Thứ Hai, 12 tháng 6, 2023

GIỚI THIỆU BỒ TÁT ĐẠO



Nguyên tác: Introduction The Way of the Bodhisattva
Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma
Anh dịch: The Padmakara Translation Group
Việt dịch: Tuệ Uyển, 2023
***

Tôi tiếp nhận sự trao truyền Nhập Bồ tát Hạnh từ Tenzin Gyaltsen. Kunu Rinpche, người đã tiếp nhận từ một đệ tử của Dza Patrul Rinpoche, bây giờ được xem như một trong những người thừa kế chính của giáo huấn này. Như được kể rằng khi Patrul Rinpoche giảng giải luận điển này, thì những điềm lành sẽ xuất hiện, chẳng hạn như sự rộ nở những bông hoa vàng, đáng chú ý là số lượng lớn của những cánh hoa. Tôi cảm thấy rất may mắn rằng tôi lần lượt có thể giảng giải đại luận điển Phật giáo cổ xưa này.

Tôn Giả Tịch Thiên đã sang tác tác phẩm này dưới hình thức của một cuộc đối thoại nội tại.
Ngài đã quay vũ khí của ngài vào chính ngài, tuyên chiến với chính những cảm xúc tiêu cực của ngài. Do thế, khi chúng ta giảng dạy hay lắng nghe luận bản này, thật quan trọng để chúng ta làm như vậy nhằm để tăng tiến tâm linh, hơn là chỉ làm như đó chỉ đơn giản là một chủ đề chuyên môn của trường Phật học.Với tâm niệm như vậy, chúng ta bắt đầu buổi thuyết giảng tu học bằng việc bày tỏ lòng tôn kinh đến  Đức Phật và trì tụng những điều được trích ra từ kinh điển.

Từ bỏ việc làm xấu ác;
Rèn luyện đức hạnh lành;
Điều phục tâm ý của bạn
Đây là lời dạy của Đức Phật,

Giống như ngôi sao, ảo ảnh quang học, hay ngọn lửa,
Ảo ảnh huyển hoá, giọt sương, hay bong bóng,
Như giấc mơ, tia chớp, hay đám mây -
Người ta nên xem xét tất cả các pháp hữu vi như vậy.

Trong khi trì tụng những lời này, chúng ta nên suy ngẫm về sự vô thường và sự thiếu vắng thực tại trong các hiện tượng và kết thúc bằng một lời cầu nguyện hồi hướng:

 Nhờ công đức này nguyện chúng con đạt được toàn giác
Và chiến thắng kẻ thù của chúng con, những hành động có hại của chúng con,
Và cầu mong chúng sinh, bị vùi dập bởi những làn sóng sinh, lão, bệnh, và tử,
Được giải thoát khỏi đại dương của sự tồn tại.

Tiếp theo chúng ta nên trì tụng Tâm Kinh, Ca ngợi Văn Thù Sư Lợi, và cúng dường mạn đà la. Những ai trong các bạn không thể trì tụng những điều này chỉ nên nghĩ đến lòng từ bi của Đức Phật và quán chiếu về tri kiến tánh Không, đó là ý nghĩa của Kinh Bát Nhã Ba La Mật.

Cuối cùng, chúng ta nên tái phát nguyện, quy y và phát bồ đề tâm ba lần. 

Trong Tam Bảo Phật, Pháp và Tăng, Chúng con quy y cho đến khi đạt được giác ngộ. Bằng công đức thực hành bố thí cho đến ... tuệ trí, Nguyện chúng con đạt được Phật quả vì lợi ích của chúng sinh.

Bây giờ chúng ta sẽ bắt đầu nghiên cứu về
Nhập Bồ tát Hạnh (Bodhicharyavatāra). Bậc thầy của những giáo lý này, Đức Phật, bắt đầu bằng cách phát khởi ước nguyện giác ngộ. Sau đó, vị ấy đã tích tập những thiện hạnh qua nhiều kiếp sống trong khoảng thời gian ba đại kiếp không thể tính đếm được. Cuối cùng, vào thời đại mà tuổi thọ trung bình của con người là một trăm năm, Ngài bước vào thế giới này và đạt được giác ngộ trên Kim Cang Tòa tại Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya) ở Ấn Độ. Trong hai mươi lăm thế kỷ kể từ lần đầu tiên Ngài chuyển Bánh xe Pháp với những giáo lý bao la và thâm sâu, con đường Phật giáo đã trở thành một trong những truyền thống tâm linh quan trọng nhất của thế giới.[1]

Tôi thường xem xét những lời dạy của Đức Phật dưới hai tiêu đề: hành động và quan điểm. Hành động có nghĩa là kiềm chế không làm hại người khác. Đây là điều hữu ích chung, điều mà tất cả mọi người đều đánh giá cao, cho dù họ có theo
tôn giáo không. Quan điểm liên quan đến nguyên tắc phụ thuộc lẫn nhau. Hạnh phúc và đau khổ, và những chúng sinh trải nghiệm chúng, không phát sinh mà không có nguyên nhân, chúng cũng không phải do một đấng tạo hoá vĩnh cửu nào đó gây ra. Trên thực tế, mọi sự vật phát sinh từ những nguyên nhân tương ứng với chúng. Ý tưởng này được duy trì bởi tất cả những trường phái của Phật Giáo, và vì thế tôi thường nói rằng quan điểm của là lệ thuộc tương duyên, hay duyên sanh.

Quan điểm duyên sanh làm nên một sự rộng mở của tâm thức. Nói chung, thay vì nhận thức rằng những gì chúng ta trải nghiệm sinh khởi từ một mạng lưới phức tạp của những nguyên nhân, thì chúng ta có xu hướng quy cho những hạnh phúc và buồn đau, thí dụ thế, đến những nguồn gốc đơn lẻ, cá nhân. Nhưng nếu là như thế, thì chúng ta sẽ nhanh chóng đi đến chạm trán với những gì chúng ta xem là tốt, thì chúng ta sẽ tự động vui mừng,và trái lại, trong những trường hợp xấu, thì sẽ luôn luôn buồn bã. Những nguyên nhân của vui mừng và buồn khổ sẽ dễ dàng để nhận dạng và nhắm tới. Tất cả sẽ rất đơn giản, và sẽ có lý do tốt cho sự giận hờn và dính mắc của chúng ta. Trái lại, khi chúng ta cho rằng mọi thứ chúng ta trải nghiệm là những kết quả từ một sự tác động lẫn nhau của các nguyên nhân và điều kiện, thì chúng ta thấy rằng không có một thứ đơn lẻ nào để tham muốn và bực tức, và thật khó khăn hơn cho những phiền não và dính mắc hay giận hờn sinh khởi. Trong cách này, quan điểm duyên sanh làm cho tâm tư chúng ta thư giản và cởi mở hơn.

Bằng việc rèn luyện tâm thức chúng ta và làm quen với quan điểm này, chúng ta thay đổi cung cách chúng ta trong việc thấy mọi thứ, và như một kết quả, thì chúng ta dần dần thay đổi thái độ của chúng ta và ít làm tổn hại người khác hơn. Như được nói trong kinh:

Từ bỏ những việc làm xấu ác;
Thực hành đạo đức tốt;
Thuần hoá tâm thức chúng ta;
Đấy là lời dạy của  Đức Phật
.

Chúng ta phải tránh ngay cả những hành vi tiêu cực nhỏ nhất, và chúng ta nên thực hành thậm chí những hành vi tích cực ít đáng chú ý nhất mà không đánh giá thấp giá trị của chúng. Lý do cho điều này là vì hạnh phúc là điều mà tất cả chúng ta mong muốn và khổ đau là thứ mà tất cả cố gắng tránh phát sinh một cách chính xác bởi những hành động của chúng ta hay nghiệp (karma). Mọi thứ chúng ta trải nghiệm, như nó là, được lập trình bởi những hành vi của chúng ta, và những thứ này thì ra tùy thuộc vào thái độ của chúng ta. Bất cứ điều gì chúng ta làm, nói như thế, và suy nghĩ trong tuổi trẻ của chúng ta là nguyên nhân của hạnh phúc và khổ đau mà chúng ta trải nghiệm trong tuổi già của chúng ta. Hơn thế nữa, những gì chúng ta làm trong đời sống này sẽ quyết định hạnh phúc và khổ đau của đời sống tới. Và những hành vi của kiếp (kalpa[2]) này sẽ cho kết quả trong những trải nghiệm của những kiếp tươnglai. Đây là những gì chúng ta muốn nói bởi luật nghiệp báo, luật nhân quả.

Trên căn bản này, một hành vi được gọi là tiêu cực hay xấu ác nếu nó cho kết quả trong khổ đau, đó là điều gì đó mà chúng mong ước tránh. Nó được gọi là tích cực hay đạo đức nếu nó đưa đến kết quả hạnh phúc, là điều mà chúng ta muốn. Chúng ta quan tâm đến một hành vi tích cực hoặc tiêu cực không phải trên lợi ích của chính nó mà tùy thuộc vào việc nó đưa đến vui sướng hoặc buồn đau. Tất cả những điều này tùy thuộc vào động cơ, và vì thế luận bản nói, “Hãy khuất phục tâm thức của bạn.” Một tâm thức vô nguyên tắc sẽ trải nghiệm khổ đau, nhưng một tâm thức dưới sự kiểm soát sẽ là hạnh phúc và hòa bình.

Thật quan trọng để biết tất cả những phương thức cho việc chinh phục tâm thức qua những kiến thức trao truyền của con đường rộng lớn và thậm thâm. Sự đối trị của thù oán là thiền tập về từ ái (love). Để vượt thắng dính mắc, chúng ta nên thiền tập về tính xấu xí của những gì hấp dẫn chúng ta. Sự đối trị về tự hào kiêu căng là thiền quán về skandha, hay các uẩn. Để đối mặt với si mê, thì chúng ta nên tập trung về sự chuyển động của hơi thở và về sự tương duyên sanh khởi. Gốc rể về sự rối loạn của tâm thức trong thực tế là si mê, nguyên nhân mà chúng ta thất bại trong việc thấu hiểu bản chất thật sự của mọi thứ. Tâm thức dưới sự kiểm soát tịnh hoá quan niệm sai lầm của chúng ta về thực tại. Đây là giáo huân của  Đức Phật. Đó là qua việc rèn luyện tâm thức mà chúng ta có thể chuyển hoá cung cách mà chúng ta hành động, nói năng, và suy nghĩ.

Thật hữu ích để ở tại điểm này mà nói vài điều gì đó tổng quát về giáo huấn của  Đức Phật. Theo  Đại thừa, sau khi thành tựu Giác Ngộ,  Đức Phật đã chuyển bánh xe Pháp, trình bày giáo huấn của Ngài trong ba giai tầng. Thứ nhất, Ngài dạy về  Tứ diệu đế mà toàn bộ giáo lý của Phật Giáo căn cứ vào đấy. Đấy là khổ đế, tập đế, đạo đế, và diệt đế. Với lần chuyển pháp luân thứ hai (trung đạo), Ngài đã ban bố giáo lý về tánh không và những khía cạnh thậm thâm và chi tiết về con đường, vốn tạo nên những kinh điển Bát Nhã Ba La Mật Đa. Với lần chuyển pháp luân thứ ba, Ngài đã trình bày những giáo lý về tánh không trong một phong cách
dễ tiếp cận hơn. Trong những kinh điển chẳng hạn Kinh Bản Chất của Phật (Kinh về Phật Tánh hay kinh Như Lai Tạng),[3]Ngài đã nói về một bản chất tuyệt đối vốn không có khái niệm nhị nguyên về chủ thể và đối tượng. Đây cũng là chủ đề của Tối Cao Mật Điển (Sublime Continuum) / Đại Thừa Tối Cao Mật Điển luận (Maitreya) / Cứu Cánh Nhất Thừa Bảo Tính Luận (Hoa).

Nguồn gốc của khổ đau – chính là, những cảm xúc tiêu cực – có thể được thấu hiểu với những cấp độ khác nhau của vi tế, và điều này đòi hỏi một sự thông hiểu về bản chất của các hiện tượng. Trong lần chuyển luân lần thứ hai,  Đức Phật đã giải thích chi tiết diệt đế, sự thật của chấm dứt. Ngài đã chỉ cho thấy rằng một sự phân tích vi tế luỹ tiến các hiện tượng đưa đến một sự thấu hiểu lớn hơn về những cảm xúc tiêu cực và cuối cùng đến một tuệ giác tế nhị hơn bao giờ hết trong bản chất của tánh không. Điều này lại đưa đến một sự thấu hiểu thâm sâu hơn về đạo đế, sự thật của con đường.

Trong lần chuyển luân thứ ba, chúng ta thấy một sự giải thích chi tiết về con đường để thành tựu Giác Ngộ. Nó nhấn mạnh năng lực mà tất cả chúng ta có cho sự Giác Ngộ tương lai. Năng lực này, được gọi là Phật tánh, hay Như Lai Tạng,
Tathāgatagarbha, là điều gì đấy mà tất cả chúng ta luôn có, từ thời vô thỉ. Khi chúng ta nói về đạo đế, chúng ta không đang nói về điều gì đó hoàn toàn bên ngoài bản chất của chúng ta, thứ mà có thể đột nhiên xuất hiện như một tai nấm, giống như không có một hạt giống hay nguyên nhân. Vì chúng ta có nền tảng hay tiềm năng này cho sự toàn giác tối hậu mà chúng ta có thể thành tựu Giác Ngộ.

Những kinh luận thuộc lần chuyển luân thứ hai chứng minh bản chất trống rỗng của các hiện tượng, trong
Kinh về Phật Tánh hay kinh Như Lai Tạng và những giáo huấn liên hệ khác đến lần chuyển luân thứ ba nhấn mạnh tuệ trí, khía cạnh trong suốt và rực sáng của tâm thức.

Đức Phật đã dạy Tứ Diệu Đế trước nhất, như nền tảng của toàn bộ giáo của lý Ngài. Khi Ngài diễn giải chi tiết giáo huấn của Ngài, Ngài đã dung hợp những từ ngữ để thích ứng với những nhu cầu và năng lực tinh thần khác nhau. Cung cách Ngài giảng dạy đa dạng hơn rất nhiều, và những gì Ngài nói thâm sâu nhiều hay ít, tuỳ thuộc tầng lớp nào mà Ngài trình bày. Do thế, thật quan trọng để biết những giáo huấn nào trình bày ý nghĩa rốt ráo và những thứ nào vốn thích ứng với những năng lực đặc thù của những người đệ tử. Trong việc phân tích, nếu chúng ta thấy rằng những từ ngữ của  Đức Phật, trên phương diện văn ngữ, thấy phi lý hay đưa đến mâu thuẩn, thì chúng ta phải thấu hiểu rằng những giáo lý ấy là một sự
diễn đạt tương đối về lẽ thật nhất thiết thích nghi đến sự lãnh hội của những chúng sanh đặc biệt nào đó. Trái lại, nếu ngôn từ của Ngài có thể hiểu theo từng chữ và không có bất cứ sự mâu thuẩn hay sai lầm nào, thì chúng ta có thể chấp nhận những giáo huấn này như diễn đạt lẽ thật tối hậu.

Niềm tin rất quan trọng trong Phật Giáo, nhưng tuệ trì thậm chí hơn thế nữa. Niềm tin đúng đắn phải được căn cứ trên lý trí. Đơn giản nói rằng, “Tôi quy y,” hay “Tôi hy hiến,” một cách mù quáng và không có sự phản chiếu, thì không có giá trị. Không có sự khảo sát rõ ràng, thì thật không thể phân biệt  Đức Phật đang nói trong một ý nghĩa thích nghi, hay tương đối hay từ ngữ của Ngài đang được thực hiện từng chữ như đang diễn tả ý nghĩa tối hậu. Đây là tại sao kinh điển đề cập đến tứ y, bốn sự nương tựa:

- Y pháp bất y nhân, hay không nương tựa vào những cá nhân mà nương tựa vào giáo lý.
- Y nghĩa bất y ngữ, hay không nương tựa vào ngôn ngữ mà nương tựa vào ý nghĩa.
- Y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa, hay không nương tựa vào ý nghĩa tương đối mà nương tựa vào ý nghĩa tuyệt đối.
- Y trí bất y thức, hay không nương tựa vào hiểu biết tri thức mà nương tựa vào trí tuệ.

Trái lại với sự thấu hiểu tri thức thông thường, thì bản chất thật sự của tâm thức là trong sáng và thông hiểu và không bao giờ bị che ám với các chướng ngại. Sự thực hành của Đại thừa hoàn toàn căn cứ trên sự thông hiểu này.

Ở Tây Tạng, tất cả những giáo huấn của  Đức Phật, từ Tứ Diệu Đế cho đến những tantra yoga tối thượng, đã được bảo tồn, và được thực tập trong những trình tự truyền thống như sau. Giai tầng thứ nhất là ThanhVăn Thừa, hay Cổ Xe Căn Bản, con đường của Tứ Diệu Đế. Bắt đầu với Luật Tạng[4] , vốn dạy việc tu tập về nguyên tắc hay giới, hành giả tiến hành qua
37 sự thực tập đưa đến Giác Ngộ, do vậy phát triển hai sự tu tập địnhtuệ.

Giai tầng thứ hai là  Đại thừa, hay Cổ Xe Lớn, và bao gồm sự thực hành về sáu ba la mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, và tuệ trí. Giai tầng thứ ba là Kim Cang Thừa, Cổ Xe của Những Mật Ngôn, vốn trình bày những phương tiện phi thường cho việc thực chứng định lực thậm thâm qua sự kết hợp sự tĩnh lặng tinh thần và tuệ giác trong sáng (shamatha và vipashyana) và tiến trình qua bốn lớp tantra: kriya, upa, yoga, và anuttara.

Phật Giáo đã phát triển hàng thế kỷ trong nhiều quốc gia, nhưng ở Tây Tạng thì tất cả ba con đường, Thanh Văn Thừa, Đại Thừa và Kim Cang Thừa được bảo tồn một cách hoàn toàn. Trong thực tế, có thể đi qua những thực hành của tất cả ba giai tầng này của một phiên thực tập. Hơn thế nữa, những học giả Tây Tạng không bao giờ bác bỏ khía cạnh thực tập,và những hành giả kinh nghiệm không lãng quên học tập. Điều này đối với tôi là một cung cách rất tốt để tu tập.

Thời gian trôi qua, những dòng truyền thừa khác nhau đã xuất hiện trong truyền thống toàn diện này, đã bị ảnh hưởng bởi những bậc thầy phi thường, ở những thời điểm khác nhau và trong những địa điểm khác nhau, đã trình bày giáo huấn trong những cung cách hơi khác nhau[5]. Do đó, chúng tôi có một truyền thống cổ xưa của Nyingma, và những truyền thống mới hơn của Kadam, Sakya, và Kagyu. Truyền thống Gelug hiện tại tiến hoá từ dòng truyền thừa Kadam. Mặc cho những khác biệt giữa các dòng truyền thừa này, thì tất cả kết hợp với những giáo huấn của  Đức Phật một cách toàn vẹn, phối hợp những sự thực hành của Thanh Văn Thừa và  Đại thừa. Truyền thống đạo Bon, vốn đã tồn tại ở Tây Tạng trước khi Phật Giáo đến, cũng đã đi đến sở hữu toàn bộ giáo lý nhà Phật.

Bồ Tát Đạo được các bậc thầy trong tất cả những trường phái Tây Tạng quan tâm cao độ, và có lẽ nhiều đến hàng trăm vị đã viết những luận giải về chủ đề ấy. Khi tôi tiếp nhận
Nhập Bồ tát Hạnh (Bodhicharyavatāra) từ Kunu Rinpoche, Ngài thường đề cập đến một luận giải tuyệt vời của Minyak Kunzang Sonam[6], một đệ tử của Jamyang Khyentse Wangpo[7].

Nhập Bồ tát Hạnh cô đọng giáo lý của  Đức Phật từ ba lần chuyển luân. Tôi sẽ đọc lớn vì thế các bạn nhận được sự trao truyền tâm linh, vốn là một nguồn gốc của phước lành gia hộ. Tôi sẽ không giải thích luận bản từ chữ một, nhưng tốt hơn tôi sẽ bình luận ở những điểm chính yếu.

Khi tiếp nhận giáo lý này, thật quan trọng để có một thái độ đúng đắn. Lắng nghe giáo lý với xu hướng đạt được những lợi ích vật chất hay tiếng tăm thì không phải là sự thực hành đúng đắn. Cũng không phải mục tiêu của chúng ta là để có được sự tái sanh cao hơn vào kiếp sống tới, thí dụ, những chúng sanh ở cõi trời hay những con người có đầy quyền lực. Cũng không phải là mong ước của chúng ta là chỉ vì sự giải thoát của riêng mình khỏi cõi luân hồi. Đây là tất cả những thái độ mà chúng ta phải bác bỏ. Thay vì thế, hãy để chúng ta lắng nghe giáo lý này với nguyện ước quyết tâm đạt đến thể trạng toàn giác vì lợi ích của tất cả chúng sanh, vồn là vô số. Để đạt được mục đích này, nhất thiết phải thực hành con đường thậm thâm và rộng lớn được diễn tả trong luận bản này. Nếu chúng ta có thể duy trì động cơ này, thì bất cứ hành vi tích cực nào chúng ta làm sẽ trở thành nguyên nhân cho sự Giác Ngộ tối thượng. Thậm chí nếu một nguyện ước không đến với chúng ta một cách thanh thoát, thì chúng ta có thể tối thiểu cố gắng phát triển một thái độ tích cực khi chúng ta lắng nghe.

Ẩn Tâm Lộ, 2023




[1] Bánh xe Pháp là biểu tượng của giáo lý nhà Phật. Chuyển bánh xe Pháp đồng nghĩa với việc trình bày giáo lý.

[2] kalpa - kiếp: Một kalpa là một khoảng thời gian dài (aeon) trong vũ trụ học của Ấn Độ giáo và Phật giáo,

nói chung là giữa sự sáng tạo và tái tạo của một thế giới hoặc vũ trụ.

[3] Kinh này có tên gọi đầy đủ là Đại Phương Đẳng Như Lai Tạng Kinh, một quyển, do ngài Phật Đà Bạt Đa La dịch vào thời Đông Tấn.

[4] Luật Tạng – Vinaya:  là phần giáo lý của Phật nói về hạnh kiểm đạo đức, đặc biệt trong những giới điều và thệ nguyện tăng ni và cư sĩ.

[5] Một dòng truyền thừa là một sự tiếp nối của các vị thầy Phật Giáo, trao truyền cho những vị thừa kế tâm linh của họ mà chính họ đã tiếp nhận và thừa hưởng từ những vị thầy của họ. Một dòng truyền thừa có thể được liên hệ đến một kinh luận nào đó hay một tập hợp giáo lý nào đó. Hầu hết những dòng truyền thừa có thể lần lại cuối cùng đến chính  Đức Phật. Dòng truyền thừa Bồ tát đạo của Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu từ Tịch Thiên liên tục qua những vị thầy Phật Giáo đến Patrul Rinpoche, đến Khenpo Shenga (1871-1927), Kunu Rinpoche và chính Đức Đạt Lai Lạt Ma.

[6] Minyak Kunzang Sonam là một đại học giả Gelug đã học hỏi với Patrul Rinpoche gần hai mươi năm.Luận giải của ngài về Bồ tát đạo là chi tiết nhất.

[7] Jamyang Khyentse Wangpo (1820-1892) là người phục hưng Phật Giáo ở Tây Tạng trong thế kỷ mười chín. Vị đại lạt ma này là một trong những người sáng lập phong trào Rime, hay không phân phái.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét