Đức
Đạt Lai Lạt Ma rời khu vực giản dị của ngài ở tầng thượng một tu viện Tây Tạng
tại Đạo Tràng Giác Ngộ và đi xuống cầu thang bên ngoài khoảnh sân hẹp của tu viện.
Chiếc xe Đại sứ trắng đậu ở đấy. Nó trông cũng giống như những chiếc xe taxi
khác thấy trong những thành phố Ấn Độ. Nhưng chiếc này được bọc sắt, cửa sổ
dày, kính màu đủ mạnh để chống lại đạn. Một nhóm nhỏ Maoists cực đoan đã kích động
gần Đạo Tràng Giác Ngộ mấy tháng gần đây. Và vùng này của Bihar, tiểu bang
nghèo nhất của Ấn Độ, được biết như thỉnh thoảng có cướp vũ trang. Văn phòng
ngoại giao ở Delhi đã gửi chiếc xe từ thành phố Lucknow kế cạnh cho Đức Đạt Lai
Lạt Ma sử dụng trong chuyến hành hương đến Đạo Tràng Giác Ngộ và những nơi gần
các Phật tích.
Đức
Đạt Lai Lạt Ma bước qua chiếc xe và khỏi tu viện, cùng theo có đoàn tùy tùng
khoảng năm mươi người: những người phụ tá và thị giả, một số lạt ma cao cấp, một
đội bảo vệ Ấn Độ và Tây Tạng. Khu vực bên ngoài tu viện, trung tâm Đạo Tràng
Giác Ngộ đã được dọn dẹp. Một đám đông những người hành hương và cầu mong tốt
lành đang xếp hàng đợi chờ bên lề đường một cách nhẫn nại để được dịp chiêm ngưỡng
vị lãnh tụ tôn kính Tây Tạng. Cảnh sát không cho xe hơi, xe đạp, xe kéo di chuyển
trên đường.
Đức
Đạt Lai Lạt Ma thú vị với đoạn đường đi bộ ngắn này đến Đại Tháp Giác Ngộ
thiêng liêng, nơi Đức Phật đã thành tựu Giác Ngộ. Đây sẽ là cơ hội để ngài gặp
gở với những người bình thường. Hết lần này đến lần khác, ngài đã tách ra khỏi
những người bảo vệ để chào mừng một người nào đó trong đám đông.
Một
đội quân ăn xin nhỏ, hầu hết là đàn bà không rõ tuổi tác trong những bộ sari đủ
màu sắc, ngồi chồm hổm bên ngoài cổng tháp. Họ là những người thuộc đẳng cấp
cùng đinh của Ấn Độ, và đã trải qua một đoạn đường dài để đến Đạo Tràng Giác Ngộ,
đúng thời gian của lễ khai đạo Thời Luân 2002 - trong mười một ngày nghi lễ Phật
Giáo được tiến hành bởi Đức Đạt Lai Lạt Ma trước hai trăm nghìn người
(200,000). "Ở đây nơi Đạo Tràng Giác Ngộ," Đức Đạt Lai Lạt Ma từng giải
thích cho tôi, "một số đông người như vậy sẽ đến với nhau trong vài ngày để
tập trung vào lòng vị tha. Do bởi điều này, tôi nghĩ là những làn sóng tích cực
, có lẻ ở mức độ không thấy được, có thể xảy ra. Nhưng tôi có thể bảo đảm với
ông, bất kể là tích cực hay không, tối thiểu là vô hại. Và tôi nghĩ những người tham dự, trong một thời khắc ngắn ngủi
nào đó, có thể trải nghiệm một sự tĩnh lặng nào đó, một sự hòa bình và toại
nguyện nào đó. Điều đó thường xảy ra trong lễ Khai đạo Thời Luân."
Một
điều chắc chắn là, những người ăn xin biết là họ sẽ không đói. Và họ biết là, kết
thúc hai tuần phóng túng, mỗi người trong họ chắc là sẽ về nhà với một xấp tiền
giấy rupee (tiền tệ Ấn Độ).
Những
người ăn xin chỉ hơi chú ý sự tiếp cận Đức Đạt Lai Lạt Ma. Thay vì thế, sự chú
ý chính của họ tập trung mạnh vào năm sáu người Tây Tạng đang kéo một thùng
nhôm lớn chứa cơm màu vàng nghệ đến trước họ. Với những động tác nhanh, nhuần
nhuyển, hai người trai trẻ múc những phần
bố thí vào chiếc ca thiếc chìa ra. Nghi thức này được tiến hành hai lần một
ngày. Đi vội vàng trên đôi tay và đầu gối của chúng theo những người Tây Tạng
di chuyển nhanh là năm hay sáu đứa bé bị tê liệt, những đôi chân như que diêm của
chúng rung động nhịp nhàng phía sau thân thể gầy còm của chúng như những cái
đuôi. Những đứa trẻ cũng sẽ không đói - không đói khi Đức Đạt Lai Lạt Ma ở
trong thị trấn này.
Ở
cửa ra vào phía trước chánh điện của Đại Tháp, Đức Đạt Lai Lạt Ma bỏ đôi dép nhựa
ra và lễ phủ phục ba lần trên một tấm tọa cụ lụa đỏ thắm trải trên nền bởi những
thị giả của ngài. Sau đó ngài bước qua một lối hẹp vào chánh điện nổi bật tận
cùng là một tượng Phật lớn.
Đức
Đạt Lai Lạt Ma tiến đến bảo tọa, bức tượng cao ngất phía trên ngài. Ngài lễ phủ
phục ba lần nữa. Một nhóm tu sĩ Tích Lan, chói lọi trong những bộ y vàng nghệ của
họ đi lượn đến gần. Họ là những bảo vệ chính thức của đại tháp. Chỉ một tá lạt
ma cao cấp Tây Tạng trong y áo đỏ sậm và một ít bảo vệ Tây Tạng là những người
khác trong điện Phật. Không khí gần như cay nồng với mùi nhang dày đặc phảng phất
và mùi hơi người ẩm lâu ngày của vô số khách hành hương.
Tôi
đứng chen bên cạnh Senge Rabten, trưởng nhóm bảo vệ của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nhà
chuyên môn karate với thân hình ngắn gọn đang vói lên cố gắng sửa một chiếc quạt
trần. Sau một dò dẫm nào đó, ông ta đã thành công trong việc hướng dòng không
khí thẳng đến Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tôi có thể nghe những tiếng động của một đám
đông khổng lồ bên ngoài, được giữ trong sự hạn chế bởi những chiến binh trang bị
vũ khí tự động.
Một
tu sĩ Tích Lan đưa chiếc bật lửa cho Đức Đạt Lai Lạt Ma. Hai cây nến màu tím,
hình xoắn và để trên chân đèn bằng đồng, đặt trên bệ trước tượng Phật. Đức Đạt
Lai Lạt Ma thắp đèn một cách cẩn thận, từng chiếc một. Sau đó ngài nhìn lên Phật
tượng và chấp tay trong tư thế quy kính.
Tôi
nheo mắt nhìn bức tượng cổ bằng đá, nghe nói là được tạc khoảng 1,700 năm trước.
Khi được khai quật bởi những nhà khảo cổ Anh thế kỷ 19, đầu của bức tượng bị rời
khỏi thân. Họ đã hàn gắn lại trước khi cung nghinh Phật tượng vào nội điện của
đại tháp. Tôi đã biết rằng khi Đức Đạt Lai Lạt Ma lần đầu tiên chiêm ngưỡng bức
tượng quan trọng nhất này, ngài đã bị khích động vì thấy chính mối ráp lại.
Ngài đã cúng dường một số tiền lớn, thỉnh cầu được sơn bức tượng bằng vàng. Cơ
quan khảo cổ Ấn Độ đã chống đối, nhưng cuối cùng, tình cảm tôn giáo đã thắng. Bức
tường phía sau tượng Phật được sơn màu xanh dương và chiếu ánh sáng nhẹ, để tạo
ảnh hưởng của khung cửa sổ lớn giống như bầu trời xanh. Tôi cố gắng để thấy nếp
nhăn của mối ráp chung quanh cổ tượng nhưng không thành công.
Đức
Đạt Lai Lạt Ma bước trở ra Phật điện. Ngài xoay sang bên phải và đi nhiễu chung
quanh đại tháp.
Ngay
trước khi ngài đến cổng tháp, ngài đột nhiên thay đổi hướng đi và rẻ sang bên
phải, đến gần một đám đông người Tây Tạng đang căng thẳng chống lại những nhân
viên bảo vệ. Với người bảo vệ bên cạnh, ngài hướng đến một người trai trẻ ngồi
trên mặt đất bên cạnh lão bà nét mặt rộng của người Mông Cổ, tóc bà kết thành
hai bím dài. Người trai trẻ, khoảng mới hai mươi tuổi, có một cây gậy trong
tay. Thế nào đấy, mặc dù mắt anh ta mở rộng, Đức Đạt Lai Lạt Ma đoán là anh ta
mù. Người tu sĩ Tây Tạng khom mình xuống, cầm tay người thanh niên, và nói với
ngài trong một giọng sâu lắng. Ngài muốn biết anh ta từ đâu đến, anh ta có được
chửa trị gì chưa. Tôi kinh ngạc với năng lực kỳ lạ của Đức Đạt Lai Lạt Ma khi
chọn ra người mất khả năng, tàn tật trong một đám đông khổng lồ.
Sau
này tôi mới được biết người trai trẻ, Lobsang Thinley, đã đến với mẹ anh ta từ
vùng Machen của Amdo, một bộ phận của tỉnh Thanh Hải, Trung Hoa, phía Đông Bắc
Tây Tạng. Anh ta đã bị mù vào lúc mưởi lăm tuổi, khi đau đớn từ một chấn động
nghiêm trọng sau khi bị té. Việc giải phẩu đã hồi phục khả năng nhìn của anh ta
một phần nào, nhưng trước đó lâu rồi sự mù lòa của anh ta đã trở lại. Trải qua
nhiều năm, mẹ anh ta đã cố gắng một cách tuyệt vọng để tìm cách cứu chửa cho con trai bà, đưa anh ta đến những bệnh
viện quan trọng ở Chengdu và Bắc Kinh, nơi anh ta được giải phẩu một lần nữa,
và cũng được chửa trị bằng châm cứu. Không gì có kết quả. Thần kinh thị giác của
anh ta đã bị hư hại nghiêm trọng, và anh được nói là anh không thể thấy lại lần
nữa.
Khi
anh ta nghe rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma, lần đầu tiên trong mười lăm năm, sẽ tiến hành lễ Khai đạo Thời Luân ở Đạo Tràng Giác
Ngộ đầu năm 2002, người con trai quyết định đi. Anh ta muốn được gần Đức Đạt
Lai Lạt Ma, để nghe ngài giảng đạo. Gia đình và bè bạn cố gắng để khuyên ngăn:
hành trình từ Đông Bắc Tây Tạng đến Nepal và Ấn Độ qua Hy Mã Lạp Sơn sẽ gian
khó và nguy hiểm. Nhưng anh ta không nghe. Mẹ anh ta đã bán hết nữ trang và
trâu bò và mượn người thân để dành dụm đủ tiền cho hành trình. Bà vẫn hy vọng rằng
con trai bà ta sẽ thấy lại một ngày nào đó. Có lẻ họ gặp may mắn ở Ấn Độ, nơi
khai sinh Phật Giáo.
Sau
một vài trao đổi ngắn với bà mẹ và đứa con, Đức Đạt Lai Lạt Ma quay đi. Người
trai trẻ cầm tay ngài thêm một lúc nữa, không muốn buông ra. Đức Đạt Lai Lạt Ma
nói với một người phụ giúp của ngài. Ngài muốn Bác sĩ Tseten Dorji Sadutshang,
một trong những bác sĩ riêng của ngài và giám đốc của bệnh viện Delek ở
Dharamsala, khám nghiệm cho người trai trẻ xem có thể làm được gì không. Sau đó
ngài rời Đại Tháp Giác Ngộ và đi bộ về tu viện Tây Tạng.
Ẩn
Tâm Lộ, Tuesday, December 08, 2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét