Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

HAI TU SĨ TRÊN BỨC TƯỜNG PHÒNG HỘ



Phòng hành thiền của Đức Đạt Lai Lạt Ma được tắm trong ánh nắng dịu dàng của buổi sáng. Những tủ đựng đồ bằng gỗ chạm trổ tinh vi đứng dọc bên tường, ở giữa chúng tôi có thể thấy nhiều bức tượng bằng đồng và vô số sản phẩm thủ công tôn giáo. Cả kho kinh điển Tây Tạng gói trong những tấm vải vàng và gấm thêu kim tuyến chồng chất đầy những kệ sách được làm theo truyền thống. Trung tâm của phòng được chiếm ưu thế bởi một bàn thờ trang trí công phu. Một bức tượng - cao không quá hai bộ được đặt trong một ngôi điện nho nhỏ bằng gỗ và thủy tinh - thật là một nơi đáng ngưỡng mộ. Không gian trầm lặng tuyệt đẹp, một sự thanh lịch bình dị.

Tenzin Taklth ra dấu cho tôi ngồi gần cửa ra vào trên một tấm thảm Tây Tạng vuông nhỏ. Tôi xếp đặt máy ghi hình trên một giá ba chân. Không nói tiếng nào, Đức Đạt Lai Lạt Ma đi ra phía sau chiếc bàn gỗ. Ngài thả chân ra khỏi đôi dép và ngồi trong tư thế  hoa sen, tựa lưng vào bức tường ván ép. Ngài sửa y áo, nhắm đôi mắt lại, và bắt đầu  hành thiền. Tôi khởi động máy quay phim và nghe tiếng động nhè nhẹ của máy khi nó ghi hình tu sĩ Tây Tạng trong đĩa kỷ thuật số digital.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã từng nói với tôi vài vấn đề về thời khóa buổi sáng của ngài: "Ngay khi thức dậy, hàng ngày đúng 3:30, tôi trì tụng vài mật ngôn hay những lời cầu nguyện. Những tư tưởng đầu tiên của tôi: Đức Phật và những lời dạy của Ngài về từ bi, giáo huấn duyên khởi. Đó là những gì tôi luôn luôn làm - suốt ngày còn lại được hướng dẫn phù hợp với hai điều này: lòng vị tha và duyên khởi. Sau đó là lễ phủ phục. Tôi nghĩ tất cả việc lễ phủ phục và tập thể dục, khoảng ba mươi phút. Tôi luôn luôn tắm sau đó. Sau đó khoảng 5 giờ hay đôi khi 4:40 là điểm tâm. Người em trai của tôi luôn luôn đùa với tôi rằng: mục tiêu thật sự của việc thức dậy sớm là để điểm tâm. Thông thường, như một tu sĩ Phật Giáo, không ăn chiều."

Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma an trú trong việc hành thiền, đôi mắt của tôi điều chỉnh cho thích hợp với ánh sáng dịu xuống. Ngay thẳng từ tôi qua căn phòng là một bức tranh tường được lồng trong một chiếc tủ gỗ và kính. Nó cho thấy một hình tượng Đức Phật vận y màu hoàng thổ giản dị; phía sau là những dãy núi xanh rì và những dòng suối uốn khúc. Đầu của Đức Phật y theo những tỉ lệ truyền thống, với đôi tai dài và nhục kế biểu thị sự Giác Ngộ. Ngài có một cái nhìn vô định - giữa mĩm cười và ung dung. Toàn bộ khuôn mặt Ngài - gò má mũm mĩm, cằm nhỏ, khóe mắt - hàm súc sự hoan hỉ chớm nở.

Việc hành thiền của Đức Đạt Lai Lạt Ma rõ ràng đi vào một thể trạng nội tại sâu xa nào đó rất nhanh. Không điều gì hiện hữu bên ngoài ngài - không chiếc phòng, không Tenzin và tôi chỉ ngồi cách vài bộ. Kiểu mẫu hành thiền của ngài thì khác với một thiền sư. Giống như nhiều lạt ma Tây Tạng, ngài không ngồi im như đá tảng và cứng nhắc. Luôn luôn có những chuyển động nhẹ. Ngài xoay bên này bên nọ; ngài dừng lại đứng yên hoàn toàn trong một lúc; sau đó là một mật ngôn ngắn thì thầm qua hơi thở ngài, một cánh tay đưa ra phía sau cổ để gãi một vết ngứa. Nếu tôi chưa từng xem ngài an trú trong thiền sâu lắng trước đây, thì tôi thề sẽ cho rằng ngài đang trạo cử bồn chồn.

Đột nhiên, đôi mắt của  ngài quay trở lại trong hố mắt và mi mắt mở hé rung rinh một cách vô tình. Chuyển động riêng biệt đang quấy rầy.

Bàn làm việc của Đức Đạt Lai Lạt Ma thì lộn xộn. Những kinh điển của ngài - hàng đống sách vở chưa được đóng lại, một lục bình thủy tinh chưng hoa, một đèn bàn đưa lên đưa xuống, và một tượng Phật nhỏ bằng đồng. Cũng có một con dao quân đội Thụy Sĩ cao cấp, chen chúc nhau với nhiều công dụng, kế bên là một đồng hồ bàn với một bức tượng nhỏ trên đỉnh. Bên trái của ngài là một tủ gỗ cao đến đầu gối phủ một tấm giấy đỏ phía trên. Một tủ tương tợ khác, đặt phía bên phải trong phần lõm nhỏ của vách tường. Chồng chất trên ấy là sách, kinh điển Tây Tạng, ba bình đựng đầy bút mực và bút đánh dấu và một lọ thuốc bổ. Cao chót vót bên trên còn lại là một bó hoa lụa vàng đỏ sum suê - hầu hết là hoa huệ và hoa hồng - ngập tràn từ một chậu hoa bằng đá phiến xám. Chúng trông như thật một cách lạ kỳ, với những giọt sương trên cánh hoa. Một dụng cụ điều khiển  TV để bên cạnh.

Phòng hành thiền là chỗ riêng của Đức Đạt Lai Lạt Ma, một nơi để quán chiếu cũng như làm việc. Đó là một nơi mà ngài có thể thật sự một mình - ngài bàn bạc và chào đón khách viếng trong tòa nhà hội kiến gần cửa ra vào của khu cư trú. Chính nơi này, trong phòng này mà ngài huy động những nguồn lực nội tại - qua thiền tập, qua đọc tụng lại những lời của các bậc thầy Tây Tạng từ xưa - để đạt tới tuệ giác cần thiết để hướng dẫn chính ngài và dân tộc ngài qua những thời gian khó khăn.

Đức Đạt Lai Lạt Ma lấy kính ra khi ngài hành thiền, và đó là vấn đề khi tôi lần đầu tiên nhận thức tuổi tác của ngài một cách chính xác như thế nào. Tôi có thể thấy không gian sâu thẩm phía sau đôi mắt ngài, nếp nhăn chạy thẳng từ xương gò má đến cằm ngài. Vị lãnh tụ Tây Tạng lúc đó khoảng giữa tuổi sáu mươi.

Tôi cảm thấy an lạc khi nhìn vào khuôn mặt Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nó quá tương phản với tôi. Khuôn mặt ngài đầy những nếp nhăn, mỗi đường kể lên một câu chuyện gian khó, đau khổ, hay sung sướng. Mặc dù tôi chỉ trẻ hơn ngài mười tuổi, nhưng bộ mặt tôi tương đối nhẵn trơn, những nếp nhăn mới bắt đầu ló dạng. Khuôn mặt tôi thường là nguồn gốc làm tôi bực tức lắm. Không phải bởi vì nó xấu xí hay chướng mắt, nhưng bởi vì nó dường như luôn luôn ngủ. Nó không là một bộ mặt làm người ta có thể gọi là sống động.

Tôi lớn lên trong một gia đình Trung Hoa truyền thống. Biểu lộ công khai cảm xúc không được khuyến khích. Có những thời khắc bất thường khi tôi cho thấy một niềm vui thật sự - khi tôi nhận bao lì xì đỏ từ người chú thứ 9 của tôi nhân năm mới. Tôi đã cười nhăn cả khuôn mặt ra. Và tôi cũng có thể biểu lộ một cơn giận cực độ khi người em gái tôi liệng quyển truyện chưởng ưa thích của tôi ra cửa sổ. Nhưng thường thường tôi nuôi dưỡng một khuôn mặt trung tính. Tôi thường tự ý thức, và sự bảo vệ của tôi được liên tục. Có lẻ đó là tại sao tôi là một người chơi bài xì cừ khôi ở trường đại học cộng đồng (college).

Giữ bộ mặt trung tính phớt tỉnh thích hợp cho tôi đủ để sống hầu như cả đời tôi. Nhưng trong những năm gần đây, tôi khám phá ra rằng tôi đã phải trả giá cho việc đó. Qua năm tháng, năng lực trải nghiệm cảm xúc của tôi trở nên yếu kém. Điều này đáng chú ý hơn cả khi mẹ tôi mất. Tôi thấy rằng tôi phải tập trung một cách có ý thức những cảm giác đau buồn trong tang lễ của mẹ tôi. Tôi đã trở thành một người Á châu tinh túy khó hiểu thấu được.

Tuy nhiên, Đức Đạt Lai Lạt Ma biểu hiện cả tâm hồn ngài trên mặt. Nhiều người đã chú ý điều này về ngài, kể cả Paul Ekman, một giáo sư tâm lý học và chuyên gia thế giới về những biểu lộ trên mặt.
Image result for Paul Ekman
Paul Ekman
Ekman là một người thành thạo về khuôn mặt con người. Ông đã nghiên cứu nó trong chi tiết tỉ mỉ trong bốn thập niên. Trong nghiên cứu của ông, Ekman đã chia thành những loại cơ mặt và nghiên cứu vấn đề chúng co rút và kéo giật như thế nào để sinh ra khoảng bảy nghìn (7,000) biểu lộ khác nhau. Ông đã liên hệ đầy đủ ý nghĩa nhất những thứ này đến những gì chúng biểu thị một cách cảm xúc. Trong tiến trình, ông đã trở thành một điều tra viên về nói dối xuất sắc. Tiếp theo sau vụ đánh bom 11 tháng Chín năm 2001, cơ quan CIA-FBI chống khủng bố đã mướn Ekman như một cố vấn cho vấn đề điều tra nói dối như thế nào khi hỏi cung những nghi can. Một trong những thứ mà ông đã dạy cho những nhân viên để tìm kiếm là những biểu lộ rất vi tế - một chuyển động nhẹ của một cơ chân mày bên trong gọi là "frontalis pas medialis" - cơ trán, thí dụ thế, là một biểu hiện của sự buồn bả.

Ekman đã gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma lần đầu tiên trong tháng Ba năm 2000 ở Dharamsala, tại một hội nghị Tâm Thức và Đời Sống lần thứ Tám giữa những Phật tử và các nhà khoa học phương Tây. Chủ đề của hội nghị là Những Cảm Xúc Tàn Phá. Trong quá trình diễn biến của năm ngày chuyên sâu, các nhà tâm lý học có vô số cơ hội để quán sát vị lãnh tụ Tây Tạng. Ekman lấy làm lạ rằng từ khi nghiên cứu về những khuôn mặt đến giờ, ông chưa từng thấy một người nào như Đức Đạt Lai Lạt Ma. Những cơ mặt của ngài đầy sức sống và nhu nhuyến, chúng giống như thuộc về một người nào đó khoảng độ tuổi đôi mươi.

Tại sao có sự trái ngược nhau phi thường này? Ekman nghĩ là ông biết câu trả lời này: Đức Đạt Lai Lạt Ma sử dụng những cơ mặt mạnh mẽ hơn bất cứ người nào khác mà ông từng biết. Và có sự chính xác trong cách Đức Đạt Lai Lạt Ma biểu lộ, hiếm khi có bất cứ dấu hiệu lẫn lộn nào. Khi ngài vui vẻ, ngài vui vẻ một trăm phần trăm. Không tình cảm nào khác chen lẫn vào để pha trộn cảm giác.

Ekman ấn tượng với khuôn mặt của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong một lý do khác. Với ngoại lệ có thể của những đứa trẻ nào đó, thì khuôn mặt của vị lãnh tụ Tây Tạng là ngây thơ chân thật nhất mà Ekman bắt gặp trong tất cả những thập niên nghiên cứu của ông. Và giống như những đứa trẻ này, Đức Đạt Lai Lạt Ma hoàn toàn thoải mái với sự biểu lộ cảm xúc của ngài. Ngài không hổ thẹn với những cảm giác của ngài, ngài thấy không có lý do gì để tự ý thức hay e thẹn về chúng. Trong thời gian hội nghị, một quan sát viên từ California đã nói với Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng một trẻ em ở Dharamsala đã chết sau khi bị một con chó dại tấn công. Mọi người hiện diện thấy rõ ràng cảm giác đau buồn sâu sắc trên khuôn mặt của người Tây Tạng này. Điều này là một liên hệ với Ekman. Ông không nghi ngờ gì rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma cảm thấy mất mát thấm thiết giống như đứa con riêng của  ngài đã bị liên hệ. Nhưng Ekman cũng ngạc nhiên vì sự biểu lộ buồn thảm này chỉ hiện diện trong một thời gian ngắn. Trong một vài thời khắc, tất cả dư âm của buồn thảm đã biến mất. Tương tự thế, Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ cười mà không kềm chế vào điều gì đó buồn cười và rồi, trong một vài giây, biểu lộ sự tập trung nghiêm túc nhất. Ngài không quá dính mắc với mọi thứ - kể cả những cảm xúc của chính ngài.

***
Xem Đức Đạt Lai Lạt Ma hành thiền, tôi xoay sở để ngồi gần đúng một cách thô thiển trong tư thế hoa sen, nhưng chỉ năm phút trước khi cơn đau quá độ, tôi đã thay đổi để ngồi kiểu quỳ gối và bắt đầu nghịch vớ vẩn với máy quay hình, đầu tiên xoay dọc theo một bức tường, nhắm vào những cuốn thư thangka Tây Tạng cổ điển và những bức tượng xinh xắn, sau đó quay trở lại Đức Đạt Lai Lạt Ma. Không có cách nào để tôi có thể ngồi tĩnh lặng như ngài. Sự bình lặng thăm thẳm của căn phòng không giúp gì cho tôi. Mặc cho những làn sóng hành thiền an lạc đầy năng lực không nghi ngờ gì tỏa ra từ Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhưng tất cả tôi có thể nghĩ đến là sợi gân nóng bừng nối kết bắp vế phải đến mông phải của tôi.

Rồi điều gì đó chạm vào mắt tôi. Ở phía kia của gian phòng, phân nửa bị che giữa vài vật bằng đồng nhỏ và một chậu hoa tươi, là một bức hình trong một khuôn kính nhỏ màu xanh lục. Hình như đó là tấm ảnh duy nhất trong phòng, giữa những tranh thangka, những vật trang trí nghệ thuật, và những kinh điển cổ xưa.

Và không chỉ thế - đó là hình của tôi. Hay, đúng hơn, đó là tấm hình của tôi cho đến khi tôi tặng nó cho Đức Đạt Lai Lạt Ma trong lần phỏng vấn vài tháng trước đây. Tôi đã chụp tấm ảnh ấy khi tôi ở Tây Tạng năm 1985. Nó cho thấy hai vị tu sĩ trong y áo đỏ thẩm dựa nửa người vào một bức tường phòng hộ trên nóc một tu viện, chú ý mải  mê vào một chuyện gì đó xảy ra bên dưới. Bức ảnh được chụp từ  phía sau, cho nên chỉ thấy được phía sau lưng của họ. Họ đang chồm quá xa phía trước của bức tường phòng hộ cho nên dường như họ có thể ngả nhào xuống bất cứ lúc nào. Trước họ là một dãy đồi thấp.
Tu viên Reting
Đó là một bức hình tuyệt đẹp: màu đỏ tráng lệ lộng lẩy của y phục là rất sống động đến như bạn có thể chạm và ngửi áo quần len dạ. Rồi là ánh trăng lốm đốm màu nâu của cao nguyên Tây Tạng, những ngọn đồi tròn được phủ nhẹ bởi một làn tuyết nhuộm xanh tươi, làm tất cả những góc khuất và đường nứt kẻ  trên non xanh thành một sự thư giản sắc nét. Bên phía trái của bức ảnh là một lùm cây cao xanh đen, những cây cối thiêng liêng rất nổi tiếng của Tu Viện Reting[1].

Trong hàng nghìn bức ảnh âm bản mà tôi đã chụp những năm tám mươi, khi tôi tìm ra và ghi lại những địa điểm thiêng liêng của Tây Tạng, thì bức ảnh ấy là tôi thích nhất. Tôi không biết chắc tại sao như vậy. Có nhiều tấm hình có thể có sự điều hợp màu sắc sinh động hơn trong một sự quán sát ngẫu nhiên nào đó. Và có ít tấm có thể là những ứng cử viên tốt hơn cho tạp chí National Geographic phổ biến về Tây Tạng. Nhưng trong gần hai thập niên, tấm hình ấy là một tấm mà tôi đã giữ bên cạnh tôi. Có lẻ đó là cách mà hai tu sĩ quấn y thật quá vô tình đối với bức tường phòng hộ. Tính tự động vô tư như trẻ con của người Tây Tạng thì quá khác biệt so với cung cách mà tôi liên hệ với con người và sự vật.

Khi tôi tặng khung hình này cho Đức Đạt Lai Lạt Ma, ngài không quá ấn tượng. Ngài nhìn lướt qua tấm hình, sau đó đưa cho Tenzin Takltha. Ngài nhận rất nhiều tặng phẩm, và ngài hầu như luôn luôn đưa chúng cho thị giả của ngài cất giữ cẩn thận. Ngài biết ơn cử chỉ ấy, nhưng đơn giản là ngài không quá tập trung vào các tặng phẩm ấy, dù đẹp hay không.

Rồi thì, sau một suy nghĩ, Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi tôi, "Nơi này là gì?"

"Đó là Tu Viện Reting, thưa Đức Thánh Thiện," tôi trả lời.

"Reting!" ngài nói. "Tôi đã đến đó năm 1956."

Ngài lấy lại tấm hình làm Tenzin giật mình và nhìn chăm chú sát vào nó.

"Reting. Tôi nhớ nó rõ ràng lắm. Tôi cảm thấy có một sự gần gũi với tu viện này."

"Trong nhiều tấm hình mà tôi đã chụp ở Tây Tạng, thì đây là tấm hình mà tôi luôn giữ bên cạnh tôi," tôi nói.

"À, cả hai chúng ta đều có một cảm giác đặc biệt với Reting," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói. "Tôi rất xúc động khi tôi ở đấy. Vì vài lý do không rõ, tôi cảm thấy rất liên hệ nơi này. Từ lúc ấy, tôi thường nghĩ đến việc làm một liêu cốc ở Reting và dành trọn thời gian còn lại của tôi ở đấy."

Tôi nghĩ vào lúc ấy rằng tấm ảnh sẽ được giữ trong một kho lớn trong nơi cư trú, tranh giành một không gian với tất cả những tặng phẩm tuyệt vời và trọng yếu mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhận trong nhiều năm. Cho nên tôi đã sửng sốt khi thấy bức ảnh của tôi ở đây.

Tenzin chú ý tôi đang chăm chú vào tấm ảnh. Ông cho tôi một nụ cười toe toét. Đôi bàn tay ông trên vạt áo, nhưng tôi thấy một ngón tay cái đưa lên.

Vâng, tôi xúc động và hơi tự hào vì tấm hình của tôi đã ở trong thiền phòng, rất gần với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tôi muốn tin rằng ngài giữ nó ở đấy bởi vì ngài có một sự ưu ái đối với tôi. Nhưng tôi biết, khả năng không phải như vậy, nó ở đó bởi vì Tu Viện Reting đã có một vị trí đặc biệt trong trái tim ngài.

Bên ngoài bây giờ sáng hơn, chim bắt đầu hót. Tôi có thể thấy một làn sương mỏng phía dưới Thung Lũng Kangra.

"Đủ chưa?" Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi tôi, buổi hành thiền sáng sớm của ngài rõ ràng chấm dứt bây giờ.

"Vâng, cảm ơn, thưa Đức Thánh Thiện," tôi trả lời. Tôi có thể nói gì khác hơn chứ? Tôi muốn dành trọn ngày với ngài?

Ngài đứng dậy từ phía sau bàn của ngài. Tenzin và tôi trườn mình để đứng dậy.

Đức Đạt Lai Lạt Ma bước tới bức tường và bắt đầu lục lọi trong những vật bằng đồng nhỏ và những đèn bơ bày trên cánh bàn cao lên. Rồi thì ngài nhìn qua vai ngài và nói với tôi, "Đến đây."

Ngài đưa tôi một mô hình tu viện nhỏ kiểu Ấn Độ. Được làm bằng đá xám, nó cao khoảng một tấc. Nó được chạm tỉ mỉ là năm tháp kể cả tháp trung tâm trên đỉnh một cấu trúc hai tầng, bốn tháp nhỏ hơn bố trí ở bốn góc. Người thợ chạm đã khắc rất cẩn thận những cửa sổ, cửa ra vào nhỏ xíu và những chi tiết khác trong mỗi tầng. Đối với một vật nhỏ như vậy, nhưng nặng một cách đáng ngạc nhiên.

"Ngôi chùa ở Bồ Đề Đạo Tràng. Tặng Ông." ngài nói. Bồ Đề Đạo Tràng nơi Đức Phật Giác Ngộ - là Phật tích, nơi hành hương tuyệt diệu nhất của Phật tử.

Sau đó Đức Đạt Lai Lạt Ma trao cho tôi một vật thứ hai - một viên đá có hình bán cầu, cở một viên cẩm thạch lớn cẩn đồng. Viên đá có vài cấp độ của màu nâu, và những chỉ trắng chạy qua trung tâm của nó. Tôi không biết nó là đá gì. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã không giải thích.

Tôi ngạc nhiên với những tặng phẩm. Ngoại trừ tấm khăn khata bắt buộc - tấm khăn choàng truyền thống dâng cúng - tôi chưa nhận một tặng phẩm nào từ ngài. Vì hai thứ này từ thiền phòng của Đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi cho rằng chúng phải giữ một ý nghĩa quan trọng đối với ngài.

Đức Đạt Lai Lạt Ma nắm tay tôi một cách nhẹ nhàng trong tay ngài và đưa tôi ra cửa. Sau đó ngài đột ngột quay sang một tủ gỗ chứa nhiều đồ vật bằng đồng và những thứ tuyệt đẹp khác. Ngài moi móc chung quanh bên trong, tìm một thứ gì đấy.

"Aha!" Gương mặt ngài trông rạng rở, ngài cầm ra một bức tượng nhỏ, một hình tượng màu bằng gỗ quỷnh của một cụ già với bộ râu rìa dài đến thắt lưng. Nó có một khuôn mặt rộng - rõ ràng là những hình tượng Á châu với một lỗ mũi to và chân mày rậm. Trong tay phải là một cây gậy. Một tác phẩm về một hiền nhân Trung Hoa.

"Tặng ông. Gặp lại ông sớm nhé," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói.

***

Trở về khách sạn, tôi ngâm nga vài đoạn của đĩa nhạc "A Whiter Shade of Pale[2]" khi tôi trở lại công việc thường ngày của tôi. Cửa phòng tôi mở, và tôi có thể thấy một phụ nữ Tây Tạng phơi áo quần trên nóc nhà phía dưới khách sạn. Bà ta cũng ngâm nga một giai điệu, mặc dù bà ta ở khá xa để tôi nhận ra. Tôi lấy dụng cụ video của tôi ra để xem chiều dài của phim sáng nay. Tôi khởi động máy quay và trả cuộn băng về lúc đầu. Những hình ảnh đầu tiên trên màn hình LCD là hình Đức Đạt Lai Lạt Ma đang ngồi sau bàn làm việc trong thiền phòng của ngài. Ngài đang chuẩn bị để ngồi thiền. Ánh sáng thích hợp và âm thanh tốt. Đột nhiên, những làn ngang nhảy lên màn hình. Thay vì bức tranh tường, thì không có gì mà chỉ là những vạch ngang trong suốt trong những sắc thái khác nhau của màu xám. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã biến mất hoàn toàn khỏi màn hình.

Tôi đấm mạnh vào nút chạy tới nhanh. Những đường sọc nhảy múa lên xuống. Tôi dừng cuộn băng lại và rồi nhấn chạy. Những đường sọc. Không có gì cả chỉ những đường sọc nhảy múa. Tôi trả băng lại từ đầu và chạy lại những hình ảnh đầu tiên. Màu sắc tối âm u bởi vì ánh sáng thấp, nhưng hình ảnh của Đức Đạt Lai Lạt Ma sắp ngồi trong tư thế hoa sen thì sắc  nét. Hình ảnh ngồi thiền tiếp theo thì bị xóa sạch. Tôi trả cuộn băng lại và chạy cuộn băng tới lui cho đến khi pin bắt đầu yếu dần.

Ẩn Tâm Lộ, Wednesday, November 04, 2015



[1] Được thành lập bởi đại đệ tử của Atisha là  Dromtönpa năm 1057 trong Reting Tsampo Valley, phía bắc của thủ đô Lhasa.
[2] "A Whiter Shade of Pale" là dĩa đơn đầu tiên của ban nhạc Rock người Anh Procol Harum, được phát hành 12 tháng 5 1967. Nhạc do Gary BrookerMatthew Fisher viết, lời là của Keith Reid.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét