Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2025

LƯƠNG TRI ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO VÀ NHỮNG HỆ QUẢ CỦA SỰ THÔNG MINH NHÂN TẠO

 


LƯƠNG TRI ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO VÀ NHỮNG HỆ QUẢ CỦA SỰ THÔNG MINH NHÂN TẠO

 

Nguyên tác: Buddhist Moral Conscience and Artificial Intelligence Consequences
Tác giả: Prof. Rajjan Kumar / Dr. Sunita Kumari / Anugya Mishra 
Việt dịch: Quảng Cơ
Sưu tập & hiệu đính: Tuệ Uyển 

—-

Giáo lý nền tảng của Phật giáo, được thể hiện trong Tứ diệu đế, là sự căng thẳng và bất hạnh của cuộc sống (khổ đau: duhkkha) là do ham muốn và sự bám chấp vào bản ngã của chúng ta gây ra. Khái niệm “sự thông minh nhân tạo” (AI) được hiểu rộng rãi như bất kỳ loại hệ thống tính toán nhân tạo nào thể hiện hành vi thông minh, tức là hành vi phức tạp có lợi cho việc đạt được mục tiêu. Giao điểm này nhằm tìm cách thấu hiểu các khái niệm Phật giáo có thể cung cấp thông tin cho các lý thuyết khoa học và tiến bộ kỷ thuật trong thời đại của Sự thông minh nhân tạo như thế nào.

Những tiến bộ kỹ thuật số và ứng dụng thường xuyên của những phát minh công nghệ như vậy đã trở thành những công cụ hiệu quả nhất của Trí tuệ nhân tạo. Việc nhổ tận gốc các chất độc của lòng tham muốn (tham), lòng hận thù (sân) và ảo tưởng (si) thể hiện chúng dưới hình thức tích cực hơn với lòng từ bi và trí tuệ có thể dẫn đến một xã hội hòa bình và hài hòa hơn. Điều này sẽ giúp phát triển trong lĩnh vực mới nổi tại giao điểm của các hiểu biết đa ngành trong ứng dụng.

Từ Khóa

Ahimsa (bất bạo động), bodhisattva (Bồ tát), daya (thông cảm), duhkkha (khổ đau), karuna (bi mẫn), maitri (từ ái)

Giới Thiệu 

Phật giáo là nền tảng của trí tuệ và thông minh cổ xưa, đầy đủ lương tâm đạo đức và luân lý. Đó là cách sống có hòa bình, tĩnh lặng và chánh niệm. Đó là giải pháp và tìm kiếm những tính chất đau khổ và thời lưu, cả về tinh thần và thể chất. Trí tuệ nhân tạo (AI) là phát minh của sự tiến bộ khoa học và công nghệ của máy học (1). Cuộc sống trở nên dễ dàng và thoải mái nhờ ứng dụng AI. 

Ngày nay, AI được hiểu là bất kỳ loại hệ thống tính toán nhân tạo nào thể hiện hành vi thông minh, tức là hành vi phức tạp có lợi cho việc đạt được mục tiêu. Bây giờ câu hỏi đặt ra là AI có thể cải thiện Triết học, Trí tuệ và Lương tâm đạo đức Phật giáo không? Chúng ta có thể trả lời là Công nghệ có thể dễ dàng thúc đẩy việc truyền bá triết học Phật giáo, trí tuệ và trong khi lĩnh vực AI đang phát triển cũng có thể tránh được sự thiên vị tiềm ẩn của kỹ thuật bằng cách lấy triết học đạo lý Phật giáo làm cơ sở đạo đức.

Phật Giáo, Tâm Linh Và Khoa Học 

Khoa học và tâm linh song hành cùng nhau. Cả hai đều cần thiết cho sự phát triển toàn diện của nhân loại và cát tường của vũ trụ. Cả hai đều cần kiểm tra và cân bằng lẫn nhau giữa sự khập khiễng và mù quáng. Khoa học là biểu tượng của tiến trình hữu hình và vật chất trong khi tâm linh có nghĩa là sức mạnh vô hình và phi vật chất. Sự thông minh nhân tạo (AI) là một sáng kiến ​​và phát minh của khoa học kỹ thuật trong khi Phật giáo là một trí tuệ cổ xưa tràn đầy tâm linh và trí tuệ của những bậc thông tuệ tiên tri. Sự kết hợp AI vào sự cô đọng về đạo đức của Phật giáo là một ví dụ thích hợp về sự gắn kết của khoa học và tâm linh vì mục đích phát triển một thế giới và một gia đình hòa bình, vui tươi, đầy ước mơ và bền vững với lý tưởng “phúc lợi cho số đông, hạnh phúc cho số đông” (bahujana hitaya bahujana sukhaya).

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Phật giáo và khoa học là chủ đề thảo luận và tranh luận đương đại giữa những người theo đạo Phật và các nhà khoa học. Về mặt lịch sử, Phật giáo bao gồm nhiều loại tín ngưỡng, truyền thống và thực hành, vì vậy rất khó để khẳng định bất kỳ hình thức “Phật giáo" đơn độc nào liên quan đến khoa học. Tương tự như vậy, vấn đề "khoa học" ám chỉ điều gì vẫn là chủ đề tranh luận và không có quan điểm duy nhất nào về vấn đề này. Những người so sánh khoa học với Phật giáo có thể sử dụng "khoa học" để chỉ "một phương pháp thẩm tra đúng mức và hợp lý" hoặc có thể ám chỉ các lý thuyết, phương pháp hoặc kỷ thuật khoa học cụ thể. Mặc dù vậy, cả khoa học và Phật giáo đều có điểm chung là không có đấng tạo hóa. Trong khoa học, lý thuyết bảo toàn vật chất và năng lượng (2) tuyên bố rằng vật chất và năng lượng không thể được tạo ra hay phá hủy, chỉ có thể chuyển hóa (từ dạng này sang dạng khác). Những người theo đạo Phật cũng hoàn toàn đồng ý và mở rộng nguyên tắc này sang cả tâm thức.(3)

Phật giáo có phải là một loại tôn giáo có các thực hành tôn giáo giữ lại sự đúng mực về mặt tâm linh, an toàn,  tĩnh lặng và lành mạnh cho nhân loại không? Phật giáo chắc chắn có rất nhiều thực hành và nguyên tắc; bất kỳ ai cũng có thể nghiên cứu toàn thời gian trong suốt cuộc đời và không bao giờ hết được. Phật giáo cũng mang tính tâm linh theo nghĩa là nó nhấn mạnh rằng hành vi đạo đức không phải là tùy chọn nếu một người muốn tránh gây ra đau khổ cho bản thân và người khác - nhưng mặt khác, người ta thật sự có thể coi đó là một quan sát khá khách quan, một quan sát có ý nghĩa ngay cả trong bối cảnh thế tục. Sự thật này không thật sự làm cho Phật giáo trở thành tôn giáo, tâm linh hay thế tục. Nó thuận tiện và hữu ích cho tất cả các môn khoa học và khám phá khoa học. 

Bắt đầu từ thế kỷ XIX và tiếp tục cho đến ngày nay, cả Phật tử và những người ngưỡng mộ Phật giáo đều tuyên bố sự tương thích của Phật giáo và khoa học. Một trong những kết luận mà cả khoa học và Phật giáo đều đạt được là không có đấng tạo hóa. Trong khoa học, lý thuyết bảo toàn vật chất và năng lượng nêu rằng vật chất và năng lượng không thể được tạo ra hay phá hủy, chỉ có thể chuyển đổi. Phật tử hoàn toàn đồng ý và mở rộng nguyên tắc này đến cả tâm thức. Trí tuệ từ tâm linh Phật giáo mở ra cho tất cả mọi người và bất kỳ người bình thường nào cũng có thể thực hành để đạt được sự tiến bộ về mặt tâm linh. Các thực hành cơ bản tâm linh Phật giáo tập trung vào việc làm giàu cho tâm thức và đạt được sự cân bằng hoàn hảo với thân thể. Nhiều thực hành khác nhau để theo đuổi tâm linh Phật giáo được coi là một cách sống tâm linh và khoa học. Do đó, tâm linh Phật giáo thường hướng đến việc thông hiểu những nghịch lý sinh tồn cơ bản. Niềm tin tôn giáo cho đến thời điểm đó nhấn mạnh quá nhiều vào sự ăn năn dựa trên các nghi lễ do các thầy tế lễ cao cấp quy định. Nó chia rẽ toàn bộ xã hội dựa trên đẳng cấp, thường là gạt ra ngoài lề những người nghèo. 

Khoa học tâm linh (Spirituality of Science) dự đoán các biện pháp về hạnh phúc và ý nghĩa trong cuộc sống, song song với những tác động tích cực của tôn giáo thường thấy ở những người theo đạo. Công trình này không chỉ đóng góp vào sự hiểu biết hiện tại của chúng ta về thái độ khoa học mà còn vào sự hiểu biết chung của chúng ta về tâm linh. Nếu tâm linh có thể được trải nghiệm thông qua khoa học, điều này mang lại những hàm ý tích cực tiềm tàng. Khi thảo luận về các trường hợp tích hợp giữa AI và Phật giáo, biểu hiện rõ ràng nhất của sự kết hợp giữa AI và Phật giáo là việc tạo ra các nhà sư robot hoặc các vị bồ tát AI.

Phật Giáo, Ý Thức Đạo Đức Và Luân Lý 

Đạo đức là một nhánh của triết học “bao gồm việc hệ thống hóa, bảo vệ và khuyến nghị các khái niệm về hành vi đúng và sai. Đạo đức có thể là một tập hợp các tiêu chuẩn hoặc nguyên tắc bắt nguồn từ một quy tắc ứng xử của một triết lý, tôn giáo hoặc văn hóa cụ thể. Đạo đức chính xác hơn có thể đề cập đến nghiên cứu triết học của các khái niệm về đúng và sai về mặt đạo đức và tốt và xấu về mặt đạo đức, đối với bất kỳ lý thuyết triết học nào về điều gì là đúng và sai về mặt đạo đức hoặc tốt và xấu về mặt đạo đức, và đối với bất kỳ hệ thống hoặc quy tắc, nguyên tắc hoặc giá trị đạo đức nào. Đạo đức Phật giáo theo truyền thống dựa trên quan điểm giác ngộ của Đức Phật.

Nguồn gốc phổ quát cho đạo đức Phật giáo là Tam Bảo tức là Phật, Pháp và Tăng. Đức Phật được coi là người khởi xướng tri ​​thức giải thoát và do đó là vị thầy hàng đầu. Pháp vừa là lời dạy về con đường Đức Phật vừa là chân lý của những lời dạy này. Tăng là cộng đồng của những bậc cao quý (ariya) thực hành Giáo pháp và đã đạt được một số tri thức, và do đó có thể hướng dẫn và bảo tồn giáo lý. Có sự hiểu biết đúng đắn về những lời dạy của Phật là điều cần thiết cho hành vi đạo đức đúng đắn. Đức Phật đã dạy rằng chánh kiến, còn được gọi là ý định đúng đắn và hành động đúng đắn, và là điều kiện tiên quyết cần thiết cho hành vi đúng đắn.

Trong Phật giáo, đạo đức hoặc luân lý được hiểu bằng thuật ngữ śīla - sīla (Pali) hay giới - phẩm hạnh. Śīla là một trong ba phần của Bát Chánh Đạo (đúng ra là tam vô lậu học: giới-định-tuệ). Đây là một quy tắc ứng xử mô phỏng bản chất bẩm sinh tự nhiên bao gồm cam kết về sự hòa hợp, bình thản và tự điều chỉnh, chủ yếu được thúc đẩy bởi sự bất bạo động hoặc không gây tổn  hại. Nó đã được mô tả khác nhau là đức hạnh trong từng trường hợp . Kỷ luật đạo đức sự ngay thẳng và nhận thức, hành vi thiện xảo. Trái ngược với từ tiếng Anh "morality" (tức là sự vâng lời, ý thức về nghĩa vụ và sự ràng buộc bên ngoài), thì Sīla hay giới là quyết tâm kết nối với những gì được cho là phạm vi đạo đức bẩm sinh của chúng ta. Đây là một hành vi đạo đức có chủ đích được sàng lọc và làm rõ thông qua việc bước đi trên con đường hướng tới sự giải thoát.

Sīla là một trong ba pháp tu nền tảng của Phật giáo và Phong trào Vipassana phi giáo phái (Vipassanā=thiền quán=tuệ minh sát ), sīla (giới), Samadhi (định) và prajna (tuệ) cũng như nền tảng của sīla (giới), dana (bố thí) và bhavana (tu tâm). Đây cũng là ba la mật thứ hai (trong 6 ba la mật). Sīla là sự cam kết toàn tâm toàn ý với những gì lành mạnh phát triển theo kinh nghiệm thực hành. Hai khía cạnh của sīla là thiết yếu đối với quá trình rèn luyện: "thực hiện" đúng (caritta) và "tránh" đúng (varitta). Việc tôn trọng các giới luật của sīla được coi là "món quà lớn" (mahadana) cho người khác vì nó tạo ra bầu không khí tin tưởng, tôn trọng và an toàn. Điều đó có nghĩa là người thực hành không gây ra mối đe dọa nào đối với cuộc sống, gia đình, quyền lợi, phúc lợi hoặc tài sản của người khác. Các hướng dẫn đạo đức được đưa vào kinh điển Phật giáo hoặc được truyền lại qua truyền thống. Do đó, hầu hết các học giả về đạo đức Phật giáo đều dựa vào việc nghiên cứu Kinh điển Phật giáo và sử dụng bằng chứng nhân học từ các xã hội Phật giáo truyền thống để biện minh cho các tuyên bố về bản chất của đạo đức Phật giáo.

Phật giáo nhấn mạnh vào việc sống một cuộc sống đạo đức, và những lời dạy của Phật giáo dựa trên quy luật hài hòa của giáo Pháp. Đạo đức Phật giáo được quy định dưới dạng 10 giới luật, hay dasa-sīla, bao gồm: 

Bất bạo động: Không sát sinh, hay ahimsa 
Không trộm cắp: Không lấy những gì không được cho một cách tự nguyện 
Không lạm dụng các giác quan: Không đắm chìm quá mức vào thú vui xác thịt, bao gồm cả hành vi sai trái về tình dục 
Không nói lời sai trái: Không nói dối, nói xấu hoặc nói lời thô lỗ 
Không sử dụng chất gây nghiện: Không sử dụng ma túy hoặc rượu. 

Những lời dạy đạo đức khác của Phật giáo bao gồm:
 
Từ bi: Karuṇā, được nhấn mạnh bởi Mahāyāna (đại thừa)
Kỷ luật bản thân: Đặc biệt dành cho các tăng ni 
Bố thí: Dāna, có nghĩa là "ban cho" hoặc "bố thí" 

Tránh những hành động bắt nguồn từ lòng tham, lòng hận thù và sự si mê: Những hành động này có thể mang lại đau khổ cho người khác. Chúng ta có thể nói rằng đạo đức Phật giáo quan tâm nhiều hơn đến trạng thái chung của tâm thức hơn là các quy luật hoặc nguyên tắc cụ thể. Đó là về tác động của những hành động lành mạnh và không lành mạnh đối với tâm thức.

Lương Tâm Đạo Đức Phật Giáo, 

Logic và lý luận Phật giáo không yêu cầu điều đó. Chúng ta có thể thấy điều này từ định nghĩa của Phật giáo về những gì tồn tại. Những gì tồn tại được định nghĩa là "những gì có thể biết được". Nếu không thể biết được, thì nó không tồn tại, ví dụ như sừng thỏ, lông rùa hoặc môi gà. Chúng ta có thể tưởng tượng đôi môi người trên một con gà; chúng ta có thể tưởng tượng một bức vẽ hoạt hình về đôi môi trên một con gà; nhưng chúng ta không bao giờ có thể nhìn thấy đôi môi gà trên một con gà vì không có thứ gì như vậy. Nó không tồn tại vì nó không thể biết được. Điều này ngụ ý rằng mọi thứ tồn tại đều có thể biết được. Tâm trí của chúng ta - cụ thể là hoạt động tinh thần của chúng ta về nhận thức hiện tượng - có thể bao trùm mọi thứ. Có những câu nói trong kinh điển nói rằng tuyệt đối nằm ngoài tâm thức và ngoài lời nói. Trước hết, tôi không thích dịch thuật ngữ này là "tuyệt đối" trong tiếng Anh vì nó mang hàm ý rằng nó nằm ngoài chúng ta, như thể nó là thứ gì đó trên trời. Thay vào đó, tôi thích dịch nó là "sự thật sâu sắc nhất về mọi thứ". Sự thật sâu sắc nhất về mọi thứ thật sự tồn tại. Nó vượt ra ngoài tâm thức, vượt ra ngoài khái niệm và từ ngữ theo nghĩa là nó vượt ra ngoài cách chúng ta thường nhận thức mọi thứ.

Ngôn ngữ và khái niệm ngụ ý rằng mọi thứ tồn tại trong các phạm trù đen trắng. Người tốt, người xấu, kẻ ngốc và thiên tài – hàm ý của việc sử dụng ngôn ngữ là mọi thứ thật sự tồn tại trong các phạm trù độc lập, được xác định rõ ràng như vậy: "Đây là một người ngớ ngẩn. Anh ta không thể làm bất cứ điều gì đúng đắn." "Đây là một người tuyệt vời." Nhận thức thực tế là thấy rằng mọi thứ không tồn tại theo những cách tưởng tượng, không thể thế này, trong các phạm trù đen trắng. Mọi thứ cởi mở và năng động hơn. Một ai đó có thể không thể làm điều gì đó ngay bây giờ, nhưng điều đó không có nghĩa là người ấy hoàn toàn là một kẻ ngốc. Người đó có thể là nhiều thứ khác – một người bạn, một bậc cha mẹ, v.v.

Vì vậy, khi chúng ta nói rằng sự thật sâu sắc nhất về mọi thứ là chúng tồn tại theo cách vượt ra ngoài tâm trí và vượt ra ngoài ngôn từ, chúng ta đang ám chỉ đến sự thật rằng mọi thứ không tồn tại theo cách mà các khái niệm và ngôn ngữ ngụ ý. Tâm trí của chúng ta có khả năng bao hàm điều đó. Không phải là tâm trí của chúng ta không thể bao hàm một số thứ nhất định nên chúng ta phải có một bước nhảy vọt về niềm tin để tin vào chúng. Phật giáo không bao giờ đòi hỏi chúng ta phải có đức tin mù quáng. Ngược lại, Đức Phật đã nói, "Đừng tin những gì tôi nói chỉ vì tôn trọng tôi, mà hãy tự mình kiểm chứng, như thể bạn đang mua vàng vậy." Điều đó đúng ở mọi cấp độ. Logic của một điểm cụ thể có thể không hiển nhiên ngay lập tức đối với chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không bác bỏ một điều gì đó chỉ vì ban đầu chúng ta không hiểu nó. Bằng cách kiên nhẫn học hỏi và thẩm tra, một điều gì đó mà trước đây chúng ta không hiểu có thể bắt đầu có ý nghĩa.

Đạo Đức Phật Giáo Và  Những Hệ Quả Của Sự Thông Minh Nhân Tạo 

Phật giáo tập hợp triết lý và tôn giáo của các nhà thông thái và nhà tiên tri cổ xưa (4) nhấn mạnh đến sự giải thoát và hạnh phúc tinh thần, trong khi khoa học và công nghệ tập trung vào sự thoải mái về vật chất. Mục đích và đối tượng của các giáo thuyết và thực hành Phật giáo là cách áp dụng và bảo tồn tất cả chúng một cách hiệu quả và thiết thực với khoa học và công nghệ, đặc biệt là trong các lĩnh vực ý thức máy học hoặc trí tuệ nhân tạo và ý thức bản thân. Giao điểm này cũng tìm cách thấu hiểu cách các khái niệm Phật giáo có thể cung cấp thông tin cho các lý thuyết khoa học và tiến bộ công nghệ trong thời đại Trí tuệ nhân tạo. Những tiến bộ kỹ thuật số và ứng dụng thường xuyên của những phát minh công nghệ như vậy đã trở thành những công cụ hiệu quả nhất của AI. Sự hiện diện ảo và trải nghiệm làm việc khách quan là phương châm của kỷ nguyên AI. Các công cụ Phật pháp kỹ thuật số, chẳng hạn như thực tế ảo và thực tế tăng cường có thể tạo ra những trải nghiệm hoà nhập về các thực hành Phật giáo, giúp những người không thể trực tiếp tham gia có thể tiếp cận được. Nhiệm vụ nghiêm túc của chúng ta là nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thấu hiểu ý thức và sự liên quan của Phật giáo trong thời đại kỹ thuật số. Trong thế giới công nghệ tiên tiến hiện nay, mọi khía cạnh của cuộc sống con người đều gắn liền chặt chẽ với công nghệ, tức là ứng dụng thực tế của nghiên cứu và điều tra khoa học. Lợi ích của khoa học và công nghệ phụ thuộc vào cách con người sử dụng chúng, đạo đức và luân lý đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề được nêu ra.

Hệ thống Trí tuệ nhân tạo kết hợp với tâm lý học nhận thức là hướng nghiên cứu của trí tuệ nhân tạo. Tranh tường Phật giáo là một trường hợp để khám phá khả năng của công nghệ AI dựa trên học sâu được gọi là phương pháp học máy theo công trình liên quan đến AI. Công nghệ bền vững như chánh niệm đòi hỏi phải tu dưỡng. 

Mối quan hệ giữa khoa học, công nghệ và Phật giáo trên thực tế là mối quan hệ cộng sinh. Phật giáo, khoa học và công nghệ đã bổ sung cho nhau trong suốt chiều dài lịch sử. Việc nhổ tận gốc các chất độc của lòng tham muốn (tham), lòng hận thù (sân) và ảo tưởng (si) bằng cách thể hiện chúng dưới hình thức tích cực hơn bằng lòng từ bi và trí tuệ có thể dẫn đến một xã hội hòa bình và hòa hợp hơn. Sự ra đời của các cỗ máy thông minh nhân tạo có thể sánh ngang hoặc vượt qua khả năng của con người đặt ra một thách thức lớn đối với sự tự hiểu truyền thống của nhân loại là những tạo vật duy nhất có địa vị đạo đức cao nhất trên thế giới. Theo đó, tương lai của đạo đức AI là không thể đoán trước nhưng có khả năng mang lại sự hào hứng và bất ngờ đáng kể.

Kết Luận

Việc thực hiện đạo đức là rất quan trọng đối với các hệ thống AI vì nhiều lý do: cung cấp các hướng dẫn an toàn có thể ngăn ngừa rủi ro hiện hữu cho nhân loại, giải quyết mọi vấn đề liên quan đến sự thiên vị, xây dựng các hệ thống AI thân thiện sẽ áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức của chúng ta và giúp nhân loại thịnh vượng và sẽ giúp phát triển trong lĩnh vực mới nổi tại giao điểm của các hiểu biết đa ngành trong ứng dụng

***

https://www.academia.edu/126290570/Buddhist_Moral_Conscience_and_Artificial_Intelligence_Consequences

(1)Học máy hay máy học (machine learning) là một lĩnh vực của trí tuệ nhân tạo liên quan đến việc nghiên cứu và xây dựng các kĩ thuật cho phép các hệ thống "học" tự động từ dữ liệu để giải quyết những vấn đề cụ thể. 

https://vi.m.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%8Dc_máy

(2) định luật bảo toàn năng lượng vật chất: Ý nghĩa của nó là năng lượng không thể được tạo ra cũng như không thể bị phá hủy; thay vào đó, nó chỉ có thể được biến đổi từ dạng này sang dạng khác hoặc chuyển đổi từ vật này sang vật khác (hoặc cả hai).

https://vi.m.wikipedia.org/wiki/Bảo_toàn_năng_lượng

(3)định luật bảo toàn năng lượng tâm linh : một số nhà Phật học cho rằng quy luật nhân quả luân hồi là một dạng của định luật bảo toàn năng lượng tâm linh.

(4)Đức Phật và các bậc tôn giả chứng ngộ.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét