Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2023

CÚNG DƯỜNG VÀ TỊNH HÓA



Nguyên bản: Offering and Purification
Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma
Anh dịch: Padmakara Translation Group
Việt dịch: Tuệ Uyển, 2023
***

Theo truyền thống Phật Pháp, thì rèn luyện tâm thức là một tiến trình dần dần. Chúng ta tịnh hoá chính chúng ta bằng việc loại bỏ những nhược điểm lớn nhất của chúng ta trước tiên. Và chúng ta phát triển những phẩm chất tốt đẹp bằng việc mở rộng trên một ít điều chúng ta đã có. Thánh Thiên[1], người đệ tử chính của Long Thọ, đã nói:

Trước tiên loại bỏ xấu ác,
Sau đó loại bỏ tự ngã,
Cuối cùng loại bỏ các tư tưởng.
Thông tuệ là người biết điều này.


Đây là con đường mà người thông tuệ phải tiếp nhận. “Trước tiên loại bỏ xấu ác.” Để đạt được toàn giác rốt ráo và có thể làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, thì thật cần thiết có một sự sống của con người, vốn là sự hổ trợ tốt nhất cho quá trình tiến đến Giác Ngộ. Để có được sự sống của con người, là một sự tái sanh may mắn, thì cần thiết tránh những hành vi phi đạo đức vốn sẽ đưa đến việc sanh vào những cõi thấp hơn của kiếp luân hồi.

“Sau đó loại bỏ tự ngã.” Đã từ bỏ những hành vi tiêu cực, thì chúng ta cũng phải loại bỏ những nguyên nhân của chúng, vốn là những cảm xúc tiêu cực. Đối trị duy nhất của những điều này là tuệ trí biết mọi thứ là không thật. Theo Long Thọ và những con cháu tâm linh của ngài, thì gốc rễ của những cảm xúc tiêu cực là sự mê lầm tin tưởng rằng mọi hiện tượng là thật. Điều này có nhiều khía cạnh, thô thiển và vi tế. Tuy nhiên, nhằm để làm tan biến khái niệm của tính chất chắc thật, thì trước hết chúng ta phải từ bỏ niềm tin trong sự tồn tại của cá thể như thực thể, hay tự ngã. Nhưng có một sự hiểu thấu mơ hồ vào vấn đề này đơn giản là không đủ. Thật cần thiết để làm tinh tế hơn sự thông hiểu và tuệ giác của chúng ta, và đạt đến một tuệ trí vi tế nhờ đó khái niệm về tự ngã mới được trừ tiệt.

Cuối cùng loại bỏ các tư tưởng.” Để đạt đến Giác Ngộ, chúng ta phải loại trừ không chỉ những cảm xúc tiêu cực và các nguyên nhân của chúng mà cũng làn những thói quen làm chướng ngại tri thức của chúng ta. Một khi chúng ta đã tiêu diệt những chướng ngại này thì chúng ta thành tựu toàn giác toàn tri. Con đường dẫn đến điều này là tuệ trí thông hiểu rằng mọi thứ không có thực chất.

Qua việc hành thiền, thì chúng ta có thể thiết lập một cách vững vàng quan kiến về tánh không. Quan kiến phi thường này, được thấm nhuần với từ bi và phối hợp việc tích luỹ công đức, hoàn toàn phá huỷ những bức màn làm chướng ngại tri thức. Mục tiêu của việc hành thiền là để hoạt động như sự đối trị đến những cảm xúc tiêu cực của chúng ta và những dấu vết của chúng, một cách gián tiếp, đến những chướng ngại của tất cả những chúng sanh khác. Một khi mục đích này đã đạt được, thì tất cả mọi khái niệm, kể cả về tánh không, phải được từ bỏ.

Thông tuệ là người biết điều này.” Điều này chỉ cho những người biết các giai đoạn khác nhau của con đường những điểm tinh yếu của nó và những người thực hành chúng trong một trình tự đúng đắn vì thế họ đạt được sự thực chứng hoàn toàn. Do vậy, thật rất quan trọng để biết thực hành một cách chính xác như thế nào và không thoả mãn với một tri thức mơ hồ hay cục bộ của con đường. Tác phẩm Bồ Tát Đạo cống hiến một sự giải thích đầy đủ của toàn bộ con đường. Xin hãy học hỏi nó với xu hướng đưa vô lượng chúng sanh, những người từng là cha mẹ chúng ta, đến Giác Ngộ.

 Nếu chúng ta có nguyện ước hổ trợ chúng sanh, thì chúng ta phải có thể giải thoát họ khỏi khổ đau và xua tan sự si mê của họ. Điều này có nghĩa là tự chính chúng ta phải có sự thực chứng chân thật, và điều này có thể không chỉ là việc thành tựu qua nổ lực và việc phát triển tuệ giác trong sáng và sự tĩnh lặng của tâm. Đây là vấn đề phát triển tâm bồ đề tương đối và bắt đầu hổ trợ chúng sanh như thế nào.

Trước khi tiếp nhận thệ nguyện tâm bồ đề, chúng ta nên giữ trong tâm những gì chúng ta đang hướng tới và chúng ta tiến hành như thế nào. Sau đó khi chúng ta trì tụng Bảy Chi Cầu Nguyện, với tư tưởng của chúng ta trực tiếp đến lý tưởng của tâm bồ đề. Điều thứ nhất của Bảy Chi là tôn kính:

1.
Đến chư Phật, những Đức Như Lai,
Và đến thánh Pháp, không tì vết và cực kỳ quý hiếm,
Và đến con cháu của  Đức Phật, những đại dương của các phẩm chất tốt đẹp.
Mà con có thể đạt được thái độ quý báu này, tôi xin cúng dường trọn vẹn
.

Điều này tiếp theo chi cúng dường:

2.
Tôi cúng dường mọi quả trái và bông hoa,
Tất cả các loại dự thảo chữa bệnh
Và tất cả ngọc châu quý giá của thế gian,
Với tất cả những loại nước tinh khiết giải khát;
3.
Mọi núi non đã nung đúc nên những đồ trang sức quý giá,
Tất cả ngọt ngào và riêng biệt lớn lên từ rừng thẳm,
Những cây cối của thiên đàng được trang hoàng với sự rộ nở,
Cây cối với những cành lá nặng trĩu với quả trái hoàn hảo.
4.
Mùi nước hoa thơm ngát của thiên thần và những thế giới khác,
Tất cả khói hương trầm, những cây như ý, và những cây châu báu,
Tất cả những mùa màng sinh trưởng mà không cần sự chăm sóc của nông dân,
Và mọi sự lộng lẫy xa hoa thế gian được cúng dường;
5.
Những hồ và ao được trang hoàng với các bông sen,
Hoan hỉ với những giọng kêu ngọt ngào của các con vịt nước.
Và mọi thứ tự do và không đòi hỏi
Mở rộng đến chân trời vô tận.
6.
Tôi ôm ấp tất cả chúng trước tâm tôi, và đến bậc Hiền Nhân, vĩ đại nhất trong chủng loại của chúng ta,
Và đến những vị thừa kế của ngài, tôi thực hiện một sự cúng dường tuyệt vời.
Những bậc tiếp nhận siêu phàm, những bậc uy đức từ bi,
Ôi xin hãy nghĩ về tôi với lòng thương yêu; chấp nhận mọi cúng phẩm này của tôi!


Ở đây chúng ta thực hiện sự cúng dường mọi thứ chúng ta có cùng với mọi thứ khác trong vũ trụ, những thứ thuộc sở hữu của những người nào đó và những thứ không thuộc về ai. Sau đó chúng ta cúng dường chính thân thể của chúng ta. Cho dù chúng ta có hay không có một thân thể hoàn hảo, thì chúng ta cũng cúng dường nó một cách chân thành. Đây là một phương pháp để ngoảnh mặt với những hành vi tiêu cực trên cấp độ vật chất. Tiếp theo chúng ta thực hiện sự cúng dường bồn tắm nước thơm, áo quần chư thiên, nước hoa tuyệt hảo, hương, những bài hát ca ngợi, và v.v...

Với tất cả những thứ cúng dường này không phải số lượng mà phẩm chất được tính đến. Phẩm chất liên hệ cả những thứ vật chất và mục tiêu mà với nó chúng được cúng dường. Những thứ vật chất cúng dường không nên là những thứ thu được một cách không trung thực. Mục tiêu của chúng ta không nên bị ô nhiễm bởi tám thứ bận tâm thế gian: được hay mất, vui hay khổ, ca ngợi hay phê phán, và danh dự hay bỉ ổi.

Khi chúng ta nói về những thứ cúng dường vốn không thuộc về ai, chẳng hạn như những phong cảnh xinh đẹp trên thế giới và tất cả vũ trụ khác nhau vốn không thuộc về ai, nhìn thoáng qua thì chúng dường như không gì liên hệ với chúng ta. Điều gì đó cúng dường một cách tinh thần mà chúng ta không sở hữu có ích gì? Nhưng trong Abhidharma[2] có nói, “Tất cả những hệ thống thế giới là kết quả của nghiệp.” Và theo Lối Vào Trung Đạo[3]:

Sự đa dạng vô số của chúng sanh và vũ trụ
Đã được tạo ra bởi tâm.
Tất cả những vũ trụ và chúng sanh là kết quả của nghiệp
.

Vũ trụ mà chúng ta sinh sống và sự chia sẻ nhận thức của chúng ta về nó là kết quả của một nghiệp duyên chung. Giống như thế, những nơi chốn mà chúng ta sẽ trải nghiệm trong tương lai tái sanh sẽ là biểu hiện của nghiệp duyên mà chúng ta chia sẻ với những chúng sanh khác sống ở đấy. Những hành vi của mỗi chúng ta, của những con người hay không phải người, được đóng góp đến thế giới mà chúng ta sống. Tất cả chúng ta có một trách nhiệm chung cho thế giới của chúng ta và được nối kết với mọi thứ trong ấy. Đây là tại sao mà chúng ta có thể thực hiện một sự cúng dường về nó.

Tiếp theo là chi phần về sự tôn kính.

24.
Đến tất cả chư Phật của quá khứ, hiện tại và mọi thời trong tương lai,
Và đến chư Pháp cùng Hải Hội Tăng Già CaoThượng,
Với những thân thể nhiều như những hạt bụi
Trên mặt đất, tôi sẽ phủ phục và lễ lạy.


Những sự phủ phục là một sự đối trị đối với kiêu ngạo và tự phụ. Trước khi những vị thầy bắt đầu giảng dạy, thì họ lễ phủ phục đến bảo toạ mà họ sẽ ngồi trên ấy. Họ làm điều này như một sự phòng hộ chống lại lòng tự phụ. Ở đây chúng ta phải phân biệt giữa sự tự phụ và lòng tự tin. Tự phụ thì không đáng ưa thích, trái lại chúng ta cần có một lòng tự tin và sức mạnh nội tại đến từ ấy.

Chi phần sám hối đến trước bởi sự quy y.

26.
Cho đến khi tinh hoa Giác Ngộ đạt được,
Tôi xin quy y đến chư Phật.
Tôi cũng quy y đến chư tôn Pháp
Và trong tất cả hải hội Bồ tát.


Để thực hiện một sự sám hối đúng đắn, thì cần thiết phải làm như vậy với bốn năng lực. Điều thứ nhất, là năng lực gia hộ, đó là quy y Tam bảo và phát tâm bồ đề. Điều thứ hai đòi hỏi một sự ăn năn sâu xa và hối hận chân thành cho tất cả những hành vi tiêu cực mà chúng ta đã làm cho đến bây giờ và những cảm xúc tiêu cực mà chúng ta đã mê lầm. Điều này đòi hỏi sự phản chiếu về những ảnh hưởng tổn hại của những hành vi tiêu cực. Điều thứ ba là sự quyết tâm không bao giờ phạm phải những hành vi tiêu cực này, ngay cả nếu là cái giá của tính mạng chúng ta. Điều thứ tư là năng lực của những đối trị, chẳng hạn như lễ phủ phục, trì tụng mật ngôn, và những thực hành tịnh hoá đặc thù nào đó.

Cũng như suy nghĩ về những hậu quả của những hành vi tiêu cực, thì chúng ta phải thực hiện sự sám hối của chúng ta một cách sâu sắc và mạnh mẽ hơn bằng việc phản chiếu về sự chết không thể tránh khỏi và không biết khi nào nó xảy ra. Khi chúng ta chết, tương lai của chúng ta sẽ được quyết định duy chỉ bởi những hành vi tích cực và tiêu cực mà chúng ta đã làm.

33.
Chúng ta không thể tin tưởng sự đùa giỡn của Thần Chết.
Nhiệm vụ hoàn thành hay vẫn đang làm, ông ấy sẽ không chờ.
Do vậy, trong khoẻ mạnh hay bệnh hoạn không ai trong chúng ta có thể tin cậy.
Sự sống của chúng ta lướt nhanh theo thời khắc.
34.
Và chúng ta sẽ qua đời, bỏ lại tất cả.
Nhưng tôi, không thông hiểu,
Vì lợi ích của những người bạn cũng như kẻ thù,
Kích động và mang đến rất nhiều sai lầm.
35.
Nhưng tất cả những kẻ thù của tôi sẽ không còn,
Và tất cả những người bạn của tôi sẽ không còn,
Và tôi cũng sẽ không còn,
Và giống như thế mọi thứ sẽ không còn.
38.
Tư tưởng đó đã không bao giờ đến tâm tôi
Rằng tôi cũng vậy là một thứ ngắn ngủi và thoáng qua.
Và cũng thế, qua thù hận, tham muốn, và si mê,
Tôi đã phạm phải nhiều tội lỗi.


Nếu chúng ta nghĩ về sự chết trong cách này, thì tự nhiên chúng ta sẽ hối hận về những hành vi tiêu cực trong quá khứ và mong ước sám hối chúng ngay lập tức, cảm nhận xấu ác sẽ giải được giải toả cho đến khi chúng ta hoàn toàn tịnh hoá chúng. Đó là với một sự cảm xúc thúc đẩy như vậy trong tâm mà Tịch Thiên đã nói:

47.
Vì vậy, từ ngày hôm nay trở đi tôi quy y
Trong chư Phật, những đấng bảo hộ của chúng sanh,
Những bậc đã gắng công để bảo vệ tất cả những kẻ lang thang,
Những đấng quyền năng làm tan biến mọi nỗi sợ hãi
.

 Đức Phật bậc cho chúng ta quy y đã chinh phục bốn loài ác ma[4]: các uẩn (skandhas), các cảm xúc tiêu cực, sự chết, và sự kiêu căng.[5] Tuy nhiên, chúng ta không thể dựa vào sự bảo hộ của chư Phật nếu không có lòng từ bi lớn của Ngài. Ngay từ thời khắc Ngài phát tâm bồ đề cho đến khi Ngài thành tựu Giác Ngộ,  Đức Phật không bao giờ ngừng hành động vì lợi ích của chúng sanh, phù hợp với năng lực và nguyện vọng của mỗi cá nhân. Vì lý do này Ngài được biết như Đấng Bảo Hộ của Chúng Sanh. Cho nên chính là trong năng lực này, mà  Đức Phật từ bi, có thể xua tan mọi sợ hãi, từ lúc chúng ta phát tâm quy y. Chúng ta cũng quy trong những lời dạy của Ngài và trong hội chúng Bồ tát vốn đã thông hiểu những giáo huấn này.

Liên quan đến việc quy y Phật, Trần Na[6], mở đầu
Tập lượng luận (Compendium of Logic), như vầy:

Ngài đã trở thành xác thật và biết giúp đở chúng sanh như thế nào:
Con lễ phủ phục đến  Đức Phật, Đấng Thiện Thệ, Đấng Bảo Hộ.


Chúng ta muốn nói với bậc xác thật (authentic) là đấng thoát khỏi khổ đau và sợ hãi và là đấng biết giải thoát chúng sanh như thế nào. Ngài giúp đở chúng sanh một cách vô tư và với lòng từ bi lớn, bảo hộ tất cả những ai cần. Tuy nhiên, Ngài không xuất hiện một cách tự nhiên và không có nhân duyên gì, như một đấng tạo hoá. Ngài không phải lúc nào cũng xác thật. Ngài đã trở thành một đấng quy y xác thật như một kết quả của những nguyên nhân và điều kiện rõ ràng, trước nhất là khát vọng cứu giúp chúng sanh. Khi chính  Đức Phật là một chúng sanh bình thường muốn hạnh phúc và tránh khổ đau, Ngài nhận ra rằng những cảm giác này là tất cả mọi người chia sẻ với nhau, và Ngài rung động bởi lòng từ bi lớn để giải thoát tất cả khỏi buồn khổ và đem hạnh phúc đến cho họ.

Nhưng để giúp cho những kẻ khác, chỉ nguyện ước thì không đủ. Thực tế thì những tư tưởng vị tha có thể trở thành một nỗi ám ảnh và làm chúng ta thêm lo lắng. Khi những tư tưởng tốt lành và tích cực được phối hợp với tuệ trí, thì chúng ta biết giúp đở chúng sanh một cách hiệu quả và có thể làm như thế một cách thật sự.  Đức Phật, tràn ngập với lòng từ bi, thấy chúng sanh khổ đau như thế nào, và biết nguyên nhân làm cho họ đau khổ là sự náo động không thể kiểm soát của tâm thức họ, Ngài biết giúp đở họ như thế nào. Ngài biết rằng tâm thức của họ không thể kiểm soát được cuối cùng bởi vì sự si mê, niềm tin sai lầm trong thực tại của mọi thứ. Ngài cũng biết đối phó điều này với tuệ trí của tánh không. Vì  Đức Phật là một bậc biết hổ trợ chúng sanh bằng việc chỉ cho họ những gì họ nên làm và những gì họ nên tránh và trên tất cả, Ngài chỉ bày cho họ tuệ trí thực chứng tánh không.

Vì mục tiêu này  Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy con đường chọn lọc
Tứ Diệu Đế với mười sáu phần. Trước nhất Ngài tập họp chung quanh Ngài những người chưa bắt đầu trên con đường và trưởng dưỡng tâm thức họ bằng việc chỉ bày cho họ sự vô thường và khổ đau, hướng tư tưởng họ khỏi vòng luân hồi. Sau đó Ngài giải thoát những ai đã trưởng thành bằng việc dạy họ về sự không thật của mọi thứ, làm cho sự  thông hiểu về tánh không sinh khởi trong tâm thức họ và hướng họ đến sự giải thoát tối hậu.

Chúng ta gọi  Đức Phật là là vị Thầychúng ta vì Ngài chỉ cho chúng ta những gì để tránh và những gì nên tiếp nhận. Chính Ngài đã phát triển tuệ trí vô thượng thông hiểu tánh không đến mức độ mà tất cả những nhận thức nhị nguyên biến mất, và sự thực chứng của Ngài hoàn toàn. Trên căn bản kinh nghiệm của chính Ngài, thì Ngài có thể làm tan biến khổ đau của người khác và cho họ sự nương tựa. Tuy nhiên, giống như trong đời sống hàng ngày, chúng ta sẽ không tin ai cả cho đến khi chúng ta đã kiểm chứng rằng những gì người ấy đã nói đáng tin cậy và chân thật, giống như vậy, chúng ta phải thẩm tra giáo huấn của  Đức Phật một cách cẩn thận trước khi chấp nhận. Nói một cách tổng quát, những giáo huấn này có hai loại: những thứ chỉ cho chúng ta đạt được hạnh phúc trần gian trong những sự tái sanh cao hơn và những thứ dạy cho chúng ta con đường đến sự tự do tuyệt đối của Phật Quả.

Nhập Lăng Già Kinh (Sutra Of The Visit To Lankara) nói về ngũ thừa hay năm cổ xe[7]: nhân thừa, thiên thừa, Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa, và Bồ tát thừa. Hai thừa đầu là thông thường cho cả truyền thống Phật Giáo và không Phật Giáo. Ba thừa sau là đặc biệt cho con đường Phật Giáo nói về giáo lý đến sự tự do rốt ráo và tánh không, vốn là những gì chúng ta thường liên hệ đến khi chúng ta nói về giáo lý nhà Phật.

Khi chúng ta thẩm tra một giáo lý, chúng ta thường phân tích những điểm chính yếu. Nếu nó đứng vững với sự phân tích và chứng tỏ là đúng đắn, rồi thì bất cứ sự mâu thuẩn nào rõ ràng trong những chi tiết nhỏ nhặt là không quan trọng. Như nó được nói trong Luận Lý Pháp (Treatise On Logic):

Nếu điểm chính yếu là đáng tin cậy,
Thì tất cả những gì còn lại là thứ yếu.


Và chính Đức Phật đã nói:

Này chúng tăng, giống như kiểm tra vàng nhằm để biết phẩm chất của nó,
Các ông phải đem những lời của ta mà kiểm nghiệm.
Một người thông tuệ không chấp nhận chúng chỉ vì sự tôn kính.


Đừng lấy những lời Đức Phật từng chữ một đơn giản chỉ vì sự tôn trọng. Hãy thẩm tra chúng và tôn trọng chúng chỉ khi bạn một lý do tốt đẹp cho việc làm như thế. Dĩ nhiên, đức tin là rất quan trọng cho sự thực hành tâm linh, nhưng sự thành tâm mù quáng với  Đức Phật là không đủ. Chúng ta phải có những lý do vững chắc cho việc tôn trọng giáo lý của Ngài. Trong Phật Pháp, và đặc biệt trong giáo lý Đại thừa thì sự phân tích logic là vô cùng quan trọng.

Những luận điển và logic Phật Giáo nói về quả và hai khía cạnh của nó: khía cạnh biểu hiện và khía cạnh bị che dấu. Đối với những chúng sanh thông thường, Quả Phật vẫn bị che mờ. Nếu chúng ta mong ước thực chứng nó mà không đi lạc đường, thì chúng ta phái tiếp nhận con đường phối hợp phương tiện và tuệ trí, vì nó được căn cứ trên những nguyên tắc vững chắc và phản chiếu bản chất chân thật của mọi thứ.

Để thực hành một cách đúng đắn, bất cứ đi theo con đường nào, thì chúng ta phải không bao giờ mâu thuẩn với ý nghĩa chung. Trong Phật Giáo có nhiều giáo lý khác nhau cho chúng sanh ở các vị trí khác nhau và trình độ cùng sự thông minh của người tiếp nhận. Đó là tại sao có sự hiện hữu của những cổ xe khác nhau như Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa, và Bồ tát thừa. Cùng lý do ấy, bốn trường phái triết học – Tỳ Ba Sa, Kinh Lượng Bộ, Duy Tâm luận, và Trung Đạo – và vô số chi phái sinh khởi để đáp ứng cho những năng lực thông minh khác nhau.

Ẩn Tâm Lộ, 2023


[1] Thánh Thiên (thế kỷ thứ hai) là một luận sư Phật giáo nổi tiếng của Ấn Độ, đệ tử trực tiếp của luận sư Long Th, tác giả của bộ luận Bách luận. Thánh Thiên am hiểu sâu sắc Phật Pháp, tiếp tục công việc của Long Thọ, giải thích sâu xa hơn giáo lý Trung Đạo.

[2] A tỳ đạt ma - Vi Diệu Pháp, là những giáo lý cao siêu, vi diệu, vì nó vượt trên các Pháp, giải thích Trí tuệ. Chữ đầu Abhi dùng để diễn đạt sự tinh tế, sâu xa, Danh từ Dharma dịch là Pháp, một Phạn ngữ có nhiều nghĩa, ở đây nó có nghĩa là lời dạy của Ðức Phật. Abhidharmagiải thích giáo lý siêu hình của Phật Giáo và có nhiều trình độ khác nhau trên con đường đến Phật Quả.

[4] Demon dịch ác ma, hay ma trong Phật Giáo chỉ cho những chướng ngại đến tiến trình tâm linh chứ không phải ma quỷ bên ngoài.

[5]  Bốn loại ma đó là: Phiền não ma, ngũ ấm ma, thiên ma và tử ma.

[7] Humans and celestial, brama, Shravakas, Pratyeka Buddhas, and Bodhisattvas.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét