Nguyên
bản: Environment/Symbols/Posture/Breathing
Tác giả:
Đức Đạt Lai Lạt Ma
Biên tập: Rajiv Mehrotra
Việt dịch: Quảng Cơ
Hiệu đính: Tuệ Uyển
***
Đối với người mới bắt đầu, địa điểm khá quan
trọng. Khi chúng ta đã phát triển một số trải nghiệm nhất định, thì các yếu tố
bên ngoài có rất ít tác động. Nhưng nói chung, địa điểm thiền định phải yên
tĩnh.
Khi chúng ta thiền định về sự tập trung của tâm
trí, thì chúng ta cần một nơi hoàn toàn biệt lập, một nơi không có tiếng ồn.
Điều đó rất quan trọng. Sau đó, đối với một số bài tập yoga, độ cao cũng tạo
nên sự khác biệt. Độ cao càng cao thì càng tốt; núi cao là nơi tốt nhất.
Ngoài ra, có những địa điểm mà những thiền giả
giàu kinh nghiệm đã từng sống trước đây, và do đó đã ban phước và truyền năng
lượng cho địa điểm đó. Vì vậy, sau đó, những người ít kinh nghiệm hơn sẽ được
truyền cảm hứng từ địa điểm đó, nhận được rung động hoặc phước lành từ địa điểm
đó. Đầu tiên, một người phát triển cao sẽ ban phước cho địa điểm đó, và sau đó
những phước lành này được truyền đến những thiền giả khác.
Khi chúng ta dọn dẹp và sắp xếp lại căn phòng,
mong muốn của chúng ta không chỉ là có một nơi sạch sẽ, mà còn là để sắp xếp
lại tâm trí của mình. Khi sau đó chúng ta hình dung các vị bổn tôn, cúng dường
và trì tụng mật ngôn, thì giống như chúng ta đã chuẩn bị để tiếp đón những vị
khách quan trọng. Khi chúng ta mong đợi một vị khách được mời, thì trước tiên
chúng ta phải dọn dẹp và sắp xếp. Thật không hay khi mời một vị khách đến một
nơi bừa bộn. Để thực hành thiền định, trước tiên hãy dọn dẹp phòng của bạn.
Mong muốn thực hiện của bạn không nên bị ô nhiễm bởi các trạng thái tâm trí
tiêu cực như chấp trước, ác cảm hoặc các thái độ tương tự.
Có một câu chuyện về một trong những thiền giả
vĩ đại ở Tây Tạng. Một ngày nọ ông
sắp xếp lễ vật của mình rất cẩn thận, rồi ông
ngồi xuống và nghĩ, "Tại sao mình lại làm thế?"
Ông nhận ra rằng mình đã làm như vậy vì muốn gây
ấn tượng với một trong những ân nhân của mình, người sẽ đến thăm ông vào ngày
hôm đó. Ông rất chán ghét động lực ô uế của mình đến nỗi ông đã lấy một nắm bụi
và ném lên lễ vật.
Người thiền định này đã từng là một tên trộm.
Thỉnh thoảng ông vẫn bị thôi thúc bởi ham muốn trộm cắp. Khi ông đến thăm một
gia đình nào đó, tay phải của ông tự động đưa đến một vật đẹp. Ông bắt lấy nó
bằng tay trái và gọi, "Đây là một tên trộm, đây là một tên trộm." Ông
có thể tự rèn luyện theo cách này. Đây thật sự là một cách thực hành rất hiệu
quả, bởi vì ông đã thực hiện đúng điều mình muốn ở mọi khoảnh khắc.
Tương tự như vậy, khi chúng ta dọn dẹp hoặc
chuẩn bị một số thứ, động lực của chúng ta phải trong sáng và chân thành. Những
mối quan tâm thế gian nên ít liên quan nhất có thể.
Sau đó, cách sắp xếp các đối tượng quy y khác
nhau trên bàn thờ được giải thích (trong văn bản). Nếu bạn có đủ khả năng để có
tất cả các vật phẩm tôn giáo cần thiết, thì bạn nên trưng bày chúng. Nếu bạn
không đủ khả năng để có chúng, thì cũng không sao. Thiền giả vĩ đại của Tây
Tạng, yogi Milarepa, không có gì ngoài một số cuộn giấy chứa những chỉ dẫn của
thầy Marpa, mà ông đã đặt xung quanh hang động. Ông không có gì trong hang động
của mình, nhưng một đêm nọ, một tên trộm đã đột nhập vào. Milarepa cười và nói,
"Vì ta không thể tìm thấy bất cứ thứ gì ở đây vào ban ngày, vậy thì ngươi
sẽ tìm thấy gì vào ban đêm?" Người ta nói rằng một thiền giả thật sự không
bao giờ cảm thấy thiếu vật chất bên ngoài.
*Biểu
Tượng Của Sự Quy Y
.Tượng Phật.
Thuật ngữ tiếng Phạn "Phật" chỉ một
chúng sinh có tâm trí được thanh lọc khỏi những lỗi lầm và những chứng ngộ của
người đó đã phát triển hoàn toàn.
Phật còn được gọi là Như Lai (Tathagatha), là
bậc đã thể nhập vào bản chất của sự giác ngộ và là bậc đã xuất hiện từ đó.
Khi giải thích ý nghĩa của một người nào đó phát
sinh từ na see của chân như thì người ta sẽ đi đến chủ đề về ba thân của một
Pháp thân (Dharmakaya), Báo Thân (thân Thọ dụng Toàn vẹn - Sambogakaya) và Hóa
thân (Nirmanakaya).
Những giải thích chi tiết về ba thân của chư
Phật có thể được đưa vào trong toàn bộ văn học Đại thừa.
Theo giáo lý này, khi Đức Phật thị hiện vào thế
giới này, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thể hiện Hóa thân (Nirmanakaya) từ Pháp
thân (Dharmakaya). Tại đây, tất cả các sự kiện lớn trong cuộc đời của Đức Phật,
bắt đầu từ khi thụ thai trong bụng mẹ cho đến khi nhập Niết bàn, đều được coi
là những sự kiện quan trọng của Đức Phật.
Các Đức Phật cũng được gọi là Thiện Thệ (Khéo
Vượt Qua-Sugata), những bậc đã thể nhập diệu lạc, những bậc đã đi trên con
đường diệu lạc vào thể trạng diệu lạc. Thuật ngữ này bao gồm những sự chứng ngộ
an lạc, sự viễn ly an lạc hoặc sự chấm dứt và Phật tính, tinh hoa của Phật Đà,
theo giáo lý Phật giáo, vốn có trong tất cả chúng sinh
Nói chung, thân, lời và tâm ý của Đức Phật được
giải thích có những biểu hiện khác nhau: thân là Quán Thế Âm, lời nói là Văn
Thù và tâm ý là Kim Cang Thủ. Quán Thế Âm, Văn Thù và Kim Cang Thủ được giải
thích là hiện thân của lòng từ bi, trí tuệ và năng lượng của Đức Phật.
Quán Thế Âm và Văn Thù xuất hiện như những vị
bổn tôn hòa bình, trong khi Kim Cang Thủ xuất hiện với thân phẫn nộ.
Nói chung, khi một người có sức mạnh tâm trí
mạnh mẽ, họ có thể hành động quyết liệt và mạnh mẽ hơn, và đây là lý do tại sao
có những vị bổn tôn trông hung dữ. Theo Tantra Yoga Tối thượng, người ta gọi
đây là "đưa ham muốn hoặc tức giận vào con đường".
Ở đây, Tara, một bổn tôn hòa bình khác, được nói
đến như là khía cạnh thanh lọc của năng lượng cơ thể. Tất cả những phẩm chất
khác nhau của Đức Phật, bao gồm lòng từ bi, trí tuệ và sức mạnh, phụ thuộc vào
năng lượng. trên thực thể chuyển động
Người ta cũng có thể nói rằng Tara là vị thần nữ
quyền. Có một truyền thuyết theo đó Tara, khi bà nuôi dưỡng khát vọng đạt được
giác ngộ, đã quyết tâm trở nên giác ngộ trong hình hài nữ giới của mình.
Để thể hiện lời nói của chư Phật, chúng ta sử
dụng một văn bản thiêng liêng, nếu có thể là một bản sao của Kinh Bát Nhã Ba La
Mật Đa, hay Prajnaparamitasutra.
Bất Nhã Ba La Mật-Prajnaparamita có nghĩa là trí
tuệ siêu việt. Có nhiều loại trí tuệ khác nhau, chẳng hạn như trí tuệ tự nhiên,
con đường dẫn đến trí tuệ đó và trạng thái trí tuệ kết quả. Kinh Bát Nhã Ba
La Mật Đa giải thích những loại trí tuệ khác nhau này.
Loại văn học này cấu thành nên phần chính của
kinh điển Đại thừa. Trong bản dịch tiếng Tây Tạng của kinh điển Phật giáo
thiêng liêng có khoảng hai mươi tập Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa, bao gồm khoảng
hai mươi văn bản khác nhau. Bản văn dài nhất có một trăm ngàn câu kệ, bản tiếp
theo có hai mươi lăm ngàn, tám ngàn, v.v.
Bản văn ngắn nhất gồm chữ AH. Đây được gọi là
Kinh Bát Nhã Ba La Mật gồm một mẫu tự. Trong tiếng Phạn, AH là chữ cái để chỉ
sự phủ định vì chân như, hay bản chất tối thượng, như chúng ta đã thảo luận, là
sự vắng mặt của sự tồn tại độc lập; đây là sự phủ định.
Biểu tượng tiếp theo của sự quy y là bảo tháp.
Điều này tượng trưng cho tâm của chư Phật. Có tám loại bảo tháp khác nhau, ví
dụ, những loại tượng trưng cho chiến thắng ma quỷ, giác ngộ, bát Niết bàn, v.v.
Khi tôi nhìn vào những loại bảo tháp khác nhau này, tôi nghĩ rằng chúng được
phát triển như một phương tiện để tưởng nhớ.
Tiếp theo, lễ vật dâng lên bàn thờ là nước tinh
khiết, bông hoa, hương, đèn và trái cây. Điều này được mô phỏng theo phong tục
phục vụ khách ở Ấn Độ vào thời điểm đó. Nếu Đức Phật đã dạy Phật giáo ở Tây
Tạng, ngài sẽ nói về những lễ vật như bơ và tsampa.
Tư Thế Thân Thể Và Hơi Thở
Tiếp theo tôi sẽ giải thích tư thế thân thể
trong khi thiền tập. Chỗ ngồi thiền nên được nâng lên một chút ở phía sau vì
điều đó giúp giảm cang thẳng. Ghế hiện tại mà tôi đang ngồi có độ đàn hồi; phía
trước cao hơn phía sau, hoàn toàn ngược lại.
Ngồi ở tư thế kim cang (bắt chéo chân) rất khó,
nhưng nếu nó không đau thì đó là cách đúng đắn. Hoặc bạn có thể ngồi ở tư thế
nửa kim cang [Đức Thánh Thiện đã làm mẫu một tư thế bắt chéo chân rất thoải
mái], hay trong tư thế của Tara (làm mẫu một lần nữa), rất thoải mái.
Trong thủ ấn tay phải đúng, mu bàn tay phải đặt
vào lòng bàn tay trái và hai ngón tay cái dựng lên và chạm vào nhau tạo thành
một hình tam giác. Hình tam giác này có ý nghĩa mật tông, tượng trưng cho Cõi
chân lý (Dharmadhatu), nguồn gốc thực tại và cũng là nhiệt lượng ở rốn.
Hai cánh tay không được chạm vào cơ thể. Đầu hơi
cúi xuống, đầu lưỡi chạm vào vòm miệng, giúp ngăn ngừa tình trạng khát nước và
chảy nước dãi khi thiền sinh tập trung sâu, tập trung vào một điểm. Môi và răng
phải giữ nguyên vị trí tự nhiên, mắt nhìn vào chóp mũi. Điều này không thành
vấn đề khi người ta có chiếc mũi to, nhưng khi người ta có chiếc mũi nhỏ, việc
nhìn vào chóp mũi đôi khi gây đau. [Cười] Vì vậy, điều này phụ thuộc vào kích
thước của mũi.
Về vị trí của mắt, lúc đầu, bạn có thể quán
tưởng rõ hơn khi nhắm mắt, nhưng về lâu dài thì điều này không tốt, bạn không
nên nhắm mắt. Quán tưởng được thực hiện ở cấp độ tinh thần chứ không phải cấp
độ cảm giác. Nếu bạn rèn luyện bản thân để thiền với đôi mắt mở và quen với
điều đó, thì ngay cả khi một vật thể xuất hiện trước mắt, bạn sẽ không mất đi
hình ảnh tinh thần mà bạn đang thiền. Mặt khác, nếu bạn rèn luyện bản thân và
quen với việc thiền tập với đôi mắt nhắm, bạn sẽ mất đi hình ảnh tinh thần ngay
khi bạn mở mắt ra.
Trong khi thiền, hơi thở của bạn phải tự nhiên.
Bạn không nên thở mạnh hoặc quá nhẹ. Đôi khi nếu bạn đang thiền kết hợp với các
thực hành tantra và thực hiện một số yoga năng lượng, như thực hành thở chín
vòng, thì nó sẽ khác.
Khi bạn đang trong trạng thái tâm trí dao động,
như khi bạn giận dữ hoặc mất bình tĩnh, thì tốt nhất là hãy lấy lại sự bình
tĩnh bằng cách tập trung vào hơi thở. Chỉ cần đếm hơi thở, quên hoàn toàn cơn
tức giận. Tập trung vào hơi thở và đếm vào/ra “một, hai, ba,” lên đến hai mươi.
Vào thời điểm khi tâm trí bạn tập trung hoàn
toàn vào hơi thở, hơi thở đến và đi, các đam mê lắng xuống. Sau đó, bạn sẽ dễ
dàng suy nghĩ rõ ràng hơn.
Vì tất cả các hoạt động, bao gồm cả thiền, đều
phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của ý định hoặc động lực, nên điều quan trọng
là trước khi bắt đầu thiền, bạn phải nuôi dưỡng động lực đúng đắn. Chúng ta
đang tham gia vào một thực hành có liên quan đến tantra, vì vậy động lực phù
hợp là tránh bị phân tâm bởi mối quan tâm chỉ dành cho cuộc sống này. Động lực
của chúng ta cũng không nên chỉ bị ảnh hưởng bởi mối quan tâm đến sự hoàn hảo
và hạnh phúc của cuộc sống luân hồi. Động lực đúng đắn là thái độ vị tha./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét