Tác giả: Đức Đạt
Lai Lạt Ma
Chuyển ngữ: Tuệ
Uyển
HỎI VÀ ĐÁP
HỎI: Ngài nghĩ mục tiêu thật sự của đời sống là
gì, và đó là khi một người đi theo con đường tâm linh và hoạt động xã hội thành
tựu hạnh phúc lớn nhất?
ĐÁP: Mục tiêu
của đời sống? Tôi nghĩ đó là một câu hỏi huyền bí thì thích hợp hơn. Tôi nghĩ
có những câu trả lời khác nhau phù hợp với những khái niệm triết lý khác nhau.
Nếu quý vị tin tưởng tôn giáo có khái niệm về Thượng Đế hay đấng tạo hóa, thế
thì tôi nghĩ quý vị nên hỏi Thượng Đế về mục tiêu của đời sống chúng ta là gì.
Và theo những tôn giáo vô thần như Phật giáo, Kỳ Na giáo,
cũng như một bộ phận của phái Số Luận, vốn không có khái niệm về đấng tạo hóa
nhưng là sự tự sáng tạo, có luật nhân quả, rất giống với thuyết Darwin. Ba tôn
giáo vô thần này phát triển chỉ ở xứ sở này – không ở nơi khác. Do vậy, tôi tin
tưởng mục tiêu của đời sống là hạnh phúc. Lý do đơn giản – không có gì bảo đảm
cho một tương lai tốt đẹp, nhưng chúng ta sống trong hy vọng, chúng ta hy vọng
cho những gì tốt lành. Nếu một người nào đó hoàn toàn mất hy vọng, thế thì
chính thái độ ấy làm ngắn lại tuổi thọ của chúng ta, và trong trường hợp tệ hại
nhất, quý vị có thể đi đến tự sát. Do vậy, chúng ta sống còn trên căn bản của
hy vọng – điều gì đó tốt lành. Cho nên tôi có thể nói mục tiêu của đời sống
chúng ta là để sống một đời sống hạnh phúc.
Tính chất tinh thần – đời sống tâm linh – như tôi đề cập
trước đây, có thể sống trong hai trình độ. Một là trình độ thế tục, không có đức
tin tôn giáo. Trong phạm vi thế nhất của đạo đức luân lý, không đụng chạm gì đến
tôn giáo, đời sống tinh thần có nghĩa là săn sóc niềm hòa bình tinh thần của
chúng ta. Đó là một trình độ tâm linh. Thế nên một cách tự nhiên, tài sản, tiền
bạc hay nhẫn kim cương sẽ không mang đến niềm hòa bình nội tại của chúng ta, chỉ
là ảo tưởng mà chúng ta cảm nhận, “Tôi giàu sang, tôi hạnh phúc.” Nhưng nếu
chúng ta hôn chiếc nhẫn của ta, chiếc nhẫn ấy không có khả năng trả lời tình cảm
của chúng ta. Những con chó, con mèo, nếu chúng ta biểu lộ sự ân cần, tình cảm
– chúng thậm chí có khả năng để đáp lại tình cảm của chúng ta. Cho nên đời sống
căn cứ trên giá trị vật chất, vốn không có năng lực để cho chúng ta tình cảm,
chỉ là ảo tưởng.
Chúng ta là những sinh thể sống. Chúng ta phải tiếp nhận
tình cảm liên tục, chỉ như thế thì đời sống mới trở thành đầy đủ ý nghĩa nhiều
hơn, nhiều hạnh phúc sâu xa bên trong hơn. Vì vậy, nói về những giá trị nội tại
này là tính chất tinh thần - tâm linh. Không nói về kiếp sống tới, không nói về
niết bàn, giải thoát, thiên đàng, Thượng đế, đấng tạo hóa, không. Một cách đơn
giản, sống một đời sống hạnh phúc với niềm hòa bình nội như thế nào – đó là lối
sống tinh thần – tâm linh. Tôi thích thế đó.
HỎI: Theo ngài, những giá trị
quan trọng nhất là gì có thể gây ấn tượng sâu đậm đến bất cứ người nào, và làm
thế nào chúng ta đạt được? Chúng ta đã nói về giáo dục. Những giá trị quan trọng
khác nào chúng ta có thể tác động trong chính chúng ta?
ĐÁP: Một cách
căn bản chúng ta là những tạo vật xã hội. Mỗi thành viên, tương lai và sự tồn tại
của họ phụ thuộc vào cộng đồng. Chúng ta như những con ong, hay kiến, vốn không
có tôn giáo, không hiến pháp, không tổ chức chính quyền, không lực lượng cảnh
sát, nhưng chúng làm việc với nhau, đơn giản do bởi sự thúc đẩy sinh học để sống
còn. Vậy thì chúng ta cũng là những tạo vật xã hội. Bất chấp nếu một con người
đơn độc là rất năng lực, nhưng đời sống của người ấy, sự tồn tại căn bản, lệ
thuộc vào toàn thể cộng đồng. Đây là một sự thật.
Và chúng ta phải có một nối kết gần gũi với cộng đồng như
căn bản của tương lai chính ta. Vì một đời sống hạnh phúc, chúng ta cần có một
sự quan tâm cho sự cát tường của người khác. Cảm nhận quan tâm ấy vốn thật sự
mang lại kết hợp mà tôi thường gọi là thái độ tình cảm. Vậy nên, quý vị thấy,
chúng ta cần một cảm nhận cộng đồng hay thuộc về nhau. Đó là nguồn gốc căn bản
của tình cảm chúng ta. Và đó là một nhân tố then chốt cho việc là một tạo vật
xã hội, cho nên tôi thường nói về nó.
Dĩ nhiên niềm tin tôn giáo là chuyện cá nhân. Nhưng toàn
thể loài người cần loại cảm nhận cát tường ấy của cộng đồng. Tôi nghĩ, thời
xưa, mỗi xứ sở hay cộng đồng không ít thì nhiều là độc lập. Ngày nay, tương xứng
với những vấn đề kinh tế và môi trường và nhiều nhân tố khác, toàn thể gần 7 tỉ
người trở thành chỉ một gia đình nhân loại, một cộng đồng. Ngày nay, không chỉ
những quốc gia nhưng thậm chí các lục địa là liên hệ hổ tương một cách sâu đậm.
Theo thực tế ấy, chúng ta phải có khái niệm của “toàn thể
thế giới là một bộ phận của tôi.” Khái niệm của thế kỷ-cũ là “chúng ta và họ.”
Nhưng khái niệm ấy đã phân biệt “chúng ta” với “họ”, và trên căn bản ấy, có bóc
lột, tổn hại, ngay cả chiến tranh. Trong thực tế ngày nay, mỗi người là một bộ
phận của bạn, một bộ phận của tôi, một bộ phận của một ‘chúng ta’ vĩ đại. Cho
nên khái niệm chiến tranh là lỗi thời. Miễn là chúng ta có một cảm nhận chân
thành về ý tưởng cho sự cát tường của người khác, thì không có khái niệm của giết
hại, không có khái niệm về trộm cắp, không có cơ sở cho ngược đãi, ngược đãi
tình dục hay hãm hiếp, hay nói láo hay lường gạt. Cho đến khi chúng ta vẫn có một
cảm nhận quan tâm cho sự cát tường của người khác, thì tất cả những hành vi
tiêu cực của thân thể và lời nói sẽ không ảnh hưởng chúng ta – không có chỗ cho
những hành vi tiêu cực này. Cho nên tôi cảm thấy, cho dù một người có tin tưởng
những giá trị sâu sắc nào đó hay không, nhưng ở trình độ thực tập nếu người ấy
tuân theo những sự thực tập vì tỉnh thức, thì người ấy sẽ trở thành một người
thật sự nhạy cảm và qua cách đó người ấy có thể xây dựng một thế giới hạnh phúc
hơn. Đây là nền tảng tin tưởng của tôi.
HỎI: Thưa Đức Thánh Thiện, ngài nói về hòa bình
và phúc lợi xã hội. Câu hỏi của tôi là, chủ nghĩa tư bản liên hệ với phúc lợi
xã hội như thế nào, và chủ nghĩa tư bản đóng vai trò gì đặc biệt sau sự suy
thoái toàn cầu?
ĐÁP: Đó là một
câu hỏi khó. Bạn nên nghiên cứu. Một cách cá nhân, trong năm 1954 – 55, tôi đã ở
Bắc Kinh vài tháng, học hỏi chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa xã hội. Tôi đã rất thích
thú với nền kinh tế Mác xít. Nó nhấn mạnh về sự phân phối
bình đẳng, vậy đó là một luân lý đạo đức đúng đắn; trái lại
chủ nghĩa tư bản chỉ đơn giản nói về tăng trưởng lợi lộc. Do thế vào lúc đó,
tôi đã nói với giới cầm quyền Cộng sản Trung Hoa rằng tôi muốn tham gia Đảng Cộng
sản Trung Hoa. Ngay cả bây giờ, như những lý thuyết kinh tế - xã hội được quan
tâm, thì tôi là một người Mác-xít. Không công khai, không bí mật – tôi luôn
luôn rõ ràng về điều này.
Nhưng rồi thì, bây giờ ở Trung Hoa, dĩ nhiên, chủ nghĩa
xã hội Mác xít chân thật không còn nữa. Ngày nay, giống như Đảng Cộng sản Trung
Hoa không có lý tưởng cộng sản. Nó là chủ nghĩa cộng sản-tư bản – điều gì đó rất
mới. Tôi đang tự hỏi, các đảng cộng sản Ấn Độ. Tôi nghe nói rằng một số lãnh tụ
của những người cộng sản hay Mác-xít có một lối sống rất trưởng giả trong đời sống
cá nhân của họ.
Do vậy, như lý tưởng xã hội chủ nghĩa chú ý đến những
quan tâm của đại đa số quần chúng, kể cả giai cấp thợ thuyền, những người nghèo
khó; điều này là rất đúng. Tuy nhiên, trước khi mọi thứ tha đổi, cả Trung Hoa
và Liên Xô trước đây, trong lãnh vực kinh tế, đã là những quốc gia ở trong tình
trạng trì trệ. Cho nên những sức mạnh năng động như chủ nghĩa tư bản cũng cần
thiết. Tôi nghĩ giải pháp tốt nhất là một loại điều chỉnh nào đó – tôi không biết.
Khi những quốc gia Đông Âu mới mẻ được độc lập, ngay sau sự sụp đổ của Liên Xô,
tôi đã viếng thăm
Czechoslovakia theo lời mời của Tổng thống Havel lúc ấy –
gần như là người khách ngoại quốc đầu tiên đến quốc gia ấy. Tôi đã nói vào lúc ấy,
như tôi phát biểu bây giờ, rằng những quốc gia Đông Âu này nên nghiên cứu thêm
và đưa ra một hệ thống chính trị tổng hợp mới, lấy điều gì đó từ chủ nghĩa xã hội
và điều gì đó từ chủ nghĩa tư bản. Nhưng không ai tiếp nhận lời đề nghị một
cách nghiêm túc; và những quốc gia này cũng đi theo hệ thống tư bản chủ nghĩa
phương Tây bây giờ. Vì thế tôi không biết. Đó là quan điểm của tôi, nhưng tôi
không có một câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi của bạn. Hãy nghiên cứu hơn nữa là
cần thiết trong sự quan tâm ấy.
HỎI: Thưa Đức Thánh Thiện, thật là danh dự lớn
khi ngài hiện diện ở đây. Câu hỏi tôi là, trong một thế giới nhìn vào bên trong
những thứ gá ghép kỷ thuật và mạng lưới xã hội, ngài nghĩ vai trò nào của nghệ
thuật, văn hóa, và âm nhạc?
ĐÁP: Thật sự, tất cả những gì tôi nói là một bộ phận của văn hóa
hòa bình và bất bạo động. Cũng thế, tôi nghĩ rằng, cung cách nghệ thuật – họa vẽ
hay âm nhạc hay những bản nhạc nào đó – có thể mang một thông điệp nào đó và là
trung gian rất năng lực.
Tôi không nghĩ con người
đang đánh mất hấp dẫn trong văn hóa. Chỉ sau buổi thuyết giảng sáng, một người
phóng viên Ấn Độ đã hỏi tôi về môn bóng chày
(cricket): “Ai sẽ thắng cúp thế giới?” Vậy thì người ta đang xem những
thứ thể thao này. Và rồi những loại âm nhạc khác nhau – tôi nghĩ hàng triệu người
thật sự đang biểu lộ sự hấp dẫn trong đó. Chính tôi không có thích thú gì; tôi
không thích thú trong âm nhạc; tôi không thích thú trong bất cứ môn thể thao
nào. Dĩ nhiên, khi còn trẻ, tôi chơi bóng bàn hay vũ cầu, nhưng bây giờ không
còn nữa. (Cười) Dĩ nhiên, những thứ này, tôi cảm thấy, là một bộ phận quan trọng
trong đời sống của chúng ta. Và trong lúc đó, tôi cũng có cảm giác rằng nếu
chúng ta nếu chúng ta quá lệ thuộc vào việc hài lòng với âm nhạc hay biểu diễn,
thì chúng ta đang lãng phí những năng lực nội tại của chúng ta. Chúng ta rốt cuộc
bị lệ thuộc sâu nặng vào những nhân tố bên ngoài cho niềm hòa bình bên trong. Nếu
quý vị làm như vậy, rồi thì quý vị chỉ vui vẻ cho đến khi nào âm nhạc hay hình ảnh
hiện diện, và khi những thứ này không còn hiện hữu chung quanh thì chúng ta cảm
thấy trống vắng và chán nản.
Trái lại, niềm hòa bình nội
tại đạt được không lệ thuộc vào những kinh nghiệm cảm giác mà hoàn toàn sử dụng
năng lực tinh thần, vì thế cho dù có một tiện nghi bên ngoài hay không, chúng
ta sẽ luôn luôn hòa bình và hạnh phúc. Đó là những gì tôi cảm nhận. Đây là tại
sao những người sống đơn độc tại những nơi vắng vẻ xa xôi lại vẫn có thể cảm thấy
rất hạnh phúc – không có âm nhạc, không tv, không gì cả nhưng qua sự thiền tập
nội tại hay những sự thực tập khác để có niềm hòa bình nội tại mênh mang. Ngày,
đêm, và tháng trôi qua như thế ấy. Dĩ nhiên, tiện nghi bên ngoài là rất tốt,
nhưng quá lệ thuộc vào những thứ này là không tốt. Đây là điều mà tôi cảm thấy.
HỎI: Chào buổi trưa thưa Đức
Thánh Thiện. Trong thế giới ngày nay của toàn cầu hóa và tiến bộ kỷ thuật, có
phải lớp trẻ Ấn Độ nên đi theo và hoàn toàn nương dựa vào những truyền thống Ấn
Độ như được ngài đề cập, như việc học hỏi những trường ca Mahabharata và
Ramayana, và chúng tôi nên phối hợp những triết lý tốt nhất của phương Tây và
các triết lý Ấn Độ nhằm để lớn mạnh và phát triển chứ?
ĐÁP: Tôi có viễn
tượng rằng kỷ thuật – bây giờ phổ quát – vốn đến từ phương Tây. Kỷ thuật cung cấp cho chúng ta sự thoải
mái vật chất. Ấn Độ cũng cần những thứ ấy, đặc biệt ở những vùng xa xôi. Tôi
luôn luôn có cảm nhận mạnh mẽ rằng sự chuyển hóa thật sự của Ấn Độ phải xảy ra ở
nông thôn Ấn Độ; không phải ở những công
trình xây dựng nào đó, các hảng xưởng nào đó, và những tiện nghi hiện đại
nào đó ở Bombay, Hyderbad, Allahabad, hay Bangalore. Dĩ nhiên những nơi này là
quan tâm quốc gia, là quan trọng; nhưng sự thay
đổi thật sự phải xảy ra ở những vùng nông thôn xa xôi. Điều đó là rất, rất
quan trọng.
Mới đây tôi đã ở Jaipur, gần Jaipur – tại trường Barefoot
College. Ở tại trường college ấy, những dân làng già mù chữ - chủ yếu là những
bà mẹ - tập luyện về việc làm năng lượng mặt trời và những thứ như vậy. Những
thứ này thật là tuyệt vời. Rồi thì cũng thế gần Nagpur, nhiều năm trước, tôi đã
thăm viếng Tiến sĩ Ramdev. Cũng vậy, trong một vài trường hợp, tôi đã thăm viếng
những vùng thôn dã xa xôi ở Kerala và Gujarat. Tôi nghĩ một số ít người thật sự làm việc ở nông thôn
– trong giáo dục và trong một số việc thủ công – đang làm một thứ gì đó thật rất
cần thiết. Do bởi chúng, Ấn Độ cũng tiếp nhận lợi ích từ việc phát triển lớn
hơn trong lãnh vực kỷ thuật. Hệ thống trang trại phải cơ giới hóa, bằng khác đi
thì thật khó để nuôi dưỡng mọi người. Dân số đang gia tăng, nhưng đất đai không
thể mở rộng.
Trong lúc đó, như tôi đã đề cập trước, nền văn hóa Ấn Độ
là ngang hàng với nền văn minh Ai Cập và Trung Hoa – so sánh một cách lý thuyết
về nguồn gốc ba nền văn minh này, tôi nghĩ nền văn minh Ấn Độ có những quan điểm
triết lý phức tạp hơn về tâm thức. Cho nên đây là kho tàng không chỉ của Ấn Độ
mà của cả thế giới, và phải được bảo tồn. Sự phát triển vật chất, vốn cho chúng
ta những thoải mái vật chất, và sự phát triển tâm linh, vốn cung cấp cho chúng
ta sự thoải mái tinh thần – hai thứ này phải được phối hợp. Do thế, các bạn phải
phối hợp kỷ thuật phương Tây và giáo dục hiện đại cũng như bảo tồn những giá trị
truyền thống hàng nghìn năm của quý vị. Quý vị có một vai trò đặc biệt và một
trách nhiệm đặc biệt. Bất cứ cách nào tôi có thể phụng sự quý vị - tuy nhiên
tôi có thể hổ trợ quý vị như một học trò của đạo sư quý vị - đó là bổn phận của
tôi. Bất cứ cách nào.
HỎI: Thế giới mới đây đã thấy
một sự sở hữu toàn cầu thâu tóm trong tay của một ít nhà thương gia tham lam.
Tuệ trí cổ truyền làm thế nào hổ trợ để vượt thắng khuyết điểm này trong những
lãnh đạo thương mãi hiện tại và tương lai?
ĐÁP: Những
thương gia cũng đến từ xã hội. Nếu chúng ta xây dựng một xã hội vốn chỉ nói đến
những giá trị vật chất, thì những người đến từ xã hội đặc thù ấy tự nhiên sẽ chỉ
nói về những thứ vật chất. Do vậy, chúng ta cần một sự thay đổi nào đó trong cấp
độ nền tảng. Bây giờ ở phương Tây, một số nhà giáo dục đang thật sự đặt vấn đề
về sự tồn tại của hệ thống giáo dục. Một vài thập niên trước, số người tôi chú
ý trong những thương gia cho thấy một sự quan tâm về tâm linh hay sự hòa bình nội
tại và rất thấp. Bây giờ ngày càng có nhiều người trong giới thương gia làm như
vậy. Và đôi khi họ tổ chức những buổi nói chuyện của tôi về các giá trị nội tại.
Tôi nghĩ một số công ty lớn của Ấn Độ bây giờ cũng đi
theo xu hướng này. Điều đó cũng rất tốt. Mỗi người không thể là một thương gia, nhưng cùng lúc, chúng ta
không nên quên về căn bản cát tường của xã hội. Và đặc biệt, tôi hy vọng, chúng
ta hãy chú ý hơn về hệ thống giáo dục và những điều kiện kinh tế ở vùng nông
thôn. Tôi nghĩ truyền thông cũng có trách nhiệm cung cấp tin tức cho mọi người
không chỉ về các giá trị tiền bạc mà về những giá trị khác nữa, vì thế những
thương gia này thỉnh thoảng được nhắc nhở rằng họ cũng phải bệnh, phải già, và
rồi cuối cùng họ phải ra đi. Bất chấp nhà tỉ phú lớn như thế nào đi nữa, thì tiền
bạc của họ sẽ vẫn ở ngân hàng. Họ không thể mang nó đi theo họ - chỉ tâm thức họ
mà thôi.
Do vậy, hãy giáo dục, hãy nhắc nhở mọi người, hãy rèn luyện
những nhà truyền thông. Những hệ thống giáo dục của chúng ta nên bắt đầu hướng
dẫn chúng ta về đạo đức thế tục từ nhà trẻ cho đến trình độ đại học. Rồi thì,
tôi nghĩ, cuối thế kỷ 21, cung cách suy nghĩ của con người có thể thay đổi.
Trích từ bài Ancient Wisdom and Modern Thougth
của quyền The Big Book of Happiness
Ẩn Tâm Lộ, Tuesday, March 20, 2018
HỎI VÀ ĐÁP
HỎI: Có phải là tha thứ là quan trọng hơn trừng
phạt hay không? Ngài đã đề cập trong bài giảng là nếu lớp trẻ không thể hiện bổn
phận của họ một cách đúng đắn, thế thì ngài sẽ trừng phạt họ ngay cả sau khi
ngài lên thiên đàng. Trong ánh sáng trí tuệ của lời tuyên bố này, có phải tha
thứ là quan trọng hơn trừng phạt hay không?
ĐÁP: Tha thứ
có nghĩa là mặc dù một việc làm sai lầm nào đó, quý vị sẽ không chấp giữ một cảm
nhận xấu hay oán hận. Thay vì thế, quý vị nên có một cảm nhận chân thành quan
tâm cho những ai đã làm sai. Điều đó, tôi nghĩ, là tha thứ. Trong lúc đó, cũng
từ một cảm nhận chân thành quan tâm cho tương lai của họ, một sự trừng phạt nào
đó có thể có kết quả tốt. Thí dụ, khi người Tây Tạng bị tra tấn, chúng tôi phát
triển một sự quan tâm cho tương lai của những
người tra tấn họ. Theo khái niệm của nghiệp báo tâm linh, những ai đã
tích tập nghiệp xấu sẽ đối diện những hậu quả cay đắng trong đời sống của họ. Mặc
dù chúng tôi đối kháng lại sự kiểm soát của họ, nhưng về tinh thần chúng tôi vẫn
thương cảm bi mẫn cho họ. Đó là sự thực hành của tha thứ.
HỎI: Tôi là một bác sĩ. Tôi làm mọi thứ để làm
cho tôi là một con người tốt lành thể hiện như có lòng bi mẫn thương cảm và
không quên lãng nhiệm vụ của tôi. Tôi an bình với chính tôi. Nếu tôi nhờ đến
tâm linh trong việc thực hiện các nhiệm vụ của tôi thì việc đó có giúp tôi phát
huy không? Nó có làm tinh thần tôi nâng cao hơn xa hơn không?
ĐÁP: Vâng,
trong lãnh vực chuyên môn y tế thì ông nên làm bổn phận của ông với kiến thức
và quan tâm chân thành cho sự cát tường của bệnh nhân của ông. Hành động lệ thuộc
vào động cơ trên những cấp độ tinh thần, thân thể, và lời nói – nếu động cơ là
tích cực, thì tất cả mọi cấp độ sẽ trở thành tích cực. Tôi nghĩ chí nguyện thứ
nhất của tôi là để thúc đẩy giá trị nhân bản và đạo đức thế tục. Chủ nghĩa thế
tục có nghĩa là chú ý tôn trọng đến tất cả mọi truyền thống và cũng đến tất cả
những người không có tín ngưỡng. Một lần nọ, L. K. Advani đã nói với tôi rằng
truyền thống nghìn năm được diễn tả bởi Charvaka phủ nhận Thượng đế và giáo
pháp, nhưng tin trong sự tồn tại của thực tại. Tất cả những nhà tư tưởng tâm
linh khác phê phán quan điểm ấy, nhưng vẫn xem ông như một hiền nhân (rishi).
Đó là một dấu hiệu rõ ràng của sự tôn trọng. Tôi tin tưởng rằng bảy tỉ người
không thể tất cả đều bình đẳng nghiêm túc về tâm linh. Đối với sự quan tâm cá
nhân, đạo đức luân lý cá nhân hay giá trị nội tại, chúng ta phải gây ấn tượng
sâu sắc với họ - đó là vì lợi ích của chính họ. Từ ái, bi mẫn, và tha thứ có
nghĩa là được thực tập bởi cả những người có tín ngưỡng và không tín ngưỡng. Một
người cần duy trì sự trung thực, duy trì sự trung thực là một bộ phận tâm linh.
HỎI: Thân thể là độc lập, tâm thức cũng vậy. Khi
thân thể tàn hoại, tâm thức cũng bị tàn hoại cùng với thân thể chứ? Nếu không,
thì nó đi đâu?
ĐÁP: Quá khứ
hàng nghìn năm qua, nhiều nghiên cứu đã được tiến hành trên chủ đề ấy, và nhiều
câu trả lời đã được đưa ra. Bây giờ, đối
với những ai tin tưởng Thượng đế là đấng tạo hóa, thì họ tin rằng tâm linh duy
trì sau khi chết cho sự phán xét cuối cùng (cho dù người ấy xuống địa ngục hay
lên thiên đàng). Tôn giáo Ấn Độ - kể cả phái Số Luận – là một hệ thống tư tưởng
tin rằng Brahma là đấng tạo hóa. Họ cũng tin tái sanh và nghiệp. Tín đồ Phật
giáo và Kỳ na giáo không tin trong đấng
tạo hóa, bắt đầu hay kết thúc.
Hầu hết mọi tôn giáo ngoại trừ Phật giáo tin vào “bản
ngã” (atma), vốn giống như linh thức (ghost) tồn tại ngay cả sau khi chức năng
thân thể và tâm thức chấm dứt tồn tại. Phật giáo tin rằng trong một phức hợp của
thân thể và tâm thức, và nhiều cấp độ khác nhau của mỗi thứ. Sau khi chết, ngay
khi trái tim ngừng đập, trong một thời điểm ngắn não bộ ngừng hoạt động, nhưng
một cấp độ của thân thể và cấp độ khác của tâm thức không ngừng hoạt động.
Trình độ sâu xa nhất của tâm thức tồn tại ngay cả sau chết. Tôi biết một vài trường hợp, thân thể vẫn
tươi nhuận nhiều tuần sau khi chết. Các nhà khoa học hiện đại không có câu trả
lời nào cho điều này. Sau ba mươi năm thảo
luận với những nhà khoa học, một số trong họ cho thấy sự thích thú trong chủ đề
này và đang thí nghiệm. Sự giải thích của Phật giáo về trình độ sâu xa nhất của
tâm thức và sự giải thích của Ấn giáo của bản ngã là rất giống nhau.
HỎI: Ngài đã đề cập một cách
trung thực. Mọi người cho rằng trung thực, nhưng có sự định nghĩa riêng của họ.
Theo ngài thì ngày nay định nghĩa về trung thực là gì?
ĐÁP: Tâm thức con người rất phức tạp. Vì thế nó
đưa ra nhưng sự diễn giải khác nhau về luân lý đạo đức. Người ta có xu hướng
trung thực hơn khi đối diện với mèo và chó, vì nếu họ biểu lộ chân thành thật
thà, rồi thì cảm nhận tình cảm được trao đổi lẫn nhau. Giàu sang hay nghèo khó,
học vấn hay không, mọi người đều cần trung thực.
Triết lý Ấn Độ về tâm thức, theo Pali hay truyền thống Na
Lan Đà là rất phong phú. Nếu một người là chân thật và trong sáng trong ý định
của họ và tôn trọng người khác, thế thì sẽ không có chỗ trong tâm cho những tư
tưởng như gian lận và lừa dối. Cội nguồn của chân thật là từ ái và bi mẫn. Một
cấp độ của từ ái là sinh học, như tình yêu của bà mẹ, vốn là định kiến. Nhưng từ
ái và bi mẫn nên được chia sẻ trong tất cả mọi người, ngay cả với kẻ thù của
ta. Bất cứ hành động nào mang đến sự tin tưởng là trung thực.
HỎI: Có phải thái độ của con người là chúng ta
không mãn nguyện với những gì chúng ta đã thành đạt trong đời sống. Điều này
đưa đến việc xâm phạm đến những quyền của người khác và tạo nên sự bất hòa
trong xã hội. Theo ngài thì chúng ta nên làm gì để duy trì sự toại nguyện và
mang đến hòa bình và hòa hiệp trong xã hội?
ĐÁP: Câu trả lời
của tôi cho câu hỏi này là đạo đức thế tục. Giá trị vật chất có giới hạn, như một
con người chỉ tham khát cho tự thân về nó, nhưng chỉ chạm trán với sự không thỏa
mãn. Có một câu chuyện về một vị vua muốn thêm nữa. Nhưng mọi thứ liên hệ đến
tâm thức, như kiến thức, không có giới hạn. Sau khi kinh tế toàn cầu sụp đổ, một
người bạn kinh tế gia đã nói với tôi rằng không ai muốn bất cứ khủng hoảng nào,
nhưng khủng hoảng cuối cùng là sự tự tạo của chúng. Lý do, ông nói là sự tham
lam – loại tham lam đã làm người ta mù quáng. Tất cả là sự đầu cơ đã tạo ra những
hoàn cảnh như vậy, không có ý nghĩa của thực tế. Cho nên toại nguyện đến từ một
sự tiếp cận thực tiển. Nếu người ta nghĩ rằng đã có đủ mọi thứ, thế thì thái độ
tinh thần của người ấy sẽ cho người ấy một tâm thức tĩnh lặng.
Tôi đã đùa với các người bạn thương gia của tôi rằng họ
là những nô lệ của tiền bạc. Ở Moscow, Nga, một thương gia đã nói với tôi rằng
ông muốn đến Los Angeles, USA, và trở lại Moscow trong chính ngày ấy – và tôi
đã nghĩ, du hành quá nhiều, chỉ vì lợi nhuận? Lợi nhuận không lợi lạc về tinh
thần hay vật chất cho con người. Nhưng ở trình độ quốc gia, những ưu tiên thay
đổi. Có nhiều người nghèo ở Ấn Độ. Ngay cả những bệnh tật như chứng bại liệt được
diệt trừ tận gốc rể (như tôi thấy trên đài BBC) nhưng những tiện nghi y tế vẫn
nghèo nàn. Ấn Độ vẫn cần phát triển. Tôi đã dự một buổi hội họp nơi tôi đã nhận
ra rằng có rất ít người nghĩ về tương lai. Họ nên ngưỡng mộ những lãnh tụ vĩ đại
của Ấn Độ như Nehru và Gandhi những người đã bắt đầu với xu hướng bất bạo động
cho sự tốt đẹp của mọi người.
HỎI: Ở Bhutan, người ta có một thống kê – tổng hạnh
phúc quốc gia – đó là thống kê của sức khỏe và kinh tế của dân số. Ngài có muốn
đề nghị nó đến những nhà chính trị đang ngồi kế bên ngài để thực hiện việc này
như một thống kê cho Ấn Độ không?
ĐÁP: Thật rất
dễ dàng đề nghị việc này, nhưng cho một sự phát triển thật sự thì nhiều việc cần
đến, một cách chính yếu trong lãnh vực của giáo dục. Năm nay, Đại học New Delhi
đang nghiên cứu vì vậy họ có thể làm đạo đức thế tục thành một bộ phận của hệ
thống giáo dục. Nền giáo dục hiện đại thiếu điều gì đó định hình não bộ chúng
ta, vì thế nó cần trải qua những thay đổi nào đó. Cùng với giáo dục, thì kinh tế
cũng là một vấn đề quan trọng. Khoảng cách giữa giàu và nghèo là rất lớn đó là
sai lầm một cách đạo đức.
Ở Dharamsala, gần một công trình xây dựng, tôi đã nói với
một công nhân đến từ Chandigarh – một phụ nữ với con cái. Bà nói với tôi rằng
không ai muốn rời xóm làng của họ nhưng họ cần việc làm. Sự chuyển hóa thật sự
nên xảy ra trong những vùng làng quê xa xôi để giảm thiểu khoảng cách giữa giàu
và nghèo.
Ẩn Tâm Lộ, Friday, April 6, 2018
Trích từ bài Healthy Body, Healthy Mind
của quyển The Big Book of Happiness
Bài liên hệ
Đức Dalai Lama nói về Phật giáo ứng dụng (1)
Đức Dalai Lama nói về Phật giáo ứng dụng (2)
Đức Dalai Lama nói về Phật giáo ứng dụng (3)
Đức Dalai Lama nói về Phật giáo ứng dụng (4)
Đức Dalai Lama nói về Phật giáo ứng dụng (5)
Đức Dalai Lama nói về Phật giáo ứng dụng (6)
Đức Dalai Lama nói về Phật giáo ứng dụng (7)
Đức Dalai Lama nói về Phật giáo ứng dụng (8)
Đức Dalai Lama nói về Phật giáo ứng dụng (9)
Đức Dalai Lama nói về Phật giáo ứng dụng (10)
Đức Đạt Lai Lạt Ma Nói Về Phật Giáo Ứng Dụng (11)
Đức Đạt Lai Lạt Ma Nói Về Phật Giáo Ứng Dụng (12)
Đức Dalai Lama nói về Phật giáo ứng dụng (2)
Đức Dalai Lama nói về Phật giáo ứng dụng (3)
Đức Dalai Lama nói về Phật giáo ứng dụng (4)
Đức Dalai Lama nói về Phật giáo ứng dụng (5)
Đức Dalai Lama nói về Phật giáo ứng dụng (6)
Đức Dalai Lama nói về Phật giáo ứng dụng (7)
Đức Dalai Lama nói về Phật giáo ứng dụng (8)
Đức Dalai Lama nói về Phật giáo ứng dụng (9)
Đức Dalai Lama nói về Phật giáo ứng dụng (10)
Đức Đạt Lai Lạt Ma Nói Về Phật Giáo Ứng Dụng (11)
Đức Đạt Lai Lạt Ma Nói Về Phật Giáo Ứng Dụng (12)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét