Phân Tích Tâm Thức
Như Một Sự Chuẩn Bị Cho Việc Thực Tập Tâm Linh
ĐỂ GIẢI THOÁT CHÚNG TA khỏi khổ đau, chúng ta phải thấu
hiểu những gì xảy ra trước khi khổ đau. Bởi vì không điều gì xuất hiện mà không
có những nguyên nhân hay điều kiện. Tùy chúng ta nhận ra những nguyên nhân làm
gia tăng hay giảm thiểu khổ đau. Đó là phần của việc phân tích tâm thức, một sự
chuẩn bị cần thiết không thể bỏ qua để thực hành tâm linh.
Tâm thức là đối tượng của những áp lực do hoàn cảnh; nó dao
động với chúng và tương tác với tác động của những cảm giác. Tiến trình vật chất
và một tiêu chuẩn cao độ của đời sống cải thiện cho sự thoải mái và sức khỏe
nhưng không hướng đến một sự chuyển hóa tâm thức, và tâm thức là điều duy nhất
có thể cung ứng sự hòa bình bền lâu. Sự hạnh phúc thậm thâm vốn là bản chất tâm
linh, không giống như cảm giác vui sướng khoái lạc. Nó tùy thuộc vào sự hạnh
phúc của những người khác, và nó căn cứ trên từ ái và sự tế nhị. Chúng ta sẽ
sai lầm khi nghĩ rằng hạnh phúc là nắm bắt tối đa được sự tiêu xài của người
khác. Sự thiếu vắng lòng vị tha, là thứ làm cho gia đình bất hòa và rối rắm, những
nguyên nhân của cô đơn. Chúng ta nên chú ý không phải quá nhiều quan tâm với thế
giới ngoại tại, nhưng là việc nhận ra rằng chấp thủ và sở hữu tài sản vật chất
là củng cố tính vị kỷ.
Chìa khóa cho hạnh phúc nằm trong sức mạnh của tâm thức,
sự tĩnh lặng nội tại, và một phẩm chất như tính kiên định. Chúng ta có thể tiếp
cận điều này bằng việc phát triển sự tế nhị và từ ái, là những thứ đáp ứng với
tính bản nhiên thậm thâm của mỗi con người. Mối quan hệ mẹ - con , chắc chắn là
một thí dụ hoàn hảo nhất của sự yêu thương không bình thường của việc thương mến
người nào khác hơn chính ta. Tiếng đầu tiên mỗi chúng ta phát ra là
"mama" "mẹ" hay "má", và đúng là trong nhiều ngôn
ngữ chữ này chứa đựng âm "ma". Một đơn âm trong hầu hết mọi ngôn ngữ
trên thế giới, ngoại trừ tiếng Nhật, mệnh danh cho tự ngã: "tôi" (hay
"của tôi") biểu lộ sự dính mắc cực kỳ mà chúng ta có cho con người của
chính chúng ta. Đó là một sự dính mắc mà chúng ta phải chiến đấu nhằm để truyền
bá những phẩm chất của lòng vị tha.
Dĩ nhiên, chúng ta có thể trau dồi những phẩm chất nhân bản
mà không cần có một tôn giáo. Nhưng như một quy tắc phổ thông, tôn giáo cho
phép chúng ta tăng trưởng những phẩm chất này một cách hiệu quả hơn.
Vô Thường Và Nhân
Duyên Hay Việc Thấy Thế Giới Như Nó Là
PHẬT GIÁO CUNG ỨNG
một phương pháp cải thiện chúng ta trong khi quán chiếu bản chất của mọi
thứ, không để chúng ta bị lừa dối bởi những hiện tướng. Những hiện tượng, biểu
hiện đến những khả năng nhận thức của chúng ta, vốn không có thực tại cứu kính.
Chúng ta hãy lấy thí dụ của một ngọn núi. Hôm nay nó dường như cũng giống như
hôm qua. Được hình thành từ hàng nghìn năm trước, nó tượng trưng cho một sự
tương tục trong thế giới hiện tượng. Mặc dù chúng ta có thể nhận thấy sự ổn định
tương đối trong hiện tướng của nó ở trình độ thô, nhưng chúng ta cũng phải nhận
biết rằng mỗi một phân tử của nó, ở
trình độ rất vi tế, đang thay đổi từ thời khắc này đến thời khắc khác. Trong
trình độ vô cùng nhỏ, sự thay đổi đồng hành cùng với tâm thức chúng ta bởi một
hiện tướng của sự tương tục. Tuy thế, sự tương tục được nhận thức như vậy là vọng
tưởng. Vì không có gì duy trì không thay đổi, và không có hai thời khắc liên tiếp
nào là giống nhau.
Sau khi thẩm tra thí dụ của ngọn núi, chúng ta hãy lấy một
bông hoa, mà bản chất mong manh và không bền của nó là rõ ràng. Bông hoa đang nở
hôm nay đầu tiên là một hạt, sau đó là một mầm non. Những sự thay đổi của tình
trạng này minh họa sự vô thường vi tế của
mỗi thời khắc, nó là bản chất thật sự của bông hoa: nó cam chịu một sự tàn hoại
nhanh chóng. Cho dù nó là một ngọn núi hay một bông hoa, chúng ta phải thấu hiểu
nhuần nhuyển rằng thời khắc một hiện tượng xuất hiện thì nó cũng mang theo
trong nó nguyên nhân của sự kết thúc chính nó.
Sự vô thường của những hiện tượng tùy thuộc vào những
nguyên nhân và điều kiện bên ngoài. Nói rằng tất cả mọi vật là nhân duyên hay
liên hệ hổ tương có nghĩa là chúng không có sự tồn tại cố hữu, vô tự tánh.
Chính năng lực cho sự chuyển hóa hoạt động trong những hiện tượng là một dấu hiệu
của tính hổ tương nền tảng trong sự sống.
Chúng ta có thể xác định rằng thực thể "một bông
hoa" như vậy là tồn tại trong tự chính nó không? Câu trả lời là không.
Bông hoa chỉ là tập họp của những đặc trưng - hình thể, màu sắc, mùi hương -
nhưng không có "bông hoa" tồn tại một cách độc lập với những hiện tướng
của nó.
Nhận thức của chúng ta về thời gian cũng dựa vào một sự
hiểu biết sai lầm về thực tại. Quá khứ là gì trong thực tế? Quá khứ không phải
là một thực tại; nó chỉ là một khái niệm. Tương lai tương ứng với những phóng
chiếu, những sự tiên liệu cũng không bất cứ thực tại nào. Quá khứ đã xảy ra;
tương lai thì chưa hiện hữu. Những ý tưởng này ảnh hưởng chúng ta như những thực
tế, mặc dù chúng không có thực chất. Hiện tại là lẽ thật mà chúng ta đang trải
nghiệm, bây giờ và ở đây, nhưng là một lẽ thật khó nắm bắt mà nó vốn không bền
lâu. Chúng ta thấy chính chúng ta trong một hoàn cảnh ngược đời mà trong ấy hiện
tại hình thành một biên giới, một sự giới hạn giữa quá khứ và tương lai không
có bất cứ thực tế cụ thể nào. Hiện tại là một thời khắc khó nắm bắt giữa những
gì không còn tồn tại nữa và những gì chưa xảy ra.
Những khái niệm này chúng ta xem như "thực tại"
hoàn toàn là trí năng giả tạo vốn không liên hệ gì với một thực tại độc lập, tồn
tại trong chính nó. Theo Đức Phật, những hiện tượng được nhận thức chỉ tồn tại theo
quan điểm mệnh danh của chúng mà thôi - đó là, những tên gọi và khái niệm mà
chúng ta gán ghép vào chúng. Chức năng của những hiện tượng không biểu lộ một
thực thể chạm xúc được là của chúng một cách riêng biệt. Chúng ta có thể so
sánh những hiện tượng với một ảo ảnh: chúng ta càng đến gần đến nó, chúng ta
càng xa nó, cho đến khi nó biến mất. Đối diện tương tự với tâm thức, khi phân
tích chúng, những hiện tượng tan dần.
Do thế, chúng ta nên phân biệt hai chân lý (nhị đế): chân
lý tương đối (tục đế), quan tâm đến hiện tướng của những hiện tượng, bề nổi của
chúng, biểu hiện của chúng, và sự chấm dứt của chúng; và chân lý tuyệt đối
(chân đế), nhận ra sự vắng mặt của sự tồn tại cố hữu trong các hiện tượng. Bằng
việc nói rằng những hiện tượng vắng mặt sự tồn tại cố hữu, chúng ta đang tuyên
bố không phải sự không hiện hữu của chúng nhưng là sự liên hệ hổ tương của
chúng - nhân duyên sanh, sự vắng mặt thực tại cụ thể của chúng. Và tánh không của
các hiện tượng tương ứng với thực tại của chính nó trong thế giới hiện tượng, vốn
xa vời với việc là một cấu trúc tinh thần hay một khái niệm.
Đức Phật không phủ nhận mọi vật xuất hiện, nhưng đặt ở vị
trí kết hợp của hiện tướng và tánh không. Vì vậy, bông hoa tồn tại: những hình
sắc và đặc tính của nó được khắc sâu trong tâm thức chúng ta. Nhưng bản chất của
nó là trống rỗng sự tồn tại cố hữu.
Chuyển Hóa Tâm Thức
Chúng Ta Trên Con Đường Của Đức Phật
KHÔNG CHỈ LÀ MỘT quan điểm triết lý của thế giới, Đạo Phật
trình bày một con đường chuyển hóa tâm thức, với mục tiêu của việc giải thoát
chúng ta khỏi khổ đau và những nguyên nhân của nó. Chuyển hóa tâm thức liên hệ trước nhất với việc
nghiên cứu để biết nó, sau đó nhận ra nó biểu hiện chức năng như thế nào để loại
trừ ba độc tố tinh thần chính là si mê, tham lam, và thù hận. Cho nên thật lợi
lạc để phân tích dòng suối tâm thức của chúng ta và những biến thể của nó. Việc
thấu hiểu bản chất tối hậu của tâm thức là vô thỉ và vô chung, và sự tương tục
của nó là khác biệt với sự hổ trợ vật lý của thân thể thô phù, là nền tảng cho
phép chúng ta nhận ra tính thuần khiết nguyên sơ của tâm thức.
Sự phân tích của Phật Giáo về thực tại nhất trí với những
kết luận của vật lý lượng tử, theo đó các hạt của vật chất là thật trong khi vẫn
trống rỗng sự cụ thể. Tương tự thế, trong Phật Giáo những hiện tượng tồn tại
trong mối liên hệ hổ tương là trống rỗng thực chất, hay không có sự tồn tại tự
hữu, vô tự tánh. Mối liên hệ hổ tương hay nhân duyên là một khái niệm phổ quát.
Không một điều gì có thể xuất hiện mà không có những nhân duyên - nguyên nhân
hay điều kiện. Quan hệ nhân quả, hay karma - nghiệp, là quy luật chi phối thế
giới hiện tượng. Một thông lượng năng động của việc thay đổi hiện tướng xảy ra,
thì tương ứng với những nguyên nhân và hệ quả. Nhưng điều đó không có nghĩa là
chúng ta phải nghĩ là có một nguyên nhân gốc rể, thường tại, không thay đổi giống
như một nguyên tắc tổ chức. Trong một thế giới thay đổi liên tục, những sự đột
biến là do những phẩm chất vốn có trong các hiện tượng.
Một khi chúng ta đã thiết lập những điều kiện cho sự xuất
hiện của các yếu tố của thế giới hiện tượng, thì chúng ta có thể tiến hành một
sự phân tích về cơ chế đã tạo nên những tình trạng mâu thuẩn của hạnh phúc và
khổ đau trong tâm thức chúng ta.
Mỗi chúng sanh có một nguyện vọng căn bản để đạt được hạnh
phúc và xa lánh khổ đau. Hạnh phúc và khổ đau mà chúng ta trải nghiệm liên kết
với thế giới bên ngoải chúng ta như thế nào? Đối diện với thế giới bên ngoài,
chúng ta có những phản ứng được biểu hiện trong hình thức của những cảm giác vốn
sở hữu những đặc tính khác biệt. Sau đó chúng ta đánh giá những cảm giác này và
nối kết kinh nghiệm của chúng với chính chúng ta như những người trải nghiệm.
Hạnh phúc và khổ đau không nhất thiết có một nguyên nhân
cảm giác tức thời. Theo khoa học, những tiến trình điện hóa bên trong não bộ là
nguồn gốc của tất cả những kinh nghiệm tinh thần của chúng ta. Nhưng chức năng
sinh lý học không giải thích cho những kinh nghiệm của sự tỉnh giác vi tế. Phật
Giáo không giới hạn ý thức với não bộ. Thiền định và thiền quán gây ra những
tình trạng vi tế thậm thâm của tâm đó là chính chúng có năng lực để điều chỉnh
những tiến trình sinh lý. Quả vậy, ý thức được nối kết với thân thể vật lý của
chúng ta, nhưng không bị giới hạn với nó. Ý thức tiêu biểu một tính năng rõ
ràng và trong sáng nhờ đó cho phép chúng ta nhận thức và hiểu biết các hiện tượng
bằng sự lãnh hội trực tiếp.
Ý thức sản sinh những kinh nghiệm như các giấc mơ, mà ở đấy
chúng ta trải nghiệm hạnh phúc hay khổ đau, nhưng những cảm giác này không có đối
tượng thực tế như căn bản của chúng. Chúng ta phân biệt giữa ý thức lúc thức, ý
thức trong mộng, và ý thức của giấc ngủ sâu vốn không lệ thuộc duy nhất vào những
giác quan. Khi chúng ta lơ đãng, mắt thấy nhưng ý thức không ghi nhận hình ảnh.
Ý thức thuần khiết là tính năng thuần khiết của nhận thức trong thể trạng bản
chất không thêm bớt của nó.
Dĩ nhiên, ý thức phối hợp với thân thể, nhưng phẩm tính
khác biệt với thân thể vật chất thô phù, vì những nguyên nhân và điều kiện duy
trì nó có sự tự trị của chúng. Ý thức không bị gián đoạn, ngay cả khi chúng ta
mệt lã, và nó vẫn còn trong những tình trạng của mộng và ngủ, ở đó sự nối kết với
việc hổ trợ của thân thể được thay đổi. Chúng ta có thể tiến rất xa để nói rằng
sự hổ trợ vật lý không cần thiết cho những kinh nghiệm khi ý thức được tách rời
tự nó khỏi thân thể và thay đổi mà không được nối kết với thân thể. Nếu ý thức
chỉ đơn thuần là thực thể vật chất, thế thì chỉ giống như có một sự tương tục sinh
lý giữa cha mẹ và con cái, cho nên sẽ có những kinh nghiệm tương tự giữa họ ở
trình độ ý thức. Rõ ràng, không phải là như vậy.
Nếu chúng ta phải nhận thức sự bắt đầu của hiện tượng ý
thức, nó sẽ là trong hình thức của nguyên nhân đầu tiên, và có lẻ chúng ta có
thể tranh luận rằng nó sinh khởi từ những sự chuyển hóa trong thế giới vô sinh.
Như vậy thì không thể hài lòng trên trình độ luận lý, cho nên thích hợp hơn để
suy xét một sự tương tục của ý thức. Mỗi thể hiện của ý thức phát khởi từ một
thể hiện ý thức trước. Điều chúng ta gọi một người là một khái niệm được gán
ghép với một dòng suối ý thức. Dòng suối này, giống như một người, không có bắt
đầu và kết thúc. Nó là một vấn đề của một sự tương tục không bền tùy thuộc vào
sự thay đổi của những nguyên nhân và điều kiện.
Hiện Thực Năng Lực
Của Chúng Ta
SI MÊ CÓ THỂ ĐƯỢC định nghĩa như một kiểu nhận thức sai lầm
đặt tin tưởng vào sự hiện hữu độc lập cứng nhắc của tự ngã và các hiện tượng. Một
kiểu mẫu nhận thức như vậy tương ứng với chức năng tự nhiên của tâm thức, được
tăng thêm sức mạnh bởi thói quen lâu đời. Việc phân tích cho chúng ta khám phá
ra rằng mọi vật không có thực chất cũng không vững chắc. Nhận thức đưa đến kết
quả từ sự phân tích cơ bản của mọi vật phải được trau dồi và được sử dụng như sự
đối trị. Đó là vấn đề chúng ta phải chiến đấu với xu hướng ăn sâu đã hướng
chúng ta tin tưởng vào thực tại của tự ngã và thế giới.
Đấu tranh với si mê cũng là đấu tranh với khổ đau. Si mê
là nguồn gốc của những độc hại và chướng ngại tinh thần. Bằng việc phát triển
lòng vị tha, từ ái, tế nhị, và bi mẫn, chúng ta giảm thiểu thù oán, tham dục,
và tự kiêu. Nhưng hình thức vi tế của chướng ngại tinh thần tồn đọng có thể vượt
thắng bằng một đối trị duy nhất, đó là việc thực chứng một sự vắng mặt hoàn toàn
thực chất của hiện tượng và bản chất của
tự ngã (pháp vô ngã và nhân vô ngã). Cho đến khi mà sự chấp trước và bám chặc
vào tự ngã và hiện tượng vẫn còn dai dẵng, thì nguyên nhân của khổ đau không thể
được loại bỏ. Để tiêu trừ khổ đau, chúng ta phải trau dồi những phẩm chất ổn định
trong sự tương tục tinh thần, vốn chúng sẽ trở thành bản chất thứ hai. Những phẩm
chất này được sinh ra từ những nhận thức đúng đắn về thực tại. Tuệ giác và sự
tĩnh lặng bền lâu là kết quả từ điều này, vì chúng được nối kết với chính ý thức.
Sự trong sáng tự nhiên của tỉnh giác là sự đối trị với những
thuốc độc tinh thần. Và những thuốc độc tinh thần tác động đến những chướng ngại
tinh thần căn cứ trên những màn che ngoại lai giả dối bề ngoài (khách trần phiền
não).Và những màn che ngoại lai giả dối bề ngoài làm chướng ngại sự tỉnh giác tự
nhiên và làm khổ đau. Thế thì, chúng ta làm vắng mặt khổ đau như thế nào?
Tuệ giác là sự đối trị bảo đảm nhất có thể xua tan nền tảng
si mê của chúng ta. Giáo huấn - những điều giảng dạy của Đức Phật - đem đến những
tri thức hữu dụng cho việc loại bỏ những cảm xúc phiền não và những hình thức
vi tế nhất của si mê. Giáo huấn dẫn chúng ta vượt qua khỏi khổ đau để chứng đạo
Giác Ngộ. Đức Phật được gọi là Thế Tôn - trong tiếng Tây Tạng "Bậc đã tiêu
diệt được bốn loài ma," đó là ma chết, ma thất niệm, ma tự kiêu và những
chướng ngại cảm xúc. Lời dạy của Đức Phật cho phép chúng chinh phục những nhân
tố tinh thần vốn đã hành động như những chướng ngại cho việc Giác Ngộ. và nó
cho chúng ta lối vào niết bàn, một thể trạng vượt khỏi những chướng ngại cảm
xúc.
Thánh Thiên nói với chúng ta: "Vào lúc khởi đầu,
chúng ta phải từ bỏ tất cả những hành vi tiêu cực; ở lúc giữa, toàn bộ sự dính
mắc vào cái "tôi", và vào lúc cuối, tất cả những cực đoan, ý tưởng và
khái niệm." Để thành tựu một sự thân chứng như vậy, chúng ta phải hợp nhất
tuệ giác với thành tựu nội tại. Tri thức lý thuyết và sự tin tưởng trí năng
chưa đủ. Chính chúng ta phải quán chiếu, học hỏi thực tế trong đời sống, nhằm để
đánh giá giáo thuyết bằng phương tiện của kinh nghiệm cá nhân và sự phổ biến
xác thật. Thiền tập là một tiến trình dần dần làm chúng ta thích nghi với một
quan kiến mới.
Việc học hỏi sản sinh sự chắc chắn nào đó chỉ khi, qua sự
thực hành vững vàng, chúng ta chuyển hóa tâm thức mình và làm chủ không gian nội
tại của sự tỉnh giác. Trường hợp thường được trích dẫn về một học giả tận tụy học
hỏi nhưng lại không trau dồi bất cứ sự thành tựu nội tại nào, và đã tái sanh
như một con quỷ với cái đầu của một con lừa.
Để chiến thắng những điều kiện sẽ cho chúng ta thấu hiểu
bản chất cùng tột của sự vật - và lòng từ bi bao la kết quả từ sự thân chứng đó
- chúng ta trước nhất sử dụng tâm thức cho việc suy nghĩ rời rạc, sau đó dần dần
để sự tương tục của sự trong sáng tự nhiên xuất hiện trên bề mặt của tâm thức.
Có nhiều phương pháp: Hệ Quả Du Già (Anuyoga), thí dụ thế, dựa vào hơi thở, những
kinh mạch, và những yếu tố của thân vi tế để tuệ giác nguyên sơ sinh khởi; hệ
thống Thời Luân hiện thực bản chất cùng tột của tâm thức bằng việc hợp nhất diệu
lạc và tánh không, và Atiyoga lãnh hội sự Giác Ngộ hiện diện một cách trực tiếp.
Điểm trọng tâm của tất cả những phương pháp khác biệt này là hòa tan các tập họp
uẩn vào ánh sáng quang minh. Trong truyền thống của chúng tôi, chính là thân
ánh sáng cầu vồng mà những đại hành giả biểu hiện khi họ viên tịch.
Vì thế, ở miền
đông Tây Tạng, người ta nói rằng trước khi viên tịch một vị tu sĩ đã yêu cầu
không ai chạm vào thân thể ngài trong một tuần và cửa phòng của ngài phải được
đóng kín. Sau bảy ngày, khi họ đi vào trong phòng, thân thể của ngài đã hoàn
toàn tan biến. Người ta chỉ thấy y áo của vị ấy, móng tay chân và tóc cũng biến
mất. Vị tu sĩ này là một ẩn sĩ sống rất giản dị, không có bất cứ biểu hiện thân
chứng nào hiện ra bên ngoài trong suốt cuộc đời ngài tận tụy cho việc quán chiếu.
Ngài đã điều khiển, qua sự thực hành của
ngài, để hiện thực sự tinh khiết nguyên sơ của tâm thức.
Tất cả chúng ta không cần phải có một sự thành tựu như vậy.
Tốt hơn, trong sự thực tập hàng ngày của chúng ta, ở tại nhà, tiếp tục đời sống
chuyên môn và gia đình trong khi vẫn học hỏi để trở thành tốt hơn ngày qua ngày
và giữ vững một kiểu mẫu tích cực của đời sống cống hiến cho sự tốt lành của xã
hội, theo những nguyên tắc của giáo huấn. Chúng ta nên chọn lựa những nghề nghiệp trong những lãnh vực của giáo dục, sức
khỏe, và phục vụ xã hội. Chúng ta nên tránh việc từ bỏ mọi thứ cho một đời tu
hành cô độc. Mục tiêu là không tự tận tụy một cách đơn độc với sự thực hành tâm
linh, để hướng đến một đời sống mất hút trong những dòng sông băng. Chúng ta
nên tiến hành bằng những cấp độ, một cách vững chắc, chú ý để không có một quan
điểm cực đoan, trong một tinh thần đều đặn và kiên trì.
Thực hành là thiết yếu, vì nó làm mới đời sống nội tại. Kỷ
luật, quán chiếu, và tuệ giác là sự rèn luyện cho phép một sự chuyển hóa xác thật.
"Nếu chúng ta không chuyển hóa chính mình, làm thế nào chúng ta giúp người
khác chuyển hóa họ?" Tông Khách Ba, vị thánh nhân Tây Tạng đã hỏi như thế.
Tiến triển một cách không ngừng, chúng ta dần dần quen
thuộc với sự chuyển hóa những nhận thức, cung cách suy nghĩ, và thái độ của
chúng ta. Trong vấn đề mang đến một sự thay đổi hoàn toàn những thói quen tinh
thần bằng việc làm giảm thiểu những cảm xúc trong một tiến trình từ từ của học
tập, quán chiếu, và hành thiền - nói cách khác, việc làm cho quen thuộc. Đó là
vấn đề chúng ta tinh luyện tâm thức và làm thuần khiết nó qua một sự tu tập vốn
để hiện thực năng lực của nó. Chúng ta nghiên cứu để làm chủ dòng suối ý thức của
chúng ta, để kiểm soát những chướng ngại cảm xúc, mà không để chúng ta bị chúng
khống chế. Đó là con đường hướng đến sự thân chứng tuyệt đối. Sự thực tập của
chúng ta hợp thành một thể thống nhất tất cả những phương diện và tất cả những
trình độ khác nhau trong giáo huấn của Đức Phật.
Đối diện với những chướng ngại cảm xúc, chúng ta phải học
hỏi để cẩn trọng một cách liên tục. Khi một chướng ngại cảm xúc hiện diện trong
tâm thức chúng ta, thì chúng ta phải phản ứng giống như một tên trộm vừa đột nhập
vào nhà chúng ta, và chúng ta nên nhanh chóng xua đuổi nó đi. Vì những sự thực
chứng tâm linh của chúng ta sắp bị kẻ trộm lấy mất. Nếu những độc tố tinh thần
cuối cùng có thể được chuyển hóa thành tuệ giác, đó là bởi vì bản chất rốt cùng
của nó được phú cho sự thuần khiết trong sáng nguyên sơ một cách tự nhiên.
Rèn Luyện Đời Sống
Cảm Xúc Của Chúng Ta
TỰ NGÃ LÀ GỐC RỂ của những độc tố tinh thần. Tâm thức
chúng ta chế tạo, phóng chiếu, và dính mắc những khái niệm với con người và sự
vật. Sự định hình vị kỷ tăng cường những phẩm chất hay khuyết điểm mà chúng ta cho
là do người khác. Từ điều này đưa đến một sự củng cố tính riêng biệt giữa tôi
và không phải tôi, của tôi và không phải của tôi. Mọi vật chúng ta nhận thức
như riêng rẻ thật sự là liên hệ với nhau, nhưng cái "tôi" của chúng
ta tách riêng chúng. Cho nên cho đến khi mà chúng ta vẫn còn trong sự si mê và
chưa kinh nghiệm được sự vắng mặt của thực tại tự ngã, tâm thức chúng ta vẫn
tin tưởng trong sự cứng nhắc của nó. Việc nhận ra sự vắng mặt của sự tồn tại cố
hữu của tự ngã là một đối trị hiệu quả đối với sự định hình vị kỷ và nó là một
điểm trọng tâm của giáo huấn trên con đường của Đức Phật.
Dưới tác động của sự hấp dẫn và tham dục, tâm thức trộn lẫn
với và những sự dính mắc với đối tượng của sự tham dục. Tham dục cho sự sở hữu
là rất mạnh mẽ; nó kết tinh sự dính mắc với tự ngã và đến những gì là "của
tôi". Chúng ta cảm thấy sự ghét ghê đối với những gì tổn hại chúng ta, và
sự ghê tởm này sẽ biến thành sự thù oán, rồi thành một tâm phiền não, những lời
nói tai hại, bạo động. Những cảm xúc tiêu cực này là nguyên nhân của sức khỏe tệ
hại. Những nghiên cứu y khoa cho thấy rằng những người, trong ngôn ngữ hàng
ngày thường sử dụng những chữ
"tôi", về "tôi", và "của tôi" hầu hết là đối tượng
của những cơn bệnh kích thích hơn là những người khác. Rồi thì, tại gốc rể của
những cảm xúc tiêu cực, chúng ta thấy tự ngã và một sự tin tưởng về sự cứng nhắc
của vật chất. Chúng ta phải cố gắng để xua tan sự tin tưởng này ở những trình độ
vi tế hơn bao giờ hết.
Rèn luyện đời sống cảm xúc của chúng ta tiêu biểu cho một
công việc của nhiều thập niên tu sửa những cảm giác tiêu cực vốn đã trở thành một
tình trạng bình thường của tâm thức chúng ta. Nhưng vì chúng ta chưa bao giờ cố
gắng để nghiên cứu chúng ta thật sự là ai. Việc cụ thể hóa tự ngã và những hiện
tượng tạo ra một sự phân chia giữa chủ thể và đối tượng. Khi chúng ta xua tan sự
tin tưởng trong thực tại của tự ngã và thế giới, thì chúng ta khám phá rằng tuệ
giác tự nó không có bất cứ sự tồn tại cố hữu nào, nó vốn vô tự tánh. Rõ ràng,
điều đó tương ứng với một giai tầng tiến bộ trên con đường tu tập của Phật
Giáo.
***
Đức Đạt Lai Lạt Ma
đã kinh nghiệm những từ ngữ của Đức Phật, Ngài kêu gọi đệ tử ngài hãy thẩm tra
kinh điển như người thợ kim hoàn thử vàng. Trong những lời giảng dạy của ngài,
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trao truyền những tinh hoa trong sự thực tập của ngài qua trái tim vô cùng phong phú của ngài.
Đôi lúc ngài rơi lệ khi diễn tả về năng lực của tâm giác ngộ, vốn yêu thương
người khác hơn chính mình, hay ngược lại là ngài bùng nổ những cơn cười khi đề
cập về tánh ngây thơ và ngắn ngủi của đời người. Những giọt nước mắt và nụ cười
tự nhiên của ngài là những giáo huấn trong giáo huấn, nhắc nhở chúng ta về
không gian hiện thân của tuệ giác.
Trong tấm gương sự
rộng lượng vô hạn của Đức Đạt Lai Lạt Ma, chúng ta có cơ hội để đánh giá về con
đường của đời sống chúng ta. Vì nó chính là những thông số trong mối liên hệ của
chúng ta với thế giới mà vị đạo sư tâm linh đặt vấn đề thách thức. Thực tại là
gì mà chúng ta phải chỉ định đến điều chúng ta xem như "thực tại"? Lý
luận của sự phân tích khảo sát lột đi những lớp cấu trúc và giải tỏa cấu kết của
người nói "tôi", "của tôi", vì vậy thích hợp với kinh nghiệm
của sự tỉnh giác về thế giới có thể tri nhận được. Trong không gian của
Descartes, dường như đột nhiên tự tin thật sự để thừa nhận, "tôi nghĩ cho
nên có tôi."
Sự giảng dạy của những
đạo sư Tây Tạng thử thách những sự chắc chắn như vậy: "Gương mặt của ngươi
hiện tại không phải là ngươi," Lạt ma Yeshe viết thế.
Xương thịt của ngươi không phải là ngươi. Cũng không phải máu, cơ bắp,
cũng không phải những phần khác của thân thể ngươi là bản chất của ngươi … Thân
thể thô phù vật lý của chúng ta không phải là thân thể duy nhất chúng ta sở hữu
… Trong những sự hạn chế của hình thể vật lý thông thường của chúng ta tồn tại
những trình độ sâu xa của ý thức. Chính là từ những trình độ vi tế hơn này mà
năng lượng tiềm tàng của tuệ giác diệu lạc sinh khởi, một năng lượng có khả
năng chuyển hóa phẩm chất của đời sống chúng ta một hoàn toàn … [Nó] tiêu biểu
cho bản chất của vấn đề chúng ta là ai và chúng ta có thể trở thành điều
gì."
Qua sự hành thiền,
tính chất thông thường được chiến thắng bằng năng lượng của Giác Ngộ. Lối vào cho
việc thâm nhập một trình độ của tỉnh giác nơi những hiện tướng không còn biểu
hiện mà không có sự thực chứng về mối liên hệ hổ tương của chúng, vì thế
"chúng tôi" trở thành thật sự hơn là "tôi". Việc nhận ra rằng
chúng ta không có nguyên nhân cho sự tồn tại của chúng ta bên trong chúng ta và
rằng chúng ta lệ thuộc vào những người khác cho sự tồn tại của chúng ta là bước
đầu tiên của thực tại đưa chúng ta đến việc thấu hiểu rằng mọi thứ là liên hệ với
nhau và từ bi là tính bản nhiên chân thật của chúng ta.
Đức Đạt Lai Lạt Ma
thường so sánh các tôn giáo với y dược, bổ sung những sự điều trị khác nhau là
cần thiết để cứu chửa những bệnh tật khác nhau. Nhưng tất cả những tôn giáo là
giống nhau vì đều kê toa thuốc vị tha. Tại sao? Bởi vì lòng từ ái tiêu biểu cho
sức khỏe nền tảng tương ứng với bản chất thật sự của thực tại. Những thái độ vị
kỷ, tổn hại tự thân và người khác, chống lại lẽ thật của sự sống và con người.
Chúng phát khởi từ si mê và đưa đến những sự lệch lạc tinh thần cần được chửa
trị. Tuệ giác, nhận thức thực tại như nó là, tượng trưng cho phương thuốc siêu
việt của lòng vị tha. Với lý do này mà Đức Đạt Lai Lạt Ma có thể thừa nhận:
"Tôi gọi từ ái và bi mẫn là tôn giáo phổ thông. Đấy là tôn giáo của
tôi."
Bây giờ chúng ta có
thể thấu hiểu rằng bằng việc trình bày tự thân ngài như một con người, Đức Đạt
Lai Lạt Ma muốn nói rằng ngài đã thực hiện một tiến trình chuyển hóa nội tại vốn
đã cho phép ngài nhận ra thực tế đòi hỏi của sự sống và trải nghiệm sự thánh thiện căn bản của nó. Nhưng
theo quy luật hổ tương phối hợp với nguyên tắc nhân duyên, chúng ta là một bộ
phận của thế giới cũng như thế giới là một bộ phận của chúng ta.
Bất cứ người nào đã
chuyển hóa tự thân thì cũng chuyển hóa thế giới.
Trích từ quyển My Spiritual Journey của Đức Đạt Lai Lạt
Ma
Ẩn Tâm Lộ, Tuesday, January 20, 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét