Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

Tinh Thần Giác Ngộ



Chương 9: Tinh Thần Giác Ngộ

(hay tâm Giác Ngộ hay tâm bồ đề hay bodhicitta)

HÔM NAY CHÚNG TA  sẽ nói về tinh thần giác ngộ và việc giúp đở người khác. Tất cả những truyền thống tôn giáo nhấn mạnh lòng vị tha trong cách này hay cách khác. Những gì đặc biệt về Phật Giáo là vấn đề điều này liên hệ như thế nào với khái niệm của sự liên hệ hổ tương, duyên sanh.
Trong đời sống hàng ngày, cho dù chúng ta có tín  ngưỡng hay không, chắc chắn rằng một xu hướng giúp đở người khác là rất căn bản cho sự cát tường của chúng ta - kể cả sự cát tường của thân thể chúng ta. Chúng ta có thể phát triển việc quan tâm cho người khác chỉ trên căn bản của sự tự tin, không phải vì sợ hãi. Việc gia tăng lòng tự tin làm tan biến sợ hãi và cho chúng ta một cảm giác mạnh mẽ hơn của sức mạnh nội tại, vì thế ngay cả những yếu tố vật lý của thân thể chúng ta cũng thể hiện chức năng tốt hơn. Khi chúng ta sợ hãi hay giận hờn liên tục, hay đầy thù hận, thế thì những yếu tố vật lý cũng bị xáo trộn. Đấy là tại sao, ngay cả trong dạng thức của sự cát tường vật lý, một tâm vị tha là hữu ích - một cách đặc biệt khi chúng ta đang trải qua một thời điểm khó khăn. Đứng vững trên lòng tự tin ấy, một thái độ vị tha thật sự cho quý vị một sự hòa bình khẳng quyết của tâm thức, một tâm tĩnh lặng.
Khái niệm liên hệ hổ tương này cũng rất lợi lạc trong đời sống hàng ngày bởi vì sự thật là mọi thứ liên hệ hổ tương với nhau. Cho dù chúng ta quan tâm về kinh tế, môi trường, sức khỏe, hay ngay cả chính trị và những mối quan hệ quốc tế, thì mọi thứ là liên hệ hổ tương rất mật thiết. Đây là thực tại của vấn đề mọi thứ là thế nào, nhưng khi chúng ta thấy điều gì đó cảm động hay đe dọa thì nó thường xuất hiện với chúng ta giống như nó là không lệ thuộc và cô lập. Khi chúng ta hành động trên căn bản của những hiện tướng như vậy, thế thì sự tiếp cận của chúng ta là không thực tiển. Do vậy, nhiều thứ không muốn xảy ra một cách chính xác do bởi loại tiếp cận không thực tiển này. Sự tiếp cận của chúng ta trở thành thực tế hơn khi chúng ta đạt được kiến thức đầy đủ hơn về mối liên hệ hổ tương. Thế nên, khái niệm của Đạo Phật về sự liên hệ hổ tương đã cho một sự tiếp cận thánh thiện hơn, một thái độ thực tiển hơn. Điều này luôn luôn hữu ích.

Tinh Thần Giác Ngộ
Tinh thần Giác Ngộ đúng thật là gì?  Hay Tâm Giác Ngộ, tâm bồ đề, bodhicitta đúng thật là gì? Tông Khách Ba xem nó như là một thể trạng tinh thần mà trong ấy nó được động viên bởi nguyện vọng đem lợi ích cho người khác, một  người ngưỡng vọng đạt đến Quả Phật. Đây là những gì chúng ta cần phát triển.
Tinh thần Giác Ngộ đôi khi được phân chia thành bốn loại trong dạng thức tương ứng với những trình độ của con đường tu tập hay thành 22 loại, mỗi loại được đặc trưng bởi một ẩn dụ khác nhau. Tuy nhiên, quan trọng nhất là sự khác biệt giữa  tinh thần Giác Ngộ nguyện vọng và tinh thần Giác Ngộ dấn thân. Khi chúng ta  hỏi vấn đề hai loại chính này được phân biệt như thế nào, thì chúng ta thấy những khác biệt nhỏ trong các giải thích của những kinh luận cổ điển của Ấn Độ. Sự thông hiểu của Tông Khách Ba cũng theo đấy. Khi một hành giả trau dồi tinh thần Giác Ngộ đạt đến một nguyện vọng nhất tâm chân thật để đạt đến Quả Phật vì lợi ích của tất cả chúng sanh, thì cá nhân  này đã đạt được nguyện vọng của tinh thần Giác Ngộ. Khi hành giả trau dồi xa hơn một chí nguyện để đặt nguyện vọng này trong thực tập, cam kết dấn thân trong những sự thực hành của Bồ tát, và thọ nhận những thệ nguyện của Bồ tát, thế thì từ thời điểm ấy về sau tinh thần Giác Ngộ của người ấy là một tinh thần Giác Ngộ dấn thân. Tông Khách Ba (2:49) đặt căn cứ sự diễn dịch này trong giai tầng thứ nhất của Những Giai Tầng Thiền Tập của Liên Hoa Giới. Liên Hoa Giới dường như đã sáng tác Những Giai Tầng Thiền Tập trong khi ở Tây Tạng - không như những tác phẩm khác [được sáng tác ở Ấn Độ].

Bi Mẫn Và Khổ Đau
Trong một ý nghĩa, có tinh thần Giác Ngộ có nghĩa là có một trái tim tốt lành. Nhưng căn bản chỉ có lòng mong mõi cho hạnh phúc của người khác và mong mõi vượt thắng khổ đau của họ thì không thể phát sinh tinh thần Giác Ngộ. Đúng hơn, quý vị phải phát triển nó trên căn bản của một sự tự tin rằng có thể đạt đến hạnh phúc và chấm dứt khổ đau. Được động viên bởi tri thức ấy, quý vị có thể phát triển một nguyện vọng sâu xa để mang lợi ích cho người khác trong một phương thức hiệu quả nhất. Con đường tu tập ấy liên hệ cả tuệ trí và bi mẫn. Một số kinh luận đề nghị rằng, trong tinh thần Giác Ngộ, bi mẫn mang lợi ích của chúng sanh vào sự tập trung, trong khi đó tuệ trí được hướng trực tiếp vào việc đạt đến sự Giác Ngộ tròn vẹn.
Đã quán chiếu trên lợi ích của việc phát sinh tinh thần Giác Ngộ (2:16-21), Tông Khách Ba tiếp tục giải thích tiến trình thật sự qua đó tâm thức này được phát sinh. Và ở đây nhân tố chính thật ra là việc trau dồi bi mẫn (2:28-33). Thí dụ, Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận của Di Lặc giải thích rằng bi mẫn là gốc rể của tinh thần Giác Ngộ[1].
Bi mẫn là gì? Nó liên hệ hai khía cạnh chính: (1) một cảm giác của tình cảm ôm ấp chúng sanh một cách chân tình và (2) một cảm giác của việc quan tâm đến khổ đau của chúng sanh. Vì vậy, việc phát triển bi mẫn liên hệ việc trau dồi một cảm giác của tình cảm cho người khác cùng với một mong ước giải thoát khổ đau cho họ. Thật thiết yếu để có một sự thấu hiểu sâu sắc về khổ đau mà từ đó chúng ta nguyện ước tất cả chúng sanh được giải thoát. Chúng ta đã thảo luận về bản chất khổ đau ở trên trong sự trình bày những thực hành liên hệ đến con đường tu tập của những người có năng lực nhỏ và năng lực vừa[2]. Người với năng lực nhỏ tập trung vào bản chất của khổ đau hiển nhiên (khổ khổ), khổ đau hàng ngày chẳng hạn như những cảm giác vật lý. Những thực hành liên hệ với những người có năng lực vừa liên hệ đến việc thấu hiểu bản chất khổ đau của trình độ thứ hai và thứ ba - đó là, khổ đau của thay đổi (hoại khổ) và quan trọng hơn là khổ đau cùng khắp (hành khổ). Đã quán chiếu về bản chất của khổ đau trong những dạng thức thâm sâu này, người với năng lực vừa phát triển một nguyện vọng chân thành để tìm giải thoát khỏi khổ đau. Đây là sự viễn ly chân thật.
Khi quý vị đã có kinh nghiệm cá nhân về nguyện vọng chân thành này để đạt đến giải thoát khỏi khổ đau và sau đó quý vị mở rộng cảm nhận ấy đến những chúng sanh khổ đau khác, thì lòng bi mẫn sâu sắc sinh khởi. Tông Khách Ba (2:24) chỉ rằng Trang Nghiêm Thực Chứng của Di Lặc định nghĩa tinh thần Giác Ngộ như một nguyện vọng Giác Ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sanh. Lợi ích của người khác ở đây ám chỉ tới việc đạt đến giải thoát của họ.
Bi mẫn là một thể trạng của tâm mà trong ấy quý vị khao khát vì sự tự do khỏi khổ đau của người khác; thấu hiểu càng sâu sắc bản chất của khổ đau, thì nguyện vọng ấy của quý vị càng hiệu quả hơn. Nếu sự thấu hiểu của quý vị về khổ đau cùng khắp của điều kiện (hành khổ) là thậm thâm, thế thì quý vị sẽ có một nhận thức mạnh mẽ về bản chất tàn phá của phiền não vốn là gốc rể của nổi khổ đau này. Khi quý vị nhận ra bản chất tàn phá của phiền não một cách sâu sắc hơn, quý vị sẽ khao khát không chỉ được tự do khỏi phiền não, mà cũng được tự do khỏi tất cả những thiên hướng tiềm tàng được tạo ra bởi những phiền não này. Chính những thiên hướng vi tế này đã ngăn trở việc đạt đến tâm toàn giác của một vị Phật.

Hai Sự Tiếp Cận Với Tinh Thần Giác Ngộ
Chúng ta phát triển năng lực để ôm ấp những chúng sanh khác một cách chân tình như thế nào? Chúng ta trau dồi một cảm giác nối kết và tình cảm đối với chúng sanh như thế nào? Về phương diện lịch sử, có hai sự tiếp cận chính: sự tiếp cận bảy điểm nhân quả và phương pháp hoán chuyển tự thân với người khác. Hai phương pháp này xuất phát từ những dòng truyền thừa khác nhau: phương pháp bảy điểm xuất phát từ dòng truyền thừa Di Lặc, trong khi phương pháp bình đẳng và hoán đổi xuất phát từ Long Thọ. Tràng Hoa Quý Báu và đặc biệt Luận về Tinh Thần Giác Ngộ của Long Thọ dạy rõ ràng về sự bình đẳng và hoán chuyển tự thân với người khác. Chúng tôi gọi dòng truyền thừa sự thực tập này giống như những làn sóng lớn bởi vì nó dạy một sự tiếp cận thích hợp nhất cho những hành giả có năng lực cao cấp, những hành giả cấp tiến.
Trong phương pháp bảy điểm nhân quả, yếu tố then chốt là trau dồi một cảm giác về những chúng sanh khác có liên hệ với quý vị - như bà mẹ của quý vị trong một kiếp sống khác và trong những cách khác - và rồi thiết lập những thực hành khác trên căn bản ấy. Trái lại, phương pháp bình đẳng và hoán chuyển tự thân với người khác không đòi hỏi việc xem người khác thế nào đó liên hệ với quý vị; thay vì thế nó đòi hỏi quý vị nhận ra căn bản bình đẳng của tự thân quý vị với người khác cả trong dạng thức của nguyện vọng cho hạnh phúc và trong những cách khác. Trong Hướng Dẫn Lối Sống của Bồ tát, Tịch Thiên nói rằng quý vị nên thực tập "sự hướng dẫn bí mật" của việc hoán chuyển tự thân với người khác. Những từ ngữ này gợi ý một nhu cầu cho tính thông tuệ lớn trong sự tiếp cận này[3].
Quý vị sử dụng lý trí để thiết lập nền tảng bình đẳng của tự thân và người khác. Việc thiết lập sự bình đẳng này là bước vô cùng cần yếu. Trong phương pháp này, ngay từ đầu, lòng bi mẫn của quý vị không tùy thuộc vào việc những người khác là những thành viên của gia đình quý vị và v.v… Quý vị có thể nhận ra lòng ân cần của tất cả những người khác - thí dụ, ngay cả, một kẻ thù mà sự thù địch của họ sẽ cho quý vị cơ hội để làm tâm linh quý vị lớn mạnh. Trong thực tế, hiện tướng của họ là liên hệ hay không liên hệ, nhưng hành vi và động cơ hiển nhiên của họ, thì thật sự không liên hệ. Quý vị nối kết với họ ở trình độ căn bản, nhận ra rằng cũng giống như quý vị mong ước hạnh phúc và giải thoát khỏi khổ đau thì họ cũng vậy. Quan điểm của quý vị về họ không tùy thuộc vào thái độ của họ đối với quý vị.
Trái lại, phương pháp bảy điểm bắt đầu với sự trau dồi về việc nhận ra tất cả chúng sanh như đã từng là bà mẹ của hành giả và quán chiếu trên sự ân cần của họ. Vì thế trong ý nghĩa này sự tiếp cận bảy điểm vẫn liên đới việc quan hệ với những chúng sanh khác trên căn bản thái độ của họ hay sự cư xử của họ đối với quý vị.
Nói tổng quát hơn, tôi thường nói về sự khác biệt giữa lòng trắc ẩn thông thường và một lòng bi mẫn phát triển, chân thành hơn. Lòng trắc ẩn thông thường được lèo lái bằng nhận thức của chúng ta về vấn đề người khác cư xử với chúng ta thế nào và vấn đề họ dường như cảm nhận về chúng ta thế nào. Thế nên, chúng ta có thể mở rộng lòng trắc ẩn thông thường chỉ với thân quyến và bạn bè, những người dường như lo lắng cho chúng ta. Trái lại lòng bi mẫn chân thành nối kết với người khác ở trình độ căn bản. Nó quan hệ sự liên đới với người  khác như những con người, vì rằng, "Giống như tôi mong ước hạnh phúc, người kia cũng mong ước được hạnh phúc".

Bảy Điểm Nhân Quả
Lòng bi mẫn là trái tim của phương pháp bảy điểm nhân quả. Chúng ta có thể nghĩ về những bước khác như những điều kiện đưa đến lòng bi mẫn và sau đó là những kết quả của lòng bi mẫn.
Quý vị bắt đầu bằng việc trau dồi tính vô tư (2:36-37). Đây là một sự cân bằng trong cảm giác của quý vị đối với người khác như thể không có thành kiến, không có cảm giác phân biệt giữa những người thân thiết và những người khác là xa lạ.
Sau đó quý vị trau dồi nhận thức về những chúng sanh khác cũng thân mến như quý vị. Để làm điều này, quý vị xem người yêu mến nhất đối với quý vị trong kiếp sống này - mẹ quý vị hay người nào đấy - và rồi cố gắng để xem tất cả những người khác trong cùng quan niệm ấy. Trên căn bản ấy, sau đó quý vị trau dồi việc nhận ra sự cân cần của họ, và rồi nguyện ước để đền đáp sự ân cần của họ. Quý vị trau dồi một tình cảm ôm ấp những người khác như người thân, là điều đưa đến lòng bi mẫn (2:38-47). Lòng bi mẫn này lên đến cực độ trong một ý chí kiên quyết nhất tâm, một chí nguyện cao thượng để giải thoát tất cả chúng sanh khỏi khổ đau và đem hạnh phúc đến cho họ. Điều thiết yếu là việc phát triển lòng vị tha quyết tâm này vì thế quý vị đảm đương trách nhiệm cá nhân rõ ràng trong việc đem đến lợi ích cho người khác (2:47-48).
Sau đó tự hỏi mình, "Tôi mang lợi ích cho người khác như thế nào? Tôi hiện thực điều này như thế nào?" Khi quý vị quán sát năng lực hiện tại của quý vị để giúp đở người khác, thì quý vị thấy rằng nó giới hạn. Nếu quý vị không thể tự săn sóc chính quý vị, thế thì sẽ rất khó khăn để giúp đở người khác. Tây Tạng có câu rằng, "Bị té trên đất, bạn không thể giúp đở người khác đứng dậy". Mục tiêu cuối cùng của quý vị là để đem lợi ích đến cho người khác, nhưng như một phương tiện để làm được như vậy thì quý vị phải đạt đến Giác Ngộ.
Nhưng điều này có thể chứ? Không thích hợp để tiến hành trên căn bản của một nhận định ngu ngơ rằng Giác Ngộ là có thể. Quý vị cần một sự tự tin thật sự rằng Giác Ngộ có thể sinh khởi trong dòng suối tâm của quý vị. Có được sự tự tin này đòi hỏi một sự phân tích sâu sắc. Trước nhất, quý vị phải thấy rằng thật có thể đạt đến giải thoát. Quý vị phải đi đến tại một niềm tin vững vàng rằng các phiền não có thể chấm dứt, rằng có một sự ngừng dứt chân thật (diệt đế). Rồi thì, bằng sự mở rộng, quý vị phải nhận ra rằng ngay cả những thiên hướng vi tế bị gây ra bởi những phiền não này thì chúng có thể được tẩy sạch. Đây là vấn đề quý vị đi đến biết rằng quý vị thật sự có thể đạt đến Quả Phật.
Cảm nhận của chính tôi là một sự thấu hiểu sâu sắc về khả năng của sự Giác Ngộ tròn vẹn đòi hỏi nhận thức của tantra yoga tối thượng (vô thượng du già). Điều này cho phép chúng ta thấy thức là có nhiều trình độ khác nhau, chúng ta có thể thấy rằng toàn tri toàn giác hoàn toàn là có thể trên căn bản của một trình độ rất vi tế của thức (alaya). Đại Thừa trình bày Quả Phật trong dạng thức của bốn hiện thân[4] thật sự rõ ràng khi chúng ta xem xét trong dạng thức của tantra yoga tối thượng dạy về tâm thức căn bản, bẩm sinh của tịnh quang (linh quang). Không có nhận thức ấy, tôi nghĩ rằng khái niệm Quả Phật trong dạng thức của bốn hiện thân là  hơi mơ hồ.
Ở đây chúng ta thấy tại sao nói rằng trong việc phát triển tuệ trí của tinh thần Giác Ngộ là những gì trực tiếp hướng đến Giác Ngộ. Ở trên, chúng ta nói về tuyên bố của Long Thọ rằng, "Bằng phương tiện của tánh không các khái niệm hóa được tĩnh lặng" là điều có thể được hiểu là, "Trong tánh không, những khái niệm sai lầm bị tan biến và tĩnh lặng". Khi quý vị thật sự biết giải thoát và Giác Ngộ là gì, sau đó, nguyện ước để đem lợi ích đến cho người khác, thì quý vị có thể phát triển tinh thần Giác Ngộ, một nguyện vọng chân thành để đạt đến Giác Ngộ.

Hoán Đổi Tự Thân Và Người Khác
Trong sự thực tập này, trước nhất quý vị trau dồi một cảm nhận mạnh mẽ về tính bình đẳng của tự thân và người khác; rồi thì quý vị quán chiếu những bất lợi của tính vị kỷ và sau đó là những thuận lợi của việc yêu mến người khác và hành động vì lợi ích của người khác. Trên căn bản ấy quý vị dấn thân trong sự rèn luyện thật sự trong việc hoán đổi tự thân và người khác. Rồi thì quý vị theo điều này bằng việc thực hành thiền quán gọi là "cho và nhận" (tonglen). Nguồn gốc cho điều này là Hướng dẫn lối sống Bồ tát của Tịch Thiên, như tôi đã nói, có thể nhớ lại thế kỷ thứ 8, theo như việc trau dồi phương pháp hoán đổi tự thân với người khác được quan tâm, luận điển của Tịch Thiên từ thế kỷ thứ 8 vẫn được xem là tuyệt vời nhất. Khi việc rèn luyên tinh thần này hướng đến một kinh nghiệm cá nhân chân thành nào đó, rồi thì nhằm để làm ổn định sự thực chứng ấy, quý vị tham gia một nghi lễ để củng cố sự phát sinh tinh thần Giác Ngộ này.

Thọ Nhận Tinh Thần Giác Ngộ
Hôm nay, chúng ta sẽ có nghi thức cho việc thọ nhận tinh thần Giác Ngộ.
Trong Tâm Kinh Bát Nhã Đức Phật nói rằng tất cả chư Phật quá khứ, tất cả chư Phật hiện tại, và tất cả chư Phật tương lai đạt đến hay sẽ đạt đến Giác Ngộ bằng việc dấn thân thực hành trong tuệ trí hoàn thiện[5] (bát nhã ba la mật). Thế nên chúng ta biết rằng chính kinh điển nói rằng tuệ trí hoàn thiện sẽ dẫn hành giả đạt đến Quả Phật tròn vẹn. Tuệ trí hoàn thiện là một thực chứng trực tiếp tánh không, từ trong ấy tuệ trí được hoàn thành bởi tinh thần Giác Ngộ - hay tâm bồ đề. Thế nên, chúng ta không thể đạt đến Quả Phật mà không có tinh thần Giác Ngộ; điều ấy là thiết yếu. Tuệ trí hiểu biết tánh không là nguyên nhân phổ thông cho việc đạt đến ba loại Giác Ngộ: Giác Ngộ của hàng môn đệ, Giác Ngộ của hàng độc giác, và Giác Ngộ toàn hảo của Quả Phật[6]. Tuy nhiên, tinh thần Giác Ngộ là điều kiện đặc biệt cho việc đạt đến Quả Phật.  Quý vị phải có tinh thần Giác Ngộ, cùng với tuệ trí, để trở thành một vị Phật (2:18-18).
Hầu hết chúng ta có một sự thấu hiểu tri thức về tinh thần Giác Ngộ. Bây giờ chúng ta đem ý tưởng ấy vào tâm và phát triển một cảm nhận nào đó với nó. Khi chúng ta có một cảm nhận thật sự, một kinh nghiệm sinh khởi từ nhận thức, rồi thì chúng ta có thể phát triển xa hơn và xa  hơn. Một phương pháp để củng cố nguyện vọng Giác Ngộ là tham gia một nghi thức làm cho nó vững vàng, cho phép nó nắm giữ trong tâm. Trong Đại Luận (2:61-68) Tông Khách Ba trình bày nghi thức này trong một hình thức bao quát rõ rệt, như nó xuất hiện trong Những Trình Độ Bồ Tát của Vô Trước. Vì không phải tất cả chúng ta đều có quyển sách này, cho nên chúng ta sẽ thực hiện nghi lễ bằng việc lập lại ba kệ tụng mà tôi sử dụng thường lệ.

Chuẩn Bị
Trước nhất, trước mặt quý vị là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, như một nhân vật sống, chung quanh là chư vị Bồ tát. Chư Bồ tát xuất hiện trong hình thức những bổn tôn như Quán Thế Âm, Văn Thù Sư Lợi, Di Lặc và Phổ Hiền. Sau đó, quan trọng nhất là quán tưởng tất cả những đại đạo sư của Na Lan Đà, kể cả Long Thọ, Vô Trước, Thánh Thiên, và Thế Thân. Tưởng tượng ở đấy với những luận điển của Long Thọ mà chúng ta vẫn có thể học hỏi và quán chiếu, cùng với những tác phẩm của Vô Trước. Điều này đem đến sinh lực. Rồi thì quán tưởng Tịch Hộ, Liên Hoa Giới, và những bậc thầy trong dòng truyền thừa ấy, cũng như những đại đạo sư Tây Tạng thừa kế. Những anh chị em Trung Hoa sẽ quán tưởng dòng truyền thừa của chính quý vị, cũng như những anh chị em Nhật Bản và Việt Nam, cuối cùng tất cả cũng cùng dòng truyền thừa đến từ Đức Phật qua Long Thọ. Đối với những hành giả Theravada, dòng truyền thừa đến từ Đức Phật qua Ca Diếp, Tu Bồ Đề, và A Nan Đà, những đệ tử chính của Đức Phật.
Rồi thì thực hành bảy điều quán nguyện[7]. Trước nhất, hãy nhớ lại và đem vào tâm thức tất cả những phẩm chất Giác Ngộ từ thân thể, lời nói, và tâm ý của toàn thể chúng hội mà quý vị đã quán tưởng, một cách đặc biệt những phẩm chất của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Quán chiếu trên những phẩm chất này, một cách đặc biệt phẩm chất có tinh thần Giác Ngộ - một tâm thức yêu mến lợi ích của người khác hơn lợi ích của chính mình - và phẩm chất bổ sung có tri thức trực tiếp về tánh không, phương thức cứu kính hiện hữu của tất cả mọi hiện tượng. Những bậc mà quý vị quán tưởng là hiện thân của trí tuệ thấm nhuần tinh túy của bi mẫn. Khi quý vị đem những phẩm chất này vào tâm thức, hãy đảnh lễ phủ phục đối với các ngài.
Rồi thì cúng dường. Hãy tưởng tượng việc cúng dường đến chúng hội mà quý vị đã quán tưởng. Cúng dường mọi thứ mà quý vị sở hữu cũng như mọi thứ khác trên thế gian không phải là sở hữu của người khác. Cúng dường toàn bộ sự hiện hữu của quý vị để phụng sự chư Phật và chư Bồ tát, những hữu tình ngay từ đầu đã dâng hiến đời sống của họ để đem lợi ích cho vô lượng chúng sanh. Tự cúng dường, kiên quyết trong, "Con cúng dường chính mình vì thế con có thể cống hiến đến sự hoàn thành những nguyện vọng của chư Phật và chư Bồ tát này". Cũng thế hãy tưởng tượng việc cúng dường đến tất cả chư Phật và chư Bồ tát bất cứ hành vi đạo đức nào mà quý vị có thể đã làm. Một cách đặc biệt cúng dường bất cứ đức hạnh nào mà quý vị có thể đã phát triển trên căn bản của sự thấu hiểu ngay cả sơ đẳng nhất về khái niệm tinh thần Giác Ngộ hay tánh không. Đây là sự cúng dường quan trọng nhất. Hãy cúng dường chính sự thực hành và thực chứng của quý vị.
Tiếp theo, bày tỏ và tịnh hóa tất cả những hành vi mà quý vị có thể đã làm đã tổn hại những chúng sanh khác. Một cách đặc biệt sám hối những hành động đã bị thúc đẩy bởi tính vị kỷ, và thái độ không biết đến lợi ích và quan tâm của những chúng sanh khác. Tính lãng quên lợi ích của người khác có thể dẫn đến tất cả mọi loại hành vi tổn hại. Nêu lên những hành vi này và tịnh hóa chúng từ chiều sâu của trái tim.
Rồi thì, đem vào tâm thức tất cả những phẩm chất Giác Ngộ diệu kỳ từ thân thể, lời nói, và tâm ý của chư Phật và chư Bồ tát. Hãy trau dồi một cảm nhận ngưỡng mộ sâu xa đối với các ngài. Hoan hỉ và ngưỡng mộ những việc đức hạnh và lương thiện mà những chúng sanh khác đang làm và đã làm, kể cả từ ái và bi mẫn, và những hành vi vị tha của cả những người Phật tử lẫn không Phật tử. Cũng thế, hãy nhớ lại những hành vi đức hạnh mà chính quý vị đã thực hiện như một kết quả của việc trau dồi lòng từ ái hoặc là tinh thần Giác Ngộ, hay sau thời hành thiền về tánh không, hay khác hơn như một sự chuẩn bị cho những thứ này. Đem vào tâm thức tất cả những đức hạnh của thân thể, lời nói, và tâm ý mà quý vị có thể có, hãy trau dồi một cảm nhận hoan hỉ sâu xa trong chúng.
Rồi thì hãy thỉnh cầu chư Phật và chư Bồ tát - một cách đặc biệt chư Phật - chuyển bánh xe Pháp, giáo hóa thích ứng với nhu cầu và thiên hướng tinh thần và năng lực của những chúng sanh khác nhau. Hãy thỉnh cầu chư Phật đừng nhập niết bàn rốt ráo, mà hãy tiếp tục hiện diện.
Cuối cùng, hồi hướng tất cả những công đức và nghiệp lành đối với việc đạt đến Quả Phật vì lợi ích của tất cả chúng sanh. Hãy thực hành bảy điều quán nguyện trong cách này (tương tự như 10 nguyện Phổ Hiền).

Nghi Thức Thật Sự
Để bắt đầu nghi thức thật sự cho việc phát sinh tinh thần Giác Ngộ - hay phát tâm bồ đề - hãy đem vào tâm thức và quán chiếu những gì Tịch Thiên đã nói trong Hướng Dẫn Lối Sống Bồ Tát:
Bất cứ điều hạnh phúc nào có trên thế gian
Đến từ nguyện ước vì hạnh phúc cho người khác.
Bất cứ vấn nạn nào có trên thế gian
Đến từ khát vọng vị kỷ.
Điều gì nữa ở đấy để nói?
Chỉ nhìn vào sự khác biệt giữa
Những người bình thường, yêu mến lợi ích của chính họ
Và hiền nhân, người hành động vì lợi ích của người khác[8].
Để tóm tắt, sau đó Tịch Thiên nói:
Nếu con không hoán đổi một cách chân thành
hạnh phúc của chính con cho khổ đau của người khác,
Con sẽ không đạt đến Quả Phật
Và ngay cả sẽ không thấy niềm vui trong thế gian này.
Cho dù chúng ta quan tâm đến mục tiêu tối hậu của chúng ta, niết bàn, hay chỉ sự tồn tại hàng ngày của chúng ta, thì điều quý giá nhất trên thế gian là tinh thần Giác Ngộ trân bảo này. Nó là điều gì đấy mà chỉ những con người thông tuệ mới có thể thật sự phát triển - và ngay bây giờ chúng ta có một đời sống của loài người. Thế nên hãy quyết tâm để làm cho đời sống con người có mục đích, đầy đủ ý nghĩa. Không có cách nào hiệu quả hơn để làm điều này hơn là việc trau dồi tinh thần Giác Ngộ - tâm bồ đề. Trong Hướng Dẫn Lối Sống Bồ tát, Tịch Thiên nói rằng chư Phật, những bậc đã quán chiếu trong nhiều vô số kiếp đã thấy rằng đây là việc lợi lạc nhất để làm[9].
Bây giờ hãy thiết lập một sự quyết tâm rõ ràng rằng từ bây giờ trở đi quý vị sẽ thực hành thái độ này để hổ trợ người khác. Căn cứ trên thái độ ấy, bất cứ khi nào có thể, hãy giúp đở người khác; khi không thể, thì tối thiểu kềm chế không làm tổn hại người khác. Hãy quyết định làm việc này không chỉ trong kiếp sống này, mà từ kiếp này đến kiếp khác, từ vô lượng kiếp này đến vô lượng kiếp khác. Hãy nghĩ, "Tôi quyết định giữ gìn sự thực hành trong cách này".
Tự tôi thật sự thực hành cách này một cách tối đa mà tôi có thể. Nó thật sự đem đến cho tôi niềm  hoan hỉ mênh mang, niềm hạnh phúc mênh mang. Nó cho rất nhiều sức mạnh nội tại. Và đây là sự cúng dường tốt nhất đến Đức Phật. Đấy không chỉ là sự cúng dường đến Đức Phật, mà là một sự cúng dường đến tất cả chúng sanh.
Bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau đọc lại ba kệ tụng này, lập lại ba lần:
Với nguyện ước giải thoát tất cả chúng sanh
Con sẽ luôn luôn quy y
Trong Phật, Pháp và Tăng
Cho đến khi đạt Giác Ngộ tròn vẹn.
Đầy nhiệt tình bởi tuệ trí và bi mẫn,
Hôm nay trong sự hiện diện của Đức Phật
Con phát tâm bồ đề
Vì lợi ích của tất cả chúng sanh.
Cho đến khi không gian còn hiện hữu,
Cho đến khi chúng sanh còn hiện diện,
Cho đến lúc ấy con cũng nguyện sẽ tồn tại
Để xua tan khổ não của thế gian[10].
Trực tiếp trên việc phát sinh tinh thần Giác Ngộ trong cách này, Tịch Thiên nói:
Hôm nay cuộc sống của con có ý nghĩa.
Đạt được sự hiện hữu của con người.
Con bây giờ được sinh ra trong gia đình của chư Phật.
Con đã trở thành một đứa con của chư Phật[11].
Và ngài thêm:
Từ bây giờ trở đi con chỉ thực hiện những hành vi
Phù hợp với gia đình này.
Không bao giờ làm hổ thẹn hay ô nhiễm
Dòng truyền thừa tinh khiết và tôn quý này.
***
Trích từ quyển "From Here To Enlightenment"
Ẩn Tâm Lộ, Thursday, June 26, 2014





[1] Xem bản dịch của Thurman.
[2] Xem chương 5 và phần đầu của chương 7.
[3] Hướng dẫn lối sống của Bồ tát.
[4] Bốn thân: tự tánh thân, tuệ trí thân, báo thân, và hóa thân
[5] Xem Tinh Yếu Tâm Kinh của Đức Đạt Lai Lạt Ma
[6] Môn đệ hay hàng thanh văn, liên hệ đến những người tìm sự hòa bình cho chính họ bằng việc lắng nghe và tuân theo giáo huấn của Đức Phật. Tự Giác Ngộ hay độc giác liên hệ đến những người tìm hòa bình một cách chính yếu cho họ qua sự thực hành đơn độc. Cả hai đi theo những con đường không phải Bồ tát đạo và đạt đến Giác Ngộ như những vị a la hán trong một sự hòa bình thậm thâm (niết bàn) đấy không phải là sự Giác Ngộ tròn vẹn của một vị Phật.
[7] Xem chú thích 90.
[8] Kệ 60 trong 60 Kệ Tụng Lý Trí.
[9] Điều này liên hệ trong Hướng Dẫn Lối Sống Của Bồ Tát.
[10] Lời cầu nguyện truyền thống từ Hướng Dẫn Lối Sống Của Bồ Tát.
[11] Từ Hướng Dẫn Lối Sống Của Bồ Tát.

3 nhận xét: