Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

DÒNG TRUYỀN THỪA HÓA THÂN CỦA TÔI




Tôi Được Triệu Đến Để Trở Thành Đức Đạt Lai Lạt Ma Để Phụng Sự Người Khác

TÔI THƯỜNG NÓI CHUYỆN một cách liên tục với những người làm vườn, những người phục vụ, những người quét tước. Hầu hết họ là những người bình dị, xử sự với tôi một cách cung kính, vì tôi là Đức Đạt Lai Lạt Ma. Cũng có những người già hơn, những người đang biểu lộ hy vọng của họ, ngay vào lúc mới mẻ ấy, cho một tương lai tốt đẹp hơn với sự trị vì của tôi.

Những người quét dọn già nhất đã biết Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13, vì họ đã phục vụ dưới triều đại của ngài. Họ nói với tôi nhiều giai thoại về đời sống của ngài. Họ giúp tôi tỉnh thức về những trách nhiệm tương lai của tôi. Sau này, tôi nghĩ rằng làm Đức Đạt Lai Lạt Ma là một vị trí khó khăn, phức tạp. Tôi tượng trưng cho một sự thử thách thật sự, và nhu cầu để đối diện nó sắp xảy ra đang gia tăng. Như một tu sĩ Phật Giáo, tôi cảm kích giá trị những đời sống quá khứ của tôi. Đạo đức của nghiệp lành được tích tập trong những kiếp sống trước đây cho tôi, trong đời sống hiện tại, nhiều khả năng để giúp đở người khác và để phụng sự Đạo Phật. Nghĩ lại tất cả những điều này, tôi đã thấy và tiếp tục thấy một động cơ bổ sung - một mong muốn được củng cố để làm mọi việc tôi có thể vì lợi ích của những người khác.

***

Dần dần, cậu bé hiểu rằng cậu được gọi đến để đảm đương những chức năng cao cả, một trách nhiệm khác với những người anh em và thân quyến kia của cậu. Từ cung cách người khác xem cậu và hành động đối với cậu, cậu nhận ra rằng cậu là Đức Đạt Lai Lạt Ma ngay cả trước khi cậu biết một cách chính xác điều gì được hàm ý trong danh hiệu ấy. Cậu thấy rằng những điều to lớn đang được mong đợi ở cậu, và cậu muốn sống xứng đáng với hy vọng mà người ta có với cậu. Nhiệm vụ nặng nề trong phạm trù chính trị nơi mà những quốc gia lớn, Ấn Độ và Trung Hoa, bị biến động chưa từng có khi những đế quốc Anh và Nga tranh cải về Nóc Nhà Thế Giới. Nhưng vị quốc vương trẻ đã thấy một thử thách trong hoàn cảnh này, một khi cậu quyết định đương đầu bằng việc đặt tất cả những khả năng của cậu để phụng sự con người.

Phần phỏng vấn này mà trong ấy Đức Đạt Lai Lạt Ma liên hệ đến những năm đầu tiên ở Lhasa phải chấm dứt, chúng tôi bị cắt ngang. Một tu sĩ đi vào phòng phỏng vấn và thì thầm vài điều gì đó với Đức Đạt Lai Lạt Ma, ngài lập tức đứng dậy, xin lỗi, và rời phòng.

Thư ký riêng của ngài giải thích rằng một vị đại sư đã lìa thân xác. Mindroling Rinpoche đã qua đời hai ngày trước đây. Một phái đoàn từ tu viện của ngài đã đến để thỉnh cầu những hướng dẫn về các nghi thức để tiến hành và những sắp xếp để thực hiện.
                     
Mindroling Rinpoche
Hai mươi phút sau, Đức Đạt Lai Lạt Ma trở lại. Có một biểu lộ nghiêm trọng trong mắt ngài, nhưng không buồn thảm. Trong một giọng quả quyết, ngài nói về vị lạt ma này, người rất gần gũi với ngài và chỉ hơi già hơn một tí. Sự viên tịch của ngài là một dịp nhắc nhở về tính vô thường, trong ý nghĩa của Phật Pháp, nó thừa nhận tính chất tạm thời của chúng sanh và các hiện tượng. Mọi thứ được sinh ra từ các nguyên nhân và điều kiện là không bền. Vô thường mâu thuẩn với cảm giác của chúng ta về tính chất trường cửu của thời gian và sự khao khát bất tử của con người. Nó là không thể chịu nổi đối với những người bình thường, những người chưa được rèn luyện tâm thức của họ để nhận thức về sự trống rỗng của thế giới hiện hữu. Phủ nhận tính vô thường tương ứng với những nguyên nhân chính của khổ đau trong sự tồn tại của chúng ta. Giáo huấn nhà Phật kêu gọi chúng ta quán chiếu và chấp nhận nó.

Người Tây Tạng Sẽ Quyết Định Họ Có Muốn Một Vị Đạt Lai Lạt Ma Thứ 15 Hay Không

MINDROLING RINPOCHE viên tịch hai ngày trước đây. Vì từ thời Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5, những liên kết rất đặc biệt đã tồn tại giữa những dòng truyền thừa của chúng tôi. Ngài bảy mươi tám tuổi, gần tám mươi…

Tôi không biết tôi sẽ sống bao nhiêu năm nữa, tám mươi, chín mươi, một trăm. Tôi không biết … (cười).

Hôm nay tôi hơn bảy mươi, chính xác là bảy mươi hai. Thế nên rõ ràng … tôi là vị Đạt Lai Lạt Ma, và bên cạnh vị thứ nhất, tôi là một trong những vị sống lâu nhất. Tất cả những vị khác dừng lại trước tuổi bảy mươi … (cười) Tôi rất may mắn (cười).

Cùng lúc, như một hành giả Phật Giáo, tôi thiền quán liên tục về vô thường. Bây giờ, trường hợp của riêng tôi, vô thường đang trở thành hiện thực. Một hiện thực càng ngày càng gần hơn…

Từ năm 1969, tôi đã tiên liệu về điều đó và đã thực hiện những sự sắp xếp, tuyên bố rõ ràng rằng việc đó hoàn toàn tùy thuộc vào người Tây Tạng trong việc quyết định về thể chế Đạt Lai Lạt Ma nên tiếp tục hay không. Vào lúc ấy, một số người Tây Tạng bày tỏ sự quan tâm của họ về những gì sẽ xảy ra sau tôi và trong khoảng thời gian theo sau sự qua đời của tôi. Tôi đã tuyên bố ý kiến rằng nếu đại đa số người Tây Tạng muốn bảo tồn thể chế của những Đức Đạt Lai Lạt Ma, thì họ nên xem xét vài lựa chọn.

Mọi thứ thay đổi liên tục. Chúng ta phải hành động tùy vào thực tế mới, chỗ Tây Tạng được quan tâm và đưa vào nghiên cứu, ngày nay, không chỉ người Tây Tạng mà người Mongolia cũng vậy, những người theo truyền thống liên hệ rất gần gũi với thể chế của những Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nếu những người này muốn giữ thể chế những Đức Đạt Lai Lạt Ma, họ phải tôn trọng phong tục tìm kiếm một vị hóa thân mới phù hợp với nghi thức. Đưa ra điều đó để cho thấy xu hướng rõ ràng của một vị hóa thân là để tiếp tục nhiệm vụ chưa được hoàn tất bởi vị tiền thân, cho nên một cách hợp lý, nếu cái chết của tôi xảy ra khi tôi đang ở bên ngoài Tây Tạng, thì sự tái sanh của tôi cũng sẽ biểu hiện ở quốc ngoại để hoàn thành những gì tôi đã để lại chưa hoàn tất.

Nhưng cũng có những khả năng khác. Nhiều năm trước, tôi đã giải thích rằng theo truyền thống Tây Tạng, tiến trình của sự thừa kế có thể quyết định trong một cách khác.

Chức Đạt Lai Lạt Ma Của Tôi

MONG ƯỚC CỦA TÔI  là thế quyền sẽ được trao lại cho một vị thủ tướng, Kalon Tripa, và ông ấy được bầu cử lần đầu tiên vào năm 2001. Cho nên bây giờ tôi làm việc bán thời gian, và đôi khi tôi hỏi tôi có dự định về hưu không. Việc đó có thể không? Một Đức Đạt Lai Lạt Ma có thể về hưu chứ?

Không, tôi không thể trở thành một người hưu trí (cười). Ngoại trừ đại đa số không còn xem tôi như một Đức Đạt Lai Lạt Ma nữa mà thôi - sau đó tôi sẽ có thể hưu trí! (cười).

Tôi đang đùa!

Từ năm 2001, chúng tôi đã có một lãnh đạo của ngành hành pháp được bầu lên mỗi nhiệm kỳ 5 năm. Đó là vấn đề tôi có thể trở thành bán hưu trí trong chính trị như thế nào. Ở Tây Tạng năm 1952, tôi đã bắt đầu những sự thay đổi cho việc chuẩn bị dân chủ hóa. Nhưng chúng tôi không thể thiết lập việc vận động cho chương trình hiện đại hóa của chúng tôi, vì có quá nhiều sự thay đổi xảy ra.

Sau đó chúng tôi đến Ấn Độ như những người tị nạn, tất cả chúng tôi đều thích chế độ dân chủ. Từ năm 2001, những quyết định chính đã được thực hiện bởi những người được bầu lên, chứ không phải tôi. Trong thực tế, tôi hành động như một cố vấn kinh nghiệm. Trong năm 2006, Samdhong Rinpoche đã tái đắc cử, và quy định là mỗi người chỉ có thể phục vụ hai nhiệm kỳ. Cho nên trong bốn năm một người mới sẽ được chọn qua bầu cử.

Tôi không nghĩ việc duy trì thể chế Đạt Lai Lạt Ma là quan trọng. Chúng tôi có thể thực hiện một sự phân biệt rõ ràng giữa việc bảo vệ văn hóa Tây Tạng và Phật Giáo Tây Tạng, một mặt, và bảo tồn văn phòng của Đức Đạt Lai Lạt Ma về mặt kia. Thể chế này, giống như những thứ khác, xuất hiện trong một thời điểm nào đó và rồi biến mất; nhưng Phật Giáo Tây Tạng và di sản văn hóa của nó, sẽ tồn tại cùng với người Tây Tạng.

Đó là tại sao, trong năm 1992, tôi đã tuyên bố rằng, khi thời điểm đến cho chúng tôi trở về quê hương chúng tôi, Tây Tạng - đó là khi chúng tôi có được một khu tự trị thật sự - thế thì tôi sẽ trao toàn bộ thẩm quyền hành pháp của tôi như một Đức Đạt Lai Lạt Ma cho chính phủ Tây Tạng.

Tại Sao Tôi Không Thể Tái Sanh Như Một Phụ Nữ Xinh Đẹp?

TRONG QUÁ KHỨ, những hóa thân nào đó được nhìn nhận trước khi cái chết của vị tiền nhiệm của họ xảy ra, vị ấy chọn lựa những người thừa kế tương xứng. Trong thế hệ của tôi, sự kiện này có thể hình thành, tùy thuộc vào những hoàn cảnh cụ thể vào những thời điểm nhất định.

Những người phương Tây hấp dẫn với ý kiến rằng vị hóa thân tiếp theo của Đức Đạt Lai Lạt Ma có thể là nữ. Một cách lý thuyết, vâng, điều ấy là có thể. Lý do sâu sắc của việc tái sanh là để đảm đương nhiệm vụ vốn không được hoàn tất bởi vị tiền nhiệm. Một cách hợp lý, nếu cái chết của tôi xảy ra trong lưu vong, thì sự tái sanh của tôi sẽ đến từ quốc ngoại nhằm để hoàn thành những gì tôi đã bắt đầu.

Mục đích chính yếu của việc tái sanh là để phục vụ Phật Đạo. Trong giáo huấn nhà Phật, nam và nữ có cùng những quyền lợi căn bản. Nhưng trong thực tế, hai nghìn năm trăm năm trước, truyền thống Ấn Độ thừa nhận tính ưu việt của Tăng. Mặc dù những việc truyền tỳ kheo ni giới một cách lý thuyết cũng dành cho ni trong cộng đồng Phật Giáo, nhưng ở Tây Tạng, Tích Lan, và Thái Lan chư ni bị ngăn trở đối với việc nhận những giới luật cao nhất [là tỳ kheo ni]. Ở Tây Tạng, loại truyền giới này được trao cho tăng sĩ bởi Tịch Hộ trong khi chư ni bị loại ra. May mắn thay, ở Trung Hoa [cũng như Việt Nam] việc truyền cụ túc giới cho chư ni được duy trì cho đến ngày hôm nay. Có những sự thảo luận ngày nay về việc lập lại sự truyền đại giới cho chư ni.

Ngay cả thế, truyền thống Tây Tạng có những dòng truyền thừa của những sự tái sanh nữ cao cấp, như Dorje Phagmo, một dòng truyền thừa hơn sáu trăm năm. Tôi không biết những người nữ tái sanh này đều là ni hay  không, nhưng trong hầu hết mọi trường hợp, tôi nghĩ họ phải thọ giới. Do đó, tùy theo những trường hợp, nếu một Đức Đạt Lai Lạt Ma là nữ có thể hổ trợ chúng sanh tốt đẹp hơn phụng sự cho Phật đạo, thì tại sao chúng ta lại bỏ lở dịp này?

Hảo tướng là một trong tám phẩm chất của thân thể con người quý giá về trình độ vật lý. Rõ ràng nếu một nữ Đạt Lai Lạt Ma hình tướng xấu xí, thì vị ấy sẽ hấp dẫn ít người hơn. Mục tiêu của một tái sanh nữ là để trao truyền giáo huấn nhà Phật cho công chúng trong một cách thuyết phục. Không cần phải dành hai mươi bốn giờ một ngày để hành thiền và tụng niệm. Từ quan điểm này, vấn đề xuất hiện có tầm quan trọng của nó. Do đó, đôi khi tôi nói với mọi người, nửa đùa rằng, nếu tôi tái sanh như một người nữ, tự nhiên tôi sẽ là một phụ nữ với thân thể rất xinh đẹp.

Tôi không biết là tôi sẽ chỉ định một vị Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp trong kiếp sống này của tôi không. Điều đó là có thể, tôi đang quán chiếu. Hãy để mọi  người cho ý kiến của họ, sau đó chúng ta sẽ thấy. Trong quá khứ, khoảng một thập niên trước, vấn đề này được tranh luận trong những vị thủ hộ của những dòng truyền thừa chính của Tây Tạng. Trong những tháng tới, chúng ta chắc chắn sẽ thấy một cuộc hội họp về chủ đề  này, cũng như việc truyền đại giới cho ni.

***

Giáo sĩ Tây Tạng bao gồm đại đa số những nam lạt ma, và tái sanh trong nam tướng theo truyền thống được xem như là tốt đẹp hơn, mặc dù thế, Phật tử Tây Tạng tuyên dương nữ tính như biểu tượng của trí tuệ và tôn kính Tara, Bậc Giải Thoát đã hoàn thành, người đã nguyện thành tựu Giác Ngộ trong thân nữ.

Có những dòng truyền thừa của nữ lạt ma, nhưng hiếm khi những lạt ma tái sanh không cùng giới tính với những hóa thân trước đó của họ. Cho nên Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố về người thừa kế như vậy là bất thường. Thật đúng là Đức Thánh Thiện Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 tiếp tục làm mọi  người ngạc nhiên với sự cải cách táo bạo của ngài; trong việc áp dụng những phong tục cổ truyền của Tây Tạng vào thế giới hiện đại, ngài liên quan với việc bảo tồn tâm linh của những tập quán này hơn là hình thức bên ngoài của chúng. Dường như là ngài đang chuẩn bị để mở ra một vị thế mới trong vấn đề người thừa kế nhạy cảm của ngài, là điều nhắc lại vấn đề hệ thống tulku - hóa thân, nền tảng của Phật Giáo Tây Tạng.

Chúng Ta Không Có Bắt Đầu Hay Chấm Dứt

KHÁI NIỆM về một tuyến tái sanh cho những Đức Đạt Lai Lạt Ma coi như là sự tương tục giữa sự sống của hai người: vị tiền thân và sự tái sanh của vị ấy.

Phật Giáo chấp nhận sự tồn tại tương tục của một chúng sanh. Giáo thuyết của Đạo Phật về "vô ngã" có nghĩa là không có một tự ngã tồn tại độc lập bên ngoài thân thể, bởi vì "tự ngã" hay con người là được mệnh danh bởi sự phối hợp của thân thể và tâm thức. Có một tự ngã, nhưng không có một tự ngã độc lập tuyệt đối. Với việc quan tâm đến sự tiếp tục, Phật Giáo chấp nhận sự tương tục của chúng sanh, nhưng cũng tán thành khái niệm của một tự ngã "vô thỉ", đó là một tự ngã không có bắt đầu và không có chấm dứt cho đến khi Quả Phật được thành tựu.

Có những loại tái sanh khác nhau. Một hóa thân của Đức Phật hay Bồ tát, có thể biểu hiện vài lần một cách đồng thời; những vị Bồ tát thấp tái sanh trong chỉ một người - đó là, chỉ một lần trong một thời kỳ. Nhưng bất cứ người nào, bất kể họ là một Bồ tát hay một người bình thường, là tái sanh từ "vô thỉ" và sẽ được sanh ra một cách vô tận. Sự tương tục luôn luôn ở đấy và sẽ luôn luôn ở đấy, trả nghiệp. Bây giờ, ở một cấp độ, nếu quý vị phát triển một sự thực chứng tâm linh nào đó, thế thì sự sanh ra qua nghiệp sẽ chấm dứt. Rồi thì, với năng lực ý chí, quý vị có thể chọn lựa sự tái sanh của quý vị. Loại tái sanh này chúng tôi gọi là hóa thân.

Tôi Có Thể Hóa Thân Trong Hình Thể Một Côn Trùng

TRƯỚC TIÊN NHẬN THỨC  những lạt ma hóa thân, hay tulku, là có vẻ  hợp  lý hơn. Niềm tin của Phật Giáo là nguyên lý của sự hóa thân là thực tế dĩ nhiên, rằng khái niệm duy nhất của một sự hóa thân là để cho phép người nào đó tiếp tục những nổ lực của vị đó để giải thoát tất cả chúng sanh khỏi khổ đau, chúng ta có thể hiểu rằng thật có thể nhận ra những đứa trẻ mà chúng là những sự tái sanh của những người nào đó. Điều đó cho phép chúng ta rèn luyện chúng và đưa chúng vào thế giới vì thế chúng có thể tiếp tục những nhiệm vụ của chúng ngay khi có thể. Dĩ nhiên những sai lầm có thể xảy ra trong tiến trình nhìn nhận, nhưng hiệu quả của hệ thống được chứng thực bởi đời sống của đại đa số những tulku - hóa thân. (Vài trăm vị đã được nhìn nhận ngày nay, trái lại ở Tây Tạng, trước khi sự xâm lăng của Trung Cộng, chắc chắn hàng nghìn vị).

Tiến trình của việc xác nhận có thể ít huyền bí  hơn là quý vị nghĩ. Trước tiên nhất, người ta tiến hành bằng việc loại trừ. Hãy nói về việc tìm kiếm một vị tu sĩ nào đó. Thứ nhất quý vị phải thiết lập thời gian và nơi chốn của người chết. Nếu quý vị nghĩ, theo kinh nghiệm của quý vị, theo nguyên tắc, rằng sự hiện thân mới sẽ được thai nghén trong năm tới, quý vị vẽ ra thời dụng biểu. Thế thì nếu lạt ma X chết năm Y, sự hiện thân tiếp theo chắc chắn sẽ được sanh ra mười tám tháng hay hai năm sau. Trong năm Y cộng năm (Y+5), đứa bé chắc chắn khoảng 3 đến 4 tuổi. Vậy là quý vị đã thu hẹp lãnh vực khảo sát xuống.

Sau đó quý vị xác định rõ nơi sanh có thể nhất. Thông thường điều đó rất dễ dàng. Đầu tiên quý vị tự hỏi nó là ở trong Tây Tạng hay nơi nào khác. Nếu là ở quốc ngoại, có một con số giới hạn những nơi chốn - trong những cộng đồng Tây Tạng ở Ấn Độ, Nepal, Thụy Sĩ, thí dụ thế. Sau đó quý vị quyết định trong thành phố nào quý vị có thể dễ tìm thấy đứa bé nhất. Điều này chắc chắn được suy diễn với sự liên hệ đến đời sống của vị tiền thân.

Bước tiếp theo là tập họp lại một đoàn tìm kiếm với nhau. Điều này không nhất thiết có  nghĩa là một nhóm người sẽ được hình thành gấp, giống như cho một cuộc săn tìm báu vật. Một cách tổng quát, khảo sát trong một cộng đồng để tìm kiếm là đủ nếu có đứa bé 3 hay 4 tuổi là một ứng viên khả dĩ. Thường thì quý vị có những dấu hiệu hữu ích, như những hiện tượng bất thường xảy ra lúc sanh. Hay khác hơn là đứa bé có thể chứng tỏ những phẩm chất khác thường.

Đôi khi có hai hay ba khả năng - hay hơn - tự biểu hiện ở cấp độ này. Hay một đoàn tìm kiếm có thể chứng tỏ là không cần thiết, vì vị tiền thân đã để lại thông tin chi tiết về tên của vị thừa kế và tên của cha mẹ vị ấy. Nhưng điều đó là rất hiếm hoi. Trong những trường hợp khác, những đệ tử của tu sĩ có thể có những giấc mộng rõ ràng hay những ảo giác biểu thị nơi vị hóa thân có thể được tìm thấy. Những quy tắc không cứng nhắc hay cố định.

Mục tiêu của một vị hóa thân là để làm cho thuận tiện sự tiếp tục hoạt động của vị ấy, là điều có thể có những hệ quả quan trọng, tùy thuộc vào vị đang được tìm kiếm. Thí dụ, trong trường hợp của tôi, ngay cả nếu những nổ lực của tôi trong phổ quát là để hiến dâng cho việc phụng sự tất cả chúng sanh, thì tôi hướng dẫn họ một cách đặc biệt hơn đối với những đồng bào của tôi. Cho nên nếu tôi chết trước khi Tây Tạng tìm lại được sự tự do, thì một cách hợp lý tôi sẽ được tái sanh ở bên ngoài Tây Tạng. Nếu vào lúc ấy, đồng bào tôi không cần một Đức Đạt Lai Lạt Ma nữa, thế thì sẽ không cần thiết để tìm kiếm tôi. Vì thế tôi có thể tái sanh như một con côn trùng, hay một con thú, hay một hình thể nào khác của sự hiện hữu mà ích lợi cho nhiều chúng sanh nhất.

***

Để bảo đảm sự kiểm soát toàn xã hội Tây Tạng, Đảng Cộng Sản Trung Quốc tự cho mình có quyền kiểm soát những dòng hóa thân truyền thừa. Vì để họ không bị khống chế bởi thẩm quyền của Bắc Kinh, những lạt ma nhi đồng được đặt dưới sự bảo vệ cẩn thận của gia đình họ. Trong một sự bí mật tuyệt hảo, những người làm ăn bất hợp pháp sẽ đưa họ đến Nepal hay Ấn Độ. Ở đấy, họ sẽ gia nhập vào những tu viện và được cung ứng một sự học tập tôn giáo thích hợp cho trách nhiệm tương lai của họ.
      
Gendhun Chokyi Nyima,
Tháng Năm năm 1995, Đức Đạt Lai Lạt Ma xác nhận Gendhun Chokyi Nyima, một nhi đồng sáu tuổi, như hóa thân của Đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 10, vị chức sắc cao cấp thứ hai của Phật Giáo Tây Tạng. Hai ngày sau Ban Tôn Giáo Trung Cộng tuyên bố sự lựa chọn này là "bất hợp lệ và vô giá trị". "Cùng ngày vị chức sắc tôn giáo chịu trách nhiệm tìm kiếm lạt ma hài đồng, Chadral Rinpoche, bị bắt giam vì đã cấu kết với bè lũ Đạt Lai Lạt Ma." Vài tuần sau  Đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 cùng với cha mẹ biến mất. Từ tháng Bảy 1995, ngài bị giữ ở một nơi bị giám sát bí mật, vì vậy ngài trở thành tù nhân chính trị nhỏ tuổi nhất trên thế giới. Luật pháp giống như vở kịch Vua Ubu, Ban Tôn Giáo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã chọn một nhi đồng khác và làm lễ đăng quang trong một nghi lễ bù nhìn. Mặc dù liên tục có những cuộc biểu tình chống đối của cộng đồng quốc tế, chúng ta vẫn không có tin tức về Gendhun Chokyi Nyima, Đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 được nhìn nhận theo nghi thức truyền thống.

Mới đây, chính quyền Trung Cộng đã cho biết khát vọng gia tăng hành động trong việc kiểm soát những dòng truyền thừa. Vì vậy, tháng Tám năm 2007, thông tin chính thức của Trung Cộng đã tuyên bố một quy tắc mới về việc công nhận những "vị Phật Sống", một thuật ngữ mà người Trung Hoa dùng để chỉ định những đại sư hóa thân. Từ nay về sau, "tất cả những yêu cầu cho việc công nhận một sự hóa thân của một 'vị Phật sống' phải được sự chấp thuận của Ban Tôn Giáo", dưới kết quả của luật lệ.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bình luận về những tiêu chuẩn này với sự tiếu lâm: "Quyết định kỳ quái này chứng tỏ những tác giả của nó, thế nào đấy tự hào trong việc ban hành 'các giấy phép của sự hóa thân,' là những kẻ không hiểu gì về việc hóa thân hay Phật Giáo. Họ nghĩ rằng tất cả việc đó là cần thiết như một chiếu chỉ hay một quy định để mở rộng sự kiểm soát của họ đối với tâm thức con người. Nó sẽ không như thế. Nếu họ thậm chí có một chút chú ý vào thực tế chung quanh họ, họ sẽ nhận ra điều này."

Quy định kiểm soát đối với những dòng truyền thừa xảy ra trong phạm vi thời đại của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 không tránh khỏi đặt ra vấn đề người thừa kế của ngài. Bắc Kinh đã quyết định quy định sự kế vị, không thèm đếm xỉa đến quyền đạo đức và tâm linh của người Tây Tạng. Theo Samdhong Rinpoche, thủ tướng của chính phủ Tây Tạng lưu vong, "Không phải Đức Đạt Lai Lạt Ma khởi xướng việc nói về người kế vị ngài, mà chính là Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Họ rất băn khoăn về sự hóa thân của ngài, mà vốn họ muốn tự chọn theo ý họ. Cho nên họ hy vọng rằng vị thứ 14 giữ danh hiệu này không sống lâu quá, và họ phao tin rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma bị ung thư giai đoạn cuối, vì vậy họ cố gắng để phỏng đoán việc đề cử người kế vị. Rõ ràng rằng họ đang cố làm mọi việc để áp đặt một Đức Đạt Lai Lạt Ma mới dưới sự khống chế của họ. Nhưng chính người Tây Tạng sẽ vạch rõ tiến trình chọn lựa Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 15.

"Đức Thánh Thiện là người duy nhất, từ sau Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ nhất, đã sống trường thọ, và ngài phải quyết định người kế vị của ngài, vì công việc của ngài chưa chấm dứt. Rắc rối của chức vụ hiện ra. Thật quá phức tạp để chờ một nhi đồng Đạt Lai Lạt Ma lớn lên cho đến khi trưởng thành. Đức Thánh Thiện đã phải lãnh trách nhiệm khi ngài rất trẻ, và việc đó là rất khó khăn. Người kế vị ngài phải ở một độ tuổi để tiếp nhận những chức năng của ngài khi đến lúc. Đó là tại sao Đức Đạt Lai Lạt Ma nghĩ về việc chỉ định một vị hóa thân được hình thành (a madé tulku) trong khi ngài tại thế, nghĩa đen là, một 'hóa thân trước khi chết,' theo một truyền thống mà theo đó vị đại sư, trước khi chết, trao chuyển tinh hoa chứng ngộ tâm linh của vị ấy cho người thừa kế."

Trong bài diễn thuyết khi nhận giải Nobel Hòa Bình của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Egil Aarvik nhận xét: "Tiến trình của việc công nhận một vị hóa thân hàm ý việc thâm nhập vào điều, đối với người phương Tây, là vùng đất không biết, terra incognita, nơi những niềm tin, tư tưởng và hành động tồn tại trong một chiều kích hiện hữu mà chúng ta mù tịt, hay có lẻ đơn giản là chúng ta đã quên."

Ngay cả khi Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố không khó khăn gì rằng ngài "không phải là người đặc biệt," nhưng cuộc sống của ngài không là bình thường, trong ý nghĩa là nó không bắt đầu với sự ra đời của ngài và sẽ không chấm dứt với sự qua đời của ngài. Vị thủ hộ của dòng truyền thừa Giác Ngộ Từ Bi, ngài tỏa chiếu từ một chiều kích phổ quát. Những thể trạng thậm thâm của sự tỉnh giác cống hiến cho điều này, được thấy bằng việc hành thiền và thực tập Phật Giáo như thế nào? Đó là điều mà những tuyên bố của ngài như một tu sĩ trong những chương tiếp theo sẽ khơi mở. Chúng làm sáng tỏ tính nhân bản mãnh liệt của một con người đã "làm chúng ta cảm thấy tốt lành là được làm người. Về việc sống trong thời đại khi có người nào đó như ngài hiện hữu với chúng ta."

Ẩn Tâm Lộ, Thursday, January 14, 20

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét