Reflections on the Realistic Approach of Buddhism:
Talks to Former Dharamsala Residents from the West
His Holiness the Fourteenth Dalai Lama
Dharamsala, India, November 2 – 3, 2010
Ghi lại: Sean Jones và Michael Richards
Hiệu đính: Luke Roberts và Alexander Berzin
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển
Dharamsala, India, November 2 – 3, 2010
Ghi lại: Sean Jones và Michael Richards
Hiệu đính: Luke Roberts và Alexander Berzin
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển
PHẦN
BA: PHẬT GIÁO TRONG THẾ KỶ 21
Làm
Thế Nào Để Là Phật Tử Của Thế Kỷ 21
Tôi luôn nói với những ngưởi Tây Tạng cũng như người
Trung Hoa và Nhật Bản, và những người Ladakh và tất cả những Phật tử Himalaya -
Tôi cũng đang luôn nói với họ rằng bây giờ chúng ở trong thế kỷ 21, chúng ta phải
là những Phật tử của thế kỷ 21. Điều ấy có nghĩa là hãy có một kiến thức toàn
diện về nền giáo dục hiện đại, khoa học hiện đại, và tất cả những thứ này, và
cũng như việc sử dụng những phương tiện hiện đại, nhưng đồng thời cũng phải có
niềm tin vững vàng về những giáo huấn của Đức Phật về lòng vị tha vô hạn, tâm bồ
đề và quan điểm về sự liên hệ hổ tương, duyên khởi. Thế thì quý vị có thể là một
Phật tử chân thành và cũng thuộc vào thế kỷ 21.
Mới đây tôi ở Nabra [Ladakh], và dừng lại một con đường
để dùng buổi trưa. Một số người địa phương đến - một số người trong họ chúng
tôi đã biết nhau trong 20 hay 30 năm - và tôi đã cũng đã trò chuyện với họ. Tôi
đã nói với họ rằng chúng ta cần là những Phật tử của thế kỷ 21, và cũng như là
học vấn là rất, rất quan trọng. Rồi thì tôi hỏi họ, "Phật Giáo là
gì?" Và họ nói, " Buddham
saranam gacchami. Dharmam saranam gacchami. Sangham saranam gacchami
" [Con quy y Phật, Pháp, và Tăng.] Đấy là Phật Giáo." Như vậy quá đơn
giản. Rồi thì tôi hỏi họ những gì là
khác biệt giữa Đức Phật, chúa Giê-su, nhà tiên tri Mô-ha-mét? Họ nói,
"Không có gì khác biệt." Như vậy là không đúng. Như được xem là những
bậc thầy vĩ đại của nhân loại, các ngài là giống nhau. Nhưng cho đến khi mà những
giáo huấn của các ngài được quan tâm đến, có một sự khác biệt lớn lao. Phật
Giáo là vô thần. Tôi hỏi quý vị một ngày nào đó Phật Giáo có là một hình thức của
chủ nghĩa vô thần hay không, và quý vị
nói rằng chủ nghĩa vô thần có nghĩa là
"chống lại Thượng đế." Phật Giáo không chống lại Thượng đế - Phật
Giáo tôn trọng tất cả các tôn giáo - nhưng Phật Giáo là vô thần trong ý nghĩa rằng
không có một đấng tạo hóa, không có khái niệm về một đấng tạo hóa. Cho nên về
phía giáo lý, về phía triết lý, có những sự khác biệt giữa Phật Giáo và những
tôn giáo khác này, nhưng những người dân làng này cảm thấy tất cả [các giáo chủ
và tôn giáo] là giống nhau.
Điều này nhắc tôi: Một lần nọ ở Tây Tạng, một lạt ma
thuyết giảng, và thính chúng hỏi vị ấy, "Ba Ngôi Tôn Quý ở đâu? Đức Phật ở
chốn nào?" Và vị ấy im lặng trong một lú, và rồi thì chỉ lên bầu trời
và nói, "Ô, Đức Phật ở trong một
cung điện pha lê ở trong không trung, vây quanh bởi những hào quang rực rở."
Như vậy là không đúng. Đức Phật xét cho cùng ở trong tâm thức của chúng ta - Phật
tánh.
Vì thế cho nên tôi muốn chia sẻ với quý vị rằng
chúng ta phải đi đến căn bản thật sự của Phật Pháp [giáo huấn của Đức Phật]. Giống
như khi quý vị có thức ăn chính - cơm hay bột, hay trong trường hợp của Tây Tạng
là tsampa - và rồi thì một ít rau cải. Những rau cải thật tươi ngon; chúng là rất
tốt. Nhưng nếu không có thức ăn chính, chỉ có một ít rau cải - ăn một vài dĩa
rau cải - không đủ. Và điều ấy là quan trọng để thấu hiểu.
Thân
Chính Và Những Chi Nhánh Của Truyền Thống
Tôi thường diễn tả Phật Giáo Tây Tạng như hiện thân
thuần khiết của truyền thống Na Lan Đà [trong ý nghĩa rằng nó thừa kế những
giáo huấn của 17 đại đạo sư của Đại học tu viện Ấn Độ Na Lan Đà cổ truyền.] Đấy
là điều căn bản. tôi cũng giải thích đến những nhóm Phật tử, kể cả những người ở
Ladakh, về sự tương tự của thân cây và những chi nhánh khác nhau. Truyền thống
Na Lan Đà giống như thân cây. Rồi thì những truyền thống của Tây Tạng như
Nyingma, Sakya, Kaguy, Gelug, Kadam, Jonang - tất cả giống như những chi nhánh.
Mới đây tôi ở Trung tâm Dorzong, một trung tâm của
Drugpa Kagyu. Những rinpoche ở đấy thường có những chương trình học tập rất
hoàn hảo, không chỉ cho những tu sĩ của họ mà cả đến những học nhân cư sĩ Tây Tạng.
Vì thế tôi đã giải thích cho họ ở đấy về thân chính và những chi nhánh và vấn đề,
như sự thống nhất được quan tâm, Sakya, Nyingma, Kagyu, Gelug, Kadam, và Jonang
tất cả đều đi về gốc rể. Không có sự khác biệt. Nhưng khi nhấn mạnh quá nhiều
vào những cành lá, thế thì những sự khác biệt nho nhỏ ở đây ở kia biểu hiện quá
nhiều. Những chi nhánh này, là quan trọng; một số điều đặc biệt là ở đấy, như Đại
Toàn Thiện [dzogchen ] và Đại Thủ Ấn [mahamudra] và Sakya Tùng
quả hướng nhân đạo [lamdray] và Hợp Nhất Tịnh Quang và Tánh không [seltong-zungjug].
Mỗi thứ là tốt đẹp, nhưng tất cả đều liên hệ với thân chính. Thật là tốt đẹp
khi những chức năng đặc biệt này đi đến đỉnh tri thức trọn vẹn của giáo huấn
căn bản của thân chính. Thế là hoàn toàn. Nhưng nếu quý vị quên những giáo huấn
căn bản và chỉ nắm giữ những chi nhánh này, như vậy là không hoàn toàn, và cũng
có hiểm họa của việc diễn giải sai lầm.
Cho nên như vậy là thân chính, những đạo sư Na Lan
Đà. Tôi thường diễn tả 17 đạo sư Na Lan Đà. Những luận điển của các ngài là những
sự diễn giải về căn bản của Phật Giáo. Những thứ khác là các chi nhánh.
Tầm
Quan Trọng Của Sự Nghi Ngờ
Theo thân chính - những giáo huấn Phật Giáo căn bản
- sự nghi ngờ là rất cần yếu. Bây giờ, tôi nghĩ và hy vọng tôi là một Phật tử,
nhưng tôi không còn bất cứ sự tin tưởng nào về Núi Tu Di. Hai chân lý và Bốn
Chân Lý Cao Quý là những giải thích thật sự về vũ trụ, cho những giải thiên hà
và Big Bang. Đấy là giáo huấn thật sự của Đức Phật và Phật Giáo.
Sự trình bày của những kinh luận cổ điển được cấu
trúc chung quanh 4 sự đặt niềm tin vững vàng [tứ y: không đặt niềm tin vào con
người, hãy đặt nó vào sự giáo huấn; đừng đặt niềm tin vào lời nói của vị ấy,
hãy đặt niềm tin vào ý nghĩa của chúng;đừng đặt niềm tin vào ý nghĩa nông cạn của
chúng, hãy đặt niềm tin vào ý nghĩa tột cùng của nó, (để thấu hiểu chúng) đừng
đặt niềm tin vào thức phân biệt của quý vị, hãy đặt nó vào sự tỉnh giác sâu xa
của quý vị] Những kinh luận cổ điển đề cập rằng những người xem thật sự của những
sách vở này, những độc giả nghiêm túc của chúng, phải có một thái độ nghi ngờ.
Người ta cần khảo sát cho dù nội dung của quyển sách là điều gì đó có liên hệ đến
đời sống của họ hay không. Chúng có lợi ích tạm thời là gì? Và về lâu dài, nó
có lợi ích gì? Độc giả nghiêm túc phải nhận thức rõ ràng về sự liên hệ của kinh
luận trước khi tuân theo lời dạy của nó.
Đấy chính xác là sự tiếp cận của Na Lan Đà. Mọi người
trong thính chúng phải nghi ngờ. Nghi ngờ đem đến câu hỏi; câu hỏi đem đến sự
khảo sát; sự khảo sát đem đến những câu trả lời. Đấy là sự tiếp cận hợp lý duy
nhất.
Phủ
Nhận Những Niềm Tin Về Núi Tu Di Và Vị Trí Của Những Thế Giới Địa Ngục
Khi tôi ở Sar Ashram 40 năm trước, trong một trường
hợp tôi đã đề cập rằng, "Đức Phật đã không đến hành tinh này để vẽ một bản
đồ. Vì thế không phải là vấn đề của Phật Giáo cho dù có Núi Tu Di hay không.
Không hề gì." Giống như thế. Cho nên chúng ta tự do phủ nhận sự giải thích
của Thế Thân [trong A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận, kho tàng những đề tài đặc biệt của
tri thức] Chúng ta phải thực hiện một sự phân biệt giữa ý nghĩa thông thường và
biểu tượng. Trong Mật pháp Thời Luân, nó cũng đề cập rằng Núi Tu Di và tất cả
những thứ này tượng trưng thân thể con người, từ đầu đến bàn chân. Có nhiều sự
giải thích mật tông tương tự. Cho nên những biểu tượng này có một ý nghĩa nào
đó, một mục tiêu nào đó.
Và về những địa ngục, khái niệm về địa ngục: tôi thấy
rất khó để chấp nhận những gì A tỳ Đạt ma Câu Xá luận của Thế Thân để cập: rằng
20 do tuần [yojana] dưới Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya) là 8 thế giới địa ngục khác
nhau. Do tuần dài hơn một cây số. Cho
nên nếu quý vị đi sâu hơn và sâu hơn, rồi thì chắc chắn rằng các địa ngục tồn tại
ở Mỹ! Nhưng thật hổ thẹn nếu nói rằng Mỹ là một địa ngục. Cho nên những thứ này
thật không khó để bác bỏ.
Có ba cách để thấu hiểu mọi việc: qua nhận thức cảm
giác, qua kết luận căn cứ trên lý trí. Và qua việc dựa trên thẩm quyền của kinh
điển. Điều ấy có nghĩa là [trong trường hợp của kinh điển] dựa vào người thứ
ba. Tôi thường nói với mọi người rằng giống như ngày sinh của chúng ta: Chúng
ta không có cách nào để khảo sát ngày sinh thật sự của chúng ta thế nào. Chúng
ta phải dựa vào người thứ ba; thí dụ, mẹ của chúng ta. Và nhằm để chấp nhận sự
diễn giải của người thứ ba, trước nhất chúng ta phải chứng tỏ người ấy là trung
thực, đáng tin cậy, và có một tâm thức
bình thường. Cho nên chúng ta cần thử nghiệm một lãnh vực khác mà người thứ ba
đã đề cập, thứ nào đó mà chúng ta có thể khảo sát. Nếu chúng ta khảo sát và thấy
rằng nó là đúng, chúng ta biết người này là chân thật và không có lý do gì để dối
trá hay hay những thứ giả vờ như vậy. Thế thì chúng ta có thể chấp nhận những
tuyên bố khác của người ấy.
Cho nên giống như thế, có thể có những hiện tượng
huyền bí ngoài trình độ thấu hiểu của chúng ta và chúng ta không có kinh nghiệm
về vấn đề ấy. Nếu có những người nói là
họ thật sự trải nghiệm những hiện tượng này, chúng ta có thể kiểm chứng những
tác phẩm của họ và để thấy chúng đáng tin cậy hay không liên hệ đến những điểm
khác. Nếu như thế, chúng ta có thể dựa vào sự giải thích của người thứ ba này về
những thứ vượt ngoài tầm lý trí của chúng ta.
Chúng ta phải tiếp nhận loại tiếp cận thế này với một số những sự giải
thích trong kinh điển Phật Giáo.
Bây giờ theo lượng [pramana] - lý luận và nhận thức
học - [có những loại chứng cứ và phủ nhận] Một loại phủ nhận liên hệ đến một hiện
tượng phải được quán sát, nhưng không thể]. Thí dụ, theo A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận,
mặt trời và mặt trăng có cùng khoảng cách từ Trái Đất, và khi chúng xoay quanh
Núi Tu Di, thành ra ngày và đêm. Dường như chúng ta thật sự kinh nghiệm bóng của
Núi Tu Di [vào buổi tối], nhưng nếu chúng ta trải nghiệm bóng của nó, thế thì
chúng ta cũng phải có thể thấy ngọn núi. Vào thời xưa ở Ấn Độ, Thế Thân không
thể kiểm chứng để thấy có một ngọn Núi Tu Di
hay không. Nhưng bây giờ chúng ta có phi thuyền không gian, hay tàu vũ
trụ, vì thế chúng ta phải có thể thấy nó. Nếu Núi Tu Di hiện hữu, thì chúng ta
phải thấy nó. Nhưng vì chúng ta không thể thấy nó, cho nên chúng ta có thể thấy
rằng nó không tồn tại.
Thế nên có những phủ nhận liên hệ đến việc không thể
quán sát hiện tượng mà quý vị đang cố gắng để chứng minh hay chỗ mà quý vị quán
chiếu đối lập với nó. Trần Na và Pháp Xứng
đề cập rõ ràng về những thứ này trong những luận điển của họ. Vì vậy việc
sử dụng chính nhận thức luận Phật Giáo, sự không hiện hữu của Núi Tu Di được chứng
minh một cách dễ dàng. Không có vấn đề gì trong việc phủ nhận những thứ này.
Một lần nọ ở
Nam Ấn, tại một cuộc tập hợp lớn của các tăng sĩ - tôi nghĩ là hơn 10
nghìn tăng sĩ (tất cả những tăng sĩ của các tu viện chính tập hợp ở đấy)- Tôi
đã đề cập quan điểm của tôi về tầm quan trọng của khoa học và rằng chúng ta phải
học hỏi khoa học, khoa học hiện đại. Và rồi tôi đã đề cập rằng tôi không tin tưởng
về Núi Tu Di và tất cả những thứ này. Sau đó tôi đã nói, "Ô, nhưng đừng
xem tôi như một người theo chủ thuyết hư vô." Ngày đầu tiên, sự giảng dạy
của tôi nhiều hơn trong mối liên hệ giữa khoa học Phật Giáo và khoa học phương
Tây. Rồi thì ngày thứ hai tôi đã giải thích về giáo lý nhà Phật. Thế nên, ngày
đầu tiên tôi đã có tính chất đổi mới trong sự giảng dạy của tôi, và ngày thứ
hai là giáo lý truyền thống hơn. Do thế, không có rắc rối gì trong việc phủ nhận
những thứ này.
Những
Khả Năng Nguy Hiểm Của Sự Sùng Mộ Đạo Sư
Bây giờ nếu chúng ta đi vào gốc rể, không có nhấn mạnh
về tầm quan trọng của sự sùng mộ. Nhưng nếu đi vào những chi nhánh, giống như đại
thủ ấn hay đại toàn thiện, thế thì bổn tôn du già (guru-yoga) là rất quan trọng.
Điều ấy thật sự đầu độc một số những lạt ma này, và sau đó những trung tâm của
họ có thể trở thành những giáo phái. Tại sao? Do bởi sự lãng quên những giáo lý
căn bản của Đạo Phật và chỉ tập trung vào những thứ nhánh nhóc.
Giống như Naropa, bổn sư là Marpa, vị thầy chính của
dòng truyền thừa Kagyu. Naropa là một trong những học giả lớn của Đại học Na
Lan Đà. Rồi thì sau này ngài thực tập Mật tông nhìn giống như một hành khất hay
một thành tựu giả. Naropa đúng là có khả năng thực tập những thứ này bởi vì
ngài đã học hỏi về tất cả những luận điển quan trọng có trong truyền thống Na
Lan Đà. Nhưng bây giờ một số hành giả ở phương Tây - cũng như trong người Tây Tạng,
trong những người Ladakh cũng thế - không biết đến nền tảng của Phật Pháp, chỉ
làm bất cứ điều gì đạo sư của họ nói mà thôi. Ngay cả nếu đạo sư của họ nói,
"Tây là đông," học nhân tin: "Ô, đấy là phương đông." Như vậy
là chống lại truyền thống Na Lan Đà.
Dĩ nhiên, một người thật sự đầy đủ phẩm chất trong
tri thức căn bản Phật Giáo là khác với một lạt ma ngồi trên tòa cao - giống như
tôi ngồi trên một tòa cao - nhưng nhưng kinh nghiệm của người ấy thật rất giới
hạn. Bây giờ nhìn vào giống như tôi hơi có chút ganh tỵ với những lạt ma ấy!
Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, tôi nghĩ rằng họ không thích đáng, tri thức đầy
đủ, và họ chỉ nhấn mạnh đến chi nhánh của họ mà thôi. Như vậy đã tạo nên nhiều
sự thấu hiểu sai lầm. Điều ấy là quan trọng để thấu hiểu.
Phật
Giáo Thích ứng Với Phương Tây
Ý tưởng về Phật Giáo phương Tây là hoàn toàn đúng,
hoàn toàn đúng. Quý vị biết rằng Phật Giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ. Rồi khi đến
những vùng đất khác nhau, nó trộn lẫn với những truyền thống văn hóa địa phương
và trở thành Phật Giáo Tây Tạng, Phật Giáo Trung Hoa, Phật Giáo Nhật Bản: như
thế.
Một số nhạc cụ mà những tu viện Tây Tạng sử dụng
không đến từ truyền thống Na La Đà, mà đến từ phía Trung Hoa. Có một nhạc cụ gọi
là gyaling, nghĩa là "sáo Trung
Hoa". Tức cười, có phải không? Thứ ấy không là một bộ phận của Phật Giáo;
đấy chỉ là một khía cạnh của văn hóa. Tương tự như ở cộng đồng Phật Giáo phương
Tây, quý vị có thể sử dụng những nhạc cụ hiện đại và cầu nguyện trong giai điệu
của âm nhạc phương Tây. Tốt thôi. Không hề gì.
Nhưng cho đến khi mà những ý tưởng của Bốn Chân Lý
Cao Quý và lòng vị tha và tất cả những thứ này được quan tâm: Quý vị thấy, Phật
Giáo đối phó với những cảm xúc, và cảm xúc ngày nay của loài người là giống với
những cảm xúc của con người 2600 năm trước. Cảm xúc của nhân loại đã giống như
nhau tôi nghĩ là trong 3 hay 4 nghìn năm qua và sẽ vẫn như vậy trong vài nghìn
năm tới nữa. Sau 10 nghìn hay 20 nghìn
năm, một cấu trúc mới nào đó của não bộ sẽ tiến hóa, và rồi thì có thể mọi thứ
sẽ hơi khác biệt một chút. Nhưng nói thế là quá xa phía trước. Không cần phải
điều chỉnh các giáo huấn cho thế hệ của chúng ta, thế hệ thứ hai, thế hệ thứ ba - đó là cùng não bộ
và cùng những cảm xúc của con người. Quý vị có thể hỏi những nhà khoa học về điều
này, những nhà chuyên môn về não bộ, và họ sẽ nói, "Ô, sẽ là cùng não bộ
cho tối thiểu vài thế kỷ tới. Không có gì thay đổi." Giống như thế. Cho
nên giáo lý căn bản của Đạo Phật phải là đáng tin cậy.
Một lần ở Pháp, tôi đã đề cập với những người Tân Thời
Đại (New Age) - quý vị lấy điều gì đó nơi đây, điều gì đó nơi kia, điều gì đó
nơi kia, và kết quả cuối cùng là không đáng tin cậy. Như vậy là không tốt. Tôi
nghĩ chúng ta phải gìn giữ truyền thống Na La Đà chân thật. Đấy là quan trọng.
Nhưng những khía cạnh văn hóa có thể thay đổi.
Vấn
Nạn Của Việc Hiểu Sai Những Giáo Lý Phát Triển
Bây giờ tôi nghĩ có lẽ tôi có một phê phán xây dựng
nào đó. Ở phương Tây, tôi đã từng gặp một số người chỉ biết một chút ít, nhưng
lại nghĩ: "Ô, tôi có đầy đủ tri thức!" Sau đó, qua tri thức giới hạn
thấu hiểu sai lạc của họ, họ lại hình thành sự giảng dạy. Dĩ nhiên, trong những
người Tây Tạng cũng có việc này, đặc biệt những người không học hỏi nghiên cứu
những luận điển triết lý lớn này.
Có một thí dụ mà tôi nghĩ tôi có thể chia sẻ với quý
vị. Tôi đã thăm San Francisco ngay sau một vụ động đất lớn. Tài xế của tôi vào
lúc ấy không phải từ Bộ Ngoại Giao. Đấy là một chiếc taxi tư nhân, và tài xế là
một thành viên của một trung tâm Phật Pháp, người thực hành Đại Toàn Thiện. Tôi
ngẫu nhiên hỏi ông ấy, "Khi trận động đất xảy ra, ông đã nghĩ gì?" Và
người ấy nói, "Ô, đấy là một cơ hội lớn để thực hành Đại Toàn Thiện, bởi
vì đấy là một cơn sốc, một cơn sốc lớn."
Nhưng ở trong tình trạng của cơn sốc không có suy
nghĩ nào - nếu ông ấy cảm thấy đấy là một sự thực hành Đại Toàn Thiện chân
thành, thế thì tôi nghĩ thật quá dễ dàng: bị rung động và quý vị có thể thực
hành Đại Toàn Thiện! Đại Toàn Thiện không dễ dàng như thế. Chính tôi cũng từng
thực hành Đại Toàn Thiện. Ô, rất khó, rất khó khăn.
Có châm ngôn rằng: "Một chút tri thức là một thứ
nguy hiểm." Có một chút sự thật ở đấy, cho nên hãy cẩn thận. Hãy học tập. Và
đừng dựa vào sự hướng dẫn của một lạt ma; hãy dựa vào những sách vở đáng tin cậy
này. Đấy là quan trọng. Đừng dựa vào lời nói của tôi. Hãy học hỏi những luận điển
đáng tin cậy này của Long Thọ, Thánh Thiên, tất cả những đạo sư Phật Giáo này.
Những giáo lý này đã từng được thể nghiệm qua hàng thế kỷ bởi những học giả ấy.
Tôn giả Vô Trước đã trước tác và tranh luận với một số triết gia khác. Thí dụ,
một tác phẩm nào đó của Long Thọ được bình phẩm một ít bởi tôn giả Vô Trước; và
rồi thì một đạo sư khác phân tích và bình phẩm những tác phẩm của tôn giả Vô
Trước. Những luận điển lớn này được hình thành bởi những đạo sư này được nghiên
cứu và kiểm tra qua hàng thế kỷ, vì thế chúng thật sự đáng tin cậy.
Và rồi thì có doha, những bài hát tâm linh [những
bài hát tâm linh tự phát của những vị chứng đạo sư]. Những hành giả độc đáo
này, như Naropa hay Tilopa, học hỏi hoàn hảo truyền thống Na Lan Đà. Rồi thì,
qua thực hành, các ngài từ bỏ hoàn toàn đời sống trần tục, kể của đời sống tu
viện, và sống hoàn toàn như những khất sĩ hay hành giả du già. Và rồi thì qua
những kinh nghiệm của chính mình, các ngài đã sáng tác những thi kệ này tương ứng
với sự thấu hiểu sâu xa và từ ngữ giản dị của các ngài. Thế nên có một hiểm họa
về sự thấu hiểu sai lạc những thứ này nếu một người chỉ biết truyền thống căn bản
[và không biết xa hơn].
Truyền thống Nyingma diễn tả một hệ thống của 9 thừa
[9 cổ xe]. Ba thừa đầu - thanh văn thừa, duyên giác thừa, và Bồ tát thừa [ba
kinh thừa] - căn cứ chỉ trên sự thấu hiểu về Bốn Chân Lý Cao Quý. Và rồi thì ba
thừa tiếp theo - kriya, upa, và yoga [những thừa liên hệ đến ba lớp tantra ngoại]
- nhấn mạnh đến sự thanh tịnh. Và rồi thì ba thừa cuối cùng - maha, anu, và ati
[ba thừa liên hệ đến ba lớp tantra nội] - nhấn mạnh những sự thực tập cho việc
kiểm soát tâm thức.
Ý nghĩa thật sự đằng sau ba thừa cuối cùng này là để
cho phép cảm xúc phát triển, và rồi thì, thay vì trở thành bị nô lệ bởi cảm xúc
ấy, quý tâm thức chính của quý vị có thể nhìn vào bản chất cứu kính của cảm
xúc. Đấy là tịnh quang. Cho nên trong ba thừa cuối cùng này, những cảm xúc tàn
phá không phải được xem như điều gì đó mà quý vị phải vượt thắng, nhưng quý vị
nhìn vào bản chất của những cảm xúc tàn phá này để thấy thực tại. Cho nên đây
là trên căn bản của kinh nghiệm sâu xa, và nó là một loại thực hành rất khó
khăn đối với những giai tầng trước. Vì vậy, một số giáo huấn từ những hành giả ở
trình độ cao cấp những người dã đi qua những giai tầng này là khó khăn để thực hành trong trong
trình độ của chúng ta. 9 giai tầng này không dễ dàng.
Chúng
Ta Nên Hành Động Nhân Danh Loài Người Hay Nhân Danh Phật Giáo?
Mới đây tôi đã ở Patna, tiểu bang Bihar. Người ta thực
hiện một công trình xây dựng to lớn, một tịnh xá Phật Giáo, một ngôi chùa Phật
Giáo. Họ thỉnh cầu có một số xá lợi từ những quốc gia Phật Giáo khác nhau, và
tôi cũng đã cúng dường cho họ một số xá lợi. Tại buổi lễ ấy, vị thủ hiến phát
biểu rằng qua sự gia hộ của Đức Phật, tiểu bang Bihar sẽ phát triển một cách
nhanh chóng. Sau đó tôi nói với ông - vì tôi biết ông, và ông là một người rất
thân - "Nếu sự gia hộ của Đức Phật có thể giúp để phát triển tiểu bang
Bihar, nó đã phát triển lâu rồi, bởi vì sự gia hộ của Đức Phật đã sẳn rồi. Cho
đến khi một vị thủ hiến có hiệu lực đến, sự phát triển sẽ không diễn ra. Sự gia
hộ của Đức Phật phải qua hành động của con người."
Cầu nguyện không thật sự tác động, mặc dù lời cầu nguyện là điều gì đấy rất dễ thương nhưng
hành động lại là điều gì khác biệt, có phải không? Kết quả thật sự đòi hỏi hành
động. Đó là tại sao Phật Giáo nói, "Nghiệp, nghiệp." Nghiệp hàm ý
"hành động". Do vậy chúng ta phải hoạt động.
Hành động phải được thực hiện với niềm tin:
"Tôi là một trong gần 7 tỉ người. Tôi có trách nhiệm để quan tâm nghiêm
túc về sự cát tường của gần 7 tỉ người." Giống như thế. Khi chúng ta tiến
hành cầu nguyện, chúng ta luôn nói nó là cho tất cả chúng sanh. Không người Phật
tử nào phát lời cầu nguyện chỉ cho người Tây Tạng. Không bao giờ cầu nguyện cách
ấy. Hay chỉ cho thế giới này - có vô số thế giới, vô lượng chúng sanh. Và rồi
thì chúng ta phải thêm vào điều ấy; bằng khác đi sự cầu nguyện của chúng ta trở
thành đạo đức giả. Sự cầu nguyện trên căn bản của một cái ''chúng tôi'' lớn,
nhưng với nghiệp thật sự của chúng ta - ''những hành động'' thật sự của chúng
ta - được căn cứ trên một cảm giác mạnh mẽ của ''chúng ta'' và ''họ'' là đạo đức
giả.
Bây giờ, hành động của chúng ta phải nên được hoàn tất
nhân danh con người hay nhân danh Phật Giáo? Nếu quý vị cố gắng để thúc đẩy những
giá trị căn bản của loài người trên căn bản của giáo lý Đạo Phật,thế thì nó trở
thành hạn hẹp và nó không thể phổ quát. Truyền thống nghìn năm tuổi của Ấn Độ
liên hệ đến sự đa nguyên trong tất cả mọi tôn giáo, và nó là thế tục - không ưu
tiên trên một tôn giáo đặc thù nào; tôn trọng mọi tôn giáo. Bên cạnh những tôn
giáo bản địa, tất cả mọi tôn giáo quan trọng của thế giới cuối cùng được thiết
lập tại Ấn Độ. Vì vậy trong hai nghìn năm vừa qua, tất cả mọi truyền thống tôn
giáo quan trọng của thế giới đã chung sống với nhau trên xứ sở này. Cho nên một
cách tự nhiên, do bởi thực tế ấy, họ đã phát triển những nguyên tắc thế tục. Điều
ấy là rất tốt. Có rất nhiều tôn giáo quan trọng cho nên chúng ta không thể nhấn
mạnh trên niềm tin tôn giáo của chúng ta. Vì thế cho nên cách thực tiển, thực tế
duy nhất là không đụng chạm đến tôn giáo - đơn giản chỉ là những nguyên tắc thế
tục.
Tôi là một Phật tử chí nguyện tròn vẹn. Nếu ai đấy
cho thấy một sự thích thú về Phật Giáo, đôi khi tôi cảm thấy hạnh phúc; nhưng
tôi không bao giờ có gắng tuyên truyền về Phật Giáo. Niềm tin tôn giáo là một vấn
đề cá nhân. Những nguyên tắc thế tục là vấn đề của toàn thể nhân loại. Cho nên
chúng ta, cộng đồng Phật Giáo - bên cạnh sự thực tập hàng ngày như một Phật tử
- nên suy nghĩ thêm về những dòng này.
Tôi thật sự cảm
kích việc làm của những anh chị em Ki Tô giáo. Tôi nghĩ họ đã thực hiện sự cống
hiến to lớn nhất cho giáo dục trên toàn hành tinh này. Quý vị không thấy bất cứ
tôn giáo nào làm việc ấy. Mới đây ở Ấn Độ Tổ chức Ramakrishna đang làm việc gì
đó [trong lãnh vực của giáo dục tập
trung], nhưng tất cả những nhóm tôn giáo khác vẫn khép kín trong đền thờ của họ
và để thu tiền. Quý vị, phải phải năng động trong việc thúc đẩy cho một xã hội
tốt đẹp hơn, lành mạnh hơn. Trên cấp độ ấy, tôi nghĩ những anh chị em Ki Tô
giáo của chúng ta đã thực hiện một sự phục vụ tuyệt vời cho nhân loại. Nhưng
cùng lúc, họ cũng thực hiện hoạt động truyền giáo, việc đổi đạo, và đó là một
điều phức tạp.
Một lần ở Salt Lake City, những người Mormon đã mời
tôi vào tổng hành dinh của họ. Tôi đã gặp lãnh đạo của họ, và rồi thì tôi đã diễn
thuyết công cộng ở đấy. Tôi đã đề cập rằng khi những người truyền giáo đi vào
những vùng nơi không có những tôn giáo cụ thể, thế thì thật tốt đẹp để biến đổi
những người ở đấy thành Ki Tô hữu. Khi không có triết lý cụ thể nào ở đấy, thì
rất tốt. Nhưng trong những vùng đã có những niềm tin tôn giáo cụ thể, sự đổi đạo
tạo ra những sự xung đột và rắc rối.
Đôi khi họ cung cấp tiền bạc khi họ tiến hành những
sự cải đạo. Khi mỗi sự đổi đạo xảy ra, họ cho 15 đô la. Những người Mông Cổ rất
tài tình về điều này; họ trải qua sự đổi đạo mỗi năm, và vì thế mỗi năm họ nhận được 15 đô la.
Ẩn Tâm Lộ Friday, December 19, 2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét