Nguyên tác: The Benefits Of Bodhichitta
Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma
Anh dịch: The Padmakara Translation Group
Việt dịch: Tuệ Uyển, 2023
***
Nhập Bồ Tát Đạo mở đầu với sự tôn kính chư Phật và chư Bồ tát, những bậc tiếp
nhận vô thượng của cúng dường.
1-
Đến những bậc thâm nhập hạnh phúc tối thượng,
Pháp thân mà họ sở hữu, và tất cả những vị thừa kế của họ,
Đến tất cả những bậc đáng để tôn sùng, tôi thành kính đảnh lễ.
Theo kinh điển, bây giờ tôi sẽ diễn tả tóm tắt
Sự thực hành của nguyên tắc Bồ tát.
Cụm từ ‘những bậc thâm nhập hạnh phúc tối thượng’ là đồng nghĩa với Đức Phật và là sự chuyển dịch của chữ Sugata, (tiếng Việt: Thiện Thệ). Từ ngữ này được hình thành với
hai yếu tố: sukha có nghĩa là “hạnh
phúc [nhất]” hay lạc, và gata nghĩa
là “đến.” Một Thiện Thệ do thế là “người
đã đạt đến hạnh phúc” - [bậc thâm nhập
tối lạc] hay theo Luận điển về Logic[1],
“một bậc đã đạt được, hay thâm nhập một cách hoàn hảo.” Việc thành tựu thể trạng
hạnh phúc có hai khía cạnh: thực chứng và loại trừ.
Khi tâm phát triển những phẩm chất tâm linh và loại trừ tất cả những trở ngại
chúng, nó đạt được một cách tăng tiến năng lực để thấy rõ ràng bản chất của mọi
hiện tượng, cho đến khi nó nhận thấy bản chất tối hậu mà không có bất cứ trở ngại
nào. Sự nhận thấy này về các hiện tượng như ‘chúng thật sự là’ là tuệ trí vốn biết mọi thứ mà không có sự sai lầm
tối thiểu nào.
Khía cạnh thực chứng liên hệ đến việc hành thiền về sự vắng mặt của thực tế
trong các hiện tượng. Điều này đưa đến (1) sự hiểu biết hoàn hảo về vô số hiện
tượng và (2) sự hiểu biết hoàn hảo về bản chất của chúng. Sau đó, qua năng lực
của những đối trị, chúng ta loại trừ tất cả những màn che giả dối chướng ngại sự
thông hiểu của chúng ta, vốn có thể làm cho chúng ta nhận thức mọi hiện tượng
trong hình thức chân thật của chúng và đạt đến (3) sự hiểu biết hoàn hảo về tất
cả mọi hiện tượng mà không có ngoại lệ. Ba loại hiểu biết hoàn hảo này cấu
thành ba đặc trưng của việc thành tựu hạnh phúc tối thượng qua thực chứng.
Quan kiến hay sự thông hiểu không sai lầm này phát triển dần dần qua sự thực
hành. Khi nó trở nên mạnh mẽ hơn và rõ rệt hơn, nó hoạt động như một sự đối trị
đến niềm tin sai lầm trong tự ngã và trong thực tại của các hiện tượng, vốn như
một kết quả trở thành yếu hơn và yếu hơn. Cuối cùng, khi sự đối trị này đã đạt
đến một năng lực trọn vẹn, thì tuệ trí vô niệm vốn thấy sự vắng bóng của tự ngã
sinh khởi[2] -
(thực chứng vô ngã). Tuệ trí này vì
thế làm mất tác dụng của những chướng ngại, và nó loại trừ những cảm xúc tiêu cực
đơn giản qua việc thấy mọi hiện tượng như chúng thật sự là. Đây là những gì
chúng ta gọi là sự loại trừ hoàn hảo.
Đây không phải là vấn đề của việc làm giảm thiểu sức mạnh cuả những cảm xúc
tiêu cực một cách tạm thời qua việc hành thiền tập trung của những cấp độ vi tế
khác nhau. Một khi những cảm xúc phiền não đã được loại trừ bởi những phương tiện
của tuệ trí vô niệm, thì chúng bị loại trừ vĩnh viễn. Chúng không thể tái diễn
trở lại ngay cả trong những trường hợp chúng bị kích thích trước đây. Điều này
được biết như sự loại trừ không thể bị đảo ngược. Khi tuệ trí vô niệm phi thường
được hoàn thành qua thực hành và tất cả những chướng ngại với nó đã bị xoá bỏ
qua đối trị, rồi thì chúng ta nói rằng sự loại trừ đã được hoàn tất.
Ba khía cạnh này – tuyệt hảo, không thể đảo ngược,và hoàn tất – là ba đặc tính
của việc thực chứng qua loại trừ. Một Thiện Thệ, thế thì, là một bậc “đã đến”
qua ba thực chứng này và ba loại trừ này.
Một Thiện Thệ [bậc thâm nhập tối lạc],
bậc có Pháp thân bắt đầu bởi việc từ bỏ những cảm xúc tiêu cực, tại điểm ấy,
thì vị ấy đạt đến cấp độ đầu tiên [thấy đạo] trong mười cấp độ của Bồ tát đạo[3]. Vị
ấy sau đó tiến tới theo con đường Phật Quả cho đến khi đạt đến cấp độ không cần học nữa [vô học]. Ở thời điểm ấy,
vị ấy nhận ra không gian tuyệt đối thanh tịnh một cách hoàn hảo, bản chất tuyệt
đối, và thân thể tuyệt đối, hay Pháp thân. Khi những chướng ngại đến vô minh
tan biến hết, thì tất cả những phẩm chất của tuệ trí nguyên sơ xuất hiện, đặc
biệt là hai mươi mốt phẩm chất thuần khiết của Pháp thân. Điều còn lại sau khi
tất cả những chướng ngại đã bị loại trừ được gọi là tuệ trí nguyên sơ.
Khía cạnh thực chứng của Pháp thân là cực điểm sự thật của con đường [đạo đế],
trong khi khía cạnh loại trừ của nó là cực điểm của sự thật chấm dứt [diệt đế].
Cùng với nhau, hai sự thật này cấu thành Pháp Bảo, yếu tố thứ hai của Tam Bảo
mà chúng ta quy y. Pháp thân vì thế là khía cạnh tối hậu của giáo Pháp. Báo thân
và Hoá thân, vốn biểu hiện từ Pháp thân, cấu thành Tăng Bảo, những vị đã đạt đến
con đường không phải học nữa (những bậc vô học). Và Đức Phật hay Phật Bảo, là bậc thoát khỏi mọi
khiếm khuyết và thành tựu mọi phẩm chất tốt đẹp, là bậc sở hữu sự thật của con
đường (đạo đế) và sự thật chấm dứt (diệt đế). Ba thứ này – Phật, Pháp và Tăng –
là ba quy y tuyệt đối.
Hội chúng của Đại thừa Bồ tát, Thanh
Văn, và Duyên Giác, những bậc tiến tới trên con đường, có thể được gọi cộng đồng
vô thượng, hay Tăng bảo, Sangha. Đấy
là đối với các ngài, cùng với tất cả các vị phàm tăng tôn kính khác, mà Tịch
Thiên (Shantideva) đảnh lễ ở đây.
Đã đảnh lễ Tam Bảo, ngài tuyên bố mục tiêu của ngài để viết nên luận văn này, vốn
là sự biên soạn hành vi của các vị Bồ tát, hay con cái của Đức Phật.
Đức Phật được nói là có ba loại thừa kế. Con huyết thống của Ngài là La
Hầu La. Thừa kế lời nói của Phật là các vị Thanh Văn và Duyên Giác. Và thừa kế
tâm Phật là các vị Bồ tát. Những vị được đề cập sau cũng được liên hệ như những
bậc thừa kế chính yếu của Phật, vì họ khao khát, vì lợi ích của tất cả chúng
sanh, đến tất cả những phẩm chất siêu phàm của Phật Quả, việc áp dụng những
phương pháp không sai lầm của con đường từ bi và tánh không. Họ là những vị thừa
kế của Đức Phật mà Tịch Thiên đang liên
hệ đến ở đây, và chính là những hành vi của họ, bao trùm những điểm tinh yếu của
con đường tâm linh.
Việc rèn luyện một vị Bồ tát bao gồm sự thực hành mười ba la mật[4]. Điều
này có thể được tóm tắt như ba nguyên tắc (tam tụ tịnh giới): tránh làm các việc
tổn hại (nhiếp luật nghi giới), thực hành những việc đạo đức (nhiếp thiện pháp
giới), và hành động vì lợi ích của chúng sanh (nhiêu ích hữu tình giới). Tịch
Thiên diễn tả con đường này trong ba giai tầng: thâm nhập, tu tập, và hoàn
thành. Sự thâm nhập liên hệ đến việc thọ Bồ tát giới, và việc nhận thức đầu
tiên nguyện vọng cho việc Giác Ngộ, được gọi là tâm bồ đề. Phần chính của luận
điển này diễn tả việc tu tập vốn theo sau việc phát tâm bồ đề, đó là sự thực
hành sáu ba la mật. Mục tiêu của việc này, hoàn thành Phật Quả, được diễn tả một
cách tóm tắt ở cuối chương thứ chín.
Chúng ta muốn nói gì với từ ngữ Bồ tát – Bồ Đề Tát Đoả - Bodhisattva? Bodhi – Bồ đề, có nghĩa là Giác Ngộ, thể trạng vắng mặt
mọi khiếm khuyết và được phú cho tất cả mọi phẩm chất tốt đẹp. Sattva – Tát đoả, liên hệ đến vị nào đó
can đảm và tự tin và người cố gắng để thành tựu Giác Ngộ vì lợi ích của tất cả
chúng sanh. Những ai có nguyện ước tự phát, chân thành để đạt được Giác Ngộ vì
lợi ích rốt ráo cho tất cả chúng sanh thì được gọi là những vị Bồ tát. Qua tuệ
trí, họ hướng tâm thức đến Giác Ngộ, và qua lòng từ bi, họ quan tâm cho chúng
sanh. Nguyện ước này cho Giác Ngộ toàn hảo vì lợi ích của kẻ khác là điều mà
chúng tôi gọi là tâm bồ đề, và nó là điểm khởi đầu trên con đường. Bằng việc nhận
biết Giác Ngộ là gì, sự thông hiểu của chúng ta không chỉ là có một mục tiêu để
hoàn thành mà cũng là thật có thể để làm như vậy. Được lèo lái bởi khát vọng hổ
trợ chúng sanh, chúng ta nghĩ, vì lợi ích của họ, tôi phải thành tựu Giác Ngộ!
Một suy nghĩ như vậy hình thành lối vào
Đại thừa. Tâm bồ đề, thế thì, là một nguyện ước gấp đôi: thành tựu Giác
Ngộ trong tự nó, và làm như vậy vì lợi ích của tất cả chúng sanh.
Dĩ nhiên, chúng ta có thể có một nguyện ước mơ hồ nào đó để thành tựu Giác Ngộ
hay cảm thấy đó là điều đấy mà chúng ta phải đạt được. Nhưng không có một niềm
tin chắc chắn rằng Giác Ngộ tồn tại và điều ấy có thể thành tựu được, thì chúng
ta sẽ không giờ hoàn thành nó. Do vậy, thật quan trọng để biết Giác Ngộ có
nghĩa là gì.
Trong phạm trù này, sự giải thích về tánh không được trình bày trong chuyển
luân lần thứ hai là cực kỳ quan trọng. Tất cả mọi hiện tượng bản chất vốn là trống
rỗng, không có sự tồn tại thật sự. Điều này được giải thích rõ ràng trong những
kinh luận Bát Nhã Ba La Mật Đa và trong những luận giải của Long Thọ[5] và
môn đồ của ngài. Nhưng chúng ta nhận thức về các hiện tượng như thế nào tại một
thời điểm? Những gì ngài Long Thọ diễn tả không là những gì chúng ta thật sự nhận
thức hiện tại. Những gì chúng ta trải nghiệm chỉ là đối lập. Thay vì nhận thức
mọi hiện tượng như trống rỗng, thì chúng ta thấy mọi thứ là tồn tại và thật. Nếu,
qua nghiên cứu và thực hành, chúng ta đạt được một sự thông hiểu nào đó và tin
chắc rằng bản chất của mọi thứ là tánh không, rồi thì chúng ta nhận thấy rằng
những nhận thức của chúng ta cho đến nay hoàn toàn không tương ứng với cung
cách mà mọi thứ thật sự là và rằng chúng ta mê lầm bám víu vào cung cách sai lầm
của việc thấy biết mọi thứ. Hơn thế nữa, sự mê lầm này là gốc rể của tham lam
và thù hận; nói cách khác, đấy chính là gốc rể của luân hồi.
Sự mê lầm, si mê, hay vô minh, sự tin tưởng rằng mọi thứ là thật, là cực kỳ mạnh
mẽ. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng đấy không gì hơn là một sai lầm; nó chỉ đơn
thuần là một sự thông hiểu sai lầm mà chúng ta bám chấp nhưng trong thực tế gì
đi nữa thì chúng cũng không có nền tảng. Đối lập với chúng, thì sự thông hiểu rằng
mọi hiện tượng không có thực tại, được căn cứ trên một sự thật chắc chắn đứng vững
trên mọi sự tranh luận. Nếu chúng ta làm quen thuộc mình với sự thông hiểu này,
thì nó có thể được phát triển một cách vô hạn, vì nó là phẩm chất cả sự thật và
tự nhiên của tâm thức. Khi nó phát triển và lớn mạnh hơn, thì nó hoạt động như
sự đối trị với niềm tin sai lầm rằng mọi thứ là thật, mà nó bắt buộc trở nên yếu
ớt hơn một cách tương ứng.
Chúng ta có thể loại trừ sự thông hiểu sai lầm này hoàn toàn không? Như được
nói:
Bản chất của tâm là trong suốt và sáng rở,
Nhưng những chướng ngại là ngoại lai.
Mặc dù những chướng ngại này có thể đã hiện diện từ lâu xưa, nhưng chúng không
có cùng bản chất với tâm. Cho nên, như sự đối trị - nhận thức đúng đắn về mọi
thứ - phát triển, thì những chướng ngại này có thể bị xua tan một cách hoàn
toàn.
Bản chất của tâm, trong suốt và tỉnh giác, thoát khỏi mọi khuyết điểm; nó không
thể bị tác động bởi những chướng ngại. Không có hiện tượng nào cho dù tinh thần
hay xuất hiện trong thế giới bên ngoài có thể tác động nó. Không gì có thể thay
đổi phẩm chất bản nhiên của nó, vốn là đặc điểm bẩm sinh của tự tâm thức. Niềm
tin trong sự có thật của mọi thứ căn cứ trên nhận thức sai lầm và là hoàn toàn
mâu thuẩn với bản chất của tâm thức. Nhưng do bởi những điều kiện hiện tại và
những cung cách của nhận thức có thói quen phát triển lâu dài, cho nên chúng ta
có xu hướng trải nghiệm mọi thứ một cách sai lầm. Do thế, về một mặt, tâm thức
vốn thấy mọi thứ không thật như thế nào là có thể phá huỷ sự đối kháng của nó,
sự tin chắc rằng mọi hiện tượng là thật. Về mặt khác, cho dù niềm tin tưởng sai
lầm này mạnh mẽ như thế nào đi nữa trong thực tiển có thể, thì nó không thể tác
động bản chất bẩm sinh của tâm. Như nó được nói trong Đại Thừa Tối Cao Mật Điển (Sublime
Continuum):
Các nhiễm ô là ngẫu nhiên,
Những phẩm chất là cố hữu.
Đây chính là tư tưởng rất khó chịu. Vì những chướng ngại
này trong thực tế là riêng biệt với tâm, chúng ta có thể loại trừ nó, miễn là
chúng ta tiếp tục và áp dụng những đối trị liên tục. Tất cả những cảm xúc tiêu
cực có thể bị nhổ tận gốc rể, và vì chúng không bao giờ có thể thâm nhập bản chất
của tâm, ngay cả những khuynh hướng thói quen chúng để lại khi tìm thấy cũng sẽ
bị loại trừ sau đó.
Khi tâm hoàn toàn thoát khỏi những cảm xúc và khuynh hướng tiêu cực này, nó
thông hiểu và nhận biết mọi hiện tượng. Khi chúng ta cố gắng và sử dụng những
phương pháp đúng đắn, thì chúng ta có thể thực chứng tiềm năng mà chúng ta có
cho sự toàn giác như vậy. Đó là bởi vì có những ngăn che chướng ngại giữa tâm
và đối tượng của nó mà chúng ta không thể biết mọi thứ. Một khi những ngăn che
này được loại bỏ, thì không có năng lực mới nào cần đến. Việc thấy và tỉnh giác
là chính tự bản chất của tâm. Khi nào tâm còn tồn tại, thì nó có khả năng để nhận
biết, nhưng đây là khả năng không tự bộc lộ cho đến khi tất cả mọi chướng ngại
đã được loại trừ. Đây là điều có nghĩa là thành tựu Giác Ngộ. Nếu chúng ta suy
nghĩ theo những dòng này, thì khát vọng cho sự Giác Ngộ sẽ lớn mạnh trong chúng
ta.
Như cho nguyện ước làm lợi ích cho mọi người, thì điều này đến từ nhận thức rằng
giống như chính chúng ta, tất cả mọi chúng sanh, không chỉ con người, đều muốn
hạnh phúc và không ai muốn khổ đau. Trong thực tế, tất cả chúng ta có lòng từ
bi: chúng ta muốn giải thoát kẻ khác khỏi đau khổ. Và đến một mức dộ nào đó, tất
cả chúng ta thương yêu và muốn kẻ khác được hạnh phúc. Những cám giác này có thể
không mạnh mẽ và rộng rãi lắm, nhưng mọi người có chúng trong mức độ nào đấy.
Thí dụ, khi chúng ta thấy người nào đó đau đớn, thì chúng ta tự nhiên nghĩ, Thật
kinh khiếp thay! và chúng ta muốn an ủi họ về sự thống khổ của họ. Giống như
chính chúng ta không muốn đau khổ mà muốn hạnh phúc, thì chúng ta có thể có
cùng nguyện ước ấy cho kẻ khác. Mặc dù chúng ta có thể chỉ có lòng từ bi và yêu
thương nho nhỏ lúc ấy, nhưng đây là những thứ mà chúng ta có thể phát triển.
Khi chúng lớn mạnh, thì nguyện ước của chúng ta cũng vậy để hành động vì kẻ
khác.
Để có khát vọng đạt đến Giác Ngộ, ngay cả nếu nó là chỉ cho lợi ích của chúng
ta, thì chúng ta phải biết điều gì đạt được bằng việc thành tựu Giác Ngộ và điều
gì mất đi nếu thành công. Vì điều này chúng ta phải phản chiếu sự không hoàn hảo
của luân hồi – và thậm chí những thứ của niết bàn khi được quan tâm như một cực
đoan khác. Như được nói trong Tinh Yếu
Trung Đạo (Essence of the Middle Way):
Vì họ thấy những khiếm khuyết của nó,
Họ tránh cõi luân hồi.
Vì trái tim họ đang yêu thương,
Niết bàn không thể giữ họ.
Bậc thông tuệ nguyện ước hạnh phúc cho chúng sanh
Cư trú thậm chí giữa luân hồi.
Họ không bị giam giữ bởi luân hồi, khi họ đã thấy sự không hoàn hảo của nó. Do
bởi lòng từ bi lớn của họ, cho nên họ không thể nấn ná ở niết bàn. Khi họ biết
rằng có những khiếm khuyết cho cả hai, thì họ ngưỡng vọng đến sự Giác Ngộ vốn siêu
việt cả hai cực đoan này.
Cho nên trước nhất chúng ta phải nhận biết điều gì sai lầm với luân hồi, vì đây
là căn bản cho nguyện ước thành tựu Giác Ngộ. Để quay đi và giải thoát cho
chính mình, chúng ta phải phản chiếu xem điều gì được xem là khổ đau của luân hồi;
điều này sẽ làm phát sinh khát vọng giải thoát cho kẻ khác.
Hơn thế nữa, nếu chúng ta chiến thắng với những hy vọng và hoài bảo với lưu tâm
cho những sự hiện hữu tương lai, thì trước nhất chúng ta phải đối mặt với sự
bám chấp của chúng ta với đời sống hiện tại. Đây là điều gì đó mà chúng ta có
thể rèn luyện từng bước một.
Tâm bồ đề là một thể trạng rất tốt của tâm, được thấm nhuần với tuệ trí, mà
trong ấy sự ân cần được phối hợp với sự thông minh cao tột. Đó là điều gì đấy
thật phi thường. Lòng tốt và sự ân cần này lập tức làm cho chúng ta bình an,
cho nên chúng ta ít hẹp hòi và hung hăn hơn. Khi chúng ta gặp gở những người
khác, chúng ta không cảm thấy bị ám ảnh và xa cách. Trái lại, chúng ta cảm thấy
gần gũi với mọi người. Với một tâm như thế này, chúng ta không bao giờ lo sợ,
mà mạnh mẽ và can đảm. Đây là một thái độ rất hữu dụng để có được.
Bồ Tát Đạo, hay Nhập Bồ Tát Hạnh không phải là một biên soạn từ những ý kiến cá
nhân của Tịch Thiên tôn giả, cũng không phải lập lại y chang những gì từ kinh
điển. Đúng hơn, đó là hình thức cô đọng những giáo huấn từ kinh điển. Và ngài
nói:
1.
Ở đây tôi không nói những gì đã từng được
nói trước đây,
Và trong nghệ thuật làm thơ tôi không có khiếu.
Do vậy, tôi không có tư tưởng gì có thể làm lợi lạc cho người khác;
Tôi đã viết nó chỉ là thói quen của tâm tư tôi.
“Ở đây tôi không nói những gì đã từng được
nói trước đây, và trong nghệ thuật làm thơ tôi không có khiếu” được nói một
cách giản dị để tránh khỏi lòng ngã mạn.
Đối với những người có mong ước chỉ để tích luỹ tri thức, thì ngài không có gì
mới để nói. Và khi ngài không nghĩ là ngài có thể giúp đở người khác, thì ngài
đang viết luận điển này để tiến xa hơn trong sự thực hành tâm linh của chính
ngài và đến với những người đang ở cùng giai tầng với ngài.
Mười chương đầu của Bồ tát đạo, Bodhisattvacaryāvatāra, đối diện với những phẩm chất của tâm bồ đề. Như một sự
chuẩn bị cho tâm bồ đề, chúng ta cần thực hành bảy phần [nhân quả][6]
như để tích luỹ công đức và tự tịnh hoá mình. Những chương tiếp theo giải thích
vấn đề việc đưa tâm bồ đề vào thực hành như thế nào qua sáu ba la mật. Thứ nhất
là bố thí ba la mật, hay rộng lượng,
được gặp suốt luận điển, và không có chương đặc biệt nào dành cho nó. Thực hành
trì giới ba la mật, hay nguyên tắc
thanh khiết, như thế nào được giải
thích trong hai chương với sự cẩn thận và chu đáo. Những điều này được tiếp
theo sau bởi các chương dành cho bốn ba la mật sau cùng: nhẫn nhục, tinh tấn,
thiền định, và tuệ trí. Cuối cùng, Tịch Thiên kết luận luận điển với một chương
về hồi hướng công đức vì lợi ích của chúng sanh.
Minyak Kunzang Sonam, theo truyền thống của Patrul Rinpoche, giải thích cấu
trúc của Bồ Tát Đạo chung quanh câu kệ nổi tiếng của Tịch Thiên:
Nguyện cho tâm bồ đề, quý báu và siêu
phàm,
Phát sanh nơi nó chưa từng phát sanh;
Và nơi nó đã phát sanh nguyện cho nó không bao giờ mai một
Mà lớn mạnh và phát triển mãi mãi không ngừng.
Đối với những người chưa phát tâm bồ đề, ba chương đầu của Bồ Tát Đạo giải
thích làm thế nào để phát tâm. Sau đó, để ngăn ngừa tâm bồ đề bị thối thất, thì
có những hướng dẫn về sự chu đáo, lưu tâm, và nhẫn nại. Sau điều này, là những
chương về tinh tấn, thiền định và tuệ trí diễn tả tâm bồ đề có thể được phát
triển một cách liên tục như thế nào. Cuối cùng, chương thứ mười và chương kết
luận bàn luận về vấn đề chia sẻ và hồi hướng tâm bồ đề này đã được phát sinh, bảo
vệ khỏi sự suy thoái, và được phát triển một cách tăng tiến. Đây là vấn đề mà
Patrul Rinpoche đã giải thích nó như thế nào,và tôi thấy nó rất sâu sắc:
4.
Rất khó để có sự thoải mái và giàu có[7]
Bằng cách nào để mục tiêu của chúng sanh thành tựu.
Nếu bây giờ tôi chỉ hướng nó đến lợi ích của riêng tôi,
Thì làm sao tôi có cơ hội như vậy một lần nữa?
Để có thể thực hành tâm bồ đề, mà nó vốn có nhiều phẩm chất tốt đẹp, thì chúng
ta cần thông minh, những điều kiện thích hợp, và đặc biệt là điều kiện tối thượng
của đời sống như một con người. Đời sống con người là khó để có được và rất
đáng giá nếu chúng ta có nó. Chúng ta không nên phung phí đời sống của chúng ta
mà phải tận dụng nó một cách tốt đẹp.
5.
Giống như trong một đêm đen tối đầy mây,
Chợt một tía chớp sáng lên và tất cả đều được thấy một cách rõ ràng,
Giống hiếm hoi như vậy, qua năng lực của chư Phật,
Những tư tưởng đạo đức sanh khởi, ngắn ngủi và nhất thời, trên thế gian.
6.
Đạo đức, như vậy, thì yếu đuối,và luôn luôn
Sự xấu ác thì to lớn và và sức mạnh tràn ngập.
Ngoại trừ tâm bồ đề tuyệt vời,
Thì đạo đức khác nào có thể làm cho nó lắng xuống?
Do bởi những nghiệp duyên quá khứ, cho nên rất hiếm hoi và khó khăn để có một
tâm tích cực, trong khi thật dễ dàng để có những tư tưởng tiêu cực, vì đây là
những gì chúng ta quen thuộc. Cho nên, chúng ta phải nuôi dưỡng những tư tưởng
tích cực, chẳng hạn như thành tâm với chư Phật và từ bi với chúng sanh. Đó là
qua điều này mà chúng ta phát triển tâm bồ đề.
Không có gì mạnh mẽ hơn tâm bồ đề cho việc tịnh hóa những hành vi tiêu cực và
chướng ngại, cho việc đạt đến hạnh phúc tạm thời và tối hậu, và cho việc giúp đở
chúng sanh. Nếu chúng ta mong ước giải thoát chính mình và kẻ khác khỏi khổ đau
của luân hồi, thì chúng ta nên phát tâm bồ đề. Ngay khi chúng ta làm việc này,
vô số phẩm chất của nó như thế ấy, mặc dù chúng ta vẫn hiện là những con người
bình thường đối tượng của khổ đau, thì chúng ta cũng sẽ được tuyên bố như những
kẻ thừa kế của chư Phật, đáng được sự tôn kính của chư thiên và loài người.
Tâm bồ đề của chúng ta có thể chưa tự nhiên thanh thoát, nhưng nó vẫn là điều
gì đó mà chúng ta phải xây dựng. Tuy nhiên, một khi chúng ta đã đi theo và bắt
đầu phát triển thái độ phi thường này, thì bất cứ hành vi tích cực nào mà chúng
ta làm – lễ phủ phục, đi nhiễu Phật, trì tụng, hay những hành động của bố thí,
..., cho đến tuệ trí – trong khi không thấy xuất hiện gì khác, nhưng sẽ mang đến
những kết quả tăng tiến lớn lao.
Tâm bồ đề tự nó có hai khía cạnh: ngưỡng mộ và thực hành. Ngưỡng mộ chỉ đơn thuần
là nguyện ước thành tựu Giác Ngộ cho tất cả chúng sanh, khát vọng theo đuổi con
đường. Sự thực hành bắt đầu với việc thọ giới Bồ tát và hứa sẽ đem nó vào trong
hành động. Ngưỡng mộ đơn thuần chỉ giống như mong muốn đi đến nơi nào đó; thực
hành là thật sự lên đường.
Những phẩm chất tốt đẹp của thậm chí là tâm bồ đề ngưỡng mộ là bao la; thì những
phẩm chất của người đã thọ giới là hơn nhiều biết bao nhiêu! Ngay từ thời khắc
thọ giới, bất cứ điều gì một vị Bồ tát làm, cho dù bước đi hay ngủ nghỉ, sẽ tạo
nên công đức lớn lao chỉ qua năng lực tuyệt đối của mục đích. Và nếu có công đức
lớn lao trong việc muốn giảm nhẹ chúng sanh khỏi một sự khó chịu đơn thuần, thì
có cần đề cập đến lợi ích vô hạn của việc nguyện ước giúp đở vô số chúng sanh
không?
Như được nói rằng suy nghĩ tiêu cực về Bồ tát như vậy có những hậu quả cực kỳ
nghiêm trọng. Do vậy, chúng ta phải thật cẩn thận bảo vệ mình khỏi loại lỗi lầm
này và xem người khác như những vị thầy của chúng ta. Và chúng ta phải không
bao giờ, không vì một lý do đặc biệt nào, nói đến lỗi lầm của những người khác.
Như bậc toàn tri Gendun Drubpa[8] đã
nói: “Hãy biết ơn tất cả chúng sanh và kính trọng tất cả các hành giả với một
cái nhìn thanh tịnh. Hãy khuất phục kẻ thù bên trong.” Chúng ta hãy tuân theo lời
dạy của ngài.
Ẩn Tâm Lộ, 2023
[1] Treatise On Logic
[2] Trong Đại
thừa Phật Giáo, cụm từ ‘vắng bóng tự ngã’ (nairatmya) vô ngã, ego less, lack of
self, áp dụng không chỉ tự ngã của cá nhân, nhân ngã, mà cho tất cả mọi hiện tượng,
pháp ngã, tự ngã hay self trong phạm vi này là thực thể thật sự hay cụ thể. Một
vị Bồ tát phải thực chứng vô ngã trong trong chính tự thân như một cá nhân và
trong tất cả mọi hiện tượng.
[3] Chỗ này không phải nói đến thập địa Bồ tát.
[4] 1.Bố thí, 2.trì giới, 3.nhẫn nhục, 4.tinh tấn,
5.thiền định, 6.trí tuệ, cùng với 7.phương tiện, 8.nguyện lực, 9.năng lực,
10.trí lực.
[5] Long Thọ (thế kỷ thứ nhất hay thứ hai) là một đạo
sư Ấn Độ có trách nhiệm cho việc hoằng truyền giáo huấn Bát Nhã Ba La Mật Đa.
Giáo huấn của ngài về tánh không hình thành căn bản cho giáo lý Madhyamika hay
Trung Đạo.
[7] Eighteen freedoms and advantages
[8] Gendun Drubpa (1391-1474) là vị thứ nhất trong những vị tái sanh, người sau đó (trong kiếp sống thứ ba) được nhận danh hiệu Đức Đạt Lai Lạt Ma. Vì vậy ngài Đức Đạt Lai Lạt Ma “thứ nhất”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét