạn, một bộ phận của tôi, một bộ phận của một ‘chúng ta’ vĩ đại. Cho
nên khái niệm chiến tranh là lỗi thời. Miễn là chúng ta có một cảm nhận chân
thành về ý tưởng cho sự cát tường của người khác, thì không có khái niệm của giết
hại, không có khái niệm về trộm cắp, không có cơ sở cho ngược đãi, ngược đãi
tình dục hay hãm hiếp, hay nói láo hay lường gạt. Cho đến khi chúng ta vẫn có một
cảm nhận quan tâm cho sự cát tường của người khác, thì tất cả những hành vi
tiêu cực của thân thể và lời nói sẽ không ảnh hưởng chúng ta – không có chỗ cho
những hành vi tiêu cực này. Cho nên tôi cảm thấy, cho dù một người có tin tưởng
những giá trị sâu sắc nào đó hay không, nhưng ở trình độ thực tập nếu người ấy
tuân theo những sự thực tập vì tỉnh thức, thì người ấy sẽ trở thành một người
thật sự nhạy cảm và qua cách đó người ấy có thể xây dựng một thế giới hạnh phúc
hơn. Đây là nền tảng tin tưởng của tôi.
HỎI: Thưa Đức Thánh Thiện, ngài nói về hòa bình
và phúc lợi xã hội. Câu hỏi của tôi là, chủ nghĩa tư bản liên hệ với phúc lợi
xã hội như thế nào, và chủ nghĩa tư bản đóng vai trò gì đặc biệt sau sự suy
thoái toàn cầu?
ĐÁP: Đó là một
câu hỏi khó. Bạn nên nghiên cứu. Một cách cá nhân, trong năm 1954 – 55, tôi đã ở
Bắc Kinh vài tháng, học hỏi chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa xã hội. Tôi đã rất thích
thú với nền kinh tế Mác xít. Nó nhấn mạnh về sự phân phối
bình đẳng, vậy đó là một luân lý đạo đức đúng đắn; trái lại
chủ nghĩa tư bản chỉ đơn giản nói về tăng trưởng lợi lộc. Do thế vào lúc đó,
tôi đã nói với giới cầm quyền Cộng sản Trung Hoa rằng tôi muốn tham gia Đảng Cộng
sản Trung Hoa. Ngay cả bây giờ, như những lý thuyết kinh tế - xã hội được quan
tâm, thì tôi là một người Mác-xít. Không công khai, không bí mật – tôi luôn
luôn rõ ràng về điều này.
Nhưng rồi thì, bây giờ ở Trung Hoa, dĩ nhiên, chủ nghĩa
xã hội Mác xít chân thật không còn nữa. Ngày nay, giống như Đảng Cộng sản Trung
Hoa không có lý tưởng cộng sản. Nó là chủ nghĩa cộng sản-tư bản – điều gì đó rất
mới. Tôi đang tự hỏi, các đảng cộng sản Ấn Độ. Tôi nghe nói rằng một số lãnh tụ
của những người cộng sản hay Mác-xít có một lối sống rất trưởng giả trong đời sống
cá nhân của họ.
Do vậy, như lý tưởng xã hội chủ nghĩa chú ý đến những
quan tâm của đại đa số quần chúng, kể cả giai cấp thợ thuyền, những người nghèo
khó; điều này là rất đúng. Tuy nhiên, trước khi mọi thứ tha đổi, cả Trung Hoa
và Liên Xô trước đây, trong lãnh vực kinh tế, đã là những quốc gia ở trong tình
trạng trì trệ. Cho nên những sức mạnh năng động như chủ nghĩa tư bản cũng cần
thiết. Tôi nghĩ giải pháp tốt nhất là một loại điều chỉnh nào đó – tôi không biết.
Khi những quốc gia Đông Âu mới mẻ được độc lập, ngay sau sự sụp đổ của Liên Xô,
tôi đã viếng thăm
Czechoslovakia theo lời mời của Tổng thống Havel lúc ấy –
gần như là người khách ngoại quốc đầu tiên đến quốc gia ấy. Tôi đã nói vào lúc ấy,
như tôi phát biểu bây giờ, rằng những quốc gia Đông Âu này nên nghiên cứu thêm
và đưa ra một hệ thống chính trị tổng hợp mới, lấy điều gì đó từ chủ nghĩa xã hội
và điều gì đó từ chủ nghĩa tư bản. Nhưng không ai tiếp nhận lời đề nghị một
cách nghiêm túc; và những quốc gia này cũng đi theo hệ thống tư bản chủ nghĩa
phương Tây bây giờ. Vì thế tôi không biết. Đó là quan điểm của tôi, nhưng tôi
không có một câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi của bạn. Hãy nghiên cứu hơn nữa là
cần thiết trong sự quan tâm ấy.
HỎI: Thưa Đức Thánh Thiện, thật là danh dự lớn
khi ngài hiện diện ở đây. Câu hỏi tôi là, trong một thế giới nhìn vào bên trong
những thứ gá ghép kỷ thuật và mạng lưới xã hội, ngài nghĩ vai trò nào của nghệ
thuật, văn hóa, và âm nhạc?
ĐÁP: Thật sự, tất cả những gì tôi nói là một bộ phận của văn hóa
hòa bình và bất bạo động. Cũng thế, tôi nghĩ rằng, cung cách nghệ thuật – họa vẽ
hay âm nhạc hay những bản nhạc nào đó – có thể mang một thông điệp nào đó và là
trung gian rất năng lực.
Tôi không nghĩ con người
đang đánh mất hấp dẫn trong văn hóa. Chỉ sau buổi thuyết giảng sáng, một người
phóng viên Ấn Độ đã hỏi tôi về môn bóng chày
(cricket): “Ai sẽ thắng cúp thế giới?” Vậy thì người ta đang xem những
thứ thể thao này. Và rồi những loại âm nhạc khác nhau – tôi nghĩ hàng triệu người
thật sự đang biểu lộ sự hấp dẫn trong đó. Chính tôi không có thích thú gì; tôi
không thích thú trong âm nhạc; tôi không thích thú trong bất cứ môn thể thao
nào. Dĩ nhiên, khi còn trẻ, tôi chơi bóng bàn hay vũ cầu, nhưng bây giờ không
còn nữa. (Cười) Dĩ nhiên, những thứ này, tôi cảm thấy, là một bộ phận quan trọng
trong đời sống của chúng ta. Và trong lúc đó, tôi cũng có cảm giác rằng nếu
chúng ta nếu chúng ta quá lệ thuộc vào việc hài lòng với âm nhạc hay biểu diễn,
thì chúng ta đang lãng phí những năng lực nội tại của chúng ta. Chúng ta rốt cuộc
bị lệ thuộc sâu nặng vào những nhân tố bên ngoài cho niềm hòa bình bên trong. Nếu
quý vị làm như vậy, rồi thì quý vị chỉ vui vẻ cho đến khi nào âm nhạc hay hình ảnh
hiện diện, và khi những thứ này không còn hiện hữu chung quanh thì chúng ta cảm
thấy trống vắng và chán nản.
Trái lại, niềm hòa bình nội
tại đạt được không lệ thuộc vào những kinh nghiệm cảm giác mà hoàn toàn sử dụng
năng lực tinh thần, vì thế cho dù có một tiện nghi bên ngoài hay không, chúng
ta sẽ luôn luôn hòa bình và hạnh phúc. Đó là những gì tôi cảm nhận. Đây là tại
sao những người sống đơn độc tại những nơi vắng vẻ xa xôi lại vẫn có thể cảm thấy
rất hạnh phúc – không có âm nhạc, không tv, không gì cả nhưng qua sự thiền tập
nội tại hay những sự thực tập khác để có niềm hòa bình nội tại mênh mang. Ngày,
đêm, và tháng trôi qua như thế ấy. Dĩ nhiên, tiện nghi bên ngoài là rất tốt,
nhưng quá lệ thuộc vào những thứ này là không tốt. Đây là điều mà tôi cảm thấy.
HỎI: Chào buổi trưa thưa Đức
Thánh Thiện. Trong thế giới ngày nay của toàn cầu hóa và tiến bộ kỷ thuật, có
phải lớp trẻ Ấn Độ nên đi theo và hoàn toàn nương dựa vào những truyền thống Ấn
Độ như được ngài đề cập, như việc học hỏi những trường ca Mahabharata và Ramayana,
và chúng tôi nên phối hợp những triết lý tốt nhất của phương Tây và các triết
lý Ấn Độ nhằm để lớn mạnh và phát triển chứ?
ĐÁP: Tôi có viễn
tượng rằng kỷ thuật – bây giờ phổ quát – vốn đến từ phương Tây. Kỷ thuật cung cấp cho chúng ta sự thoải mái
vật chất. Ấn Độ cũng cần những thứ ấy, đặc biệt ở những vùng xa xôi. Tôi luôn
luôn có cảm nhận mạnh mẽ rằng sự chuyển hóa thật sự của Ấn Độ phải xảy ra ở
nông thôn Ấn Độ; không phải ở những công
trình xây dựng nào đó, các hảng xưởng nào đó, và những tiện nghi hiện đại
nào đó ở Bombay, Hyderbad, Allahabad, hay Bangalore. Dĩ nhiên những nơi này là
quan tâm quốc gia, là quan trọng; nhưng sự thay
đổi thật sự phải xảy ra ở những vùng nông thôn xa xôi. Điều đó là rất, rất
quan trọng.
Mới đây tôi đã ở Jaipur, gần Jaipur – tại trường Barefoot
College. Ở tại trường college ấy, những dân làng già mù chữ - chủ yếu là những
bà mẹ - tập luyện về việc làm năng lượng mặt trời và những thứ như vậy. Những
thứ này thật là tuyệt vời. Rồi thì cũng thế gần Nagpur, nhiều năm trước, tôi đã
thăm viếng Tiến sĩ Ramdev. Cũng vậy, trong một vài trường hợp, tôi đã thăm viếng
những vùng thôn dã xa xôi ở Kerala và Gujarat. Tôi nghĩ một số ít người thật sự làm việc ở nông thôn
– trong giáo dục và trong một số việc thủ công – đang làm một thứ gì đó thật rất
cần thiết. Do bởi chúng, Ấn Độ cũng tiếp nhận lợi ích từ việc phát triển lớn
hơn trong lãnh vực kỷ thuật. Hệ thống trang trại phải cơ giới hóa, bằng khác đi
thì thật khó để nuôi dưỡng mọi người. Dân số đang gia tăng, nhưng đất đai không
thể mở rộng.
Trong lúc đó, như tôi đã đề cập trước, nền văn hóa Ấn Độ
là ngang hàng với nền văn minh Ai Cập và Trung Hoa – so sánh một cách lý thuyết
về nguồn gốc ba nền văn minh này, tôi nghĩ nền văn minh Ấn Độ có những quan điểm
triết lý phức tạp hơn về tâm thức. Cho nên đây là kho tàng không chỉ của Ấn Độ
mà của cả thế giới, và phải được bảo tồn. Sự phát triển vật chất, vốn cho chúng
ta những thoải mái vật chất, và sự phát triển tâm linh, vốn cung cấp cho chúng
ta sự thoải mái tinh thần – hai thứ này phải được phối hợp. Do thế, các bạn phải
phối hợp kỷ thuật phương Tây và giáo dục hiện đại cũng như bảo tồn những giá trị
truyền thống hàng nghìn năm của quý vị. Quý vị có một vai trò đặc biệt và một
trách nhiệm đặc biệt. Bất cứ cách nào tôi có thể phụng sự quý vị - tuy nhiên
tôi có thể hổ trợ quý vị như một học trò của đạo sư quý vị - đó là bổn phận của
tôi. Bất cứ cách nào.
HỎI: Thế giới mới đây đã thấy
một sự sở hữu toàn cầu thâu tóm trong tay của một ít nhà thương gia tham lam.
Tuệ trí cổ truyền làm thế nào hổ trợ để vượt thắng khuyết điểm này trong những
lãnh đạo thương mãi hiện tại và tương lai?
ĐÁP: Những
thương gia cũng đến từ xã hội. Nếu chúng ta xây dựng một xã hội vốn chỉ nói đến
những giá trị vật chất, thì những người đến từ xã hội đặc thù ấy tự nhiên sẽ chỉ
nói về những thứ vật chất. Do vậy, chúng ta cần một sự thay đổi nào đó trong cấp
độ nền tảng. Bây giờ ở phương Tây, một số nhà giáo dục đang thật sự đặt vấn đề
về sự tồn tại của hệ thống giáo dục. Một vài thập niên trước, số người tôi chú
ý trong những thương gia cho thấy một sự quan tâm về tâm linh hay sự hòa bình nội
tại và rất thấp. Bây giờ ngày càng có nhiều người trong giới thương gia làm như
vậy. Và đôi khi họ tổ chức những buổi nói chuyện của tôi về các giá trị nội tại.
Tôi nghĩ một số công ty lớn của Ấn Độ bây giờ cũng đi
theo xu hướng này. Điều đó cũng rất tốt. Mỗi người không thể là một thương gia, nhưng cùng lúc, chúng ta
không nên quên về căn bản cát tường của xã hội. Và đặc biệt, tôi hy vọng, chúng
ta hãy chú ý hơn về hệ thống giáo dục và những điều kiện kinh tế ở vùng nông
thôn. Tôi nghĩ truyền thông cũng có trách nhiệm cung cấp tin tức cho mọi người
không chỉ về các giá trị tiền bạc mà về những giá trị khác nữa, vì thế những
thương gia này thỉnh thoảng được nhắc nhở rằng họ cũng phải bệnh, phải già, và
rồi cuối cùng họ phải ra đi. Bất chấp nhà tỉ phú lớn như thế nào đi nữa, thì tiền
bạc của họ sẽ vẫn ở ngân hàng. Họ không thể mang nó đi theo họ - chỉ tâm thức họ
mà thôi.
Do vậy, hãy giáo dục, hãy nhắc nhở mọi người, hãy rèn luyện
những nhà truyền thông. Những hệ thống giáo dục của chúng ta nên bắt đầu hướng
dẫn chúng ta về đạo đức thế tục từ nhà trẻ cho đến trình độ đại học. Rồi thì,
tôi nghĩ, cuối thế kỷ 21, cung cách suy nghĩ của con người có thể thay đổi.
Trích từ quyền The Big Book of Happiness
Ẩn Tâm Lộ, Tuesday, March 20, 2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét