Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

SÚNG TRƯỜNG TRONG PHÒNG NGỦ





Ánh sáng buổi trưa chiếu ấm áp và dễ chịu trên những tàn tích của Đại Học Na Lan Đà cổ xưa. Đức Đạt Lai Lạt Ma và một đoàn tùy tùng khoảng một trăm tu sĩ ngồi và trì tụng kinh chú trên bãi cỏ đối diện trực tiếp với phần còn lại của ngôi tháp cao chín mươi bộ. Tất cả đã đến đây sau khi dừng chân ở Sarnath, trong một cuộc hành hiếm hoi để tỏ lòng tôn kính đến những Phật tử ưu việt Ấn Độ, những người đã học và dạy tại Na Lan Đà. Lãnh tụ Tây Tạng đã không đến đây trong hơn hai thập niên.

Một con chó trắng xuất hiện không biết từ đâu và đi thong thả đến gần hội chúng tu sĩ. Nó chọn một nơi cạnh với họ và ngồi xuống, đầu nó vễnh lên hướng một cách chế giễu về Đức Đạt Lai Lạt Ma. Sau khi ngồi đó một lúc, nó dường như điều chỉnh đi vào trong những điệu tán tụng trầm bổng sâu lắng rồi nằm xuống và ngủ.

Tôi bước đến ngôi tháp gạch đỏ, phế tích nghìn năm tuổi ấn tượng giống như một cầu thang khổng lồ đứng trơ trọi. Trèo lên trên những bức tường nửa vời, tôi nhanh chóng đến một điện thờ nhỏ không mái. Trong khoảng lõm của một bức tường là phù điêu của một bổn tôn. Một hình tượng điêu khắc tinh xảo, xinh xắn và thanh lịch, ở trong tình trạng nguyên sơ. Mông và vai của bổn tôn khớp với nhau trong những phương hướng tương phản với cử động gợi ý. Khuôn mặt hình trái tim, một nụ cười mĩm trên đôi môi. Có một cảm giác xúc chạm được với niềm an bình nội tại. Tôi đứng ở đấy, sửng sờ, như đang nghe những lời kinh kệ Tây Tạng nhẹ nhàng.

Đức Đạt Lai Lạt Ma rất tỉnh giác với món nợ lớn của Phật Giáo Tây Tạng đối với những đạo sư Ấn Độ, những vị đã sống và dạy ở Na Lan Đà từ thế kỷ thứ hai đến thứ chín Tây lịch - một Kỷ Nguyên Vàng Son của tư tưởng Ấn Độ. Na Lan Đà đã là một đại học lớn nhất và nổi tiếng nhất của Ấn Độ cổ xưa. Những vị vua Phật tử Gupta và Pala là những người bảo trợ tận tâm. Trong một nghìn năm Na Lan Đà, huy hoàng như Harvard, đã hấp dẫn những người ưu tú nhất và rực sáng nhất khắp Á châu. Vào đỉnh điểm, nó có hơn 10,000 sinh viên và một đội  ngũ giảng viên đến 1,500 vị. Vào cuối thế kỷ mười hai, những đội quân Hồi Giáo đã quét sạch Na Lan Đà. Những tu sĩ bị giết hại, và những thư viện của nó, với những văn bản viết tay phong phú choáng ngợp bị đốt cháy.

Theo Đức Đạt Lai Lạt Ma, không có những học giả và những hành giả của Na Lan Đà, thì sẽ không có Phật Giáo Tây Tạng như chúng ta biết ngày hôm nay. "Mỗi văn bản quan trọng mà chúng tôi học bằng trái tim, những văn bản này được sáng tác bởi các đạo sư Na Lan Đà," Đức Đạt Lai Lạt Ma đã từng giải thích cho tôi nghe. "Cho nên tên tuổi của các đạo sư này, đặc biệt là Long Thọ, vị đạo sư thế kỷ thứ hai, rất gần gũi trong tâm thức chúng tôi. Họ là điều gì đó rất thật. Chúng tôi thực tập theo những luận điển của họ."

Soạn thảo công phu trong tuệ giác của Đức Phật, Long Thọ mở rộng một lý thuyết về thực tại đặt nền tảng trong ý tưởng của mối liên hệ nhân duyên hổ tương của tất cả mọi thứ. Đức Đạt Lai Lạt Ma, qua nhiều thập niên, hấp thu những tinh hoa của khái niệm này một cách hoàn hảo. Những điều kiện liên hệ nhân duyên hổ tương cả trong cách ngài hành động và cung cách ngài nhìn vào cuộc đời.

***
Liên hệ nhân duyên hổ tương không là một trong những ý tưởng dễ dàng để thông hiểu. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã sử dụng cái nhìn của ngài về sự cùng tồn tại hòa bình với Trung Hoa để giải thích nó cho tôi. Bây giờ tôi cùng đồng hành với ngài đến Na Lan Đà để bày tỏ lòng tôn kính đến Long Thọ, cho nên tôi muốn ngài chi tiết hóa khái niệm ấy. Như thường lệ, Lhakdor, vị tu sĩ thông dịch, đã cùng với chúng tôi.

Trước khi bắt đầu, Đức Đạt Lai Lạt Ma tháo dây giày của ngài ra, cẩn thận để đôi giày oxford màu nâu của ngài một bên, và xếp bằng đôi chân trong tư thế hoa sen trên ghế của ngài. Ngài sẽ ngồi như thế trong cả buổi giảng hai tiếng đồng hồ. Liên hệ nhân duyên hổ tương là một trong những chủ đề ưa thích của ngài, và ngài thích thú với viễn cảnh thảo luận dai dẳng về nó.

"Giáo thuyết liên hệ nhân duyên hổ tương cho phép chúng ta phát triển một nhận thức rộng rãi hơn," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói. "Với tâm thức rộng rãi hơn, thì ít dính mắc với những cảm xúc tàn phá hơn như sân hận, do thế tha thứ hơn. Trong thế giới ngày nay, mọi quốc gia liên hệ hổ tương, liên kết hổ tương. Dưới những hoàn cảnh như vậy, tiêu diệt kẻ thù của bạn - láng giềng của bạn - có nghĩa là tiêu diệt chính bạn về lâu về dài. Bạn cần láng giềng của bạn. Làng giềng bạn phồn thịnh hơn, thì bạn sẽ được lợi ích.

"Bây giờ này, chúng ta không nói về việc loại trừ hoàn toàn những cảm xúc như sân hận, dính mắc, hay kiêu mạn. Chỉ giảm thiểu. Liên hệ hổ tương là quan trọng bởi vì nó không chỉ đơn thuần là khái niệm, nó có thể thật sự giúp giảm thiểu khổ đau được tạo ra bởi những cảm xúc tàn phá này.

"Chúng ta có thể nói rằng giáo thuyết liên hệ nhân duyên hổ tương, hay  phụ thuộc lẫn nhau là một sự thấu hiểu thực tại," Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp. "Chúng ta thấu hiểu rằng tương lai chúng ta phụ thuộc vào sự cát tường của toàn cầu. Có quan điểm này sẽ làm giảm thiểu đầu óc hẹp hòi. Với đầu óc hẹp hòi, chắc chắn là sẽ phát triển dính mắc, thù hận. Tôi  nghĩ đây là điều tốt đẹp nhất về giáo thuyết liên hệ nhân duyên hổ tương - nó là một sự giải thích về quy luật của tự nhiên. Nó ảnh hưởng một cách sâu sắc, thí dụ, môi trường."

Liên hệ nhân duyên hổ tương là nguyên tắc nền tảng trong cả Phật Giáo và sinh thái học. Niềm tin cốt lõi là tất cả mọi thứ là liên kết với  nhau trong một cách không thể biết nhưng hiển nhiên. Một cách cơ bản, tất cả mọi thứ lệ thuộc vào nhau. Tất cả chúng ta ở trong chiếc lưới của Đế Thích.

Tôi chợt nhớ lại điều gì đó mà một lần tôi đã đọc về Charles Darwin. Trong một vở kịch kỳ quái, ông tạo ra lý luận rằng những bà cô yêu mèo đã làm Luân Đôn thành một trong những nơi dễ chịu nhất để sống trên thế giới. Đây là vấn đề lý luận của ông diễn tiến như thế nào. Một số lớn  mèo được các bà cô nuôi dưỡng có một ảnh hưởng bất lợi cho sự sinh nở của chuột. Đây là một tin tức tốt cho những con ong nghệ - những hang ổ dưới đất cả chúng sẽ không bị tàn phá bởi sự cướp bóc của các con chuột. Càng nhiều con ong nghệ hóa ra sẽ làm cho nhiều bông hoa hơn được thụ phấn. Do thế, Darwin đi đến kết luận rằng càng nhiều bà cô yêu mèo hơn tương đương với việc càng có nhiều bông hoa hơn ở Luân Đôn.

Phát biểu một tuệ giác tương tự, một vị thầy Việt Nam Thích Nhất Hạnh một lần đã viết: "Nếu bạn là một nhà thơ, bạn sẽ thấy rằng có một đám mây trong trang giấy này. Không có đám mây, thì sẽ không có mưa; không có mưa, cây cối không thể sinh trưởng; và không có cây cối, chúng ta không thể làm ra giấy."

Trải qua hàng năm, tôi chú ý rằng Văn Phòng Riêng của Đức Đạt Lai Lạt Ma rất hà tiện giấy tờ. Bất khi nào tôi nhận một văn bản gì từ họ, chúng luôn luôn được in từ một mặt trắng của giấy đã sử dụng. Những thư ký riêng của Đức Đạt Lai Lạt Ma là những người cuồng nhiệt về giấy tờ tái sử dụng, chu đáo không vi phạm những nhạy cảm môi trường của chủ nhân họ.

Tôi có thể tưởng tượng Đức Đạt Lai Lạt Ma đang sử dụng nổ lực khiêm tốn này để bảo vệ cây cối trong phạm trù liên hệ nhân duyên hổ tương. Văn Phòng Riêng của ngài, trong nhiều thập niên, đã tìm cách để bảo vệ một ít cây cối qua những nổ lực tái sử dụng của họ. Càng nhiều cây cối làm cho môi trường sống tốt hơn cho những cây cỏ và bông hoa khác.  Càng nhiều cây cỏ, bông hoa tạo ra những điều kiện hiện hữu khám phá cho thi sĩ, và thi sĩ sống trong môi trường hiện hữu khám phá như vậy có khuynh hướng sản sinh ra nhiều thi phẩm phong phú hơn. Việc này bảo đảm cho việc sáng tác mà những hiệu sách chuyên về thơ sẽ đầy ấp những thi phẩm. Vì Đức Đạt Lai Lạt Ma muốn tiết kiệm giấy, thế nên những người yêu thơ khắp nơi sẽ được lợi lạc.

Tôi gián đoạn ảo tưởng của tôi về Darwin, thơ, và bông hoa để hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma: "Ngài đã phát triển sự thông hiểu của ngài về mối liên hệ nhân duyên hổ tương như thế nào?"

"Với tôi, với tôi," ngài trả lời. Tiến trình tâm linh cần thời gian. Không như việc bật công tắc của đèn. Giống như việc nhóm lửa, bắt đầu từ một đóm lửa nhỏ, sau đó lần lần lớn lên và lớn hơn, càng nhiều ánh sáng, nhiều ánh sáng hơn, thế ấy. Tất cả những sự chuyển hóa tinh thần là như thế. Không phải: lên một tầng nào đó, tới một kỳ hạn nào đó, tối đen … rồi đưa ánh sáng tới. Không như thế. Dần dần, dần dần. Vào lúc đầu, không có gì đáng chú ý. Tôi thường nói với mọi người: sự phát triển tâm linh - chúng ta không thể thấy kết quả trong những tuần hay tháng. Ngay cả hàng năm. Nhưng nếu chúng ta so sánh, kinh nghiệm ngày hôm nay so sánh với mười năm trước, hay hai mươi năm trước, thế thì ông thấy một sự thay đổi nào đó. Tôi luôn luôn nói với mọi người như thế đó. Trường hợp của riêng tôi cũng thế."

"Trường hợp của ngài hiện tại là thế nào?" tôi hỏi.

"Vì tôi hành thiền hay phân tích đề tài liên hệ nhân duyên hổ tương trong nhiều năm, bây giờ nó đã quen thuộc," Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời. "Cho nên vì thế, khi tôi nhìn vào mọi thứ, ngay khi mà tôi nhớ lẽ thật về sự liên hệ hổ tương, cảnh tượng trở thành khác biệt một cách rõ ràng. Và cảm nhận đến không cần phải cố gắng nhiều - gần như tự động. Thí dụ, ở Mongolia, sự quy tụ lớn…" Ngài chuyển sang Tạng ngữ.

"Đức Đạt Lai Lạt Ma đã ở Ulan Bator," Lhakdor thông dịch. "Trong thời gian giảng dạy, khi ngài phản chiếu về sự liên hệ hổ tương, ngài thấy sự trống vắng của tính xác thật trong tất cả những người ở trước ngài và ngay trong chính ngài - không có gì cụ thể, mọi thứ như quấn vào nhau. Ngài có cảm giác mạnh rằng ngài được nối kết một cách trực tiếp với thính chúng trong một cách nào đó. Giống như những ranh giới cá nhân của ngài đã được hòa tan."

Kinh nghiệm của Đức Đạt Lai Lạt Ma nhắc tôi nhớ đến công trình của Andrew Newberg[1] và Eugene d'Aquili[2], hai khoa học gia Hoa Kỳ đã nghiên cứu về mối quan hệ giữa kinh nghiệm tôn giáo và chức năng não bộ trong nhiều năm. Trong một thí nghiệm nổi tiếng, họ tranh thủ được sự hổ trợ của một thiền giả cấp tiến, một Phật tử Hoa Kỳ trẻ tên là Robert. Trong một phòng thí nghiệm tối, Robert bắt đầu một thời hành thiền với ngón tay nhỏ của ông nối kết với một cuộn dây dài. Những nhà khoa học, chờ đợi trong một phòng khác, giữ một đầu dây.
superior parietal lobule.

 Một giờ sau, Robert kéo mạnh sợi dây cho Newberg và d'Aquili biết rằng ông đã thâm nhập vào một thể trạng sâu của thiền tập. Một hợp chất phóng xạ sau đó được được tiêm vào tĩnh mạch của ông qua một thiết bị nhỏ giọt. Hợp chất phóng xạ màu đi vào đường máu, ngấm vào những tế bào máu, và một máy quay phim kỷ thuật cao cho các nhà khoa học một ảnh chụp nhanh những hoạt động của não bộ Robert. Các nhà khoa học thấy điều gì đó bất thường: hậu thùy đỉnh cao (superior parietal lobule), gọi là vùng phối hợp định hướng hay OAA (orientation associaton area), cho thấy giảm thiểu rõ rệt hoạt động vào đỉnh cao sự hành thiền của ông.

Trong não bộ chúng ta, OAA hoạt động như một máy định vị (GPS), máy con quay và radar tất cả trong một. Khi chúng ta chuyển động trong sinh hoạt hàng ngày, OAA thể hiện chức năng như một máy siêu điện toán, liên tục tính toán tọa độ thay đổi của thân thể chúng ta trong mối quan hệ với mọi thứ chung quanh chúng ta. Nó cho phép chúng ta điều chỉnh cung cách qua một nhà hàng đông đúc và để cởi xe đạp trong giao thông.

Trong nghiên cứu trước đây, Newberg và d'Aquili biết rằng OAA không bao giờ bỏ cuộc. Thế thì tại sao nó lại giảm thiểu hoạt động trong OAA của Robert? Chỉ có một giải thích hợp lý: cảm giác nội tại trong OAA của Robert bị chặn lại khi ông đạt tới một thể trạng siêu việt trong lúc ông hành thiền. Không có dữ liệu nào cung ứng, máy siêu điện toán gặp phải khó khăn trong việc phác họa những giới hạn vật lý của Robert. Nó không có sự lựa chọn nào khác mà phải kết luận rằng Robert không có những giới hạn, rằng ông là một với mọi thứ chung quanh ông: mọi người, mọi thứ, toàn bộ những công việc.

Khi Robert được hỏi sau này là ông cảm thấy gì trong thời khắc tột đỉnh của thiền tập, ông trả lời, "Cảm thấy như tôi là bộ phận của mọi người và mọi thứ trong sự hiện hữu. Tôi liên kết với mọi thứ." Thật chính xác như những gì mà những bậc thầy tâm linh và yoga đã nói hàng thế kỷ. Và nó thật ấn tượng giống như những gì Đức Đạt Lai Lạt Ma vừa nói với tôi: khi ngài tập trung vào mối liên hệ hổ tương, ngài thấy thế giới một cách khác biệt - mọi thứ và mọi người xuất hiện thiếu cụ thể; những góc cạnh mềm mại và những ranh giới thân thể giữa ngài và mọi thứ trở thành mờ nhạt trong những thời gian tâm linh trong sáng này. Do bởi điều này, Đức Đạt Lai Lạt Ma trải nghiệm một mối liên kết sâu xa  hơn giữa ngài và người khác.

"Ngài vừa nói với tôi là ngài có thể thâm nhập vào một kinh nghiệm của mối liên hệ hổ tương chỉ đơn thuần qua việc suy tư về nó," tôi nói với Đức Đạt Lai Lạt Ma. "Vậy thì, thí dụ, lấy tôi và ngài. Khi ngài nghĩ về mối liên hệ hổ tương, tôi có thay đổi trong một cách vi tế trước mắt ngài không?"

"Vấn là con người, nhưng sau đó … không như nó xuất hiện, không là điều gì đó rắn chắc. Vì vậy là điều gì đó mềm. Sự nối kết giữa chúng ta mạnh mẽ hơn, từ bi được củng cố," Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp lời. Ngài suy nghĩ trong một khắc, sau đó nói với Lhakdor bằng Tạng ngữ.

"Qua sự thấu hiểu này về thực tại liên hệ hổ tương," Lhakdor thông dịch, "ông sẽ đi đến nhận ra rằng nếu những điều tốt lành xảy ra cho người khác, ông cũng sẽ lợi lạc, nếu không ngay lập tức, thế thì cuối cùng sẽ như thế. Nếu họ đau khổ, ông cuối cùng cũng sẽ đau khổ. Do vậy, ông có thể thấu cảm tốt hơn, ngay cả với những người từ những căn bản quá khứ khác nhau. Từ bi cho họ sẽ đến dễ dàng hơn."

"Thí dụ, Saddam Hussein," Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục. "Tôi có cảm giác trong con mắt của Tổng thống [George W.] Bush, Saddam một trăm phần trăm là tiêu cực, tiêu cực một cách chắc chắn. Chỉ có cách là loại trừ ông ta. Nhưng thực tại không phải thế."

"Thực tại là gì?" tôi hỏi.

"Tôi nghĩ trong hai trình độ. Ở trình độ quy ước, Saddam Hussein không phải là nguy hại một trăm phần trăm từ lúc mới sinh ra - không phải là điều gì đó xấu ác không thay đổi." Đôi bàn tay Đức Đạt Lai Lạt Ma nắm lại nhau, cấu thành một quả cầu vô hình. "Sự nguy hại ấy đến từ nhiều nhân tố khác nhau không chỉ từ ông ta. Do thế không độc lập. Nó lệ thuộc vào nhiều nhân tố khác, kể cả chính những người Mỹ. Trong cuộc Chiến Tranh Vùng Vịnh, mọi người quy trách nhiệm cho Saddam Hussein. Như vậy tôi nghĩ là không công bằng, và trái tim tôi cảm thông cho ông ta."

Trái tim của Đức Đạt Lai Lạt Ma cảm thông cho Saddam Hussein? Đến một người nào đó đã gây thảm họa cho hàng triệu người?  Điều này làm nổi bật một lẽ thật hiếm có của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Quan điểm thế giới của ngài, cung cách tâm tư ngài làm việc - tuy có lý và gợi hứng thế nào đi nữa - thì cũng rất khác với tôi.

"Sự độc tài của Saddam Hussein không phải tự đến từ trên trời," Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích. "Sadda Hussein: độc tài, xâm lược, xấu." Ngài điểm trên đầu ngón tay của  ngài, sự biểu lộ của ngài trang trọng." Nhưng những thứ xấu xảy ra do bởi quân đội của ông ta. Không có quân đội, không có vũ khí, ông ta không thể là loại người gây hấn như thế. Những thứ vũ khí này không phải do từ người Iraq tự làm ra, nhưng đến từ phương Tây. Những công ty phương Tây giúp sản sinh ra con người gây hấn này. Họ làm thế, nhưng sau đó họ đổ thừa con người đó. Không công bằng." Đức Đạt Lai Lạt Ma dựa sâu ra phía sau chiếc ghế của ngài, giọng của ngài vươn ngắt lên. Ngài đã làm việc về điều này.

"Cho nên ở đây, ở trình độ quy ước. Saddam Hussein không phải xấu một trăm phần trăm," ngài nói. "Rồi thì ở một trình độ vi tế hơn, khi một người nào đó như ông Bush có những cảm nhận tiêu cực với Saddam Hussein, thế thì trong con mắt của ông, Hussein là điều gì đó cụ thể, độc lập, tuyệt đối - hoàn toàn xấu." Ngài giơ chặc nắm đấm trước mặt ngài và nhìn trừng trừng vào nó.

"Tương tự thế, trong con mắt của Saddam … " Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu cười khúc khích, ngài gặp rắc rối trong việc chấm dứt những gì ngài muốn nói. "Bush là điều gì đó rất tiêu cực. Sự biểu hiện tuyệt đối, không tùy thuộc… của điều ác." Lời nói của ngài bây giờ ngắt quảng ồn ào như chế giễu, đôi vai của ngài rung lên rung xuống không thể kềm chế. Đức Đạt Lai Lạt Ma đang chen vào việc nói đùa với một người quyền lực nhất thế giới.

Khi cơn cười của ngài dịu xuống, ngài kết luận: "Cho nên, trong cả hai trường hợp, đều là sự thấu hiểu sai lầm mạnh mẽ về thực tại. Thực tại này chỉ đơn thuần là vọng tưởng hay phóng chiếu tinh thần."

"Ngài đang nói rằng Saddam Hussein không phải một trăm phần trăm nguy hại một cách chắc chắn, thí dụ, ông ta có thể vẫn dễ thương với vợ ông ta chứ gì?" Tôi hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma.

"Ô, vâng vâng," Đức Đạt Lai Lạt Ma đồng ý một cách nhiệt tình. Ngài mừng vì tôi nhận ra ý tưởng của ngài. "Nếu những hoàn cảnh thay đổi đi, con người ấy có thể trở thành một người thật dễ thương. Rất có thể. Một thí dụ khác. Trong con mắt của Osama bin Laden, nước Mỹ một trăm phần trăm là xấu ác. Sự mê  muội này đem đến thảm họa. Đối với bin Laden, toàn bộ thế giới phương Tây là chống Hồi Giáo. Đặc biệt Mỹ, kẻ gây hấn của thế giới. Cho nên ông ta quyết định có một kẻ thù cụ thể không tùy thuộc này. Đây là quan niệm sai lầm về thực tại."

"Quan niệm của ông ta nên như thế nào?" tôi hỏi.

"Mỹ là một bộ phận của Ả Rập, Mỹ là một bộ phận của ông ta," Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời không do dự.

"Liên hệ nhân duyên hổ tương," tôi nói.

"Vâng, liên hệ nhân duyên hổ tương. Và không chỉ Mỹ. Ở Tây Âu, có những sự phê phán về Hồi Giáo ở đấy. Nhưng Mỹ và Âu châu không phải chống Hồi Giáo một trăm phần trăm. Dĩ nhiên không phải thế. Cho nên xét cho cùng là vọng tưởng, phóng chiếu tinh thần. Đây là một sự chú ý hẹp hòi. Sai lầm. Cho nên quan niệm liên hệ nhân duyên hổ tương: rộng rãi hơn bây giờ, dịu dàng. Không là thứ cụ thể cứng nhắc đó để mà ôm lấy. Quan điểm này làm giảm thiểu sự chấp trước mạnh mẽ, sự dính mắc mạnh mẽ - bởi vì không có đối tượng bị bám víu một cách mạnh mẽ. Sự tham muốn của chúng ta, sự dục vọng của chúng ta về mọi thứ và mọi người được giảm thiểu."

Qua hàng thập niên thực tập kéo dài, lẽ thật vô cùng của liên hệ nhân duyên hổ tương đã ấn dấu trong tâm thức của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nó đã định hình tư tưởng, niềm tin, và thái độ của ngài. Ngài bắt đầu những chương trình của ngài, phản ứng với những sự kiện của thế giới qua qua quy trình của mối liên hệ nhân duyên hổ tương. Ngài không sợ công luận. Những quyết định của ngài không phải đến từ sự đồng lòng của những người cố vấn hay của số phiếu của công luận. Sự thấu cảm của ngài, hay, vô cùng tối thiểu, sự vắng bóng ác ý của ngài, đối với Saddam Hussein là kết quả của cung cách thấy biết đặc biệt của ngài, được khúc xạ qua lăng kính của mối liên hệ hổ tương.

Cũng có điều gì đó ở đây nữa. Đức Đạt Lai Lạt Ma có ấn tượng rằng Hoa Kỳ và các đồng minh đã họp lại để chống nhà độc tài Iraq và những người dân lạc hậu của ông ta còn sống trong sa mạc. Lãnh tụ Tây Tạng có sự thông cảm bẩm sinh đối với người bị thua cuộc, có lẻ vì ảnh hưởng của từ bi từ mối liên hệ nhân duyên hổ tương. Tôi có một ý niệm mơ hồ về điều này trong một buổi trước với ngài khi tôi được cho phép để dành một thời gian nào đó với ngài vào buổi thiền tập sáng sớm trong khu cư trú của ngài ở Dharamsala.

Sau buổi hành thiền, Đức Đạt Lai Lạt Ma đứng lên từ bồ đoàn của ngài và đề  nghị giới thiệu cho tôi nơi ngài cư trú. Chúng tôi bước ra khỏi thiền phòng tĩnh lặng của ngài để đi ra tiền sảnh đưa đến một phòng thoáng khí rộng lớn. Cầm tay tôi, ngài đưa tôi đến một phòng nhỏ đồ đạc lưa thưa mở cửa ra tiền sảnh. Một chiếc giường đơn chiếm gần hết không gian ốp gổ, một cây đèn bàn với chụp đèn hình bông sen và một máy phát thanh để trên chiếc bàn bên cạnh.

"Đây là phòng ngủ cũ của tôi," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với tôi." Vì có một vài cảnh báo về động đất năm ngoái, cho nên tôi đã chuyển đến một phòng khác dưới hầm."

Ngài chỉ khoảng nửa tá tấm hình  phai màu trên tường. Gần như đấy chỉ là những tấm hình của các tu sĩ, giáo thọ Tây Tạng mà ngài đã từng học  hỏi. Trong một tấm hình hiếm hoi mà ngài yêu thích của vị trưởng lão giáo thọ đã viên tịch, Ling Rinpoche, người phân cắt công việc nghiêm khắc có một nụ cười mĩm nhẹ nhàng trên gương mặt ngài. Trong một góc của phòng là những tấm hình toàn bộ gia đình ngài: các anh chị em và ngài cùng với cha mẹ của họ.

Rồi thì, ở cuối bức tường, tôi đã thấy điều gì đó ngoại lệ, ngay cả không hợp. Ngay bên trên chiếc giường của Đức Đạt Lai Lạt Ma là một cây súng trường. Nó được treo thẳng đứng với dây da của nó. Tôi có mang theo máy chụp hình, và tôi chuẩn bị ghi hình một vật không hợp lý ở đây.

"Không, không, đừng chụp hình," Đức Đạt Lai Lạt Ma vội vả bảo tôi dừng lại. "Người ta có thể nghĩ sai rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma là một người bạo động, thích súng." Tôi dẹp máy chụp hình một cách ngoan ngoản. Nhưng tôi có một ý tưởng khó chịu dai dẳng: Đức Đạt Lai Lạt Ma lại quan tâm đến suy nghĩ của người khác từ khi nào vậy? Thái độ này thật đáng ngạc nhiên, thật mâu thuẩn với những gì tôi đã biết về Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đức Đạt Lai Lạt Ma là một người với những mâu thuẩn?

Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục nói với tôi rằng ngài có súng trường không khí (air rifle) nhiều thập niên qua. "Tôi thường cho những con chim nhỏ ăn, nhưng khi chúng đến, thì những con diều hâu cũng đến. Thứ này tôi không thích. Những con diều hâu lớn ăn những con chim nhỏ. Cho nên, để bảo vệ những tạo vật bé  nhỏ này, tôi giữ chiếc súng trường. Không phải để làm tổn thương, nhưng để làm chúng sợ bỏ chạy thôi."

Ẩn Tâm Lộ, Thursday, December 03, 2015
                                                                       


[1] Andrew Newberg, MD: nhà thần kinh học người Mỹ, sinh năm 1966.
[2] Eugene d'Aquili (1940-1998): giáo sư nghiên cứu tâm lý trị liệu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét