Thứ Tư, 2 tháng 7, 2025

TÂM NÀY LÀ PHẬT — LÀ Người Theo Đạo (ở Nhật Bản)

 




Nguyên tác: This Mind is the Buddha”*1 — Being Religious (in Japan)
Tác giả: Gereon Kopf
Việt dịch: Quảng Cơ
Biên tập: Tuệ Uyển
***

Trong bốn năm qua, tôi đã viết 17 bài luận về Phật giáo tại Nhật Bản cho trang Buddhistdoor Global. Trong những bài luận này, tôi đã khám phá rất nhiều hoạt động và tín ngưỡng ở Nhật Bản, ở nhiều mức độ khác nhau, có liên quan đến các truyền thống Phật giáo. Những bài luận này có thể gợi lên một hình ảnh, mà tôi nghĩ là khá chính xác, rằng tôn giáo vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ ở Nhật Bản, mặc dù dưới vỏ bọc của một xã hội ở thế kỷ 21. Thật thú vị, nhận thức này trái ngược với sự hiểu biết mà nhiều người Nhật Bản có về bản thân họ. Các học giả về tôn giáo cũng như bất kỳ ai quen thuộc với Nhật Bản đều biết rằng nhiều người Nhật sẽ phủ nhận rằng họ theo đạo. Nhóm người Nhật khá lớn này không chỉ bao gồm những người theo hệ tư tưởng phản tôn giáo mà còn bao gồm những người tham dự các nghi lễ tôn giáo ít nhiều thường xuyên, tin vào cuộc sống sau khi chết cũng như các linh thức và sở hữu "bàn thờ Phật" (tiếng Nhật: butsudan) để tưởng nhớ người đã khuất hoặc "kệ thần" (tiếng Nhật: kamidana) để tôn kính các vị thần của Thần Đạo (Shintō) trong nhà của họ. Tôi tin rằng lý do cho sự căng thẳng (mâu thuẫn?) này nằm ở định nghĩa về tôn giáo và tôi muốn giới thiệu một khái niệm về tôn giáo dựa trên những ý tưởng của các nhà tư tưởng Phật giáo Nhật Bản phát triển.

Như đã biết, thuật ngữ “tôn giáo” (religion) được dịch sang tiếng Nhật là “shūkyō” (tôn giáo) và được Amane Nishi (1829–97) giới thiệu vào Nhật Bản vào cuối thế kỷ 19. Thuật ngữ này được dùng để chỉ các hệ thống tín ngưỡng và thực hành du nhập từ Châu Âu và Bắc Mỹ. Do đó, “Shūkyō” chỉ các hệ thống tín ngưỡng tập trung vào việc thờ cúng (thường xuyên) một vị thần (nhất thần giáo*2), được chứng kiến ​​trong một kinh thánh, đòi hỏi một bộ chuẩn mực đạo đức nhất định. Ngoài ra, thuật ngữ “tôn giáo” dường như ngụ ý một thế giới quan nhị nguyên, phân biệt giữa “tôn giáo” và “phi tôn giáo”, “thế tục”, hay như các học giả tôn giáo sẽ nói, những gì nằm ngoài thế giới không gian-thời gian của trải nghiệm của chúng ta (siêu việt) và những gì nằm bên trong thế giới đó (nội tại). Cái sau là thế giới “này” của sự trở thành, thay đổi và đau khổ, cái trước là thế giới bên kia, được đặc trưng bởi tính vĩnh cửu và sự đình chỉ chung của các định luật vật lý. Tất nhiên, cả hai định nghĩa về “tôn giáo” đều phiến diện và lỗi thời, nhưng chúng giải thích tại sao nhiều người Nhật Bản coi mình “không theo tôn giáo”, ngay cả khi họ tham gia vào các hoạt động “tôn giáo” đáng chú ý, chẳng hạn như việc tôn kính các vị thần thánh và các nghi lễ ngụ ý niềm tin ít nhiều mạnh mẽ vào thế giới bên kia.

Nếu bây giờ chúng ta chuyển sang tôn giáo ở Nhật Bản, chúng ta có thể nhận ra những hiện tượng phù hợp với định nghĩa này và một số hiện tượng thì không. Thuộc về loại trước là các ngôi chùa Phật giáo, đền thờ Thần đạo và các quán trà truyền thống có kiến ​​trúc ngụ ý sự phân đôi thực tại của chúng ta thành hai thế giới; thế giới thường ngày và thế giới thần thánh. Để di chuyển từ thế giới này sang thế giới khác, đặc biệt là từ thế giới thường ngày sang thế giới thần thánh, người ta phải đi qua một cánh cổng, thanh lọc bản thân tại một "bồn nước" được chỉ định cụ thể (temizuya) và, trong trường hợp của các nghi lễ trà đạo truyền thống, phải thay quần áo. Ngôn ngữ chính thức bên trong "không gian linh thiêng" được đánh dấu, 3*ngôn ngữ nghi lễ, được chính thức hóa và xóa bỏ những khác biệt xã hội được truyền đạt bởi người Nhật Bản hàng ngày. Tương tự như vậy, biểu tượng hai thế giới như vậy có thể được tìm thấy và được gợi lên bởi các cuộc hành hương mời người thực hành rời bỏ thói quen hàng ngày của họ, đến một địa điểm được đánh dấu đặc biệt, mặc áo choàng của người hành hương và tham gia vào các nghi lễ và nghi thức được quy định. Các chuyên gia tôn giáo như tu sĩ và pháp sư là những người đi lại và giao tiếp giữa hai thế giới này.

Chủ nghĩa nhị nguyên của thế giới quan tôn giáo này có thể được minh họa bằng một số bộ phim do Studio Ghibli thực hiện. Trong khi nhà làm phim Hayao Miyazaki thường phủ nhận rằng phim của ông đề cập đến các ý tưởng tôn giáo, thì Công chúa Mononoke (Mononoke hime) của ông và Pom Poko (Heisei tanuki gassenponpoko) của Isao Takahata minh họa khá tốt thế giới quan tôn giáo này. Trong cả hai bộ phim, thế giới loài người đối đầu với thiên nhiên, nơi có các linh thức và thần linh cư ngụ. Con người xâm phạm thiên nhiên bằng công nghệ và sự bành trướng đô thị của họ và do đó đe dọa không chỉ các loài động vật và linh thức sống trong rừng và núi mà còn cả cốt lõi tâm linh của chính họ. Cuối cùng, con người và thiên nhiên cố gắng duy trì sự cân bằng, ngay cả khi đó là sự cân bằng không dễ dàng, và tránh sự thống trị của một thế giới này đối với thế giới kia.

Sự xói mòn của tính hai mặt cứng nhắc giữa cõi tâm linh và cõi người được chỉ ra trong những bộ phim này thậm chí còn rõ ràng hơn trong các hiện tượng tôn giáo khác ở Nhật Bản. Thực hành tự ướp xác (tức thân Phật- sokushinbutsu)4*cực đoan và hiện đã bị cấm tại một số ngôi chùa Mật Tông (Shingon) ở tây bắc Nhật Bản và quan niệm chung rằng “Phật quả” có thể đạt được thông qua thực hành “tự tu dưỡng” (tu hành-shugyō) “trong cơ thể này” (tức thân thành Phật- sokushinjōbutsu)5*được xây dựng dựa trên niềm tin rằng cơ thể con người có thể được chuyển hóa thành cơ thể của Đức Phật. Tuy nhiên, điều này có nghĩa là không có sự phân biệt thật sự giữa nhân loại và Phật quả, thế giới này và thế giới bên kia. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên đối với độc giả quen thuộc với Phật giáo Đại thừa, những người theo chủ nghĩa này tuyên bố rằng luân hồi và niết bàn không khác nhau, và đối với học giả tôn giáo, phương tiện này là nội tại và siêu việt.

Sự sụp đổ của tôn giáo và thế tục này có thể gây sốc cho các học giả nghiên cứu tôn giáo được đào tạo ở châu Âu hoặc châu Mỹ, nhưng lại lan rộng trong các hiện tượng tôn giáo Nhật Bản.

Niềm tin cốt lõi của Đại thừa này không chỉ đóng vai trò là cơ sở lý luận cho các hoạt động thực hành cốt lõi hơn của các trường phái Phật giáo ở Nhật Bản được thảo luận ở trên, mà còn cho các hình thức Phật giáo tham gia xã hội khác nhau. 6***** Nó cũng cung cấp lời giải thích về mặt lý thuyết cho các hoạt động nhằm mục đích "lợi ích thế gian này" (hiện thế lợi ích-genze riyaku), chẳng hạn như mua bùa hộ mệnh hoặc thực hiện các cuộc hành hương và nghi lễ để đạt được công đức, sức khỏe, công việc, tốt nghiệp cho bản thân hoặc một thành viên trong gia đình. Ví dụ cực đoan nhất về các hoạt động thực hành này để có được genze riyaku là một máy bán hàng tự động ở đền thờ Thần đạo mà tôi tìm thấy ở Nagasaki. Tôi tin rằng, ở các mức độ khác nhau, tất cả các hoạt động thực hành này đều thể hiện sự sụp đổ của sự phân chia giữa tính nội tại và tính siêu việt và do đó thể hiện và minh họa, theo cách này hay cách khác, rằng "tâm này chính là Phật".
***

1* Takakusu, Junjirō and Kaigyoku Watanabe, eds. 1961. Taishō Taizōkyō (The Taishō Edition of the Buddhist Canon). Tokyo: TaishōShinshū Daizōkyō Kankōkai.
2* nhất thần giáo: Do Thái Giáo, Ki Tô Giáo, Hồi Giáo
3*For the classical description of “sacred Space” see Mircea Eliade’s The Sacred and the Profane.
4* How to Face Death – Pilgrimages and Death Rituals in Japanese Buddhism (Buddhistdoor Global)
5* Becoming a Buddha – A Shingon Buddhist 10-step Program (Buddhistdoor Global)
6* Meaning in the Face of Transience: Reflections of Socially Engaged Buddhists in Japan (Buddhistdoor Global)

https://www.buddhistdoor.net/features/this-mind-is-the-buddha-being-religious-in-japan/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét