- CUỘC ĐỜI CỦA BỒ TÁT VÔ TRƯỚC
Nguyên tác: The Story of Arya Asanga
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển – 23/12/20101- Theo Pháp Tướng Duy Thức Tông [1]
Cùng với thầy của mình là Bồ Tát Di Lặc, Vô Trước là khai tổ của Du Già Tông, hay Duy Thức Tông, một trường phái của Đại Thừa Phật Giáo.
Ba người con trai lớn nhất, đều gọi là Thiên Thân (Vasubandhu), sinh ra ở Purusapura (Peshwar), là những thành viên của gia đình Kiều Thi Ca (Kausika) thuộc dòng dõi Bà La Môn, Ấn Độ. Tất cả ba người đều đã trở thành những Tỳ Kheo Phật Giáo. Người em trai út của Vô Trước được biết là Tỉ-Lân-Trì-Bạt-Bà (Virincivatsa), trong khi người em giữa được biết đơn thuần là Thiên Thân (Vasubandhu), tác giả của Duy Thức Tam Thập Tụng.
Vô Trước là một người được phú cho những đặc tính bẩm sinh của một vị Bồ Tát. Ngài trở thành một vị Tỳ Kheo của Thuyết Nhất Thuyết Hữu Bộ (Sarvastivada), mà sau này thực hành thiền quán và giải thoát khỏi tham dục. Mặc dù ngài khảo sát lý thuyết của tính không, nhưng không thể thấu hiểu. Ngài định tự tử. Pindola, một vị a la hán, người ở Đông bộ Purvavideha, nhận biết điều này, đã đến gặp ngài tại vùng ấy và giảng giải lý thuyết tính không đặc thù của Tiểu Thừa. Ngài đã điều chỉnh lại tư tưởng của ngài phù hợp với những gì ngài đã được dạy và lập tức lĩnh hội được. Mặc dù ngài đã đạt được giáo thuyết tính không đặc thù của Tiểu Thừa, tuy thế, ngài không tìm thấy sự thoãi mái trong ấy. Nghĩ rằng sẽ không đúng nếu từ bỏ vấn đề hoàn toàn, ngài đã lên cung trời Đâu Suất sử dụng tất cả những thần thông đặc biệt của Tiểu Thừa và hỏi Bồ Tát Di Lặc, (vốn lắng nghe Giáo Pháp một cách thân cận khi Đức Phật tại thế, và sau này lên cung trời Đâu Xuất để giảng dạy cho chư Thiên ở đấy) người đã giảng giải chi tiết cho ngài giáo thuyết tính không thuộc Đại Thừa. Khi ngài trở lại Diêm Phù Đề (Jambudvipa), ngài khảo sát tương hợp với những phương pháp đã giải thích cho ngài và chẳng bao lâu đã chứng ngộ. Trong khi ngài tiến hành khảo sát, trái đất bắt đầu chuyển động trong cách (theo cách của nó). Từ khi ngài thông hiểu giáo thuyết tính không, ngài tự gọi mình là “Vô Trước” (Asanga), có nghĩa là “không chấp trước”. Sau đó ngài thường lên cung trời Đâu Xuất nhằm đề hỏi Di Lặc về những lý thuyết của Đai Thừa Kinh Điển. Bồ Tát đã giải thích chi tiết cho ngài. Bất cứ khi nào ngài đạt được bất cứ sự thông hiểu mới nào, ngài sẽ trở lại Diêm phù Đề và giảng dạy cho người khác. Hầu hết những người nghe ngài giảng dạy đã không tin ngài. Vô Trước, Giáo Thọ Pháp Bảo, thế rồi đã cầu nguyện, nói rằng, “Con nay muốn đưa tất cả chúng sinh tin tưởng hoàn toàn trong giáo thuyết của Đại Thừa. Con chỉ cầu nguyện đến Thầy, Ôi Đại Sư, xin hãy xuống Diêm phù Đề để khai triển Đại Thừa để cho tất cả chúng sinh có thể hoàn toàn được thuyết phục với chân lý của nó.” Di Lặc, ngay sau đó, theo lời cầu nguyện của ngài , đã đến Diêm phù Đề vào ban đêm, tràn ngập ánh đại quang minh, có một chúng hội lớn của những ai liên hệ với Phật Pháp quy tụ trong giảng đường, và bắt trì tụng kinh Thập Thất Địa (Saptadasabhumi-sutra). Sau khi trì tụng một đoạn, ngài giảng giải ý nghĩa của nó. Mười Bảy Địa được hoàn tất vào ban đêm trong bốn tháng. Mặc dù tất cả đều cùng ởtrong giảng đường nghe thuyết pháp kinh luận, tuy nhiên, chỉ riêng Vô Trước, Giáo Thọ của Pháp Bảo, thân cận với Bồ Tát Di Lặc, trong khi những người khác chỉ có thể nghe ngài từ xa. Vào ban đêm, tất cả đều cùng nghe luận điển từ Di Lặc, trong khi vào ban ngày, Vô Trước - Giáo Thọ của Pháp Bảo, luận giải một lần nữa, vì lợi ích những người khác, trên những gì mà ngài đã được dạy bảo bởi Di Lặc Bồ Tát. Trong cách này tất cả mọi người có thể nghe và tin tưởng giáo pháp Đại Thừa. Di Lặc Bồ Tát đã dạy Vô Trước - Giáo Thọ của Pháp Bảo, học hỏi “nhật quang” tam muội. Khi ngài nghiên cứu theo những gi ngài được dạy, sau đó ngài đã đạt được sự thâm nhập vào tam muội ấy. Sau khi nhập vào tam muội ấy, tất cả những gì xưa kia ngày không thể thấu hiểu đã trở nên dễ hiểu. Bất cứ điều gì ngài đã nghe hay đã thấy không bao giờ quên mất, sức nhớ của ngài trở nên dai dẳng. Bất cứ nơi nào, trước đây ngài không thể thấu hiểu hoàn toàn những kinh điển của Đại Thừa, chẳng hạn như kinh Hoa Nghiêm, được Đức Phật thuyết giảng xưa kia, Di Lặc Bồ Tát đã giải thích cho ngài tất cả những điều này ở cung trời Đâu Suất. Sau đó ở Diêm Phù Đề, ngài đã viết vài bộ luận về kinh điển, trong ấy ngài đã trình bày chi tiết tất cả giáo thuyết Đại Thừa được Đức Phật thuyết giảng. Vô Trước Tôn Giả tiếp nhận giáo huấn từ Di Lặc Bồ Tát và truyền bá khắp thế giới. Ngài giao phó truyền thừa Giáo Pháp này cho Thiên Thân. Giáo huấn Tịnh Độ được truyền đạt từ Di Lặc Bồ Tát cho Vô Trước Tôn Giả và rồi từ Vô Trước đến Thiên Thân Tôn Giả. Thụ nhận sự truyền thừa này Thiên Thân đã trước tác Tịnh Độ Luận [5].
2- Theo Kim Cương Thừa Mật Tông [2]
Theo truyền thống Tây Tạng, Vô Trước sinh ra ở Purusapura, thủ phủ của Gandhara, từ một phụ nữ Bà La Môn xem như thông thạo trong giáo huấn của Đạo Phật, người đã dạy cho ngài “mười tám khoa học” là những điều ngài tiếp thu rất dễ dàng. Ngài đã trở thành một vị tu sĩ và sau năm năm thực hành cẩn trọng, ngài đã thuộc lòng một trăm nghìn bài kệ Pháp Bảo mỗi năm và thấu hiểu một cách chính xác ý nghĩa của chúng.
Sau đó ngài đã rời tu viện để thực tập nghi quỹ Tôn Giả Di Lặc trong một hang động tại chân một ngọn núi. Trong ba năm, không có một dấu hiệu thành tựu nhỏ nhoi nào, và ngài trở nên chán nản và quyết định rời bỏ sự ẩn tu của mình. Từ hang động, ngài chú ý một tổ chim lộ ra nơi ngọn núi chỉ lõm vào do cánh chim bay vào bay ra. Nhận ra sự nhẫn nại yếu kém của mình, ngài trở lại hang đá và thực tập. Ba năm nữa ngài thiền tập, nhưng cũng thế không có một dấu hiệu tốt đẹp nào xuất hiện. Ngài trở nên ngã lòng và đã rời hang động một lần nữa. Lần này ngài thấy một hòn đá bên cạnh đường tan hoại một cách chậm chạp do bởi những giọt nước liên tục rơi trên nó. Cảm hứng bởi điều này, ngài đã trở lại thực hành ba năm nữa.
Khi không có dấu hiệu gì khích lệ, ngài đã rời nơi ẩn tu lần thứ ba. Khi ngài gặp phải một ông lão đang mài một mãnh sắt với một mãnh vải bông nhẳn. “Tôi đang làm chính xác cho xong cây kim này,” ông nói với Vô Trước. “Tôi đã làm những cây kim ở đấy” và ông chỉ một đống nhỏ những cây kim nằm bên cạnh. Vô Trước nghĩ, “Nếu nổ lực như cậy đã được dành cho một công việc trần gian như thế này, nổ lực của mình từ trước đến nay chỉ là một giọt nước rơi.”
Ngài đã trở lại và thiền quán ba năm nữa. Mặc dù ngài đã tu tập mười hai năm về Di Lặc, ngài vẫn không có một dấu hiệu gia hộ cỏn con nào. Ngài trở nên cực kỳ thất vọng và bước đi khỏi hang động. Sau một lúc ngài đi qua một con chó gần chết năm bên vệ đường, đầy những con giòi bọ rút rĩa, kêu la trong đau đớn. Vô Trước nghĩ, “Con chó này sẽ chết nếu những con giòi bọ không được dời đi, nhưng nếu mình đem chúng ra bằng tay, mình sẽ làm tổn thương chúng.” Thế là ngài quyết định dùng lưỡi để không làm hại chúng, và cắt thịt mình để cho chúng sống, rồi ngài cúi xuống để hút những con giòi bọ ra. Ngay lúc ấy con chó biến mất và Di Lặc xuất hiện, ánh sáng chiếu rực khắp mọi phương.
Vô Trước bật khóc và than, “A, vị thầy duy nhất và nơi nương tựa của con, qua bao năm con đã bỏ ra bao nhiêu nổ lực trong sự thực hành, sử dụng hằng trăm phương cách, nhưng con chẳng thấy gì. Tại sao cơn mưa và năng lực của đại dương chỉ bây giờ mới đến, khi bị dày vò bởi đớn đau, con không còn khao khát nữa?”
Di Lặc trả lời, “Thật sự là, ta liên tục hiện diện trong con, nhưng do bởi nghiệp chướng cản trở nên con không thể thấy ta. Tuy nhiên, sự thực tập của con đã tịnh hóa nghiệp chướng và loại trừ những chướng ngại. Bây giờ, do năng lực của từ bi lớn con có thể gặp ta. Để thẩm tra lời ta, hãy đặt ta lên vai con cho người khác thấy và đem ta qua thành thị.”
Vô Trước vui mừng khôn tả. Đặt Di Lặc lên vai và cõng Ngài vào trong thành, tuy thế không ai thấy Di Lặc. Một bà lão thấy Vô Trước mang một con chó chết và điều ấy là cho bà ta may mắn vô tận. Một người phụng sự trung thành thấy bàn chân của Di Lặc và thấy mình ở trong một thể trạng tam muội và cho anh ta tất cả những sự thành tựu. Tự Vô Trước thực chứng tam muội gọi là “Tương tục Thực tại”.
“Con mong muốn gì bây giờ?” Di Lặc hỏi Vô Trước.
“Phục hưng giáo nghĩa Đại Thừa”, Vô Trước trả lời.
“Ô, thế thì, hãy nắm lấy vạt áo của ta.” Vô Trước làm như thế và thầy trò cùng lên đến Tịnh Độ Đâu Suất nơi mà họ đã ở lại trong năm mươi năm. Ở đây, Vô Trước quán triệt thành thạo giáo huấn Đại Thừa và tiếp nhận Năm Bộ Luận nổi tiếng của Di Lặc, mỗi bộ mở ra một cánh cửa khác nhau của tam muội.
Để dâng hiến cho sự hiện thực những giáo huấn này, Vô Trước đã trở lại trái đất và xây dựng một ngôi chùa nhỏ trong rừng. Đầu tiên chỉ một vài học nhân đến học hỏi giáo huấn từ ngài, nhưng dần dần danh tiếng giáo thuyết của ngài lan rộng và trường phái Du Già được thành lập. Ngài đã trở thành Viện trưởng của Na Lan Đà và sống khỏe mạnh đến hơn 100 tuổi, nhưng trông ngài luôn luôn trẻ trung, không có tóc bạc và da nhăn.
Ngài đã biên soạn nhiều công trình Đại Thừa quan trọng bao gồm những gì đã được biết như Năm bộ luận của Di Lặc. Những bộ sách này bao gồm
1- Hiện Quán Trang Nghiêm Luận, Abhisamayalamkara
2- Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận, Mahanaya Sutralankara
3- Trung Biên Phân Biệt Luận, Madhyanta-vibhanga
4- Pháp Bảo – Pháp Tính Phân Biệt Luận , Dharma-dharmata-vibhaga
5- Tương Tục Tối Thượng, Uttaratantra
Các tác phẩm nổi tiếng của ngài,
6- Đại Thừa Nhiếp Luận Tông, Mahayana-samparigraha
7- A Tỳ Đạt Ma Tập Luận, Abhidarma-samuccaya
8- Du Già Sư Địa Luận, Yogacharabhumi-shastraTheo nhà sử học Tây Tạng Taranatha, giáo huấn Mật tông Tương Tục (tantra[3]) được truyền xuống trong bí mật qua truyền thừa của Du Già Hành Tông (Yogacara) từ thời Vô Trước. Trong ba tạng Tây Tạng là một vài tác phẩm Mật tông Tương Tục được cho là của Vô Trước bao gồm cả nghi quỹ Di Lặc (Maitreya Sadhana) và Bát Nhã Ba La Mật (Prajna-Paramita Sadhana).
3- Xem thêm về ngài Vô Trước trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia[4]
Chú thích:
[1] (Paramartha, "The Life of Vasubandhu", J. Takakusu, tr. [with some editing], pp. 273-275)
http://online.sfsu.edu/~rone/Buddhism/Yogacara/Basicasanga.htm
[2] Through Tibetan Buddhism inspire compassion, loving-kindness and peace
http://asangainstitute.com/id1.html
[3] Từ ngữ ‘tantra’ có nghĩa là ‘sự tương tục’. Mật Điển Du-già có tên gọi là Trang Nghiêm Kim Cương Tâm Yếu Mật Điển giải thích rằng giải thích rằng tantra là một sự tương tục được định nghĩa là sự tương tục của tâm thức. Trên căn bản của tâm thức này, mà với cấp độ phát khởi chúng ta phạm phải những hành vi tiêu cực, như một kết quả của những điều đó, chúng ta trải qua vòng luân hồi tàn bạo của sinh tử. Trên con đường tâm linh, cũng trên căn bản của sự tương tục tâm thức mà chúng ta có thể tạo nên những sự cải thiện tinh thần, trải nghiệm những nhận thức cao thượng của đạo pháp và v.v… Nó cũng là căn bản của sự tương tục tâm thức mà chúng ta có thể đạt đến thể trạng toàn giác [nhất thiết trí]. Do thế, sự tương tục này của tâm thức luôn luôn hiện diện, đấy là ý nghĩa của tantra hay sự tương tục. - Tổng Quan Những Con Đường Của Phật Giáo Tây Tạng.
http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-81_4-7669_5-50_6-1_17-58_14-2_15-1/#nl_detail_bookmark
[4] Bách Khoa toàn thư mở http://vi.wikipedia.org/wiki/V%C3%B4_Tr%C6%B0%E1%BB%9Bc
[5] xem Thiên Thân Tịnh Độ luận
(Hình minh họa bên phải: Đại luận sư Vô Trước, được trình bày với ấn Sa-môn (sa. śramaṇa-mudrā, dấu hiệu của sự đoạn niệm, từ bỏ, thoát li). Sư mang một mũ đầu nhọn, dấu hiệu tượng trưng cho một Học giả (sa. paṇḍita), ba vòng trên mũ là dấu hiệu của một Pháp sư tinh thông Tam tạng. Bình đất đựng nước phía sau cho biết rằng, Sư là một luận sư Ấn Độ, xứ nóng. Bình đất đựng nước có công dụng giữ nước mát dưới ánh nắng gắt vì nước có thể bốc hơi một ít qua vành đất nung và giảm nhiệt. Các luận sư Tây Tạng không được trình bày với bình đất vì họ là người xứ lạnh, chỉ uống trà)Vô Trước (zh. 無著; sa. asaṅga, nghĩa là "không bị ô nhiễm, vướng mắc"), cũng được dịch âm là A-tăng-già (zh. 阿僧伽), khoảng thế kỷ 4, là một Đại luận sư của Phật giáo Ấn Độ, người sáng lập Duy thức tông (sa. vijñānavādin). Sư khước từ quan điểm của Long Thụ (sa. nāgārjuna) về tính Không tuyệt đối và thiết lập giáo pháp của mình dưới ảnh hưởng của Thuyết nhất thiết hữu bộ (sa. sarvāstivādin). Tương truyền Sư được Bồ Tát Di-lặc trực tiếp giáo hoá. Có một số luận sư cho rằng Di-lặc này là một nhân vật lịch sử với tên Maitreyanatha (sa. maitreyanātha).
Cơ duyên & hành trạng
Theo Bà-tẩu-bàn-đậu pháp sư truyện (zh. 婆藪槃豆法師傳, tức là Thế Thân truyện) của Chân Đế (sa. paramārtha), Sư sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn và là người anh cả, Thế Thân (sa. vasubhandu) là người em kế và người em út có tên Tỉ-lân-trì-bạt-bà (zh. 比鄰持跋婆, sa. viriñcivatsa). Cả ba anh em đều tu học giáo pháp của Thuyết nhất thiết hữu bộ. Riêng Sư chú tâm tu tập để chứng ngộ được tính Không (sa. śūnyatā) của Long Thụ nhưng không đạt được. Đang lúc thất vọng thì một vị A-la-hán tên là Tân-đầu-la (sa. piṇḍola) đến, dạy Sư nhập môn phép quán Không theo Tiểu thừa. Sư theo học và đạt được kết quả nhưng vẫn không thoả mãn. Cuối cùng, Sư vận dụng Thần thông (sa. ṛddhi) lên Đâu-suất thiên (sa. tuṣita) để được nghe Bồ Tát Di-lặc thuyết giảng về tính Không. Về lại nhân thế, Sư truyền bá lí thuyết mới này nhưng không ai tin. Sau, Sư lại lên Đâu-suất để thỉnh Di-lặc xuống giáo hoá và sau đó Di-lặc giáng trần, thuyết giảng Thập thất địa (sa. saptadaśabhūmi, tức là 17 quyển của Du-già sư địa luận) trong một khoảng thời gian bốn tháng. Trong lúc này, Sư ban ngày thì thuyết giảng những lời dạy của Di-lặc, ban đêm lắng nghe và ghi chép lại những lời thuyết đó. Sau đó, Sư bắt đầu trình bày tất cả giáo lí Đại thừa qua những trứ tác quan trọng của mình và cũng khuyến dụ Thế Thân, người em cùng mẹ khác cha, vốn theo học giáo lí của Hữu bộ và cũng đã viết bộ luận lừng danh là A-tì-đạt-ma-câu-xá (sa. abhidharmakośaśāstra). Thế Thân nghe lời khuyên của Sư và từ đây, hai anh em trở thành hai Luận sư quan trọng của Đại thừa Phật pháp, đại diện cho nhánh Duy thức, để lại những tác phẩm vô cùng quý giá cho hậu thế.
Những nhà Phật học ngày nay đều nhất trí rằng, Đại thừa Phật pháp là sự phát triển của các giáo lí mà Phật Thích-ca lịch sử từng tuyên thuyết nhưng không hẳn là chính lời của vị này. Trong thời của Vô Trước, giáo lí Đại thừa này bị nhiều trường phái Tiểu thừa chỉ trích, cho là Dị giáo (sa. tīrthikā; pi. titthiyā), là giáo lí của tà ma, ngoại đạo. Sư cũng đứng trước vấn đề này và đã tìm cách chứng minh tính chất phù hợp, tiếp nối, phát triển của giáo lí mới, nêu ý kiến của mình trong Nhiếp đại thừa luận:
- "Nếu Đại thừa là giáo lí sau này của một người nào đó thì Phật đã bảo rằng, đây là một mối nguy hại cho tương lai. Nhưng Ngài đã không nói. Đại thừa xuất phát cùng thời với Thanh văn thừa (sa. śrāvakayāna), không phải thời sau. Nếu như thế thì sao người ta không thể xem nó chính là lời Phật (sa. buddhavacana) thuyết? Giáo lí thâm sâu này không thể hội được qua biện luận nghi ngờ; những giáo lí này không thể nào tìm thấy được trong các Dị giáo luận (sa. tīrthikāśāstra) và nếu nó được thuyết giảng, ngoại đạo cũng không thể hiểu nổi..." Sư nhấn mạnh rằng ý nghĩa (sa. artha) được trình bày trong Đại thừa không nhất thiết theo ngôn ngữ trình bày trên giấy mực; nó chính là cái cốt tuỷ nằm sau những lời văn này. Người ta không thể thâm nhập huyền nghĩa nếu chỉ chú tâm, bám chặt vào văn tự.
Theo thuyết của Cao tăng Tây Tạng Đa-la-na-tha (zh. 多羅那他; bo. tāranātha ཏཱ་ར་ནཱ་ཐ་), Sư đến nhiều vùng tại Ấn Độ và xiển dương giáo lí Đại thừa Duy thức, thành lập khoảng 25 tu viện. Thời gian hoằng hoá của Sư được xem là nằm trong thế kỉ thứ tư, đặc biệt là trong những vùng Tây Bắc Ấn Độ, bây giờ thuộc về Pakistan.
Tác phẩm
Các tác phẩm quan trọng của Vô Trước là Du-già sư địa luận, Đại thừa trang nghiêm kinh luận, Đại thừa a-tì-đạt-ma tập luận và Nhiếp đại thừa luận, một bộ luận viết bằng văn vần trình bày giáo pháp của Duy thức tông, hiện nay chỉ còn bản dịch chữ Hán và Tây Tạng. Tác phẩm này gồm có mười chương và bàn luận các điểm sau:
- A-lại-da thức;
- Lí thuyết cho rằng tất cả thế giới đều từ tâm thức hiện nên, thuần tuý duy tâm (sa. cittamātra);
- Cách chứng ngộ được thuyết này;
- Các hạnh Ba-la-mật;
- Thập địa;
- Giới;
- Thiền định;
- Bát-nhã;
- Trí huệ siêu việt vô phân biệt;
- Tam thân (sa. trikāya).
Có thuyết cho rằng, Sư cũng là tác giả của Bí mật tập hội (sa. guhyasamāja-tantra), một tác phẩm quan trọng thuộc hệ Vô thượng du-già, và nếu vậy Sư giữ một vị trí quan trọng trong Mật tông Phật giáo.
Các tác phẩm còn lưu lại dưới tên Sư hoặc dưới tên Di-lặc (trích):
- Hiển dương thánh giáo luận (sa. prakaraṇāryaśāsana-śāstra, ārya-śāsana-prakaraṇaśāstra), 20 quyển, Huyền Trang dịch;
- Du-già sư địa luận (sa. yogācārabhūmi-śāstra), 100 quyển, Huyền Trang dịch;
- Nhiếp đại thừa luận (sa. mahāyānasaṃgraha), 3 quyển, Chân Đế dịch;
- Đại thừa a-tì-đạt-ma tập luận (sa. abhidharma-samuccaya), 7 quyển, Huyền Trang dịch;
- Đại thừa kinh trang nghiêm luận tụng (sa. mahāyāna-sūtralaṅkāra-kārikā), 13 quyển, Ba-la-phả-mật-đa-la (sa. prabhakāramitra) dịch, cũng có bản Phạn và Tạng ngữ;
- Thuận trung luận (sa. madhyāntānusāra-śāstra), 2 quyển, Bát-nhã Lưu-chi (sa. prajñāruci) dịch;
- Năng đoạn kim cương bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh luận tụng (2 bản, sa. āryabhagavatī-prajñāpāramitā-vajracchedikā-saptārtha-ṭīkā và triśatikāyā-prajñāpāramitāyā-kārikā-saptati); 3 quyển, Bồ-đề Lưu-chi dịch, Nghĩa Tịnh cũng dịch một bản;
- Giải thâm mật kinh chú (sa. ārya-saṃdhinirmocana-bhāṣya), chỉ còn bản Tạng ngữ;
- Hiện quán trang nghiêm luận tụng (sa. abhisamayā-laṅkāra-nāmaprajñāpāramitā-upadeśa-śāstra [-kārikā] thường được viết ngắn là abhisamayālaṅkāra-śāstra), còn bản Phạn và Tạng ngữ;
- Biện trung biên luận tụng (sa. madhyānta-vibhāga-kārikā), bản Hán và Tạng ngữ vẫn còn. Có hai bản dịch tại Trung Quốc, Huyền Trang dịch ra 3 quyển, Chân Đế dịch ra 2 quyển dưới tên Trung biên phân biệt luận;
- Pháp pháp tính phân biệt luận (sa. dharma-dharmatā-vibhāga), chỉ còn bản Tạng ngữ.
Tham khảo
- Fo Guang Ta-tz'u-tien 佛光大辭典. Fo Guang Ta-tz'u-tien pien-hsiu wei-yuan-hui 佛光大辭典編修委員會. Taipei: Fo-guang ch'u-pan-she, 1988. (Phật Quang Đại Từ Điển. Phật Quang Đại Từ Điển biên tu uỷ viên hội. Đài Bắc: Phật Quang xuất bản xã, 1988.)
- Das Lexikon der Östlichen Weisheitslehren, Bern 1986.
- Giải thâm mật kinh chú (sa. ārya-saṃdhinirmocana-bhāṣya), chỉ còn bản Tạng ngữ;
- Hiện quán trang nghiêm luận tụng (sa. abhisamayā-laṅkāra-nāmaprajñāpāramitā-upadeśa-śāstra [-kārikā] thường được viết ngắn là abhisamayālaṅkāra-śāstra), còn bản Phạn và Tạng ngữ;
- Biện trung biên luận tụng (sa. madhyānta-vibhāga-kārikā), bản Hán và Tạng ngữ vẫn còn. Có hai bản dịch tại Trung Quốc, Huyền Trang dịch ra 3 quyển, Chân Đế dịch ra 2 quyển dưới tên Trung biên phân biệt luận;
- Pháp pháp tính phân biệt luận (sa. dharma-dharmatā-vibhāga), chỉ còn bản Tạng ngữ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét