Nguyên bản: Patience
Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma
Anh dịch: The Padmakara Translation Group
Việt dịch: Quảng Cơ
Hiệu đính: Tuệ Uyển, 2023
***
Chương này đối diện với sự nhẫn nhục, cùng với thiền định, chủ đề của chương
tám, cấu thành những khía cạnh then chốt của việc rèn luyện trong tâm bồ đề.
Những hướng dẫn chứa đựng trong hai chương này là những hổ trợ rất mạnh mẽ cho
sự thực hành.
1.
Tất cả những việc làm được thu hoạch trong một nghìn kiếp
Chẳng hạn như những hành vi bố thí,
Và những cúng dường đến những Đức Phật-
Một thoáng đơn thuần của sân hận làm tiêu tan chúng.
2
Không có sự xấu ác nào ở đó tương tự như sân hận,
Không có sự khổ hạnh nào so sánh với nhẫn nhục.
Do thế hãy ngâm mình trong nhẫn nhục,
Trong những cách đa dạng, khăng khăng như thế.
Như một năng lực tàn phá không có gì mạnh mẽ như sân hận. Một thoáng của sân hận
có thể phá huỷ tất cả những hành vi tích cực được tích luỹ hàng trăm nghìn kiếp
qua sự thực hành bố thí, cúng dường đến chư Phật, trì giới, và v.v... Thực tế,
không có lỗi lầm nào nghiêm trọng như sân hận.
Trái lại, nhẫn nhục như một nguyên tắc vô hiệu hoá và ngăn ngừa chúng ta khỏi
thất bại với sân hận, là vô địch. Qua nó, thì khổ đau mà chúng ta phải chịu đựng
từ sức nóng của các cảm xúc tiêu cực được giảm bớt. Do thế, điều quan trọng nhất
là chúng ta quyết chí thực hành nhẫn nhục, đạt được qua việc quán chiếu về những
thuận lợi của nó và trên những ảnh hưởng kinh khiếp của sân hận.
Ở đây, thuật ngữ những hành vi tích cực liên
hệ đến bố thí, cúng dường chư Phật và chư Bồ tát, và trì giới, như được giải
thích trong Nhập Trung Luận. Nó không liên hệ đến công đức đạt được qua thực chứng
tánh không. Sân hận không thể bị phá huỷ bởi loại công đức này. Sân hận của một
trạng thái tâm thức thấp cũng không thể tàn phá những hành vi tích cực được
tích luỹ với một trạng thái thượng thừa của tâm thức.[1]
Tóm lại, có hai loại công đức mà sân hận không thể hủy hoại: công đức của việc
thực chứng tánh không và công đức của những phẩm chất tâmlinh có từ việc hành
thiền. Ngoài những điều này, những ảnh hưởng tốt đẹp của tất cả các hành vi
tích cực thông thường có thể bị tàn phá bởi sân hận. Tuy nhiên, việc này tùy
thuộc vào cường độ của sân hận, trên tầm sâu rộng của những hành vi tích cực,
và trên con người mà sự sân hận của chúng ta hướng đến. Trong cách này, một
hành vi tích cực có thể bị làm cho yếu kém hay bị tiêu tan hoàn toàn.
Các hành vi tích cực thì khó khăn để thực hiện, và do thế không thường xảy ra.
Thật khó để có những tư tưởng tích cực khi tâm thức chúng ta bị tác động bởi những
cảm xúc và rối rắm bởi những điều kiện đối nghịch. Những tư tưởng tiêu cực tự
sanh khởi, và thật khó khăn để thực hiện các hành vi của chúng ta một cách thật
sự tích cực khi mục tiêu của chúng ta và cung cách của chúng ta thực hiện thì
không trong sáng một cách hoàn thiện. Tư lương ít ỏi khó có được được đưa ra bất
lực trong một sự sân hận tức thời. Sự tổn thất là vô vàn nghiêm trọng hơn nếu
chúng ta đánh mất điều gì đó dễ dàng hơn có được.
3.
Những ai bị dày vò bởi nổi đau của sân hận,
Không bao giờ biết sự tĩnh lặng của tâm thức-
Họ sẽ là những người xa lạ đối với mọi niềm hỉ lạc;
Họ cũng sẽ không an giấc hay cảm thấy an toàn.
Khi người ta nổi sân thì họ đánh mất tất cả mọi cảm giác hạnh phúc. Ngay cả nếu
họ tướng đẹp và thông thường điềm tĩnh, thì gương mặt của họ biến sang tái mét
và xấu xí. Sân hận làm rối loạn sự cát tường của thân thể họ và quấy rầy mọi thứ
còn lại; nó tàn phá khẩu vị của họ và làm cho họ già đi sớm. Hạnh phúc, bình
an, và ngủ nghỉ lẫn tránh họ, họ không còn biết ơn những người đã giúp đỡ họ và xứng
đáng với sự tin tưởng và lòng biết ơn của họ. Dưới ảnh hưởng của cơn giận, những
người bình thường có tính cách tốt thay đổi hoàn toàn và không còn có thể tin
tưởng được nữa. Họ bị cơn giận của mình hủy hoại và họ cũng hủy hoại người
khác. Nhưng bất cứ người nào dồn hết tâm lực vào việc hủy diệt sân hận sẽ
được hạnh phúc trong đời này và những đời sau.
7.
Có được điều tôi không
muốn,
Và tất cả những gì cản trở ham muốn của tôi -
Trong sự bất mãn, cơn giận của tôi bùng
phát.
Từ đó nó lớn mạnh và hạ gục tôi.
Khi chúng ta nghĩ về một người nào đó đã làm điều sai trái với chúng ta hoặc ai
đó đang làm (hoặc có thể làm) điều gì đó mà chúng ta hoặc bạn bè của chúng ta
không thích - tước đoạt những gì chúng ta muốn - tâm thức của
chúng ta, vừa yên bình chỉ một giây trước,
đột nhiên trở nên hơi bị khuấy động. Trạng thái tâm thức này
thúc đẩy những suy nghĩ tiêu cực. Thật là một người dễ sợ!
chúng ta nghĩ,
và sự không thích của chúng ta biến thành sự thù ghét.
Chính giai đoạn đầu tiên này, cảm giác bất ổn này đã khơi dậy lòng oán thù
của chúng ta, mà chúng ta nên cố gắng loại bỏ. Đó là lý do tại sao Tịch Thiên nói:
8.
Vì vậy, tôi sẽ hoàn
toàn tiêu diệt
Nguồn sống của kẻ thù của tôi,
Kẻ thù của tôi không có mục đích nào
khác
Ngoài việc làm tổn thương và gây hại cho tôi.
Chúng
ta nên cố gắng dùng mọi cách để thoát khỏi cảm giác khó chịu ban đầu này.
9.
Cho nên dù chuyện gì xảy ra, tôi sẽ không làm đảo lộn
Niềm hạnh phúc vui vẻ trong tâm thức của tôi.
Sự thất vọng không bao giờ mang lại
điều tôi muốn;
Đức hạnh của tôi sẽ bị
biến dạng và hoen ố bởi nó.
10.
Nếu có một phương thuốc nào khi khó khăn ập đến,
Có lý do gì để chán nản?
Và nếu không có sự giúp đỡ nào cho nó,
Buồn lothì có ích gì?
Chúng ta phải nỗ lực để duy trì trạng thái tinh thần thoải mái. Bởi vì nếu
chúng ta không thoát khỏi cảm giác bất an này, nó sẽ nuôi dưỡng sự thù
ghét của
chúng ta, làm cho nó lớn lên và cuối cùng hủy hoại chúng ta.
Sự tức giận tồi tệ hơn bất kỳ kẻ thù thông thường nào. Tất nhiên, những kẻ thù
thông thường làm hại chúng ta: đó là lý do tại sao chúng ta gọi chúng là kẻ
thù. Nhưng điều sai trái họ làm với chúng ta là nhằm mục đích giúp đỡ chính họ
hoặc bạn bè của họ chứ không phải chỉ để làm cho chúng ta không vui. Mặt khác,
kẻ thù bên trong, tức giận, không có chức năng nào khác hơn là phá hủy những
hành động tích cực của chúng ta và khiến chúng ta đau khổ. Đó là lý do tại sao
Tịch Thiên nói, "Kẻ thù của tôi không có mục đích nào khác ngoài việc làm
phương hại và
làm tổn thương tôi." Ngay từ khi nó xuất hiện, nó tồn tại với mục đích duy
nhất là làm hại chúng ta. Vì vậy, chúng ta nên đối đầu nó
với tất cả các phương tiện chúng ta có. Chúng ta hãy duy trì trạng thái tinh thần
an tịnh và tránh bực bội.
Những gì làm
chúng ta khó chịu trước hết là mong muốn của chúng ta không được đáp ứng trọn vẹn. Nhưng sự buồn bã còn lại không giúp gì được để
thực hiện những mong muốn đó. Vì vậy, chúng ta không thực hiện được mong muốn của
mình cũng như không lấy lại được sự vui vẻ của mình! Trạng thái bối rối này, từ
đó sự tức giận có thể phát triển, là nguy hiểm nhất. Chúng ta nên cố gắng
không bao giờ để cho niềm hạnh phúc của tâm thức mình bị quấy rầy. Cho dù chúng ta đang khổ đau trong hiện tại hay từ quá khứ, thì không có lý do gì để không hạnh phúc. Nếu
chúng ta có thể khắc phục nó, tại sao lại không vui? Và nếu chúng ta không thể,
thì có ích gì khi chán nản về điều đó? Điều đó chỉ làm tăng thêm bất hạnh và
không tốt chút nào.
Trạng thái bối rối ban đầu này, làm nảy sinh sự tức giận, là do những điều
chúng ta không muốn gây ra. Ví dụ, chúng ta không muốn bạn bè hoặc bản thân
mình đau khổ hoặc bị xúc phạm, chỉ trích hoặc bị đối xử khinh bỉ. Khi chúng ta
không thể tránh những điều này, chúng ta trở nên buồn bã. Mặt khác, chúng ta cảm
thấy hài lòng khi chính kẻ thù của mình phải chịu đựng những điều như vậy, và
chúng ta không hài lòng khi mọi việc suôn sẻ với họ.
12.
Nguyên nhân của hạnh phúc là hiếm hoi,
Và có nhiều hạt giống đau khổ!
Nhưng nếu tôi không đau đớn, tôi sẽ không bao giờ khao khát tự do;
Vì vậy, hỡi tâm thức của tôi, đừng dao động
Nói chung, chúng ta phải nỗ lực rất nhiều để có được hạnh phúc, trong khi đau
khổ đến một cách tự nhiên. Thực tế là có một thân thể chắc chắn liên
quan đến đau khổ. Đau khổ thì nhiều và nguyên nhân cũng phong phú.
Một người thông tuệ có thể đạt được hạnh
phúc bằng cách chuyển hóa những nguyên nhân của bất hạnh thành những điều kiện
thuận lợi. Chúng ta có thể sử dụng đau khổ như một phương tiện để tiến bộ. Như
Tịch Thiên nói, "Nếu tôi không có đau đớn, tôi sẽ không
bao giờ khao khát tự do."
Chúng ta
không thích đau khổ là điều tự nhiên. Nhưng nếu chúng ta có thể phát triển ý
chí chịu đựng khó khăn, thì chúng ta sẽ ngày càng khoan dung hơn. Như đã nói
trong luận điển:
14.
Không có gì mà không có khả năng
Thông qua tập quán và sự quen thuộc.
Hãy quan tâm một tí
Tôi sẽ rèn luyện chính mình để chịu đựng những nghịch cảnh lớn!
16.
Nóng và lạnh, gió và mưa,
Ốm đau, tù tội, đánh đập -
Tôi sẽ không bực bội về những điều đó.
Làm như vậy chỉ làm trầm trọng thêm rắc rối của tôi.
Nếu chúng ta thật
kiên nhẫn, thì điều gì đó mà chúng ta thường cho là rất đau đớn rốt cuộc sẽ
không tệ đến thế. Nhưng nếu không có sự kiên nhẫn chịu đựng thì việc nhỏ nhất
cũng trở nên không thể chịu nổi. Rất nhiều phụ thuộc vào thái độ của chúng ta.
17.
Có một số người dũng cảm tăng lên,
Khi nhìn thấy máu của chính mình,
Trong khi một số mất hết sức lực và ngất đi
Khi họ nhìn thấy máu của người khác!
Tương tự như vậy, nếu chúng ta có thể phát triển tính kiên nhẫn chịu đựng, chúng ta
sẽ có thể chịu đựng ngay cả những khó khăn lớn khi chúng ta gặp phải.
Nhẫn nhục có nghĩa là ngay cả khi đối mặt với đau khổ hay tổn hại to lớn, chúng
ta cũng không để nó quấy rầy tâm mình. Tất nhiên, thật khó để coi đau khổ là điều
đáng mong muốn và biến chúng thành những điều kiện thuận lợi. Chúng ta phải
kiên nhẫn khi quyết tâm chiến đấu chống lại những cảm xúc tiêu cực như hận thù,
những kẻ thù tồi tệ nhất. Đương nhiên là bạn sẽ bị thương khi chiến đấu với một
kẻ thù bình thường, vì vậy chiến đấu với kẻ thù thiết yếu, lòng hận thù,
sẽ không phải là không gặp khó khăn. Nhưng nếu chúng ta bỏ qua tất cả những thử
thách như vậy và chiến thắng những cảm xúc tiêu cực, thì chúng ta thật sự
có thể được gọi là anh hùng. Mặt khác, không kiềm chế được sự tức giận và giết
một kẻ thù bình thường thì không có gì can đảm hơn là đâm một người
đã chết. Không có gì phi thường về điều đó.
21.
Đau khổ cũng có giá trị của nó.
Qua buồn đau, niềm tự hào bị xua
đuổi
Và cảm thấy thương xót cho những người lang
thang trong luân hồi;
Điều ác được tránh; lòng tốt có vẻ thú vị.
Đau khổ của chúng ta cũng có mặt tích cực. Trước hết, chúng ta đánh mất ý thức
về tầm quan trọng của bản thân. Chúng ta học để hiểu rõ giá trị về sự đau khổ của người khác, và lòng từ bi của
chúng ta phát triển. Và chúng ta trở nên cẩn thận hơn để không tích lũy những
nguyên nhân của đau khổ.
Mọi người đều có ít nhất một số khuynh hướng vị tha nào đó,
tuy nhiên có giới hạn. Để phát triển những điều này cho đến khi
mong ước giúp đỡ người khác trở thành vô hạn được gọi là tâm bồ đề.
Những chướng ngại chính cho sự phát triển này là mong muốn làm hại người
khác, phẩn uất và tức giận. Do đó, để chống lại những điều này, điều cần
thiết là hành thiền về nhẫn nhục. Chúng ta càng thực hành sâu sắc thì
càng ít có cơ hội để sân hận phát sinh. Nhẫn nhục là cách tốt nhất để tránh
nóng giận, sân hận.
Bây giờ chúng ta hãy nói về lòng yêu thương hay từ ái.
Theo tôi, tất cả chúng sanh đều muốn được yêu thương. Điều này là tự nhiên và tự
phát. Ngay cả động vật cũng thích những người tử tế với chúng. Khi ai đó nhìn bạn
với vẻ yêu thương, điều đó làm bạn hạnh phúc, phải không? Tình yêu thương hay từ ái là
một phẩm chất được đánh giá cao trong toàn nhân loại, trong tất cả các tôn
giáo. Tất cả các tôn giáo, kể cả Phật giáo, trước hết mô tả những bậc khai sáng
của họ về khả năng từ ái yêu thương của họ. Những người nói về
một đấng tạo hoá đề cập đến lòng
thương xót của đấng sáng tạo. Và phẩm chất chính của những người cho nơi
nương tựa tâm linh là tình yêu thương-từ ái.
Khi chúng ta nói về một Cõi Tịnh độ tràn ngập sự hiện diện của tình yêu thương,
người ta cảm thấy muốn đến đó.[2] Nhưng nếu chúng ta mô tả một
Cõi Tịnh độ như một vùng đất của chiến tranh và xung đột, người ta sẽ không còn
cảm thấy muốn được tái sinh ở một nơi như vậy. Mọi người tự nhiên coi trọng
tình yêu thương, và họ không thích những cảm xúc và hành động có hại như phẩn uất,
sân hận,
tranh đấu, trộm cắp, tham lam tài sản của người khác và muốn làm hại người
khác. Vì vậy, nếu tình yêu là thứ mà tất cả mọi người đánh giá cao, thì đó chắc chắn
là thứ mà chúng ta có thể phát triển nếu chúng ta nỗ lực.
Nhiều người nghĩ rằng kiên nhẫn chịu đựng mất mát là một dấu hiệu của sự yếu đuối.
Tôi nghĩ đó là một sai lầm. Chính sân hận
mới là
dấu hiệu của sự yếu đuối, trong khi nhẫn nhục là
dấu hiệu của sức mạnh. Ví dụ, một người tranh luận về một điểm dựa trên lập luận
hợp lý duy trì sự tự tin và thậm chí có thể mỉm cười trong khi chứng minh
trường hợp của mình. Mặt khác, nếu lý luận của người ấy
không hợp lý và sắp bị mất mặt, người ấy sẽ tức giận, mất
kiểm soát và bắt đầu nói những lời vô nghĩa. Mọi người hiếm khi tức giận nếu họ
tự tin vào những gì họ đang làm. Sự tức giận đến dễ dàng hơn trong những khoảnh
khắc bối rối.
22.
Tôi không tức giận với sự cáu gắt và các tính khí khác của con-
Nguồn gốc màu mỡ của khổ não và đớn đau!
Vậy tại sao chúng sanh phải phạm tội,
Họ cũng vậy do hoàn cảnh thúc đẩy?
Đau khổ có thể là kết quả của cả những nguyên nhân hữu tình và vô tình. Chúng
ta có thể nguyền rủa những thứ vô tri vô giác như thời tiết, nhưng chúng ta thường
tức giận nhất với những sinh vật có tri giác. Nếu chúng ta phân tích những
nguyên nhân hữu tình sinh động này làm chúng ta không
vui, chúng ta thấy rằng chính chúng cũng bị ảnh hưởng bởi những
điều kiện khác. Họ không làm cho chúng tôi tức giận đơn giản chỉ
vì họ muốn như thế. Về phương diện này, bởi vì họ bị ảnh hưởng bởi các điều
kiện khác, nên thực tế họ thật sự bất lực. Vì vậy,
không cần phải tức giận với họ.
24.
Không bao giờ nghĩ, "Bây giờ tôi sẽ sân hận,"
Mọi người bị cuốn vào cơn giận dữ một cách bốc
đồng.
Tình trạng bị chọc tức, tương tự, đến
Mặc dù không bao giờ dự kiến để trải nghiệm!
25.
Mọi ô nhiễm thuộc bất cứ loại nào,
Toàn bộ các hành động xấu xa khác nhau
Do hoàn cảnh đưa đến:
Không ai là độc lập, không ai tự trị.
26.
Các điều kiện, một khi đã được tập hợp lại, không hề nghĩ rằng
Bây giờ chúng sẽ đưa đến kết quả nào đó.
Cái được tạo ra cũng không nghĩ
Rằng nó đã được tạo ra.
Ở điểm này trong bản văn, Tịch Thiên bác bỏ những lập luận
của phái Số Luận (Samkhyas), một
trong những truyền thống phi Phật giáo của Ấn Độ cổ đại.
27.
Thực thể nguyên thủy, như họ nói,
Và cái được gọi là bản ngã,
Không sinh khởi một cách cố
ý,
Và không nghĩ, "Tôi sẽ trở
thành."
28.
Vì cái không sanh ra không tồn tại,
Vì vậy, điều gì có thể muốn trở thành?
(Nếu nó có) và bị lôi kéo vĩnh viễn
về phía đối tượng của nó,
Thì nó không bao giờ có thể
ngừng hiện hữu.
Theo Phật giáo, không có gì phát sinh mà không có nguyên nhân. Mọi thứ đều bị điều kiện hoá bởi
một cái gì đó khác. Điều tương tự cũng áp dụng cho các hành động tiêu cực.
Theo phái Số Luận, có 25 đối tượng của tri thức, trong đó đối tượng chính, thực
thể nguyên thủy (Skt., prakṛiti), được coi là chân lý tuyệt đối: tuyệt đối,
vĩnh cửu, toàn khắp và độc lập. Tất cả các hiện tượng được gây ra bởi chất
nguyên thủy này. Các nhà Số Luận cũng công nhận sự tồn tại của một Bản ngã, hay
nguyên tắc ý thức (purusha), cũng vĩnh cửu và độc lập và trải nghiệm những biểu
hiện của chất nguyên thủy.
Phật giáo bác bỏ khả năng của một cái gì đó độc lập mà không phụ thuộc vào một
nguyên nhân. Mọi thứ đều phụ thuộc lẫn nhau. Không có hiện tượng nào phát sinh
một cách tự nhiên, có thể nói là đột ngột quyết định rằng nó sẽ biểu hiện. Nếu
chất nguyên thủy là nguyên nhân của mọi thứ mà nó sinh ra, thì nó sẽ phải tự
sinh ra nó. Nhưng vì nó không tự tạo ra nó, làm sao nó có thể tạo ra cái gì?
Đạo Phật
dạy rằng vạn vật đều do nhân duyên sinh ra, do đó không có cái gì gọi là một thứ không nguyên nhân
cả. Nếu có một thứ như vậy, thì có thể nói mọi thứ đều phát sinh từ hư không (hay từ không có gì)!
Ngoài ra, thực thể nguyên thủy sẽ phải liên tục làm phát sinh (gây ra) một
cái gì đó. Nhưng như chúng ta có thể thấy, các hiện tượng đôi khi biểu hiện và
đôi khi thì không. Điều này là do các nguyên nhân và điều kiện mà chúng phụ thuộc
vào đôi khi đến với nhau và vào những lúc khác thì không.
Nếu nguyên nhân độc lập và có thể sáng tạo không ngừng thì tất nhiên kết quả của
nó cũng phải không đổi. Vì các kết quả không phải là hằng số nên chúng ta có thể
lập luận rằng nguyên nhân của chúng cũng không phải là hằng số: nó là vô thường.
Nếu có một thứ như một đấng sáng tạo độc lập, do đó là duy nhất và bao trùm tất
cả, thì tất cả các biểu hiện hoặc kết quả của nó phải là vĩnh viễn. Niềm tin
vào một người sáng tạo như vậy đơn giản là không hợp lý.
Đối với Bản Ngã thường hằng và bất biến, nếu nó thật sự
là bất biến, thì mọi nhận thức của nó cũng sẽ phải thường hằng, và sẽ không có
lúc nào nó không trải nghiệm chúng. Luận lý thông thường cho
chúng ta biết rằng điều này là không đúng. Đôi khi chúng ta nhận thức được mọi
thứ, đôi khi chúng ta không. Nhưng nhận thức sẽ phải trường tồn nếu Bản Ngã là
một thực thể không thay đổi.
Theo Kinh Nhân Duyên, mọi thứ đều phát sinh từ một nguyên
nhân. Nhưng một nguyên nhân như vậy không thể là một đấng sáng
tạo vào lúc này hay lúc khác đưa vũ trụ hiện hữu.
Theo định nghĩa, nguyên nhân này là vô thường, và vì vậy bản thân nó phải có một
nguyên nhân. Cuối cùng, một kết quả phải có cùng bản chất với nguyên nhân tạo
ra nó. Tuy nhiên, nếu như chúng ta đã tin vào một
nguyên nhân thường hằng, thì sẽ hoàn toàn mâu thuẫn
nếu đồng thời tin vào sự giải thoát.[3]
Những người theo trường phái Số Luận tin rằng thực thể
nguyên thủy biểu hiện luân hồi và rằng Bản Ngã, được cho là một thực thể trường
tồn, trải nghiệm hạnh
phúc và đau khổ trong luân hồi. Thông qua việc hành thiền
theo chỉ dẫn của một vị thầy tâm linh, Bản Ngã nhận ra rằng mọi hiện tượng đều
là biểu hiện của thực thể nguyên thủy. Với nhận thức này, tất
cả các biểu hiện của thực thể nguyên thủy tan biến, chỉ còn lại Bản Ngã. Trạng
thái này là điều mà những người theo trường phái Số Luận
coi là
giải thoát. Tất cả điều này là khá mâu thuẫn. Nếu chúng ta tin rằng nguyên nhân
của luân hồi, thực thể
nguyên thủy, là thường hằng, thì làm sao chúng ta có thể giải thích được sự giải
thoát?
31.
Vậy thì vạn vật tùy thuộc vào những thứ khác,
Và những thứ này cũng phụ thuộc; chúng không độc lập.
Biết điều này, chúng ta sẽ không khó chịu
Ở những thứ giống như do huyển thuật hiển hiện.
Đây là lý do tại sao chúng ta nói rằng tất cả chúng sanh đều bị ảnh hưởng bởi
những thứ khác, nghĩa là cảm xúc của chính họ, và do đó không độc lập. Quá
trình nguyên nhân dẫn đến kết
quả là do các điều kiện đến với nhau. Không có gì là độc lập.
Nếu chúng ta hiểu được điều này, thì hạnh phúc và đau khổ mà chúng ta thường
cho là có thật
và vững chắc sẽ được xem như một điều gì đó không thực chất, giống như những ảo
ảnh phép thuật.
Trong ánh sáng này, chúng ta nên cố gắng không tức giận với
bất kỳ ai.
Một số người có thể hỏi, Nếu mọi thứ đều là vọng tưởng, thì việc loại
bỏ đau khổ vọng tưởng
bằng một phương thuốc giải độc tự nó chính là vọng tưởng
có ích lợi gì? Câu trả lời là khổ huyễn là kết quả của những nguyên nhân và điều
kiện cũng là huyễn. Mặc dù đau đớn là vọng tưởng, chúng ta vẫn
đau khổ vì nó, và chắc chắn chúng ta không muốn nó. Điều này cũng đúng với hạnh
phúc. Đó là một vọng tưởng,
nhưng nó vẫn là thứ chúng ta muốn. Như vậy, những thuốc giải độc huyễn hóa được
sử dụng để đoạn trừ những đau khổ huyễn hóa, giống như một nhà ảo thuật sử dụng
một ảo ảnh phép thuật
này để chống lại một ảo ảnh phép thuật khác. Trên thực tế, đây là một điểm
quan trọng, được giải thích chi tiết hơn trong chương thứ chín của Bồ tát Đạo hay Nhập Bồ tát Hạnh (Bodhicharyāvatāra).
33.
Vì vậy, khi kẻ thù hoặc bạn bè
Được xem là hành động không đúng đắn,
Hãy giữ thanh thản và nhắc nhở tâm
Rằng mọi thứ phát sinh từ các điều kiện.
Chúng ta hãy coi rằng mọi thứ, dù thân thiện hay thù địch, đều là một màn vọng tưởng,
và cố gắng không phản ứng bằng tham luyến hay sân hận.
34.
Nếu mọi thứ có thể theo ý muốn của họ,
Sẽ không có đau khổ nào đến
Với bất kỳ ai trong tất cả chúng sinh hiện thân,
Vì không ai trong số họ muốn đau đớn dưới bất
kỳ hình thức nào.
38.
Mặc dù hầu như chúng ta không bao giờ động
lòng từ bi
Đối với những người, do ô nhiễm,
Mang lại sự trầm luân của chính họ,
Thì sự tức giận của chúng ta
phục vụ cho mục tiêu gì?
Nếu tất cả chúng ta đều được lựa chọn giữa hạnh phúc và đau khổ, thì không ai
chọn đau khổ, và sẽ không có đau khổ trên đời này. Nhưng bởi vì mọi thứ đều phụ
thuộc lẫn nhau và tùy thuộc vào những nguyên nhân khác, nên cả hạnh phúc và đau
khổ đều tồn tại. Người ta khổ mà không muốn. Và khi tâm không được kiểm soát,
khi chúng ta bị ảnh hưởng bởi hận thù, chúng ta thậm chí còn tự làm hại chính
mình. Nếu chúng ta có thể làm hại chính mình với lòng thù hận như vậy, thì chắc
chắn chúng ta có thể làm hại người khác.
39.
Nếu những kẻ giống như những đứa trẻ tinh nghịch
Bản chất dễ làm tổn thương người khác,
Không có lý do gì cho cơn thịnh nộ của chúng
ta;
Nó giống như lửa phẫn nộ vì nóng.
40.
Và nếu lỗi lầm của họ thoáng qua và ngẫu
nhiên,
Khi chúng sanh có bản chất
nhu mì,
Căm giận họ cũng là vô nghĩa-
Cũng như nổi giận với bầu trời khi nó đầy mây khói!
Chúng ta phải từ bi và không bao giờ tức giận với những người làm hại họ.
Và khi những người khác làm hại chúng ta, chúng ta nên kiểm tra xem bản chất của
họ là làm hại hay chỉ là điều gì đó tạm thời. Nếu đó là bản chất của họ, thì tức
giận với họ cũng chẳng ích gì. Nếu đó chỉ là một điều nhất thời, thì bản chất của
chúng không phải là xấu, và họ chỉ đang làm hại
chúng ta vì những ảnh hưởng nhất thời. Vì vậy, một lần nữa, thật vô ích khi sân hận với
họ.
Nếu ai đó sử dụng vũ khí để làm tổn thương chúng ta, thì thứ thực sự làm tổn
thương chúng ta chính là vũ khí đó. Điều làm tổn thương chúng ta một cách gián
tiếp là sự tức giận của người đó. Vì vậy, nếu chúng ta phải tức giận, chúng ta
nên tức giận với vũ khí hoặc với sự tức giận là lý do khiến vũ khí được sử dụng.
Lấy đi vũ khí của người ấy và sự tức
giận, và
không có còn gì lại để mà tức giận.
Một điều kiện khác của quá trình gây tổn hại là thân thể
của chính mình, là cơ sở vật chất cho sự đau khổ.
43.
Vũ khí của họ và thân thể của tôi -
Cả hai đều là nguyên nhân khiến tôi dằn vặt!
Họ vũ khí của họ, tôi thân thể của tôi; đều khua vang
Rồi thì
ai là xứng đáng hơn với cơn thịnh
nộ của tôi?
Vì mọi thứ đều do nhiều nguyên nhân, nên chỉ tức giận với một trong những
nguyên nhân đó thì không có nghĩa lý gì.
47.
Những kẻ hãm hại tôi nổi dậy chống lại tôi -
Chính nghiệp chướng của tôi đã
triệu tập họ.
Và nếu vì điều này mà những
chúng sanh này phải xuống địa ngục,
Chẳng phải tôi là người mang
đến sự hủy hoại cho họ sao?
Những điều sai trái mà người khác gây ra cho chúng ta là kết quả trực tiếp của
những hành động trong quá khứ của chúng ta. Những hành động này trên thực tế đã
sanh ra những kẻ thù của chúng ta để làm hại chúng
ta. Từ quan điểm này, chính chúng ta đang làm hại đối thủ của mình, vì trong
tương lai họ sẽ đau khổ vì hành động gây hại mà chính chúng ta đã xúi giục.
Khi người khác làm hại chúng ta, đó là cơ hội để chúng ta thực hành nhẫn nhục
và do đó tịnh hóa vô số ác nghiệp và tích tập nhiều công đức. Vì chính kẻ thù của
chúng ta đã cho chúng ta cơ hội tuyệt vời này, nên trên thực tế, họ đang giúp đỡ
chúng ta. Nhưng bởi vì họ đang thực hiện những hành động tiêu cực và chúng ta
là nguyên nhân của những điều này, nên chúng ta thật sự đang làm hại họ. Vì vậy, nếu có bất cứ ai
để sân hận, thì đó nên là chính
chúng ta. Chúng ta không bao giờ nên tức giận với kẻ thù của mình, bất kể thái
độ của họ như thế nào, vì họ thật sự
hữu ích cho chúng ta.
Do đó, người ta có thể tự hỏi liệu bằng cách khiến kẻ thù của chúng ta tích lũy
những hành động tiêu cực như vậy, chính chúng ta cũng tích lũy những hành vi
tiêu cực và liệu kẻ thù của chúng ta, trong việc giúp chúng ta thực hành nhẫn
nhục, có tích lũy những hành động tích cực hay không. Đây không phải là trường
hợp. Mặc dù chúng ta đã là nguyên nhân cho hành động tiêu cực của họ, nhưng bằng cách thực hành nhẫn nhục,
thì chúng ta thật sự
tích lũy công đức và sẽ không tái sanh vào các cõi thấp. Chính chúng ta đã kiên
nhẫn, và điều đó không giúp ích gì cho kẻ thù của chúng ta. Mặt khác, nếu chúng
ta không thể kiên nhẫn khi chúng ta bị tổn hại, thì sự tổn hại do kẻ thù của
chúng ta gây ra sẽ không giúp ích gì cho bất kỳ ai. Hơn nữa, do mất kiên nhẫn
và nổi giận, chúng ta đã phạm giới nguyện tuân theo giới luật của một vị Bồ
Tát.
52.
Vì tâm vô hình tướng
Nó không thể bị phá hủy bởi bất cứ ai.
Vì tâm dính mắc vào thân,
Thân này bị khổ đau dày vò.
Vì tâm không phải là vật chất nên không ai có thể làm hại nó. Khi những người
khác nói những điều khó chịu với chúng ta, họ không làm tổn thương chúng ta về
thể chất. Nếu chúng ta thật sự
nghĩ về điều này, thì không có gì là khó chịu đựng. Chúng ta có thể nghĩ rằng nếu
chúng ta tỏ ra khoan dung khi người ta nói những điều khó chịu với mình, thì
người ta sẽ cho rằng những gì họ nói là đúng và hậu quả là danh tiếng của chúng
ta bị tổn hại sẽ cản trở thành công của chúng ta trong cuộc sống. Nhưng không
có gì sai với điều đó. Dù chúng ta có được bao nhiêu danh tiếng và lời khen ngợi,
chúng ta chỉ có thể tận hưởng nó trong đời này. Mặt khác, nếu chúng ta tức giận
với người khác, nghĩ rằng họ đang làm tổn hại danh tiếng và thành công của
chúng ta trong đời này, thì những hành động tiêu cực do chúng ta tích lũy sẽ
theo chúng ta trong những kiếp tương lai.
62.
Và nếu, khi người ta nói xấu chúng ta,
Chúng ta cho rằng sự tức giận
của chúng ta là
vì họ làm tổn thương người khác,
Làm sao chúng ta không bực bội
Khi sự phỉ bang của họ nhằm vào người khác?
Khi người ta nói những điều khó chịu về chúng ta, nếu chính những điều khó chịu
đó khiến chúng ta tức giận, thì chúng ta cũng nên tức giận khi người ta nói những
điều khó chịu về người khác. Đối với trường hợp là giống nhau khi có liên quan
đến những điều khó chịu này. Nhưng khi những điều không hài lòng được nói về
người khác, điều thường xảy ra là chúng ta cho rằng những lời chỉ trích đó là
do những nguyên nhân không liên quan đến chúng ta và chúng ta giữ thái độ thờ
ơ. Tại sao chúng ta không áp dụng cùng một lập luận khi chính chúng ta là đối
tượng của sự chỉ trích? Khi ai đó bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc tiêu cực nói
những điều không hay về chúng ta, tại sao chúng ta lại cho phép mình nổi giận?
Rốt cuộc, chính những cảm xúc tiêu cực chứ không phải con người chịu trách nhiệm
cho cuộc tấn công. Và lại nữa, nếu chúng ta không tức giận khi người khác bị chỉ
trích, thì theo đó chúng ta cũng nên dung thứ cho những người xúc phạm Đức Phật,
đập phá tượng, đốt phá tu viện, phỉ báng các bậc thầy lớn, v.v.
64.
Ngay cả những người phỉ báng và phá hoại
Giáo lý thiêng liêng, hình ảnh
và bảo tháp
Không phải là đối tượng
thích hợp cho sự tức giận của chúng ta.
Bởi vì, chư Phật không bị tác động
gì.
74.
Để đạt được tất cả những gì tôi mong
muốn,
Hàng nghìn lần tôi đã
trải qua
Những sự tra tấn của cõi địa ngục -
Không đạt được gì cho bản thân và những người khác.
75.
Nỗi đau hiện tại không gì
sánh bằng những thứ ấy (nổi khổ quá khứ)
Và những lợi ích tuyệt vời sẽ đến từ chúng.
Những rắc rối này xua tan nỗi đau của những kẻ lang thang (luân
hồi)-
Chỉ đúng là tôi nên tuỳ hỉ trong chúng.
Ví dụ, nếu một người bị kết án tử hình được tha mạng để đổi lấy việc chặt hai
tay, anh ta sẽ cảm thấy rất nhẹ nhõm. Tương tự như vậy, khi chúng ta có cơ hội
tịnh hóa một nỗi khổ lớn bằng cách chịu đựng một vết thương nhẹ, chúng ta nên chấp nhận nó. Nếu không
chịu nổi lời xúc phạm mà nổi giận, thì chỉ tạo thêm khổ đau tệ hại hơn cho tương lai. Dù khó khăn đến
đâu, thay vào đó, chúng ta nên cố gắng mở rộng quan điểm của mình và không trả
đũa.
Chúng ta đã và vẫn đang trải qua vô vàn đau khổ mà không thu được lợi ích gì từ
đó. Bây giờ chúng ta đã hứa sẽ có tấm lòng nhân hậu, chúng ta nên cố gắng đừng
nổi giận khi người khác xúc phạm
chúng ta. Kiên nhẫn có thể không dễ dàng. Nó đòi hỏi sự tập trung đáng kể. Nhưng kết quả chúng ta đạt được
bằng cách chịu đựng những khó khăn này sẽ rất tuyệt vời. Đó là điều đáng mừng!
79.
Khi những phẩm chất của bạn được khen ngợi,
Do đó bạn
mong muốn rằng những người khác sẽ hài lòng.
Nhưng khi người khác được khen ngợi,
Bạn lại cảm thấy không muốn vui mừng như thế.
Khi những người chúng ta không thích được khen
ngợi, chúng ta sẽ ghen tị. Đây là một sai lầm. Khi những điều tốt đẹp được nói
về người khác, chúng ta nên cố gắng tham gia. Rồi thì, chúng ta cũng có thể nhận được một chút hạnh
phúc. Vậy tại sao không tuỳ hỉ? Nếu chúng ta có thể vui mừng và cảm thấy hài lòng khi những người
chúng ta không thích được khen ngợi, thì hạnh phúc mà chúng ta có là thật sự tích cực và được chư Phật chấp thuận. Khi chúng ta thực hành như vậy,
ngay cả kẻ thù của chúng ta cũng đánh giá cao chúng ta. Đây là một trong những
cách tốt nhất để đạt được sự tôn trọng của người khác.
80.
Bạn là người muốn hạnh
phúc cho chúng sanh
Đã nguyện ước được giác
ngộ vì lợi ích của họ.
Vậy tại sao những người khác lại làm bạn khó chịu khi
Họ tìm thấy niềm vui nào đó cho chính họ?
Nếu chúng ta không thể đánh giá cao và vui mừng
trong niềm hạnh phúc mà người khác có thể có được khi khen ngợi người khác, cuối
cùng chúng ta sẽ không thể chịu đựng được niềm vui dù là nhỏ nhất ở bất kỳ ai
khác. Nếu đúng như vậy, chúng ta cũng có thể từ bỏ bất cứ thứ gì giúp ích cho
người khác và thậm chí không bao giờ tặng quà, từ chối nhận bất cứ thứ gì có thể
làm họ hài lòng. Nếu chúng ta thích được khen ngợi, thì thật sai lầm khi chúng
ta khó chịu khi người khác khen ngợi người khác và cảm thấy thích thú khi làm
như vậy.
83.
Nếu ngay cả điều này mà bạn không muốn cho chúng sanh,
Làm sao bạn có thể muốn Phật quả cho họ?
Và làm sao một người có thể có bồ đề tâm
Lại tức giận
khi người khác thành công?
Vì chúng ta đã phát nguyện đạt được toàn giác vì lợi ích của tất cả chúng sanh,
nên khi chính những chúng sanh này có một chút hạnh phúc cho lợi ích của chính họ, thì điều đó là hợp lý để
vui mừng hơn là khó chịu. Chúng ta tự đặt cho mình trách nhiệm diệt trừ mọi đau
khổ và thành tựu mọi hạnh phúc, nên khi người khác hạnh phúc, trách nhiệm của
chúng ta thật sự trở nên nhẹ nhàng hơn. Nhưng nếu chúng ta
không thể chịu được sự vui mừng của người khác, thì làm sao chúng ta có thể giả
vờ tìm cầu Phật quả được?
Khi mọi việc không suôn sẻ với người mà chúng ta không ưa, thì vui mừng để làm
gì? Nó không làm cho nỗi đau khổ hiện tại của người ấy trở nên tồi tệ hơn chút nào, và thậm chí nếu
có, thật đáng buồn biết bao nếu chúng ta mong ước một điều như vậy.
90.
Sự tôn kính, ca ngợi và danh tiếng
không
góp phần làm
tăng thêm công đức hay tuổi thọ của tôi,
Cúng không ban cho sức khỏe hay sức mạnh
Và
không làm gì cho thân thể thanh thoát
Chỉ đơn thuần được khen ngợi thì hoàn toàn không giúp được gì nhiều: nó không làm tăng vận may của con
người, cũng không làm cho họ sống lâu hơn. Nếu niềm vui tạm thời là tất cả
những gì bạn muốn, bạn cũng có thể dùng ma túy. Tuy nhiên, nhiều người đầu tư
rất nhiều tiền và thậm chí lừa dối bạn bè của họ để giành lấy địa vị. Điều này
là thật ngu ngốc. Địa vị và danh vọng của họ
thật sự không giúp được gì nhiều trong kiếp này và không giúp được gì cho những
kiếp sau. Chẳng có ích gì hạnh phúc nếu chúng ta nổi tiếng hoặc không hạnh phúc
vì người ta nói xấu chúng ta.
93.
Trẻ không thể ngừng khóc khi
Lâu đài cát của chúng sụp
đổ.
Tâm thức của tôi rất giống chúng
Khi lời khen ngợi và danh tiếng bắt đầu sụp đổ.
94.
Âm thanh ngắn ngủi, không có trí tuệ,
Không bao giờ có thể tự nó có ý định ca ngợi tôi.
Tôi
nói rằng đó là niềm vui mà người khác nhận từ tôi,
Chính
điều này là nguyên nhân của niềm vui của tôi.
95.
Nhưng tôi có gì nếu người khác vui sướng
Ở người khác, hay ở chính mình?
Niềm
vui của họ là của họ và của riêng họ.
Không
có phần nào của nó được cảm nhận bởi tôi.
Những lời khen ngợi tốt đẹp là không có tâm: họ không muốn nói những điều tốt
đẹp về chúng ta. Ý tốt của người khác khi ca ngợi chúng ta là ý tốt của họ,
không phải của chúng ta! Nếu chúng ta vui vì người khác có những điều thú vị để
nói về chúng ta, thế thì chúng
ta cũng nên vui khi họ nói như vậy về
kẻ thù của chúng ta. Chúng ta nên đối xử bình đẳng với mọi người.
98.
Lời
tán dương và
ca ngợi làm
tôi phân tâm,
Đánh
tan sự khiếp sợ của tôi với luân hồi.
Tôi
bắt đầu ghen tị với người khác về những phẩm chất tốt đẹp của họ
Và
do đó, mọi sự xuất sắc đều bị hủy hoại.
Khen ngợi, nếu bạn nghĩ về nó, thật sự là một sự phân tâm. Ví dụ, lúc đầu một
người có thể là một tu sĩ giản dị, khiêm tốn, hài lòng ít ham muốn. Sau đó, mọi người có thể nói những
điều tâng bốc như, "Ông ấy là một Lạt ma, [bậc thầy]" và người ấy bắt đầu cảm thấy tự hào hơn một chút
và trở nên tự ý thức về ngoại hình và cách cư xử của mình. Sau đó, tám mối bận
tâm thế gian (bát phong) trở
nên mạnh mẽ hơn, phải không? Khen ngợi là một sự sao lãng và phá hủy sự viễn ly (từ bỏ).
Nói cho cùng,
lúc đầu khi chúng ta có ít, chúng ta không có nhiều lý do để có cảm giác cạnh
tranh với những người khác. Nhưng sau này, khi "tu sĩ khiêm tốn bắt đầu mọc tóc,” người
ấy trở nên tự phụ, và khi người ấy trở nên có ảnh hưởng hơn, người ấy tranh giành những vị trí quan trọng
với những người khác. Chúng ta cảm thấy ghen tị với bất kỳ ai có phẩm chất tốt,
và điều này cuối cùng sẽ hủy hoại bất cứ phẩm chất tốt đẹp nào mà chúng ta có.
Được khen ngợi không thật sự
là một điều tốt, chúng ta và nó có thể là nguồn gốc của những hành động tiêu
cực.
99.
Những người ở gần tôi, rồi thì,
Làm mất danh dự của
tôi và làm vị trí của tôi
xuống cấp
Điều ấy chắc
chắn ở đó bảo vệ tôi
Khỏi rơi vào cõi sầu đau.
Vì mục tiêu thật sự
của chúng ta là giác ngộ, chúng ta không nên tức giận với kẻ thù của mình,
những kẻ thật sự
đã xua tan mọi chướng ngại cho việc đạt giác ngộ của chúng ta.
101.
Họ,
giống như sự ban phước rất lớn của Đức Phật,
Chặn
đường tôi, quyết tâm như tôi (để)
Đắm
mình trong đau khổ:
Làm sao tôi có thể tức giận với họ được?
102.
Tôi không nên bực tức nói:
“Họ
là chướng ngại việc tốt lành của
tôi”.
Vì
chẳng phải nhẫn nhục là khổ hạnh tối thượng,
Và
tôi không nên tuân theo điều này sao?
Chẳng ích gì khi bào chữa cho mình,
nói rằng kẻ thù của chúng ta đang ngăn cản chúng ta tu tập và đó là tại sao chúng
ta tức giận. Nếu chúng ta thật sự muốn tiến bộ, thì không có sự thực hành nào
bằng nhẫn nhục. Chúng ta không thể giả vờ rằng chúng ta là những thực hành nếu
chúng ta không nhẫn nhục.
Nếu chúng ta không thể chịu đựng những tổn hại mà kẻ thù gây cho ta và thay vì
sân hận, thì chính chúng ta là chướng ngại để đạt được một hành vi tích cực vô
biên. Không có gì hiện hữu mà không có một nhân, và không thể có thực hành nhẫn
nhục mà không có ai làm gì xấu với chúng ta. Thế thì, làm sao chúng ta có thể
gọi những người như vậy là chướng ngại cho sự thực hành nhẫn nhục của chúng ta,
mà vốn nó là nền tảng của con đường Đại thừa? Chúng ta khó có thể gọi một người
hành khất là một chướng ngại với một sự bố thí.
Có nhiều lý do để làm từ thiện; thế
giới đầy những người có nhu cầu. Mặt khác, những người khiến chúng ta tức giận
và thử thách lòng kiên nhẫn của chúng ta tương đối ít, đặc biệt nếu chúng ta
tránh làm hại người khác. Vì vậy, khi gặp những kẻ thù hiếm hoi này, chúng ta
nên đánh giá cao họ.
107.
Vì vậy, giống như một kho báu được tìm thấy ở nhà,
Mà tôi
đã có được
không mệt mỏi,
Kẻ
thù của tôi là những người giúp đỡ trong công việc Bồ tát của tôi
Và
do đó họ phải là
niềm vui cho tôi.
Khi chúng ta đã kiên nhẫn đối với kẻ thù, chúng ta nên hồi hướng kết quả của sự
thực hành này cho họ, bởi vì họ là nguyên nhân của nó. Họ đã rất tử tế với
chúng ta. Chúng ta có thể hỏi, Tại sao họ phải xứng đáng với sự cống hiến này
khi họ không có ý định làm cho chúng
ta thực hành kiên nhẫn? Nhưng các đối tượng có
cần phải có ý định trước khi chúng đáng được chúng ta tôn trọng không? Bản thân
giáo Pháp, chỉ ra sự chấm dứt đau khổ và
là nguyên nhân của hạnh phúc, không có ý định giúp đỡ chúng ta, nhưng nó chắc
chắn đáng được tôn trọng.
Rồi thì, chúng ta có
thể nghĩ rằng kẻ thù của mình không xứng đáng vì họ chủ động muốn làm hại chúng
ta. Nhưng nếu tất cả mọi người đều tử tế và có thiện chí như một bác sĩ, làm
sao chúng ta có thể thực hành kiên nhẫn? Và khi một bác sĩ, với ý định chữa
bệnh cho chúng ta, làm tổn thương chúng ta bằng cách cắt cụt tay chân, mổ bụng
chúng ta hoặc chích chúng ta bằng kim, chúng ta không coi ông ta là kẻ thù và
nổi giận với ông ta. Như vậy, chúng ta không thể thực hành nhẫn nhục đối với ông.
Nhưng kẻ thù là những người có ý định làm hại chúng ta, và chính vì lý do này
mà chúng ta có thể thực hành kiên nhẫn đối với họ.
111.
Cảm ơn những
người có tâm đầy ác ý
Mà tôi tự mình có được sự nhẫn nhục.
Do đó, họ là
nguyên nhân cho sự
nhẫn nhục
của
tôi,
Thích
hợp để tôn kính, giống như giáo Pháp.
112.
Và
như vậy bậc Đại Thánh đã nói về ruộng phước của chúng sanh
Cũng như ruộng phước của những đấng Chinh phục.
Nhiều
người đã mang lại hạnh phúc cho chúng sanh,
Đã vượt đến bến bờ,
đạt đến sự hoàn hảo.
Có hai ruộng phước mà qua đó chúng ta có thể tích lũy
công đức: chúng sanh và chư Phật. Chính nhờ sự giúp đỡ của chúng sanh, dù họ
khốn khổ như thế nào, mà chúng ta có thể tích tập những hành động tích cực,
phát triển bồ đề tâm, thực hành sáu ba la mật, và đạt được những phẩm chất của
niết bàn. Không có chúng sanh, chúng ta không thể có lòng từ bi, và không có
lòng từ bi, chúng ta không thể đạt được sự giác ngộ vô thượng mà thay vì thế rơi vào cực đoan của niết bàn. Vì
vậy, việc đạt được giác ngộ tối thượng và sự hiểu biết mà chúng ta đạt được
trên con đường đều phụ thuộc vào chúng sanh cũng nhiều như vào chư Phật. Thật sai lầm khi
tách riêng ra, nói rằng chư Phật cao hơn và
chúng sanh thấp hơn. Vì cả hai đều cần thiết như nhau cho sự thành tựu giác ngộ của chúng ta, tại sao chúng
ta không kính trọng chúng sanh cũng như
kính trọng chư Phật?
114.
Không phải trong phẩm chất của tâm thức của họ
Nhưng trong các loại quả vị họ
cống hiến
là giống nhau.
Trong
chúng sanh cũng vậy, sự tối thắng như vậy trú ngụ,
Và
do đó chúng sanh và chư Phật đều như nhau.
Tất nhiên, cả hai không bình đẳng về phẩm chất. Nhưng theo nghĩa là
chúng sanh có khả năng hỗ trợ chúng ta tích lũy công đức và đạt được giác ngộ,
chúng ta có thể nói rằng họ bình đẳng.
119.
Chư Phật là những người bạn thật sự có thể tin cậy của tôi.
Vô
biên những lợi ích mà họ mang lại cho tôi.
Làm
thế nào khác tôi có thể trả ơn lòng tốt của họ
Nhưng bằng cách làm cho chúng sanh hạnh phúc?
122.
Chư Phật được hạnh phúc bởi niềm vui của chúng sanh.
Các ngài buồn rầu, than thở khi chúng sanh đau khổ.
Bằng
cách mang lại niềm vui cho chúng sanh, rồi thì, tôi cũng làm hài lòng
chư Phật;
Khi
làm tổn thương họ, tôi cũng làm tổn thương chư Phật.
Nếu chúng ta thật sự quy y Phật, thì chúng ta nên tôn trọng hạnh nguyện của các
ngài. Rốt cuộc, trong cuộc sống bình thường, việc thích nghi theo một cách nào
đó với bạn bè và tôn trọng mong muốn của họ là điều bình thường. Khả năng làm
như vậy được coi là một phẩm chất tốt. Thật đáng buồn nếu một mặt chúng ta nói
rằng chúng ta quy y với tấm lòng thành kính nơi Phật, Pháp và Tăng, nhưng mặt
khác, trong hành động của chúng ta, chúng ta xem thường quên
lãng những gì làm phật lòng tam bảo. Chúng ta sẵn sàng tuân theo tiêu
chuẩn của người bình thường chứ không phải theo tiêu chuẩn của chư Phật và Bồ
Tát. Thật khốn khổ! Chẳng hạn, nếu một tín đồ Đấng Ki Tô thật sự yêu mến Đức Chúa Trời, thì
người ấy nên thực hành tình yêu thương đối với tất cả những người đồng loại của
mình. Nếu không, ta không tuân theo tôn giáo của mình: lời nói và việc làm của
ta trái ngược nhau.
127.
Chính điều này làm hài lòng chư Phật
Và
hoàn toàn bảo đảm an lạc cho chính tôi.
Điều
này sẽ xua tan nỗi buồn khổ của
thế giới,
Và
do đó nó sẽ là công việc thường xuyên của tôi.
Ví dụ, các đại sứ của một vị vua hay tổng thống phải được tôn trọng, cho dù
trông họ có vẻ không ấn tượng đến đâu, bởi vì họ đại diện cho cả một quốc gia.
Tương tự như vậy, tất cả chúng sanh, dù khốn khổ đến đâu, đều ở dưới sự bảo vệ
của chư Phật và Bồ tát. Như vậy trực tiếp hại chúng sanh, là gián tiếp làm đau chư Phật, Bồ tát. Đây là điều chúng
ta nên hết sức cẩn thận.
Nếu chúng ta có thể làm hài lòng chúng sanh, thì không cần phải nói rằng điều
này sẽ góp phần giúp chúng ta đạt được sự toàn tri. Ngay trong đời này, chúng
ta sẽ hạnh phúc và thoải mái, được nghĩ đến tốt và có nhiều bạn bè. Trong những
kiếp tương lai, chúng ta sẽ xinh đẹp, mạnh mẽ và khỏe mạnh, và chúng ta sẽ tái sanh
trong những cõi cao hơn, với tám phẩm chất là kết quả của những hành động tích
cực. Dưới những điều kiện thuận lợi như vậy, cuối cùng chúng ta sẽ đạt được
giác ngộ. Vì vậy, giúp đỡ người khác là nền tảng trên con đường dẫn đến Phật
quả.
Chương rất quan trọng này về sự kiên nhẫn là nền tảng cho chương thứ tám, trong đó cho thấy
làm thế nào chúng ta có thể mang
lại lợi ích cho người khác thông qua việc hiểu được những phẩm chất của lòng vị
tha và những bất lợi của chủ nghĩa vị kỷ.
Nói chung, chính ý niệm về kẻ thù là
chướng ngại chính cho tâm bồ đề. Nếu chúng ta có thể biến đổi một kẻ thù thành người mà mình tôn trọng và biết ơn, thì sự tu tập của
chúng ta sẽ tự nhiên tiến triển như nước chảy theo kênh rạch
đào trong lòng đất.
Nhẫn nhục có nghĩa là không tức giận với những người làm hại chúng ta mà thay
vào đó là có lòng từ bi đối
với họ. Điều đó không có nghĩa là chúng ta nên để họ làm những gì họ thích. Ví
dụ, những người Tây Tạng chúng tôi đã trải qua những khó khăn lớn dưới bàn tay
của những người khác. Nhưng nếu chúng tôi tức giận với họ, chúng tôi chỉ có thể
là người thua cuộc. Đây là lý do tại sao chúng tôi đang thực hành kiên nhẫn.
Nhưng chúng ta sẽ không bỏ qua sự bất công và áp bức.
Ẩn Tâm Lộ, 2023
[1] Thí dụ,
công đức đạt được qua hành thiền về chư thiên cõi vô sắc giới không thể
không thể bị phá huỷ bởi sân hận phát sanh từ cõi người.
[2] Cõi
Tịnh độ là một thế giới được biểu hiện
bởi một Đức Phật hay Bồ tát phù hợp với
công đức của chúng sanh. Được tái sanh về Cõi Tịnh độ có thể phát triển nhanh chóng con đường đến Phật
Quả.
[3] Thoát khỏi một cõi luân hồi giả sử là thường
hằng thì mâu thuẩn, xét thế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét