Nguyên tác: Healthy Body, Healthy Mind
Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma, Kangra, 2012
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển
Tôi luôn luôn nói trong cung cách bình thường như bổ sung
cho tiếng Anh không lưu loát của tôi. Tôi không thích nghi thức. Tôi nghĩ rằng
chúng ta cùng là những con người từ thân thể, tinh thần đến cảm xúc. Tầm quan
trọng của một người là tính sáng tạo của tâm thức. Khi chúng ta đối xử với nhau
như những người anh chị em, thì nó sẽ làm cho chúng ta hạnh phúc.
Thật là một vinh dự lớn để tham dự hội nghị quan trọng này.
Trong năm mươi hai năm qua, tôi đã sống ở Dharamsala, trước đó tôi sống ở
Mussorie; vì vậy khu vực này tôi cảm thấy như quê nhà của tôi. Trở lại năm
1961, khi tôi đến Mcleodganj, chỉ có hai cửa hàng ở đó. Nhưng trải qua năm
tháng, nơi này đã phát triển rất nhiều. Bây giờ, có nhiều cửa hàng, khách sạn,
trung tâm giáo dục, và trung tâm y tế. Mọi người quan tâm đến sức khỏe, vốn làm
những trung tâm y tế thật sự quan trọng. Bổn phận của mỗi người là chăm sóc sức
khỏe của riêng họ. Tôi tin rằng việc làm của quý vị - tất cả những ai trong
lãnh vực y tế - là công việc rất quan trọng. Nhưng chuyên môn là không đủ; mọi
người phải làm việc với lòng nhiệt tình. Đó là sự thực hành tốt đẹp nhất trên
thế giới, khi quý vị chửa trị cho mọi người và ban cho họ một cuộc sống mới.
Ở Tây Tạng, các bác sĩ có kiến thức tốt nhưng không bi mẫn,
vì vậy họ không là những vị bác sĩ giỏi. Trong chuyên môn y tế, thật rất quan
trọng để có một cảm nhận chân thành về việc quan tâm cho các bệnh nhân của họ.
Khi tôi đến một nhà thương, bác sĩ rất nồng nhiệt với tôi và tôi cảm thấy hạnh
phúc để nhận ra rằng họ sẽ chăm sóc tôi. Nếu bác sĩ hay y tá không mĩm cười,
thì bệnh nhân cảm thấy sợ hãi. Thật quan trọng cho bác sĩ chiếm được lòng tin của
bệnh nhân, vì như vậy sẽ làm cho thời gian hồi phục nhanh hơn.
Ấn Độ là một quốc gia dân chủ đông dân nhất thế giới, với
một lịch sử văn hóa và triết lý lâu dài gần năm nghìn năm. Nó có những truyền
thống nghìn năm như bất bạo động và hòa hiệp tôn giáo. Trong những phần khác của
thế giới, chúng ta thấy nhiều bất ổn, bạo động, và bất công. Nhiều vùng đang đối
diện với chiến tranh nhân danh tôn giáo. Những khái niệm bất bạo động và hòa hiệp
tôn giáo của Ấn Độ là liên hệ với thế giới ngày nay và là giải pháp cho sự bất ổn
trên thế giới. Nó giúp để phát triển sự tôn trọng cho sự sống của những người
khác.
Trong hàng nghìn năm, Ấn Độ đã là nơi phát sinh nhiều tôn
giáo, triết lý, và sự thực hành như Phật giáo, Kỳ na giáo, và đạo Sikhism. Những
tôn giáo khác đã du nhập vào Ấn Độ như Ki tô giáo, Hồi giáo, Do thái giáo. Bái
Hỏa giáo đã đến và định cư ở đây, và cộng đồng Bái Hỏa giáo ở Bombay hiện hữu
trong một số ít người nhưng rất hạnh phúc. Qua sự tồn tại và thực hành của rất
nhiều tôn giáo trong một xứ sở, thì sự hòa hiệp tôn giáo đã trở thành một vấn đề
rất liên hệ. Người Ấn Độ nên tự hào với di sản văn hóa phong phú của họ. Từ năm
1947, Ấn
Độ đã thông qua hệ thống dân chủ, vốn rất ổn định. Trong
tình trạng khẩn cấp có sự lo lắng nhưng sau những cuộc bầu cử thì chính phủ đã
thay đổi một cách êm thấm và hòa bình được phục hồi bởi Morarji Desai.
Chủ nghĩa đế quốc Anh đã đem đến một hệ thống giáo dục rất
tốt. Nhiều người trong các bạn trông trẻ trung, và bổn phận của các bạn là làm
việc một cách cần mẫn và sử dụng truyền thống giàu có như một vũ khí mạnh mẽ.
Có nhiều xứ sở đang cạnh tranh với Ấn Độ, vì vậy mỗi người cần làm việc cần cù
và với lòng can đảm và tự tin để bảo đảm rằng đất nước này hoàn toàn hướng về
phía trước. Ngày nay tôi tự xem tôi như một sứ giả của các tư tưởng Ấn Độ như bất
bạo động. Tôi đã sống năm mươi năm qua trên xứ sở này. Một nhóm phóng viên người
Hoa một lần đã hỏi tôi rằng tại sao tôi tự xem tôi như một người con của Ấn Độ
- họ nghĩ rằng điều đó có một lý do
chính trị phía sau nó. Tôi đã nói với họ rằng, khi là một đứa trẻ, tôi đã đọc
những giáo huấn của Đạo Phật bằng Sanskrit cũng như tiếng địa phương của tôi.
Tôi cũng tu học theo giáo huấn của Đại học Na Lan Đà. Rồi thì thân thể tôi sống
còn nhờ dal[1],
chapatti[2], gạo
Ấn Độ rất lâu. Vì vậy, tôi tự xem tôi như một người con của Ấn Độ. Những nhà
báo Trung Hoa đã hiểu.
Tôi cảm thấy một sự quan tâm nghiêm trọng về tham nhũng.
Khi tôi viếng thăm Rajasthan năm ngoái, một học sinh đã hỏi tôi rằng có phải
đúng rằng trong đời sống thực tế người ta phải là một thành phần của sự tham
nhũng, hay bằng khác đi họ sẽ không giờ thành công. Suy nghĩ như vậy về tham nhũng trong một tâm thức
trẻ trung đang quấy rầy tôi. Khi tôi ở Bombay, một người bạn thương gia của tôi
đã đề cập rằng không có tham nhũng, người ta không thể thành công trong thương
mại. Trong những quốc gia khác, vốn không có các nguyên lý đạo đức, thì tham
nhũng là có thể hiểu được. Nhưng trong xứ sở này với quá nhiều con người tâm
linh tôn giáo, thì đó là một vấn đề phải quan tâm.
Tôi đã đùa những người bạn Ấn Độ của tôi rằng họ đặt bông
hoa trước những thần linh của họ và tụng đọc những thần chú (shlokha) mà không
biết ý nghĩa của nó. Nếu bạn là một bông hoa thật sự, tuân theo giáo huấn của
thần linh đó, thì không có tôn giáo nào dạy người ta nên hướng dẫn một đời sống
với sự tham nhũng, lừa dối, giết hại, trộm cắp, và v.v… Tất cả những tôn giáo
quan trọng nói rằng chúng ta phải thực hành từ ái, bi mẫn, trung thực, và tha
thứ. Tôi nói với mọi người hãy rõ ràng về niềm tin của họ. Nếu họ tin tưởng
trong tôn giáo, thì họ nên hướng dẫn đời sống của họ một cách trung thực. Nếu họ
tôn thờ tiền bạc, thế thì họ sẽ phải hướng đến một đời sống tham nhũng và hối hận
vì có một tên tuổi xấu giữa những đồng nghiệp của họ.
Vài ngày trước đây, tôi đã gặp một người tị nạn tôn giáo
Cu Ba, người luôn luôn cầu nguyện Thượng đế hãy đưa tất cả những nhà độc tài
lên thiên đàng, cho thấy rằng ông vẫn có một sự tôn trọng nào đối với họ, vì
ông muốn họ lên thiên đàng chứ không phải là địa ngục. Tôi luôn luôn khuyến khích
mọi người đi theo con đường bất bạo động, làm việc cần mẫn, và sống một cách
trung thực, là những thứ sẽ mang đến cho họ sự tôn trọng trong cộng đồng và
cũng từ những người bạn chân thành của họ. Nếu bạn đạo đức giả, thế thì sự tin
tưởng giữa những người bạn sẽ không còn nữa, và bạn sẽ không hạnh phúc.
Tôi nghĩ, để cho thân thể khỏe mạnh, chúng ta cần có một
tâm thức tĩnh lặng và một trái tim nồng ấm. Với sự giúp đở của một tâm tĩnh lặng
và tự tin, chúng ta có thể đối diện với bất cứ nghịch cảnh nào trong đời sống.
Một thân thể khỏe mạnh và một tâm thức khỏe mạnh song hành với nhau. Thuốc men
không mà thôi không thể giúp đở gì nhiều. Những sức mạnh căn bản mà mọi người cần
phải có để thành công là lý tưởng, hoạt động cần mẫn và một sự tiếp cận hiện đại
trong mọi lãnh vực. Người Ấn Độ có thể thực hiện một đóng góp nổi bật qua làm
việc cần mẫn, kiến thức và tự tin, vốn có thể hổ trợ phát triển xứ sở trên bình
diện quốc nội và quốc tế.
Tôi đang ở những năm cuối của tuổi bảy mươi và có thể
không thể sống để thấy những sự thay đổi. Tất cả những người trẻ hơn tôi, với
viễn kiến mạnh mẽ và hoạt động cần mẫn, có thể hưởng thụ những kết quả tốt đẹp.
Ngay cả sau khi tôi chết, hoặc là ở thiên đàng hay địa ngục, tôi sẽ kiểm soát để
xem quý vị có thi hành những lời khuyên này một cách thích đáng hay không. Những
cộng sự trẻ của tôi ở đây và tôi sẽ cùng xem xét với nhau, và nếu quý vị không
hành động, rồi thì tôi sẽ trừng phạt quý vị. Cảm ơn!
HỎI VÀ ĐÁP
HỎI: Có phải là tha thứ là quan trọng hơn trừng
phạt hay không? Ngài đã đề cập trong bài giảng là nếu lớp trẻ không thể hiện bổn
phận của họ một cách đúng đắn, thế thì ngài sẽ trừng phạt họ ngay cả sau khi
ngài lên thiên đàng. Trong ánh sáng trí tuệ của lời tuyên bố này, có phải tha
thứ là quan trọng hơn trừng phạt hay không?
ĐÁP: Tha thứ
có nghĩa là mặc dù một việc làm sai lầm nào đó, quý vị sẽ không chấp giữ một cảm
nhận xấu hay oán hận. Thay vì thế, quý vị nên có một cảm nhận chân thành quan
tâm cho những ai đã làm sai. Điều đó, tôi nghĩ, là tha thứ. Trong lúc đó, cũng
từ một cảm nhận chân thành quan tâm cho tương lai của họ, một sự trừng phạt nào
đó có thể có kết quả tốt. Thí dụ, khi người Tây Tạng bị tra tấn, chúng tôi phát
triển một sự quan tâm cho tương lai của những
người tra tấn họ. Theo khái niệm của nghiệp báo tâm linh, những ai đã
tích tập nghiệp xấu sẽ đối diện những hậu quả cay đắng trong đời sống của họ. Mặc
dù chúng tôi đối kháng lại sự kiểm soát của họ, nhưng về tinh thần chúng tôi vẫn
thương cảm bi mẫn cho họ. Đó là sự thực hành của tha thứ.
HỎI: Tôi là một bác sĩ. Tôi làm mọi thứ để làm
cho tôi là một con người tốt lành thể hiện như có lòng bi mẫn thương cảm và
không quên lãng nhiệm vụ của tôi. Tôi an bình với chính tôi. Nếu tôi nhờ đến
tâm linh trong việc thực hiện các nhiệm vụ của tôi thì việc đó có giúp tôi phát
huy không? Nó có làm tinh thần tôi nâng cao hơn xa hơn không?
ĐÁP: Vâng,
trong lãnh vực chuyên môn y tế thì ông nên làm bổn phận của ông với kiến thức
và quan tâm chân thành cho sự cát tường của bệnh nhân của ông. Hành động lệ thuộc
vào động cơ trên những cấp độ tinh thần, thân thể, và lời nói – nếu động cơ là
tích cực, thì tất cả mọi cấp độ sẽ trở thành tích cực. Tôi nghĩ chí nguyện thứ
nhất của tôi là để thúc đẩy giá trị nhân bản và đạo đức thế tục. Chủ nghĩa thế
tục có nghĩa là chú ý tôn trọng đến tất cả mọi truyền thống và cũng đến tất cả
những người không có tín ngưỡng. Một lần nọ, L. K. Advani đã nói với tôi rằng
truyền thống nghìn năm được diễn tả bởi Charvaka phủ nhận Thượng đế và giáo
pháp, nhưng tin trong sự tồn tại của thực tại. Tất cả những nhà tư tưởng tâm
linh khác phê phán quan điểm ấy, nhưng vẫn xem ông như một hiền nhân (rishi).
Đó là một dấu hiệu rõ ràng của sự tôn trọng. Tôi tin tưởng rằng bảy tỉ người
không thể tất cả đều bình đẳng nghiêm túc về tâm linh. Đối với sự quan tâm cá
nhân, đạo đức luân lý cá nhân hay giá trị nội tại, chúng ta phải gây ấn tượng
sâu sắc với họ - đó là vì lợi ích của chính họ. Từ ái, bi mẫn, và tha thứ có
nghĩa là được thực tập bởi cả những người có tín ngưỡng và không tín ngưỡng. Một
người cần duy trì sự trung thực, duy trì sự trung thực là một bộ phận tâm linh.
HỎI: Thân thể là độc lập, tâm thức cũng vậy. Khi
thân thể tàn hoại, tâm thức cũng bị tàn hoại cùng với thân thể chứ? Nếu không,
thì nó đi đâu?
ĐÁP: Quá khứ
hàng nghìn năm qua, nhiều nghiên cứu đã được tiến hành trên chủ đề ấy, và nhiều
câu trả lời đã được đưa ra. Bây giờ, đối
với những ai tin tưởng Thượng đế là đấng tạo hóa, thì họ tin rằng tâm linh duy
trì sau khi chết cho sự phán xét cuối cùng (cho dù người ấy xuống địa ngục hay
lên thiên đàng). Tôn giáo Ấn Độ - kể cả phái Số Luận – là một hệ thống tư tưởng
tin rằng Brahma là đấng tạo hóa. Họ cũng tin tái sanh và nghiệp. Tín đồ Phật
giáo và Kỳ na giáo không tin trong đấng
tạo hóa, bắt đầu hay kết thúc.
Hầu hết mọi tôn giáo ngoại trừ Phật giáo tin vào “bản
ngã” (atma), vốn giống như linh thức (ghost) tồn tại ngay cả sau khi chức năng
thân thể và tâm thức chấm dứt tồn tại. Phật giáo tin rằng trong một phức hợp của
thân thể và tâm thức, và nhiều cấp độ khác nhau của mỗi thứ. Sau khi chết, ngay
khi trái tim ngừng đập, trong một thời điểm ngắn não bộ ngừng hoạt động, nhưng
một cấp độ của thân thể và cấp độ khác của tâm thức không ngừng hoạt động.
Trình độ sâu xa nhất của tâm thức tồn tại ngay cả sau chết. Tôi biết một vài trường hợp, thân thể vẫn
tươi nhuận nhiều tuần sau khi chết. Các nhà khoa học hiện đại không có câu trả
lời nào cho điều này. Sau ba mươi năm thảo
luận với những nhà khoa học, một số trong họ cho thấy sự thích thú trong chủ đề
này và đang thí nghiệm. Sự giải thích của Phật giáo về trình độ sâu xa nhất của
tâm thức và sự giải thích của Ấn giáo của bản ngã là rất giống nhau.
HỎI: Ngài đã đề cập một cách
trung thực. Mọi người cho rằng trung thực, nhưng có sự định nghĩa riêng của họ.
Theo ngài thì ngày nay định nghĩa về trung thực là gì?
ĐÁP: Tâm thức con người rất phức tạp. Vì thế nó đưa
ra nhưng sự diễn giải khác nhau về luân lý đạo đức. Người ta có xu hướng trung
thực hơn khi đối diện với mèo và chó, vì nếu họ biểu lộ chân thành thật thà, rồi
thì cảm nhận tình cảm được trao đổi lẫn nhau. Giàu sang hay nghèo khó, học vấn
hay không, mọi người đều cần trung thực.
Triết lý Ấn Độ về tâm thức, theo Pali hay truyền thống Na
Lan Đà là rất phong phú. Nếu một người là chân thật và trong sáng trong ý định
của họ và tôn trọng người khác, thế thì sẽ không có chỗ trong tâm cho những tư
tưởng như gian lận và lừa dối. Cội nguồn của chân thật là từ ái và bi mẫn. Một
cấp độ của từ ái là sinh học, như tình yêu của bà mẹ, vốn là định kiến. Nhưng từ
ái và bi mẫn nên được chia sẻ trong tất cả mọi người, ngay cả với kẻ thù của
ta. Bất cứ hành động nào mang đến sự tin tưởng là trung thực.
HỎI: Có phải thái độ của con người là chúng ta
không mãn nguyện với những gì chúng ta đã thành đạt trong đời sống. Điều này
đưa đến việc xâm phạm đến những quyền của người khác và tạo nên sự bất hòa
trong xã hội. Theo ngài thì chúng ta nên làm gì để duy trì sự toại nguyện và
mang đến hòa bình và hòa hiệp trong xã hội?
ĐÁP: Câu trả lời
của tôi cho câu hỏi này là đạo đức thế tục. Giá trị vật chất có giới hạn, như một
con người chỉ tham khát cho tự thân về nó, nhưng chỉ chạm trán với sự không thỏa
mãn. Có một câu chuyện về một vị vua muốn thêm nữa. Nhưng mọi thứ liên hệ đến
tâm thức, như kiến thức, không có giới hạn. Sau khi kinh tế toàn cầu sụp đổ, một
người bạn kinh tế gia đã nói với tôi rằng không ai muốn bất cứ khủng hoảng nào,
nhưng khủng hoảng cuối cùng là sự tự tạo của chúng. Lý do, ông nói là sự tham
lam – loại tham lam đã làm người ta mù quáng. Tất cả là sự đầu cơ đã tạo ra những
hoàn cảnh như vậy, không có ý nghĩa của thực tế. Cho nên toại nguyện đến từ một
sự tiếp cận thực tiển. Nếu người ta nghĩ rằng đã có đủ mọi thứ, thế thì thái độ
tinh thần của người ấy sẽ cho người ấy một tâm thức tĩnh lặng.
Tôi đã đùa với các người bạn thương gia của tôi rằng họ
là những nô lệ của tiền bạc. Ở Moscow, Nga, một thương gia đã nói với tôi rằng
ông muốn đến Los Angeles, USA, và trở lại Moscow trong chính ngày ấy – và tôi
đã nghĩ, du hành quá nhiều, chỉ vì lợi nhuận? Lợi nhuận không lợi lạc về tinh
thần hay vật chất cho con người. Nhưng ở trình độ quốc gia, những ưu tiên thay
đổi. Có nhiều người nghèo ở Ấn Độ. Ngay cả những bệnh tật như chứng bại liệt được
diệt trừ tận gốc rể (như tôi thấy trên đài BBC) nhưng những tiện nghi y tế vẫn
nghèo nàn. Ấn Độ vẫn cần phát triển. Tôi đã dự một buổi hội họp nơi tôi đã nhận
ra rằng có rất ít người nghĩ về tương lai. Họ nên ngưỡng mộ những lãnh tụ vĩ đại
của Ấn Độ như Nehru và Gandhi những người đã bắt đầu với xu hướng bất bạo động
cho sự tốt đẹp của mọi người.
HỎI: Ở Bhutan, người ta có một thống kê – tổng hạnh
phúc quốc gia – đó là thống kê của sức khỏe và kinh tế của dân số. Ngài có muốn
đề nghị nó đến những nhà chính trị đang ngồi kế bên ngài để thực hiện việc này
như một thống kê cho Ấn Độ không?
ĐÁP: Thật rất
dễ dàng đề nghị việc này, nhưng cho một sự phát triển thật sự thì nhiều việc cần
đến, một cách chính yếu trong lãnh vực của giáo dục. Năm nay, Đại học New Delhi
đang nghiên cứu vì vậy họ có thể làm đạo đức thế tục thành một bộ phận của hệ
thống giáo dục. Nền giáo dục hiện đại thiếu điều gì đó định hình não bộ chúng
ta, vì thế nó cần trải qua những thay đổi nào đó. Cùng với giáo dục, thì kinh tế
cũng là một vấn đề quan trọng. Khoảng cách giữa giàu và nghèo là rất lớn đó là
sai lầm một cách đạo đức.
Ở Dharamsala, gần một công trình xây dựng, tôi đã nói với
một công nhân đến từ Chandigarh – một phụ nữ với con cái. Bà nói với tôi rằng
không ai muốn rời xóm làng của họ nhưng họ cần việc làm. Sự chuyển hóa thật sự
nên xảy ra trong những vùng làng quê xa xôi để giảm thiểu khoảng cách giữa giàu
và nghèo.
Ẩn Tâm Lộ, Friday, April 6, 2018
Trích từ quyển The Big Book of Happiness
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét